Keith Taylor
Sự Can Thiệp của Nhà Tấn
Nhà Ngô ở Nam Kinh phung phí quá độ nên có một nhu cầu rất lớn về những đồ xa xỉ ở miền Nam và cần đến kỹ năng của những người thợ thủ công khéo léo. Dưới triều Ung An (258-63), Thái Thú Giao Chỉ là Tôn Tư đã trưng dụng trên 1.000 tay thợ khéo nhất để đưa họ sang Nam Kinh. Tiếc thay chúng ta không biết họ là thợ ngành nào, Tôn Tư bị ghét bỏ vì những hành động này và vì cả sự tàn bạo của mình. Năm 263, triều đình nhà Ngô sai một viên quan là Đặng Tuân sang Giao Chỉ với lý do cần điều tra tình trạng rối ren do Tôn Tư gây ra. Nhưng khi Đặng Tuân vừa tới nơi, Tôn Tư lại mới vừa thu được 30 con công gửi về Nam Kinh, điều đó đã gây thêm sự sợ hãi là sẽ có nhiều người nữa bị trưng dụng để gởi sang Nam Kinh. Tình trạng này đã trở nên trầm trọng hơn bởi những biến cố ở Tứ Xuyên khiến người ta lại hy vọng có thể đuổi được quân Ngô.
Năm 263, nhà Ngụy đánh được nhà Thục Hán ở Tứ Xuyên và từ đó đe dọa nhà Ngô ở phía Tây, những người chống Ngô ở Việt Nam hy vọng có thể lợi dụng được tình hình ấy. Lã Hưng, một viên quan Ngô ở Giao Chỉ được dân chúng địa phương và các binh sĩ ủng hộ, nổi lên giết Tôn Tư và Đặng Tuân, rồi sai sứ sang Ngụy xin quy thuận và xin gửi sang Giao Châu một Thái Thú khác, đồng thời xin được giúp đỡ về quân sự. Hai quận Cửu Chân và Nhật Nam cũng theo Giao Chỉ quay sang quy phục Ngụy.
Năm 264, Ngụy phong Lã Hưng làm tướng tổng chỉ huy các lực lượng quân sự ở Giao Châu, một tướng nữa đóng ở Tứ Xuyên là Hoắc Đặc được phong Thứ Sử Giao Châu với đặc quyền bổ nhiệm các quan chức thuộc hạ. Một năm sau, một gia đình khác có thế lực lại lấn át nhà Ngụy và lập nhà Tấn. Việc can thiệp vào Giao Chỉ vì thế chậm lại do những thay đổi triều đại mặc dầu là không đổ máu.
Hoắc Đặc giám sát mọi việc từ Tứ Xuyên, hai người đầu tiên được ông bổ nhiệm làm Thái Thú Giao Chỉ lại chết vì bệnh trước khi đến nhiệm sở, hơn nữa, Lã Hưng lại bị giết bởi một người trong số thuộc hạ của ông trước khi quân Tấn kéo đến.
Trong thời gian đó, nhà Ngô đang bị bận tâm về những đe dọa trực tiếp đến miền biên giới ở phía Bắc và phía Tây; hành động duy nhất của Ngô ở phía Nam là chia cắt Giao Châu như đã làm trước kia trong một thời gian ngắn vào năm 226, thiết lập Quảng Châu ở miền Bắc, nơi mà quyền hành của Ngô vẫn chưa bị lung lạc.
Tình hình Giao Chỉ trong thời gian này rất đen tối. không ai biết người giết Lã Hưng có phải là người thân Ngô hay không; nhưng một số quan chức địa phương vẫn trung thành với Ngô và tình hình chính trị bấp bênh cho tới khi quân Tấn kéo đến. Cuối cùng, viên Thái Thú của Tấn bổ nhiệm là Dương Tắc cùng 7 tướng lãnh và quân sĩ bản hộ tới nơi sau khi đã vượt 600 dặm đường qua vùng núi non. Trước khi rời Tứ Xuyên, họ đã hội thề với Hoắc Đặc rằng nếu họ bị mắc bẫy hay bị bao vây, họ sẽ chống cự trong vòng 100 ngày rồi mới chịu đầu hàng hay là sẽ chịu tử hình khi trở về; và nếu không có cứu viện đến trong vòng 100 ngày Hoắc Đặc phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của họ. Dựa trên tính chất của lời thề, cuộc viễn chinh này có lẽ là một cuộc thử vận nhiều hơn là một cuộc can thiệp quân sự được bố trí cẩn thận.
Năm 268, vua Ngô sai hai tướng là Lưu Tuấn và Tu Tắc đến chiếm lại Giao Châu, ba lần họ mưu tiến vào Giao Chỉ là ba lần họ bị Dưong Tắc đánh bật ra. Rồi Dương Tắc phản công bằng cách sai bộ tướng đem quân vào Hợp Phố để đánh căn cứ của Ngô. Hai tướng Lưu Tuấn và Tu Tắc bị giết và quân sĩ tan vỡ, chạy tứ tung, trong chiến thắng này, quân Tấn đã được các đơn vị quân sự địa phương giúp đỡ, ngoài Giao Chỉ ra, các quận Cửu Chân và Uất Lâm cũng nhiệt liệt ủng hộ quân Tấn.
Một năm sau, 5 tướng Ngô lại tập hợp binh sĩ ở Hợp Phố để mở cuộc phản công, nhưng 5 tướng không đồng ý được với nhau về kế hoạch chung nên bị chia rẽ trầm trọng. Năm 270, 2 trong 5 tướng bị xử tử vì đã đơn phương rút quân giữa lúc cuộc chiến đang dữ dội.
Đầu 271, Tấn và Ngô đánh nhau trong quận Hợp Phố, tại địa điểm là Phân Thủy, một trong các tướng Ngô là Đào Hoàng bị thiệt mất 2 bộ tướng nên bắt buộc phải rút lui. Vì thế, ông bị các tướng kia chê bai và một trong bọn này dọa bỏ về. Đào Hoàng rất nóng lòng củng cố hàng ngũ, nên đêm hôm ấy cấp tốc đem quân đến cướp trại của Đồng Nguyên, một trong các tướng của Tấn. Ông cướp được trại, lấy được nhiều thuyền bè và cả vàng bạc của Đồng Nguyên. Nhờ đó, Đào Hoàng được thăng chức tổng chỉ huy quân Ngô.
Đào Hoàng là con của một cựu Thứ Sử Ngô ở Giao Châu. Trước khi có cuộc can thiệp của Tấn, ông là Thái Thú quận Thương Ngô. Do đó, ông rất thông thạo công việc miền Nam và thường có hành động rất mau lẹ để giải quyết tinh hình có lợi cho Ngô. Ông đánh úp quân Tấn bằng cách trực tiếp tiến vào Giao Chỉ bằng đường biển, Đồng Nguyên đặt quân phục kích và giả vờ rút lui. Nhưng Đào Hoàng đã biết trước mưu đó nên đã đánh bại được Đồng Nguyên, nắm được tình thế, Đào Hoàng liền tiếp xúc với Lương Kỳ, tướng chỉ huy các đơn vị quân sự địa phương hợp tác với Tấn. Hoàng đem cho Lương Kỳ vô số vàng bạc lấy được của Đồng Nguyên và Lương Kỳ đem hơn 10.000 quân bản hộ về với Đào Hoàng.
Sau vụ này, quân Tấn không còn tin tưởng ở các đồng minh cũ của mình nữa và Dương Tắc đã chém đầu viên tướng chỉ huy địa phương ở Long Biên vì nghi ông này đang chuẩn bị đào ngũ. Trước đó, quân Tấn bị vây ở Long Biên và bị hết lương thực trước hạn 100 ngày họ đã thề thốt khi ra đi. Biết rằng không có viện binh nào tới cả, vì Hoắc Đặc đã chết, nên đội quân ấy đầu hàng. Các tướng Tần bị bắt, giải về Nam Kinh. Dọc đường Dương Tắc bị chết, phần lớn các tướng khác về sau được tha cho về Tấn. Một người trong số là Mạnh Cán về sau hiến được một mưu hay giúp được việc đánh bại quân Ngô và do dó được phong làm Thái Thú quận Nhật Nam.
Cuộc mạo hiểm của Tấn ở Giao Chỉ không phải là một giai đoạn hời hợt của bộ mặt chính trị địa phương, những người không chịu theo Ngô lại tập hợp ở Cửu Chân dưới quyền lãnh đạo của một quan chức địa phương là Lý Tố. Đào Hoàng đem quân đánh Lý Tố, và sau bao vây được y, người cậu bên họ mẹ của Lý Tố là Lê Hoan lại làm việc trong quân của Đào Hoàng nên tìm cách thuyết phục ông hàng Đào, Lý Tố trả lời, “Cậu là tướng của Ngô, cháu là tướng của Tấn. Không có gì cậu cháu ta phải nói với nhau hơn là hãy đọ sức”, sau một tiếng đồng hồ đánh nhau, đồn của Lý Tố bị hạ.
Lòng trung thành đến hơi thở cuối cùng của Lý Tố được một sử gia Việt Nam sau này hết lòng ca ngợi; nhưng lập trường cứng rắn của ông có thể còn có nhiều lý do sâu xa hơn là lòng trung thành với nhà Tấn. Cuộc can thiệp của quân Tấn chỉ có thể tiến hành được với sự hậu thuẫn của những phần tử địa phương chống Ngô, có thể cho rằng những phần tử ấy đang tìm cách tước bớt đi những quyền lợi vẫn bị quân Ngô giữ chặt. Đằng sau cuộc xung đột Tấn-Ngô có thể còn có một cuộc đấu tranh quyền lực giữa một nhóm mới nổi lên đang khao khát quyền hành với một nhóm khác bảo thủ hơn, muốn duy trì địa vị của mình.
Lập trường của Lý Tố có vẻ hơi kỳ dị nếu cho ông là trung thành với Tấn, bởi lúc đó các tướng Tấn đã đầu hàng cả rồi. Hơn nữa, Tấn chưa ở Giao Chỉ lâu đủ để gây được một sự trung thành sâu xa tại địa phương. Ngược lại, lời tuyên bố trung thành với Tấn của họ Lý chỉ có thể được coi như một cuộc đấu tranh quyền lợi của địa phương mà lực lượng chống Ngô thiết lập chính nghĩa của mình bằng cách tự xưng là chư hầu của Tấn.
Hầu như những cuộc chiến chinh trong những năm đó đã làm cho dân chúng xa rời cả hai phe đối thủ. Những người theo phe Ngô ở Việt Nam không có những tình cảm ràng buộc với xã hội địa phương. Phe chống Ngô thì tìm cách quay sang triều Hán cầu cứu, xin giúp đỡ, nhưng rồi cũng kết thúc bằng cách tự tách mình ra khỏi xã hội địa phương. Ý nghĩa của sự kiện này cũng được thấy rõ nét khi đối chiếu với những biến cố năm 248. Vào năm 248, những lực lượng địa phương chống Ngô nổi lên cầm cự một quyền lực đang bành trướng ở miền Nam. Lực lượng ấy được lãnh đạo bởi một vị nữ anh hùng với danh nghiệp được ghi nhớ sâu xa trong lòng dân chúng. Năm 263, những lực lượng địa phương chống Ngô nổi lên để hưởng ứng một quyền lực đang bành trướng ở phương Bắc và được lãnh đạo bởi những viên chức với tham vọng được gắn liền vào với vận mệnh đang lên của triều đình nhà Tấn. Nhưng khi nhà Tấn suy tàn thì các quan chức ấy bị cô lập bởi vì rõ ràng họ không được dân chúng địa phương ủng hộ rộng rãi. Do đó, phong trào lúc đầu đuợc coi như làn sóng nhân dân chống Ngô bị kết thúc thành chuyện tranh chấp quyền hành giữa hai phe quan chức đối nghịch.
Vụ Lý Tố cho ta thấy là những liên hệ máu mủ của họ hàng đã bị khuất phục bởi những trách nhiệm tượng trưng cho sự trung thành về mặt chính trị. Lý Tố vẫn khăng khăng phò Tấn ngay cả lúc cuộc chiến đã coi như ở giai đoạn hạ màn, và nhà Tấn đã bị thua trận. Ông cậu của họ Lý lại đứng về phe Ngô. Có lẽ điều này cũng bao hàm sự xung đột ở giữa hai thế hệ. Những người nhiều tuổi, vì đã sống nhiều, kinh nghiệm nhiều, nên điềm đạm bình tĩnh hơn, chỉ muốn có thái bình, dù rằng Ngô quay trở lại. Những người trẻ, có lý tưởng, nhưng mạo hiểm hơn, nên không chịu từ bỏ mục tiêu mà tuổi trẻ tận tụy phục vụ. Trong 10 năm trời, bạo loạn bao trùm sân khấu chính trị. Điều này dĩ nhiên tạo một ảnh hưởng bất ổn cho giới trẻ dễ bị xúc cảm. Trong những năm ấy, lớp người cầm quyền địa phương ngày càng bận tâm với những đòi hỏi đối nghịch của các triều đại ở phương Bắc nên đánh mất chỗ đứng của mình trong xã hội địa phương. Những người thân Ngô không bao giờ có chỗ đứng an toàn trong xã hội địa phương, còn những người theo Tấn mất luôn chỗ đứng vì đã rước binh sĩ ngoại bang vào nhà.
Năm 268, cuộc tấn công của Ngô bị thất bại vì không được sự ủng hộ của dân chúng. Ba năm sau, Ngô lại thành công nhờ có sự đào ngũ đại quy mô của các lực lượng địa phương về với mình. Sự bất mãn của dân đối với Ngô chắc đã tiêu tan hết sau khi Ngô rút đi lần đầu; và với sự dai dẳng của cuộc chiến chẳng có mục tiêu rõ rệt giữa những viên tướng chỉ lo đi tìm vinh quang cho mình, đa số dân chúng sẵn sàng chấp nhận bất cứ một lãnh tụ nào có thế lực mạnh nhất và có khả năng mang đến hòa bình cho họ, Đào Hoàng là một người như vậy.
ĐÀO HOÀNG
Đào Hoàng không chỉ là một chiến lược gia có tài, hơn thế, ông thực sự được lòng tất cả dân chúng Việt Nam. Sử chép rằng ông hay giúp đỡ những người gặp cảnh hoạn nạn nên rất được lòng dân. Khi ông bị triều đình Ngô đổi đi chỗ khác, giữ nhiệm vụ khác, hơn 1.000 thủ lãnh địa phương đã yêu cầu ông được trở lại và triều đình Ngô đã khôn ngoan đổi ông trở về.
Năm 280, khi cuối cùng nhà Tấn chinh phục được Ngô và vua Ngô bại trận gửi một tờ chiếu ra lệnh cho Đào Hoàng hàng Tấn, sử đã chép ông đã khóc trong nhiều ngày trước khi trình ấn tín lên cho triều đình Tấn. Nhà Tấn ở quá xa không làm gì được cho miền Nam nên lại giữ ông ở lại chức vụ cũ; rồi lại phong cho ông tước hiệu mới để thừa nhận công lao xứng đáng của ông, ông đã ở Giao Châu nhiều năm, nên khi ông chết, sử chép dân đã để tang ông như cha mẹ.
Những gì còn lại cho lớp cầm quyền địa phương sau những biến cố của các năm 226, 248, và sau cuộc can thiệp của nhà Tấn, đều rõ ràng là một sự kết hợp có lợi cho Đào Hoàng. Cũng như Sĩ Nhiếp, Đào Hoàng đã cai trị vào một thời gian mà không một triều đại nào ở Trung Quốc đủ mạnh để dòm ngó miền Nam. Ông vun trồng một quyền lực căn bản địa phương trong khi vẫn giữ được quan hệ đứng đắn với triều đình. Sau những vụ nổi dậy và chinh chiến trong nửa thế kỷ đầu, ông đề ra một chính sách tái thiết để cho xã hội bản xứ được vững mạnh, đặt nó trên một nền tảng hành chánh chắc chắn mà không đe dọa đến tính chất địa phương.
Bản đồ quận Giao Chỉ dưới thời Đào Hoàng
Đào Hoàng xây lại thành Long Biên ở cách xa chỗ cũ nhiều dặm về phía Tây, và trong 3 thế kỷ kế tiếp, thành này được giữ làm kinh đô của Giao Châu. Vấn đề cấp bách của ông là giữ được an ninh ở nơi biên thùy, nhắm mục đích đó, ông thành lập 3 quận mới ở biên giới, huyện Mê Linh với vùng núi phụ cận là quận Tân Hưng rồi đổi là Tân Xương sau khi nhà Ngô mất. Ranh giới phía Bắc đồng bằng sông Hồng với vùng đất cao và xa hơn, thành quận Vũ Bình. Nửa phía Nam của quận Cửu Chân trong đồng bằng sông Cả (ngày nay là sông Lam) được lập thành quận Cửu Đức. Đào Hoàng dẹp yên những tộc dân “làm cản trở văn minh” ở những vùng này và đặt thêm 30 huyện mới trong các quận mới thành lập và trong quận Cửu Chân, tuy nhiên phần đất ở phía cực Nam vẫn liên miên bất ổn.
Đầu tiên, Đào Hoàng thất bại khi tiến quân vào Nhật Nam bằng vũ lực. Ông bèn dùng những phương pháp khác. Ông nói :” Nếu ta cắt đứt việc buôn bán muối và sắt với bờ biển phía Nam và gây cho sự buôn bán của họ nhiều thiệt hại thì sau 2 năm, chỉ một trận đánh là họ sẽ bị đè bẹp”. Chính sách này quả đã thành công. Nhưng trong khi những đám “giặc cỏ” đã bị dẹp yên ông lại phải đối phó với vua nước Lâm Ấp, người được Trung Quốc gọi với tên Phạm Hùng.
Phạm Hùng lại liên kết với một người khác nữa là vua nước Phù Nam, và cả 2 cùng nhau theo đuổi một chính sách không ngừng xâm lấn qua biên giới. Năm 280, trong tờ biểu đầu tiên tâu về triều đình Tấn, Đào Hoàng tâu rằng trong số hơn 7000 quân sĩ của ông đóng ở biên giới lúc đầu, nay chỉ còn 2402 người còn sống. Số còn lại đã chết vì bệnh tật hay trận mạc. Nhà Tấn đáp ứng bằng cách sai Mạnh Cán, một trong tướng lãnh đã đầu hàng Đào Hoàng năm 271 làm Thái Thú Nhật Nam.
Không có tài liệu nào nói thêm về những quan hệ với Lâm Ấp trong thời kỳ này. Tuy nhiên, những chiến dịch của Đào Hoàng cho thấy là không có một đường biên giới nhất định giữa 2 vùng, thành ra trong thời gian ấy có chiến chinh kinh niên. Trong thời kỳ rối ren vì có sự can thiệp của nhà Tấn, một số những trung tâm quyền lực chính trị đã mọc lên ở Nhật Nam, có lẽ có liên kết với Lâm Ấp. Chiến luợc của Đào Hoàng để dẹp sự kháng cự của những khu vực, trung tâm ấy cho thấy tầm quan trọng thương mại của những xứ ở dọc bờ biển này. Bằng cách đơn giản là mở cuộc cấm vận thương mại, Đào Hoàng thành công trong việc bắt các xứ phải thần phục. Như vậy có nghĩa là những thủ lãnh những vùng đó đều phải sống dựa vào nguồn thịnh vượng kinh tế và vào sự phân phối của cải để giữ được lòng trung thành của kẻ theo mình. Nhưng Lâm Ấp rõ ràng là một quốc gia khác hẳn so với những thủ lãnh nhỏ bé ở vùng biên giới mà nhà Tấn bó buộc phải gửi tướng giỏi của mình xuống để ổn định tình hình với Lâm Ấp.
Những gia đình thượng lưu ở địa phương vào lúc này được cải tổ dưới sự lãnh đạo của Đào Hoàng để thành một lớp cầm quyền hữu hiệu hơn, với tầm hiểu biết sâu sắc hơn về sự quan trọng của những vùng biên giới ổn định, và có khả năng tinh tế hơn về chuyện bảo vệ biên giới. Sự kiện này cho ta thấy rằng những thủ lãnh địa phương, vì bị cô lập bởi những trung tâm chính trị ở mãi tận Hoa Bắc, phải học biết cách tự lực, ngõ hầu phát huy được lòng tự tin để đảm đương được vận mệnh của chính mình.
Sự lãnh đạo của Đào Hoàng rất quan trọng trong lịch sử hành chánh của Việt Nam. Những quận cũ Giao Chỉ và Cửu Chân lần đầu tiên được phân chia thành những huyện để tách biệt những vùng nông nghiệp với những vùng ít an ninh hơn ở biên giới. Sau thời đại bóc lột của nhà Ngô và những vụ nổi loạn hay bạo động do sự can thiệp của nhà Tấn, Đào Hoàng triển khai một kỷ nguyên mới, thái bình và ổn định. Nhà Ngô đã mất nhưng nhà Tấn chưa đến. Những gia đình thuộc giới quý tộc Ngô còn sống sót nay đổi sang thần phục nhà Tấn và được hưởng một thế hệ tương đối độc lập ở miền Nam, cách xa hẳn triều đình Tấn ở trên phía Bắc. Việc củng cố chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đào Hoàng được tiếp tục bởi những người kế vị ông và tạo tinh thần kháng cự quân Tấn khi họ kéo đến miền Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét