Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Về một bài nghiên cứu trên Tia Sáng

Trên Tia Sáng có một bài của "nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương" với nhan đề "Truy tìm nguồn gốc loài thú lạ trên mái chùa Một Cột"
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=5071&CategoryID=41

Thực ra, GS. Hà Văn Tấn đã có bài nghiên cứu về vấn đề này cách đây khá lâu, ông Trần Trọng Dương khi viết về chủ đề này đã không chịu tìm hiểu tài liệu của người đi trước để biết và để đánh giá những luận điểm của người nghiên cứu khác, để kế thừa hay phản bác (yêu cầu tối thiểu của một nghiên cứu là phải có phần lịch sử nghiên cứu vấn đề). Tia Sáng cũng hồ đồ khi đăng bài mà không xem xét, tạp chí Tia Sáng là tạp chí khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ chứ không phải là một trang báo mạng bình thường.

Đây là bài của GS. Hà Văn Tấn (copy từ fb của TS. Nguyễn Hồng Kiên)

“XI VẪN” TRONG BÀI THƠ VỀ CHÙA MỘT CỘT CỦA NHÀ SƯ HUYỀN QUANG

by Nguyễn Hồng Kiên on Thursday, April 12, 2012 at 11:54am ·
   
Vị tổ thứ ba của phái thiền Trúc Lâm thời Trần, ngài Huyền Quang, có một bài thơ rất hay về chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột, biểu hiện một triết lý thiền sâu sắc. Bài thơ đó đã được công bố nhiều nơi, ở đây tôi xin phép không nhắc lại, mà chỉ nói tới hai câu thứ ba và thứ tư, tả cảnh chùa:
Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh,
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn.


Trong tập Thơ văn Lý Trần xuất bản gần đây, hai câu đó được dịch nghĩa như sau:
Bóng xi vẫn nằm ngủ ngược dưới mặt hồ như tấm gương vuông lạnh giá.
Hai ngọn tháp đứng song song như ngón tay ngọc rét buốt.
Dịch như thế là được, không có vấn đề gì.

Vấn đề là ở chỗ chú thích: “Xi vẫn” hoặc còn gọi là xi vĩ, là hình những con cú được chạm hoặc đắp nổi trên nóc đình, chùa. Ở chùa Một Cột ngày nay là hình con rồng.

Do hiểu “xi vẫn” là hình con cú. Huệ Chi đã dịch hai câu trên trong bài thơ như sau:
In ngược hình chim, gương nước lạnh,
Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiên hàn (1).

Mới đây, trong quyển Những ngôi chùa danh tiếng, khi viết về chùa Một Cột, Nguyễn Quảng Tuân đã chép lại bài thơ dịch của Huệ Chi và bình luận thêm như sau:
 “Qua bài thơ chúng ta thấy tác giả tả cảnh chùa Diên Hựu với bóng xi vẫn (hình một loài chim) nằm ngủ in ngược xuống dưới mặt hồ trông như tấm gương vuông lạnh giá và với hai ngọn tháp đứng song song như ngón tay ngọc rét buốt”. Ngày nay ao Bích Trì, cầu vồng và bảo tháp đã không còn. Và các con Xi vẫn ở trên mái đã được thay thế bằng những con rồng”(2).

Có thật Xi vẫn là hình chim cú, như Huệ Chi nói: hay hình một loài chim, như Nguyễn Quảng Tuân nói hay không?

Đúng là có một loài cú mèo mà tên Trung Quốc đọc theo âm Hán Việt là Xi hưu. Nhưng trong trường hợp Xi vẫn thì Xi không phải là một loài chim, càng không phải là cú.
Ai lại đắp hình chim cú lên nóc đình chùa !  

Xi cũng có khi viết là () ở đây là một loài động vật ở biển, được nói đến trong truyền thuyết Trung Quốc.
Về động vật truyền thuyết này, có sách nói đó là loài cá, có sách nói đó là loài thú.

Sách Loại yếu chép: “Ở BIỂN ĐÔNG có loài cá giống con Xi, phun sóng tức mưa xuống, từ đời Đường về sau đắp tượng nó ở trên nóc nhà”.
Sách Tô chí diễn nghĩa chép: “Xi là loài thú ở biển, vua Hán Vũ Đế xây điện Bá Lương cho Xi vĩ là tinh của nước, có thể trừ được hoả tai, nên đặt hình tượng của nó ở trên điện”.

Trong khi đó, sách Đường hội yếu lại viết: “Sau khi điện Bá Lương thời Hán bị hoả tai, CÓ VU SƯ NGƯỜI VIỆT NÓI RẰNG trong biển có loài cá cuộn đuôi như con Xi, đập vào sóng thì mưa xuống, bèn làm hình tượng của nó trên nóc nhà để làm điềm trừ lửa “.

Như vậy, xi là loài động vật biển mà theo truyền thuyết, có thể gây ra mưa, nên  người Trung Quốc đắp hình nó trên nóc nhà với ý nghĩa phòng ngừa hoả hoạn.

Chú thích Thơ văn Lý Trần ghi rằng: “Xi vẫn hoặc còn gọi là Xi vĩ. Thực ra Xi vĩ  là hình đuôi con Xi, còn Xi vẫn là hình miệng con Xi.
Tuy vậy, do thói quen, người ta thường gọi lẫn lộn xi vẫn với xi vĩ.
Chẳng hạn, sách Cựu Đường thư của Lưu Tuân, người thời Ngũ Đại, chép năm Khai Nguyên thứ 14 (năm 726), có một trận gió lớn làm cho các xi vẫn trên của Đoan Môn rơi hết. Cũng sự kiện đó, trong Tân Đường thư, Âu Dương Tu đời Tống lại chép là các Xi vĩ rơi hết.

Trong thực tế, sự biến chuyển từ hình Xi vĩ đến hình Xi vẫn là một quá trình khá dài trong lịch sử kiến trúc Trung Quốc.
Vì chùa Một Cột thời Trần, theo ngài Huyền Quang, có hình Xi vẫn trên mái, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên biết đến sự ra đời và biến chuyển của Xi vẫn trong kiến trúc Trung Quốc.

Như trên đã dẫn, một số sách có nói về hình Xi vĩ (đuôi con Xi) trên điện Bá Lương thời Hán, nhưng các nhà lịch sử kiến trúc Trung Quốc đã nghi ngờ về điều này.
Họ cho rằng xi vĩ chỉ xuất hiện trên nóc các kiến trúc từ thời Tấn về sau mà chưa có ở thời Hán.
Họ dựa vào câu chép trong sách Bắc sử (Vũ Văn Khải truyện): “Từ Tấn về trước chưa có Xi vĩ ”, và câu chép trong Tấn thư (An Đế kỷ): “Tháng 6 năm Nghĩa Hy thứ nhất (năm 405) sét đánh vào Xi vĩ ở nhà Thái miếu”. Những câu này trong các bộ chính sử xác nhận sự xuất hiện của Xi vĩ ở đời Tấn.


Dựa vào các di tích kiến trúc, đặc biệt là dựa vào các hình nhà trong các bích hoạ, các nhà lịch sử kiến trúc Trung Quốc đã phác hoạ được con đường phát triển của Xi vĩ (3).
Đại thể từ thời Tấn đến Nam Bắc triều, hình xi vĩ còn khá đơn giản, chỉ là hai cái mấu cong ở hai đầu nóc nhà (xem hình dưới).
Đến đời Tuỳ, Đường, xi vĩ đã phát triển đến các hình thức đẹp, có dạng cao lớn, phía sau (tức phía trở ra hồi nhà) thường có hai hàng kỳ nổi lên. Còn phía trước, có những hình trang trí như những u tròn, được gọi là “bảo châu” (xem hình dưới).
Nhiều ngôi chùa cổ ở Nhật Bản còn giữ được kiểu Xi vĩ đời Đường, mà người Nhật gọi là shibi. Tôi đã có dịp xem các shibi như vậy ở chùa Horyu, Tosho, tại Nara, Nhật Bản.

Nhưng từ thời Trung Đường, hoặc cuối Đường, hình dạng Xi vĩ có sự biến chuyển quan trọng.
Phía sau của Xi vĩ không thay đổi mấy nhưng phía trước dần dần trở thành miệng con thú đang há ra. Như thế là Xi vĩ đã trở thành Xi vẫn.
Từ cuối Đường đến Tống, hình Xi vẫn càng ngày càng đa dạng. Trong tấm đuôi ngược lên phía trên, thường có những dạng có vẩy, làm cho Xi vẫn đã khá gần với hình rồng (xem hình dưới).


Trong Doanh tạo pháp thức của Lý Minh Trọng soạn năm 1100, có mục nói về Xi vĩ, nhưng cũng đã đề cập đến Long vĩ (đuôi rồng), mà thực chất là Long vẫn (miệng rồng).
Qua các đời Nguyên, Minh, Thanh, dần dần có những Long vẫn, hay đúng ra là hình rồng, với các dạng thức hoàn thiện (xem hình).


Đời Thanh, gọi chung Xi vẫn hay Long vẫnChính vẫn hay Đại vẫn.

Như vậy là chúng ta đã điểm qua lịch sử phát triển của Xi vĩXi vẫn, một hình thức trang trí hai đầu nóc nhà, trong kiến trúc Trung Quốc.

Điều chúng ta quan tâm ở đây là hình thức trang trí nóc nhà đó ảnh hưởng đến kiến trúc hay không? Liệu bài thơ của ngài Huyền Quang có phải đã đưa ra một sự miêu tả hiện thực hay từ Xi vẫn ở đây chỉ là một từ có sẵn mà tác giả mượn để chỉ các trang trí trên nóc nhà nói chung?
Tôi nghiêng về ý kiến cho rằng trên nóc chùa Một Cột thời Trần thực đã có các hình Xi vẫn.
Các ảnh hưởng của kiến trúc Trung  Quốc đến kiến trúc Việt Nam thời kỳ Lý Trần rõ ràng không thể phủ nhận. Ta có thể thấy được điều này qua các tháp hiện còn ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc đến Việt Nam trong thời kỳ Lý Trần chỉ có thể là những ảnh hưởng của kiến trúc từ cuối Đường đến Tống Nguyên.
Mà trong giai đoạn này của lịch sử kiến trúc cổ Trung Quốc, kiểu trang trí xi vẫn trong thơ Huyền Quang là hoàn toàn hợp lý. Điều đó có nghĩa là trên nóc chùa Một Cột thời Trần, có hình miệng con xi (xi vẫn) chứ không phải là hình đuôi con xi (xi vĩ) nữa. Mà đã là hình miệng con xi thì trên thực tế, rất gần với hình rồng.
Phải chăng hình rồng có vảy thời Trần là có ảnh hưởng nào đó của Xi vẫn thời Tống, Nguyên?


Một điều đáng suy nghĩ nữa là trên nóc chùa Một Cột thời Lý là đã có Xi vẫn hay chưa? Chúng ta biết rằng chùa Một Cột thời Lý có quy mô to lớn hơn và khác với chùa Một Cột ngày nay.
Quy mô đó có thể thấy qua những điều miêu tả trong Đại Việt sử ký toàn thư và trong văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi, Hà Nam. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 3, tr.15a) chép: “Mùa Thu, tháng Chín (năm Long Phù thứ năm, 1105), làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu... Bấy giờ vua (Lý Nhân Tông) cho chữa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ ở đài hoa sen, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp”. Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh (dựng năm 1122) cũng có đoạn tương tự: “Mở chùa Diên Hựu ở vườn Tây Cấm, dấu theo quy mô thủa trước, lo toan thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao chồi lên một cột đá, trên cột có một đoá hoa sen nghìn cánh xoè ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm, trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang vẽ bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu cong để đi lại. Ở sân trước cầu, hai bên tả hữu, xây tháp báu lưu ly”.


Như vậy là ở chùa Một Cột thời Lý, có hai ngôi tháp được xây dựng năm 1105. Trong thơ của Huyền Quang thời Trần có nói đến hai ngôi tháp, hẳn đó là những ngôi tháp có từ thời Lý. Có điều là ngôi chùa Một Cột thời Trần không còn là ngôi chùa thời Lý. Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, q.5.tr.16b) chép: “Năm Kỷ Dậu (Thiên ứng Chính Bình thứ 18, 1249), mùa Xuân, tháng Giêng, trùng tu chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ”. Nói rằng chùa được trùng tu trên nền cũ, có nghĩa là ngôi chùa trước đó không còn nữa.

Mà ngày xưa, trùng tu, tức xây dựng lại, không ai bắt buộc phải theo đúng hình mẫu cũ như công việc trùng tu di tích hiện nay. Do đó, chúng ta hoàn toàn không thể biết được những Xi vẫn có trên ngôi chùa thời Trần đã tồn tại trên ngôi chùa thời Lý hay chưa. Nếu có, thì cũng là Xi vẫn, đầu kiểu khác, chứ không thể là Xi vĩ.

Viết bài này, tác giả không chỉ nhằm đính chính một chỗ hiểu sai trong bài thơ nổi tiếng về chùa Một Cột của ngài Huyền Quang, mà muốn gợi ra một số vấn đề về kiến trúc Phật giáo Lý Trần, một giai đoạn rực rỡ trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.


(*) Đã in trong Nghiên cứu Phật học, số 3/1991.

(1) Thơ văn Lý Trần, Tập II, quyển Thượng- Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.1989.tr.705.

(2) Nguyễn Quảng Tuân. Những ngôi chùa danh tiếng- Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh,1990, tr.18.

(3) Về quá trình biến chuyển của Xi vĩXi vẫn, có thể xem bài “Trung Quốc cổ đại kiến trúc đích tích sức” (Hình trang trí nóc nhà trong kiến trúc cổ đại Trung Quốc) của Kỳ Anh Đào, trong tạp chí Văn vật số 3, 1978, tr.62-70.

Bonus
Note của TS. Nguyễn Hồng Kiên ĐÁNG LƯU Ý là:
"Sách Loại yếu chép: “Ở BIỂN ĐÔNG có loài cá giống con Xi, phun sóng tức mưa xuống, từ đời Đường về sau đắp tượng nó ở trên nóc nhà”.
Sách Tô chí diễn nghĩa chép: “Xi là loài thú ở biển, vua Hán Vũ Đế xây điện Bá Lương cho Xi vĩ là tinh của nước, có thể trừ được hoả tai, nên đặt hình tượng của nó ở trên điện”.
Trong khi đó, sách Đường hội yếu lại viết: “Sau khi điện Bá Lương thời Hán bị hoả tai, CÓ VU SƯ NGƯỜI VIỆT NÓI RẰNG trong biển có loài cá cuộn đuôi như con Xi, đập vào sóng thì mưa xuống, bèn làm hình tượng của nó trên nóc nhà để làm điềm trừ lửa “."
Nguồn: 
http://www.facebook.com/notes/nguy%E1%BB%85n-h%E1%BB%93ng-ki%C3%AAn/xi-v%E1%BA%ABn-trong-b%C3%A0i-th%C6%A1-v%E1%BB%81-ch%C3%B9a-m%E1%BB%99t-c%E1%BB%99t-c%E1%BB%A7a-nh%C3%A0-s%C6%B0-huy%E1%BB%81n-quang/229652080475741?notif_t=note_reply

1 nhận xét:

  1. Bài của thày Tấn rõ ràng là hay quá rồi, nhưng lời trách TTD và tia sáng của LMDz như vậy thì hơi nặng quá. Có phải bất kỳ nghiên cứu nào cũng đề cập được hết mọi công bố và phát biểu trước đâu. Vấn đề ở chỗ liệu TTD có "đạo" của GS HVT hay không thôi. Nếu không thì đó là sự trùng lặp trong tiếp cận KH, mà tôi tin ở kiến giải dưới, tức là TTD đã không biết đến bài viết này của GS HVT. Xin lỗi mọi người, tôi cũng không biết và chưa đọc đến. Hôm nay mới đọc, rất cảm ơn LMDz.

    Trả lờiXóa