"Con đường tơ lụa trên biển" thời Hán
Tuyến đường thương mại biển sớm nhất của Trung Quốc
Chử Bích Thu (NCV, Viện Nghiên cứu Trung Quốc)
“Con đường tơ lụa” là con đường thương mại thời cổ đại do Trung Quốc khai thông cách đây hơn 2000 năm, nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi. Sự ra đời của con đường tơ lụa được đánh giá là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử quan hệ kinh tế - văn hóa giữa phương Đông và phương Tây thời cổ đại, vì thế nó đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả. Về con đường tơ lụa trên bộ, đã từng có rất nhiều công trình nghiên cứu công phu, nhưng những hiểu biết về con đường tơ lụa trên biển cho đến nay vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được khám phá, đã và đang kích thích sự tìm tòi nghiên cứu của các nhà khoa học.
Trung Quốc là quê hương của tơ lụa. Từ rất sớm, tơ tằm cùng các sản phẩm dệt nổi tiếng của Trung Quốc được vận chuyển ra nước ngoài. Sự ưa chuộng ngày càng phổ biến cùng những chuyến hàng mang sản phẩm tơ lụa sang phương Tây đã dần hình thành nên tuyến đường giao thương quốc tế mà về sau nó được mang tên là con đường tơ lụa. Năm 1877, nhà địa lý học người Đức Ferdinand von Richthofen (1833-1905) trong cuốn sách của mình có nhan đề “Trung Quốc", lần đầu tiên đưa ra khái niệm con đường tơ lụa (tiếng Đức là Seidenstranssen, tiếng Anh là Silk Road) để chỉ tuyến đường thông thương trên bộ thời cổ đại giữa Trung Quốc và phương Tây, vì tuyến đường này chủ yếu là buôn bán hàng tơ lụa nên được mệnh danh là con đường tơ lụa. Sau khi xuất hiện tên gọi này, nhiều học giả đồng nhất cho rằng tơ lụa Trung Quốc xuất khẩu sang phương Tây không chỉ bằng đường bộ mà còn thông qua đường biển. Nhà Hán học người Pháp Edouard Chavanes (1865-1918) trong tác phẩm "Sử liệu Tây Turki", khẳng định rõ "con đường tơ lụa có hai tuyến: đường bộ và đường biển" (1). Về sau, giới học thuật quốc tế đều thống nhất tên gọi con đường tơ lụa để chỉ tuyến đường thông thương thời cổ đại xuất phát từ Trung Quốc qua Nam Á, Tây Á nối liền tới châu Âu và bắc Phi, bao gồm tuyến đường trên bộ và trên biển.
Như chúng ta biết, việc khai thông con đường tơ lụa mở ra một kỷ nguyên mới trong vấn đề giao thông, trao đổi thương mại và giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây. Trung Quốc là nước nuôi tằm ươm tơ sớm nhất thế giới và hàng dệt tơ lụa ra đời rất được sự ưa chuộng của người dân, nên ngay từ đầu thời Tây Hán trong xã hội Trung Hoa đã xuất hiện những thương nhân muốn mang tơ lụa đến bán cho các quốc gia láng giềng gần biên giới nhà Hán để kiếm lời. Tuy nhiên, theo sử Trung Quốc, những năm đầu thời Tây Hán (206 BC- 23 AD), Hung Nô - một bộ tộc du mục cường thịnh ở miền Bắc Trung Quốc, không ngừng phát động chiến tranh xâm lấn ra bên ngoài, gây sức ép rất lớn đối với biên cương của triều Hán. Các dân tộc khác ở Tây Vực đều phụ thuộc và chịu sự uy hiếp nặng nề của Hung Nô. Đến thời Hán Vũ Đế (140 - 87 BC), để loại trừ hiểm họa biên giới, một mặt triều đình Hán dùng vũ lực tấn công Hung Nô, mặt khác họ dùng biện pháp ngoại giao, liên kết với tộc Đại Nguyệt Thị và cộng đồng các nước Tây Vực, cùng nhau chống lại Hung Nô. Năm Kiến Nguyên thứ 3 (138 BC) và năm Nguyên Đỉnh thứ 2 (115 BC), Hán Vũ Đế hai lần phái Trương Khiên đi sứ Tây Vực, từ đó đ• khai thông con đường tơ lụa trên bộ (2). Nhà Hán sau khi thiết lập được sự đô hộ ở Tây Vực bảo đảm cho việc giao lưu, buôn bán giữa Trung Quốc và phương Tây được thông suốt. Tuyến đường này xuất phát từ kinh đô Trường An (Tây An ngày nay) theo hướng Tây xuyên qua hành lang Hà Tây, qua Thiên Trúc (ấn Độ), đến An Tức (Iran) rồi đến Đại Tần ở châu Âu (tức đế quốc La Mã). Tơ sống và các sản phẩm dệt tơ lụa của Trung Quốc, cùng với các hàng hóa khác thông qua tuyến đường này được vận chuyển ra nước ngoài trở thành mặt hàng thịnh hành khắp phương Tây một thời. Tuy lấy tơ lụa để mở đầu và lấy việc buôn bán tơ lụa làm chính, song ý nghĩa của con đường tơ lụa lại vượt xa phạm vi kinh tế, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các mặt chính trị, ngoại giao, tôn giáo, văn hóa nghệ thuật cũng như sinh hoạt của nhân dân.
Thời Tây Hán, Trung Quốc đạt tới nền chính trị thống nhất, nền kinh tế vững mạnh, đó chính là tiền đề quan trọng cho việc phát triển giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước. Hơn nữa, Hán Vũ Đế là một nhân vật kiệt xuất, dưới thời trị vì của ông (54 năm từ 140 - 86 BC), cùng với sự hình thành của con đường tơ lụa Tây Vực, nhà Hán nỗ lực khai thông tuyến đường biển nhằm đẩy mạnh sự giao lưu và mở rộng ảnh hưởng của vương triều Hán ra bên ngoài. Là một đất nước rộng lớn với đường bờ biển dài, Trung Quốc có lịch sử phát triển hàng hải từ rất sớm. Người Trung Quốc cổ đại sớm có những tri thức về hàng hải, họ biết lợi dụng sức gió, sự vận động của những dòng hải lưu và thuật chiêm tinh. Bờ biển phía Đông đại lục Trung Hoa có hướng Bắc – Nam, nên các nhà hàng hải cổ đại Trung Quốc biết rằng, đi về hướng đông sẽ tới Nhật Bản và theo hướng nam sẽ tới Đông Nam á. Do vậy, từ rất sớm cư dân vùng Hoa Đông có mối liên hệ mật thiết với Nhật Bản, Triều Tiên còn người Hoa Nam có mối quan hệ qua lại thường xuyên với cư dân Đông Nam Á.
Theo ghi chép trong sử liệu, từ trước thời Hán, tơ lụa Trung Quốc được vận chuyển ra nước ngoài bằng đường biển. Đặc biệt, sau sự kiện Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, nhân dân các nước Tề, Yên, Triệu chạy loạn tìm đường vượt biển sang Triều Tiên, tuyến giao thông trên vùng biển phía Đông càng được hình thành rõ nét. Tuyến đường này thông qua Đông Hải (Hoàng Hải ngày nay), nối với Triều Tiên và Nhật Bản. Từ đây, tơ lụa và kỹ thuật nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải của người Trung Quốc được truyền bá sang Triều Tiên và đến thời Hán từ Triều Tiên lại được truyền tới Nhật Bản. Con đường truyền bá kỹ thuật này cũng chính là tuyến đường biển vận chuyển tơ lụa ra nước ngoài sớm nhất của Trung Quốc và sau này trở thành một bộ phận quan trọng của con đường tơ lụa trên biển. Tuy nhiên, trong thời Tần - Hán chưa diễn ra các hoạt động thương mại trên tuyến đường biển phía Đông này và tơ lụa Trung Quốc được đưa sang các nước hoàn toàn không mang tính chất hàng hóa thương mại. Cho đến năm Nguyên Đỉnh thứ 6(111 BC), sau khi bình định Nam Việt, Hán Vũ Đế cho thành lập quận Hợp Phố cùng những cảng biển đầu tiên như: Hợp Phố (Quảng Tây), Từ Văn (Quảng Đông), tuyến đường biển phía Nam được hình thành, thương mại quan doanh- hình thức hoạt động thương mại dưới sự chỉ đạo trực tiếp của triều đình, mới thực sự đi vào hoạt động và tơ lụa Trung Quốc trở thành một mặt hàng trao đổi, theo thuyền của xứ đoàn nhà Hán cập bến tới nhiều quốc gia (3).
Theo ghi chép trong Hán thư: "Tự Nhật Nam Chướng Tắc, Từ Văn, Hợp Phố, thuyền hành khả ngũ nguyệt, hữu Đô Nguyên quốc, hựu thuyền hành khả tứ nguyệt, hữu ấp Lư Một quốc, hựu thuyền hành khả nhị thập dư nhật, hữu Thầm Ly quốc, bộ hành khả thập dư nhật, hữu Phu Can Đô Lư quốc. Tự Phu Can Đô Lư quốc, thuyền hành khả nhị nguyệt dư, hữu Hoàng Chi quốc... Hoàng Chi chi nam hữu Dĩ Trình Bất quốc, Hán chi dịch sứ, tự thử hoàn hỹ." (4)
Ghi chép trên mô tả rõ hải trình tới Ấn Độ dương của đoàn thuyền Trung Quốc cũng như các nước mà xứ đoàn Trung Quốc đi qua và thiết lập quan hệ buôn bán. Theo hải trình này, thuyền xuất phát từ cảng Từ Văn, Hợp Phố (bán đảo Lôi Châu) đi khoảng 5 tháng đến nước Đô Nguyên (tây - nam Malaysia), rồi lại đi tiếp 4 tháng đến nước Ấp Lư Một (Ratburi - nam Thái Lan), lại đi thuyền khoảng hơn 12 ngày nữa thì tới nước Thầm Ly (Tanasalin - Miến Điện), đi bộ khoảng hơn 10 ngày thì tới nước Phu Can Đô Lư (Prome - nam Miến Điện), từ nước Phu Can Đô Lư, lại đi thuyền khoảng hơn 2 tháng thì tới nước Hoàng Chi (nam ấn Độ), cuối cùng dừng lại tại nước Dĩ Trình Bất (quốc đảo Xrilanca) (5). Tại đây, sứ đoàn tiếp tục tiến hành trao đổi thương mại với các thuyền buôn hoạt động trên tuyến hàng hải của La Mã đi xuống từ Địa Trung Hải, rồi theo lộ trình cũ quay trở về Trung Quốc. (Xem phụ lục bản đồ). Đây là những ghi chép sớm nhất trong sử liệu của Trung Quốc về việc tơ lụa thông qua đường biển trở thành hàng hóa thương mại với phương thức hàng đổi hàng để xuất khẩu ra nước ngoài. Tuyến đường biển phía Nam này chính là tuyến chủ đạo của Con đường tơ lụa trên biển.
Thời Hán, hàng tơ lụa Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu là thông qua con đường tơ lụa trên bộ Tây Vực và Tây Nam. Vậy nguyên nhân nào khiến nhà Hán vẫn nỗ lực khai thông tuyến đường biển?
Lý do xuất phát từ chính những hạn chế nảy sinh trên tuyến đường bộ. Con đường tơ lụa trên bộ chỉ thông tới những nước tiếp giáp với Trung Quốc, muốn vận chuyển hàng đi xa hơn về phía Tây, đoàn lái buôn phải đi qua một loạt các nước và nếu như một trong số các nước đó xảy ra chiến tranh hay một nước nào đó nảy sinh mưu đồ lũng đoạn dẫn đến thao túng hoạt động thương mại trên tuyến đường này thì toàn bộ hoạt động của tuyến đường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên trên tuyến đường bộ lại vô cùng khắc nghiệt, đoàn lái buôn phải vượt qua những ngọn núi cao lạnh lẽo, những sa mạc cằn cỗi nóng bỏng mịt mù bão cát. Phương tiện vận chuyển duy nhất là thồ hàng trên lưng lạc đà, do vậy số lượng hàng thồ không nhiều và thời gian vận chuyển lâu. Từ những điểm hạn chế trên của con đường tơ lụa trên bộ, cộng với ý đồ mở rộng ảnh hưởng chính trị ra bên ngoài của triều đình Hán đ• dẫn tới việc hình thành tuyến đường buôn bán trên vùng biển phía Nam. Tuy nhiên, khi mới hình thành, tuyến đường này chủ yếu chỉ vận chuyển, buôn bán tơ lụa, hàng xa xỉ phẩm phục vụ nhu cầu của tầng lớp quý tộc và "mậu dịch triều cống" với mục đích thiết lập quan hệ với các nước xung quanh của triều đình Hán. Hậu Hán Thư, phần Thiên Trúc truyện có ghi: “Hoà Đế (89-105 AD), số di sứ cống hiến, hậu Tây Vực phản bạn nã tuyệt. Chí Hoàn Đế Diên Hy nhị niên (159 AD), tứ niên (161 AD), tần tòng Nhật Nam kiểu ngoại lái hiến” (6). Đoạn ghi chép này không những cho ta biết mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc và Ấn Độ được thiết lập từ những năm 89-105 thông qua con đường tơ lụa trên bộ, mà còn đưa ra lý do (Tây Vực làm phản ) khiến Ấn Độ phải chuyển hướng đi bằng đường biển qua Nhật Nam tới Trung Quốc triều cống vào các năm 159 và 161.
Thực vậy, cùng với việc gia tăng ảnh hưởng chính trị của nhà Hán, hàng tơ lụa tuyệt đẹp của Trung Quốc cũng ngày càng trở nên hấp dẫn đối với nước ngoài, các nước từ khu vực Đông Nam Á, Nam Á, cho đến Tây Á, châu Âu đều lần lượt phái sứ đoàn vượt biển đến bang giao với Trung Quốc. Họ mang tới Trung Quốc những thổ sản quý hiếm như: ngọc trai, hương liệu, các loại đá quý... để đổi lấy hàng tơ lụa. Hậu Hán Thư, phần Trung Tằng có ghi rõ các nước tới Trung Quốc triều cống như sau: Năm 131 có Diệp Điều Quốc (đảo Java ngày nay); năm 159 và năm 161 có nước Thiên Trúc (ấn Độ); năm 97, năm 120 và năm 131 có Đản Quốc (Miến Điện ngày nay) đều phái sứ giả đến Trung Quốc bang giao (7). Như vậy, tơ lụa Trung Quốc qua đường biển được vận chuyển ra nước ngoài không chỉ mang tính chất hàng hóa mà trở thành lễ vật trao đổi, có giá trị và tác dụng ngày một lớn, thậm chí vượt qua cả vàng bạc. Thông qua “mậu dịch triều cống”, tơ lụa Trung Quốc - vừa là lễ phẩm vừa là thương phẩm, trở thành biểu tượng của hoà bình và tình hữu nghị.
Tuy không đặt mục đích thương mại lên đầu, nhưng trên thực tế, sau khi hình thành tuyến đường biển phía Nam, hoạt động thương mại cũng ngày một phát triển, tuyến đường này vươn tới đâu là ở đó diễn ra hoạt động buôn bán tơ lụa và hàng tơ lụa Trung Quốc được chuyển tới đó. Đây là mặt hàng hấp dẫn nên trong hoạt động buôn bán giữa các nước cũng xảy ra một số tranh chấp. Ta có thể hình dung về sự cạnh tranh trong hoạt động thương mại trên biển ở đoạn ghi chép sau trong Hậu Hán Thư: "Dữ An Tức, Thiên Trúc giao thị vu hải trung, lợi hữu thập bội... Kỳ vương thường dục thông sứ vu Hán, nhi An Tức dục dĩ Hán thái tăng dữ chi giao thị, cố già ngại bất đắc tự đạt"(8). Ghi chép trên mô tả mối quan hệ buôn bán tơ lụa trên biển giữa Đại Tần (La Mã ), An Tức (Ba Tư - tức Iran ngày nay) và Thiên Trúc (ấn Độ). Bởi đây là mặt hàng "một vốn bốn lời" nên An Tức muốn độc quyền buôn bán hàng tơ lụa Trung Quốc, ra sức ngăn cản mối giao thương đường biển trực tiếp giữa La Mã và Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu về tơ lụa Trung Quốc đối với người phương Tây rất lớn, họ rất ưa thích mặt hàng tơ lụa mềm mại, mượt mà. Tơ lụa Trung Quốc không những mang tính thẩm mỹ, tính kinh tế, lại có giá trị sử dụng cao nên được xem là một trong những món hàng thượng đẳng ở phương Tây. Chính do mưu đồ lũng đoạn của An Tức thúc đẩy La Mã thiết lập quan hệ buôn bán trực tiếp với nhà Hán mà không cần qua trung gian. "Chí Hoàn Đế Diên Hy cửu niên (166 AD) Đại Tần vương An Đôn (Marcus Aurelius Antonious) di sứ tự Nhật Nam kiểu ngoại hiến tượng nha, tê giác, đại mạo, thủy nãi nhất thông yên" (9). Nghĩa là, dưới thời Hoàn Đế, năm Diên Hy thứ 9 (năm 166 AD), vua Antonnious của La Mã phái sứ giả mang theo ngà voi, sừng tê, mã não... theo đường biển từ Nhật Nam tới triều cống nhà Hán, từ đó mở ra tuyến đường trao đổi thương mại trực tiếp với Trung Quốc.
ảnh 1
Bên cạnh những ghi chép trong thư tịch cổ, rất nhiều phát hiện khảo cổ học chứng minh cho sự hoạt động của con đường tơ lụa trên biển thời Hán. Trước hết phải nói tới việc phát hiện di chỉ xưởng đóng thuyền (niên đại Tần - đầu Tây Hán, năm 221 – 111 BC) tại đường Trung Sơn Tứ, Quảng Châu năm 1974. Tại đây các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện trong địa tầng lớp đất sét xám 3 ụ đóng thuyền chạy dọc song song, theo hướng đông - tây. Trong đó, ụ số 1 có chiều dài hơn 88m, rộng 1,8m.
Theo các nhà nghiên cứu những ụ này có thể đóng ra những thuyền gỗ có tải trọng tới 25-30 tấn (10) (ảnh 1). Mặt khác, việc phát hiện những mô hình thuyền bằng bằng gỗ có niên đại giữa thời Tây Hán (111-32 BC) và thuyền bằng gốm có niên đại Đông Hán (năm 25 - 220 AD) tại Tây Thôn và đường Tiên Liệt, thành phố Quảng Châu những năm 1950 cũng phản ánh rất rõ trình độ chế tạo thuyền thời Hán (ảnh 2, 3). Đặc trưng của thuyền gỗ thời Hán là có nhiều buồng, nhiều khoang, mũi thuyền và đuôi thuyền cong vểnh, đặc biệt ở đuôi thuyền được thiết kế cần lái, song những thuyền này không đi được xa bờ, mà theo như ghi chép trong Hán thư "hữu khổ phùng phong ba nịch tử" (11) (tức là thuyền gặp gió bão lớn thì bị chìm). Thời Hán, Trung Quốc chưa chế tạo được các tàu viễn dương, thời kỳ này, các đoàn thuyền Trung Quốc chỉ đi theo hải trình gần bờ, trong khoảng thời gian vài ba tháng, rồi lại ghé vào đất liền trao đổi hàng hóa và lấy nước ngọt, sau đó lại tiếp tục ra khơi. ảnh 2
ảnh 3
Theo sử liệu thời Hán, cảng khởi phát của Con đường tơ lụa trên biển nằm trên bán đảo Lôi Châu: cảng Từ Văn (Trạm Giang, Quảng Đông) và cảng Hợp Phố (Bắc Hải, Quảng Tây). ở vào vị trí thuận lợi, ngay sát bờ biển phía Nam, ba mặt giáp với biển, sau lưng là vùng Lưỡng Quảng, mặt hướng ra đảo Hải Nam, phía Tây cách biển với Việt Nam, cảng Từ Văn, Hợp Phố là điểm nút giao thông quan trọng giữa ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam.
Nhiều phát hiện khảo cổ học cũng cho thấy, ngay từ thời Tây Hán, Trung Quốc đã nhập cảng hàng hóa từ La Mã Tây Á và Ấn Độ. Điển hình là chiếc hộp bạc phát hiện trong di chỉ mộ Nam Việt Vương - Triệu Mục (niên đại đầu thời Tây Hán, năm 206 - 111 BC) tại Tượng Cương, Quảng Châu năm 1983 (ảnh 4).
Đặc điểm của chiếc hộp bạc này là từ hình dáng đến hoa văn trang trí đều mang phong cách khác hẳn so với các hiện vật thời Hán của Trung Quốc, nhưng lại rất giống những đồ bạc khai quật được ở di chỉ Susa (Iran).
Có thể nói, việc phát hiện 3 chiếc bát thủy tinh (niên đại giữa thời Tây Hán, năm 111- 32 BC) tại Hoành Chi Cương, Quảng Châu năm 1954, hay chuỗi hạt phức hợp pha lê - mã não - thủy tinh (niên đại cuối thời Tây Hán, 32 BC – 25 AD) ở Du Ngư Cương, Quảng Châu năm 1953 đều là những phát hiện khảo cổ học vô cùng quan trọng (ảnh 5, 6). Qua phân tích đối chiếu, các nhà nghiên cứu cho rằng, những hiện vật này là những sản phẩm đặc trưng của La Mã và
Bên cạnh đó, việc phát hiện chiếc vòng tay hạt xoàn vàng có niên đại Tây Hán trong mộ số 1 di chỉ Diêm Đôi, Tháp Giang, huyện Hợp Phố năm 1978 cũng là một hiện vật quan trọng minh chứng cho hoạt động buôn bán đường biển thời Hán. Chiếc vòng có trọng lượng 27,7gram với 7 hạt xoàn bằng vàng (ảnh 7).
ảnh 7
Theo đánh giá của giám đốc Bảo tàng lịch sử Trung Quốc, ông Du Vĩ Siêu, chuỗi hạt này hoàn toàn mang phong cách ấn Độ và là hàng nhập khẩu từ ấn Độ (13). Đặc biệt, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện được công cụ in hoa nhuộm màu (niên đại đầu thời Tây Hán, 206 - 111 BC) trong di chỉ mộ Nam Việt Vương ở Quảng Châu năm 1983 (ảnh 8).
Bộ dụng cụ này gồm một mảnh to (dài 5,7cm, chỗ rộng nhất 4,1cm) và một mảnh nhỏ (dài 3,4cm, chỗ rộng nhất 1,8cm), mặt trước có đồ án hoa văn hình ngọn lửa khắc lồi, mặt sau để trơn. Hiện vật này minh chứng cho kỹ thuật dệt, in hoa và nhuộm vải buổi ban đầu của người Trung Quốc (14).
Tóm lại, những ghi chép trong thư tịch cổ, kết hợp với nhiều hiện vật thu được từ các cuộc khai quật khảo cổ học, đ• khẳng định sự hình thành và hoạt động của con đường tơ lụa trên biển thời Hán. Tuyến đường này xuất phát từ bán đảo Lôi Châu qua vịnh Bắc bộ, men theo bờ biển Việt Nam qua vịnh Thái Lan xuống vùng tây - nam Malaysia, đi qua eo Malaca vòng lên phía bờ biển nam Thái Lan, qua Miến Điện vào vịnh Bengal rồi xuôi xuống vùng nam ấn Độ và dừng lại trên đảo Xrilanca.
Việc khai thông con đường tơ lụa trên biển phản ánh sự phát triển của sức sản xuất x• hội, kỹ thuật hàng hải và thương mại đường biển của Trung Quốc trong thời Hán. Tuy giai đoạn đầu, hoạt động thương mại trên tuyến đường biển chưa rõ nét, chủ yếu là “mậu dịch triều cống”, nhưng thông qua tuyến đường này Trung Quốc bước đầu mở rộng giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước Đông Nam á, Nam á và tới tận châu Âu, tạo tiền đề cho việc phát triển quan hệ thương mại với các nước này trong giai đoạn sau. Con đường tơ lụa trên biển thời Hán thực tế phát triển thành "con đường sứ giả", "con đường hữu nghị" với nội hàm ngày càng phong phú, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây thời cổ đại.
Chú thích:
(1) Trần Viêm: Con đường tơ lụa trên biển và sự giao lưu văn hoá của Trung Quốc với bên ngoài, Nxb Đại học Bắc Kinh, 2002.- tr.3
(2) Tham khảo Đặng Tân Dụ: Con đường tơ lụa và tác dụng của nó trong giao lưu văn hóa Trung Quốc - phương Tây; Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5/1998, trang 40 (Đào Duy Đạt dịch).
(3) Đội công tác văn vật Quảng Tây, “Thực tiễn khảo cổ học cảng Hợp Phố và những nhận định sơ bộ”, Kỷ yếu hội thảo nghiên cứu lý luận về các cảng khởi phát của Con đường tơ lụa trên biển tại Hợp Phố – Bắc Hải – Trung Quốc, Nxb Khoa học, Bắc Kinh, 2006.- tr 22
(4) Trích Hán Thư - Địa lý chí: phần Việt địa, Hb 119/3, Thư viện Viện Khảo cổ học, Viện KHXH Việt Nam.
(*) Nội dung: “Tự Nhật Nam Chướng Tắc, Từ Văn, Hợp Phố, thuyền hành khả ngũ nguyệt, hữu Đô Nguyên quốc, hựu thuyền hành khả tứ nguyệt, hữu ấp Lư Một quốc, hựu thuyền hành khả nhị thập dư nhật, hữu Thầm Ly quốc, bộ hành khả thập dư nhật, hữu Phu Can Đô Lư quốc. Tự Phu Can Đô Lư quốc, thuyền hành khả nhị nguyệt dư, hữu Hoàng Chi quốc; dân tục lược dữ Chu Nhai tương loại. Kỳ châu quảng đại, hộ khẩu đa, đa dị vật. Tự Vũ Đế dĩ lai, giai hiến kiến. Hữu dịch trưởng thuộc hoàng môn, dữ ứng quả giả cụ nhập hải, thị minh chu bích lưu ly kỳ thạch dị vật, lại hoàng kim tạp tăng (ti chức phẩm) nhi vãng, sở chí quốc giai bẩm thực vi ngẫu; Man Di cổ thuyền, chuyển tống chí chi, diệc lợi giao dịch phiếu sát nhân, hữu khổ phùng phong ba nịch tử, bất giả số niên lai hoàn. Đại chu chí vi nhị thốn dĩ hạ. Bình Đế Nguyên Thủy, Mãng phụ chính, dục huy uy đức, hậu di Hoàng Chí vương, lệnh di sứ hiến sinh tê ngưu. Tự Hoàng Chi thuyền hành bát nguyệt đáo Bì Tông, thuyển hành khả nhị nguyệt, đáo Nhật Nam Tượng Lâm giới vân. Hoàng Chi chi nam hữu Dĩ Trình Bất quốc, Hán chi dịch sứ, tự thử hoàn hỹ."
(5) Tên các quốc gia cổ chú theo Từ Hải, Nxb Thượng Hải Từ thư, Thượng Hải,1999 và Từ điển Anh - Hán về nhân vật - địa danh - sự kiện, Nxb Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, Bắc Kinh, 1996.
(6) Trích Hậu Hán Thư - Thiên Trúc truyện
(7) Trích Hậu Hán Thư – Phần Trung Tằng
(8), (9) Trích Hậu Hán Thư - Đại Tần truyện: Phần An Tức
(*) Hậu Hán Thư dẫn theo Trần Viêm: Con đường tơ lụa trên biển và sự giao lưu văn hoá của Trung Quốc với bên ngoài, Nxb Đại học Bắc Kinh, 2002.
(10) Tham khảo "Tuyển tập ảnh hiện vật từ con đường tơ lụa trên biển", Nxb Quảng Đông khoa kỹ, 1991.- tr 20.
(11) Trích Hán Thư - Địa lý chí: Phần Việt địa.
(12) Tham khảo "Tuyển tập ảnh hiện vật từ con đường tơ lụa trên biển", Nxb Quảng Đông khoa kỹ, 1991.- tr 24,28.
(13) Kỷ yếu hội thảo nghiên cứu lý luận về các cảng khởi phát của Con đường tơ lụa trên biển tại Hợp Phố – Bắc Hải – Trung Quốc, Nxb Khoa học, Bắc Kinh, 2006.- tr3
(14) Tham khảo "Tuyển tập ảnh hiện vật từ con đường tơ lụa trên biển", Nxb Quảng Đông khoa kỹ, 1991.- tr 27.
Tài liệu tham khảo
1. Bảo tàng Quảng Đông: Tuyển tập ảnh hiện vật từ con đường tơ lụa trên biển, Nxb Quảng Đông khoa kỹ, Quảng Đông, 1991.
2. Đặng Tân Dụ: Con đường tơ lụa và tác dụng của nó trong giao lưu văn hóa Trung Quốc - phương Tây; Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5/1998, trang 40 (Đào Duy Đạt dịch).
3. Trần Viêm: Con đường tơ lụa trên biển và sự giao lưu văn hoá của Trung Quốc với bên ngoài, Nxb Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 2002.
4. Đại cương lịch sử văn hoá Trung Quốc, Nxb Văn hoá - thông tin, Hà Nội, 1994
5. Hán Thư - Địa lý chí: phần Việt địa, Hb 119/3, Thư viện Viện Khảo cổ học, Viện KHXH Việt Nam.
6. Kỷ yếu hội thảo nghiên cứu lý luận về các cảng khởi phát của Con đường tơ lụa trên biển tại Hợp Phố – Bắc Hải – Trung Quốc, Nxb Khoa học, Bắc Kinh, 2006.
7. Từ Hải, Nxb Thượng Hải Từ thư, Thượng Hải,1999.
8. Từ điển Anh - Hán về nhân vật - địa danh - sự kiện, Nxb Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, Bắc Kinh, 1996.
The Maritime Silk Road of Han Dynasty:
the earliest sea - trade of China
Qin and Han Dynasties are the two periods of opening "Silk road" on the sea and developing the navigation to ocean going voyage. As records "Han -Shu. Di - Li - Zhi", the fleets headed by Yishi sent by the government of Western Han Dynasty, followed the maritime of the folk trade, and arrived in Malay Peninsula and Islands Southeast Asia as well as Southeast coast of India and Srilanka during the first century B.C. The Chinese silk became the most precious dress material in the Mediterranean World. The gold and silvervessels, precious stones and glazed vessels, etc. were shipped to China from abroad through seaway.
A lot of archaeological discoveries proved that as early as in Western Han Dynasty, Quang Zhou had the imports by ships from Rome Empire and West Asia. This is the testimony of sea-trade between China and the West Countries.
Phụ lục bản đồ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét