Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Đính chính về một tin khảo cổ trên VietnamNet

Đây là tin trên VietnamNet

Bí mật chiếc bình cổ vớt được ở sông Hương

Chiếc bình cổ được xác định thuộc thời đầu của văn hóa Chămpa (192-1306 SCN), niên đại nằm trong khoảng thế kỷ thứ 5.
Bình gốm được tìm thấy dưới đáy sông Hương, có hình củ tỏi, đáy nở, cổ thắt, miệng loe, đế choải, cao 19,5cm và thân rộng 18cm. Theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, loại bình này được gọi là Kendi gốm (loại bình có vòi mà không quai), thuộc thời đầu của văn hóa Chămpa (192-1306 SCN), niên đại nằm trong khoảng thế kỷ thứ 5.
Bình gốm được xác định có niên đại nằm trong khoảng thế kỷ thứ 5. Ảnh: Thừa Thiên Huế online
Bình gốm do một ngư dân tìm thấy trong khi lặn ở cửa sông Hương (đoạn gần đập Thảo Long), sau đó được một nhà sưu tập đồ cổ ở Huế mua lại. PGS.TS Lâm Mỹ Dung, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đây là tiêu bản Kendi độc nhất từ trước đến nay, chưa phát hiện được tiêu bản thứ hai trong các cuộc khảo cổ ở miền Trung. Tiêu bản Kendi này đặc biệt có xương gốm trộn nhiều hạt lớn hoặc đá vụn thô.
"Căn cứ vào xương gốm làm bằng cát lớn, đá vụn thô có thể khẳng định đây là một trong những Kendi gốm cổ nhất trong những Kendi tìm được từ trước đến nay. Vì càng về sau, con người đã biết nâng cao kỹ thuật, vẫn trộn cát khi nung (tránh cho bình khỏi vỡ) nhưng cát mịn và thẩm mỹ hơn", ông Hồ Tấn Phan cho biết.
Khái niệm Kendi bắt nguồn từ gốc chữ Phạn Kundika là bình nước. Kendi gốm cổ Chămpa là loại bình có vòi nhưng không quai, dùng để đựng nước thiêng hay loại lễ phẩm khác dùng trong nghi lễ ở các đền tháp, cũng có thể dùng trong đời thường.
Ở Việt Nam, các cuộc khai quật trên vùng đất ở miền Trung thời vương quốc Chămpa cổ, thậm chí ở đồng bằng Nam Bộ thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo, đều phát hiện Kendi. Riêng địa bàn Thừa Thiên Huế, mặc dù còn nhiều bia đá, điêu khắc đá, thành quách, tháp và các phế tích tháp Chămpa. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, điều làm các nhà nghiên cứu đi từ khó hiểu đến ngạc nhiên thú vị là những địa điểm khảo cổ này không phát hiện Kendi, mà chỉ tìm thấy Kendi nằm dưới các dòng sông Huế.
M.H (tổng hợp)

http://www.vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/46678/bi-mat-chiec-binh-co-vot-duoc-o-song-huong.html


 Đính chính



Nguyễn Anh Thư đã gửi cho bác Hồ Tấn Phan bản báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu gốm Champa 10 thế kỷ đầu Công nguyên (có cả bản phụ lục). Bác Hồ Tấn Phan đã dựa vào hình vẽ để xác định cái bình gốm mới mua này...
Tuy nhiên, đây không phải là Kendi, cũng không phải là dạng bình hình củ tỏi niên đại thế kỷ 2-3 sau Công nguyên đã tìm thấy trong cuộc khai quật Hậu Xá I di chỉ (Hội An).
Chưa thể xác định bình gốm này là gốm Champa hay gốm muộn giai đoạn sau này.

Lâm Thị Mỹ Dung 

2 nhận xét:

  1. Sơn nghi nghi là đồ gốm của đồng bào dân tộc ở miền núi Chị Mỹ Dung ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Sơn, mình nghĩ phải xem tận mắt mới biết dược. Tuy nhiên, khả năng lớn đây không phải là gốm Champa.

    Trả lờiXóa