Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Mỗi hiện vật một câu chuyện - Gốm hình lưỡi lợn hay những băn khoăn về cái cà ràng

Năm 1990, anh Chiều được Thầy Vượng trích cho một số tiền từ đề tài NCKH của Thầy vào khai quật Trà Kiệu, nơi mà bắt đầu từ thập kỷ 80 của TK trước bộ môn KCH của ĐHTH Hà Nội đã tiên phong điền dã (sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng từ khai quật của Clayes vào thập kỷ 20 của TK 20).
Hồi đó mình mới về nước, mới ở lại trường, anh Chiều rủ, thích quá đi luôn, dù lúc bấy giờ Hương Ly mới 5 tuổi đang đi mẫu giáo. Mình mang con về gửi mẹ ở Biên Hòa rồi đi tàu hỏa ra Quảng Nam để hết đợt lại lếch thếch vào nam đưa con ra bắc mang theo một cơ số đồ ba mẹ gói gém cho.
Cùng đi khai quật với thầy cô còn có 6 sinh viên chuyên ban, lẽ ra là 7 nhưng một em vào sau. Anh Chiều để lại ít tiền cho sinh viên nhưng rồi em ấy không vào và tiền tạm ứng cũng một đi không trở lại, đời dạy học thi thoảng cũng gặp trường hợp này.
Hố khai quật dưới chân đồi Bửu Châu của đoàn làm phát lộ dấu tích của làng Chăm cổ với diện tích khá lớn, trải rộng ở phần phía bắc của nội thành Trà Kiệu và tập trung nhất ở chân núi Bửu Châu. Trong cả hai tầng văn hóa sớm và muộn từ lớp 27 đến lớp 10 (tầng văn hóa sớm và giữa) đều thấy mảnh vỡ của một loại hình gốm chưa bao giờ thấy trong các địa điểm khảo cổ học miền Bắc Việt Nam. Đó là những mảnh vỡ có hình giống cái lưỡi, trên mép lưỡi có những đường vạch xiên, những người khai quật chúng mình lúc đầu rất lúng túng trong việc xác định chức năng để rồi từ đó đặt tên cho hiện vât.  Anh Chiều, người chủ trì khai quật quyết định gọi đây là hiện vật gốm hình lưỡi lợn chưa rõ chức năng (mặc dù lúc bấy giờ mọi người cũng thiên về khả năng liên quan đến bếp).
Những đợt khai quật sau đó ở Trà Kiệu đã xác nhận gốm hình lưỡi lợn chính là mảnh vỡ của dạng bếp lò bằng đất nung rất hợp với môi trường sông biển và được cư dân miền Trung, miền Nam sản xuất và sử dụng rộng khắp suốt từ thời những thế kỷ cận kề Công nguyên đến tận ngày nay. Có lẽ loại bếp lò đất nung (cà ràng) phát hiện trong di tích khảo cổ học sớm nhất hiện nay là ở Cần Giờ TP.Hồ Chí Minh có niên đại vài thế kỷ trước CN. Bếp lò đất nung miền Trung Việt Nam có niên đại xuất hiện muộn hơn một chút, từ thế kỷ 1 sau Công nguyên.
Sau này, trong nhiều địa điểm Champa giai đoạn sớm và giai đoạn phát triển (từ TK 1SCN đến 7,8 SCN như Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ, Thành Hồ... ) cũng tìm thấy mảnh vỡ của bếp lò. Những phát hiện loại hình này ở Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ (Quảng Ngãi) và Thành Hồ (Phú Yên) cho thấy, bếp lò Trà Kiệu phong phú và đa dạng hơn về hình loại và chất liệu, được chế tác cầu kỳ hơn, bếp lò Cổ Luỹ-Phú Thọ và Thành Hồ gần nhau hơn về cả kiểu thức, chất liệu và tạo hình.
Loại hình bếp lò đất nung này  hiện vẫn được sử dụng nhiều ở miền Trung và Nam Việt Nam.


 Những mảnh bếp lò đất nung trong đợt khai quật Thành Hồ năm 2003
 Bếp lò đất nung trong tầng văn hóa dưới của Trà Kiệu (anh Chiều đã bỏ công rất nhiều để phục dựng lại cái bếp này)
Bếp lò đất nung ở địa điểm Nhơn Thành, Long An thuộc văn hóa Óc Eo, niên đại TK 4 SCN (ảnh của Nishimura)
Bếp lò đất nung Trà Kiệu (văn hóa Champa) này không khác lắm so với bếp Nhơn Thành (văn hóa Óc Eo)

4 nhận xét:

  1. Bếp đẹp quá nhỉ, trông hay hơn 3 cái ông đầu rau ở đồng bằng Bắc Bộ. Mà anh Chiều thì rất giỏi khoản phục dựng lại hiện vật từ các mảnh vỡ. Hương Ly 5 tuổi về với bà, chứ mình nghe nói Lâm Anh thì 3 tháng đã về bà để mẹ đi khai quật rồi phải không? Anh Ngọc rất nể bạn về điều đó đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hồi Lâm Anh 9 tháng tuổi mình đi khai quật được cũng vì địa điểm KQ là ở Cái Vạn, Đồng Nai, có sự giúp đỡ của mẹ, của ba nên mình mới làm khảo cổ được đấy chứ. Nghề gắn với nghiệp mà.

      Xóa
  2. PGS Mỹ Dung cho hỏi, Sa Huỳnh có cái gì giống cái này không ?

    Trả lờiXóa
  3. (Cảm ơn TS DzungLam)
    Bếp Trà Kiệu
    Những vệt vạch xiên trên viền mép có thể giải thích là dấu vết của kỹ thuật chế tác tay theo công nghệ làm gốm Chăm. Khi người thợ (vuốt lùi) tạo ra một chiếc “đĩa loe” có vành miệng dầy, người thợ nhấn – kéo ba điểm cách đều cao trội lên để tạo thành ba điểm đỡ vật đun; một trong ba đoạn “cung tròn” được be nối những dải đất để làm to và thoải rộng hơn, trở thành khoang tiếp củi , rác đốt lửa trong khi hai đoạn cung tròn còn lại, võng xuống tạo thành khoang thoát lửa và khói. Các vạch xiên có trên mép mép bếp là dấu vết sót lại do kỹ thuật nối những vòng đất dải chưa được vuốt xóa bằng giẻ vải ướt. Những tấm hình về dạng Bếp Trà Kiệu, Bếp Nhơn Thành đã bộc rõ tư duy về công năng và thẩm mỹ trong tạo dáng gốm thủ công ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa