Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MỚI

TS. Phạm Quang Sơn

Thuần hóa động vật và thực vật, tạo ra các giống gia cầm và cây trồng là một sự kiện lớn trong lịch sử phát triển xã hội loài người. Cùng với thuần hóa động, thực vật, con người đã thực hiện một bước tiến nhảy vọt từ nền kinh tế chiếm dụng (săn bắt hái lượm) đến nền kinh tế sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt). Không phải ngẫu nhiên mà nhà khảo cổ học người Anh (sinh tại Australia) theo quan điểm mác-xít Vere Gordon Childe coi sự kiện đã diễn ra trong thời đại Đá mới này như một cuộc cách mạng và đặt tên là “Cách mạng Đá mới”[1].
Tuy nhiên, việc thuần hóa động, thực vật đã diễn ra trong một quá trình lâu dài, bắt đầu từ trước thời đại Đá mới và kéo dài cho đến ngày nay. Vì vậy, việc nghiên cứu cụ thể giống loài nào đã được thuần hóa ở đâu, vào thời kỳ nào, cũng là một đề tài quan trọng của các khoa học lịch sử. Bởi, khi một giống loài mới xuất hiện, được nuôi trồng, chúng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới lối sống của những bộ phận dân cư riêng lẽ, và, trên bình diện rộng, sẽ tác động đến các hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử. Ph. Engels đã đặc biệt chú trọng đến “sự phân công lao động xã hội lần thứ nhất”, khi chăn nuôi và du mục tách khỏi sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề cho cuộc phân hóa thành các giai cấp đầu tiên trong xã hội.
Cho đến nay, tư liệu chủ yếu và quan trọng nhất để nghiên cứu hiện tượng thuần hóa động thực vật là do các nhà khảo cổ học thu thập được trong khi khai quật các di tích. Đó là xương răng động vật, vỏ trấu, bào tử phấn hoa hay các công cụ, vật dụng liên quan đến chăn nuôi hay trồng trọt. Những tư liệu này được các nhà cổ sinh vật học nghiên cứu, so sánh, đối chiếu về hình thái học để xác lập quá trình tiến hóa từ các giống loài hoang dã đến khi đã được hoàn toàn thuần hóa. Gần đây, các nhà khoa học tự nhiên trong lãnh vực di truyền học cũng đã góp nhiều công sức tham gia nghiên cứu vấn đề này. Nhiều kết quả nghiên cứu ADN, nhất là ADN trong mitochondry (một dạng tế bào năng lượng di truyền dòng mẹ), ký hiệu mtDNA, đã được công bố.
Trong bài này, tôi chỉ có ý định thu thập và giới thiệu những thông tin mới nhất về lịch sử thuần hóa một số động vật phổ biến nhất trên thế giới. Phải nói rằng, thông tin về lãnh vực này hết sức mênh mông. Chỉ riêng những phát hiện khảo cổ học mới không phải lúc nào cũng có thể cập nhật được, và nhiều khi tư liệu công bố cũng không đáng được tin cậy hoàn toàn. Khoa học di truyền nghiên cứu nguồn gốc các giống loài đáng tin cậy hơn, tuy chưa thịnh hành ở Việt Nam, nhưng đã rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Các kết quả nghiên cứu gen di truyền thường được công bố trong những ấn phẩm chuyên ngành hẹp, không phải nhà sử học nào cũng có thể tiếp cận được. Thật may, với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, những khiếm khuyết nói trên phần nào đã được bù đắp. Những thông tin trong bài này đã được lấy từ các công cụ tìm kiếm trên mạng (Google.com) và các đường dẫn, các trang web Wikipedia.org. (tiếng Việt, Anh, Nga), Newsru.com…Một nhược điểm đáng tiếc là không phải bài viết nào trong Wikipedia hoặc trên các diễn đàn (Forum) cũng cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, có trích dẫn tư liệu gốc để có thể thẩm tra lại.



Quá trình thuần hóa động vật hoang dã bắt đầu từ sự lựa chọn những cá thể riêng biệt để nhân giống. Mục đích của thuần hóa là để sử dụng con vật hỗ trợ trong săn bắt, sản xuất nông nghiệp hoặc như nguồn dự trữ thực phẩm ổn định. Vì vậy, những động vật được lựa chọn phải có những yếu tố mà con người mong muốn. Nhà sinh học tiến hóa Diamond J. đã đưa ra 6 tiêu chí cần có ở động vật để có thể được chọn thuần hóa[2]:
1- Chế độ ăn uống linh hoạt, có thể ăn các loại hạt, ngũ cốc hay những thứ không phải là thực phẩm của người (rơm, cỏ…) và phần xương thịt động vật mà con người không dùng tới.
2- Tốc độ tăng trưởng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của người.
3- Chịu được nuôi dưỡng trong chế độ quản thúc chặt chẽ.
4- Có tính hiền lành, không hung dữ, gây nguy hiểm khi nuôi gần người.
5- Không có tính khí thất thường, hoảng sợ, lồng lộn, khó quản thúc.
6- Thừa nhận đẳng cấp xã hội, chịu thuần phục, coi người là thủ lãnh.
Thuần hóa động vật đã làm thay đổi căn bản điều kiện sống và phát triển của một giống loài. Quá trình tiến hóa tự nhiên bị thay thế bằng sự lựa chọn nhân tạo theo chuẩn mực đặt ra. Vì vậy, trong khuôn khổ thuần hóa, đặc tính di truyền của một giống hay một loài cũng sẽ bị thay đổi. Những dấu hiệu thay đổi của một loài hoang dã sau khi thuần hóa đã được đúc kết như sau[3]:
- Khối lượng não giảm 20-30%.
- Giảm năng lực các giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác).
- Một số hình thức biểu hiện hành vi biến mất hoặc thay đổi (như giảm tính hung dữ).
- Giảm kích thước răng, sừng.
- Thay đổi màu sắc hay màu lông.
- Lớp lông thưa và mỏng hơn (ngoại trừ những giống loài được chủ ý lai tạo để lấy lông).
- Xuất hiện vành tai chảy thỏng.
- Trán thẳng đứng hơn.
- Hệ tiêu hóa ngắn lại ở gia súc ăn cỏ và dài thêm ở gia súc ăn thịt.
- Hình thành một số giống cùng loài rất khác nhau (các giống chó).
- Phản ứng tự bảo vệ kém hơn.
- Thay đổi chu kỳ sinh sản theo mùa, đẻ nhiều hơn.
- Bản năng bảo tồn giống nòi (bảo vệ con nhỏ) ít phát triển.
(Một số trong những thay đổi nói trên – như giảm năng lực các giác quan, ít lông hơn, giảm kích thước răng, thay đổi hình dáng trán – cũng quan sát thấy ở người hiện đại trên bước đường tiến hóa từ người Neanderthal. Một số nhà khoa học vì thế đã nói về sự “thuần hóa người” trong quá trình phát triển của bản thân người).
Đến nay đã có nhiều kết quả nghiên cứu về thuần hóa động vật trong lịch sử đuợc công bố. Trong từ mục “Domestication” của Wikipedia[4] đã tổng kết một danh mục “Niên đại tượng đối và các địa phương thuần hóa sớm nhất”, bao gồm gần như tất cả những động vật được thuần hóa (hay chỉ mới ở mức thuần dưỡng[*]) qua ba giai đoạn từ thời kỳ nguyên thủy tới nay. Dưới đây tôi chỉ giới thiệu một số động vật thuần hóa phổ biến nhất lấy từ danh mục trên:
Niên đại tương đối và các địa phương thuần hóa động vật sớm nhất.
( Theo Wikipedia)
Loài - Species Niên đại -Date Địa phương - Location
Chó (Canis lupus familiaris) 5000 BC Đông Á
Cừu (Ovis orientalis aries) 9-11000 BC Tây Nam Á
Dê (Capra aegagrus hircus) 80000 BC Iran
Lợn (Sus scrofa domestica) 9000 BC Trung Đông, Trung quốc
Bò (Bos primigenius taurus) 8000 BC Ấn Độ,Trung Á và vùng Hạ Sahara châu Phi
Mèo (Felis catus) 7500 BC Trung Đông
Gà (Gallus gallus domesticus) 6000 BC Ấn Độ và Đông Nam Á
Chuột bạch (Cavia porcellus) 5000 BC Peru
Lừa (Equus africanus asinus) 5000 BC Ai Cập
Vịt (Anas platyrhynchos domesticus) 4000 BC Trung Quốc
Trâu (Bubalus bubalis) 4000 BC Ấn Độ, Trung Quốc
Ngựa (Equus ferus caballus) 4000 BC Thảo nguyên Á - Âu
Lạc đà một bướu (Camelus dromedarius) 4000 BC Arabia
Lạc đà không bướu (Lama glama) 3500 BC Peru
Tằm (Bombyx mori) 3000 BC Trung Quốc
Hươu phương Bắc (Rangifer tarandus) 3000 BC Nga
Bồ câu núi (Columba livia) 3000 BC Ven bờ Địa Trung Hải
Ngỗng (Anser anser domesticus) 3000 BC Ai Cập
Lạc đà hai bướu (Camelus bactrianus) 2500 BC Trung Á
Bò Tây Tạng (Bos grunniens) 2500 BC Tây Tạng

Trong bài “ Thuần hoá động vật đã diễn ra khi nào và ở đâu”[5], nhà nghiên cứu K. Kris Hirst cũng đưa ra một bảng danh sách các động vật thuần hóa với một số khác biệt như sau:
Bảng thuần hóa động vật
(Theo K. Kris Hirst)
Loài vật - Thuần hóa ở đâu - Niên đại
Chó Đông Á 13,000 BC
Cừu Tây Á 8500 BC
Mèo Trung Cận Đông 8500 BC
Dê Tây Á 8000 BC
Lợn Tây Á 7000 BC
Trâu bò Đông Sahara 7000 BC
Lợn Guine Peru 6000 BC
Gà Thái Lan 6000 BC
Lừa Bắc Phi 4000 BC
Ngựa Kazakhstan 3600 BC
Tằm Trung Quốc 3500 BC
Lạc đà không bướu Peru 3500 BC
Lạc đà hai bướu Nam Nga 3000 BC
Lạc đà một bướu A rập Saudi 3000 BC
Ong mật Ai Cập 3000 BC
Banteng (?) Thái Lan 3000 BC
Trâu Pakistan 2500 BC
Vịt Tây Á 2500 BC
Bò Tây Tạng Tây Tạng 2500 BC
Ngỗng Đức 1500 BC
Lạc đà paca Peru 1500 BC
Tuần lộc Siberia (Nga) 1000 BC
Gà tây Mexico 100 BC-AD 100

Kể từ sau ngày những bảng thống kê trên được công bố, đến nay đã có thêm nhiều tư liệu và kết quả nghiên cứu mới về thuần hóa động vật. Dưới đây xin giới thiệu những thông tin mới đó.

CHÓ (Canis lupus familiaris)
Cách đây không lâu, nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng chó nhà đã được thuần hóa từ chó sói, cáo, chó rừng (hay chó núi – jackal) và chó thảo nguyên (coyote). Tuy nhiên, phần lớn bằng chứng từ các kết quả nghiên cứu gần đây về hành vi, tiếng sủa, hình thể và sinh học phân tử cho phép nhận thấy sói xám chính là tổ tiên chung của tất cả các loài chó nhà hiện nay.
Đến nay, các nhà khảo cổ học và sinh học vẫn chưa thể khẳng định chó nhà đã được thuần hóa từ bao giờ. Tư liệu khảo cổ học đã cung cấp bằng chứng khá rõ ràng rằng những con chó đầu tiên tách khỏi loài sói tổ tiên ít nhất là 15.000 năm trước đây. Một số nhà nghiên cứu vẫn còn tin rằng chó đã được thuần hóa sớm hơn trước đó. Kết quả nghiên cứu gen di truyền mtADN lại cho thấy chó đã bắt đầu được thuần hóa từ sói xám vào vào cuối hậu kỳ đá cũ, ở ranh giới giữa Pleistocene và Holocene, trong khoảng 17.000 – 14.000 năm trước. Tuy nhiên, cũng còn không ít bằng chứng khác mâu thuẫn với những kết luận còn tranh cãi này, tùy thuộc vào mẫu giống loài được phân tích.
Trong mục từ “Dog” của www.en.wikipedia.org có dẫn ra một số bằng chứng khảo cổ học và kết quả nghiên cứu ADN . Vào năm 2008, một tập thể các nhà khoa học nhiều nước đã nghiên cứu những hiện vật thu thập được trong cuộc khai quật hang Goyet ở Bỉ. Họ đã công bố về sự hiện diện của một con chó răng nanh rộng vào thời điểm 31.700 năm trước đây, thức ăn của nó là ngựa, bò hương và tuần lộc. So sánh cấu tạo hình thể hài cốt và vị trí trong hố khai quật, các nhà nghiên cứu đã cho rằng đây là tiêu bản chó thuần hóa sớm nhất từ trước tới nay. Trước phát hiện ở Bỉ, những hóa thạch chó nhà được tìm thấy sớm nhất là hai hộp sọ chó lớn ở Nga và một xương hàm dưới của chó ở Đức, có niên đại khoảng 14.000 năm trước đây. Hài cốt những con chó nhỏ hơn được phát hiện trong địa tầng hang Natufy ở Trung Đông, có niên đại 10.000 – 12.000 năm trước. Một số lớn bằng chứng khảo cổ học về chó nhà ở hai châu lục Á – Âu trong khoảng thời gian này và hai ngàn năm tiếp theo (8.000 – 10.000 năm trước) như hóa thạch cũng được tìm thấy ở Đức, vùng An-pơ (Alps) của Pháp, Irắc, những tranh vẽ hang động ở Thỗ Nhĩ Kỳ[6]. Theo nữ học giả Hirst K.K., di tích ở Đức có niên đại 14.000 năm nói trên chính là Bonn-Oberkassel. Ngoài ra, chó thuần hóa còn được phát hiện ở Trung Quốc, trong di tích sơ kỳ đá mới Jiahu, tỉnh Hồ Nam, niên đại 7.000 – 5.800 tr.CN; ở Thụy Điển trong di tích thời đại đá giữa Skateholm, niên đại 5.250 – 3.700 tr.CN hay ở bang Utah (Mỹ), trong di tích Hang Hiểm (Danger Cave), niên đại 11.000 trước đây[7]. Như vậy, những bằng chứng khảo cổ học đã cho thấy con chó muộn nhất tách biệt khỏi sói là từ khoảng 15.000 năm trước, mặc dù vẫn có thể còn sớm hơn.
Kết quả phân tích ADN còn cho thấy khung thời gian chó được thuần hóa lại rất rộng, trong khoảng 15.000 năm đến 40.000 năm trước, có khi còn xa đến 100.000 – 140.000 năm trước. Nhưng, như trên có nói, các kết quả nghiên cứu này bị phụ thuộc vào mẫu phân tích là giống, loài nào cũng như các yếu tố định chuẩn khác…
Nhà nghiên cứu Carles Vilà và các đồng sự đã phân tích mtADN trong máu và lông của 162 chó sói ở 27 vùng trên thế giới và 140 chó nhà của 67 giống chó. Kết quả nghiên cứu cho phép khẳng định chó sói chính là tổ tiên của chó nhà. Phần lớn chó nhà có thể được chia làm bốn nhóm. Nhóm lớn nhất và đa dạng nhất có biểu hiện liên kết phần lớn các giống chó cổ như dingo của Australia, chó singing của New Guinea với nhiều giống hiện đại như collia và retriever. Những nhóm khác như shepherd của Đức lại có quan hệ gần gũi với sói hơn là với nhóm chó chính, cho thấy nhóm này được hình thành bởi sự lai tạo giữa chó và sói. Cũng có thể đây là bằng chứng cho thấy chó có thể đã được thuần hóa từ sói ở nhiều thời điểm và địa phương khác nhau. C.Vilà không chắc chắn rằng việc thuần hóa chỉ xảy ra một lần, sau đó chó nhà vẩn đôi khi tiếp tục phối giống với sói, hay người ta đã nhiều lần thuần hóa sói thành chó nhà[8].
Peter Savolainen và các đồng sự đã tiến hành phân tích sự thay đổi cấu trúc ADN trong mitochondry (mtADN) của 654 tiêu bản chó nhà đại diện cho phần lớn các giống chó trên thế giới. Mặc dù các dữ liệu chỉ ra một số chó có nguồn gốc chó sói, hơn 95% trong tất cả số mẫu đã thuộc về ba nhóm loại gen thể hiện đầy đủ trong những tần số giống nhau, cho phép xác định tất cả các giống loài chó đã có chung nguồn gốc từ một quỹ gen duy nhất. Sự biến đổi gen ở Đông Á mạnh hơn so với những vùng khác và tiềm năng thay đổi địa dạng cũng cho phép khẳng định nguồn gốc Đông Á của chó nhà, niên đại khoảng 15.000 năm trước đây[9].

MÈO (Felis Catus)
Theo thông tin được công bố vào đầu năm 2004, các nhà khảo cổ học khi khai quật một di chỉ cư trú thuộc thời đại Đá mới có tên gọi Shillourokambos trên đảo Sip (Cyprus) ở Địa Trung Hải, đã phát hiện một ngôi mộ táng. Bên cạnh di cốt người còn khá nguyên vẹn, cách đó 40cm, đã tìm được hài cốt một con mèo. Trong mộ còn có những đồ tùy táng chôn theo như các công cụ đá được mài, vỏ sò, một số đồ vật có hoa văn trang trí. Di chỉ có niên đại 9.500 năm trước đây. Phát hiện này, cho đến nay, là bằng chứng sớm nhất cho thấy quan hệ gần gũi và thân thiết của người và mèo. Kết quả nghiên cứu so sánh cổ động vật học cũng như phân tích ADN không thấy được công bố. Vì vậy, đây là tiêu bản mèo đã được thuần hóa hay còn là mèo rừng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhà nghiên cứu Melinder Zeder, trợ tá Hội Khảo cổ học Cựu thế giới trong tổ chức Smithsonian tại Washington D.C. và là Chủ tịch Hội cổ động vật học thế giới cho rằng việc chủ ý mai táng con vật này theo người chết là một trường hợp rõ ràng chứng tỏ mèo có một vị trí đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày và cả sau khi chết của cư dân Shillourokambos. Tuy nhiên, phát hiện này chưa thể cho phép khẳng định quá trình và thời gian thuần hóa mèo do không thấy có vòng đeo cổ ở hài cốt mèo.
Từ trước tới nay, phần lớn những bằng chứng sớm về thuần hóa mèo đều được tìm thấy ở Ai Cập cổ đại. Nhiều người cho rằng người Ai Cập đã thuần hóa và tạo nhiều giống mèo từ khoảng TK XIX – XX tr.CN. Mèo được thể hiện nhiều trong thần thoại Ai Cập trong dáng Thần Mèo Bastet, Sekhmet… Hình tượng nghệ thuật về mèo và xác ướp mèo đã được biết đến sớm hơn 4.000 năm trước đây.
Do đảo Síp nằm xa đất liền, cách Thổ Nhĩ Kỳ đến 70 km, các nhà nghiên cứu cho rằng mèo thuần hóa không thể có nguồn gốc ở đây mà đã được đưa ra từ đất liền[10].
Vào đầu năm 2008, một công trình nghiên cứu trong nhiều năm của tập thể các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tổng hợp California Hoa Kỳ[11] đã đưa đến kết quả cho thấy “chiếc nôi” của văn minh nhân loại – lãnh thổ Trung Đông, Irắc, Vùng đông-nam Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Palestine và châu thổ hạ nguồn sông Nil – cũng đồng thời là quê hương nguyên thủy của các loài mèo nhà.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mã gen của hơn 1.100 chú mèo thuộc 17 trong 22 giống mèo từ Địa Trung Hải, châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Các kết quả phân tích đã cũng cố cho một giả thuyết từ lâu cho rằng giống mèo được thuần hóa trước tiên chính là ở vùng Trăng Lưỡi Liềm này.
Trước đây, các nhà khảo cổ học cũng đã xác định được là mèo nhà đã xuất hiện ở vùng này trong khoảng từ 5000 – 8000 năm trước, trong thời đại cách mạng Đá mới, khi con người bắt đầu chuyển qua lối sống định cư, canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Con người đã chú ý và khai thác đặc tính săn bắt các loài gặm nhấm của mèo, nhất là khi họ gieo trồng, thu hoạch và dự trữ các loại ngũ cốc. Ngoài ra, một số dân tộc, ví dụ người Ai Cập, còn xem mèo như một linh vật.
Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại và hình thành các tuyến đường thương mại, giống mèo cũng bắt đầu “bành trướng” đến các vùng xa xôi khác nhau. Khác với các gia súc khác, mèo không được coi là đối tượng cải tạo giống, nhằm tạo ra những giống khác, ví dụ như có khả năng bắt chuột tốt hơn. Những người nuôi mèo thường chỉ hay chú ý đến mã ngoài của con thú cưng và thích tạo ra những giống mèo có bộ lông đẹp hơn. Trong hàng ngàn năm qua con người đã lai tạo gần 50 giống mèo. Trong đó có 16 giống địa phương, chỉ có ở một số vùng lãnh thổ nhất định. Việc tạo ra những giống mới không nhằm tạo ra những khả năng khác của mèo mà chỉ thuần túy đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ[12].

LỢN (Sus scrofa domestica)
Ý tưởng thuần hóa lợn rừng đã được những cư dân cổ Trung Đông đưa qua châu Âu và thúc đẩy người Âu tự thuần hóa lợn rừng địa phương từ 6.000 năm trước. Đó là kết luận của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Oxford sau khi họ thực hiện phân tích các mẫu ADN của những con lợn từ Tây Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Kết quả nghiên cứu của Greger Larson và các đồng nghiệp đăng trên tạp chí “Proceedings of the National Academy of Sciences” cho thấy từ 12.000 năm trước, lợn nhà từ Trung Cận Đông đã được nhập vào Tây Âu. Giống lợn này tồn tại trong đàn gia súc Âu châu cho đến 4.000 năm tr. CN. Sau đó người châu Âu mới bắt đẩu tự thuần hóa giống lợn rừng địa phương. Giống lợn này về sau không những thay thế vị trí của lợn Trung Đông tại châu Âu mà còn lan truyền rộng rãi đến tận vùng Cận Đông.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu mtADN của nhiều lợn nhà hiện đại và di cốt lợn nhà từ các di chỉ thời đại Đá mới. Họ đã tìm thấy một vùng nhỏ trong tế bào này được gọi là Y1. Vùng Y1 này chỉ có ở lợn rừng hiện đại trong khu vực Thổ Nhĩ Kỳ và Iran và hoàn toàn không có ở lợn nhà châu Âu hiện nay. Trong thời đại Đá mới, những gen này cũng đã được quan sát thấy ở lợn nhà Tây Âu (khu vực Paris hiện nay) trong giai đoạn trước 4.000 năm trước CN. Sau đó Y1 đã biến mất khỏi châu Âu. Điều đó có nghĩa là lợn nhà Trung Đông từ đây đã không còn được chăn nuôi ở châu Âu nữa.
Tóm lại, từ 12.000 năm trước, lợn bắt đầu được thuần hóa sớm nhất ở vùng Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Iran). Liền sau đó chúng được du nhập vào Tây Âu. Cho đến 6.000 năm sau, người Tây Âu mới tự thuần hóa được lợn rừng địa phương. Giống lợn này ngày càng phát triển và dần dần thay thế lợn Trung Đông trên lục địa Á – Âu rộng lớn ngày nay[13].
Trước đó, Giuffra E. và các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Nông nghiệp Thụy Điển cũng đã cho rằng lợn nhà có nguồn gốc từ lợn rừng (Sus scrofa) Á – Âu. Họ đã nghiên cứu gen mtADN của các giống lợn rừng và lợn nhà ở hai châu lục này và kết luận rằng việc thuần hóa đã diễn ra độc lập từ các giống lợn rừng khác nhau ở cả hai nơi vào khoảng 9.000 năm trước. Họ cũng tìm thấy bằng chứng phân tử xác minh sự xâm nhập của lợn nhà châu Á vào châu Âu và dữ liệu về nguồn gốc hợp chủng của một số lớn giống lợn châu Âu. Tuy nhiên, họ đã nghiêng về giải thích cho đây là dấu ấn của việc nhập lợn từ Á vào Âu trong thời gian gần đây, vào TK XVIII - đầu XIX[14].
Vào năm 2005, Larson G. và các đồng sự từ Thụy Điển, Anh Quốc và New Zealand đã phân tích những mảnh nhỏ AND của 362 lợn rừng và 324 lợn nhà của 40 nước và phát hiện rằng lợn rừng có trật tự gen riêng biệt và phụ thuộc vào nơi sống nguyên thủy của chúng. Họ cũng đi đến kết luận rằng ngoài hai vùng thuần hóa đã biết trước đây là Cận Đông và Trung Quốc, lợn còn được thuần hóa ở Trung Italia, Ấn Độ, Miến Điện/Thái Lan và Tây Indonesia/New Guinea[15].
Kết quả nghiên cứu này được giới thiệu nhiều trên báo chí và đăng lại trên nhiều trang web[16]. Hãng thông tấn BBC còn bổ sung rằng lợn đã được thuần hóa ít nhất bảy lần và độc lập ở nhiều nơi trên thế giới. Ở những nơi này lợn nhà đều có quan hệ huyết thống chặt chẽ với lợn rừng ở địa phương đó, chứng tỏ chúng được thuần hóa tại chỗ. Nhà nghiên cứu Keyth Dobney của trường Đại học Durham Anh Quốc đã phát biểu: “Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng lợn chỉ được thuần hóa không ngoài hai vùng của thế giới là Cận Đông và Viễn Đông. Nhưng những phát hiện của chúng tôi đã làm đảo ngược lý thuyết của họ, cho thấy việc thuần hóa đã diễn ra độc lập ở Trung Âu, Italia, Bắc Ấn Độ, Đông Nam Á cũng như vùng đảo Đông Nam Á”[17].
Đáng tiếc, đến nay tôi vẫn chưa sưu tầm được tư liệu về thuần hóa lợn qua những phát hiện trong các di tích khảo cổ học trong các vùng này. Chỉ biết hai địa điểm đáng tin cậy, được cho là đã có lợn thuần hóa sơm nhất ở Trung Quốc là các quần thể di tích Cishan (tỉnh Hà Bắc), niên đại 8.000 năm và Taoshi (tỉnh Sơn Tây), niên đại 4.000 năm trước đây[18].

DÊ (Capra Hircus)
Dê thường được xem là một trong những động vật được con người thuần hóa sớm nhất trong lịch sử. Ngày nay có khoảng hơn 300 giống dê sống ở khắp các châu lục, những nơi có các điều kiện địa lý, khí hậu có thể hoàn toàn khác nhau. Từ xưa, dê đã là nguồn cung cấp cho con người thực phẩm (sữa, thịt), nhiên liệu (phân khô làm chất đốt) và cả vật liệu để may quần áo hay làm nhà (lông, xương, da, những sợi gân phơi khô).
Vào khoảng 11.000 – 10.000 năm trước, vào sơ kỳ thời đại đá mới, cư dân Trung Cận Đông đã bắt đầu thuần hóa dê và chăn dắt những bầy đàn nhỏ. Quá trình thuần hóa dê được khảo cổ học ghi nhận qua sự hiện diện và sự phong phú loài động vật này ở những vùng cách xa nơi sinh sống quen thuộc trước đây của chúng, qua sự thay đổi hình dáng, kích thước (thay đổi hình thể học) và qua sự tách biệt trong phân bố giữa các nhóm hoang và thuần hóa. Tư liệu khảo cổ học cho đến nay đã chúng minh được hai khu vực thuần hóa dê sớm khác nhau. Một là thung lũng sông Euphrates gần Nevali Çori, Thổ Nhĩ Kỳ (niên đại 11.000 năm trước đây). Hai là vùng núi Zagros, gần Ganj Dareh, Iran (10.000 năm). Một số khu vực khác có khả năng thuần hóa dê sớm bao gồm lưu vực sông Indus ở Pakistan ( di tích Mehrgarh – 9.000 năm) và có thể vùng Trung Anatolia và Nam Levant. Ngoài ra cũng còn những di tích khảo cổ học quan trọng khác có thể đã có bằng chứng về khởi đầu quá trình thuần hóa dê gồm Cayönü (Thổ Nhĩ Kỳ - 8.500-8.000 trước CN), Tell Abu Hureyra (Syria – 8.000-7.400 trước CN), Jericho (Israel – 7.500 trước CN) và Ain Ghazal (Jordan – 7.600-7.500 trước CN)[19].
Để nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc dê nuôi, nhiều nhà khoa học đã tiến hành phân tích gen di truyền của chúng. Một số kết quả nghiên cứu ADN trước đây đã ghi nhận rằng dê được thuần hóa đồng thời không phải ở một nơi và chúng có cơ cấu dòng giống liên lục địa lỏng lẽo hơn so với các giống vật nuôi khác, chứng tỏ dê đã phát triển qua các vùng khác nhau trên qui mô lớn hơn. Gần đây, bà Fernández H. và các đồng nghiệp ở Pháp đã phân tích trật tự mtADN của 19 mẫu xương dê thu được từ một di tích đá mới sơ kỳ ở tây-nam châu Âu, có niên đại 7.300 – 6.900 năm trước đây. Kết quả nghiên cứu gen phát sinh loài cho thấy có hai nhánh tách biệt trong nguồn gốc loài dê và chúng cùng tồn tại trong cả hai lớp sớm và muộn của một văn hóa đá mới sơ kỳ tại di tích này. Phát hiện này chỉ ra rằng sự đa dạng cao mtADN đã hiện diện sớm hơn 7.000 năm trước trong những con dê ở châu Âu, cách xa quê hương thuần hóa ban đầu của chúng là vùng Cận Đông. Kết quả nghiên cứu này cũng đồng thời chứng minh rằng gen gốc đã xuất hiện từ giống dê có niên đại sớm hơn giai đoạn “Đá mới hóa” ở châu Âu và đã có hai con đường thuần hoá dê khác nhau ở Cận Đông với hai nguồn gốc độc lập nhau nhưng nhất định đồng đại với nhau, chỉ hơi cách xa nhau hoặc sớm muộn hơn nhau một ít [20].

NGỰA (Equus ferus caballus)

Trước đây, người ta thường cho rằng ngựa đã được thuần hóa đồng thời ở nhiều nơi trên thế giới và có xuất xứ từ nhiều giống ngựa hoang khác nhau. Vào năm 2002, nữ ký giả Helen Briggs đã có bài viết đăng trong bản tin của BBC. Trong bài này, bà đã dẫn công trình nghiên cứu đăng trong “Proceedings of the National Academy of Sciences of the USA” của Peter Forster, tiến sỹ viện Nghiên cứu Khảo cổ McDonald, trường Đại học Cambridge Anh Quốc và các cộng sự từ Mỹ và Đức. Các nhà khoa học này đã phân tích gen di ruyền của hơn 600 mẫu ngựa thuộc 25 giống và phụ giống ngựa khác nhau trên thế giới từ các nước châu Âu, châu Mỹ và Maroco. Kết quả nghiên cứu cho thấy ngựa hoang còn tồn tại ở Thụy Điển và Estonia vào khoảng 2.000 năm trước. Dấu vết ngựa hoang có niên đại 28.000 năm cũng đã thấy ở vùng băng giá Alaska. Nghiên cứu gen di truyền giòng mẹ (mtADN) cũng cho kết quả có ít nhất 77 giống ngựa hoang đã được thuần hóa. Chúng có hệ gen khác nhau, chứng tỏ đã xuất phát từ những giòng ngựa hoang riêng biệt. Theo P. Forster, bằng chứng về ngựa thuần hóa sớm nhất đã có từ 2.000 năm tr. CN, khi ngựa đã được chôn cùng với xe kéo. Đến khoảng 1.000 năm tr. CN ngựa thuần hóa đã có mặt ở các châu lục Âu, Á và Bắc Mỹ. Ông cũng ghi nhận có một số nhà nghiên cứu khác cho rằng ngựa đã được cư dân vùng thảo nguyên Âu-Á và Cận Đông thuần hóa sớm hơn, vào khoảng 4.500 – 2.500 năm tr. CN. Ngựa đã là nguồn cung cấp sữa, thịt, da và là tiền đề cho việc hình thành nghề du mục[21].
Tuy nhiên, vào năm 2005, một nghiên cứu mtADN các hóa thạch có tuổi đến 53.000 năm[22] đã xác định được tổ tiên chung của cả ba giống ngựa Hippidion, Ngựa chân cao Tân Thế giới và ngựa thật sự. Trong đó, nhóm ngựa thật sự gồm ngựa Tiền sử và ngựa Przerwalski. Những nghiên cứu kỹ hơn nhóm này có hai giòng chính. Một giòng chỉ có ở Bắc Mỹ và đã tuyệt chủng. Một giòng khác phân bố rộng từ Bắc Mỹ đến châu Âu (cả bắc, trung, nam) vào thời kỳ băng hà Pleistocene. Giòng ngựa này ở Beringia đã tuyệt chủng vào khoảng 14.000 năm trước và ở phần châu Mỹ còn lại khoảng 10.000 năm trước. Chúng chỉ còn lại ở khu vực Á – Âu với hai giống ngựa là Przerwalski và Tarpan. Một phụ nhóm của ngựa Tarpan trở thành tổ tiên của tất cả ngựa thuần hóa. Những con ngựa này có những nét giống với ngựa Przewalski như đầu to, màu nâu xám, cổ mập, bờm cứng thẳng, chân tương đối ngắn, khỏe và có cấu trúc địa lý phát sinh (phylogeographic structure) nhỏ, thể hiện sự dễ biến động và tính thích nghi cao. Ngựa hoang Tarpan tuyệt chủng vào cuối thế kỷ XIX. Ngựa Przerwalski cũng gần tuyệt chủng vào những năm 60 thế kỷ XX, nhưng bắt đầu được phát triển lại và thuần dưỡng từ những năm 80 trong hai khu bảo tồn thiên nhiên ở Mông Cổ[23].
Gần đây nhất, vào tháng 3 năm 2009, nhà khảo cổ học Sandra L. Olsen (Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Carnegie) đã công bố trên tạp chí Science các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm (từ 1993) của bà và các đồng nghiệp từ Anh Quốc và Kazakhstan về văn hóa khảo cổ học Botai thuộc thời đại Đồng đỏ. Di tích Botai lấy tên một ngôi làng nhỏ nằm trên bờ sông Iman Burluk, nhánh của sông Ishim, thuộc Kazakhstan (Trung Á), có niên đại 3.700 – 3.100 năm tr. CN. Ở làng cổ này ước tính có khoảng 1000 cư dân sinh sống trong 150 ngôi nhà có nền thấp hơn mặt đất. Trong những xương thú tìm được tại di tích, xương ngựa chiếm đến 90-95%. Kết quả nghiên cứu cho thấy xương chân ngựa ở đây đã thanh mảnh hơn ngựa hoang, giúp cho chúng chạy nhanh hơn. Những vết mòn ở các hàm răng ngựa là dấu vết hàm thiếc khi con người sử dụng ngựa để cưỡi hoặc kéo xe. Trong nhiều bình gốm còn có dấu vết sữa ngựa (ngựa nuôi để lấy sữa uống hoặc lên men làm rượu hiện còn rất phổ biến ở các nước Trung Á). Ngoài ra , một số bằng chứng khác như chuồng ngựa, phân ngựa dùng làm mái nhà, vật dụng bằng da ngựa như dây thòng lọng cũng đã được tìm thấy trong di tích[24].
Việc xác định niên đại ngựa thuần hóa nhiều khi cũng gặp khó khăn. Khác với những con vật khác, ngựa thuần hóa ít thay đổi về lý tính so với ngựa hoang. Do đó, các nhà nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu nhiều hơn về đời sống kinh tế, văn hóa của cư dân Botai để giải thích hiện tượng thuần hóa ngựa ở đây. Ngoài những bằng chứng đã kể trên, ở Botai còn thấy xương ngựa đực trưởng thành chiếm số lượng nhiều hơn, chứng tỏ chúng đã bị đào thải có chủ ý hoặc là vật hiến tế. Ngựa bị chết trong quá trình đi săn được chở nguyên vẹn về làng, trong khi những con thú săn được thường bị xả thịt ngay tại chỗ, chỉ lấy về những phần sử dụng được. Việc chăn nuôi và phát triển đàn ngựa đã tạo sự ổn định cho đời sống kinh tế của cộng đồng cư dân ở đây[25].
Có thể nói tóm lại, theo các nhà nghiên cứu, con người đã biết đến ngựa từ khoảng 30.000 năm trước với bằng chứng là những di cốt hóa thạch trong các di chỉ và các tranh vẽ trong hang động. Khi đó ngựa mới chỉ là đối tượng săn bắt lấy thịt, da. Bằng chứng rõ ràng nhất về ngựa đã thuần hóa ở văn hóa Botai có niên đại 5.500 năm trước. Tuy nhiên, ngựa có thể đã được thuần hóa sớm hơn, do những cư dân vùng Ural ở phía đông mang đến, hoặc cư dân bản địa từ thời đại Đá mới đã tiếp nhận kỹ năng thuần hóa ngựa từ những người láng giềng phía tây của họ. Bà Sandra Olsen nhận xét: “Thuần hóa ngựa là một sự kiện hữu hiệu trong lịch sử loài người. Tấy cả những vị sáng lập các đế chế vĩ đại như Alexander Đại đế hay Thành Cát Tư Hãn sẽ không là gì nếu không có ngựa”

GÀ (Gallus gallus domesticus)

Gà là loài vật nuôi có số lượng đông nhất hiện nay trên thế giới, khoảng 23 tỷ con theo thống kê năm 2003. Thịt và trứng gà từ lâu đã là thực phẩm không thể thiếu cũa con người..
Theo Wikipedia (bản tiếng Nga), họ gà có mào (Gallus) gồm bốn giống nguyên thủy: gà rừng lông đỏ, còn gọi là gà bakiv (Gallus gallus); gà rừng lông xám (Gallus sonnerati); gà rừng Xây Lan (Gallus lafayettei) và gà rừng lông xanh (Gallus varius). Cả bốn giống gà rừng hiện nay vẫn còn trong khu vực Nam và Đông Nam Á (Ấn Độ, Đông Dương, Nam Trung Quốc, Inđônesia và Philippines)[26].
Trước đây, Charles Darwin đã dựa vào những kết quả nghiên cứu tự nhiên của thế kỷ XIX để cho rằng gà đã được thuần hóa sớm nhất ở Ấn Độ vào khoảng 2.000 năm trước. Tuy nhiên, những phát hiện khảo cổ học và những kết quả nghiên cứu liên ngành trên thế giới trong hai mươi năm gần đây đã làm thay đổi nhận định của ông.
Dấu vết xương gà thuần hóa sớm nhất đã được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ học ở Trung Quốc như di chỉ Cishan (tỉnh Hà Bắc, niên đại 5.400 năm tr.CN), di chỉ Beixin (tỉnh Sơn Đông – 5.000 năm tr.CN) và Xian (tỉnh Sơn Tây – 4.300 năm tr.CN). Ở Nam Á vết tích xương gà thuần hóa có niên đại muộn hơn, khoảng 2.000 năm tr.CN, trong di chỉ Mohenjo-Daro (thung lũng sông Indus, Pakistan). Gà du nhập vào bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản trong giai đoạn văn hóa Yayoi (300 năm tr.CN – 300 năm CN). Ở quần đảo Polinesia và châu Đại Dương gà nhà đã có mặt vào giai đoạn phát triển của văn hóa Đá mới Lapita, niên đại 3.300 năm trước đây. Ở Nam Mỹ, gà nhà xuất hiện ở Chilê trong khoảng 2.000-1550 năm trước trong di tích El - Arenal-1. Về phía châu Âu, gà có mặt sớm nhất là tại Hy Lạp, vào thế kỷ V tr. CN[27].
Đã có một số công trình nghiên cứu về gen di truyền của các giống gà. Vào năm 1994, nhà nghiên cứu Nhật Bản Fumihito và các đồng nghiệp đã công bố một báo cáo trong “Proceedings of the National Academy of Sciences”, trình bày kết quả phân tích mtADN của 119 mẫu đại diện cho 29 giống gà đã thuần hóa, 30 gà rừng lông xanh và 14 nhánh của gà rừng lông đỏ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tất cả các giống gà thuần hóa đều có dấu vết liên quan duy nhất đến giống gà rừng lông đỏ, hiện còn ở Thái Lan và Việt Nam[28]. Tuy nhiên, cũng có người còn cho rằng gà lông xám cũng là tổ tiên của gà nhà[29].
Những nghiên cứu về môi trường cổ và khí hậu cổ cho thấy Trung Quốc không phải là quê hương của những giống gà rừng tổ tiên của gà nhà. Vì thế, ý kiến chung gần đây của các nhà nghiên cứu đều thừa nhận là gà đã được thuần hóa trước tiên là ở Việt Nam, có thể là Thái Lan và các nước Đông Dương khác. Việc thuần hóa đã diễn ra từ trước 10.000 năm đến khoảng 8.000 năm trước đây. Đáng tiếc rằng nhận định này đến nay vẫn chưa được củng cố bằng các chứng cứ khảo cổ học ở Việt Nam hoặc Thái Lan. Từ Đông Dương, gà nhà bắt đầu phát triển lên phía bắc, đến Trung Quốc vào khoảng 7.000 năm trước, qua phía đông, đến các đảo Thái Bình Dương vào khoảng 3.300 năm trước và qua phía tây, đến Ấn Độ, Pakistan vào khoảng 4.000 năm trước. Từ Trung Cận Đông, gà thuần hóa vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu vào giữa thế kỷ V tr. CN. Cũng có thể gà đã du nhập vào châu Âu qua con đường từ Trung Quốc và Nga. Gà đã đến châu Mỹ bằng hai đợt, đợt một vào những thế kỷ đầu CN từ các đảo Thái Bình Dương và đợt hai do người Tây Ban Nha đưa tới trong những năm phát hiện ra châu Mỹ.



Tôi còn muốn tìm hiểu và giới thiệu thêm về quá trình thuần hóa một số loài động vật khác, đặc biệt là trâu và bò. Tiếc rằng tài liệu thu thập được đến nay còn quá ít và những công bố có được trong tay còn sơ sài, không có những thông tin cụ thể và đáng tin cậy. Có lẽ phải hẹn trở lại vào một dịp khác thuận lợi hơn.
Viết bài này, tôi có suy nghĩ rằng, nước ta cũng nằm trong khu vực phong phú quần động vật và thảm thực vật nhiệt đới, đầy đủ tiềm năng thuần hóa, nhất là với các loài như gà, lợn, trâu, chó… Vì vậy rất mong các nhà khoa học Việt Nam có sự hợp tác liên ngành giữa khảo cổ học, cổ sinh vật học, địa lý học, môi trường học, di truyền học…nhằm nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn lịch sử thuần hóa động thực vật trên đất nước ta, cũng là đóng góp đáng kể cho kho tàng tri thức nhân loại./.



Chú thích:
[*] Có lẽ ở đây nên phân biệt thuật ngữ “Thuần hóa” (Domestication – Engl., Одомашнивание – Русс.) và thuật ngữ “Thuần dưỡng” (Tame – Engl., Приручение – Русс.)
[1] Childe V.G. 1965. Man Makes Himself. Pub.Watts, London, 244p.
[2] Diamond J. 1999. Guns, Germs and Steel. New York, Norton Press. Dẫn theo www.wikipedia.org/Domestication.
[3] Одомашнивание. Википедия.
[4] Domestication. Wikipedia..
[5] K.Kris Hirst. (?) When and Where Animal Domestication Occurred. www.archaeology.about.com
[6] www.en.wikipedia.org/dog. Trong trang này có chú dẫn nhiều tư liệu gốc. Có thể ghi ra đây hai trong những công trình quan trọng nhưng tôi chưa tiếp cận được:
- Miklosi, Adam. 2007. Dog Behaviour, Evolution, and Cognition. Oxford University Press.
- James Serpell, ed. The Domestic Dog: Its Evolution, Behavior and Interactions with People
[7] K.Kris Hirst. How were Dogs Domesticated. www.archaeology.about.com.
[8] Carles Vilà et al. 1997. Multiple and Ancient Origins of the Domestic Dog. Science 13 June,Vol. 276. no. 5319, pp. 1687 - 1689
[9] Savolainen P., Zhang Y., Luo J., Lundeberg J., Leitner Th. 2002. Genetic Evidence for an East Asian Origin of Domestic Dogs. Science, Vol. 298, Is. 5598, pp. 1610-1613.
Xem thêm: H.B. 2002. Cụ tổ của chó nhà là chó sói Đông Á. www.vnexpress.net/SG/khoahoc/2002/ hay www.forum.vietpet.com. 04.07.2008
[10] John Pickerell. 2004. Oldest Known Pet Cat? 9,500 year-old Burial Found on Cyprus. Nat. Geog. News. April 8. 2004; www. news.nationalgeographic.com.
[11] Monika J. et al. 2008. The Ascent of cat breeds: Evaliation of Breeds and Worldwide random-bred Populations. Genomics vol. 91, issue 1, pp12-21 (www. ScienceDirect.com)
[12] www.newsru.com. 30.01.2008.
[13] - www.newsru.com 05.09.2007, trích dẫn theo Der Spiegel và www.InoPressa.ru
- Larson G. et al. 2007. Ancient DNA, pig domestication, and the spread of the Neolithic into Europe.Harvard University. www.pnas.org. (Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America)
[14] Giuffra E, Kijas JM, Amarger V, Carlborg O, Jeon JT, Andersson L 2000.The origin of the domestic pig: independent domestication and subsequent introgression. Genetics.154(4):1785-91
[15] Larson G. et al. 2005. Worldwide Phylogeography of Wild Boar Reveals Multiple Centers of Pig Domestication . Science 11 March.Vol. 307. no. 5715, pp. 1618 – 1621.
[16] - Rosie Mestel(c) 2005. Pigs Domestication Took Root in Many Places, Study Finds, Los Angeles Times. Đăng lại trong www.cppa4pigs.org. của California Potbellied Pig Association. Inc.
- Pigs force rethink on human history. www.admin.ox.ac.uk/po/05031.shtml. 11 march 2005.
[17] Pig domesticated “many times”. www.news.bbc.co.uk 11march 2005.
[18] Yuan Jing, Rowan K. Flad. Pig Domestication in Ancient China Antiquity,Vol.76, No. 293, pp. 724-732. Cũng được đăng trong www.kaogu.cn/en (Chinese Archaeology)
[19] K. Kris Hirst. The Hystory of the Domestication of Goats. Guide to the Hystory of animal domestication. www.Archaeology.about.com.
[20] Helena Fernández et al. 2006. Divergent mtDNA Lineages of Goats in an Early Neolithic Site, far from the Initial Domestication Areas. Edited by Ofer Bar-Yosef, Harvard University, Cambridge, M.A>, and approved August 23. www.archaeology.about.com.
[21] Briggs H.Origins of Domestic Horse Revealed. www.news.bbc.co.uk/2/hi/science/nature/2129182.
- Xem thêm: B.H. Đã sáng tỏ nguồn gốc của ngựa nhà. www.vnexpress.net. 16/07/2002.
[22] Weinstock, J.; et al. 2005. Evolution, systematics, and phylogeography of Pleistocene horses in the New World: a molecular perspective. Dẫn theo: Domestication of the Horse.Wikipedia.
[23] Domestication of the Horse. Wikipedia
[24] Dẫn theo Thomas H. Maugh II. 2009. Horses were Tamed a Millennium earlier than Previously Thought. Los Angeles Times . March 3.
- Xem thêm: Одомашнивание лошадей произошло на тысячу лет раньше чем предполагалось. www.newsru.com. 06/03/2009
[25] The Domestication of the Horse. What We theorize – When and Where Did Domestication Occur. www.imh.org/museum/history.php?chapter=12 (Trang web của The International Museum of the Horse, Lexington, Kentucky)
[26] Курица. Происхождение и история одомашнивания. www.ru.wikipedia.org/wiki/Курица
[27] K. Kris Hirst.History of Chickens (Gallus domesticus).
h1 = document.getElementById("title").getElementsByTagName("h1")[0];h1.innerHTML = widont(h1.innerHTML);
Domestication and the History of Chickens www.archaeology.about.com/od/domestications/qt/chicken.htm References and further reading may be available for this article. To view references and further reading you must purchase this article.
- Barbara West and Ben-Xiong Zhou. 1988. Did chickens go North? New evidence for domestication. Journal of Archaeological Science.Volume 15, Issue 5, September 1988, Pages 515-533. Dẫn theo bản tóm tắt trong. www.archaeology.about.com
- Gongora, Jaime, et al. 2008. Indo-European and Asian origins for Chilean and Pacific chickens revealed by mtDNA. Proceedings of the National Academy of Sciences 105(30):10308-10313. Dẫn theo bản tóm tắt trong www.archaeology.about.com
[28] Fumihito et al.1994. Protochicken. Proceedings of the National Academy of Science, v.91, pp. 12505-12509, 12/20/94. http://www.accessexcellence.org/WN/SUA04/protochicken.php
- Nguyễn Văn Tuấn.2005.Tản mạn về gà: một dấu tích văn minh nông nghiệp Đông Nam Á. www.chuyenluan.net/2005/200502/0502_07.htm
[29] Chicken www.en.wikipedia.org/wiki/Chicken

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét