Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Sách NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI – TÌM KIẾM TỔ TIÊN (1)

Tác giả: G.N. Machusin Nhà xuất bản Mir, Maxcova, 1982
Người dịch : Phạm Thái Xuyên dịch sang tiếng Việt có bổ sung và sửa chữa Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986


Tháng 7 năm 1925, thế giới đã bị chấn động bởi một vụ án giật gân. Ở một thành phố không lớn của nước Mỹ, thành phố Đaitơn, những nhóm người bị kích động tụ tập lại ở trước cửa tòa án. Trên ống tay áo của họ đeo những băng chữ, nhiều người cầm khẩu hiệu trong tay. Công tố viên U. Braian - nguyên là bộ trưởng ngoại giao của Mỹ, đã nhiều lần là ứng cử viên tổng thống... Kể từ ngày ấy, đã hơn một nửa thế kỷ trôi qua, nhưng vụ án ở Đaitơn thì vẫn không quên đi được. Nó đã đi vào lịch sử.
Và cũng không có gì ngạc nhiên, bởi vì về thực chất, người ta đã kết tội một học thuyết khoa học, mà cho đến nay thế giới vẫn gọi học thuyết ấy là học thuyết thiên tài. Đó chính là chủ nghĩa Đacuyn.
Nguyên cứ để dẫn đến vụ kiện là thầy giáo Đ. Skôp đã dạy học thuyết tiến hóa của S. Đacuyn trong một trường phổ thông địa phương. Trong việc này, những người sáng lập thành phố và cả bang ấy đã tìm ra hình pháp. Vào ngày mở phiên tòa, trên quảng trường trước tòa án đã chật cứng những đám người cuồng loạn theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc với những chiếc băng tay : "Chúng tôi không phải là những con vượn và không tự biến mình thành vượn!" …
Tòa án đã bác bỏ yêu cầu bào chữa bằng cách mời các nhà khoa học tới dự với tư cách là những người làm chứng, và đã kết án Đ. Skôp chịu phạt rất nặng sau khi quyết định cấm không cho giảng dạy chủ nghĩa Đacuyn trong các trường phổ thông. Và gần như trong suốt 40 năm, chủ nghĩa Đacuyn đã không còn hình bóng trong chương trình phổ thông của nước Mỹ. Những sự kiện ấy đã đi vào lịch sử như một "vụ án con vượn". Nếu như từ vụ án đó, đi ngược lại thời gian 65 năm nữa, thì có thể thấy rõ tình trạng căng thẳng khủng khiếp khi thảo luận các vấn đề về nguồn gốc con người. Nỗi khủng khiếp đó không chỉ bao trùm lên những người dân thường mà còn bao trùm lên cả những người có học vấn và ngay cả các nhà khoa học.
Ví dụ, trong một cuộc họp của Hội liên hiệp khoa học ở Britơn năm 1860, giáo chủ Vinbecfo, là nhà toán học theo trình độ học vấn, đã đọc một bài phát biểu dài chống lại học thuyết tiến hóa, và đã kết thúc bài phát biểu bằng một câu hỏi đối với T. Hecxli - một người theo chủ nghĩa Đacuyn nổi tiếng : "Tôi muốn hỏi ông, phải chăng ông thật sự cho rằng tổ tiên của ông là con vượn? Mà nếu đúng như vậy thì tôi rất thích thú muốn được biết, kể từ con vượn, Ngài Hecxli đã xuất thân từ phía nào, từ phía ông nội hay bà nội?".
Đối với câu hỏi đó, Hecxli đã trả lời: "Con người không có lý do gì để hổ thẹn khi tổ tiên của con người là con vượn. Tôi sẽ hổ thẹn khi có nguồn gốc từ một con người vội vã, ba hoa. Khi không thỏa mãn với kết quả đáng nghi ngờ về hoạt động của chính bản thân mình, con người ấy đã can thiệp vào những cuộc tranh luận khoa học mà không hề có bất cứ một ý niệm nào về những cuộc tranh luận ấy, mà chỉ nhằm làm lu mờ những cuộc tranh luận khoa học bằng lời văn khoa trương rỗng tuếch của mình, đánh lạc sự chú ý của người nghe ra khỏi vấn đề thực tế của cuộc tranh luận bằng những lời hoa mỹ lạc hướng và bằng những lời kêu gọi khéo léo đối với những thiên kiến tôn giáo"...
Tại sao một vấn đề lý luận hết sức quan trọng như vậy, như vấn đề nguồn gốc con người, cho đến nay vẫn gây ra những cuộc tranh luận khốc liệt? Cội nguồn tranh luận về sự phát sinh loài người đã đi sâu vào lòng thời gian xa xưa. Trong nhiều nghìn năm nay, loài người đã cố gắng giải đoán bí mật về nguồn gốc của mình. Nguyện vọng nồng nhiệt của con người đi tìm nguồn gốc của mình mạnh tới mức mà sự tưởng tượng của con người đã sản sinh ra những chuyện thần thoại kỳ quặc và hấp dẫn. Mọi loại tôn giáo trên thế giới đã được xây dựng nên trong ham muốn hiểu biết ấy, trong những bức tranh viễn tưởng mà con người cố thử giải thích nguồn gốc của mình. "Từ tôn giáo,  F. Ănghen viết, - xuất phát từ religare, mà ý nghĩa đầu tiên của từ này - mối liên hệ" [1] . Những người tư tế của các tôn giáo cổ đại cũng đã cố gắng ghép nối tất cả những mẫu tri thức về thế giới, về con người, vào một hệ thống duy nhất nào đó; trong hệ thống này, những chỗ thiếu tri thức được bổ sung bằng tưởng tượng, hơn nữa, những tưởng tượng này thường là đẹp đẽ và nên thơ : "Thuở ban đầu, toàn bộ khoảng không trên thế giới chứa đầy nước của một đại dương vĩ đại không có đầu cũng không có cuối. Không có ai tạo dựng ra nó cả, nó vĩnh viễn tồn tại... Trong lòng sâu thẳm của đại dương vĩ đại ấy có nữ thần Nammu hùng mạnh ẩn thân - người mẹ đầu tiên của tất cả những gì đang tồn tại. Cũng không ai biết một ngọn núi khổng lồ có hình bán cầu đã xuất hiện khi nào trong bụng bà mẹ... Trên đỉnh ngọn núi ấy, một trong những vị thần cổ xưa nhất, người cha đầu tiên An đã sống; còn ở phía dưới, nữ thần Ki nằm trên một cái đĩa bằng phẳng trôi nổi trên đại dương trường tồn. Sau cuộc kết hôn của An và Ki, thần Enlin đã ra đời... Tiếp sau  Enlin, cặp vợ chồng đầu tiên ấy đã sinh ra con đàn cháu đống. Bảy vị thần nam nữ bề trên sáng suốt nhất, hùng mạnh nhất, đã cai quản toàn bộ thế giới và định ra số phận của vũ trụ. Không có ý chí của những vị thần ấy thì bản thân Enlin cũng không điều khiển nổi tứ đại, ngũ hành [2] , và cũng không thiết lập được trật tự thế giới... Những vị thần có cấp bậc thấp nhất trong gia đình của các vị thần là các anunaki, gọi theo tên người cha An của mình. Họ thực hiện những mệnh lệnh  của các vị thần vĩ đại một cách vô điều kiện; nhưng bản thân họ lại  không có quyền điều hành một cách độc lập... Gia đình của các vị  thần ngày càng đâm chồi nảy lộc... Và các vị thần đã phải cầu xin sự giúp đỡ của Enki anh mình (em ruột Enlin), để Enki tìm ra phương  pháp tăng gấp bội số lượng thức ăn và nước uống. Enki đã bước ra  khỏi vực thẳm cùng với nữ thần lòng đất Ninmac, và theo sau họ  là cả một đám đông những người thợ đồ gốm hùng dũng, họ đem theo  cả những nắm đất sét. Nhiều vị thần nam nữ tụ tập lại để xem việc làm tinh xảo của Enki anh minh và của bà mẹ thần Ninmac. Enki đã tổ chức một lễ tiệc dành cho các vị khách của mình. Bản thân Enki và Ninmac uống quá nhiều rượu vang, khi đang loạng choạng do say sưa, mệt mỏi, họ bắt đầu nhào đất sét. Ninmac bắt đầu nặn người đầu tiên, nhưng tay của vị nữ thần bị run, do đó kỹ năng chưa đủ và hình người bằng đất sét không được như ý. Đó là thân hình người phụ nữ bất thụ, không có khả năng sinh con đẻ cái. Enki đưa mắt nhìn vị nữ thần và thốt lên: "Không sao, cứ để cho người đàn bà ấy sống, và sẽ tìm được công việc cho người ấy... Ở trong nhà dành cho phụ nữ". Ninmac lại dùng đất sét nặn một người khác, và lại không đạt. Đó là một người không có giới tính, không phải đàn ông, mà cũng chẳng phải đàn bà. Enki nhìn vào tượng đất và quyết định số phận của nó: "Đây là hoạn quan ở triều đình"… Enki... quyết định tự mình bắt tay vào việc. Enki dùng đất sét nặn ra một thân hình mới, nhưng nó lại còn tồi tệ hơn những thân hình đã được nặn ra trước đó. Đó là một người yếu đuối, còi cọc và không có trí khôn... Do tác phẩm của mình không đạt, Enki điên tiết lên bóp nát tượng đất và lại nhào nó vào nắm đất sét. Rồi Enki bắt tay vào việc, lao động chậm hơn, cẩn thận hơn. Đến lần này Enki đã thành công, đã nặn ra những người đàn ông, đàn bà đều khỏe mạnh, thông minh và giống hệt với các vị thần. Chỉ có điều là họ bị tước mất quyền bất tử, họ phải an phận thủ thường, quy thuận phục dịch cho gia đình vĩ đại của các thần nam, thần nữ". Những câu chuyện thần thoại ở Sumer, khoảng III-IV nghìn năm trước công nguyên, là một trong những câu chuyện thần thoại cổ xưa nhất trên Trái Đất, đã thuật lại nguồn gốc con người như thế đó. "Thoạt tiên chỉ có Haốt, sau đó Haốt sinh ra Gêa - nữ thần Trái Đất, và nữ thần Trái Đất sinh ra Bầu Trời - sao Thiên Vương, và từ cuộc hôn phối của họ, các thần khổng lồ Titan đã được sinh ra... Và cuộc chiến đấu giữa những vị thần ấy với nhau đã bắt đầu, Crôn đã chiến thằng (Cromos - "thời gian"); nhưng vị thần này lại sợ con cái nổi lên chống lại mình, lật đổ mình, như chính Crôn đã lật đổ cha mình là Sao Thiên Vương. Crôn quyết định tự giải thoát mình ra khỏi con cái bằng cách nuốt chúng đi. Nhưng người mẹ - nữ thần Gêa, đã che dấu đứa con cuối cùng sau khi cho Crôn nuốt một hòn đá dài thay thế cho đứa con. Đứa con đó có tên là Zép. Zép được nuôi dưỡng bằng sừng của một con dê cái có phép màu nhiệm - nữ thần Aman. Khi Zép đã trưởng thành, liền lật đổ Crôn, giam các vị thần khổng lồ Titan vào lòng Trái Đất, giải thoát cho các anh chị em của mình ra khỏi bụng Crôn... Các vị thần chuyển sang ở núi Ôlempơ (Thần Sơn), và con người được sinh ra từ các vị thần ấy" - những câu chuyện thần thoại Cổ Hy Lạp đã nói như vậy về cội nguồn của thế giới và con người. "Trong buổi hoang sơ, chúa trời đã sáng tạo ra Bầu Trời và Trái Đất. Trái Đất không có hình dạng, hoang vắng và vĩnh viễn chìm đắm trong bóng tối. Khắp mọi nơi chỉ có nước phủ đầy, phía trên nước chỉ có thần linh... Sang ngày thứ năm, chúa trời mới ban sự sống cho những con quái vật ở biển và tất cả những con vật khác có nhiều sức sống ở trong nước, và cho cả chim bay liệng trên mặt đất. Chúa trời đã cầu phúc cho chúng sau khi nói : hãy sinh sôi, nảy nở, hãy lấp đầy biển cả cũng như không khí. Sang ngày thứ sáu, chúa trời sáng tạo ra gia súc, các loài bò sát và tất cả các động vật khác biết đi lại trên mặt đất. Và cuối cùng mới sáng tạo ra con người theo hình dạng tương tự với bản thân mình, để con người thống trị toàn bộ Trái Đất, thống trị muôn loài đã  sinh ra và lớn lên trên Trái Đất" - Kinh thánh đã nói như vậy. "Ban đầu biển cả bao phủ Trái Đất, ở trên sườn những rặng đá nhô lên khỏi mặt nước, ngoài những anh hùng "vĩnh cữu", đã có các "rela manerini" (hay là "inapatua" - những nhóm sinh vật yêu đuối, các ngón tay, ngón chân và răng còn dính chặt lại với nhau, tai và mắt còn bị khép kín). Những "ấu trùng" người giống như thịt sống đã sống ở trong nước. Sau khi Trái Đất đã khô ráo đi, ông tổ "thằn lằn" tôtem mới từ phương bắc tới, dùng dao đá tách từng phôi người ra, rạch thủng tai, mắt, mồm, mũi, các ngón tay chân cho những người ấy... dạy cho cách lấy lửa bằng cách cọ xát, dạy nấu ăn, cho họ giáo mác, đầu mâu, lao, cấp cho mỗi người một suringa (thần hộ mệnh) của mình, chia loài người ra thành các bộ tộc, các hạng bậc kết hôn" - những chuyện thần thoại ở nước Áo đã nói như vậy.
Còn có thể dẫn ra rất nhiều thí dụ về những chuyện thần thoại này khác giải thích nguồn gốc con người như thế nào. Dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những chuyện ấy đều thống nhất với nhau về nghệ thuật và đôi khi là sự hưng phấn đẹp đẽ của trí tưởng tượng và... hoàn toàn không đúng đắn. Những chuyện thần thoại ấy phản ánh lòng ham mê không thể nào kìm hãm được của con người muốn nhận thức lịch sử của mình. Những người cùng thời với chúng ta cũng đang vươn tới nhận thức ấy. Nhưng khác với người cổ đại, con người hiện đại biết sử dụng những sự kiện khoa học đích xác cho phép giải đoán bí mật đã chi phối tư tưởng của con người trong nhiều nghìn năm nay.
Những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ ở thế kỷ XVIII - XIX đã đánh một đòn đầu tiên vào các quan niệm tôn giáo. Thậm chí bây giờ, theo sự thừa nhận của các nhà khoa học tư sản, không còn có ai thật sự tin rằng thế giới đã được tạo nên trong vòng sáu ngày. Thế mà 200 - 300 năm trước đây, niềm tin vào sự hiển nhiên ở bức tranh về sự sáng tạo theo kinh thánh là độc tôn và phổ biến. Chỉ có các chi tiết là được giải thích thêm. Ví dụ, vào năm 1650, tổng giám mục Ailen là J. Usê, dựa vào kinh thánh, đã "tính ra được" một cách cặn kẽ tuổi của Trái Đất. Theo các tính toán của vị tổng giám mục này, buổi sáng sáng tạo là vào năm 4004 trước ngày thiên chúa giáng sinh Nôen). Những người khác theo thuyết giáo quyền đã "giải thích rõ thêm" ngày tháng: "con người đã được sáng tạo ra vào ngày 23 tháng 10 lúc 9 giờ sáng". Ai có thể tranh cãi với những người ấy? Không có ai cả, tất nhiên là thế.
Lúc bấy giờ chưa có khoa học hiện đại, chưa có khoa học du hành vũ trụ, khoa học khảo cổ vẫn chưa được hình thành. Nhưng vào thế kỷ XVII, một số người do ham thích đã bắt đầu để ý đến những vật tìm được ngẫu nhiên ở dưới đất và đã góp nhặt chúng lại.
Trong thế kỷ XVII, một người Pháp tên là Isac đê la Peire đã bắt đầu nghiên cứu bộ sưu tập những hòn đá bị đẽo một cách "kỳ lạ" do ông thu nhặt được ở một làng quê tại Pháp. Trong cuốn sách do ông công bố một cách vội vàng, đã nêu ra giả thuyết những hòn đá ấy do những người nguyên thủy sống vào thời trước Ađam chế tạo ra. Tai họa đã đến với cuốn sách, và số phận điển hình dành cho nó ở thời đó là: năm 1655, cuốn sách bị thiêu hủy. Còn tác giả thì gặp may - ông bị bỏ tù. Cũng có thể còn xảy ra tồi tệ hơn. Lúc bây giờ, thường thì người ta đốt sách đồng thời đốt luôn tác giả của nó. Nhưng cũng như trước đây, vẫn tiếp tục tìm thấy những hòn đá bị đẽo một cách "kỳ lạ". Thêm vào đó là những chiếc xương được "hình thành" không phải là thiên tạo. Một số trong những chiếc xương ấy có kích thước khổng lồ, rõ ràng chúng không phải là xương của bất cứ động vật nào hiện đang sống. Trước đó, người ta cũng đã tìm được những chiếc xương lớn. Khi không biết chúng là xương của loài vật nào, người ta thêu dệt nên những chuyện thần thoại về người khổng lồ và dường như những di cốt ấy là của người khổng lồ. Người Hy Lạp cổ đại, khi nhận nhầm xương voi mamut (Elephas primigenius) và xương của những động vật hóa thạch khác là hài cốt của người khổng lồ và của các anh hùng, đôi khi họ đã xây dựng lăng tẩm trên những bộ xương ấy để đền đáp lại bằng tấm lòng tôn kính. Mãi về sau này, vào thời trung cổ, nhà thờ đã chứng minh rằng những chiếc xương ấy - di cốt của những người "cổ lỗ" đầu tiên, của chính những người mà thượng đế sáng tạo nên bằng tay mình. Ở Viên, trong nhà thờ thờ thánh Stêfan, cho đến nay, vẫn trưng bày xương voi mamut như những di cốt người khổng lồ theo kinh thánh. Còn một số người trong số những người trông coi nhà thờ, thậm chí đã "tính ra được" tầm vóc của những người khổng lồ ấy. Ví dụ, theo ý kiến của họ, Ađam có chiều cao 39 m 86 cm 41 mm, và bà Eva - 36 m 6 cm 29 mm. Nhưng cũng chính ở thế kỷ XVII, khi giải thích rõ thêm giờ phút sáng tạo ra thế giới, và đã tính ra được chiều cao của Ađam và Eva, một số người có tâm trạng hoài nghi bắt đầu suy nghĩ rằng ngày xưa một số lượng khổng lồ các sinh vật đã sống chen chúc trên Trái Đất và sau đó chúng đã bị tuyệt chủng.
Cùng với xương cốt của những động vật đã bị tuyệt chủng, người ta tìm thấy các di cốt của người và những công cụ bằng đá. Thế nhưng, phần lớn các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghi ngờ công cụ bằng đá - đó chính là những công cụ thật sự. Người đầu tiên cố thử hệ thống hóa những công cụ bằng đá, là một sĩ quan hải quân người Pháp, tên là Jac Busê đê Pect. Đó là một người có bản tính. Ông bắt đầu phục vụ trong quân đội rất sớm (năm 14 tuổi). Sau đó ông đi du lịch nhiều và viết nhiều. Đến tuổi 50, ông quay về với khảo cổ học. Cùng với hai bạn đồng nghiệp, ông đã tìm thấy rìu đá trong cùng một lớp với răng của voi hóa thạch. Cũng ở chỗ ấy, ông phát hiện được một số lượng lớn những vật phẩm đa dạng được chế tạo từ các loại đá khác nhau. Một số vật phẩm trong số đó giống như những chiếc rìu. Năm 1838 và 1839, ông trưng bày bộ sưu tập của mình trước hai "hội khoa học" Pháp. Những người có mặt đều tỏ ra lãnh đạm. Đê Pect dùng tiền của mình cho công bố bản mô tả những vật tìm được trong một bộ sách năm tập. Nhưng trong nhiều năm, những cuốn sách ấy đã không được đếm xỉa tới. Cuối cùng, Pect yêu cầu cử một ủy ban có uy tín từ Pari đến để thẩm tra những phát hiện của ông. Nhưng ủy ban ấy đã không đến. Lúc ấy, ông giới thiệu bộ sưu tập công cụ cổ xưa cho nhà bảo tàng Pari, thế nhưng, ngay đến câu trả lời, ông cũng không nhận được.
Không ít những khó khăn như thế và những khó khăn khác nữa đã diễn ra trên con đường của những người khám phá đầu tiên. Khó khăn chủ yếu trong số những khó khăn ấy là không có phương pháp nghiên cứu khoa học, chính điều này đã làm nảy sinh những nghi vấn đủ mọi kiểu và thậm chí cả việc kết tội ghê rợn đối với các nhà khoa học. Người ta đã kể một chuyện giễu cợt như thế này. Có một phụ nữ gặp một người giống như nông dân đang ngồi đập đá bên vệ đường. Người nông dân đã trả lời câu hỏi ông ấy làm cái gì đấy, như thế này : "Tôi chế tạo những công cụ tiền sử cho ngài đê Pect". Và cũng ở ngay trên đất Pháp, vào thời gian đầu của những năm thứ 50 của thế kỷ XIX, ở ngoại ô Xen-Asen, trong một năm người ta đã đào được 800 cái "rìu", còn trong vòng 25 năm khai quật, số lượng rìu tìm được là gần 20 nghìn. Sau đó, không còn ai có thể buộc tội đê Pect là giả mạo nữa. Ở những nước khác, người ta cũng đã đào được ở những độ sâu lớn các loại công cụ bằng silic cùng với xương động vật hóa thạch. Những bộ xương và công cụ tìm được ở những độ sâu khác nhau trong những lớp đất rất dày là cát, sét và các loại đất đá khác, chứng minh rằng chúng có tuổi khác nhau. Lẽ đương nhiên, những xương và công cụ nằm ở lớp đất sâu hơn thì sẽ cổ xưa hơn những xương và công cụ nằm ở những lớp đất phía trên. Nhà địa chất học V. Xmit đã thử tính tất cả các lớp. Chỉ riêng ở nước Anh đã có tới 32 lớp. Năm 1859, một ủy ban có uy tín của nước Anh, chứ không phải của nước Pháp, đã đến địa điểm khai quật của đê Pect. Trong số các thành viên của ủy ban có nhà địa chất học nổi tiếng S. Laien và nhà khảo cổ học Đ. Evan. Họ đã xem xét những chỗ có các vật tìm được của đê Pect và họ tự tiến hành khai quật. Chân lý cổ xưa có câu - không có nhà tiên tri trong tổ quốc của mình - một lần nữa đã được khẳng định. Kết luận của ủy ban là nhất trí : Busê đê Pect đã đúng. Dòng thác các sự kiện đã lớn lên. Cần phải nghiên cứu chúng. Và S. Laien đã cố gắng giải quyết nhiệm vụ ấy. Ông viết cuốn sách "Cơ sở địa chất học" mà vào thời bây giờ là khá mạnh dạn. Trong một cuốn sách khác - "Thời cổ đại của con người" (1864), S. Laien chứng minh những hòn đá được chế tạo thô sơ là những công cụ của người cổ xưa. Thời cổ đại của những hòn đá ấy được khẳng định bởi thế nằm ở độ sâu lớn và bởi những động vật hóa thạch mà xương của chúng đã được tìm thấy cùng với công cụ và xương người; nếu bây giờ, các lực của tự nhiên gây nên gió, các dòng chảy, hoạt động của núi lửa, sự sản sinh ra các tinh thể và hình thành núi, thì cũng chính những lực ấy đã tạo nên những lớp đất sét, cát và những trầm tích khác.
Những ý tưởng của Laien đã kích động Đacuyn. Sau này, ông đã công khai thừa nhận "địa chất học là ưu thế vĩ đại trong các phương pháp của ông đối với công việc"... Lúc bấy giờ, Đacuyn đã có thời gian để suy ngẫm: ông đang ở trên chiếc tàu Bigơn đi vòng quanh thế giới. Hai mươi ba năm trôi qua, và S. Đacuyn đã công bố công trình "Nguồn gốc các loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên, hay là sự bảo tồn những giống có điều kiện thuận lợi trong cuộc đấu tranh giành sự sống". Trong cuốn sách này ông đã dùng một khối lượng khổng lồ các sự kiện để luận chứng cho những quan điểm của mình. Thật ra, ông viết hãy còn ít về con người, mà chỉ cho phép mình nhận xét rằng lý thuyết mà ông đưa ra có thể soi sáng vấn đề nguồn gốc và lịch sử của con người.
Năm 1861 ở Pháp đã xuất bản cuốn sách của E. Lactê "Những nghiên cứu mới đối với vấn đề về sự tồn tại của con người và các động vật hóa thạch cỡ lớn đặc trưng cho thời đại địa chất cuối cùng". Lactê ủng hộ Busê đê Pect và khẳng định công cụ bằng đá và vật phẩm bằng xương có hình tượng động vật bị tuyệt chủng chạm trổ trên chúng là của những người đã sống cùng thời với những động vật ấy. Năm 1863, T. Hecxli công bố cuốn sách "Vị trí của con người trong tự nhiên", trong cuốn sách này, lần đầu tiên, ông đặt cơ sở khoa học cho quan điểm về sự giống nhau giữa người với vượn, đặc biệt là giống hắc tinh tinh và vượn gôrila. Ông xác định những sinh vật ấy là những họ hàng gần gũi nhất của con người.
           Năm 1871, Đacuyn cho công bố tác phẩm cơ bản "Nguồn gốc con người và sự chọn lọc giới tính". Đáng tiếc là nhiều người, trong số đó có cả những nhà khoa học, lại khẳng định rằng Đacuyn và Hecxli chứng minh nguồn gốc con người là từ những con vượn như hiện nay. Nhiều ý kiến lại vang lên : nếu như thừa nhận học thuyết tiến hóa của Đacuyn thì có nghĩa là đồng ý rằng hắc tinh tinh hoặc gôrila là tổ  tiên của chúng ta. Mối ác cảm đối với quan niệm về họ hàng trực tiếp với vượn đã được phổ biến rộng rãi, sự tầm thường hóa tư tưởng chủ đạo đã kìm hãm việc thừa nhận học thuyết tiến hóa. Ngoài ra, lúc ấy vẫn còn chưa hiểu rõ cơ chế của tính di truyền và biến dị. Và mặc dù vào năm 1865, nhà khoa học Tiệp Khắc G. Menđen công bố công trình về những định luật truyền các tính trạng di truyền do ông phát hiện ra, nhưng công trình đó cũng không ai để ý đến. Cũng vào những năm ấy, một ý kiến khác, ý kiến "thiếu một mắt xích" (missing link), lại nảy sinh, trong nhiều năm nó đã dày vò các nhà khảo cổ và nhân chủng học. Lại bắt đầu tìm kiếm các sinh vật hóa thạch là khâu trung gian giữa vượn và người. Nhưng kỹ thuật thì lúc ấy một phần những mắt xích như vậy đã được biết rõ

1 nhận xét:

  1. bài viết dựa trên quan điểm ủng hộ học thuyết Đacuyn quá rõ ràng nên mất đi cái hay của vấn đề, nếu bi h mà xét lại thì các nền văn minh cổ xuất hiện trước chúng ta và văn minh hơn chúng ta bi h thì thế nào. đây là vấn đề lớn cần thời gian nghiên cứu rõ ràng trước khi dám xác định cái gì đúng và cái gì sai , ko nên đi theo vết xe đổ giống như chế độ pháp ngày xưa chỉ nhận định tôn giáo là trên hết mà ko nghiên cứu rõ ràng.

    Trả lờiXóa