Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Archaeological Beauty (8) – Ghi chú về một đồ gốm Champa

Trong dịp đi công tác ngắn ngày ở Quy Nhơn mình cùng chị Mai, PGĐ Bảo tàng Bình Định đến thăm sưu tập cổ vật của nhà sưu tập Phạm Thanh Hoài, một trong không nhiều người sưu tập Việt Nam, chỉ sưu tập mà không bán cổ vật.
Mình không bàn về giá trị của những hiện vật trong sưu tập này, mặc dù anh Hoài mê đồ xanh trắng và trong tủ trưng bày của anh có những đĩa, những bát giá hàng trăm triệu.
Mình cũng không bàn về cách thức anh trưng bày vì đó là sở hữu và sở thích cá nhân, mặc dù, cách anh trưng, cách anh giữ cổ vât thì khối bảo tàng nhà nước cần phải học.

Lúc gặp anh Hoài ở bảo tàng Bình Định, mình ngỏ ý muốn tìm hiểu những đồ gốm Champa trong sưu tập của anh, đặc biệt là những đồ gốm Champa có men, không men từ sau thế kỷ 10, loại mà mình quá thiếu tư liệu và gần như không có hiểu biết gì.
Vì thời gian gấp quá, anh Hoài đã không thể cho mình xem hết những gốm nguyên, gốm mảnh anh chất trong kho, nhưng những gì mình thấy trong vẻn vẹn hơn một giờ đã làm đầu óc mình sáng ra nhiều.

Dưới đây là về một lon gốm cứng màu đỏ gạch để ở trong kho và sau đó anh Hoài đã tặng cho mình.

Thoạt nhìn, hiện vật này không có gì đặc biệt, chỉ đơn giản là một lon gốm cứng màu đỏ. Theo thói quen, mình lật xem đáy. Thật ngạc nhiên, dưới đáy có những dòng chữ Chăm. Xem kỹ, đây là đồ vớt, còn nhiều vết hà bám (dù anh Hoài đã cạo một phần). Bên trong, ngoài vết hà bám còn có nhiều vết màu xám của một tro đọng lâu ngày (rất may là anh Hoài đã không dùng bàn chải hay một loại khăn cọ rửa cứng).

Dựa vào hình dáng và chất liệu, có lẽ đây là đồ gốm có niên đại khoảng từ sau thế kỷ 14, 15.
Dựa vào dòng chữ Chăm dưới đáy, đây có thể là gốm của người Chăm hay thuộc sở hữu của người Chăm.
Dựa vào nơi tìm thấy (dưới biển) và một số dấu tích còn lại bên trong (vết tro bám), mình thiên về ý kiến đây là bình đựng cốt của người Chăm.

Tất nhiên, kết luận về niên đại, nguồn gốc, sở hữu và chức năng của lon gốm cứng này vẫn đang ở phía trước.

Và vấn đề là nghĩa của dòng chữ dưới đáy?





  










 

8 nhận xét:

  1. Ừa, nhưng vấn đề gửi nhờ ai đọc cho dòng chữ bây giờ

    Trả lờiXóa
  2. Cô có thể gửi hình minh văn cho em được không, Em là Sơn Dân tộc Chăm học khảo cổ, học trò thầy PGS. TS. Đặng Văn Thắng Trường KHXH&NV TP. HCM. Em se nhờ một người dịch cho cô, chuyên gia về Chữ Phạn Ấn Độ.
    Địa chỉ em là: sonputra@gmail.com.

    Trả lờiXóa
  3. Em không biết về đồ sành, nhất là ở miền trung nên em không dám bàn về niên đại của bình, em chỉ có một số suy nghĩ về chủ nhân và chức năng của bình như sau:
    Liệu có vội vàng khi cho rằng chủ nhân của bình là người Chăm khi chưa xác định được những dòng chữ này là chữ Chăm cổ hay là một mẫu tự chữ khác, nội dung của dòng chữ này là gì ?
    Chức năng của bình có thực sự là bình đựng tro hỏa táng của người Chăm đã trôi/thả/ném ở biển không ? Lòng bình em không quan sát được nhưng dường như bề mặt của bình sành cho ta một câu chuyện khác.
    Quan sát đáy bình ta thấy câu chuyện theo dòng thời gian từ muộn đến sớm (có thể không phải là sớm nhất) có khả năng được viết như sau: bình đã được đặt/nằm/đứng/chôn… ở vùng đất đen ẩm ướt/khá ẩm (đất đen trong khe ở đáy bình, trên vết hà bám) – bình đã được đặt/nằm/đứng/chôn… ở vùng nước mặn (vết hà bám) – bình đã được đặt/nằm/đứng/chôn… ở đâu đó có chứa chất dường như sệt và dễ dính (?) (vết màu xám ghi ở đáy bình và dường như cả trên thân).
    Chính chất bám màu xám ghi ở đáy bình đặt ra cho chúng ta câu hỏi: chất bám màu xám ghi này với dòng chữ, cái nào có trước cái nào ?
    Để trả lời cho câu hỏi này ta cần lưu ý đến tình trạng và một số câu hỏi khác có liên quan như: đáy bình phẳng hay lõm nhẹ; có hay không có việc chà rửa đáy bình để lộ để lộ rõ dòng chữ; cái gì tạo nên chất màu xám ghi.
    Nếu đáy bình phẳng, có thể chất màu xám ghi sẽ không tràn vào rãnh khắc chữ. Dòng chữ có khả năng có trước chất bám màu ghi.
    Nếu đáy bình lõm nhẹ (người thợ có chủ ý khắc chữ ở đáy bình thì đáy bình lõm nhẹ vì nếu đáy bằng chữ được khắc sẽ dễ nhòe hoặc mất) thì tại sao xung quanh chữ bám đầy chất màu xám ghi nhưng trong rãnh chữ lại không có? Phải chăng trong rãnh chữ đã có bám chất màu xám ghi nhưng đã bị chà rửa mất ?
    Nếu xác định chất màu xám ghi có niên đại muộn hơn dòng chữ thì khả năng bình đã được đặt ở nơi nào trên cạn trước khi xuống nước có phù hợp với phong tục tang ma của người Chăm xưa ?

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bạn Unknown về những phân tích ở trên. Vấn đề là bình được sưu tầm không rõ nơi chốn và đã được nhà sưu tập cọ rửa cả trong lẫn ngoài nên rất khó để biết tình trạng ban đầu.
    Vấn đề thứ hai, đồ gốm loại này rất phổ biến ở MT từ khoảng thế kỷ 16 trở đi, trong những đồ sưu tầm được hiện nay có cả đồ chôn dưới đất, có cả đồ vớt dưới sông, dưới biển, thậm chí ở Khánh Hòa người ta còn dùng những lon sành dạng này để xây nhà (giống như người Việt dùng tiểu sành làm tường như ở Hương Canh vậy), tại làng gốm Quảng Đức (Quảng Ngãi) gần đây vẫn sản xuất lon kiểu này.
    Do vậy khi đưa ra những ý kiến về chức năng và niên đại cũng như sở hữu ... chỉ của bản thân chiếc lon này thôi ... mình cũng đã để ngỏ "Tất nhiên, kết luận về niên đại, nguồn gốc, sở hữu và chức năng của lon gốm cứng này vẫn đang ở phía trước".
    Những bình luận của bạn giúp ích cho việc tìm ra những câu trả lời lôgic hơn.
    Đáy của lon này hơi lõm.
    Phong tục tang ma của người Chăm xưa, thực ra chưa ai biết một cách cụ thể cả

    Trả lờiXóa
  5. Gửi Sơn, cô sẽ dập chữ và gửi cho em. Cám ơn em

    Trả lờiXóa
  6. Tui có 1 cái giống cái bình này, tắm biển ở Phan Thiết mò được mình đang để trên bàn làm việc cắm viết, ai biết chính xác cho biết xin cảm ơn, vì nếu là binh để tro cốt minh để o chổ đàng hoàng hơn. hình nó đây
    https://www.facebook.com/photo.php?fbid=228060270732844&set=a.228060307399507.1073741830.100005866175612&type=1&theater

    Trả lờiXóa
  7. Em cũng có một bình nhìn cũng giống cái này , nếu bác quan tâm đến nó thì gọi cho em nhé . ĐT 0984290681
    EM ở Bắc ninh .

    Trả lờiXóa