Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

8.8.2005 - 8.8.2009

Hôm nay là đúng 4 năm Thầy về cõi vĩnh hằng. Nhớ Thầy!

Ơn thầy
(Công cha, Nghĩa mẹ, Ơn thầy)

Tôi không phải là học trò của Thầy tôi - GS. Trần Quốc Vượng, nếu hiểu theo nghĩa thông thường. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn tự coi mình là một trong số học trò “ruột” của Thầy, những gì tôi học được từ Thầy không có trường lớp nào, sách vở nào dạy được...
Nói về Thầy bao nhiêu cũng không đủ. Hơn nữa Thầy tôi có biết bao nhiêu học trò đã viết về Người, người thành đạt lại đông lắm. Trừ quãng thời gian những năm 1991-1993 chỉ có đôi ba học trò quanh Thầy, còn trước và sau quãng đó, lúc nào quanh Thầy tôi cũng có rất nhiều người. Đôi khi tôi thắc mắc thì Thầy lại nói một câu cực kỳ triết lý mà lại cực kỳ đời thường "Bá nhân, bá tánh" cô ạ, mà cô cũng "đuya" quá. Quả thực nếu Thầy tôi không "khoan dung" thì tôi đã bị mắng nhiều hơn nhiều, hoặc tệ hơn nữa là tôi sẽ phải "giả vờ". May mắn làm sao Thầy tôi rất tôn trọng cá tính của mỗi người. Tôi được Thầy dạy cho một điều đơn giản nhưng thật khó theo trong văn hoá ứng xử, là phải biết chấp nhận những khác biệt của người khác để họ chấp nhận những khác biệt của mình và "sống trong đời sống cần có một tấm lòng".
Có lẽ tại tôi “đi Tây từ bé”, nói theo cách nói của một người bạn, nên lối ứng xử có nhiều phần không nhuyễn. Đôi khi với Thầy, tôi cũng lỗi đạo làm trò, hay cãi, lại hiếu thắng, song chắc Thầy hiểu và lượng thứ.
Tôi về nước năm 1987 và sau đó là hành trình đi xin việc. Nói cho đúng, tôi đã được nhận ngay vào Bộ môn Khảo cổ học nhờ có sự giúp đỡ của chú Khẩn, thầy Hoàng Nam, thầy Hãn và đặc biệt là của Thầy lúc đó là chủ nhiệm bộ môn, nhưng vì đang có đợt giảm biên chế nên phải chờ. Lúc mới về nước, ngỡ mình - một phó tiến sĩ chuyển tiếp là "oách" lắm, đi đâu mà chả xin được việc, tôi tới Viện Khảo cổ học thử đề đạt nguyện vọng. Nào ngờ ông Viện phó phụ trách hành chính lúc bấy giờ đưa ra lý do hết sức đơn giản, không muốn nhận phụ nữ. Sang Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng lý do như thế, nản quá. Lúc vật nài, viết đơn cam đoan xin chuyển từ ngành Lưu trữ sang học Khảo cổ tôi có ngờ đâu cơ sự này. Ngẫm lại, tôi thấy thế mà lại hay, không ở Bộ môn Khảo cổ học, không có sự giúp đỡ của mọi người, không có sự chỉ bảo dìu dắt của Thầy, không có sự lượng thứ của Thầy - với tính nết "ngược" - (chữ của Thầy tôi) làm sao tôi theo và say mê nghề Khảo cổ, nghề dạy học như hôm nay. Bởi khi chọn ngành tôi đâu đã nhận thức được gì, chỉ nghĩ đơn giản vì thấy cái tên hay hay, lại luôn được đi đây đi đó, chứ theo lưu trữ để suốt ngày ngồi trong phòng sợ không hạp với tạng của mình. Tôi theo ngành Khảo cổ còn do tính hiếu thắng. Trong những môn học cơ sở năm thứ nhất, sinh viên các khoá (cả Tây lẫn Ta) thường truyền tụng nhau sợ nhất là môn Khảo cổ - môn học nhiều người trượt nhất. Đã thế tôi theo học cho biết. Nay thì tôi đã hiểu, Khảo cổ là cái nghiệp của mình và càng thấm thía "Mọi sự đều do nhân duyên".

Mấy năm nay, học sinh vào chuyên ban Khảo cổ rất ít và phần nhiều sức học không trội, ít cá tính, không giống những năm trước như tôi được nghe kể lại. Chắc là do Thầy tôi không giảng Cơ sở khảo cổ học nữa! Tôi nghiệm ra rằng, nghề nghiệp tác động nhiều đến tính cách con người, các nhà khảo cổ học dù thuộc dân tộc nào, nước nào thì cũng vẫn mang "những nét rất Khảo cổ học". Tôi vẫn nói với thầy Chủ nhiệm Bộ môn rằng ít nhất cũng phải mời Thầy giảng vài bài đầu, để “tiếp thị” - nói theo ngôn từ hiện nay. Nhưng có thể do Thầy tôi bận quá, nên sinh viên bị thiệt thòi, nhất là các em không được Thầy truyền cho tấm lòng say, yêu nghề, mà thiếu nó dù có thông minh đến đâu cũng vứt, nhất là ở một nghề vất vả, "khô cứng" lại không nhiều tiền.
Thầy tôi là một trong không nhiều người thuộc phái nam nhưng lại trọng nữ. Chẳng phải chỉ do Thầy nhận tôi vào bộ môn và tin tưởng giao việc cho tôi mà tôi nói vậy. Thực tế, tôi thấy Thầy có khá nhiều học trò nữ giỏi giang (đấy là những người tôi biết) như chị Kim Dung, chị Huyền, chị Liên... ở Viện Khảo cổ học. Có lẽ các chị cũng đồng ý với tôi rằng Thầy thực sự không phân biệt nam hay nữ trong công việc. Thầy luôn thông cảm, hiểu những hạn chế khách quan của phái nữ khi đi điền dã khảo cổ, và quan trọng nhất là niềm tin của Thầy vào khả năng làm việc và nghiên cứu ở chúng tôi. Tôi thực sự coi trọng và kính phục những người đàn ông như thế, ở họ trí tuệ và nội lực rất cao. Đâu có cần phải khinh "phái yếu" mới chứng tỏ mình "mạnh". Tôi thật may mắn được làm việc dưới sự dạy bảo của Thầy trong một không khí dân chủ và bình đẳng.
Tôi may mắn là từ những năm 90 trở lại đây, hầu như cuộc điền dã dài ngày nào ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, tôi đều được theo Thầy. Và tôi đã học được biết bao nhiêu điều về cả kiến thức lẫn ứng xử trong “trường đời”. Thầy tôi có cách dạy học trò rất độc đáo bằng cách giao việc, nhiều khi hơi quá sức. Qua đó học trò của Thầy trưởng thành và cứng cáp lên rất nhiều. Tôi nhớ lúc Thầy giao cho tôi đi dạy môn “Cơ sở văn hoá Việt Nam” cũng vậy, thực tình ban đầu tôi run lắm, dù đã không ít lần nghe Thầy giảng, đọc không ít tài liệu và đã soạn bài cẩn thận. Có người nhân chuyện đó đã bình luận với Thuý Anh (con gái Thầy, người tôi vẫn coi vừa là đồng nghiệp vừa là em gái), rằng tôi "liều", may Thầy tôi không nghĩ như vậy. Bây giờ tôi hiểu ra rằng, khi giao việc gì cho ai, Thầy đã tính kỹ lắm rồi. Có lẽ Thầy tôi theo phương châm dạy học của Đức Thánh Khổng. Tôi biết Thầy vẫn giám sát gián tiếp việc học/dạy của chúng tôi và không ít lần góp ý nhẹ nhàng nhưng rất xác đáng. Tôi nghiệm ra rằng, đấy là lối đào tạo tối ưu để có một người biết làm việc và nghiên cứu độc lập, có thể phát triển ý tưởng của Thầy mà không lặp lại như "vẹt". Tôi cố học ở Thầy lối đào tạo sinh viên như thế, nhưng chắc chẳng bao giờ đạt được. Làm một người thầy cho đúng nghĩa thực sự là khó. Tôi vẫn nhớ lời Thầy khi trả lời trên báo cách đây nhiều năm nhân ngày 20-11 rằng: làm thầy cần luôn ghi nhớ câu của Đức Thánh Khổng “Học để làm người và học để làm thầy". Thầy tôi là một tấm gương về sự học để chúng tôi noi theo. Thưa Thầy, “Xin Thầy hãy tha lỗi cho chúng con" vì còn quá mải chơi, ham thích nhiều thứ mà đôi khi bê trễ sự học.
GS. Đinh Xuân Lâm và tác giả trong ngày tiễn biệt GS. Trần Quốc Vượng
Thầy tôi nổi tiếng là người "gai góc", nhưng ít ai trừ lũ học trò quanh Thầy biết được một góc cạnh khác trong tính cách của Thầy, Thầy tôi cực kỳ tình cảm, một người Việt duy tình điển hình. Chúng tôi học được từ Thầy triết lý dân dã Việt "Làm ơn không nên nhớ, chịu ơn không nên quên". Trong buổi liên hoan sau hội thảo của bộ môn gần đây, Thầy tôi đã nhắc đến Vũ Hữu Minh - một học trò đã mất của mình với một niềm nuối tiếc và đau đớn. Bạn là học trò xuất sắc nhất của Thầy trong lĩnh vực địa - khảo cổ, địa - văn hoá và là chân điền dã dẻo dai. Minh ơi xin bạn yên lòng, Thầy của chúng ta luôn công bằng và chẳng bao giờ quên ai.
Một trong những ứng xử mà tôi hết sức khâm phục và cố học hỏi ở Thầy tôi đấy là quan hệ với cán bộ và nhân dân địa phương trong khi điền dã. Thầy thực sự tôn trọng họ và dạy chúng tôi biết kính trọng, học hỏi địa phương. Qua nhiều năm tôi đã nghiệm ra rằng Thầy thật có lý, không có sự chỉ dẫn và giúp đỡ tận tình của cán bộ và đồng bào địa phương, làm sao chúng tôi có thể đạt được kết quả như ngày hôm nay. Mỗi lần vào Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên... chúng tôi có cảm giác như lại về nhà. Tôi có "duyên" với mảnh đất nắng gió Trung Bộ cũng là nhờ Thầy. Sự chịu đựng gian khổ vất vả và khả năng điền dã phi thường của Thầy đã đào luyện tôi và nhiều bạn đồng nghiệp khác. Chút ít ỏi kết quả tôi đạt được cho tới ngày hôm nay trước hết thuộc về công của Thầy, của bạn đồng nghiệp địa phương. Thầy đã làm cho tôi bớt mặc cảm để tự tin vào bản thân mình. Xin được tỏ lòng tri ân Thầy và xin Thầy hãy tin ở học trò.
Tôi ơn Thầy còn vì nhiều lẽ khác, có đôi lúc tôi bị khủng hoảng nặng nề về tinh thần, chính Thầy đã giúp tôi lấy lại niềm tin vào bản thân. Những lần điền dã miền Trung được thấy tận mắt hậu quả tàn phá của thiên tai, mất mát của chiến tranh, những lần đi và ở lại bản của người Vân Kiều, thăm viếng nghĩa trang Trường Sơn... tôi càng thấm thía ra nhiều điều và càng thấy những buồn khổ của riêng mình thật nhỏ nhoi. Thầy đã dạy chúng tôi biết yêu văn hoá và con người Việt Nam không chỉ qua những bài giảng khúc triết, sinh động mà còn bằng những chuyến điền dã để nghiệm sinh. Nhờ những lần hỏi đi hỏi lại theo cách của Thầy mà chúng tôi có được những kiến thức thực tế cụ thể bổ sung cho bài giảng của mình. Tôi càng thấm thía trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học không thể qua loa đại khái và giải thích lấy được cho học trò theo cảm tính của mình.
Tôi hay bị Thầy mắng (nhiều lúc tủi thân khóc và tấm tức kiểu con giận lẫy cha mẹ), song qua những lần đấy tôi vỡ ra nhiều điều. Nhưng tôi lại hay được Thầy bênh. Có lẽ suốt ruột với sự "chậm tiến" của tôi, mà đôi lúc Thầy giục phải cho tôi "chức" gì đó. Phải thực lòng mà nói tôi ơn Thầy khi Thầy tin vào khả năng của tôi, nhưng tôi tự thấy tính cách của mình không hợp với những việc này. Tôi chỉ mong có sức khoẻ và mãi giữ được lòng say nghề để theo Thầy “đi lên non cao, đi về biển rộng”, để thấu hồn xưa ẩn trong từng viên đá, mảnh gốm, được mừng đến ngỡ ngàng khi khám phá cái mới và để cảm nhận hạnh phúc "con tim yêu thương vô tình chợt gọi lại thấy trong ta hiện bóng con người".
Chúng tôi (những thành viên và bạn của thành viên hội "cửu vạn" rất khác nhau về tính nết nhưng giống nhau đều là học trò Thầy, là con của Cụ Vượng) mong và thích nhất là được tập trung ở nhà Thầy, quây quần trong phòng sách, vừa nói chuyện, vừa ăn, vừa ngắm nghía giá sách không chán mắt và như Thầy nói, đó là lúc học được nhiều điều, nghiệm sinh nhiều lẽ. Mong sao mãi được như vậy.
Mọi người thường nói rằng tôi may mắn, có lẽ vậy. Cái may lớn thứ nhất của tôi là được sinh ra trong một gia đình hoà thuận, được ba mẹ và các em hết lòng yêu thương, chăm sóc; lớn lên có được gia đình nhỏ ấm yên. Cái may lớn thứ hai là tôi được theo Thầy làm Khảo cổ, được Thầy chỉ bảo, được làm việc trong một không khí cởi mở, tôn trọng khả năng và cá tính của mỗi người. Ơn Thầy làm sao hết được. Đối với chúng tôi - những người học trò chỉ có một cách đền đáp công lao dạy dỗ của Thầy là luôn “Học để làm người và học để làm thầy".

Lâm Thị Mỹ Dung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét