Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Mỗi hiện vật một câu chuyện – Tấm bia Võ Cạnh


Thông tin trên Internet về Bia Võ Cạnh xem ra có những điều chưa thật up date.
Hay Đây là tấm bia sớm nhất của vương quắc Chămpa. Bia được khắc bằng chữ Sansklit (chữ Phạn) đã cho biết: Sri Mara là người đã sáng lập triều đại đầu tiên của tiểu quốc Nam Chăm, thủ phủ đóng tại vùng Panduranga (vùng Phan Rang ngày nay, còn kinh đô của tiểu quốc Bắc Chăm (theo sử Trung Hoa còn gọi là Lâm ấp) đóng ở Simhapura - vùng Trà Kiệu ngày nay. Sau đó, vào khoảng thế kỷ VII hai tiểu vương quốc này hợp nhất thành vương quốc Chămpa, Simhapura được chọn làm kinh đô). Ngoài ra, tấm bia còn cho biết ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ cùng vai trò quan trọng của giới tăng lữ ở tiểu vương quốc này. Với toàn bộ nội dung văn bia được khắc bằng chữ Sansklit (chữ Phạn) đã thể hiện sự du nhập nền văn minh Ấn Độ vào cư dân Chăm khá sớm (khoáng thế kỷ I sau Công nguyên). ( những chữ viết sai mình để nguyên như trong văn bản)
http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Trung-bay/AAbt/?AAbout_catid=221&AboutId=1110
Trong lúc đọc luận án tiến sĩ “Origin of Champa” của William Southworth và ở chương 3 "The Epigraphic Context: Sanskrit and Cam Inscriptions" mình lượm được một vài thông tin hữu ích như sau về bia Võ Cạnh.
Bia kí bằng chữ Phạn sớm nhất ở Đông Nam Á được xác định là tấm bia tìm thấy ở làng Võ Cạnh, phía Tây thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Tấm bia này được Etienne Aymonier kiểm tra và dập thác bản năm 1885, được Abel Bergaigne mô tả và xác định niên đại vào năm 1888. Năm 1915 văn bia này được Louis Finot kiểm tra lại trong một bài tạp chí “Bia ký của Bảo tàng Hà Nội”.
Về nơi tìm thấy tấm bia này Finot cho rằng tấm bia được lấy từ làng Phú Văn hay Phú Vinh sát làng Võ Cạnh gần một tháp gạch đã bị phá hủy để lấy gạch làm đường.
Tấm bia này hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội (ảnh trên).
Từ khi được phát hiện đến nay, bia Võ Cạnh được nhiều nhà nghiên cứu châu Âu và Ấn Độ quan tâm cả về cổ tự học, văn bản học, chính trị học, lịch sử học và tôn giáo học…
Về nội dung và niên đại: bản dịch được coi là đầy đủ và chính xác nhất (cho tới nay) là bản của Jean Filliozat năm 1969, cùng với bản dịch này còn có bài nghiên cứu của Claude Jacques về cùng chủ đề. Theo Claude Jacques, chữ khắc từng phủ trên ít nhất ba mặt của tấm bia này.
Trước đây, một số nhà nghiên cứu xác định bia Võ Cạnh có niên đại sớm, thế kỷ 2 SCN, Sri Mara người có tên trong văn bia được đồng nhất với Khu Liên, vị vua đầu tiên của nhà nước Lâm Ấp.
Niên đại thế kỷ 2 SCN của tấm bia này đã là chủ đề thảo luận lại và khảo sát lại suốt từ cuối thế kỷ 19 đến nay. Hiện nay, theo ý kiến của đa số các nhà nghiên cứu, bia Võ Cạnh không thể có niên đại sớm như thế. Bia được nghiên cứu so sánh với văn khắc của triều đại Ikşvãku ở Nãgãrjunakoņda vào cuối thế kỷ 3 SCN.
Theo W.Southworth, bia Võ Cạnh không cho thấy một sự di thực trực tiếp và thực dân của tôn giáo và văn học Ấn Độ vào Đông Nam Á mà  thể hiện một sự thích ứng đặc biệt với những hình thức văn hóa Ấn Độ của tầng lớp quý tộc bản địa.
Theo bản chuyển tự của dòng thứ 10 của Jean Filliozat in năm 1969, bia kí Võ Cạnh được làm để: “par celui qui est la joie de la famille de la fille du petit-fits du roi Śrîmãra”. Sự thể hiện này cho thấy giữa vua Śrî Mãra và tác giả của dòng bia ký cách nhau ít nhất 4 đời và khó có thể cho rằng bia Võ Cạnh gắn với Phù Nam. Jean Filliozat cũng cho rằng những chữ ‘joie de la famille’ không có nghĩa là con trai (a son) và trên thực tế, tác giả của dòng bia kí có thể không phải là hậu duệ của Śrî Mãra mà là con rể - người kết hôn theo quy chuẩn dòng Mẹ. Điểm then chốt của dòng dõi này rõ ràng là con gái của cháu của Śrî Mãra của gia đình mà tác giả dòng bia ký là thành viên và trật tự phân tầng theo dòng mẹ cũng được thể hiện qua tinh thần của bia ký.     
Kế thừa theo dòng mẹ và ở rể được thực hành rộng rãi trong tất cả các cộng đồng cư dân Nam Đảo hiện nay ở miền Nam Trung bộ Việt Nam và có thể bia ký Võ Cạnh mặc dù được thể hiện trong bối cảnh của việc sử dụng ngữ pháp ngôn ngữ Phạn phức tạp, vần luật kāvya cổ điển và những khái niệm triết học Ấn Độ nhưng về căn bản có xuất phát từ những liên quan xã hội bản địa.
Tầm quan trọng của chữ Phạn ở giai đoạn này khi mà đa phần bia ký và thư tịch cổ ở Ấn Độ đều ghi bằng chữ Prakrit ẩn trong sự thừa nhận mang tính quốc tế như là ngôn ngữ của tôn giáo bên ngoài Ấn Độ, đặc biệt là ở Trung Á, Trung Quốc và ĐNA. Điều này cũng liên quan đến vị thế cảng độc lập của Nha Trang trên con đường hải thương quan trọng từ Ấn Độ đến Đông Nam Á và Đông Á.
Tóm lại bia Võ Cạnh hiện nay được xác đinh niên đại vào cuối thế kỷ 3SCN, liên quan đến xã hội của cư dân Nam Đảo. Śrî Mãra không phải là Khu Liên của Lâm Ấp và cũng không phải là Fan Shiman của Phù Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét