Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Thêm về cuộc tranh luận khoa học

Entry trước tôi đã có vài lời bình về chuyện bộ xương thời Lý. PGS.TS. Nguyễn Lân Cường vừa gửi cho tôi bài viết mới của ông gửi đăng ở báo Khoa học & Đời sống. Thực ra những tranh luận trên báo kiểu này sẽ khó dẫn đến những kết luận khoa học thực sự. Tôi đồng ý với đề nghị của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường về việc tổ chức các hội đồng giám định khoa học để đánh giá niên đại và phương pháp phục dựng bộ xương. 
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường vẫn quá bức xúc nên dùng lời phản biện có phần không hợp với tranh luận khoa học và đưa ra một số tư liệu không liên quan đến vấn đề đang gây tranh cãi. Những chứng cứ khảo cổ mà ông đưa ra nên có số liệu cụ thể và trích dẫn rõ ràng hơn.
Mong rằng TS. Nguyễn Việt vì sự lành mạnh trong học thuật sẽ đồng ý đưa ra những tài liệu khoa học chứng minh bộ xương mà ông và TT của ông đang phục dựng có niên đại thời Lý và có những tranh biện cần thiết để mọi người hiểu thêm về phương pháp làm việc của mình.

Bài viết của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường


Bài gửi đăng báo Khoa học & Đời sống


TRONG KHOA HỌC KHÔNG CÓ CON ĐƯỜNG TẮT


PGS.TS. Nguyễn Lân Cường

15g40 ngày 5 tháng 10, tôi đang hướng dẫn Phó ban Thư ký báo Công An Nhân Dân Trần Duy Hiển đi thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long, thì máy di động của tôi đổ chuông. Tôi nhận ngay ra cái giọng rất đáng yêu của một cán bộ thuộc loại lão làng, ở Viện Khảo cổ học. Anh vừa cười vừa hỏi tôi trong điện thoại: “ Có bộ xương thời Lý hở cụ?”. Tôi trả lời: “Bác cứ đùa em!” Đầu kia lại cười hà hà: “Cụ xem trên báo Thể thao - Văn hoá sáng nay 5/10 có bài “ Tiến sĩ Nguyễn Việt làm “sống dậy” người Việt cổ”, của Vũ Xuân Bân trong đó có chi tiết về phục dựng một bộ xương đời Lý đấy”. Tôi như không tin vào tai mình nữa và đi tìm ngay tờ báo để đọc.
Đọc xong bài báo tôi thấy buồn quá. Vì không hiểu tại sao nếu là vấn đề khoa học đặc sắc, hoặc một công trình có ý nghĩa thực sự (như tác giả bài báo Vũ Xuân Bân đã viết :” …công trình này ít nhiều đã khiến cho người ta rưng rưng xúc động…”) thì TS Nguyễn Việt phải đưa ra Hội nghị Thông báo Khảo cổ học hàng năm để cho các nhà khoa học cùng bàn luận chứ? Sao lại cứ phải “lăng xê” công trình của mình cho những người không có chuyên môn ở báo chí để tự huyễn hoặc mình, và tự đề cao mình quá mức, mặc dầu anh là nhà khảo cổ học không có một chút chuyên môn nào về chuyện này.

Ngay từ ngày 4 tháng 7 năm 2007, phóng viên Báo Vie Times đã phỏng vấn tôi sau khi thấy VTV4 đưa tin công trình khôi phục lại mặt theo xương sọ của TS Nguyễn Việt. Bài báo có tên “Có nên đưa tin về một công trình khoa học chưa được kiểm nghiệm” Trong bài báo này tôi đã nói rõ quan điểm của mình như sau (nhưng vẫn nhẹ nhàng thôi để mong đồng nghiệp Nguyễn Việt của mình phải thận trọng): “Đây là một công trình thiếu cơ sở khoa học, thiếu những số liệu cần thiết để kiểm tra, nếu bày để chơi thì được, nhưng không thể trưng bày trong các Bảo tàng… Nếu làm kiểu anh Việt thì một em học sinh trung cấp Mỹ thuật cũng có thể làm được…” Thiết nghĩ anh sẽ dừng lại vì nghĩ rằng dù sao tôi cũng là bậc đàn anh của anh kể cả tuổi tác lẫn năm tháng công tác ở Viện Khảo cổ học. Nhưng không. Ngày 1/5/2010 trên báo Sài Gòn Tiếp thị có bài của nhà báo Hương Lan viết về TS Nguyễn Việt với tiêu đề “40 năm phục dựng mặt người Việt cổ” (con số 40 năm chắc chắn phải do TS Nguyễn Việt nói, chứ sao cô phóng viên trẻ biết được!). Không phải chỉ tôi mà nhiều nhà khảo cổ học biết anh (cả Thầy anh - GS Hà Văn Tấn) - đã lắc đầu vì con số 40 năm khá nực cười này. Về công tác ở Viện Khảo cổ học năm 1975, mà lại chuyên làm khảo cổ, rồi cả một thời gian dài đi bảo vệ ở nước ngoài, hết hạn ở lại Đức để lập công ty buôn bán tại Đức…Thế thì cộng kiểu gì để được con số 40 năm! Tôi mà như anh thì chẳng khoe với nhà báo về luận án của mình làm gì, mà hình như tên của nó chính là của cuốn sách Những nghiên cứu mới về tiền sử, sơ sử Việt Nam (dưới ánh sáng của Niên đại Carbon phóng xạ C14), anh xuất bản sau này. Nhiều người biết rằng tên luận án đăng ký lúc đầu của anh ở trong nước là nghiên cứu về những hạt thóc tại Xóm Trại (?). Nhưng chứng cứ không thuyết phục hay nói trắng ra là thiếu cơ sở khoa học nên những ông thầy Đức không chấp nhận. Anh buộc lòng phải chuyển đề tài sang làm về C14, mà đề tài này lúc đó Phó Viện trưởng Hoàng Xuân Chinh và TS Hans Quitta đã xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Anh. Phải chăng các số liệu C14 Nguyễn Việt đã “mượn” từ đây. Nếu đúng vậy thì chẳng nên khoe khoang với nhà báo làm gì! Trên bài báo đăng ở Thể thao - Văn hoá lại còn viết: “Công trình phục dựng mặt người Động Xá hơn 2000 năm ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và công luận. Đề tài khoa học đã được Hội đồng khoa học của Hội nghiên cứu Đông Nam Á nghiệm thu…” Hầu hết những nhà khoa học trong Hội đồng ấy tôi đều biết, như nhà ngôn ngữ học đầu đàn GS. TS Phạm Đức Dương, Nhà nghiên cứu rất nổi tiếng về Chămpa PGS.TS. Ngô Văn Doanh, nhà nghiên cứu Phật giáo cực kỳ uyên bác GS Cao Xuân Phổ, nhưng đáng tiếc chẳng có ai là nhà nhân học hay giải phẫu học. Lập Hội đồng kiểu ấy thì có khác gì bắt NSND Thu Hiền sang làm giám khảo để tuyển chọn diễn viên…múa.
Ngày 1/9/2010, trên Báo Tuổi trẻ Thủ đô có bài phỏng vấn tôi với tiêu đề “Trung thực là đức tính quan trọng nhất của các nhà khoa học”. Trong bài báo đó tôi không chỉ phê phán cô Hương Lan khi gọi anh Việt là “Cha đẻ của nhiều chuyên ngành khảo cổ mới”, mà tôi còn phủ nhận chuyện cho rằng vào năm 1971 GS Hà Văn Tấn đề cử Nguyễn Việt sang Liên Xô (cũ) học chuyên ngành phục chế mặt người, như bài báo đã ghi, chắc là theo lời kể của TS Nguyễn Việt. Điều này chính GS Hà Văn Tấn, vì bị lâm bệnh không nói được, đã ghi ra giấy cho tôi là không phải, và tôi còn lưu giữ mảnh giấy này.
Trong bài báo trên tôi cũng đã nói rõ thực chất cái gọi là Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thế nào để mọi người hiểu rõ hơn. Trung tâm làm việc chỉ có vài người do anh Việt trả lương, và chỉ có anh Việt là nghiên cứu về khảo cổ học. Trung tâm lại do Hội Đông Nam Á lập ra nên về tư cách pháp nhân không được quyền khai quật khảo cổ học. Chính vì vậy, anh đã phải xin đồng nghiệp ở Viện Khảo cổ học, ở Bộ môn khảo cổ học của Khoa lịch sử , Trường Đại học KHXH&;NV cho khai quật “ghé”, vì Cục Di sản văn hoá không cấp giấy phép cho anh. Điều này đã được TS Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá đã khẳng định với tôi ngay sáng nay. Ngày khai quật mộ thuyền Châu Can, PGS.TS. Trịnh Sinh và tôi vì nể anh mà để anh vào lấy bùn trong mộ thuyền có vết vải để nghiên cứu. Bọn tôi tự nghĩ cái gì mình không nghiên cứu được thì hãy để người khác làm. Có ngờ đâu, sau đó chúng tôi bị Viện trưởng phê phán, vì sau khi làm sạch các mảnh vải này, ép kính đẹp đẽ, TS Nguyễn Việt lại rao bán… trên mạng. Tôi nhớ một lần gặp TS Đặng Văn Bài, lúc đó là Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, anh đã tỏ thái độ rất bất bình về chuyện này. Rõ ràng, việc TS Nguyễn Việt khai quật những ngôi mộ cổ ở Động Xá, mà nay anh coi những sọ cổ thu được là hiện vật riêng của Trung tâm anh, là vi phạm luật. (Điều 39, mục 1 ghi rõ:”Tổ chức có chức năng nghiên cứu khảo cổ muốn tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ phải gửi hồ sơ xin phép thăm dò, khai quật khảo cổ đến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch”. Điều 41, mục 1 ghi rõ “Mọi di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc do tổ chức ,cá nhân phát hiện, giao nộp phải được tạm nhập vào Bảo tàng cấp tỉnh nơi phát hiện. Bảo tàng cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch”). Chưa kể đến việc, vì không phải là nhà nhân học anh lại dùng thạch cao để gắn xương, một điều tối kị trong ngành cổ nhân học. Vì gắn sai, khi thạch cao cứng lại là không thể gỡ ra được. Giám đốc Bảo tàng Hưng Yên Phạm Trung Hiếu mới đây có trao đổi với tôi là sẽ thu hồi lại những sọ cổ này để lưu ở Bảo tàng Hưng Yên cho đúng nguyên tắc của Luật Di sản văn hoá.
Trong bài báo của tác giả Vũ Xuân Bân có nhắc tới TS Nguyễn Việt đang gấp rút hoàn thành chân dung phục dựng từ một bộ xương đời Lý. Điều đó là hoàn toàn bịp bợm, vì 45 năm công tác trong ngành khảo cổ học, cùng với các bạn đồng nghiệp, chúng tôi đã nghiên cứu tới 800 bộ xương người cổ thuộc các thời đại đồ đá, kim khí và khảo cổ học lịch sử. Chưa bao giờ phát hiện được xương đời Lý. Mộ thời Lý thì chỉ có 2 ngôi, nhưng chỉ còn lại vết than tro. Điều đó minh chứng cho tục hoả táng của cư dân thời này.
Tôi được biết hiện nay Viện Khoa học Hình sự và Viện Công nghệ Thông tin đang phối hợp để thực hiện đề tài cấp Nhà nước:” “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại tái tạo ảnh mặt người 3 chiều từ dữ liệu hình thái xương sọ phục vụ điều tra hình sự và an sinh xã hội”. Đề tài này do PGS.TS. Hồ Sĩ Đàm và Đại tá PGS.TS. Nguyễn Trọng Toàn cùng cộng sự thực hiện.
Các nhà khoa học ở 2 cơ quan trên đã thực hiện:
1. Chụp ảnh người Việt (1000 người)
2. Chụp 2 vạn bức ảnh cắt lớp (chụp city)
3. Nghiên cứu về hình thái của 26 hộp sọ người Việt bằng phương pháp quét ảnh 3 chiều
Công trình này đang gấp rút hoàn thành nay mai.
Về phần mình, là nhà nhân học đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản (ở Viện Hàn lâm CHDC Đức cũ) về phương pháp phục chế lại mặt theo xương sọ ngay từ những năm 1979-1980, dưới sự hướng dẫn của TS. H. Ullrich (học trò khoá 1 của Ghê-ra-xi-mốp). Tôi đã tái tạo được các bộ mặt dựa trên xương sọ, nhưng của người châu Âu, vì dựa vào các số liệu của người Đức và châu Âu mà thầy tôi cung cấp. Muốn làm trên người Việt cũng phải thực hiện các bước lấy dữ liệu như 2 cơ quan trên đã thực hiện. Để làm được điều này phải có tiền chụp cắt lớp… Rõ ràng điều đó còn phụ thuộc vào kinh phí mà bản thân tôi chưa thực hiện được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi đề tài trên được
thực hiện chúng tôi sẽ kết hợp các số đo của hàng trăm sọ cổ đào được trong mấy chục năm qua, phối hợp với 2 cơ quan trên để tạo dựng lại mặt của người cổ qua các nền văn hoá nổi tiếng như Sơn Vi, Hoà Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn…
Tôi tha thiết đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường thành lập một Hội đồng chuyên môn gồm các nhà nhân học của Viện và Hội Khảo cổ học, PGS.TS.Hồ Sĩ Đàm và Đại tá PGS.TS. Nguyễn Trọng Toàn (của đề tài trên), và các đại diện của: Bộ môn Nhân học và Sinh lý học Đại học Khoa học Tự nhiên trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội, Cục DSVH, Hội Sử học, Viện Khảo cổ học và Viện Đông Nam Á… Hội đồng này sẽ nghe TS Nguyễn Việt trình bày, trao đổi, nhận xét và đánh giá kết quả bằng phiếu kín. Kết quả trên sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chắc chắn đây là biện pháp tối ưu để làm rõ trắng đen, tránh khỏi sự mập mờ trong khoa học.
Viết xong bản thảo này thì tôi được đọc trên báo Thể thao & Văn hoá số 282, ra ngày 9/10/2010 có bài của TS Nguyễn Việt với tiêu đề Những di cốt hiếm có thuộc thời nhà Lý. Bằng chứng anh dựa vào là những di vật và xương cốt người thuộc các khu mộ táng lộ thiên trong hang hoặc gác trên các hốc đá thuộc 2 khu vực Lũng Mu (Hồ Xuân, Quan Hoá, Thanh Hoá) và Suối Bàng (Mộc Châu, Sơn La). Theo Nguyễn Việt “Trong một số quan tài bên cạnh di cốt người chúng tôi còn phát hiện một số gốm sứ tuỳ táng. Chúng thuộc về những đồ gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc có niên đại tập trung trong khoảng thế kỷ 10-12.”
Ngay từ tháng 6 năm 1998, TS Nguyễn Gia Đối, Phó trưởng Phòng nghiên cứu thời đại đá Viện Khảo cổ học, đã đi điều tra khảo cổ học vùng Quan Hoá, Thanh Hoá. Anh và đồng nghiệp cũng đã đến những hang đá có các quan tài kê trên vách đá. Anh đã tìm được một số hiện vật như bôn đá có vai, rìu giáo đồng hay đồ gốm thời đại kim khí trong những hang đá này và đã thông báo tại Hội nghị thông báo Khảo cổ học năm 1998. Nhưng điều quan trọng nhất mà sáng 11 /10 tôi hỏi anh là có hiện vật nào tìm thấy trong quan tài không. Anh trả lời dứt khoát: không. Điều đó để nói lên rằng, những người đời sau (mà chủ yếu là dân tộc Xá) đã đặt quan tài trên những hang đá mà hang này vốn là một địa điểm khảo cổ học có niên đại sớm. Như vậy rõ ràng anh không thể chứng minh được bộ xương nằm trong quan tài thuộc cùng niên đại với những hiện vật ngoài quan tài. Một em sinh viên năm thứ nhất về khảo cổ học chắc chắn cũng trả lời như vậy.
Lại nói về khu mộ tương tự nhưng ở Mộc Châu (Sơn La), nơi mà tôi và mấy anh bạn ở Nhà Xuất bản Thế giới đã mò lên tận hang để được sờ được vào những chiếc quan tài, kể cả một hộp sọ trẻ em còn khá nguyên vẹn. Đường dốc núi dựng đứng 75 độ. Vất vả gần một giờ đồng hồ chúng tôi mới lên được tới nơi. Kê và dựa vào vách đá là khoảng 20 chiếc quan tài. Tuyệt nhiên trong các quan tài không có một hiện vật nào ngoại trừ vài chiếc xương chi và một hộp sọ trẻ em 8 tuổi. Sọ nhẹ tâng tâng, lại nhìn những quan tài gỗ khá mục nát, bằng con mắt nghề nghiệp tôi cho rằng đây là những sọ chỉ có tuổi vài trăm năm. Trở về bản, ngay dưới chân dốc, tôi hỏi ông Mùi Văn Thu (dân tộc Mường), Bí thư Đảng uỷ xã Suối Bàng và anh Phạm Việt Hùng, phó Phòng Văn hoá Huyện Mộc Châu, cùng một số người khác đều nói chưa bao giờ thấy có hiện vật trong quan tài. Thế nhưng Nguyễn Việt lại khẳng định: “Chúng tôi phát hiện một số gốm sứ tuỳ táng”? Nhưng kể cả ngay khi trong quan tài có một hiện vật gốm cổ thì sao? Một tộc trưởng giàu có, mê đồ cổ, khi từ trần chẳng nhẽ lại không có thể đặt vào quan tài của mình một chiếc đĩa cổ do tổ tiên để lại cho dòng họ hay sao? Tôi có một anh bạn, quê ở Văn Điển, trên cổ anh lúc nào cũng đeo một chiếc rìu đá Phùng Nguyên nhỏ xíu. Có lần anh đã khoe với tôi là đồ xịn vì hiện vật này nhặt được tại di chỉ khảo cổ học Văn Điển thuộc văn hoá Phùng Nguyên (có niên đại cách nay khoảng 4000 năm). Vừa rồi anh lâm trọng bệnh và từ trần. Chiếc rìu đá Phùng Nguyên nhỏ xíu đã theo anh sang thế giới bên kia. Vậy vài trăm năm nữa, vì một lý do nào đó người ta đào trúng phải mộ của anh, và dựa vào chiếc rìu đá nói rằng anh là “người Phùng Nguyên” sống cách nay 4000 năm ư? Cho nên phải dựa vào nhiều yếu tố để xác định niên đại của một ngôi mộ cổ.
Về những ngôi mộ này thì nhiều nhà khảo cổ có tiếng đều ủng hộ quan điểm của tôi, là không có chuyện những quan tài kiểu này ở Thanh Hoá và Mộc Châu có tuổi nghìn năm. Trong bài báo của mình TS Nguyễn Việt lại còn rất “xính ngoại” khi công bố rằng dựa vào ý kiến của “các chuyên gia gốm sứ của Trung Quốc và Nhật Bản”. Thế những nhà nghiên cứu gốm sứ Việt Nam rất nổi tiếng như TS Nguyễn Đình Chiến, PGS.TS. Tống Trung Tín, TS. Bùi Minh Trí…còn sờ sờ ra đấy sao anh không hỏi. Hay phải chăng anh có ý đồ muốn úp úp mở mở với nước ngoài để đổi trắng thay đen.
Theo tôi TS Nguyễn Việt nên nói rõ trước công luận những đồ gốm anh thu thập được nằm trong quan tài hay nằm trên mặt đất. Mình anh chứng kiến điều đó hay còn người khác nữa. Còn nếu anh vẫn xác định rằng hiện vật nằm trong quan tài, thì tôi sẵn sàng bỏ tiền túi ra vài triệu để nhờ các bạn đồng nghiệp trong các phòng nghiên cứu định niên đại bằng C14 ở 2 thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khảo cổ phân tích mẫu gỗ quan tài. Một việc làm quá đơn giản, lại có thể phân biệt một cách chính xác anh trong sạch hay đã lừa bịp dư luận.
Nếu trong sạch và đúng như lời anh đã công bố tôi sẵn sàng xin lỗi anh trước công luận và “xin thôi ngay chức Phó Tổng thư ký” Hội Khảo cổ học như tít đề của báo Thể thao & Văn hoá số 9 tháng 10 vừa qua đã ghi.

*

Trong khoa học không có con đường tắt. Chỉ có lao động bằng chính sức lực của mình thì những cống hiến đó mới là thành quả thực sự. Anh loè bịp được một số người hôm nay - những người ngoài nghề, nhưng chắc chắn những nhà khoa học chân chính sẽ không ai chấp nhận và lúc nào đó chính lương tâm của anh sẽ bị cắn rứt.
N.L.C.








1 nhận xét:

  1. Làm C14 gỗ quan tài sẽ không cho kết quả chính xác. Dù có hiệu chỉnh gì thì cũng CỘNG-TRỪ 100năm.

    Trả lờiXóa