Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba

Bây giờ, chuyện các nhà ngoại cảm (tạm gọi thế vì cũng chưa ai tìm được từ thích hợp và chính xác hơn, có người đề nghị gọi là các nhà Tâm linh) giúp tìm mộ liệt sỹ đã là chuyện bình thường, được công nhận.
Nhưng đã một thời đình-chùa-miếu-mạo bị phá hủy, bia đá ghi công đức tổ tiên bị đem nung vôi hay may thì được kê làm cầu ao. Mọi thứ KHÔNG NHÌN THẤY ĐƯỢC đều bị coi là “mê tín dị đoan”.
Đến khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, trong công cuộc Đổi Mới, loại “sách nhỏ” Thế giới Mới, Kiến thức ngày nay mới chỉ có chuyên mục kiểu “Bước chân vào thế giới chưa biết” đã gây xôn xao lắm.
Thế rồi, chẳng biết từ lúc nào, chuyện từ “thái cực” này đã nhảy sang “thái cực” kia với ty tỷ những biến tướng mà người ta cứ hàm hồ gọi chung cả là “chuyện tâm linh”.
Có những người cả đời không thèm thắp 1 nén hương bỗng tin tưởng vào chuyện bói toán, đồng cốt. Rồi các điện thờ mọc như nấm sau mưa. Rồi ngay trong các chùa lớn (như chùa Kim Liên- Nghi Tàm- Hà Nội) bỗng xuất hiện “lầu Cô, lầu Cậu”. Rồi người ta đua nhau, chen nhau đi xin lộc Bà Chúa Kho, đi xin ấn vua Trần… để giàu có, để thăng quan, tiến chức.
Tín ngưỡng THUẦN Việt Nam xưa nay vẫn là tục thờ cúng Tổ tiên. Nhà ai chẳng lập một bàn thờ thờ ông bà, cha mẹ. Đó là một phong tục Đẹp để con cháu luôn nhớ về các bậc sinh thành.
Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã có câu rất hay, rằng:
Có tổ có tông, có tông có tổ, tổ tổ tông tông, tông tổ cũ
Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà”.
Cả Dân tộc cùng hướng về một ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: “Dù ai đi ngược về xuôi- Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”.
 
Nhưng trong cái gọi là “kinh tế thị trường”, cái gì cũng bị quy ra thành tiền bạc.
Nào là đánh mìn để phá núi làm động giả ở chùa Hương (Hà Tây trước đây)
Nào là giả làm sư đi khất thực.
Nào là “lập kỷ lục” hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội…
Thôi thì đủ cả.

Và như một “đối trọng” của việc một bộ phận quá sùng bái (may chưa có chuyện cuồng tín cực đoan) xuất hiện một bộ phận BÁNG BỔ TỔ TIÊN.
Biểu hiện của việc này cũng thật đa dạng:
Đó có thể là chuyện cho khách tham quan Đại Nội (Huế) nếu thích làm vua trong một lúc, chỉ cần móc hầu bao 30.000 đồng (Tây thì chắc chắn phải nhiều hơn chút ít).
Đó có thể là chuyện cậy CÔNG ĐỨC lớn, các “đại gia” mặc sức tung hoành tại nhiều nơi đã được Nhà nước xếp hạng di tích, cấm vi phạm (chuyện chặn suối Giải Oan ở khu di tích Yên Tử chỉ là chuyện nhỏ).


Đó có thể là chuyện “sân khấu hóa” lễ tế đàn Xã Tắc ở Huế để thu hút du lịch. Năm nay, vua vẫn là văn công, nhưng lại huy động 100 cụ già làm đại diện cho Trăm họ.


Đó có thể là chuyện dọn cả đồ thờ, Long vị ở điện Sùng Ân (nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa trong lăng vua Minh Mạng – Huế) để dựng lên một phòng ngủ (của vua và hoàng hậu thời Trần) của một đoàn làm phim.

Đó có thể là việc di tích đình Nam Hương được/bị phá thông sang khu vực tượng vua Lê Thái tổ để tôn tạo sân vườn-cảnh quan nhằm đón 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
 
Và đó có thể là việc chính các vị được phong là đạo diễn và phó đạo diễn “nói như hát hay” về nhau trong khi chuẩn bị lễ Quốc lễ Giỗ Tổ ở Đền Hùng. Nhà có Giỗ còn là dịp hóa giải mâu thuẫn, xích mích. Nay là Giỗ Tổ của cả Nước, cả Dân tộc mà người ta lại làm vậy.
 
Và để cho xứng đáng là Quốc Giỗ, người ta đã quyết định làm Giỗ trước những 10 ngày.

Nhưng vụ Cung tiến Giỗ tổ Hùng Vương chai rượu khổng lồ xứng đáng được coi là BÁNG BỔ NHẤT.
(Đấy là tính đến hôm nay, biết đâu từ giờ đến ngày mồng Mười tháng Ba sẽ còn tiếp tục có các “kỷ lục” khác)
Đừng nói tất cả những người dính líu đến những chuyện Báng bổ ấy không biết đến chuyện Tâm linh.

Vấn đề là chữ Tâm ấy cũng có ba bảy đường.

Đành chỉ biết niệm câu Om Mani Padme Hum!
(Âm Hán-Việt là Úm ma ni bát ni hồng hoặc Án ma ni bát mê hồng.
Hình như có người dịch là: UM Hoa Sen Chân Linh!)
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN

1 nhận xét:
Nguyễn Xuân Diện nói...
Nước ta đang dấy lên chuyện tâm linh, nhưng toàn cổ xúy cho những lệch lạc. Đáng lẽ đền Trần là nơi giáo dục hào khí Đông A và tinh thần yêu nước thì thành ra nơi cổ xúy chuyện ấn triện thăng tiến và lợi lộc. Đáng lẽ đền Trần Thương, đền Bà Chúa Kho là nơi giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm với tài sản là dự trữ của nhà nước thì thành ra nơi mặc cả vay mượn quàng xiên. Đáng lẽ lễ Tịch điền, đàn Xã Tắc là nơi giáo dục lòng biết trọng nông thuần phác thì lại thành ra nơi lòe loẹt, cờ đèn kèn trống. Nên nhớ Vua Minh Mệnh có treo đôi câu thơ này ở phòng sách: Y ôn niệm chức tồn dư ý. Thực bão tư nông động ngã tâm (Mặc ấm nhớ người dệt vải, đó là điều còn mãi trong ý ta. Ăn no, nhớ người cày ruộng, điều đó còn lay động tâm can ta). Từ đó, ông tiến hành cải cách hành chính và cai trị đất nước bằng cả tài trí, tâm lực của mình, đưa nước Đại Nam thành một quốc gia hùng mạnh lúc bấy giờ!
Nếu không kịp chấn chỉnh, văn hóa và đạo đức xã hội sẽ suy bại khôn lường! Mà VN chỉ đánh giặc bằng văn hóa, nếu cứ như thế này, thế nước sẽ suy yếu và hậu quả sẽ khôn lường!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét