Gần đây, Trung Quốc có vẻ “lên mặt” với các nước phương Tây rằng họ có nhiều bài báo khoa học nhất thế giới. Điều này thì chắc chẳng ai nghi ngờ, bởi vì với một dân số khổng lồ, một dân tộc thông minh, và một chính sách thông thoáng cho Hoa kiều, thì trước hay sau Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới về năng suất khoa học. Nhưng đó là nói về lượng, chứ còn chất thì chắc Trung Quốc còn thua xa các nước tiên tiến khác. Hay tính trên đầu người thì Trung Quốc chắc chẳng hơn gì nước ta!
Tuy nhiên, bài báo dưới đây cho thấy sự phát triển của TQ có một bức tranh đen tối khác: gian dối. Theo như bài báo này, nhiều giáo sư và sinh viên mướn người khác viết luận văn, viết báo cáo khoa học, và đó là một sự gian dối trong khoa học không thể chấp nhận được. Như vậy, Trung Quốc chẳng những nổi tiếng làm hàng hóa giả, mà còn làm khoa học giả dối. Chúng ta biết rằng họ làm xe ôtô giả, điện thoại giả, quần áo giả, thức ăn giả … Chẳng những làm giả mà còn độc hại. Thức ăn của Trung Quốc thì nổi tiếng là có hại cho người tiêu dùng, đến nổi FDA ra lệnh phải đặc biệt chú ý đến hàng hóa Trung Quốc. Hình như gian dối là một nét văn hóa của người Trung Quốc trong thời tranh tối tranh sáng này, và có lẽ chính vì thế mà nhiều nước trên thế giới tỏ vẻ nghi ngờ Trung Quốc.
Ai cũng biết nhiều nhà khoa học TQ gian dối, nhưng khó mà bắt tận tay, vì họ gian manh … rất Á châu. Thế nhưng cũng có tập san Anh phát hiện sự gian dối của một nhóm khoa học TQ và rút lại gần 70 bài báo khoa học từ nhóm này. Dù biết rằng số nhà khoa học TQ gian dối chỉ là số nhỏ, nhưng đó cũng là tín hiệu để chúng ta đặt câu hỏi về bất cứ một công trình nào từ TQ. Những câu hỏi đặt ra là: họ làm có đúng không, có sửa dữ liệu không, có ngụy tạo dữ liệu không, làm có đúng theo qui định về y đức không, v.v…
Thật ra, nói Trung Quốc gian dối trong khoa học cũng không công bằng, vì một số nhà khoa học Việt Nam ta cũng gian dối. Tôi có một anh bạn là bác sĩ, từng có thời viết luận án thuê cho các thạc sĩ và tiến sĩ, mà sống thoải mái. Mấy tuần gần đây, chúng ta thấy nạn đạo văn và luộc sách tràn lan đến mức báo động. Chẳng những sinh viên và nghiên cứu sinh đạo văn, luộc sách, mà ngay cả cấp giáo sư cũng thế. Câu chuyện hiện vẫn đang ồn ào về vụ luộc cuốn sách về kinh tế của một giáo sư ở Sài Gòn cho thấy tình trạng này gần như hết thuốc chữa. Thật ra, có blogger chất vấn rằng chắc gì tác giả cuốn sách bị luộc một mình sáng tác toàn bộ cuốn sách, mà rất có thể tác giả cũng “mượn” ý tưởng hay dữ liệu nghiên cứu từ nước ngoài. Người viết sách giáo khoa trước hết phải là một chuyên gia có uy tín, tức là đã từng làm nghiên cứu và có công bố quốc tế, sau đó gom góp những công bố của mình đưa vào sách. Còn những bản dịch từ sách giáo khoa nước ngoài, những mượn ý tưởng và dữ liệu từ ngoài, v.v… thì không thể xem là sáng tác nguyên thủy được.
Chẳng riêng gì các giới khoa học Trung Quốc và Việt Nam gian dối, mà ngay cả một số nhà khoa học phương Tây cũng gian lận. Hiện tượng viết thuê hay “ghost writing” đã từng được nêu lên nhiều lần trong các diễn đàn khoa học quốc tế. Tác phẩm ma là do tác giả ma viết. Tác giả ma là người viết mướn, nhưng không đứng tên tác giả. Thay vào đó, tác giả là những nhà khoa học có tên tuổi, tuy họ chẳng viết câu văn nào nhưng lại được các công ti dược trả tiền. Nói trắng ra, họ bán tên tuổi, bán “thương hiệu” với cái giá khá hậu hĩ (từ 5000 USD đến 10000 USD một bài). Tạo ra tác phẩm ma là một “chiêu thức” mà kĩ nghệ dược phương Tây đã sử dụng rất thành thạo. Trong 2 bài trước đây, tôi có nói qua về kĩ nghệ này, vốn nằm trong chiến lược “y học thực thị”.
Một điều tôi không ngờ là một anh bạn tôi cũng dính dáng vào vụ bài báo ma. Anh ta là John Eden, một giáo sư sản phụ khoa có tiếng ở Úc và một giáo sư tầm cỡ trường quốc tế. Tôi quen John từ những năm đầu thập niên 1990s, lúc đó tôi theo đuổi dự án về di truyền qua mô hình sinh đôi (twin study), còn John và một cô nghiên cứu sinh người Iran thì miệt mài với polycystic ovary syndrome (PCOS). Họ đến tôi để hợp tác cách áp dụng mô hình sinh đôi vào nghiên cứu PCOS. Chúng tôi khá thành công với vài công trình mà đến nay chắc trích dẫn đã trên 100 lần. Bẵng đi một thời gian dài, chúng tôi mỗi người theo đuổi dự án khác nhau nên ít liên lạc. Đến tuần vừa qua đọc trên báo thấy Quốc hội Mĩ điều tra công ti Pfizer và Wyeth, và tên anh ta bị nêu trước Quốc hội Mĩ như là một chuyên gia dính dáng vào các thương vụ bài báo ma. Cứ như bài báo này thì John quả thật đứng tên trong một bài báo ma, nhưng anh ta nói là bị công ti lừa gạt. Riêng tôi thì thật khó tin một nhân vật có tên tuổi và giàu có như John mà lại dính dáng vào thương vụ này! Âu cũng là một kinh nghiệm khi làm việc với kĩ nghệ dược.
Quay trở lại câu chuyện sáng tác ma ở Trung Quốc và trước những lùm xùm về luộc sách hiện nay ở nước ta, tôi nghĩ cũng cung cấp cho giới quản lí vài bài học cần thiết. Ở ngoài này, đạo văn là một vi phạm khoa học nghiêm trọng. Nghiên cứu sinh có thể bị thu hồi bằng cấp, giáo sư có thể bị cảnh cáo hay đuổi việc. Còn ở nước ta thì chưa có những qui định về đạo đức khoa học rõ ràng, nên chắc sự việc sẽ được … cho qua (như nước chảy qua cầu). Có người đòi người luộc sách xin lỗi, nhưng tôi thấy chuyện xin lỗi rất ư là thừa. Vấn đề không phải là xin lỗi mà là ngăn ngừa tình trạng như thế xảy ra trong tương lai. Do đó, tôi nghĩ trước hết các trường đại học cần phải có một chính sách và qui trình minh bạch để xử lí các vấn đề đạo văn và vi phạm đạo đức khoa học (đạo văn và luộc sách là một hình thức vi phạm đạo đức khoa học). Nhưng vấn đề là ngừa hơn là xử lí. Ở Việt Nam chưa có môn học về ethics hay đạo đức khoa học. Do đó, cần phải đưa môn đạo đức khoa học vào chương trình giảng dạy cấp đại học, thậm chí trung học, để các em biết đạo đức khoa học là gì, ít ra là phân biệt được thế nào là đạo văn, thế nào là trích dẫn.
Cần phải nói thẳng rằng đạo văn, luộc sách, sáng tác ma, v.v… là những hành động phản đạo đức khoa học và không chấp nhận được. Sự hiện diện của những tệ nạn trong giới học thuật và xã hội là một tín hiệu cho thấy nền giáo dục và khoa học của ta có vấn đề. Nhưng cách xử lí của các giới chức còn cho thấy hình như họ chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề. Việt Nam đang nói chuyện “đại học đẳng cấp quốc tế” mà không xử lí được mấy vấn nạn về vi phạm đạo đức khoa học thì tôi e rằng giấc mơ đẳng cấp quốc tế còn xa vời lắm.
NVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét