Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Văn hóa Tiền Đông Sơn ở lưu vực S.Hồng : Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun

1. Văn hóa Phùng Nguyên ( Sơ kỳ đồng thau)
*Địa bàn: Các địa điểm văn hoá Phùng Nguyên phân bố tập trung ở khu vực hợp lưu của các con sông lớn: Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô và Sông Đáy tức vùng Phú Thọ và Nam Vĩnh Phúc, Đông Bắc Hà Tây, Hà Nội, vùng Nam Bắc Ninh. Phần lớn các di tích nằm ở miền trước núi, dưới chân đồi núi đất, ven sông suối ở vùng trung du. Một vài địa điểm trên các khu đất cao châu thổ, ven biển.
• Loại hình: cư trú; di chỉ-xưởng; di chỉ-mộ táng…
Di tích với các hố đất đen - một loại hình di tích khá phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên (Gò Hội, Lập Thạch, Vĩnh Phúc)
• Di vật: đá, gốm, xương, đồng
Công cụ sản xuất của cư dân Phùng Nguyên chủ yếu làm bằng đá. Hầu như toàn bộ công cụ như bôn đá hình tứ giác, rìu đá tứ giác và đồ trang sức đá vòng tay, hạt chuỗi, khuyên tai… đều được mài nhẵn, kích thước nhỏ nhắn, đa dạng và tinh tế, được chế tác từ các loại đá quý hiếm, độ rắn cao, màu sắc đẹp như trắng, nâu, đỏ, lam, nâu đen, vàng gan gà…. Các kỹ thuật chế tác như ghè đẽo, cưa, khoan, mài, tiện… đều có mặt trong quá trình chế tác đồ đá của người Phùng Nguyên và đạt tới một trình độ điêu luyện cao



Hiện vật đá văn hóa Phùng Nguyên

Hiện vật đồng thau định hình chưa tìm thấy trong các địa điểm văn hoá Phùng Nguyên, song cư dân Phùng Nguyên đã biết đến nghề luyện đồng. Trong một số di chỉ Phùng Nguyên đã tìm thấy những cục đồng nhỏ, gỉ đồng và xỉ đồng.
Kỹ thuật chế tác gốm rất tinh xảo về cả loại hình, chất liệu, hoa văn. Gốm Phùng Nguyên dược xem là đỉnh cao của nghệ thuật gốm Việt Nam thời sơ sử.
Gốm Phùng Nguyên - sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và mỹ thuật
•Kinh tế-Xã hội: Cư dân Phùng Nguyên là cư dân nông nghiệp, sống ở những làng định cư rộng và lâu dài, các ngành nghề thủ công đóng vai trò quan trọng. Những chứng cứ vật chất cũng cho thấy thu lượm và săn bắt những loại thú vừa và nhỏ, thuỷ sản… có vai trò không phải là nhỏ trong đời sống hàng ngày. Đời sống tinh thần phát triển với những đồ trang sức đẹp, gốm trang trí cầu kỳ và một số tượng nghệ thuật

Tượng hình người bằng đá ở Văn Điển, Hà Nội Dọi xe chỉ bằng đất nung (chứng cứ của nghề xe sợi, dệt vải)
•Nguồn gốc: Hợp nguồn các dòng bản địa và có một số yếu tố từ bên ngoài
•Quan hệ: Hoa Lộc, Hạ Long, Mai Pha, Nam Trung Hoa
* Niên đại: Niên đại mở đầu từ cuối thiên niên kỷ III BC, đầu thiên niên kỷ II BC và kết thúc vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ II BC.

2. Văn hoá Đồng Đậu (Trung kỳ đồng thau)
* Di tích: Các di tích Đồng Đậu phân bố về cơ bản trùng hợp với địa bàn cư trú của văn hoá Phùng Nguyên với sự mở rộng về phía trung và hạ châu thổ . 37 di tích. Các di tích tập trung ở những đồi gò không cao, bên các đầm hồ, ven lưu vực các sông suối như sông Hồng, sông Lô, sông Đà và sông Đuống thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang
Di chỉ khảo cổ học Đồng ĐậuMộ táng văn hóa Đồng Đậu ở di tích Đình Tràng, Hà Nội
* Di vật: đồ đá vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể. Tuy vậy có thể thấy sự suy thoái về chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác. kỹ thuật luyện kim đúc và chế tác đồ đồng có sự phát triển đột biến. Loại hình phong phú như rìu, giáo, lao, mũi tên các loại hình lá ba cạnh có chuôi hoặc không có chuôi, dũa, đục, dao khắc, lưỡi câu, búa đồng (hay chuôi dao). Đồ đồng được chế tác tại chỗ. Hầu hết ở các khu di tích văn hoá Đồng Đậu đều tìm thấy dấu vết của nghề đúc, luyện đồng như khuôn đúc, nồi nấu đồng… những mảnh khuôn này thuộc loại khuôn hai mảnh bằng đá hoặc bằng đất nung mà vật đúc hết sức đa dạng. Tại Thành Dền bên cạnh khuôn đúc còn tìm thấy 20 mảnh nồi nấu đồng, dấu tích của 4 lò nung nấu đồng và hàng trăm xỉ, gỉ đồng, Thành Dền cho tới nay được coi là trung tâm đúc đồng lớn của văn hoá Đồng Đậu. Qui mô nghề luyện đồng ở Đồng Đậu có lẽ không lớn - theo kiểu hộ gia đình trong một làng. Đợt khai quật Đồng Đậu lần thứ IV đã tìm thấy vết tích lò nấu đồng nhỏ với xỉ, mảnh nồi, khuôn đúc bằng đất nung. Có lẽ chưa có thợ "chuyên", và nghề đúc đồng cũng chưa được chuyên hoá.
Cư dân Đồng Đậu làm nông nghiệp. Họ làm ruộng nước và ruộng khô quanh nơi cư trú. Điều kiện khí hậu và môi trường rất thuận lợi cho việc phát triển nền nông nghiệp đa canh, Nguồn gốc từ văn hóa Phùng Nguyên. Niên đại 3500- 3000 cách ngày nay. Hạt gạo cháy trong di tích Đồng Đậu

Hiện vật văn hóa Đồng Đậu

3. Văn hoá Gò Mun (hậu kỳ đồng thau)

Di tích: 34, các địa điểm văn hoá Gò Mun phân bố chủ yếu ở vùng chuyển tiếp từ trung du xuống châu thổ sông Hồng, ven bờ trái, phải của sông Hồng và ven các nhánh của con sông này như sông Đáy, sông Đuống.
Di vật: Đồ đá của văn hoá Gò Mun được sản xuất trong một khu vực tập trung và trao đổi cho cư dân trong cộng đồng. Công cụ đá có kích thước trung bình và lớn. Chất liệu là đá basalt màu xám. người Gò Mun đã hoàn chỉnh và nâng cao kỹ thuật đúc luyện đồng. Tỉ lệ đồng thiếc khá ổn định, ít tạp chất tự nhiên. trên 20 loại công cụ vũ khí và dụng cụ khác nhau, công cụ và vũ khí bằng đồng thau đã chiếm một tỉ lệ trên 50% trong tổng số công cụ và vũ khí. Bên cạnh vũ khí và công cụ còn gặp đồ trang sức bằng đồng như vòng tay, khuyên tai, nhẫn, nhạc cụ, tượng người và tượng động vật. Người Gò Mun làm ruộng nước, trồng màu, chăn nuôi bên cạnh thu lượm và săn bắt (bắn) thú rừng. Sự phát triển và hoàn thiện của nông nghiệp trồng lúa đã được chứng thực qua sự phát hiện của những hố có dấu vết của lúa và những nông cụ bằng đá, bằng đồng đã khá hoàn thiện về loại hình và chuyên biệt về chức năng. Các nghề thủ công đã rất phát triển và có vai trò to lớn trong đời sống cư dân. văn hoá Gò Mun có thể bắt đầu hình thành vào khoảng 3.000 năm và niên đại kết thúc của nó khoảng 2700/2600 năm cách ngày nay. Văn hoá Gò Mun là cơ tầng, cội nguồn bản địa của sự hình thành và phát triển của văn hoá Đông Sơn.

Hiện vật văn hóa Gò Mun
Lâm Thị Mỹ Dung


Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009

Thời đại đá mới Việt Nam

Thời đại đá mới Việt Nam - Sơ kỳ, Trung kỳ và Hậu kỳ


I. Sơ kỳ Đá mới Việt Nam xuất hiện sớm, tồn tại lâu dài kỹ nghệ công cụ cuội, xác lập truyền thống cư trú trong hang động, khai thác thung lũng đá vôi,có nguồn gốc từ văn hóa Sơn Vi và là tiền đề cho một Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng.

1. Văn hoá Hoà Bình : Không gian phân bố của văn hoá Hoà Bình khá rộng lớn, bao gồm các tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình. Mật độ phân bố di tích không đều, nhiều nhất là ở Hoà Bình (72 di tích) và Thanh Hoá (32 di tích). Cư trú trong các hang động và mái đá ở vùng núi đá vôi và kiếm sống ở vùng thung lũng liền kề. Khai thác đá cuội sông, suối tại chỗ để chế tạo công cụ. Kỹ thuật chế tác đá phổ biến là ghè đẽo, bổ, đập, bẻ và chặt ngang, trong đó ghè đẽo một mặt là chủ đạo. Công cụ hình hạnh nhân, hình tam giác, hình đĩa, hình oval, rìu ngắn, rìu dài, chày và bàn nghiền, bàn đập và hòn kê. Công cụ xương và vỏ trai rất ít. Giai đoạn muộn xuất hiện rìu mài lưỡi. Chôn cất người chết ngay ở nơi cư trú, chôn ở sát vách hang, chôn gần bếp lửa. Đồ tùy táng là công cụ đá, đồ trang sức bằng vỏ trai, ốc hoặc xương răng thú. Tục rắc thổ hoàng ở mộ Hoà Bình khá phổ biến. Dấu tích nghệ thuật trong văn hoá Hoà Bình rất hiếm thấy. Ngoài bức hoạ trên vách hang Đông Nội , còn có một số viên đá hoặc mẩu xương khắc vạch những cây lá và động vật. Kiếm sống: săn bắt/bắn thú vừa và nhỏ, bắt cá, ốc… hái lượm theo phổ rộng. Chưa có chứng cứ về cây trồng hay vật nu ôi. Chưa có đồ gốm. Niên đại 18.000-7.500 năm BP. Văn hoá Hoà Bình có nguồn gốc từ văn hoá Sơn Vi.
Hiện vật văn hóa Hòa Bình




2. Văn hoá Bắc Sơn: Không gian phân bố của văn hoá Bắc Sơn ở phía Nam sơn khối đá vôi Bắc Sơn trong các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan (Lạng Sơn) và Võ Nhai (Thái Nguyên). Người Bắc Sơn giống như cư dân Hoà Bình, khai thác cuội suối tại chỗ để chế tạo công cụ. Công cụ đá Bắc Sơn được phát triển hoàn thiện hơn Hoà Bình cả về loại hình và kỹ thuật chế tạo. Công cụ hình đĩa, hạnh nhân, tam giác, chữ nhật và oval. Tỉ lệ công cụ ghè đẽo 2 mặt cao hơn công cụ ghè đẽo 1 mặt, mảnh tước được tu chỉnh, rìu Bắc Sơn hay rìu mài lưỡi là công cụ tiêu biểu, cuốc đá và "dấu Bắc Sơn"- được coi là di vật độc đáo, làm từ đá schist có dạng một thỏi cuội nhỏ, dài và hơi dẹt. Trên viên cuội, ở 1, 2 hay nhiều mặt có vết mài lõm đôi, chạy dọc viên cuội. Công cụ xương rất ít về số lượng và nghèo nàn về hình loại một số tác phẩm nghệ thuật còn lưu lại trên đá và vỏ ốc biển. Đó là những phiến thạch hay viên cuội có dấu lõm đôi và nhiều vết khía ở Bình Gia. Đó là vỏ ốc biển Cypraera Văn hoá Bắc Sơn được xếp vào sơ kỳ đá mới, có khung niên đại 11.000-7.000 năm BP. Chưa có chứng cứ chắc chắn về cây trồng hay vật nuôi hay đồ gốm. Văn hoá Bắc Sơn có thể được hình thành trên cơ sở kế thừa, hội nhập các truyền thống công cụ hạch cuội Sơn Vi - Hoà Bình và công cụ mảnh kỹ nghệ Ngườm.

II. Trung kỳ Đá mới Việt Nam - 3 văn hóa Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn. Đây là giai đoạn con người chuyển từ hang động ra cư trú ngoài trời, khai phá đồng bằng châu thổ chưa hình thành xong, tiến hành thác hải sản sông, biển; định cư làm gốm, kết thúc kỹ nghệ cuội ghè, hoàn thiện kỹ thuật mài, nảy sinh các trung tâm làm gốm sớm, ra đời nông nghiệp và chăn nuôi, có sự phân biệt 3 vùng kinh tế - xã hội đầu tiên trong tiền sử Việt Nam - khúc dạo đầu cuộc Cách mạng Đá mới Việt Nam.

Kế thừa truyền thống Hoà Bình-Bắc Sơn trong chế tác và sử dụng công cụ đá, xương, sừng. Chiếm lĩnh các vùng đồng bằng duyên hải và đảo ven bờ. Tùy thuộc vào điều kiện môi trường sinh thái mỗi nhóm cư dân đã có những cách thích ứng khác nhau bằng những hoạt động kiếm sống đa dạng. Săn bắt, hái lượm, đánh bắt cá đóng vai trò chính song đã xuất hiện các hoạt động sản xuất như làm đồ gốm, trồng trọt (làm vườn), thuần dưỡng một số loài động vật. Đã hình thành các truyền thống chế tác gốm mang tính địa phương. Đời sống tinh thần được thể hiện qua các hình thức mai táng khác nhau như chôn nằm co bó gối, chôn nằm thẳng, đơn táng, song táng... với đồ tùy táng là công cụ đá và đồ gốm.


Cả 3 cùng duy trì công cụ đá ghè đẽo truyền thống, nhưng xuất hiện công cụ mài lan thân, mài toàn thân; nảy sinh 3 trung tâm làm gốm độc lập, khác nhau về quy mô, sản phẩm: Cái Bèo gốm đáy bằng, văn đan nống mốt nống đôi. Đa Bút gốm đáy lồi, văn thừng đập không se. Quỳnh Văn gốm đáy nhọn văn chải 2 mặt.
Ba phương thức hoạt động khai thác khác nhau: Cái Bèo đánh cá biển; Đa Bút khai thác hến ven sông, Quỳnh Văn khai thác sò điệp đới ven bờ. Có dấu tích hoạt động trồng trọt và chăn nuôi.

Hiện vật văn hóa Đa Bút

3. Hậu kỳ Đá mới Việt Nam: 5.000 - 3.500 năm BP.
Bước vào hậu kỳ đá mới, con người chiếm cư mọi địa hình, xác lập các văn hóa khác nhau:
Vùng núi phía bắc có các văn hóa: Bản Mòn (Sơn La), Hà Giang (Hà Giang, Tuyên Quang), Mai Pha (Lạng Sơn).
Vùng biển có các văn hóa: Hạ Long (Quảng Ninh, Hải Phòng), Bàu Tró (Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng Bình)
Tây Nguyên có 3 văn hóa: Lung Leng (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai), Buôn Triết (Đắc Lắc, Đắc Nông).
Lẻ tẻ có một số di tích hậu kỳ đá mới khác ở miền núi, cao nguyên trong hang động hoặc thềm sông.

1. Văn hóa Hạ Long 27 di tích, phân bố chủ yếu trên các đảo, trên các đồi núi giáp biển và trong một số hang động. Công cụ độc đáo như rìu, bôn có nấc, rìu có vai, bôn có vai, bôn có vai có nấc, rìu bôn lưỡi xoè cân và xoè lệch. "Dấu Hạ Long" (bàn mài có rãnh song song với nhau) cũng tạo nên đặc trưng nổi bật của văn hoá Hạ Long. Đồ gốm, đa số là gốm xốp, đã tạo cho văn hoá Hạ Long có diện mạo riêng so với các văn hoá khác cùng thời. Gốm xốp pha nhiều vỏ nhuyễn thể, hoa văn đắp nổi, khắc vạch kết hợp với trổ thủng. Kinh tế thu lượm, săn bắn (bắt), và đã biết tới nông nghiệp và chăn nuôi. Người Hạ Long là người hướng biển, có mối quan hệ rộng với nhiều cư dân xung quanh. Văn hóa Hạ Long có nguồn gốc từ Cái Bèo kết hợp với tiếp nhận các yếu tố văn hoá-kỹ thuật từ bên ngoài. Niên đại 5.000-4.000 năm BP.
2. Văn hoá Bàu Tró 20 di tích di tích cồn sò, cồn cát và cồn đất, phân bố dọc theo ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Các di tích này cách không xa đường bờ biển hiện nay, từ 3 đến 20km. Rìu và bôn có vai và Cuốc là những loại công cụ đá tiêu biểu nhất. Đồ trang sức bằng đá vòng tay, hạt chuỗi hình ống, khuyên tai và nhẫn trang sức bằng đất nung khuyên tai hình đỉa, trang sức hình đuôi cá, trang sức hình tam giác, trang sức hình thoi cắt một đầu, hạt chuỗi hình ống và vòng gốm. Gốm Bàu Tró có 3 loại khác nhau. Đó là gốm đáy nhọn văn chải hai mặt, gốm đáy tròn văn thừng, gốm đáy tròn hoặc có chân đế trang trí văn khắc vạch trên nền thừng kết hợp với tô màu đỏ Niên đại 5.000-4.500 năm BP. Cư dân Bàu Tró định cư lâu dài trên nhiều địa hình ven biển khác nhau, đã đạt đến trình độ chế tác đá cao và làm gốm bằng bàn xoay, kiếm sống bằng thu lượm, săn bắn (bắt), đánh cá, làm nông nghiệp và chăn nuôi. Rất có thể, cuốc là một công cụ quan trọng của nhà nông Bàu Tró. Hiện vật văn hóa Bàu Tró
3. Văn hoá Mai Pha. Các di tích thuộc văn hoá Mai Pha hiện biết đều phân bố ở Lạng Sơn Đây là loại hình di tích hang động. Gốm Mai Pha được trang trí các loại văn thừng, văn khắc vạch và trổ thủng. Hoa văn hoa thị và trổ thủng là hoa văn độc đáo của Mai Pha. Người Mai Pha cũng tô màu cho đồ gốm thêm đẹp. Hoạt động kiếm sống của người Mai Pha chủ yếu dựa vào thu lượm ốc suối, ốc núi, rau quả rừng, săn bắn thú rừng, trồng trọt và chăn nuôi. Người Mai Pha có nhiều mối quan hệ với cư dân văn hoá Hà Giang, Hạ Long, Bàu Tró, Phùng Nguyên… Hiện vật văn hóa Mai Pha
4. Văn hoá Biển Hồ phân bố ở cao nguyên Pleiku. Nhiều địa điểm của văn hoá này là di chỉ mộ táng. 26 di tích đã được phát hiện. Đặc trưng nổi trội của bộ di vật đá Tây Nguyên là ở chỗ chúng được làm từ đá lửa (silex) và đá phtanite Rìu bôn có vai và bôn "răng trâu" là 2 loại công cụ chủ đạo của văn hoá Biển Hồ.
Ngoài ra dấu tích thời hậu kỳ đá mới còn được phát hiện ở nhiều vùng địa hình khác nhau ở Việt Nam suốt từ miền núi phía Bắc đến Đông Nam Bộ và khu vực giáp ranh giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ như An Sơn, Rạch Núi (Long An).




Thời đại đồ đá mới hay "Cách mạng đá mới" đã diễn ra ở Việt Nam khá sớm, bắt đầu vào khoảng 18.000 năm BP và kết thúc vào 4.000 năm BP. Cư dân Hoà Bình-Bắc Sơn là những người đi tiên phong trong cuộc "Cách mạng đá mới" ở Việt Nam. Các con đường đá mới hoá sau Hoà Bình-Bắc Sơn đã dẫn đến sự phát triển tột đỉnh của các kỹ thuật chế tác đá, sự phát triển phong phú và đa dạng cao của các loại công cụ sản xuất, sự xuất hiện nhiều và phát triển cao của các nghề thủ công, nhất là sự ra đời của nông nghiệp và chăn nuôi. Có thể nói, cuộc "Cách mạng đá mới" thật sự đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự xuất hiện của "Cách mạng luyện kim ở Việt Nam".


Lâm Thị Mỹ Dung

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

Thời đại đá cũ: Núi Đọ, Sơn Vi, Ngườm

I. Sơ kỳ thời đại đá cũ


1. Việt Nam chứng kiến quá trình tiến hóa liên tục của con người, từ Homo erectus, sang Homo sapiens, rồi Homo sapiens sapiens.
- Người khôn ngoan có 2 giai đoạn: Khôn ngoan sớm (Homo sapiens) - thoát khỏi yếu tố vượn thành người hiện đại, di cốt hóa thạch, niên đại cổ hơn 40 nghìn năm BP. Họ là chủ nhân của các văn hóa trung kỳ đá cũ. Giai đoạn Khôn ngoan muộn (Homo sapiens sapiens) con người tiếp tục hoàn thiện mình, một số di cốt hóa thạch, họ là chủ nhân của các nền văn hóa hậu kỳ đá cũ, cách đây chừng 30 nghìn năm.
- Ở Việt Nam, người Khôn ngoan sớm phát hiện ở Thẩm Ồm (Nghệ An) và Hang Hùm (Yên Bái), niên đại 60 - 50 nghìn năm BP. Cổ hơn các nơi khác trong khu vực. Riêng Thẩm Ồm còn tìm thấy công cụ mảnh tước quartzite.
Người Khôn ngoan muộn phát hiện ở Kéo Lèng (Lạng Sơn), Thung Lang (Ninh Bình), niên đại 30 nghìn năm BP. Hai địa điểm này chưa tìm thấy công cụ, nhưng một số di chỉ có niên đại hậu kỳ đá cũ đã tìm thấy công cụ cuội ghè đẽo hoặc công cụ mảnh tước như trong Mái đá Ngườm (Thái Nguyên), Mái đá Điều (lớp dưới).


2. Các văn hóa Sơ kỳ đá cũ Việt Nam:
- Trong thành phần động vật hóa thạch Pongo - Stegodon – Ailuroponda niên đại cuối Trung kỳ Pleistocene ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai có động vật nào do con người săn bắt được và là kết quả hoạt động của Người vượn. ở đây chưa thấy công cụ lao động, chưa thấy yếu tố văn hóa.

Hang Thẩm Khuyên

- Ngược lại, trong di tích Núi Đọ, tìm thấy công cụ lao động kiểu sơ kỳ đá cũ lại không thấy di cốt người. Hiện các nhà khoa học đang thảo luận niên đại sơ kỳ đá cũ Núi Đọ. Trong tình hình hiện nay, vẫn sử dụng tư liệu Núi Đọ làm đại diện cho văn hóa sơ kỳ Đá cũ.
- Sơ kỳ: Hai nhóm di tích chính ở Bắc và Nam Việt Nam
Nhóm di tích Núi Đọ , Thiệu Yên , Thanh Hoá: Di tích ngoài trời, hiện vật thu lượm trên bề mặt. Công cụ đá basalt, loại hình chính: Rìu tay, công cụ chặt thô, mảnh tước Clacton và Levallois… Niên đại khoảng 40 vạn năm cách ngày nay.
Nhóm di tích miền Đông Nam Bộ: Phát hiện lẻ tẻ trên bề mặt đồi đất đỏ ở Xuân Lộc (Đồng Nai ) và An Lộc (Bình Dương) , công cụ đá basalt với các loại hình: Rìu tay, công cụ ghè một mặt, mũi nhọn, hòn ném (bolas)… Về mặt kỹ thuật tiến bộ hơn so với Núi Đọ.
Sơ kỳ đá cũ Việt Nam có nhiều nét tương đồng với sơ kỳ đá cũ Đông Nam Á, với các di tích như Tampan (Malaysia), Pajitan (Indonexia)…


Công cụ đá cũ sơ kỳ Núi Đọ

II. Hậu kỳ thời đại đá cũ: Tồn tại song song 2 văn hóa thuộc 2 kỹ nghệ khác nhau: văn hóa Sơn Vi - kỹ nghệ cuội ghè (30.000 – 11.000 năm BP), văn hóa Ngườm - kỹ nghệ mảnh tước (40.000 – 20.000 năm BP). Hai văn hóa này có khuynh hướng phát triển và tầm ảnh hưởng khác nhau

1. Kỹ nghệ Ngườm gồm hang Miệng Hổ và mái đá Ngườm (lớp dưới), cùng ở thung lũng Thần Sa (Thái Nguyên) mà đặc trưng nổi bật là chế tác và sử dụng công cụ mảnh tước nhỏ có tu chỉnh làm công cụ lao động. Công cụ mảnh Ngườm

2. Văn hoá Sơn Vi trên 140 địa điểm. Các di tích văn hoá Sơn Vi phân bố rộng và không đều ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, xa nhất về phía Nam là Quảng Trị. Các địa điểm Sơn Vi tập trung cao nhất ở vùng trung du Phú Thọ. Các di tích văn hoá Sơn Vi phân bố trên 2 loại địa hình: đồi gò - thềm sông và hang động - mái đá. Loại hang động - mái đá có số lượng ít. Công cụ đá văn hoá Sơn Vi chủ yếu làm từ cuội sông, suối, kỹ thuật chế tác công cụ đá chủ đạo là ghè đẽo (một mặt), ít tu chỉnh, không có kỹ thuật mài. Công cụ cuội ghè (công cụ dạng hạch) có số lượng nhiều và phong phú: công cụ rìa lưỡi ngang, dọc, mũi nhọn, công cụ hình nửa viên cuội , hình ¼ viên cuội (múi bưởi). Săn bắt và thu lượm là chính. Cư dân văn hoá Sơn Vi là tiền thân của văn hoá Hoà Bình, có vị trí quan trọng trong tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á. Công cụ đá Sơn Vi


3. Xuất hiện các di tích hoặc nhóm di tích Hậu kỳ Đá cũ thuộc kỹ nghệ cuội ghè, cổ hơn, tương đương hoặc muộn hơn Sơn Vi, loại hình công cụ khác Sơn Vi hoặc gần với Sơn Vi ở nhiều địa bàn trên toàn quốc:
Nhóm di tích Đồi Thông (Hà Giang)
Nhóm di tích cuội ghè Nậm Tun - Bản Phố ở Tây Bắc.
Nhóm di tích cuội ghè Lung Leng (Lớp Laterite) ở Tây Nguyên
Nhóm di tích cuội ghè Lâm Đồng
Nhóm di tích cuội ghè miền Đông Nam Bộ .

Hậu kỳ đá cũ Việt Nam xuất hiện các văn hóa khảo cổ (gồm một số di tích, phân bố liền khoảnh, có đặc trưng ổn định về di tích và di vật, tồn tại trong một thời gian nhất định và của một tộc người nhất định), các nhóm di tích, trong đó kỹ nghệ công cụ cuội là đặc trưng, điển hình nhất.
Lâm Thị Mỹ Dung












MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MỚI

TS. Phạm Quang Sơn

Thuần hóa động vật và thực vật, tạo ra các giống gia cầm và cây trồng là một sự kiện lớn trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Cùng với thuần hóa động, thực vật, con người đã thực hiện một bước tiến nhảy vọt từ nền kinh tế chiếm dụng (săn bắt hái lượm) đến nền kinh tế sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt). Không phải ngẫu nhiên mà nhà khảo cổ học người Anh (sinh tại Australia) theo quan điểm mác-xít Vere Gordon Childe coi sự kiện đã diễn ra trong thời đại Đá mới này như một cuộc cách mạng và đặt tên là “Cách mạng Đá mới”[1].
Tuy nhiên, việc thuần hóa động, thực vật đã diễn ra trong một quá trình lâu dài, bắt đầu từ trước thời đại Đá mới và kéo dài cho đến ngày nay. Vì vậy, việc nghiên cứu cụ thể giống loài nào đã được thuần hóa ở đâu, vào thời kỳ nào, cũng là một đề tài quan trọng của các khoa học lịch sử. Bởi, khi một giống loài mới xuất hiện, được nuôi trồng, chúng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới lối sống của những bộ phận dân cư riêng lẽ, và, trên bình diện rộng, sẽ tác động đến các hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử. Ph. Engels đã đặc biệt chú trọng đến “sự phân công lao động xã hội lần thứ nhất”, khi chăn nuôi và du mục tách khỏi sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho cuộc phân hóa thành các giai cấp đầu tiên trong xã hội.
Cho đến nay, tư liệu chủ yếu và quan trọng nhất để nghiên cứu hiện tượng thuần hóa động thực vật là do các nhà khảo cổ học thu thập được trong khi khai quật các di tích. Đó là xương răng động vật, vỏ trấu, bào tử phấn hoa hay các công cụ, vật dụng liên quan đến chăn nuôi hay trồng trọt. Những tư liệu này được các nhà cổ sinh vật học nghiên cứu, so sánh, đối chiếu về hình thái học để xác lập quá trình tiến hóa từ các giống loài hoang dã đến khi đã được hoàn toàn thuần hóa. Gần đây, các nhà khoa học tự nhiên trong lãnh vực di truyền học cũng đã góp nhiều công sức tham gia nghiên cứu vấn đề này. Nhiều kết quả nghiên cứu ADN, nhất là ADN trong mitochondry (một dạng tế bào năng lượng di truyền dòng mẹ), ký hiệu mtDNA, đã được công bố.
Trong bài này, tôi chỉ có ý định thu thập và giới thiệu những thông tin mới nhất về lịch sử thuần hóa một số động vật phổ biến nhất trên thế giới. Phải nói rằng, thông tin về lãnh vực này hết sức mênh mông. Chỉ riêng những phát hiện khảo cổ học mới không phải lúc nào cũng có thể cập nhật được, và nhiều khi tư liệu công bố cũng không đáng được tin cậy hoàn toàn. Khoa học di truyền nghiên cứu nguồn gốc các giống loài đáng tin cậy hơn, tuy chưa thịnh hành ở Việt Nam, nhưng đã rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Các kết quả nghiên cứu gen di truyền thường được công bố trong những ấn phẩm chuyên ngành hẹp, không phải nhà sử học nào cũng có thể tiếp cận được. Thật may, với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, những khiếm khuyết nói trên phần nào đã được bù đắp. Những thông tin trong bài này đã được lấy từ các công cụ tìm kiếm trên mạng (Google.com) và các đường dẫn, các trang web Wikipedia.org. (tiếng Việt, Anh, Nga), Newsru.com…Một nhược điểm đáng tiếc là không phải bài viết nào trong Wikipedia hoặc trên các diễn đàn (Forum) cũng cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, có trích dẫn tư liệu gốc để có thể thẩm tra lại.



Quá trình thuần hóa động vật hoang dã bắt đầu từ sự lựa chọn những cá thể riêng biệt để nhân giống. Mục đích của thuần hóa là để sử dụng con vật hỗ trợ trong săn bắt, sản xuất nông nghiệp hoặc như nguồn dự trữ thực phẩm ổn định. Vì vậy, những động vật được lựa chọn phải có những yếu tố mà con người mong muốn. Nhà sinh học tiến hóa Diamond J. đã đưa ra 6 tiêu chí cần có ở động vật để có thể được chọn thuần hóa[2]:
1- Chế độ ăn uống linh hoạt, có thể ăn các loại hạt, ngũ cốc hay những thứ không phải là thực phẩm của người (rơm, cỏ…) và phần xương thịt động vật mà con người không dùng tới.
2- Tốc độ tăng trưởng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của người.
3- Chịu được nuôi dưỡng trong chế độ quản thúc chặt chẽ.
4- Có tính hiền lành, không hung dữ, gây nguy hiểm khi nuôi gần người.
5- Không có tính khí thất thường, hoảng sợ, lồng lộn, khó quản thúc.
6- Thừa nhận đẳng cấp xã hội, chịu thuần phục, coi người là thủ lãnh.
Thuần hóa động vật đã làm thay đổi căn bản điều kiện sống và phát triển của một giống loài. Quá trình tiến hóa tự nhiên bị thay thế bằng sự lựa chọn nhân tạo theo chuẩn mực đặt ra. Vì vậy, trong khuôn khổ thuần hóa, đặc tính di truyền của một giống hay một loài cũng sẽ bị thay đổi. Những dấu hiệu thay đổi của một loài hoang dã sau khi thuần hóa đã được đúc kết như sau[3]:
- Khối lượng não giảm 20-30%.
- Giảm năng lực các giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác).
- Một số hình thức biểu hiện hành vi biến mất hoặc thay đổi (như giảm tính hung dữ).
- Giảm kích thước răng, sừng.
- Thay đổi màu sắc hay màu lông.
- Lớp lông thưa và mỏng hơn (ngoại trừ những giống loài được chủ ý lai tạo để lấy lông).
- Xuất hiện vành tai chảy thỏng.
- Trán thẳng đứng hơn.
- Hệ tiêu hóa ngắn lại ở gia súc ăn cỏ và dài thêm ở gia súc ăn thịt.
- Hình thành một số giống cùng loài rất khác nhau (các giống chó).
- Phản ứng tự bảo vệ kém hơn.
- Thay đổi chu kỳ sinh sản theo mùa, đẻ nhiều hơn.
- Bản năng bảo tồn giống nòi (bảo vệ con nhỏ) ít phát triển.
(Một số trong những thay đổi nói trên – như giảm năng lực các giác quan, ít lông hơn, giảm kích thước răng, thay đổi hình dáng trán – cũng quan sát thấy ở người hiện đại trên bước đường tiến hóa từ người Neanderthal. Một số nhà khoa học vì thế đã nói về sự “thuần hóa người” trong quá trình phát triển của bản thân người).
Đến nay đã có nhiều kết quả nghiên cứu về thuần hóa động vật trong lịch sử đuợc công bố. Trong từ mục “Domestication” của Wikipedia[4] đã tổng kết một danh mục “Niên đại tượng đối và các địa phương thuần hóa sớm nhất”, bao gồm gần như tất cả những động vật được thuần hóa (hay chỉ mới ở mức thuần dưỡng[*]) qua ba giai đoạn từ thời kỳ nguyên thủy tới nay. Dưới đây tôi chỉ giới thiệu một số động vật thuần hóa phổ biến nhất lấy từ danh mục trên:
Niên đại tương đối và các địa phương thuần hóa động vật sớm nhất.
( Theo Wikipedia)
Loài - Species Niên đại -Date Địa phương - Location
Chó (Canis lupus familiaris) 5000 BC Đông Á
Cừu (Ovis orientalis aries) 9-11000 BC Tây Nam Á
Dê (Capra aegagrus hircus) 80000 BC Iran
Lợn (Sus scrofa domestica) 9000 BC Trung Đông, Trung quốc
Bò (Bos primigenius taurus) 8000 BC Ấn Độ,Trung Á và vùng Hạ Sahara châu Phi
Mèo (Felis catus) 7500 BC Trung Đông
Gà (Gallus gallus domesticus) 6000 BC Ấn Độ và Đông Nam Á
Chuột bạch (Cavia porcellus) 5000 BC Peru
Lừa (Equus africanus asinus) 5000 BC Ai Cập
Vịt (Anas platyrhynchos domesticus) 4000 BC Trung Quốc
Trâu (Bubalus bubalis) 4000 BC Ấn Độ, Trung Quốc
Ngựa (Equus ferus caballus) 4000 BC Thảo nguyên Á - Âu
Lạc đà một bướu (Camelus dromedarius) 4000 BC Arabia
Lạc đà không bướu (Lama glama) 3500 BC Peru
Tằm (Bombyx mori) 3000 BC Trung Quốc
Hươu phương Bắc (Rangifer tarandus) 3000 BC Nga
Bồ câu núi (Columba livia) 3000 BC Ven bờ Địa Trung Hải
Ngỗng (Anser anser domesticus) 3000 BC Ai Cập
Lạc đà hai bướu (Camelus bactrianus) 2500 BC Trung Á
Bò Tây Tạng (Bos grunniens) 2500 BC Tây Tạng

Trong bài “ Thuần hoá động vật đã diễn ra khi nào và ở đâu”[5], nhà nghiên cứu K. Kris Hirst cũng đưa ra một bảng danh sách các động vật thuần hóa với một số khác biệt như sau:
Bảng thuần hóa động vật
(Theo K. Kris Hirst)
Loài vật - Thuần hóa ở đâu - Niên đại
Chó Đông Á 13,000 BC
Cừu Tây Á 8500 BC
Mèo Trung Cận Đông 8500 BC
Dê Tây Á 8000 BC
Lợn Tây Á 7000 BC
Trâu bò Đông Sahara 7000 BC
Lợn Guine Peru 6000 BC
Gà Thái Lan 6000 BC
Lừa Bắc Phi 4000 BC
Ngựa Kazakhstan 3600 BC
Tằm Trung Quốc 3500 BC
Lạc đà không bướu Peru 3500 BC
Lạc đà hai bướu Nam Nga 3000 BC
Lạc đà một bướu A rập Saudi 3000 BC
Ong mật Ai Cập 3000 BC
Banteng (?) Thái Lan 3000 BC
Trâu Pakistan 2500 BC
Vịt Tây Á 2500 BC
Bò Tây Tạng Tây Tạng 2500 BC
Ngỗng Đức 1500 BC
Lạc đà paca Peru 1500 BC
Tuần lộc Siberia (Nga) 1000 BC
Gà tây Mexico 100 BC-AD 100

Kể từ sau ngày những bảng thống kê trên được công bố, đến nay đã có thêm nhiều tư liệu và kết quả nghiên cứu mới về thuần hóa động vật. Dưới đây xin giới thiệu những thông tin mới đó.

CHÓ (Canis lupus familiaris)
Cách đây không lâu, nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng chó nhà đã được thuần hóa từ chó sói, cáo, chó rừng (hay chó núi – jackal) và chó thảo nguyên (coyote). Tuy nhiên, phần lớn bằng chứng từ các kết quả nghiên cứu gần đây về hành vi, tiếng sủa, hình thể và sinh học phân tử cho phép nhận thấy sói xám chính là tổ tiên chung của tất cả các loài chó nhà hiện nay.
Đến nay, các nhà khảo cổ học và sinh học vẫn chưa thể khẳng định chó nhà đã được thuần hóa từ bao giờ. Tư liệu khảo cổ học đã cung cấp bằng chứng khá rõ ràng rằng những con chó đầu tiên tách khỏi loài sói tổ tiên ít nhất là 15.000 năm trước đây. Một số nhà nghiên cứu vẫn còn tin rằng chó đã được thuần hóa sớm hơn trước đó. Kết quả nghiên cứu gen di truyền mtADN lại cho thấy chó đã bắt đầu được thuần hóa từ sói xám vào vào cuối hậu kỳ đá cũ, ở ranh giới giữa Pleistocene và Holocene, trong khoảng 17.000 – 14.000 năm trước. Tuy nhiên, cũng còn không ít bằng chứng khác mâu thuẫn với những kết luận còn tranh cãi này, tùy thuộc vào mẫu giống loài được phân tích.
Trong mục từ “Dog” của www.en.wikipedia.org có dẫn ra một số bằng chứng khảo cổ học và kết quả nghiên cứu ADN . Vào năm 2008, một tập thể các nhà khoa học nhiều nước đã nghiên cứu những hiện vật thu thập được trong cuộc khai quật hang Goyet ở Bỉ. Họ đã công bố về sự hiện diện của một con chó răng nanh rộng vào thời điểm 31.700 năm trước đây, thức ăn của nó là ngựa, bò hương và tuần lộc. So sánh cấu tạo hình thể hài cốt và vị trí trong hố khai quật, các nhà nghiên cứu đã cho rằng đây là tiêu bản chó thuần hóa sớm nhất từ trước tới nay. Trước phát hiện ở Bỉ, những hóa thạch chó nhà được tìm thấy sớm nhất là hai hộp sọ chó lớn ở Nga và một xương hàm dưới của chó ở Đức, có niên đại khoảng 14.000 năm trước đây. Hài cốt những con chó nhỏ hơn được phát hiện trong địa tầng hang Natufy ở Trung Đông, có niên đại 10.000 – 12.000 năm trước. Một số lớn bằng chứng khảo cổ học về chó nhà ở hai châu lục Á – Âu trong khoảng thời gian này và hai ngàn năm tiếp theo (8.000 – 10.000 năm trước) như hóa thạch cũng được tìm thấy ở Đức, vùng An-pơ (Alps) của Pháp, Irắc, những tranh vẽ hang động ở Thỗ Nhĩ Kỳ[6]. Theo nữ học giả Hirst K.K., di tích ở Đức có niên đại 14.000 năm nói trên chính là Bonn-Oberkassel. Ngoài ra, chó thuần hóa còn được phát hiện ở Trung Quốc, trong di tích sơ kỳ đá mới Jiahu, tỉnh Hồ Nam, niên đại 7.000 – 5.800 tr.CN; ở Thụy Điển trong di tích thời đại đá giữa Skateholm, niên đại 5.250 – 3.700 tr.CN hay ở bang Utah (Mỹ), trong di tích Hang Hiểm (Danger Cave), niên đại 11.000 trước đây[7]. Như vậy, những bằng chứng khảo cổ học đã cho thấy con chó muộn nhất tách biệt khỏi sói là từ khoảng 15.000 năm trước, mặc dù vẫn có thể còn sớm hơn.
Kết quả phân tích ADN còn cho thấy khung thời gian chó được thuần hóa lại rất rộng, trong khoảng 15.000 năm đến 40.000 năm trước, có khi còn xa đến 100.000 – 140.000 năm trước. Nhưng, như trên có nói, các kết quả nghiên cứu này bị phụ thuộc vào mẫu phân tích là giống, loài nào cũng như các yếu tố định chuẩn khác…
Nhà nghiên cứu Carles Vilà và các đồng sự đã phân tích mtADN trong máu và lông của 162 chó sói ở 27 vùng trên thế giới và 140 chó nhà của 67 giống chó. Kết quả nghiên cứu cho phép khẳng định chó sói chính là tổ tiên của chó nhà. Phần lớn chó nhà có thể được chia làm bốn nhóm. Nhóm lớn nhất và đa dạng nhất có biểu hiện liên kết phần lớn các giống chó cổ như dingo của Australia, chó singing của New Guinea với nhiều giống hiện đại như collia và retriever. Những nhóm khác như shepherd của Đức lại có quan hệ gần gũi với sói hơn là với nhóm chó chính, cho thấy nhóm này được hình thành bởi sự lai tạo giữa chó và sói. Cũng có thể đây là bằng chứng cho thấy chó có thể đã được thuần hóa từ sói ở nhiều thời điểm và địa phương khác nhau. C.Vilà không chắc chắn rằng việc thuần hóa chỉ xảy ra một lần, sau đó chó nhà vẩn đôi khi tiếp tục phối giống với sói, hay người ta đã nhiều lần thuần hóa sói thành chó nhà[8].
Peter Savolainen và các đồng sự đã tiến hành phân tích sự thay đổi cấu trúc ADN trong mitochondry (mtADN) của 654 tiêu bản chó nhà đại diện cho phần lớn các giống chó trên thế giới. Mặc dù các dữ liệu chỉ ra một số chó có nguồn gốc chó sói, hơn 95% trong tất cả số mẫu đã thuộc về ba nhóm loại gen thể hiện đầy đủ trong những tần số giống nhau, cho phép xác định tất cả các giống loài chó đã có chung nguồn gốc từ một quỹ gen duy nhất. Sự biến đổi gen ở Đông Á mạnh hơn so với những vùng khác và tiềm năng thay đổi địa dạng cũng cho phép khẳng định nguồn gốc Đông Á của chó nhà, niên đại khoảng 15.000 năm trước đây[9].

MÈO (Felis Catus)
Theo thông tin được công bố vào đầu năm 2004, các nhà khảo cổ học khi khai quật một di chỉ cư trú thuộc thời đại Đá mới có tên gọi Shillourokambos trên đảo Sip (Cyprus) ở Địa Trung Hải, đã phát hiện một ngôi mộ táng. Bên cạnh di cốt người còn khá nguyên vẹn, cách đó 40cm, đã tìm được hài cốt một con mèo. Trong mộ còn có những đồ tùy táng chôn theo như các công cụ đá được mài, vỏ sò, một số đồ vật có hoa văn trang trí. Di chỉ có niên đại 9.500 năm trước đây. Phát hiện này, cho đến nay, là bằng chứng sớm nhất cho thấy quan hệ gần gũi và thân thiết của người và mèo. Kết quả nghiên cứu so sánh cổ động vật học cũng như phân tích ADN không thấy được công bố. Vì vậy, đây là tiêu bản mèo đã được thuần hóa hay còn là mèo rừng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhà nghiên cứu Melinder Zeder, trợ tá Hội Khảo cổ học Cựu thế giới trong tổ chức Smithsonian tại Washington D.C. và là Chủ tịch Hội cổ động vật học thế giới cho rằng việc chủ ý mai táng con vật này theo người chết là một trường hợp rõ ràng chứng tỏ mèo có một vị trí đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày và cả sau khi chết của cư dân Shillourokambos. Tuy nhiên, phát hiện này chưa thể cho phép khẳng định quá trình và thời gian thuần hóa mèo do không thấy có vòng đeo cổ ở hài cốt mèo.
Từ trước tới nay, phần lớn những bằng chứng sớm về thuần hóa mèo đều được tìm thấy ở Ai Cập cổ đại. Nhiều người cho rằng người Ai Cập đã thuần hóa và tạo nhiều giống mèo từ khoảng TK XIX – XX tr.CN. Mèo được thể hiện nhiều trong thần thoại Ai Cập trong dáng Thần Mèo Bastet, Sekhmet… Hình tượng nghệ thuật về mèo và xác ướp mèo đã được biết đến sớm hơn 4.000 năm trước đây.
Do đảo Síp nằm xa đất liền, cách Thổ Nhĩ Kỳ đến 70 km, các nhà nghiên cứu cho rằng mèo thuần hóa không thể có nguồn gốc ở đây mà đã được đưa ra từ đất liền[10].
Vào đầu năm 2008, một công trình nghiên cứu trong nhiều năm của tập thể các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tổng hợp California Hoa Kỳ[11] đã đưa đến kết quả cho thấy “chiếc nôi” của văn minh nhân loại – lãnh thổ Trung Đông, Irắc, Vùng đông-nam Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Palestine và châu thổ hạ nguồn sông Nil – cũng đồng thời là quê hương nguyên thủy của các loài mèo nhà.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mã gen của hơn 1.100 chú mèo thuộc 17 trong 22 giống mèo từ Địa Trung Hải, châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Các kết quả phân tích đã cũng cố cho một giả thuyết từ lâu cho rằng giống mèo được thuần hóa trước tiên chính là ở vùng Trăng Lưỡi Liềm này.
Trước đây, các nhà khảo cổ học cũng đã xác định được là mèo nhà đã xuất hiện ở vùng này trong khoảng từ 5000 – 8000 năm trước, trong thời đại cách mạng Đá mới, khi con người bắt đầu chuyển qua lối sống định cư, canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Con người đã chú ý và khai thác đặc tính săn bắt các loài gặm nhấm của mèo, nhất là khi họ gieo trồng, thu hoạch và dự trữ các loại ngũ cốc. Ngoài ra, một số dân tộc, ví dụ người Ai Cập, còn xem mèo như một linh vật.
Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại và hình thành các tuyến đường thương mại, giống mèo cũng bắt đầu “bành trướng” đến các vùng xa xôi khác nhau. Khác với các gia súc khác, mèo không được coi là đối tượng cải tạo giống, nhằm tạo ra những giống khác, ví dụ như có khả năng bắt chuột tốt hơn. Những người nuôi mèo thường chỉ hay chú ý đến mã ngoài của con thú cưng và thích tạo ra những giống mèo có bộ lông đẹp hơn. Trong hàng ngàn năm qua con người đã lai tạo gần 50 giống mèo. Trong đó có 16 giống địa phương, chỉ có ở một số vùng lãnh thổ nhất định. Việc tạo ra những giống mới không nhằm tạo ra những khả năng khác của mèo mà chỉ thuần túy đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ[12].

LỢN (Sus scrofa domestica)
Ý tưởng thuần hóa lợn rừng đã được những cư dân cổ Trung Đông đưa qua châu Âu và thúc đẩy người Âu tự thuần hóa lợn rừng địa phương từ 6.000 năm trước. Đó là kết luận của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Oxford sau khi họ thực hiện phân tích các mẫu ADN của những con lợn từ Tây Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Kết quả nghiên cứu của Greger Larson và các đồng nghiệp đăng trên tạp chí “Proceedings of the National Academy of Sciences” cho thấy từ 12.000 năm trước, lợn nhà từ Trung Cận Đông đã được nhập vào Tây Âu. Giống lợn này tồn tại trong đàn gia súc Âu châu cho đến 4.000 năm tr. CN. Sau đó người châu Âu mới bắt đẩu tự thuần hóa giống lợn rừng địa phương. Giống lợn này về sau không những thay thế vị trí của lợn Trung Đông tại châu Âu mà còn lan truyền rộng rãi đến tận vùng Cận Đông.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu mtADN của nhiều lợn nhà hiện đại và di cốt lợn nhà từ các di chỉ thời đại Đá mới. Họ đã tìm thấy một vùng nhỏ trong tế bào này được gọi là Y1. Vùng Y1 này chỉ có ở lợn rừng hiện đại trong khu vực Thổ Nhĩ Kỳ và Iran và hoàn toàn không có ở lợn nhà châu Âu hiện nay. Trong thời đại Đá mới, những gen này cũng đã được quan sát thấy ở lợn nhà Tây Âu (khu vực Paris hiện nay) trong giai đoạn trước 4.000 năm trước CN. Sau đó Y1 đã biến mất khỏi châu Âu. Điều đó có nghĩa là lợn nhà Trung Đông từ đây đã không còn được chăn nuôi ở châu Âu nữa.
Tóm lại, từ 12.000 năm trước, lợn bắt đầu được thuần hóa sớm nhất ở vùng Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Iran). Liền sau đó chúng được du nhập vào Tây Âu. Cho đến 6.000 năm sau, người Tây Âu mới tự thuần hóa được lợn rừng địa phương. Giống lợn này ngày càng phát triển và dần dần thay thế lợn Trung Đông trên lục địa Á – Âu rộng lớn ngày nay[13].
Trước đó, Giuffra E. và các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Nông nghiệp Thụy Điển cũng đã cho rằng lợn nhà có nguồn gốc từ lợn rừng (Sus scrofa) Á – Âu. Họ đã nghiên cứu gen mtADN của các giống lợn rừng và lợn nhà ở hai châu lục này và kết luận rằng việc thuần hóa đã diễn ra độc lập từ các giống lợn rừng khác nhau ở cả hai nơi vào khoảng 9.000 năm trước. Họ cũng tìm thấy bằng chứng phân tử xác minh sự xâm nhập của lợn nhà châu Á vào châu Âu và dữ liệu về nguồn gốc hợp chủng của một số lớn giống lợn châu Âu. Tuy nhiên, họ đã nghiêng về giải thích cho đây là dấu ấn của việc nhập lợn từ Á vào Âu trong thời gian gần đây, vào TK XVIII - đầu XIX[14].
Vào năm 2005, Larson G. và các đồng sự từ Thụy Điển, Anh Quốc và New Zealand đã phân tích những mảnh nhỏ AND của 362 lợn rừng và 324 lợn nhà của 40 nước và phát hiện rằng lợn rừng có trật tự gen riêng biệt và phụ thuộc vào nơi sống nguyên thủy của chúng. Họ cũng đi đến kết luận rằng ngoài hai vùng thuần hóa đã biết trước đây là Cận Đông và Trung Quốc, lợn còn được thuần hóa ở Trung Italia, Ấn Độ, Miến Điện/Thái Lan và Tây Indonesia/New Guinea[15].
Kết quả nghiên cứu này được giới thiệu nhiều trên báo chí và đăng lại trên nhiều trang web[16]. Hãng thông tấn BBC còn bổ sung rằng lợn đã được thuần hóa ít nhất bảy lần và độc lập ở nhiều nơi trên thế giới. Ở những nơi này lợn nhà đều có quan hệ huyết thống chặt chẽ với lợn rừng ở địa phương đó, chứng tỏ chúng được thuần hóa tại chỗ. Nhà nghiên cứu Keyth Dobney của trường Đại học Durham Anh Quốc đã phát biểu: “Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng lợn chỉ được thuần hóa không ngoài hai vùng của thế giới là Cận Đông và Viễn Đông. Nhưng những phát hiện của chúng tôi đã làm đảo ngược lý thuyết của họ, cho thấy việc thuần hóa đã diễn ra độc lập ở Trung Âu, Italia, Bắc Ấn Độ, Đông Nam Á cũng như vùng đảo Đông Nam Á”[17].
Đáng tiếc, đến nay tôi vẫn chưa sưu tầm được tư liệu về thuần hóa lợn qua những phát hiện trong các di tích khảo cổ học trong các vùng này. Chỉ biết hai địa điểm đáng tin cậy, được cho là đã có lợn thuần hóa sơm nhất ở Trung Quốc là các quần thể di tích Cishan (tỉnh Hà Bắc), niên đại 8.000 năm và Taoshi (tỉnh Sơn Tây), niên đại 4.000 năm trước đây[18].

DÊ (Capra Hircus)
Dê thường được xem là một trong những động vật được con người thuần hóa sớm nhất trong lịch sử. Ngày nay có khoảng hơn 300 giống dê sống ở khắp các châu lục, những nơi có các điều kiện địa lý, khí hậu có thể hoàn toàn khác nhau. Từ xưa, dê đã là nguồn cung cấp cho con người thực phẩm (sữa, thịt), nhiên liệu (phân khô làm chất đốt) và cả vật liệu để may quần áo hay làm nhà (lông, xương, da, những sợi gân phơi khô).
Vào khoảng 11.000 – 10.000 năm trước, vào sơ kỳ thời đại đá mới, cư dân Trung Cận Đông đã bắt đầu thuần hóa dê và chăn dắt những bầy đàn nhỏ. Quá trình thuần hóa dê được khảo cổ học ghi nhận qua sự hiện diện và sự phong phú loài động vật này ở những vùng cách xa nơi sinh sống quen thuộc trước đây của chúng, qua sự thay đổi hình dáng, kích thước (thay đổi hình thể học) và qua sự tách biệt trong phân bố giữa các nhóm hoang và thuần hóa. Tư liệu khảo cổ học cho đến nay đã chúng minh được hai khu vực thuần hóa dê sớm khác nhau. Một là thung lũng sông Euphrates gần Nevali Çori, Thổ Nhĩ Kỳ (niên đại 11.000 năm trước đây). Hai là vùng núi Zagros, gần Ganj Dareh, Iran (10.000 năm). Một số khu vực khác có khả năng thuần hóa dê sớm bao gồm lưu vực sông Indus ở Pakistan ( di tích Mehrgarh – 9.000 năm) và có thể vùng Trung Anatolia và Nam Levant. Ngoài ra cũng còn những di tích khảo cổ học quan trọng khác có thể đã có bằng chứng về khởi đầu quá trình thuần hóa dê gồm Cayönü (Thổ Nhĩ Kỳ - 8.500-8.000 trước CN), Tell Abu Hureyra (Syria – 8.000-7.400 trước CN), Jericho (Israel – 7.500 trước CN) và Ain Ghazal (Jordan – 7.600-7.500 trước CN)[19].
Để nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc dê nuôi, nhiều nhà khoa học đã tiến hành phân tích gen di truyền của chúng. Một số kết quả nghiên cứu ADN trước đây đã ghi nhận rằng dê được thuần hóa đồng thời không phải ở một nơi và chúng có cơ cấu dòng giống liên lục địa lỏng lẽo hơn so với các giống vật nuôi khác, chứng tỏ dê đã phát triển qua các vùng khác nhau trên qui mô lớn hơn. Gần đây, bà Fernández H. và các đồng nghiệp ở Pháp đã phân tích trật tự mtADN của 19 mẫu xương dê thu được từ một di tích đá mới sơ kỳ ở tây-nam châu Âu, có niên đại 7.300 – 6.900 năm trước đây. Kết quả nghiên cứu gen phát sinh loài cho thấy có hai nhánh tách biệt trong nguồn gốc loài dê và chúng cùng tồn tại trong cả hai lớp sớm và muộn của một văn hóa đá mới sơ kỳ tại di tích này. Phát hiện này chỉ ra rằng sự đa dạng cao mtADN đã hiện diện sớm hơn 7.000 năm trước trong những con dê ở châu Âu, cách xa quê hương thuần hóa ban đầu của chúng là vùng Cận Đông. Kết quả nghiên cứu này cũng đồng thời chứng minh rằng gen gốc đã xuất hiện từ giống dê có niên đại sớm hơn giai đoạn “Đá mới hóa” ở châu Âu và đã có hai con đường thuần hoá dê khác nhau ở Cận Đông với hai nguồn gốc độc lập nhau nhưng nhất định đồng đại với nhau, chỉ hơi cách xa nhau hoặc sớm muộn hơn nhau một ít [20].

NGỰA (Equus ferus caballus)

Trước đây, người ta thường cho rằng ngựa đã được thuần hóa đồng thời ở nhiều nơi trên thế giới và có xuất xứ từ nhiều giống ngựa hoang khác nhau. Vào năm 2002, nữ ký giả Helen Briggs đã có bài viết đăng trong bản tin của BBC. Trong bài này, bà đã dẫn công trình nghiên cứu đăng trong “Proceedings of the National Academy of Sciences of the USA” của Peter Forster, tiến sỹ viện Nghiên cứu Khảo cổ McDonald, trường Đại học Cambridge Anh Quốc và các cộng sự từ Mỹ và Đức. Các nhà khoa học này đã phân tích gen di ruyền của hơn 600 mẫu ngựa thuộc 25 giống và phụ giống ngựa khác nhau trên thế giới từ các nước châu Âu, châu Mỹ và Maroco. Kết quả nghiên cứu cho thấy ngựa hoang còn tồn tại ở Thụy Điển và Estonia vào khoảng 2.000 năm trước. Dấu vết ngựa hoang có niên đại 28.000 năm cũng đã thấy ở vùng băng giá Alaska. Nghiên cứu gen di truyền giòng mẹ (mtADN) cũng cho kết quả có ít nhất 77 giống ngựa hoang đã được thuần hóa. Chúng có hệ gen khác nhau, chứng tỏ đã xuất phát từ những giòng ngựa hoang riêng biệt. Theo P. Forster, bằng chứng về ngựa thuần hóa sớm nhất đã có từ 2.000 năm tr. CN, khi ngựa đã được chôn cùng với xe kéo. Đến khoảng 1.000 năm tr. CN ngựa thuần hóa đã có mặt ở các châu lục Âu, Á và Bắc Mỹ. Ông cũng ghi nhận có một số nhà nghiên cứu khác cho rằng ngựa đã được cư dân vùng thảo nguyên Âu-Á và Cận Đông thuần hóa sớm hơn, vào khoảng 4.500 – 2.500 năm tr. CN. Ngựa đã là nguồn cung cấp sữa, thịt, da và là tiền đề cho việc hình thành nghề du mục[21].
Tuy nhiên, vào năm 2005, một nghiên cứu mtADN các hóa thạch có tuổi đến 53.000 năm[22] đã xác định được tổ tiên chung của cả ba giống ngựa Hippidion, Ngựa chân cao Tân Thế giới và ngựa thật sự. Trong đó, nhóm ngựa thật sự gồm ngựa Tiền sử và ngựa Przerwalski. Những nghiên cứu kỹ hơn nhóm này có hai giòng chính. Một giòng chỉ có ở Bắc Mỹ và đã tuyệt chủng. Một giòng khác phân bố rộng từ Bắc Mỹ đến châu Âu (cả bắc, trung, nam) vào thời kỳ băng hà Pleistocene. Giòng ngựa này ở Beringia đã tuyệt chủng vào khoảng 14.000 năm trước và ở phần châu Mỹ còn lại khoảng 10.000 năm trước. Chúng chỉ còn lại ở khu vực Á – Âu với hai giống ngựa là Przerwalski và Tarpan. Một phụ nhóm của ngựa Tarpan trở thành tổ tiên của tất cả ngựa thuần hóa. Những con ngựa này có những nét giống với ngựa Przewalski như đầu to, màu nâu xám, cổ mập, bờm cứng thẳng, chân tương đối ngắn, khỏe và có cấu trúc địa lý phát sinh (phylogeographic structure) nhỏ, thể hiện sự dễ biến động và tính thích nghi cao. Ngựa hoang Tarpan tuyệt chủng vào cuối thế kỷ XIX. Ngựa Przerwalski cũng gần tuyệt chủng vào những năm 60 thế kỷ XX, nhưng bắt đầu được phát triển lại và thuần dưỡng từ những năm 80 trong hai khu bảo tồn thiên nhiên ở Mông Cổ[23].
Gần đây nhất, vào tháng 3 năm 2009, nhà khảo cổ học Sandra L. Olsen (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Carnegie) đã công bố trên tạp chí Science các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm (từ 1993) của bà và các đồng nghiệp từ Anh Quốc và Kazakhstan về văn hóa khảo cổ học Botai thuộc thời đại Đồng đỏ. Di tích Botai lấy tên một ngôi làng nhỏ nằm trên bờ sông Iman Burluk, nhánh của sông Ishim, thuộc Kazakhstan (Trung Á), có niên đại 3.700 – 3.100 năm tr. CN. Ở làng cổ này ước tính có khoảng 1000 cư dân sinh sống trong 150 ngôi nhà có nền thấp hơn mặt đất. Trong những xương thú tìm được tại di tích, xương ngựa chiếm đến 90-95%. Kết quả nghiên cứu cho thấy xương chân ngựa ở đây đã thanh mảnh hơn ngựa hoang, giúp cho chúng chạy nhanh hơn. Những vết mòn ở các hàm răng ngựa là dấu vết hàm thiếc khi con người sử dụng ngựa để cưỡi hoặc kéo xe. Trong nhiều bình gốm còn có dấu vết sữa ngựa (ngựa nuôi để lấy sữa uống hoặc lên men làm rượu hiện còn rất phổ biến ở các nước Trung Á). Ngoài ra , một số bằng chứng khác như chuồng ngựa, phân ngựa dùng làm mái nhà, vật dụng bằng da ngựa như dây thòng lọng cũng đã được tìm thấy trong di tích[24].
Việc xác định niên đại ngựa thuần hóa nhiều khi cũng gặp khó khăn. Khác với những con vật khác, ngựa thuần hóa ít thay đổi về lý tính so với ngựa hoang. Do đó, các nhà nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu nhiều hơn về đời sống kinh tế, văn hóa của cư dân Botai để giải thích hiện tượng thuần hóa ngựa ở đây. Ngoài những bằng chứng đã kể trên, ở Botai còn thấy xương ngựa đực trưởng thành chiếm số lượng nhiều hơn, chứng tỏ chúng đã bị đào thải có chủ ý hoặc là vật hiến tế. Ngựa bị chết trong quá trình đi săn được chở nguyên vẹn về làng, trong khi những con thú săn được thường bị xả thịt ngay tại chỗ, chỉ lấy về những phần sử dụng được. Việc chăn nuôi và phát triển đàn ngựa đã tạo sự ổn định cho đời sống kinh tế của cộng đồng cư dân ở đây[25].
Có thể nói tóm lại, theo các nhà nghiên cứu, con người đã biết đến ngựa từ khoảng 30.000 năm trước với bằng chứng là những di cốt hóa thạch trong các di chỉ và các tranh vẽ trong hang động. Khi đó ngựa mới chỉ là đối tượng săn bắt lấy thịt, da. Bằng chứng rõ ràng nhất về ngựa đã thuần hóa ở văn hóa Botai có niên đại 5.500 năm trước. Tuy nhiên, ngựa có thể đã được thuần hóa sớm hơn, do những cư dân vùng Ural ở phía đông mang đến, hoặc cư dân bản địa từ thời đại Đá mới đã tiếp nhận kỹ năng thuần hóa ngựa từ những người láng giềng phía tây của họ. Bà Sandra Olsen nhận xét: “Thuần hóa ngựa là một sự kiện hữu hiệu trong lịch sử loài người. Tấy cả những vị sáng lập các đế chế vĩ đại như Alexander Đại đế hay Thành Cát Tư Hãn sẽ không là gì nếu không có ngựa”

GÀ (Gallus gallus domesticus)

Gà là loài vật nuôi có số lượng đông nhất hiện nay trên thế giới, khoảng 23 tỷ con theo thống kê năm 2003. Thịt và trứng gà từ lâu đã là thực phẩm không thể thiếu cũa con người..
Theo Wikipedia (bản tiếng Nga), họ gà có mào (Gallus) gồm bốn giống nguyên thủy: gà rừng lông đỏ, còn gọi là gà bakiv (Gallus gallus); gà rừng lông xám (Gallus sonnerati); gà rừng Xây Lan (Gallus lafayettei) và gà rừng lông xanh (Gallus varius). Cả bốn giống gà rừng hiện nay vẫn còn trong khu vực Nam và Đông Nam Á (Ấn Độ, Đông Dương, Nam Trung Quốc, Inđônesia và Philippines)[26].
Trước đây, Charles Darwin đã dựa vào những kết quả nghiên cứu tự nhiên của thế kỷ XIX để cho rằng gà đã được thuần hóa sớm nhất ở Ấn Độ vào khoảng 2.000 năm trước. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học và những kết quả nghiên cứu liên ngành trên thế giới trong hai mươi năm gần đây đã làm thay đổi nhận định của ông.
Dấu vết xương gà thuần hóa sớm nhất đã được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ học ở Trung Quốc như di chỉ Cishan (tỉnh Hà Bắc, niên đại 5.400 năm tr.CN), di chỉ Beixin (tỉnh Sơn Đông – 5.000 năm tr.CN) và Xian (tỉnh Sơn Tây – 4.300 năm tr.CN). Ở Nam Á vết tích xương gà thuần hóa có niên đại muộn hơn, khoảng 2.000 năm tr.CN, trong di chỉ Mohenjo-Daro (thung lũng sông Indus, Pakistan). Gà du nhập vào bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản trong giai đoạn văn hóa Yayoi (300 năm tr.CN – 300 năm CN). Ở quần đảo Polinesia và châu Đại Dương gà nhà đã có mặt vào giai đoạn phát triển của văn hóa Đá mới Lapita, niên đại 3.300 năm trước đây. Ở Nam Mỹ, gà nhà xuất hiện ở Chilê trong khoảng 2.000-1550 năm trước trong di tích El - Arenal-1. Về phía châu Âu, gà có mặt sớm nhất là tại Hy Lạp, vào thế kỷ V tr. CN[27].
Đã có một số công trình nghiên cứu về gen di truyền của các giống gà. Vào năm 1994, nhà nghiên cứu Nhật Bản Fumihito và các đồng nghiệp đã công bố một báo cáo trong “Proceedings of the National Academy of Sciences”, trình bày kết quả phân tích mtADN của 119 mẫu đại diện cho 29 giống gà đã thuần hóa, 30 gà rừng lông xanh và 14 nhánh của gà rừng lông đỏ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tất cả các giống gà thuần hóa đều có dấu vết liên quan duy nhất đến giống gà rừng lông đỏ, hiện còn ở Thái Lan và Việt Nam[28]. Tuy nhiên, cũng có người còn cho rằng gà lông xám cũng là tổ tiên của gà nhà[29].
Những nghiên cứu về môi trường cổ và khí hậu cổ cho thấy Trung Quốc không phải là quê hương của những giống gà rừng tổ tiên của gà nhà. Vì thế, ý kiến chung gần đây của các nhà nghiên cứu đều thừa nhận là gà đã được thuần hóa trước tiên là ở Việt Nam, có thể là Thái Lan và các nước Đông Dương khác. Việc thuần hóa đã diễn ra từ trước 10.000 năm đến khoảng 8.000 năm trước đây. Đáng tiếc rằng nhận định này đến nay vẫn chưa được củng cố bằng các chứng cứ khảo cổ học ở Việt Nam hoặc Thái Lan. Từ Đông Dương, gà nhà bắt đầu phát triển lên phía bắc, đến Trung Quốc vào khoảng 7.000 năm trước, qua phía đông, đến các đảo Thái Bình Dương vào khoảng 3.300 năm trước và qua phía tây, đến Ấn Độ, Pakistan vào khoảng 4.000 năm trước. Từ Trung Cận Đông, gà thuần hóa vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu vào giữa thế kỷ V tr. CN. Cũng có thể gà đã du nhập vào châu Âu qua con đường từ Trung Quốc và Nga. Gà đã đến châu Mỹ bằng hai đợt, đợt một vào những thế kỷ đầu CN từ các đảo Thái Bình Dương và đợt hai do người Tây Ban Nha đưa tới trong những năm phát hiện ra châu Mỹ.



Tôi còn muốn tìm hiểu và giới thiệu thêm về quá trình thuần hóa một số loài động vật khác, đặc biệt là trâu và bò. Tiếc rằng tài liệu thu thập được đến nay còn quá ít và những công bố có được trong tay còn sơ sài, không có những thông tin cụ thể và đáng tin cậy. Có lẽ phải hẹn trở lại vào một dịp khác thuận lợi hơn.
Viết bài này, tôi có suy nghĩ rằng, nước ta cũng nằm trong khu vực phong phú quần động vật và thảm thực vật nhiệt đới, đầy đủ tiềm năng thuần hóa, nhất là với các loài như gà, lợn, trâu, chó… Vì vậy rất mong các nhà khoa học Việt Nam có sự hợp tác liên ngành giữa khảo cổ học, cổ sinh vật học, địa lý học, môi trường học, di truyền học…nhằm nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn lịch sử thuần hóa động thực vật trên đất nước ta, cũng là đóng góp đáng kể cho kho tàng tri thức nhân loại./.



Chú thích:
[*] Có lẽ ở đây nên phân biệt thuật ngữ “Thuần hóa” (Domestication – Engl., Одомашнивание – Русс.) và thuật ngữ “Thuần dưỡng” (Tame – Engl., Приручение – Русс.)
[1] Childe V.G. 1965. Man Makes Himself. Pub.Watts, London, 244p.
[2] Diamond J. 1999. Guns, Germs and Steel. New York, Norton Press. Dẫn theo www.wikipedia.org/Domestication.
[3] Одомашнивание. Википедия.
[4] Domestication. Wikipedia..
[5] K.Kris Hirst. (?) When and Where Animal Domestication Occurred. www.archaeology.about.com
[6] www.en.wikipedia.org/dog. Trong trang này có chú dẫn nhiều tư liệu gốc. Có thể ghi ra đây hai trong những công trình quan trọng nhưng tôi chưa tiếp cận được:
- Miklosi, Adam. 2007. Dog Behaviour, Evolution, and Cognition. Oxford University Press.
- James Serpell, ed. The Domestic Dog: Its Evolution, Behavior and Interactions with People
[7] K.Kris Hirst. How were Dogs Domesticated. www.archaeology.about.com.
[8] Carles Vilà et al. 1997. Multiple and Ancient Origins of the Domestic Dog. Science 13 June,Vol. 276. no. 5319, pp. 1687 - 1689
[9] Savolainen P., Zhang Y., Luo J., Lundeberg J., Leitner Th. 2002. Genetic Evidence for an East Asian Origin of Domestic Dogs. Science, Vol. 298, Is. 5598, pp. 1610-1613.
Xem thêm: H.B. 2002. Cụ tổ của chó nhà là chó sói Đông Á. www.vnexpress.net/SG/khoahoc/2002/ hay www.forum.vietpet.com. 04.07.2008
[10] John Pickerell. 2004. Oldest Known Pet Cat? 9,500 year-old Burial Found on Cyprus. Nat. Geog. News. April 8. 2004; www. news.nationalgeographic.com.
[11] Monika J. et al. 2008. The Ascent of cat breeds: Evaliation of Breeds and Worldwide random-bred Populations. Genomics vol. 91, issue 1, pp12-21 (www. ScienceDirect.com)
[12] www.newsru.com. 30.01.2008.
[13] - www.newsru.com 05.09.2007, trích dẫn theo Der Spiegel và www.InoPressa.ru
- Larson G. et al. 2007. Ancient DNA, pig domestication, and the spread of the Neolithic into Europe.Harvard University. www.pnas.org. (Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America)
[14] Giuffra E, Kijas JM, Amarger V, Carlborg O, Jeon JT, Andersson L 2000.The origin of the domestic pig: independent domestication and subsequent introgression. Genetics.154(4):1785-91
[15] Larson G. et al. 2005. Worldwide Phylogeography of Wild Boar Reveals Multiple Centers of Pig Domestication . Science 11 March.Vol. 307. no. 5715, pp. 1618 – 1621.
[16] - Rosie Mestel(c) 2005. Pigs Domestication Took Root in Many Places, Study Finds, Los Angeles Times. Đăng lại trong www.cppa4pigs.org. của California Potbellied Pig Association. Inc.
- Pigs force rethink on human history. www.admin.ox.ac.uk/po/05031.shtml. 11 march 2005.
[17] Pig domesticated “many times”. www.news.bbc.co.uk 11march 2005.
[18] Yuan Jing, Rowan K. Flad. Pig Domestication in Ancient China Antiquity,Vol.76, No. 293, pp. 724-732. Cũng được đăng trong www.kaogu.cn/en (Chinese Archaeology)
[19] K. Kris Hirst. The Hystory of the Domestication of Goats. Guide to the Hystory of animal domestication. www.Archaeology.about.com.
[20] Helena Fernández et al. 2006. Divergent mtDNA Lineages of Goats in an Early Neolithic Site, far from the Initial Domestication Areas. Edited by Ofer Bar-Yosef, Harvard University, Cambridge, M.A>, and approved August 23. www.archaeology.about.com.
[21] Briggs H.Origins of Domestic Horse Revealed. www.news.bbc.co.uk/2/hi/science/nature/2129182.
- Xem thêm: B.H. Đã sáng tỏ nguồn gốc của ngựa nhà. www.vnexpress.net. 16/07/2002.
[22] Weinstock, J.; et al. 2005. Evolution, systematics, and phylogeography of Pleistocene horses in the New World: a molecular perspective. Dẫn theo: Domestication of the Horse.Wikipedia.
[23] Domestication of the Horse. Wikipedia
[24] Dẫn theo Thomas H. Maugh II. 2009. Horses were Tamed a Millennium earlier than Previously Thought. Los Angeles Times . March 3.
- Xem thêm: Одомашнивание лошадей произошло на тысячу лет раньше чем предполагалось. www.newsru.com. 06/03/2009
[25] The Domestication of the Horse. What We theorize – When and Where Did Domestication Occur. www.imh.org/museum/history.php?chapter=12 (Trang web của The International Museum of the Horse, Lexington, Kentucky)
[26] Курица. Происхождение и история одомашнивания. www.ru.wikipedia.org/wiki/Курица
[27] K. Kris Hirst.History of Chickens (Gallus domesticus).
h1 = document.getElementById("title").getElementsByTagName("h1")[0];h1.innerHTML = widont(h1.innerHTML);
Domestication and the History of Chickens www.archaeology.about.com/od/domestications/qt/chicken.htm References and further reading may be available for this article. To view references and further reading you must purchase this article.
- Barbara West and Ben-Xiong Zhou. 1988. Did chickens go North? New evidence for domestication. Journal of Archaeological Science.Volume 15, Issue 5, September 1988, Pages 515-533. Dẫn theo bản tóm tắt trong. www.archaeology.about.com
- Gongora, Jaime, et al. 2008. Indo-European and Asian origins for Chilean and Pacific chickens revealed by mtDNA. Proceedings of the National Academy of Sciences 105(30):10308-10313. Dẫn theo bản tóm tắt trong www.archaeology.about.com
[28] Fumihito et al.1994. Protochicken. Proceedings of the National Academy of Science, v.91, pp. 12505-12509, 12/20/94. http://www.accessexcellence.org/WN/SUA04/protochicken.php
- Nguyễn Văn Tuấn.2005.Tản mạn về gà: một dấu tích văn minh nông nghiệp Đông Nam Á. www.chuyenluan.net/2005/200502/0502_07.htm
[29] Chicken www.en.wikipedia.org/wiki/Chicken

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

VÀI NÉT VỀ PHẬT GIÁO DÂN GIAN VIỆT NAM

GS. Trần Quốc Vượng

Đạo Phật được truyền bá vào đất Việt từ buổi đầu Tây lịch và tồn tại, diễn tiến, lúc thăng lúc trầm, từ đó cho đến tận ngày nay.
Đạo Phật tới đất Việt chủ yếu theo ba con đường sau :
- Con đường ven biên trực tiếp từ Ấn Độ qua, đến Nam Bộ, Trung Bộ tới Bắc Bộ nước ta.
- Con đường bộ từ Tây Tạng - Vân Nam xuống, theo đôi bờ sông Nhị, chảy qua đất Hà Tây (xứ Đoài và xứ Sơn Nam Thượng ngày xưa) mà xuôi mãi xuống vùng biển. Đến cuối đời nhà Lý vẫn còn các sư từ Tây Tạng-Vân Nam xuống kinh đô " Thăng Long (Hà Nội). "Tam Thánh" (ba thiền sư lớn) của đời Lý là Không Lập, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh, gặp nhau kết nghĩa ở xứ Đoài (La Phù, La Dương, Ngã Cầu) rồi ngược sông Hồng lên Vân Nam học Phật.
- Con đường từ Nam Trung Hoa (Triết Giang, Phúc Kiến, Lưỡng Quảng) vừa theo đường bộ, vừa theo đường ven biển mà tới xứ Đoài, xứ Bắc và cả miền Trung Bộ.
Rồi từ khi thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội được hình thành thì trung tâm Phật giáo được hội tụ về Thủ đô rồi từ đó lại lan tỏa ra 9 phương trời, 10 phương Phật của nước Việt chúng ta. Các vị "Quốc sư" đều về Thăng Long giảng Đạo Lý, Phật Pháp.
Trên diễn trình lịch sử Phật Giáo Việt Nam như thế, đạo Phật đã hấp thụ nhiều dòng phái Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Á... rồi hợp lưu lại, được Việt Nam hóa và dân gian hóa mà thấm đượm vào lòng (tâm) từ vua quan, vương hậu, vương phi, công chúa... cho đến người dân thường ở làng xã.

Đạo Phật tới đất Việt vào lúc tổ tiên ta đang rên xiết dưới ách thống trị của nền quân chủ chuyên chế phương Bắc. Dân ta tiếp thu được ngay tinh túy tự do, bình đẳng, tinh tấn của Đức Phật. Đức Phật dạy: "Ta là Phật đã thành (Phật, tiếng Phạn là Buddha, tức là người đã giác ngộ) còn toàn thể chúng sinh là những đức Phật sẽ thành" (ai cũng có thể giác ngộ). Nhân dân ta tiếp thu được ngay tinh thần Đại Hùng, Đại Lực, Đại Trí, Đại Từ, Đại Bi... của Đức Phật nên một mặt rất anh dũng đấu tranh lật đổ mọi ách đô hộ thực dân của giặc ngoài, mọi "hôn quân ám chúa", quan tham lại nhũng ở trong nước, một mặt khác củng cố, phát triển tình thương trong gia đình, họ hàng, xóm làng, vùng miền, đất nước, mà đỉnh cao nhất là: "Thương người như thể thương dân, Người trong một nước phải thương nhau cùng". Một mặt, trong đời sống thường ngày dân ta cố gắng ăn ở hiền lành ("hiền lành như Bụt"), nhưng một mặt khác, khi trong xã hội còn những thế lực Dữ-Ác thì dân ta cũng biết phát huy trí tuệ và tinh thần, sức lực Hùng-Dũng để diệt trừ Dữ-Ác, từ con hổ dữ ở rừng núi, con thuồng luồng ác ở sông biển đến kẻ ngoại xâm, nội thù. Chẳng phải lìa xa tinh thần Phật Giáo mà từ thế kỷ VI (542-602) Lý Phật Tử (Phật tử họ Lý) tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí. Lý Bí khi trở thành Lý Nam Đế (vị hoàng đế đầu tiên của nước Nam), việc đầu tiên là xây dựng chùa Khai Quốc (Chùa Mở Nước, sau đổi là chùa Trấn Quốc, nay ở sát Hồ Tây, Hà Nội). Giới nghiên cứu Phật học đều nhất trí cho rằng chính các thiền sư như Cảm Thành (860), Định Không (808) cùng trưởng lão La Quý An, Thiền Ông (936) v.v... đã chuẩn bị cho nền tự chủ lâu dài của nước Việt từ thế kỷ X (938) và trước đó "Đạo Phật đã ngấm vào lòng người dân như nước ngấm vào lòng đất". Biết bao vị thiền sư (Vạn Hạnh, Pháp Thuận, Đa Bảo, Viên Chiếu...) mà đứng đầu là đại sư Khuông Việt (933-1011) đã góp phần tích cực vào việc củng cố và giữ gìn nền độc lập dân tộc, trong mọi lĩnh vực đối nội, ngoại giao, văn hóa, xã hội.
Giới sử học hiện nay đã thống nhất gọi nền quân chủ Đại Việt thời Đinh-Lê-Lý-Trần (968-1400) là nền Quân chủ Phật giáo với sự xuất hiện của nhiều vị vua nhân từ, hỉ xả... như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông... Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông v.v... cùng các bậc lãnh đạo khác, thời ấy, như Thái úy Lý Thường Kiệt vị nguyên soái "phạt Tống, bình Chiêm" mà văn bia của một vị thiền sư viết: "Ông Lý tuy thân phải dấn trong cõi đời bụi bặm, nhưng tâm từ lâu đã thuộc Phật", như thái hậu Ỷ Lan bàn bạc cùng quốc sư Thông Biện và bậc đại thiền sư khác về lịch sử và yếu chỉ của Phật Giáo Việt Nam, trị quốc thay vua để vua đi đánh giặc, cấm lạm sát trâu bò để phát triển nền sản xuất nông nghiệp, bỏ tiền kho để chuộc các cô gái nhà nghèo bị gán nợ cho nhà giàu làm tôi tớ, rồi gả chồng cho họ - đúng với tinh thần "bố thí" của Phật giới...
Như vậy, đạo Phật nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng đâu phải là "tiêu cực", "xuất thế" như đã có lúc nhiều người mê lầm, tưởng bậy, mà có đủ tinh thần "nhập thể" dấn thân tích cực cứu đời. Biết bao nhiêu vụ - mà chỉ xin phép kể một vị điển hình: Thượng sĩ Tuệ Trung (Trần Quốc Tung sinh năm 1230), "ngọn đèn tổ của Phật Hoàng" (Trần Nhân Tông) thời bình thì mặc áo cà sa ở chùa núi, lúc có giặc Nguyên-Mông thì khoác áo tướng quân đi dẹp giặc, giặc lui thì cởi "giáp binh" trở về chùa núi... đạt tới tột cùng "Phật đẳng hằng sa"...

Đạo Phật, cũng như bất cứ tôn giáo lớn nào khác đều có Giáo chủ (Phật), có giáo lý (Pháp), có các vị tinh thông giáo lý kinh điển và nhất là có đạo đức cao cả để hoằng dương giáo lý mà Đức Giáo chủ khởi xướng (Tăng). Còn ở dưới người dân theo Phật giáo đều gọi chung là Phật tử (con cái Đức Phật).
Ngay một số vị tăng, như đại sư Tổ Huệ Năng của thiền phái Nam Tông - người Việt phương Nam, không biết chữ, vào chùa chỉ chuyên đi gánh nước giã gạo xay thóc - đâu có giỏi chữ, giỏi giáo lý như Tổ Thần Tú của thiền phái Bắc Tông (Bắc Trung Hoa) song ở thế kỷ VII lại được coi là vị tổ chính, phát huy tinh chất thiền.
Thiền Phật vốn phóng khoáng, cởi mở, tự do, dung nạp mọi tín ngưỡng, cổ tích dân gian (như Kinh Bách Dụ), dung nạp cả tín ngưỡng thờ mẹ (mẫu) của dân gian nước Việt, nào chùa Man Nương (Mãn Xá), nào chùa Bà Dâu, Bà Đậu (Hà-Bắc, Hà Tây), Bà Nành, Bà Ngô (Hà Nội), đã biến đổi từ Đức Bồ Tát Quán Âm (Avalokitesvara) của Ấn Độ (theo truyền thống Ấn Độ là đàn ông) thành Phật Bà Quán Âm, thành Bà
Chúa Bà của Chùa Hương Tích "Nam Thiên Đệ Nhất Động", thành Bà Quán Âm Thị Kính của Phật giáo dân gian Việt Nam v.v.... Và trong khuôn viên nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Keo (Thái Bình), chùa Tổng (La Phú), chùa Thày (Sài Sơn), chùa Láng (Hà Nội) v.v... đều được xây theo kiểu kiến trúc "tiền Phật hậu Thánh" hay thậm chí "tiền Thần hậu Phật". Có sao đâu ? Vì Phật giáo vốn "dung Tam Giáo" (1) thậm chí còn có lý thuyết "Tam giáo đồng nguyên") ba tôn giáo ấy cùng chung một cội nguồn). Xưa nay, trong lịch sử Việt Nam, chỉ thấy nhà Nho bài Phật (rồi về già lại hối hận như Trương Hán Siêu đời Trần) song các bậc đạo Nho như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Trạng Trình, Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan, quê Phùng Xá, Hà Tây), cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến v.v... là đều chống gậy lên chùa thăm các sư, đàm đạo giáo lý và việc đời cùng các sư. Lý Thánh Tông là đệ tử của Thiền sư Thảo Đường song lại chính là người sai xây dựng Văn Miếu thờ đức Khổng Tử. Còn con ông là vua Lý Nhân Tông cùng đức Bà Ỷ Lan, rất sùng Phật nhưng lại là người tổ chức kỳ thi Nho giáo đầu tiên ở nước ta (1075). Thí dụ còn nhiều lắm, kể sao cho xiết.
Đức Phật và đạo Phật là rộng lượng, bao dung, Lý Nhân Tông ca ngợi Thiền sư Giác Hải ("Giác Hải tâm như biển") và cả chân nhân đạo sư Thông Huyền ("Thông Huyền đạo rất huyền") vì cả hai đều thần thông và biến hóa như "Một Phật, một thần tiên".
Chùa không phải chỉ là nơi dân đến cúng dường Đức Phật cùng chư vị Bồ Tát... Theo bài văn bia của Trần Minh Tông khắc trên núi Non Nước (Ninh Bình) thì các ngôi chùa thời ấy còn là nơi trồng cây thuốc Nam, mở y viện ngay trong khuôn viên chùa để chữa bệnh cứu dân.
Chùa có giống cây trồng nào mới thì lại "bố thí" cho chúng sinh Phật tử đem về nhà, về làng trồng gây giống, truyền bá cho toàn dân như cây mít, cây hoa dại, cây bồ đề v.v...

Người dân - nhất là người đàn bà Việt Nam - sống ở đời theo phép ứng xử : "Trẻ vui nhà, già vui chùa". Lúc còn trẻ, phải gáng giang sơn nhà chồng, "ghé vai gánh vác sơn hà" cùng nam giới, vả lại theo giáo lý của thiền phái Bách Trượng thì ai ai cũng phải lao động, làm lấy mà ăn, còn dư thì bố thí cho người nghèo, người tàn tật, cúng dường cho chùa, đền, miếu... Khi về già, con cái đã trưởng thành, ở riêng, ăn riêng và còn biết phụng dưỡng bố mẹ già để mẹ già được nghỉ ngơi, lên chùa, cúng Phật, cầu nguyện cho con cháu cùng đất nước an lạc, thái bình.
Vả lại thiền tông chủ trương "Tâm tức Phật, Phật tức tâm". Dân gian ta thường nói "Phật tại tâm" (Phật ở trong lòng mình) cũng như nhà đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã tổng kết vô cùng chí lý "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài". Cho nên dân gian Việt Nam, với lối nói bóng bẩy, ngoa dụ đã dám bảo rằng : "Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa", "Dù xây chín đợt phù đồ (2), không bằng làm phúc cứu cho một người".
Trong ba vị tam thánh (ba đại thiền sư đời Lý) được thờ ở chùa Tổng (Thiện Hưng tự, La Phù, Hà Tây) và ở nhiều nơi khác, thì ngài Từ Đạo Hạnh hào hiệp, phóng khoáng, kết bạn thân với nho sĩ Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa, và người kép hát là Vĩ Ất. Ban đêm miệt mài đọc sách, ban ngày thổi sáo, đá cầu, vui chơi (3). Tu Phật đâu cần làm ra vẻ nghiêm trang hình thức, các sư có thể chơi với người mà quan niệm chính thống khi ấy coi là "xướng ca vô loài".
Thiền sư Giác Hải từ nhỏ làm nghề đánh cá, thường lấy thuyền làm nhà, lênh đênh trên sông biển (4). Thiền sư Không Lộ, nhà mấy đời làm nghề đánh cá, sau ngài "cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài" (5). Quốc sư Minh Không (trong truyền thuyết dân gian và một số thư tịch cổ có sự trình bày lẫn lộn giữa Minh Không và Không Lộ, còn gọi là "Khổng Lồ", "Khổng Minh Không", cũng làm nghề đánh cá, chữa bệnh cuồng (hóa hổ) cho vua Lý Thần Tông. Cả ba (6) vị đại thiền sư này đều tu đường (đi chơi), đi chợ (giấu kín tông tích, ăn rau mặc lá, vui chơi thoải mái, mà kỳ lạ thay đều đắc đạo ("đốn ngộ" thành Phật) trước khi về tu hẳn trong những ngôi "chùa làng" (đất của Vua, chùa của Làng - lời dân gian Việt Nam).
Trên đây là mấy "lời quê góp nhặt dông dài" của kẻ còn lấm lem nơi gió bụi Đất Trời, không có được cơ duyên về "ăn mày cửa Phật".
Nam mô A Di Đà Phật Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
Ghi chú: (1) Vua Lý Nhân Tông (1072-1128) có bài kệ truy tán Thiền sư Vạn Hạnh (viên tịch năm 1018) câu mở đầu là : "Vạn Hạnh dung tam tế", có người dịch là "Vạn Hạnh dung ba cõi" (hay dung ba giáo). (2) Tức xây tháp chín tầng để cúng dường Đức Phật, nhà chùa. (3), (4), (5), (6) Xem Thuyền Uyển Tập Anh trang 105, 18, 197, 213.
Nguồn: http://www.vanhoaphatgiao.com

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Di tich khao co hoc Cham co Ruong Dong Cao


Các di tích cư trú Chăm cổ ở Hội An (biểu tượng những ô chữ nhật đen)
phân bố trên sườn cồn cát sát dòng chảy cổ của sông Thu Bồn

Di chỉ Ruộng Đồng Cao nhìn từ Hậu Xá I


Thực hiện Đề tài NCKH “Đồ gốm Chămpa 10 thế kỷ đầu CN từ tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học kỹ thuật” do Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ, Bảo tang Nhân học, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội đã tiến hành khai quật địa điểm Ruộng Đồng Cao, phường Cẩm Phô, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam.


Địa điểm RĐC được phát hiện và khai quật chữa cháy năm 1998. Kết quả đã phát hiện nhiều đồ gốm, gạch, than tro, xương động vật có niên đại khoảng thế kỷ 3 SCN. Địa điểm Ruộng Đồng Cao nằm trong một quần thể gồm nhiều di tích khác nhau từ khu mộ táng văn hóa Sa Huỳnh đến các di tích cư trú có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 9, 10 sau CN.


Trong đợt khai quật này để tìm hiểu diện phân bố cũng như cấu tạo tầng văn hóa của di chỉ, đoàn khai quật đã mở 5 hố khai quật nhỏ với tổng diện tích 15m2 ở các vị trí và độ cao khác nhau tại khu vực ruộng. Tại hố 5, đoàn đã phát hiện được những cụm gốm, than tro, gạch, ngói… phân bố trên một diện tích khoảng 4m2.



Hiện vật gốm, than tro, xương động vật... trong hố khai quật
Kết quả ban đầu cho thấy đây là di chỉ cư trú trên bãi bồi ven sông, hiện vật đặc biệt là đồ gốm khá đa dạng gồm nhiều loại hình gia dụng, sinh hoạt, nghi lễ… Đồ gốm Ruộng Đồng Cao có nhiều nét tương đồng với đồ gốm của các địa điểm cùng thời ở Hội An như Đồng Nà , Hậu Xá I di chỉ … đặc biệt có những loại hình gốm giống những đồ gốm thuộc tầng văn hóa trên của địa điểm Trà Kiệu (Duy Xuyên).



Nồi gốm thô (loại gốm tiếp nối truyền thống gốm Sa Huỳnh)


Chân đế mâm bồng gốm tinh mịn

(chất liệu điển hình của giai đoạn Lâm Ấp - Chămpa)

Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả khai quật di chỉ Ruộng Đồng Cao sẽ cung cấp thêm tư liệu giúp các nhà nghiên cứu lập niên biểu và tìm hiểu diễn biến văn hóa giai đoạn từ thế kỷ 1, 2 đến thế kỷ 4, 5 SCN, tức quá trình diễn biến Lâm Ấp – Chămpa ở lưu vực sông Thu Bồn.

LÂM THỊ MỸ DUNG

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2009

PREHISTORY AND PROTOHISTORY ARCHAEOLOGY IN VIETNAM (OUTLINE)

Prof. Tran Quoc Vuong and Lam Thi My Dzung

(Hanoi National University)

Vietnamese archaeology is a nascent scientific branch which came into being and knew a slight initial development in the period of French colonization, interrupted in the anti-French resistance and only became really active since the 60’s.
Lectures on archaeology began to be given at the Hanoi University since 1959 and till now, this has always been the sole training center for archaeologists in the whole country.
Apart from the Hanoi University, other organizations to carry out archaeological researches and diggings include the Institute of Archaeology (created in 1968), the Museum of History (formerly, the Louis Finot Museum of the Ecole Francaise d’Extreme-Orient), the Archaeological section of the Ho Chi Minh city Institute of Social Sciences (founded 1975)… working with the cooperation of regional Services of Culture and museums.
Turning to account the law-relevant advantages enjoyed by later-comers in conjunction with the correct orientation to stir up the historic traditions of culture-civilization of the various ethnic groups in the country, promoting the archaeology investigating effort into a fairly wide mass work, and, on the other hand, alive soon enough to the interdisciplinary approach and apt to rally the scientists of various branches from social sciences to natural sciences and techniques, in the last decades, Vietnamese archaeology has reaped definite results. Scientific cooperation has also been established between Vietnam and some archaeological organizations of Soviet, China, the GDR, Poland, Bulgaria and a number of Universities and individual archaeologists of the USA, Canada, Japan, France, Thailand, Australia, Denmark… both in the domain of radio- dating and that of field work.
The Time Line of Vietnamese archaeology
Prehistory

Paleolithic
Hominid fossils (Homo-Erectus, Homo-Sapiens, Homo-Sapiens-Sapiens in some caves of North Vietnam.
Early Paleolithic
Some stone tools were found at Nui Do site (North Vietnam) and Xuan Loc site (South Vietnam).
Late Paleolithic
The core industry-Sonvi Culture (North Vietnam)
The blade industry- Nguom technology (North Vietnam)
Neolithic
Early Neolithic
Hoabinhian and Bacsonhian cultures. Cave-sites, gatherer and hunting, shellfish collecting . The first pottery and edge-grinding stone axe. Key sites: Conmoong cave, Sungsam cave, Xom Trai…
Middle Neolithic
Epi-Hoabinhian and Epi-Bacsonian cultures: Coastal area, shell midden sites . Marine resources , fishing… and the early domestication. The local features in pottery. Chipped tools and grinding tools. Key sites: Quynh Van, Da But, Cai Beo…
Late Neolithic: Coastal and Inland areas. The developed polishing technology. Different kinds of pottery. Early agriculture. Various types of stone adze and axe. Key sites: Ha Long, Bau Tro.

Protohistory
Three main areas of development of the metal age cultures

North Vietnam (Red River Delta, Ma River Delta and Ca River Delta):
Three successive stages, named after the sites Phung Nguyen-Dong Dau-Go Mun in Bronze Age.
Pre-Dongsonian culture (4000-2700BP).
The high stone industry and the most beautiful pottery. The incipient bronze working. The bronze slag and drop were uncovered in the late Phung Nguyen sites, but the first bronze artifacts appeared in Dong Dau stage (3500BP). Local casting of bronze artifacts. The bronze working centers.























Nồi gốm văn hóa Phùng Nguyên di tích Đình Chiền, Hà Nội
Dongsonian culture- The Iron Age(2700-2000BP)
Developed rice-agriculture, sophisticated bronze industry with various ritual vessels,musical instruments,wearpons and utilitarian artifacts…; The agricultural iron implements(ca.2400 BP); Various mortuary rituals and the Early State. Key sites:Dong Son, Lang Ca,Co Loa, Lang Vac, Vinh Quang, Xuan La, Chau Can…






















Chì lưới văn hóa Đông Sơn (Núi Sen), Thanh Hóa

The Dong Son complex system in the North has been investigated extensively and intensively: the area of distribution extends from the Vietnam-South China border to Quang Binh province and the time covers two millenaries B.C. and event overlaps one of two first centuries A.D. with different pre-Dong Son stages in the basins of the Red river, the Ma river and the Lam river. The study of orders of evolution from pre-Dong Son to Dong Son stages not only proves the Local character of the Dong Son culture, but also sheds light on its plural origins and the convergence and crystallization into the ancient VIET civilization in North Vietnam, the ”Kings Hung era” as called in ancient annals. The bronze drum, typical relic and symbol of the Dong Son civilization, has been an object of minute study on many planes: technology, typology, dating and decoding of the drawings carved on them.

Central Vietnam
Early period-Pre-Sahuynhian stage (3500-2700 BP) Pot burials were located in settlements sites. Red-slipped and decorated with shell impression, cord marked, painted pottery. Polishing stone shouldered and rectangular adze and axe. Fishing, shellfish collecting and hunting. Key sites: Xom Con,Long Thanh, Xom Con, Bau Tram. Bai Ong.
Late period_Sahuynhian stage (2700-2000BP) Jar burials, rich grave goods. Pottery with the earliest pre-sahuynhian features. Developed Iron technology in the final period; stone, glass and precious stone (such as jade, nephrite, agate) ornaments. The main kinds of decorative items include Ling Ling O earrings, Double animal heads ornaments, beads with various forms and measures. Imported bronze implements from Dong Son and Han Chinese cultures. Trades with China and India…Most of examined sites are cemeteries. Key sites: Binh Chau, Sa Huynh, Hau Xa, Go Ma Voi, Binh Yen, Dai Loc, Tam My, Phu Hoa, Xuan Loc, Giong Ca Vo…















Hạt chuỗi bằng vỏ nhuyễn thể văn hóa Sa Huỳnh, Gò Duối- Hòa Diêm, Khánh Hòa
The study of the Sa Huynh complex system in the costal areas of Southern Central Vietnam has been stepped up since 1975. Excavations in Quang Nam-Da Nang, Quang Ngai, Binh Dinh, Khanh Hoa, Ninh Thuan, Binh Thuan…have brought to light (despite subsisting controversies) different stages of evolution: pre-Sa Huynh; early Sa Huynh, classical Sa Huynh and even late Sa Huynh.

South Vietnam
Dong Nai cultural tradition:
Also since 1975, the study of the Neolithic and Metal ages in the Nam Bo Delta (i.e. The Me Kong River Delta) has given encouraging results with the discovery and digging of important sites in Dong Nai, Long An, An Giang… There have been workshops, teach-ins, publications and theses on those matters, among which an outstanding feature is in the establishment (though still debatable as to the order of different stages) of the Dong Nai complex system (also called Doc Chua complex system) with the late Neolithic stages (However the existence of this period is still subject to discus), the early and late Brass Age. The brass-founding industry in Doc Chua was very developed with hundreds of casting molds to fabricate tools and weapons. The collection of Long Giao bronze Ko is exceptionally rich and diverse. The study and unearthing of new relics of the Oc Eo civilization have got initial achievements showing that it was not centered exclusively in West Nam Bo, but spread to East Nam Bo and the Western Highlands as well.

From detailed descriptions of vestiges and relics recently discovered, we have proceeded on to different interpretations on archaeological data and diverse hypotheses an cultural exchanges and acculturation between the three centers Dong Son in the North, Sa Huynh in the Center, Dong Nai in the South, as well as on cultural contacts and acculturation between the said centers with other metallic centers in continental Southeast-Asia such as Sam Rong Sen in Cambodia, Ban Chiang in Thailand and the North Laos centers. The acculturation theory finds in Southeast Asia and Vietnam a fertile ground to develop and be applied. Similarly in the sphere of archaeological data and interdisciplinary study, questions on the coming into being of the Early Stages of the ancient Viet, Cham and Mon-Khmer peoples in the regions now belonging to the Vietnamese territory, have been put forward and heatedly debated.

While giving priority to Prehistory and Proto-history, Vietnamese archaeology, however, does not neglect the study of historic periods.
Historical Archaeology
The historic period covering the first ten centuries of Christian Era- usually referred to in our books of history as the period of Chinese domination- is one of intense Viet-Chinese acculturation, both forced and freewill, one of oscillation and gradual decline of the Dong Son civilization, also one of germination of Cultural Renaissance of Dai Viet after the year 1,000. Hundreds of Han –Tang tombs have been unearthed in many places; excavations have been carried out in the ancient citadels of Co Loa(Ha Noi), Luy Lau (Bac Ninh), the ancient tower of Nhan Thap (Nghe Tinh), ancient pottery kilns in the Bac Bo Delta…. The archaeologists also have carried out the systematic excavations at Champa (Central Vietnam) and Oc Eo (Southern Vietnam) relics. Many aspects related to these periods have been the subjects of theoretical research.





Thủy tinh Islamic (TK 9-10)tại bến cảng cổ Chămpa Cù Lao Chàm
The Dai Viet civilization under the Ly-Tran dynasties (11th-15thcenturies) as well as the Champa civilization (2nd-15thcenturies) strongly attracts the Vietnamese archaeologists. They have excavated many towers and pagodas of the Ly-Tran dynasties. The archaeological-artistic circles whose main force is concentrated in the Institute of Fine Arts, Ministry of Culture, have succeeded in establishing the Ly and Tran styles of the ancient Vietnamese sculpture on stone, wood and baked earth. The Van Don commercial port has been explored many times. Repeated excavations of the Bach Dang fields of pikes shed more lights on the victory over the Yuan-Mongol aggressors of the military genius Tran Hung Dao and the Dai Viet army and people under the Tran dynasty.
The Vietnamese branch of archaeology and musicology keeps in situ the Cham Museum in Tourane, studies Cham inscriptions and the system of Cham artistic styles, converses and restores many Cham towers, especially the My Son sanctuary (The World Cultural Heritage), with the cooperation of Polish specialists of conservation and restoration; we have explored, excavated and described many Cham citadels in Tra Kieu, Dong Duong, Khanh Hoa… Numbers of Cham citadels brick-walled wells have been discovered together with the Cham and Cham-Viet hydraulic systems. The Faifo commercial port, rich in Cham vestiges and relics, has been established as a principal gate port Champapura in golden times. In the late years, a lot of Cham occupation sites have been discovered and excavated.
Dai Viet culture under the Le-Nguyen dynasties (15th-19th centuries) is also an object of close study. The evolutionary steps of the Vietnamese pagoda and the system of Buddha statues in different art styles varying through historic periods, have been studies concentratedly as special subjects. In particular, the Dinh (communal house), typical architecture of Vietnamese village, has been subjected to an all-side study and classified for conservation. One often speakers of rural civilization, village civilization and communal house art. Multifaceted historic documents on the Le period have been collected through excavations in Lam Kinh (home place of the Les in Thanh Hoa) and the unearthing of tombs in “compound” (sort of Vietnamese cement made of lime molasses and tissue paper blended together) of mandarins, royal concubines… as well as tombs of Muong leaders (Quan Lang)- a subdivision of the Viet in Hoa Binh- former Son Tay at the foot of Mount Ba Vi.
With the assistance of UNESCO, the royal mausoleums in Hue, the ancient capital, have been conserved, restored and studied. Meanwhile, efforts have been deployed to conserve and study the ancient town of Hoi An (Faifo) with the scientific cooperation of Polish, Japanese, Australian… research. Many questions relating to the Nguyen Culture have been reappraised impartially with no political prejudice.
Vietnamese archaeology, on its sinuous and rough path of development, is still affected with many shortcomings and difficulties. It is a costly science, in fieldwork as well as in laboratory. And our country is still too poor to earmark adequate expenses for it. The Vietnamese cultural heritage is rich and diverse, while archaeological specialists in specific branches, in specific cultures and civilizations are lacking and inadequate in both quantity and quality. The basic investigation work is not completed yet, leaving many blanks on the map as well as in knowledge. The excavation methods show many primitive and backward aspects. The existing equipment and techniques as well as the used natural science practices are faulty. We are still lacking an overall and lasting system of subjects of scientific research. The scientific cooperation with foreign countries is still fairly limited.
However, we are convinced that with our own efforts, in the spirit of the renovation, with the support of our friends, the interdisciplinary and international cooperation, Vietnamese archaeology will reap many better results.Western historians became interested in the prehistory of VN around the turn of the 20th century. Their early studies theorized that ancient civilization of Southeast Asia, especially Vietnam, was the product of Chinese and Indian cultures as their cultural influence expanded southward and eastward, hence the region was named Indo-China. But in the past 40years, Vietnamese archaeologists have brought to light significant information to present a more logical and coherent view of the pre-historic Vietnam. Based on recent excavations and surveys, Vietnamese archaeologists and historians have established a chronology of cultures originated in the Hong (Red) river valley from the Paleolithic Age to the Neolithic Age through the Son Vi, Hoa Binh, Bac Son, Quynh Van, Da But, Phung Nguyen, Dong Dau and Go Mun culture. The Dong Son culture culminated the Bronze Age and the opening stage of the Iron Age. This culture represented the peak of the ancient civilization of Vietnam and the beginning formation of Van Lang/Au Lac, the first unified nation under the Hu’ng kingdom.