Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Lại bực mình

Cơ khổ, trót đưa lên blog và sau đó được bác Gốc Sậy úp lại và cũng trót đưa tin cho thằng em ở báo Thanh Niên về  mấy hạt thóc tìm thấy trong hố khai quật Thành Dền tự dưng dở chứng nảy mầm do bảo quản trong môi trường ẩm (cứ như mọi khi đem phơi khô ráo tiệt từ đá, đến gốm, đến xương...thì chả làm sao sất) và cứ tưởng bài trên báo Thanh Niên hôm nay đã làm rõ những ý kiến của mình. Nào ngờ suốt từ sáng đến giờ làm việc không yên, tí một lại reng reng... đòi phỏng vấn qua điện thoại hay xin gặp ở Hà Nội.

Sợ thật cho báo với chí nhà mình, PV bây giờ chỉ muốn ngồi trong phòng lạnh, moi tin giật gân, viết bài kiếm nhuận bút. Cuối cùng chỉ có báo Khoa học và Đời Sống và em Kiều Trinh ở TTXVN là chịu sang tận nơi khai quật xem hiện trường, xem hiện vật, quan sát các nhà khảo cổ làm việc, số còn lại khi nghe mình bảo mình không trả lời qua điện thoại và không ở Hà Nội thì các em đều rút lui.
Mà sao Thành Dền quá nhiều cái hay và thú vị, PV chả ai thèm hỏi, chỉ chăm chăm đến thóc nảy mầm, tự nhiên thấy "giá mà chúng đừng nẩy mầm" thì có lẽ tốt hơn. Một lần nữa chán cho báo chí nước nhà quá.

Nghe ý kiến trả lời của một số nhà khoa học có tên tuổi thì còn chán hơn, ở đâu ra cái thái độ của người làm khoa học khi chưa nghiên cứu, chưa tìm hiểu thông tin đến nơi đến chốn đã trả lời TIN hay KHÔNG TIN! Phải HOÀI NGHI và KHÔNG ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH hay PHỦ ĐỊNH NGAY những THÔNG TIN MỚI!
Mình sẽ cố gắng đưa thông tin thật khách quan (nhưng không báo chí gì nữa), lấy tài liệu và khai quật thật cẩn thận, và mọi kết luận cuối cùng đang còn ở phía trước, sẽ còn nhiều chông gai đây, chắc Thầy và Ba sẽ phù hộ cho mình nghiên cứu vấn đề này đến nơi đến chốn!

Có người còn khuyên mình "Đừng làm vì DANH em ạ"! Nghe rất chân tình và quan tâm, nhưng mình cảm thấy LỘN MỬA vì kiểu nói như thế! Không thể hiểu được sao họ lại "suy bụng ta ra bụng người" thế cơ chứ!

MONG MỌI NGƯỜI ĐỂ YÊN CHO MÌNH VÀ CẢ NHỮNG HẠT THÓC CỦA MÌNH!


Dù sao, vẫn phải đãi đất tìm thóc, gạo và tàn tích thức ăn trong các hố rác bếp ở hố 3. Do các cánh đồng lúa xung quanh khu khai quật đã bắt đầu chín, nên phải đem đất về nhà đãi bằng nước giếng khoan cho nó chắc, để hạt mới không lẫn vào hạt cổ. Nói chung nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy sự khác biệt giữa những hạt mới và hạt cũ, hạt cổ.



May mà nhà bác Kiệm nước giếng khoan dùng xả láng


Cô Tấm mà nhặt thì chắc cũng giống mình

Một hạt gạo cháy thành than, cũng có một số hạt thóc, nhưng toàn thóc lép, cả ngày hôm qua được 2 hạt thóc mẩy, cuối giờ chiều mình cũng tìm được 1 hạt thóc mẩy, đưa ngay cho Tiến ử ẩm, xem có nảy mầm nữa không.

Một đốt sống cá lớn

Thức ăn của người Thành Dền xưa xem ra chủ yếu là cơm và cá! chả thấy xương động vật lớn mấy, hôm nọ bác Thủy sang đã xác định có răng lợn sữa, còn Mai Hương thì xác định có đỗ tương.

Chả nhẽ bà con đã làm tương! Đậu phụ thì chưa rõ, chỉ biết đậu phụ Mê Linh hiện nay cực ngon! Ngày nào chị chủ cũng cho ăn, chỉ sợ mấy anh giai khảo cổ bị ảnh hưởng!

   

12 nhận xét:

  1. Huhu, no' lai con` bao me noi' la` day la phat hien 'vo tien khoang hau' nua chu :( Con doc blog thi cung thay ro day moi chi la du doan, con can nhieu nghien cuu, phan tich... thi moi ket luan duoc.

    Con noi that nhe, loi` khuyen cua ai do cung lam con muon puke in my mouth!

    Me oi tu gio nen tranh xa bao' chi' co duoc ko a? :((

    Trả lờiXóa
  2. Keke, giờ Cô giáo mới biết Sức mạnh báo chí nhỉ?
    Lại xin copy bài này về.

    Trả lờiXóa
  3. Ua, sẽ tránh xa như trãnh dịch!

    Trả lờiXóa
  4. Trích: "Thức ăn của người Thành Dền xưa xem ra chủ yếu là cơm và cá! chả thấy xương động vật lớn mấy, hôm nọ bác Thủy sang đã xác định có răng lợn sữa, còn Mai Hương thì xác định có đỗ tương."
    - Không lẽ người Thành Dền xưa phải ăn nguyên một cái đầu trâu hay bò? Hay cả một cái đùi bò thì mới thấy xương động vật lớn???

    Trả lờiXóa
  5. Tôi cũng hay bảo anh xã, tránh báo chí được chừng nào tốt chừng ấy và nếu có những vấn đề cần phải có tiếng nói thì phải được xem bài ( trả lời phỏng vấn) trước khi đưa lên báo.
    Đang bảo anh xã khi nào đi sang đó cho bám càng theo đây!:)
    Mà con gái út đang chuẩn bị thi cử thế nào rồi!

    Trả lờiXóa
  6. Chúc chị và nhóm nghiên cứu bình tâm làm việc trước sự tấn công mang tính thương mại của báo giới.

    Trả lờiXóa
  7. Nếu ăn thịt động vật lớn thì chắc chắn trong hố khai quật sẽ vẫn còn lại những mẩu xương hay răng của những loài đó, ví dụ ở di chỉ Đồng Đậu khá nhiều xương trâu, bò, lợn... ở Thành Dền cho tới nay chỉ mới thấy xương cá(rất nhiều), xương chuột và một số động vật gặm nhấm khác, tất cả những xương này đều có dấu vết đốt cháy!

    Trả lờiXóa
  8. Thưa cô Lâm Mỹ Dung. Em đã từng học môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” ở Trường ĐH KHXH&NV do cô dạy (Khóa 40). Thực sự, đến bây giờ sau mười mấy năm em vẫn không quên được những bài giảng của cô và ấn tượng rất sâu sắc về cách thức truyền thụ kiến thức của cô. Đến khi tốt nghiệp ĐH và đi làm trong lĩnh vực báo chí, em vẫn thường xuyên theo dõi tin tức liên quan đến thầy cô mình, đó là các nghiên cứu, bài viết, phát hiện mới… của thầy cô mình. Trong việc phát hiện hạt thóc 3.000 năm tuổi nảy mầm, theo dõi thông tin trên báo, em thấy cô trực tiếp tham gia vào nghiên cứu này, em rất hãnh diện với tư cách từng là học trò của cô. Nhưng hôm nay, khi đọc entry này của cô, em vẫn không giấu nổi chút thất vọng vì thấy báo chí được xếp chung “một xọt” như một thứ dịch hạch mà các nhà nghiên cứu như cô nói cần “xa lánh”. Thưa cô, ngành nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu và tên vô lại. Báo chí đang có không ít phóng viên đưa tin chộp giật, sai sự thật vì mục đích cá nhân thì ngành khoa học cũng đang có không ít tiến sĩ, thậm chí giáo sư rởm đi lên từ đạo sách, xào nấu sách… Nhưng nếu cô trò mình chỉ nhìn vào một góc khuất đó rồi quy về cái đại thể thì em nghĩ chả có chỗ nào “sạch sẽ” cả. Báo chí thời gian qua cũng đóng góp không nhỏ vào việc tuyên truyền những nghiên cứu, thành tựu khoa học mới của Việt Nam (dù những thành tựu thực sự mới không có nhiều), nhờ đó mà công trình nghiên cứu không bị “đắp chiếu” hay mãi mãi xếp trong ngăn kéo tủ. Những người tài năng, nổi tiếng, không chỉ là giới văn nghệ mà kể cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đều là tâm điểm của dư luận. Điều này là khó tránh khỏi. Cá nhân cô hay người nào khác đều có quyền từ chối hoặc không hợp tác với báo chí. Song em nghĩ một nhà khoa học “xa lánh” báo chí không phải là tốt, mà đánh đồng báo chí vào “một xọt” cũng chả phải hay. Như thế có phần quá cực đoan bởi giao tiếp với báo chí cũng thể hiện trình độ, kiến thức, hiểu biết của các học giả, nhà khoa học.
    Học trò có đôi lời tâm sự với cô như vậy, trong cách nói năng có gì sơ xuất mong cô lượng thứ. Em gửi tới cô lời chào kính trọng và chúc cô mạnh khỏe, có nhiều phát hiện khoa học lý thú.
    Học trò K40

    Trả lờiXóa
  9. Cám ơn em Minh Hoan, em đọc etry tiếp theo của cô rồi chứ, cô cũng thấy mình nóng vội khi đưa ra những nhận định như vậy về báo chí nước mình. Cô cần phải khách quan hơn và công bằng hơn. Có điều 'một sọt" chứ không phải "một xọt".
    Cậu phóng viên Vnexpress mà cô đưa ra trong entry này sau đó đã tới hiện trường và đưa tin đầy đủ và cô rất quý những người biết sửa lỗi như thế!
    Cám ơn em và chúc em công tác tốt và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn cô đã góp ý. Em vừa post lên, đoc lại phát hiện ra lỗi sơ đẳng này nhưng ko có account để sửa. :)) (đây là bút sa nhà báo chết). Em cũng đọc lại entry tiếp theo rồi. Em đã làm việc cho nhiều cơ quan báo chí và thấy trong đội ngũ làm báo hiện có rất nhiều người là học trò cô. Trong sự kiện thóc 3 ngàn tuổi nảy mầm, khi bài báo đầu đưa lên, nhiều người đã à lên “Cô Lâm Mỹ Dũng, ngày trước dạy em đấy”. Điều đó chứng tỏ có những người không gặp cô cả chục năm hay nhiều hơn thế, họ vẫn có cơ hội “tiếp xúc” với cô, dõi theo cô qua kênh báo chí. Thực sự là chúng em cảm thấy vô cùng tự hào mình từng học trường Tổng hợp, là học trò cô Lâm Mỹ Dung. Vừa rồi, khi entry này post lên, cũng có một cậu phóng viên còn rất trẻ có viết đôi lời nhận xét. Em xin post lại dưới đây:

    Thế Kha: Làm báo đã ngày càng vất vả, khó khăn hơn bởi quan chức ngậm miệng, ăn tiền; Bộ, ngành đóng cửa họp hành, bảo nhau, giờ thêm mấy "nhà Khoa học chân chính" hứa với nhau "tránh xa như tránh dịch" với báo chí kiểu này có lẽ sáng lên tòa soạn, tối về phóng viên phải chạy thêm mấy cuốc xe ôm kiếm tiền nuôi miệng mất thôi. Em cũng từng học cô L.M.D, nghe cô nói rất hay về luận điểm, góc nhìn trong 2 cuốn sách cùng tên của cố GS Trần Quốc Vượng khác với GS Trần Ngọc Thêm ra sao khi lý giải về các hiện tượng văn hóa tâm linh, văn hóa làng xã Việt Nam. Ngồi ở giảng đường khoa lịch sử 3 tuần, học một vài tiết môn CSVHVN thôi, nhưng em vẫn còn nhớ cách dạy mang tính so sánh, đối chiếu và giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều về một vấn đề như vậy….

    ------- Từ này, biết cô có blog này. Bọn em sẽ năng lui tới cô ạ. :) . Lúc nào rảnh, mời cô ghé blog em chơi nhé: http://vn.360plus.yahoo.com/hoanddk

    Trả lờiXóa
  11. Thực sự cô rất cảm động khi đọc những dòng tâm sự của các em, đúng là nghề nào, ngành nào, giới nào cũng có người tử tế và không tử tế. Mong rằng mỗi người chúng ta cả cô và các em luôn cố để sống tử tế!
    Cô sẽ ghé thăm blog của em

    Trả lờiXóa