Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Viết về Thầy - copy từ blog của anh Hồ Xuân Tịnh

Giáo sư Trần Quốc Vượng sinh năm 1934 tại Hải Dương,
quê nội ở Hà Nam, Thầy vẫn tự hào giới thiệu với học trò
về gốc gác của mình: Tôi họ Trần - gốc dân chài miệt biển xứ Nam.
  Trên tàu đi khảo sát quanh Cù Lao Chàm  (cạnh Thầy là bác Nguyễn Chí Trung (Ban QLDT Hội An, bác đeo kính đen là TS. Nguyễn Hồng Kiên)     


Tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa năm 1956, Thầy được bổ nhiệm làm cán bộ giảng dạy bộ môn cổ sử Việt Nam tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bằng con đường tự học, tự nghiên cứu, Thầy đã trở thành một trong những nhà Khảo cổ học Việt Nam đầu tiên, góp phần quan trọng vào việc sáng lập ra bộ môn Khảo cổ học của nước ta. Những cống hiến không mệt mỏi của Thầy đối với sự nghiệp “trồng người” cũng như những công trình nghiên cứu lịch sử sâu sắc, táo bạo, đã khiến nhiều người tôn vinh Thầy là một trong “Tứ trụ” của ngành sử học Việt Nam: Lâm (giáo sư Đinh Xuân Lâm), (giáo sư Phan Huy Lê), Tấn (giáo sư Hà Văn Tấn), Vượng (giáo sư Trần Quốc Vượng). Mặc dù không có học vị tiến sĩ, nhưng Thầy được Nhà nước phong hàm giáo sư năm 1980, và  gần 1/2 thế kỷ qua, Thầy đã đào tạo nhiều thế hệ cử nhân, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh trong nước và ngoại quốc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học, vậy mà Thầy không có cái vẻ của một giáo sư, ngược lại rất bình dân, giản dị...
          Hồi còn mài đủng quần ở trường ĐHTH t/p Hồ Chí Minh, tôi may mắn được học với Thầy về cơ sở KCH và chuyên đề thời đại đồ đá. Ban đầu gặp Thầy, tôi đã bị thu phục bởi phong cách rất ngang tàng của một trí thức thứ thiệt, chính phương pháp giảng dạy và những tri thức về KCH mà Thầy đã truyền đạt, khiến tôi quyết định chọn theo chuyên ngành khảo cổ một cách không do dự, và cho đến tận bây giờ, mặc dù phải trải qua biết bao gian nan trên những nẽo đường điền dã, tôi vẫn thấy đó là lựa chọn đúng. Những năm sau nầy, khi ra trường, về làm việc ở ngành VHTT của tỉnh QN-ĐN, tôi có nhiều dịp làm việc với Thầy, học hỏi thêm nhiều điều trong phương pháp nghiên cứu và kinh nghiệm điền dã, khảo sát và khai quật KCH. Tôi tâm đắc nhất câu nói của Thầy “Vấn đề quan trọng là các anh chị làm được cái gì chứ không phải là làm ông gì, bà gì”, chính vì thế, trong cuộc sống và trong công việc, đối với tôi quan trọng nhất là mình phải làm hết sức để mang lại hiệu quả trong công việc chuyên môn, chứ không phải nổ lực để phấn đấu làm quan chức, thật sự tôi cũng chịu ảnh hưởng đôi chút cái tính “ngang” của Thầy...
          Tại Quảng Nam, Thầy đã đi khắp từ vùng núi Hiên, Giằng  ra đến tận Cù lao Chàm, với Thầy Đi là học, đi là chơi, đi là làm; mà đã học thì phải hỏi, nên đến đâu Thầy cũng hỏi han người dân bản địa để tìm hiểu thấu đáo về một vùng đất... Năm 1983, Thầy đưa sinh viên khoa Sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đến Quảng Nam khai quật di tích “Cồn sò điệp” Bàu Dũ, hai năm sau, năm 1985, tác phẩm  Những di tích thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam - Đà Nẵng, cuốn sách đầu tiên về Khảo cổ học xứ Quảng, do Thầy chủ biên đã được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng.
            Một trong những đóng góp quan trọng của Thầy đối với Khảo cổ học Quảng Nam là việc định hướng cho học trò nghiên cứu các di chỉ cư trú ở Trà Kiệu. Trước đây, các học giả người Pháp chỉ quan tâm nghiên cứu Trà Kiệu qua các phế tích kiến trúc và các tác phẩm điêu khắc. Với sự hướng dẫn của Thầy, chúng tôi đã có những nhận thức mới về gốm cổ Champa qua các hố thám sát và khai quật ở Trà Kiệu. Những gợi mở của Thầy về mối quan hệ giữa văn hoá Sa Huỳnh và Champa đã giúp các học trò có những phát hiện mới về văn hoá Sa Huỳnh ở Duy Xuyên.
             Đặc biệt ở Hội An vào năm 1989, Thầy đã sát cánh cùng chúng tôi đi điền dã nhiều ngày trên vùng cát Cẩm Hà dưới cái nắng chói chang của mùa hè, quyết tâm tìm bằng được dấu tích văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An. Qua mấy ngày mà chưa tìm được mảnh gốm nào, có người nản chí, Thầy lại động viên: cứ tìm đi, thế nào rồi cũng sẽ gặp. Vì cả nể Thầy, chúng tôi lại tiếp tục lê bước trên dải cồn cát, và kết quả thật bất ngờ, một loạt các di tích mộ chum Sa Huỳnh đã được phát hiện: An Bang, Thanh Chiếm, Hậu Xá I, Hậu Xá II,... Từ việc phát hiện được trong lòng đất Cẩm Hà một số tiền đồng Ngũ Thù và Vương Mãng (tiền Trung Hoa thời nhà Hán), Thầy đã đưa ra nhận định: vào những năm đầu công nguyên, một nền kinh tế ngoại thương đã manh nha hình thành tại Hội An.
            Trong những chuyến đi khảo sát, Thầy nhận định nhiều vấn đề về văn hoá Hội An, trong đó câu nói “Hội An là nơi vừa hội nhân vừa hội thuỷ” đã được một số người dẫn lại trong những bài viết về Hội An.
           Tại cuộc Hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An (tháng 3 năm 1990), những ý kiến của Thầy về Vị thế Địa - lịch sử và bản sắc Địa - văn hoá của Hội An cùng những phát hiện về Khảo cổ học ở Hội An đã thu hút sự chú ý của các học giả trong và ngoài nước. Một phần từ những ý kiến quan trọng của Thầy, Toyota Foundation đã tài trợ kinh phí cho Ban Quản lý Di tích Hội An thực hiện đề tài khai quật, nghiên cứu di tích mộ chum Sa Huỳnh ở Hội An; Thầy nhận lời mời làm cố vấn khoa học. Sau khi đề tài được thực hiện thành công, một cuộc hội thảo về văn hoá Sa Huỳnh đã được tổ chức vào tháng 11/1995 tại Hội An; với cương vị chủ trì hội thảo, Thầy đã có bài tổng thuật về văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An và đưa ra nhận định ”...từ thời Sa Huỳnh, Hội An đã là một Tiền cảng thị (Pre-Port Town) hay là một cảng thị sơ khai làm nền cho sự phát triển các thời kỳ thương cảng Hội An sau nầy...”. Liên tiếp trong các năm 1998, 1999, 2000, Thầy đã nhận làm cố vấn khoa học trong các cuộc khảo sát, đào thám sát và khai quật khảo cổ học ở Bãi Làng, Bãi Ông trên Cù Lao Chàm. Những nhận xét của Thầy về các mảnh gốm Islam, các mảnh thủy tinh màu phát hiện được trong hố khai quật đã giúp các học trò hình dung được vị trí của Cù Lao Chàm trong con đường tơ lụa trên biển Đông. Trên một vài sườn núi ở Cù Lao Chàm, Thầy đã phát hiện và giải thích cho chúng tôi một dạng Thuỷ hệ (hệ thống dẫn nước và giữ nước) mà cư dân hải đảo xưa đã xây dựng và sử dụng.
             Duyên nợ với Quảng Nam không chỉ trên lĩnh vực Khảo cổ học, là người đa tài và đa mang trong văn hoá, Thầy đã  tham gia chủ trì Hội thảo Văn hoá Quảng Nam Những giá trị đặc trưng  vào tháng 3 năm 2001. Tháng 9 năm 2002, Thầy tiếp tục tham dự hội thảo Vai trò lịch sử Dinh trấn Quảng Nam với tham luận đặc sắc Dinh trấn Thanh Chiêm và mô hình Địa - Chính trị - Kinh tế - Văn hoá - Xã hội xứ Quảng. Khái niệm Địa - Văn hoá do Thầy đề xuất đã được các học trò tiếp thu và ứng dụng trong nghiên cứu Văn hoá Quảng Nam ...
           Với những đóng góp của Thầy trong lĩnh vực văn hoá ở xứ Quảng, nhiều người Quảng Nam khi tiếp xúc với giáo sư Trần vẫn gọi Thầy xưng em rất tự nhiên, mặc dù họ chưa một ngày làm học trò thật sự của Thầy; chắc hẳn Thầy cũng hiểu không phải vì “thấy người sang bắt quàng làm họ” mà đó chính là biểu hiện của lòng mến mộ và kính trọng đối với một bậc kỳ tài trong ngành sử học Việt Nam.
            Mặc dù Thầy đi xa đã hơn 4 năm, nhưng tôi vẫn không không quên hình ảnh của một nhà khảo cổ già suốt đời tận tụy với nghề, luôn tri ân về những lời dạy, những kiến thức mà Thầy đã truyền đạt và những đóng góp khoa học lớn lao của Thầy trong việc tìm hiểu những giá trị văn hoá của vùng đất “chưa mưa đà thấm” nầy...

Đào thám sát trên Cù Lao Chàm (bác áo da cam là CN. Nguyễn Đăng Cường)

Tuy già nhưng Thầy đi bộ không thua trai trẻ (phải nói là trai trẻ không theo kịp Thầy)

Phút nghỉ chân trên sườn núi (mặc bộ đen tuyền là mình, bên cạnh mình là bác Trần Văn An - Ban QLDT Hội An)

Bữa nào rảnh mình sẽ viết về vụ ong đốt ở Cù Lao Chàm! 
Lâm Thị Mỹ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét