Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

PHÁ DI TÍCH ĐỂ MỪNG 1000 NĂM THĂNG LONG”

Từ hôm mồng Ba Tết, tôi hứa viết bài Quanh hồ Gươm chẳng ai bàn chuyện vua Lê…
Rồi lu bu quên mất. Cũng là vì phải tìm lại tài liệu. Mãi hôm rồi, may gặp lại được một đồng nghiệp cũ và được copy cho hồ sơ “Thiết kế Tu bổ phục hồi khu tượng Lê Thái tổ” mà tôi làm cùng với KTS Vũ Trường Hạo từ cuối tháng 8 năm 1992 nên mới viết được.
Chuyện là mấy hôm Tết, tôi có đi vòng quanh Hồ Gươm. Thấy toàn chuyện CHÁN NHƯ CON GIÁN.
Lúc đi trên đường Lê Thái tổ ở bờ Tây Hồ Gươm, tôi rẽ vào viếng tượng vua Lê trả gươm.
Và tôi điên đầu vì việc tôn tạo ở đây.
Lại là 1 việc HƯỚNG ĐẾN ĐẠI LỄ 1.OOO NĂM.
Bức bình phong ngăn cách khu tượng Lê Thái tổ với 1 di tích khác phía sau (đình Nam Hương) đã được phá thông.
Bất chấp hai di tích kiến trúc cổ này đều đã được Nhà nước xếp hạng bảo vệ:








Bằng công nhận di tích lịch sử đình Nam Hương






Quyết định công nhận di tích khu tượng Lê Thái tổ









 

Tức là không chỉ trên thực tế, mà văn bản Nhà nước cũng đã công nhận đây là 2 di tích riêng lẻ, đều cần được bảo vệ nguyên trạng.
Năm 1992, tôi đã viết trong “THUYẾT MINH THIẾT KẾ TU BỔ PHỤC HỒI KHU TƯỢNG LÊ THÁI TỔ – HÀ NỘI” như sau:




I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ:
Khu tượng Lê Thái tổ ở bờ Tây Hồ Gươm, xưa thuộc đất thôn Tự Tháp (tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương), nay là số 16 phố Lê Thái tổ (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội).
Về khu di tích này, đã có nhiều ý kiến rất khác nhau:
Các tác giả cuốn “Thủ đô Hà Nội” viết trong “Mục 9. Khu văn hóa Hồ Gươm”, như sau: “Tượng vua Lê bằng đồng, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm kiếm chỉ xuống hồ, được đặt trên một trụ đá… Tượng này mới xây dựng năm 1889 đời Thành Thái nhà Nguyễn…(Nhiều tác giả – Thủ đô Hà Nội - Sở VHTT Hà Nội xuất bản, 1984)
Cụ Doãn Kế Thiện lại cho rằng: “…Tượng vua Lê dựng năm Thành Thái 1896 do Hoàng Cao Khải lập ra…” (Doãn Kế Thiện – Cổ tích và danh thắng Hà Nội – Nxb. Văn hóa, 1959, trang 77)
Hai tài liệu cho hai niên đại chênh nhau tới 7 năm (?)
Trong khi đi tìm tư liệu, chúng tôi đã chụp lạI được một tấm cart-postale chụp một trụ đá trong khu vực lăng Hoàng Cao Khải (nay vẫn còn) ở gần gò Đống Đa. Trụ đá này giống hệt như trụ đá đặt tượng vua Lê. (xem ảnh tư liệu). Các nhà cổ học có uy tín như cụ Hoàng Đạo Thúy và Nguyễn Vinh Phúc cũng cho rằng khu di tích này do Hoàng Cao Khải xây dựng. Cụ Hoàng Đạo Thúy còn nhớ chính xác rằng trong nhà bia ở phía trước tượng Lê Lợi có một tấm bia (nay đã mất), ghi tên Kinh lược đại sứ Hoàng Cao Khải và Phó Kinh lược Trần Lưu Huệ (tên Hoàng Cao KhảI bị đục xóa đi).
Hoàng Cao Khải làm khu Thái Hà ấp năm 1893 ( báo chữ Pháp Avenir du Tonkin –Tương lai Bắc kỳ – năm đó đã tường thuật khá tỷ mỷ việc này). Sau đó, ông còn hưng công tu bổ khu đền Quan Thánh, cạnh Hồ Tây (cũng có dựng bia và tên ông cũng bị đục xóa) và cả khu đền Kiếp bạc (Hải Hưng). Có lẽ đây là những “sám hối” cuối đời.
Theo chúng tôi, ý kiến của cụ Doãn Kế Thiện về niên đại 1896 và người xây dựng khu tượng Lê LợI là có cơ sở tin cậy hơn.
II. HIỆN TRẠNG KHU DI TÍCH:
Khu di tích này có một diện tích “khiêm tốn” (618,96m2). Ngoài trụ đá tròn đỡ tượng vua Lê chỉ có thêm (phía trước) một nhà bia ở gần cổng vào. Một bức bình phong lớn (phía sau trụ đá) ngăn cách khu di tích với một di tích kiến trúc khác.
Các tác giả cuốn “Thủ đô Hà Nội” cho biết: “… Phía sau tượng có một ngôi đình cổ cũng hướng ra Hồ Gươm, nhiều người nhầm gọi là đền vua Lê. Đây là đình Nam Hương, thôn Tự Tháp ; Còn ngôi đền thờ duy nhất thờ Lê Lợi ở Hà Nội trước đây nằm vào khoảng số 20-22 phố Lý Thái tổ, sau bị hủy hoại, dân làng Kiếm Hồ mới chuyển về thờ ở tầng gác hai số 7 Hàng Vôi… Trong bản đồ Hà Nội vẽ năm Tự Đức thứ 26 [1873] có ghi chú số 49 “Đình Nam Hương- monument dédié aux trois génies précédents, à une héroine de la famille royale des Lý (avant 1225) et à un des rois de la famille des Nguyễn”.
Vị trí đình Nam Hương trên bản đồ này đúng với vị trí hiện tại của nó. Như vậy, kiến trúc phía sau chắc chắn không thuộc khu di tích tượng Lê Lợi.
Sau gần một thế kỷ tồn tại, khu di tích đã bị thay đổi nhiều:
- Cổng và tường rào phía sát đường: Hai cánh cổng bằng sắt bị rỉ, gãy phần chân. Tường rào bị xây lại, cao tới 3,77m so với mặt vỉa hè.
- Nhà bia: Tấm bia của nhà bia này đã bị mất, không rõ từ bao giờ. Hiện ở phía Tây nhà bia có một tấm bia lớn, nhưng là bia kỷ niệm cụ Nguyễn Du (Tấm bia này trước đây ở chỗ sân khấu của Trung tâm Phương pháp CLB trung ương).
Nhà bia xây bằng gạch, hai tầng tám mái. Tình trạng kỹ thuật tương đối tốt, chỉ hư hỏng một số chi tiết: ba con rồng ở góc Tây Nam, Đông Nam, Đông Bắc của mái tầng Một bị sứt vỡ. các đầu rồng (đắp ngõa) trang trí trên đỉnh các cột hai bên cửa cũng sứt mẻ nhiều. Nền sân sát chân nhà bia bị láng xi-măng trong một lần tu bổ nào đó, hiện bị bong vỡ nhiều chỗ. Nghiêm trọng hơn là tình trạng của tường hoa bao quanh nhà bia: Chỉ còn lại một đọan ở mặt phía Tây và phía Nam, hai mặt kia đã đổ mất; Dãy nhà tạm phía Bắc xây hè hiên đè lấn cả vào khu nhà bia.
- Toàn bộ sân của khu di tích bị đổ đất (của quá trình cải tạo xây dựng Câu lạc bộ Thống Nhất Và Trung tâm Phương pháp CLBTW) lấp kín, dày tới 1,9m so với mặt vỉa hè ngoài đường.
- Plateau trụ đá đặt tượng vua Lê bị dãy nhà tạm phía Bắc và khán đài phía Nam xây lấn. Nền của đài tượng cũng bị tôn cao, láng xi-măng lấp mất bậc cấp cuối cùng. Ba phiến đá của phần chân trụ tượng bị nứt do lún cục bộ; phía Tây Nam có phiến bị sứt vỡ.
- Tấm bình phong phía sau trụ tượng bị xây bịt phần lỗ hoa, đục trổ hai cửa sổ nhỏ 100 x 40 cm (bên trái) và 20 x 12cm (bên phải). Các họa tiết trang trí đắp nổi trên bình phong bị mòn mờ.
- Phía Bắc khu tượng bị tôn cao tới 2,2m để xây nhà cấp 4 (50,16m2) và nhà tạm (38,95m2). Sát cổng là một trạm biến thế điện của khu vực.
HẾT TRÍCH DẪN.

Năm 1992, với kinh phí có hạn (gần 80 triệu đồng) nên việc trùng tu mới chỉ tập trung vào phát lộ khảo cổ học; bóc dỡ, chuyển đi một khối lượng lớn đất đá, gạch vụn (dày trên dưới 2,0m so với mặt vỉa hè ngoài đường); tu bổ nền quanh đài tượng và tường rào phía ngoài; cải tạo một phần sân vườn.
Đến tháng 6/1997, Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích TW tiếp tục được giao lập dự án đầu tư Tu bổ tôn tạo khu di tích này. Trong phần “Đánh giá hiện trạng khu di tích” có đặt vấn đề: “Ngoài ra, ngay sau khu vực đài tượng là một di tích khác cũng đã được xếp hạng: đình Nam Hương. Tuy di tích này về lịch sử không có liên quan gì đến tượng vua Lê, nhưng do vị trí kề ngay cạnh nên cũng cần phải đưa vào kế hoạch tu bổ tôn tạo chung nhằm bảo tồn tổng thể khu vực này.”


Một số ảnh tư liệu về di tích năm 1987-1989:




Khu tượng vua Lê nhìn từ đường Lê Thái tổ




Trong vòng tròn đỏ bên trái là trạm biến thế điện- Trong vòng tròn bên phải là khu biểu diễn của Trung tân Phương pháp CLB. Đều là những xâm phạm di tích sau này đã được giải tỏa





Bấy giờ, hai di tích vẫn tách biệt bằng bức bình phong
Trong tờ trình xin phê duyệt dự án của Sở VHTT Hà Nội, hai di tích vẫn được tách riêng.
Cụ thể, các nội dung trùng tu ghi rõ:
“ 8- Các hạng mục công trình chủ yếu:
1. Khu tượng vua Lê:
- Phá dỡ khán đài phía Trung tâm Hướng dẫn Nghiệp vụ nhà văn hóa.
- Di chuyển trạm biến áp điện ra khỏi khu vực bảo vệ nguyên trạng.
- Di chuyển bia Nguyễn Du ra khỏi khu vực bảo vệ nguyên trạng.
- Tu bổ nhà Phương đình.
- Tu bổ tượng đài.
- Tu bổ, tôn tạo hàng rào toàn khu và cổng vào di tích.
- Tôn tạo sân vườn.
- Cải tạo kỹ thuật hạ tầng.
2. Khu đình Nam Hương:
- Giải tỏa nhà dân trong khu vực.
- Tu bổ đình Nam Hương.
- Tôn tạo sân vườn.
- Làm hàng rào và cổng vào di tích.

HẾT TRÍCH DẪN.


Trong tôn tạo tổng thể còn đề xuất trồng 1 hàng cây ngay sau bình phong để phân tách rõ hơn hai di tích.






Bản vẽ tôn tạo tổng thể đề xuất trồng cây sau bình phong

Ngày 31/8/1998, cuộc họp tư vấn thẩm định dự án nói trên kết luận:
A. Hội đồng thống nhất chủ trương cần thiết phải tu bổ, tôn tạo di tích tượng vua Lê.
B. Yêu cầu chủ đầu tư bổ xung, hòan chỉnh dự án theo những nội dung chủ yếu sau:
1. Khẳng định phạm vi di tích sau tu bổ và phải được Bộ VH-TT chấp nhận
2. Tu bổ tôn tạo di tích theo nguyên tắc phục hồi nguyên gốc…
3. Cần lưu ý đến các chi tiết kiến trúc cho phù hợp với khu di tích. Ví dụ như màu sắc của bức tường bình phong sau tượng đài, chi tiết hoa văn hàng rào sắt ở cổng trước…
4. Xác định rõ thời gian đặt bia Nguyễn Du và nếu có di chuyển thì phảI được sự đồng ý của Bộ VH-TT.
5. Quy hoạch của khu di tích phải được thông qua Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch Thủ đô.
6. Tính toán lại vốn đầu tư, tính đúng, tính đủ theo đơn giá và các quy định hiện hành
7. Nếu thấy cần thiết thì nên làm ma-két để tham khảo thêm các ý kiến của các ngành.


HẾT TRÍCH DẪN.
Vậy mà hiện nay, người ta đã nhân danh việc tu bổ tôn tạo để phá hỏng cả 2 di tích này:

Hiện trạng khu di tích tượng vua Lê ngày 15/2/2010





Bình phong ngăn cách 2 di tích đã bị phá thông.




Người ta xây cầu thang dẫn từ khu tượng vua Lê lên tầng Hai đình Nam Hương.
Hơn 20 năm làm trùng tu di tích, tôi chưa bao giờ thấy Rồng bò ngược từ dưới lên như ở đây.






Còn Ông Rồng ôm góc tường (ở bên phải ảnh) thì NẰM MƠ TÔI CŨNG KHÔNG THẤY






Lại là kiểu đèn đá sân vườn ”à la Japonais”, vấn nạn của các di tích kiến trúc cổ truyền Việt.
Thô kệch và xấu xí, nhưng chắc chắn nó được thanh toán với giá không hề rẻ. Đặt chúng ở đây thật VÔ NGHĨA LÝ và VÔ VĂN HÓA.






Hồi 1992, với ống kính télé tôi vất vả mới chụp được tượng vua Lê từ dưới lên (vì bị ngược sáng).
Nhưng bây giờ, lên tầng Hai đình Nam Hương, khách tham quan sẽ được “ngang vai” với vua Lê Thái tổ.
Bảng giới thiệu di tích LSVH đình Nam Hương.

Trong cái “bảng đỏ chữ vàng” nói trên, người ta ghi RẤT RÕ RÀNG:
“Đình Nam Hương tọa lạc tại 75 phố Hàng Trống, phường Hàng Trống quận Hòan Kiếm, xưa là ngôi đình lớn của thôn Tự Tháp, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương nằm trong tổng thể di tích phía Tây Hồ Hoàn Kiếm. Đình Nam Hương thờ các vị thần tiêu biểu của Thăng Long xưa như thần Long Đỗ (thần Bạch Mã), thần Cao Sơn, Linh Lang, công chúa Hà Duy và vua Lê Thái Tổ.
Đình Nam Hương được xây dựng từ thời Lê mang phong cách nghệ thuật, kiến trúc cuối thế kỷ XIX, hiện nay đình còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị, đặc biệt là 19 đạo sắc phong thần có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn.
Đình Nam Hương có một bề dày lịch sử, đã từ lâu nơi đây trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, là nơi hội họp, bàn bạc công việc của làng, là nơi diễn ra các nghi thức tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Làng của nhân dân địa phương.
Năm 1995 Đình Nam Hương đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm đã đầu tư kinh phí tu bổ tôn tạo xong giai đoạn hai tạo cảnh quan, không gian thoáng mát kết hợp với tượng đài Vua Lê là nơi đến của du khách thập phương khi thăm quan Hồ Hoàn Kiếm.“


HẾT TRÍCH DẪN.

Tôi “chép” nguyên xi cả những lỗi chính tả, lỗi câu của một văn bản CẤP PHƯỜNG (dù là phường của Thủ đô).
Cũng xin đừng ai phê phán về kiến thức lịch sử của UBND phường Hàng Trống (đình được xây dựng từ thời Lê NHƯNG mang phong cách nghệ thuật, kiến trúc cuối thế kỷ XIX).
NHƯNG KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC khi họ đã cố tình BỊA TẠC rằng đình Nam Hương thờ vua Lê Thái tổ.
Trong khi thực tế lịch sử đã được các tác giả cuốn “Thủ đô Hà Nội” cho biết: “… Phía sau tượng có một ngôi đình cổ cũng hướng ra Hồ Gươm, nhiều người nhầm gọi là đền vua Lê. Đây là đình Nam Hương, thôn Tự Tháp ; Còn ngôi đền thờ duy nhất thờ Lê Lợi ở Hà Nội trước đây nằm vào khoảng số 20-22 phố Lý Thái tổ, sau bị hủy hoại, dân làng Kiếm Hồ mới chuyển về thờ ở tầng gác hai số 7 Hàng Vôi…”

Và để “hợp lý hóa” việc đó, người ta ngang nhiên đưa một bức tượng vua Lê Thái tổ vào ban thờ:








Nhìn qua cũng biết tượng vua Lê Thái tổ mới làm.




Các ngai thờ bài vị các Thành Hoàng, đối tượng thờ chính của đình thôn Tự Tháp bị dồn tít ra sau.


Dù có máy ảnh chuyên nghiệp, ống kính góc rộng tôi cũng chỉ chụp được thế này.






Dù đã có hai ông chó đá cổ, người ta tôn tạo bằng hai chú cẩu gốm, màu mè lòe loẹt.






Chắc lại là vật “cung tiến”, không nỡ không bày






Tôn tạo cảnh quan sân vườn mà đường nước không chạy chìm được, ống nhựa tưới cây vứt thành đống.


Đường dây điện chiếu sáng giăng ngang lối đi, vừa rất nguy hiểm cho khách tham quan vừa mất mỹ quan.


Tất cả đều là PHÁ HOẠI chứ không thể gọi là Tôn tao di tích được


Về Tâm linh, tôi sợ là Đức vua Lê Thái tổ cũng không dám NGỰ VỀ chỗ không phải của mình.
THẬT KHÔNG CÒN BIẾT KHÓC HAY CƯỜI VỚI “HỘI CHỨNG 1000 NĂM” NỮA.
MÀ CHUYỆN NÀY DIỄN RA NGAY GIỮA TRUNG TÂM THỦ ĐÔ.
AI ĐÃ ĐỒNG Ý CHO UBND PHƯỜNG HÀNG TRỐNG PHÁ HOẠI MỘT LÚC CẢ HAI DI TÍCH QUỐC GIA?
BỘ VĂN-THỂ-DU, UBND THÀNH PHỐ CÓ BIẾT VIỆC NÀY KHÔNG?
Xin nhắc lại 2 trong các KẾT LUẬN CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH DỰ ÁN đầu tư Tu bổ tôn tạo khu di tích này, ngày 31/8/1998: Yêu cầu chủ đầu tư bổ xung, hoàn chỉnh dự án theo những nội dung chủ yếu sau:
1. Khẳng định phạm vi di tích sau tu bổ và phải được Bộ VH-TT chấp nhận.
5. Quy hoạch của khu di tích phải được thông qua Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch Thủ đô.

Lãnh đạo Hà Nội và Bộ Văn-Thể-Du sẽ xử lý hành động vi phạm "Luật Di sản" này như thế nào trước ngày Đại lễ?



Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN.
http://nhkien.blogspot.com/2010/04/nang-ne-hoi-chung-1000-nam-thang-long.html

Thật sự không biết nói gì thêm! Hà Nội ơi đau quá là đau!

3 nhận xét: