Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Một tin khảo cổ ngắn với nhiều câu hỏi dài

Phát hiện nơi cư trú lý tưởng của cư dân thời tiền sử
Các chuyên gia khảo cổ học đang khai quật di chỉ khảo cổ học ở thung lũng sông Tang, thôn Trà Veo 3, xã Trà Xinh, huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi).
Các hiện vật, công cụ sản xuất có niên đại hàng ngàn năm của cư dân thời tiền sử sinh sống ở thung lũng sông Tang.

SGTT.VN - Sau hơn hai tháng tiến hành khai quật khảo cổ học, các chuyên gia Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi và viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy ở thung lũng sông Tang thuộc thôn Trà Veo 2, Trà Veo 3, xã Trà Xinh, huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) có nhiều hiện vật thời kỳ hậu kỳ đá mới, tiền Sa Huỳnh và khu mộ táng đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh có niên đại từ 2.500 – 15.000 năm (viết đúng phải là từ 15.000 năm đến 2.500 năm)

Chiều ngày 6.3, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, người chủ trì đề tài khai quật khảo cổ học này thuộc Sở Văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi nhận định: “Mặc dù đợt khai quật mới chỉ triển khai ở giai đoạn 1, nhưng chúng tôi đã phát hiện ở khu di chỉ khảo cổ trong thung lũng sông Tang có nét đặc trưng văn hoá riêng, có sự chồng xếp các giai đoạn văn hoá chính yếu: hậu kỳ đá cũ, hậu kỳ đá mới, Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh. Đây là tiến trình phát triển lâu dài, minh chứng thung lũng sông Tang là nơi cư trú lý tưởng của cư dân thời tiền sử.
Hiện tại, các chuyên gia khảo cổ học đã tìm thấy các công cụ ghè đẽo của cư dân cách đây khoảng 10.000 năm; Công cụ cuốc đá có vai, rìu mài lưỡi, bôn đá và gốm của cư dân hậu kỳ đá mới cách đây khoảng 4.000 năm. Đặc biệt, trong hố khai quật còn tìm thấy đồ gốm mang phong cách Bình Châu thuộc giai đoạn Tiền Sa Huỳnh và các cụm mộ nồi có đồ tuỳ táng dao sắt, khuyên tai hai đầu thú, điển hình của văn hoá Sa Huỳnh. Các khu mộ nồi giai đoạn Sa Huỳnh chôn thành cụm, một số có nắp đậy là loại bát bồng. Mộ nồi thường có đá đánh dấu biên mộ, đặc biệt, có một mộ nồi sử dụng cuội sỏi để lát dưới đáy. Các mộ nồi chôn liền kề sát cạnh nhau, cao thấp khác nhau, tạo thành khu mộ phản ánh quan niệm thân tộc của cư dân Sa Huỳnh.
Điều này chứng tỏ có dòng chảy văn hoá ở giai đoạn hậu kỳ đá mới Tây Nguyên đi qua dải Trường Sơn, tiến dần về đồng bằng duyên hải miền Trung để hình thành nên thời đại kim khí phát triển rực rỡ Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh”, tiến sĩ Khôi cho biết.

Tin và ảnh của Minh Đức

Lâm Thị Mỹ Dung có chỉnh sửa một số chỗ cho hợp lý hơn về khảo cổ học

Những câu hỏi dài:
1. Hậu kỳ đá cũ ở đây có niên đại 10.000 hay 15.000 năm? Nếu cách đây 10.000 năm thì có phải là hậu kỳ đá cũ không hay thuộc sơ kỳ đá mới?
2. Hậu kỳ đá mới (cách đây 4000 năm) làm sao có mối quan hệ trực tiếp với Tiền Sa Huỳnh (giai đoạn Bình Châu cách đây khoảng trên 2500 năm) để khẳng định dòng chảy từ hậu kỳ đá mới (với loại công cụ đá như cuốc có vai, rìu...) sang Tiền Sa Huỳnh (giai đoạn Bình Châu) rồi đến Sa Huỳnh (mộ với công cụ sắt, khuyên tai hai đầu thú...)?
3. Hiện nay ở vùng đồng bằng duyên hải và đảo ven bờ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đều phát hiện được những di tích Tiền Sa Huỳnh (cách đây khoảng 3000 năm) và di tích Sa Huỳnh (cách đây từ 2500 đến 2000 năm) cho thấy ở những khu vực địa lý này đã có cư dân sinh sống liên tục từ hậu kỳ đá mới sang sơ kỳ kim khí thì tại sao phải đợi dòng chảy từ trên núi xuống như TS. Đoàn Ngọc Khôi khẳng định. Đấy là chưa kể ngay ở ĐNA Hải đảo cũng có một diễn tiến văn hóa khảo cổ tương tự như ở một số khu vực miền Trung Việt Nam.
4. Phát hiện ở thung lũng sông Tang thực sự rất quan trọng trong việc tìm hiểu lối sống, mối quan hệ qua lại của các nhóm cư dân từ thời tiền sử ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng khi chưa có những nghiên cứu so sánh hệ thống và tổng hợp hơn thì chưa thể kết luận từ đâu chảy sang đâu!

RẤT LẠ LÀ MỚI CHỈ TỪ NGHIÊN CỨU NGOÀI THỰC ĐỊA  ĐÃ VỘI ĐƯA RA KẾT LUẬN MANG TẦM KHÁI QUÁT!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét