Tôi được PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết: Sáng qua (25/5/2010), Đoàn Khai quật khảo cổ di chỉ Thành Dền 2010 đã tới Viện Di truyền Việt Nam chứng kiến việc cấy 4 trong số 10 cây mạ mọc từ thóc phát hiện trong tầng văn hóa Đồng Đậu của di chỉ Thành Dền.
Cũng theo PGS-TS họ Lâm, ngay khi phát hiện một số hạt thóc từ “hố rác bếp” số 3 của hố khai quật Hai, chị đã gọi điện thoại cho một số nơi nhờ tư vấn, giúp đỡ.
Cơ quan phản hồi nhanh nhất là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Sáng gọi, thì ngay buổi trưa, Viện trưởng PGS.TS. Lê Huy Hàm đã sang tận nơi và nhiệt tình nhận chăm sóc giúp 8 hạt thóc cổ nảy mầm.
PGS-TS Lâm Mỹ Dung bảo, có lẽ đến bây giờ ông Lê Huy Hàm vẫn chưa thật tin được đó là những hạt thóc có tuổi trên 3000 năm. Dầu vậy, ông đã có ứng xử rất trách nhiệm và rất cẩn trọng của một nhà khoa học. Những hạt thóc nảy mầm đã được chăm sóc rất cẩn thận.
Cũng theo PGS-TS họ Lâm, 2 hạt thóc đã nẩy mầm còn lại, Đoàn Khai quật có ý nhờ Viện Lúa ( Đại học Nông nghiệp I) chăm sóc và nghiên cứu để sau này có tư liệu đối sánh, nhưng họ đã không nhận lời.
Lúc 17g38 ngày thứ Ba 25/05/2010, vietnamnet.vn/khoahoc "SÀO" lại tin của Bee.net.vn: Cần 2,7 tỷ đồng để xác định niên đại hạt thóc cổ:
(TinnhanhVietNamNet)-Mất khoảng 2,7 tỷ đồng ở Việt Nam và nhiều gấp 10 lần như thế ở nước ngoài nếu muốn xác định chính xác niên đại của hạt thóc cổ vừa được tìm thấy.
Trả lời trên báo điện tử Bee, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, GĐ Viện Nghiên cứu Lúa – ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Xét về quỹ gen của lúa thì không có gì đặc biệt. Vì bản thân cây lúa sẽ tiến hóa thành cây lúa trồng trọt và cả theo hướng cỏ dại. Nước ta có 20 loài lúa thì trong đó có tới 9 loài hoang dại.Và ông Hoan cho rằng, rất có thể đó chỉ là một sự nhầm lẫn của các nhà khảo cổ. Sở dĩ dư luận quan tâm là vì nó khó hiểu. Nếu là hạt lúa 3.000 năm tuổi thì bộ gen là thứ đáng quan tâm nhất và sau đó sẽ phải lý giải tại sao nó lại có thể được bảo quản chừng đó năm trong điều kiện tự nhiên.Do đó, cần phải có các các xét nghiệm cơ bản. Nếu để đánh giá sơ sơ thì mất ít nhất khoảng 200 triệu đồng. Nếu làm đầy đủ thì mất khoảng 2,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hoan vẫn đặt giả thuyết nghi ngờ đây là “một cú lừa về mặt khoa học”.
Trước đó, VietNamNet có đưa tin về việc “hạt thóc 3.000 năm” khai quật được tại di chỉ Thành Dền (Cổ Loa). Hiện các nhà khoa học đang chăm sóc cây mạ để chờ đến tháng 10 trổ bông.TS. Phạm Xuân Hội, trưởng phòng Bệnh học phân tử, người trực tiếp chịu trách nhiệm chăm sóc các cây lúa cổ cho biết, 8 cây mà viện tiếp nhận đợt đầu đã có hai cây cao 17 cm. Hai cây đợt sau phát triển ngang nhau.Về hình dạng và quá trình sinh trưởng, TS. Phạm Xuân Hội, cho biết ngoài hình thái lá hơi mảnh, hẹp, những “cây mạ 3.000 tuổi” này sinh trưởng không khác nhiều so với những cây lúa hiện đại.Dự định, trong tuần tới những cây lúa cổ sẽ được chuyển ra trồng cố định và vỏ trấu được trả lại để tiến hành xét nghiệm xác minh niên đại chính xác của chúng.
Cẩm Anh (tổng hợp)
HẾT TRÍCH DẪN.
Tôi bất ngờ không hiểu sao phóng viên Cẩm Anh lại viết: Thành Dền (Cổ Loa), dù hầu hết các báo đều đưa tin trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội) kết hợp với Bảo tàng Hà Nội đã tiến hành khai quật di chỉ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội)
Tìm đọc bài gốc trên Khoa học & Đời sống Online (tức Bee.net.vn) tôi suýt nổi khùng về trình độ tổng thuật của phóng viên Cẩm Anh. Vì vậy, dù hơi dài, nhưng vẫn xin chép ra đây:
Cần 2,7 tỷ đồng để biết thông số của thóc 3000 tuổi
25/05/2010 11:21:37
-”Nếu đây là những hạt thóc có từ 3.000 năm thì thật sự là một kỷ lục. Việc xác định chính xác niên đại, cũng như các thông số khác của những hạt lúa này về mặt khoa học, không có gì là khó khăn, cái chính là tiền. Sẽ phải mất khoảng 2,7 tỷ đồng nếu làm trong nước và nhiều gấp 10 lần như thế nếu làm ở ngoài nước”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, GĐ Viện Nghiên cứu Lúa – ĐH Nông nghiệp Hà Nội nói.
.
Lạ, nhưng không có gì đặc biệt
- Ông tiếp nhận thông tin về hạt lúa 3.000 năm vào thời điểm nào?
- Ngay thời điểm các nhà khoa học tìm thấy hạt lúa đó thì tôi không biết. Chỉ đến khi hạt lúa nảy mầm rồi thì chúng tôi mới được báo. Khi tôi sang định tiếp nhận về nghiên cứu thì Viện Di truyền đã lấy các hạt đó về rồi. Tôi được biết có tất cả 10 hạt nảy mầm nhưng hai hạt mầm không đủ sức sống đã chết.
- Khi biết về sự việc này, quan điểm của ông như thế nào?
- Đây chỉ là một hiện tượng lạ. Nhưng xét về quỹ gen của cây lúa thì không có gì đặc biệt cả. Vì bản thân cây lúa nó tiến hóa song song, tiến hóa thành cây lúa trồng trọt và tiến hóa theo hướng cỏ dại. Nước ta có 20 loài lúa thì trong đó có tới 9 loài hoang dại.
- Nếu không có gì đặc biệt sao nó lại được dư luận quan tâm?
- Người ta quan tâm vì nó khó hiểu. Nếu đúng đây là hạt lúa 3.000 năm tuổi thì bộ gen của nó là thứ đáng quan tâm nhất. Sau đó sẽ là việc lý giải tại sao nó lại có thể được bảo quản chừng đó năm trong điều kiện tự nhiên.
Yếu tố nào làm nên sức sống của hạt thóc? Trả lời được câu hỏi này, nó sẽ là một phát kiến mới lạ trong khoa học. Sẽ không chỉ là cách để bảo quản hạt giống nói riêng mà còn có thể áp dụng để bảo quản rất nhiều thứ khác.
- Ông có thấy vô lý không nếu hạt thóc đó sống được 3.000 năm?
- Thế giới có nhiều điều vô lý nhưng lại có lý. Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện ra một loại vi khuẩn sống trong dòng chảy núi lửa. Khi không biết vì sao sinh vật có thể sống được trong môi trường đó thì người ta thấy rất vô lý. Nhưng sau khi nghiên cứu người ta phát hiện ra loại vi khuẩn này tạo ra một lớp vỏ bọc khiến nhiệt độ không dẫn vào bên trong. Phải qua 30.000 độ thì nhiệt độ mới xuyên qua được lớp vỏ bọc đó. Thế đấy, khi biết rồi thì lại thấy bình thường!
.
Cần 2,7 tỷ đồng mới biết đúng lúa cổ hay không
- Như ông nói thì hạt thóc này đã được bảo quản tốt chứ không phải bản thân nó mang trong mình những đặc tính cho phép tồn tại qua 3.000 năm?
- Đúng như thế. Điều kiện bảo quản hoàn hảo này là do thiên nhiên tạo ra. Nhưng nói chung khi chưa có kết luận khoa học chính xác thì không bình luận gì nhiều. Hạt thóc mà tồn tại được qua 3.000 năm thì quá hy hữu.
- Trong môi trường bảo quản nhân tạo thì có thể được bảo quản được hạt thóc tối đa trong thời gian bao lâu?
- Nếu bảo quản bằng nitơ lỏng có nhiệt độ -150độ C thì có thể bảo quản cao nhất được 300 năm.
- Nếu hạt thóc này đúng như các nhà khảo cổ đã nhận định, nghĩa là có niên đại 3.000 năm, thì có ý nghĩa gì đối với những người làm công tác nghiên cứu về giống lúa như ông?
- Nếu đây là hạt thóc cổ sẽ chứng minh được 2 điều. Thứ nhất, so sánh với 44.500 gen lúa mà con người đã biết. Nếu khác biệt, nó sẽ được bổ sung vào nguồn gen của cây lúa trên thế giới. Đó được coi là phát minh. Ngược lại, nếu đi phân tích gen của lúa cổ mà gen nó giống các loài lúa ngày nay thì không có ý nghĩa gì cả. Khi đó nó chỉ có ý nghĩa về mặt khảo cổ.
Đó chính là ý nghĩa thứ 2. Nhưng phải chứng minh bằng luận cứ khoa học. Không được phỏng đoán. Tôi không bao giờ tin các nhà khảo cổ học khi nói tầng nọ tầng kia. Vì tầng nọ tầng kia có một sự dịch chuyển cực kỳ ghê gớm trong không gian. Bằng khoa học để chứng minh đó là lúa cổ thì sẽ có ý nghĩa lớn về khảo cổ.
- Trên thế giới đến nay đã từng ghi nhận một sự kiện hy hữu như thế này chưa?
- Đây là một sự lạ. Trên thế giới có thể cũng chưa biết đến. Hạt lúa xuất hiện cách đây khoảng 16.000 năm trên thế giới, ở Việt Nam thì hạt lúa xuất hiện cách đây khoảng 7.000 năm. Và chưa bao giờ có hiện tượng lạ như thế này xuất hiện.
- Vậy để phân tích được đầy đủ các thông số về hạt thóc này sẽ cần khoảng bao nhiêu kinh phí?
- Để đánh giá sơ sơ cũng mất ít nhất khoảng 200 triệu đồng. Nếu làm đầy đủ thì mất khoảng 2,7 tỷ đồng. Đó là giá trong nước nhé. Nếu mang ra nước ngoài thì chi phí sẽ gấp khoảng 10 lần như thế.
- Gấp 10 lần? Sẽ có người đặt câu hỏi là không biết có nên bỏ tiền ra để làm?
- Để cung cấp thông tin thì thế là quá nhỏ. Làm trong nước ở cơ sở uy tín vẫn có thể cho kết quả chính xác. Vấn đề là ai bỏ tiền ra? Rất khó xin tiền Nhà nước cho việc này.
- Rất khó?
- Đúng thế!
- Nhưng đáng lý đó là việc của Nhà nước?
- Nếu nói chuyện đáng lý thì nó vô vàn lắm. Rất nhiều thứ đáng lý mà nó vẫn cứ vô lý đấy bạn ạ! (Cười).
.
Không nghi ngờ, không phải là nhà khoa học
- Ông có nghi ngờ về niên đại của những hạt thóc?
- Tôi nghi ngờ chứ. Nhà khoa học mà không nghi ngờ thì không phải là nhà khoa học. Kể cả có nghiên cứu rồi thì vẫn nghi ngờ.
- Nhưng rõ ràng là ông phải có cơ sở để nghi ngờ?
- Trên thế giới chưa ghi nhận một trường hợp nào như thế trong điều kiện tự nhiên. Rất nhiều cơ sở để nghi ngờ.
- Ông có cho rằng rất có thể đây là một cú lừa về mặt khoa học?
- Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Và rất có thể đó chỉ là một sự nhầm lẫn của các nhà khảo cổ.
- Ông có lo ngại về việc những cây lúa này sẽ không ra hạt?
- Có. Rất nhiều yếu tố khiến cây lúa không thể ra hạt. Như môi trường không phù hợp, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, dinh dưỡng… Cũng có thể cây lúa mang một số loại bệnh virus nào đó mà không thể ra hạt được.
- Giống lúa Việt Nam có ưu điểm gì so với thế giới?
- Nhiều chứ. Nước ta là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Do vậy mà bộ gen của cây lúa Việt Nam cũng khác các nước khác. Hạt lúa cố này sẽ minh chứng thêm thôi chứ tuổi thọ hạt lúa 3.000 năm thì cũng còn trẻ quá.
- Nếu có thêm gen quý, ý nghĩa thế nào?
- Nó sẽ giống một giống lúa dại thu thập được ở trong tự nhiên. Nó là một khám phá mới đóng góp cho loài người, một giống lúa mới chưa ai biết tới, chắc chắn đó là một khám phá thực sự.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Có thể bắt lúa trổ bông
Đến nay với những hiểu biết của tôi, kinh nghiệm tôi có được thì đó thực sự là một kỷ lục. Phải nghiên cứu xem nó có thể sống lâu đến thế là do đâu? Đối với các giống lúa tồn tại ở nước ta, tuyệt đại bộ phận phản ứng với ánh sáng ngày ngắn.
Giả sử đây là lúa cổ thì nó sẽ phản ứng với ánh sáng ngày ngắn, nó phải tuân thủ hệ thống tự nhiên. Chờ đến 20/10 cây sẽ trổ bông và khoảng 20/11 thì có hạt. Nếu trổ bông mà nó không nở thì vẫn có thể nuôi cấy mô, đưa hormon vào. Với khoa học, kiểu gì cũng làm cho nó ra hạt được, chỉ cần có tiền.
Nguyên Tô (thực hiện)
HẾT TRÍCH DẪN.
Trước hết, tôi thấy lời lẽ của ông Hoan khác hẳn với cách mà PV Cẩm Anh tổng thuật.
Rõ là không có chuyện “ông Hoan vẫn đặt giả thuyết nghi ngờ đây là ‘một cú lừa về mặt khoa học’ “.
Xin nhắc lại câu hỏi và câu trả lời của PV Bee.net.vn:
- Ông có cho rằng rất có thể đây là một cú lừa về mặt khoa học?
- Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Và rất có thể đó chỉ là một sự nhầm lẫn của các nhà khảo cổ.
Kể cả khi ông Hoan nói: “Tôi không bao giờ tin các nhà khảo cổ học khi nói tầng nọ tầng kia. Vì tầng nọ tầng kia có một sự dịch chuyển cực kỳ ghê gớm trong không gian.”, tôi vẫn “thể tất” cho ông được, vì ông không học và làm khảo cổ học.
Nhưng theo tôi hiểu thì 2/10 hạt thóc nảy mầm mà ông Hoan nói “không đủ sức sống đã chết” CHÍNH LÀ 2 HẠT MÀ VIỆN ÔNG ĐÃ TỪ CHỐI KHÔNG NHẬN NGHIÊN CỨU.
Ông Hoan hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tuổi của những hạt thóc cổ đã nảy mầm vì đây là sự kiện chưa có tiền lệ trong khoa học.
Nhưng tôi lấy làm lạ khi ông trả lời phỏng vấn, không phải vì tự ái thay cho các đồng nghiệp, mà là vì:
1- Ông chưa từng tiếp xúc với những hạt thóc này, chưa biết di chỉ khảo cổ học Thành Dền ra sao, chưa hiểu gì về công việc khai quật khảo cổ học và có lẽ chưa đọc những bài viết nhiều chiều về phát hiện này.
2- Nếu nghi ngờ chỉ vì “thế giới chưa ghi nhận một trường hợp nào như thế trong điều kiện tự nhiên” thì không thật là một phản biện khoa học.
3- Sao chưa làm gì mà ông cứ toàn nói đến tiền? Nhưng không lẽ ông không đọc tin Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tuyên bố Tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu: Bộ trưởng Phát khẳng định: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan hỗ trợ và đáp ứng các đề nghị của các nhà khoa học để triển khai những phần việc mà chúng ta thấy là cần thiết”.
Xin được kể lại 1 chuyện bản thân tôi từng đối đầu:
Trong quá trình khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long ở 18 phố Hoàng Diệu (Hà Nội), các đồng nghiệp thường tham vấn tôi về kiến trúc cổ (lúc đó tôi vẫn làm nghề trùng tu di tích bên Bộ Văn hóa).
Họ hỏi tôi về khoảng cách giữa các hàng cột gỗ trong nội thất 1 công trình kiến trúc cổ. Bằng 20 năm làm nghề, tôi trả lời là thường dưới 05 mét.
Vậy mà rồi tôi đã tận tay đo kiểm tra lại khoảng cách giữa 2 chân tảng đá (kê dưới chân các cột gỗ) trong 1 hố khai quật đạt tới 5,75m. Mà các chân tảng đá này không hề có dấu hiệu bị dịch chuyển (in-situ, theo ngôn ngữ khảo cổ).
Các chân tảng đá thời Lý còn nằm nguyên vị trí (in-situ).
Tin hay không? Tôi tin, nhưng nhiều người khác thì không.
Trong một hội thảo tại Viện Nghiên cứu Kiến trúc (Bộ Xây dựng), có 1 GS-TS kiến trúc (xin không nêu tên ở đây) còn hài hước: – Như anh Kiên nói thì chắc bấy giờ còn 1 loại thực vật đặc biệt mà nay đã tuyệt chủng, mới có thể cho loại gỗ đủ lớn để vượt khẩu độ gần 6m.
Nhưng tôi dẫn ra 03 bằng chứng:
MỘT- Phế tích chùa Lạng (Văn Lâm, Hưng Yên) được khai quật năm 1973 cũng phát hiện những chân tảng nằm in-situ, cách nhau từ 5,2 – 6,0m.
HAI- Thượng điện chùa Thày (Quốc Oai, Hà Tây trước kia) được xác định niên đại thế kỷ 17, hiện vẫn có khoảng cách giữa các cột Cái tới 6,0m.
BA- Thánh đường Thiên chúa giáo hiện vẫn tồn tại trong tổng thể Nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) cũng có khoảng cách giữa các hàng cột chính từ 5,8 đến 6,4m.
Phát biểu sau đó, GS-TS Nguyễn Mạnh Kiểm (cựu Bộ trưởng Bộ Xây dựng) thừa nhận gỗ lim có thể vượt khẩu độ trên 6m.
Sau cuộc Hội thảo nói trên, tôi còn nhận được thông tin là không ít KTS đã đi chùa Thầy, nhà thờ Phát Diệm để kiểm tra lại và đều công nhận tôi nói đúng.
NHƯNG,
Đến giờ vẫn có những người không công nhận, vì cũng như PGS.TS Nguyễn Văn Hoan (GĐ Viện Nghiên cứu Lúa) họ không tin khảo cổ học.
Ngay từ bài “vỡ lòng”, Thầy Vượng (dẫn lại lời Ph. Engels) dạy chúng tôi: “Khảo cổ học chỉ đứng sau Toán học về sự chính xác”.
Tôi rất mừng khi biết tin Đoàn Khai quật di chỉ Thành Dền đã quyết định để lại một số “hố rác bếp”, đợi khi có kết quả xác định niên đại của những hạt thóc này cả về khảo cổ cả về sinh học sẽ tổ chức khai quật tiếp với sự tham gia ngay từ đầu của chuyên gia của nhiều ngành khoa học khác nhau.
Chúng tôi còn được Thầy Vượng dạy rằng: “Trong khoa học, không ai được phép nói LỜI CUỐI CÙNG”.
Đoàn khai quật khẳng định những hạt thóc đó được phát hiện trong tầng văn hóa có niên đại cách đây 3000 năm. Điều đó các ngành khoa học khác KHÔNG NÊN tranh cãi.
Tôi không bao giờ nghi ngờ việc Viện Nghiên cứu Lúa – ĐH Nông nghiệp Hà Nội của PGS.TS Nguyễn Văn Hoan tuyên bố đã lai tạo được một giống lúa cao sản, kháng sâu bệnh tốt hơn tất cả các giống đã có trước nay.
Nhưng khi tình cờ một số hạt nảy mầm, thì đó không còn chỉ là chuyện của khảo cổ nữa, mà là chuyện nghiên cứu liên ngành-đa ngành.
Và nhiệm vụ của các nhà khoa học thuộc các ngành khác, nếu tham gia, là nghiên cứu-giải thích hiện tượng kỳ lạ đó, chứ không phải vì nghi ngờ mà lại đi phản bác vấn đề ngoài chuyên môn của mình.
Tôi tán đồng ý kiến của PGS-TS Lâm Mỹ Dung: “Điều này cũng không ảnh hưởng tới công việc của đoàn khai quật và những nỗ lực tìm kiếm các nghiên cứu liên ngành vì chúng tôi cho rằng người làm khoa học thực sự chỉ được phép hoài nghi chứ không được phép đưa ra những kết luận hồ đồ và vô trách nhiệm! “
Báo chí tham gia thông tin cũng cần thấm nhuần ĐẠO ĐỨC KHOA HỌC đó, tránh giật gân câu khách !
.
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN
http://nhkien.blogspot.com/2010/05/khong-ai-uoc-phep-noi-loi-cuoi-cung.html#comment-form
Nha bao' ep' cung qua hihi, viet tu nha bao' ra trong truong hop nay ke cung hoi xuc pham nghe lam bao...
Trả lờiXóaQuote of the day 'Tôi không bao giờ tin các nhà khảo cổ học khi nói tầng nọ tầng kia. Vì tầng nọ tầng kia có một sự dịch chuyển cực kỳ ghê gớm trong không gian'
Trả lờiXóaNghe cuc ky ghe gom khong hieu gi :D