Sau năm 2000, trầy trật mãi mình mới được cho ra HN học bổ túc văn hóa. Úi cha mẹ ơi, nghĩ đến mà sợ: cơ khổ vì thủ tục, cơ khổ vì đói kém, cơ khổ vì việc ăn ngủ, đi lại v.v, bù lại, may mắn sao, mình được học với nhiều thầy giỏi, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị. Thầy Vượng - GS Trần Quốc Vượng là một trong những người đáng kính như thế.
Trong cái lớp hơn chục mạng của bọn mình, không phải là không có người từng được nghe ông nói chuyện, giảng bài nhưng được học với GS hẳn một chuyên đề dài hàng mấy chục tiết liền thì chưa ai vinh hạnh. Còn nhớ hồi đó, sau khi coi lịch báo giảng tuần tới xong rồi thì không ai bảo ai, tất thảy đều bổ đi đọc Trần Quốc Vượng. Ai cũng lăm lăm rằng là mình đã biết thầy mình sinh năm nào, quê ở đâu, học trường nào, sách viết là những quyển gì...
Đến khi GS xuất hiện mới thấy, tất cả những cái ấy chưa phải là Trần Quốc Vượng hay nói đúng hơn thì mới có chút xíu hồn cốt ông thôi. GS vào lớp với cái vẻ phong trần rất đáng kể: quần bò, áo sơ mi, choàng bên ngoài là cái áo len ngắn tay màu sậm. Một tay đút túi quần Jean, một tay để sau lưng, cái đầu nghiêng nghiêng, miệng ngậm điếu thuốc, ông hất hàm bảo chúng mình lần lượt tự khai lí lịch trích ngang. Thầy bảo nếu ai đang là đảng viên thì cũng phải thành thật nói ra luôn đấy nhé. Tất cả răm rắp làm theo. Nghe báo cáo đến quê hương ai ở đâu, GS cũng hỏi han thêm vài câu hoặc là quanh cái địa danh ấy, ví dụ anh có biết Thanh Hóa là gì không, hoặc Ninh Bình, Nghệ An nghĩa là gì... hoặc là về những sự nổi tiếng/tai tiếng trong lịch sử và cả hôm nay nữa của miền đất ấy. Cái sự tự giới thiệu tưởng nhạt hóa ra quá hay, vì nó có quá nhiều tri thức sống động được GS truyền trực tiếp cho bọn mình buổi ấy.
Tên mình vần T lại ngồi cuối lớp nên là người khai báo sau cùng. GS bảo đại ý, anh ở xa xôi mà lại dám liều mạng ra đây đi học như thế là khá; cố gắng học cho đàng hoàng... Thấy ông hiền lành nên mình khai nhiều hơn mức cần; có cái GS không hỏi nhưng tiện thể mình cũng tuôn luôn một lần. Ông gật gù nghe rồi bỗng nói đùa: Hừm, anh này đảng viên nhưng mà... tốt.
Lúc này mình mới ngước mặt nhìn lên GS, thì thấy ông đang nhấm nháp lon 333 lạnh. Hóa ra, bộ phận đào tạo của Viện đã kịp mách cho các chị học viên lớp mình chuẩn bị sẵn, vì rằng: Thầy Vượng - no beer no class! Đúng là với những con người như Thầy, làm gì có giáo học pháp nào trói buộc được. Mỗi buổi Thầy dạy, luôn có sẵn hai lon bia lạnh trên bàn. Hết hai lon ấy, buổi học cũng khép lại và trong mấy chục tiết Thầy dạy, không buổi nào không rôm rả những trao đổi thẳng thắn. Ban đầu, bọn mình nhát không dám hỏi trực tiếp, cứ phải viết giấy không ký tên rồi đưa lên; sau vài buổi hết sợ, cứ hỏi thoải mái, có nhiều câu hỏi ngố hoặc ngang phè phè, kiểu như muốn nắn gân Thầy vậy (ví như có người hỏi: vì sao hát chèo lại i hì hi i í hi hì nhiều thế còn quan họ thì lại khác, vọng cổ khác...). Mà lạ làm sao, không câu nào Thầy cho lọt cả. Thật là một bậc kì tài, khi ấy mình nghĩ thế.
Người ta bảo thầy Vượng là... chúa kiêu. Buổi đầu tiên vào lớp mình, ông cũng nhắc lại câu này. Rồi buông một cái thở dài: Tôi nào kiêu đâu nhỉ? Dưng mà nếu có kiêu, thì ai đó nói câu này, cứ giỏi bằng tôi đi hẵng... Nói rằng kiêu, nhưng chúng mình chẳng thấy Thầy kiêu gì cả. Có lẽ là vì ông tài quá, nên đôi khi nói vậy mà chơi, gặp những người kém tài, không ưa thì ghen ghét thôi. Ngay buổi đầu tiên hôm ấy, sau khi mình khép lại màn tự giới thiệu của học viên, ông bước ra đứng giữa bục giảng, nói một câu đại ý: Tôi, Trần Quốc Vượng, nổi tiếng, chắc ai cũng biết rồi, khỏi cần giới thiệu nữa. Tính Thầy vậy, nhiều khi hình như đã có lần mắc nạn vạ miệng. Ông là người thẳng thắn, không biết thì nói không biết, không hề e ngại. Một lần mình đã bạo miệng hỏi: Thưa GS, ai là chủ nhân của di chỉ khảo cổ học Lung Leng (Kon Tum) ạ? Ông đáp luôn mà không cần suy nghĩ: Anh hỏi thế, bố tôi cũng không trả lời được...
GS cũng là người hay vui đùa hóm hỉnh và cực kì bộc trực. Hồi đó có cầu thủ Nghệ An trùng tên với ông nổi như cồn, rồi sau dính vụ bán độ bóng đá. Ông bảo, mình là GS, đi dạy khắp nơi, viết bao nhiêu công trình, chả ma nào nhớ tên. May nhờ có anh QV đá bóng hay nên nay cũng được thơm lây. Còn nhớ mỗi buổi chiều sau giờ dạy, ông lại rủ tất cả học viên xuống cái quán nhỏ ngồi uống rượu. Rượu gì mình chẳng nhớ, nhưng màu hồng, không nặng lắm nhưng mà thơm. Uống đến nửa chừng thể nào cũng có người trong nhóm lén đi trả tiền thay cho ông. Đến khi đứng dậy, ông nhất khoát đòi chủ quán trả tiền lại cho trò với lí do đây là rượu ông mời và không quên chửi thằng/con nào một câu quen thuộc: văn hóa lùn!
(Sau này, ở Pleiku, mình tình cờ gặp vài ba người tự xưng là những tay phù thủy cao tay hoặc đại ca về môn phong thủy. Nhiều người tin sái cổ, một tiếng xưng thầy hai tiếng xưng thầy, cung phụng ra trò; riêng mình biết chắc đó là những tên bịp bợm. Nhìn thẳng vào mắt họ, nghĩ mà thương: Hán Nôm mù tịt, kiến văn loanh quanh trong vườn, chỉ với mấy quyển sách mua ngoài chợ, mà đòi làm cái chuyện kinh thiên động địa ấy được sao trời? Sở dĩ viết thêm đoạn này là vì, trong hơn chục ngày được học và chơi với Thầy, mình đã vỡ ra một tí về ông trong lĩnh vực này: GS Vượng có thể nói rất hay về phong thủy, tử vi tướng số. Nhưng đấy đã là nội dung của một bài viết khác, trong một dịp khác).
Ở Việt Nam có lẽ hiếm có người thầy nào tự xưng với học trò của mình là em hoặc nhà em như GS Trần Quốc Vượng. Trong lớp, ông hay nói, đại ý: Nhà em biết đến đâu bá cáo quý anh chị đến đấy hoặc: em nói thế có đúng không ạ, nếu sai các bác bỏ quá cho... Học với ông không lúc nào không vui nhưng cũng lắm khi căng thẳng, ấy là khi ông truy đến tận cùng một vấn đề (và thường thì thế nào đám trò cũng thòi cái đuôi dốt ra). Có lần mình chở Thầy về bằng xe máy, qua phố Đông Mác, ông hỏi mình lai lịch của nó. Mình chịu. Ông bảo cậu không rõ không sao, nhưng nếu biết đây vốn là địa danh mang tên Ông Mác, người lập ra trại này khi xưa thì hay đấy; lại có lần ông bảo có biết phố Hàng Hòm còn có tên gì không? Mình lắc. Ông bảo: Dốt. Rồi giải thích cặn kẽ cho... Không bao giờ quên được Thầy, đúng là chỉ đi với Thầy một đoạn đường đã học được bao nhiêu điều hay, nhiều khi không hề có trong sách vở.
Khóa mình là khóa cuối cùng được học với Thầy, thật may mắn biết chừng nào. Sau đận ấy, mình về rừng, lặn ngụp nơi làng xã xa xôi. Mải mê, mù mịt. Cho đến một hôm nhận được tin GS đã mất vì ung thư vòm họng. Mình lặng người đi, chẳng biết nói hay viết điều gì, bởi xét cho cùng mình chẳng là gì của Thầy cả, viết linh tinh không khéo mang tiếng thấy người sang... đành thôi. Đến giỗ đầu Thầy, chịu không đặng, mình liều viết mấy dòng, đăng trên một tờ báo địa phương. Rồi thôi, đến tận bây giờ.
Thế mà, thoắt một cái, đã hơn nửa thập kỉ rồi, kể từ ngày Thầy mất. Nhanh thật. Hôm nay, ngồi lật lại những hình ảnh xưa, gặp lại Thầy, bồi hồi nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra, tưởng như mới vừa hôm qua. Nhớ cái phong thái thoải mái của Thầy, sự uyên thâm đa ngành và điều quan trọng hơn cả với mình, ấy là Thầy coi mình như một đứa học trò ngu đần nhất hạng có chút thích thú văn hóa dân gian, nên đã không tiếc công bày vẽ cho cái mà Thầy gọi vui là "nghề làm ăn". Mình đã được Thầy cho phép ghi bài bằng máy ghi âm, được mang máy hình vào lớp và muốn chụp lúc nào tùy ý.
Những hình ảnh dưới đây mình chụp tháng 12 năm 2003 - buổi học cuối cùng với GS Trần Quốc Vượng - bằng một cái máy cơ cổ xài phim. Tấm cuối cùng mình đang ỏn ẻn cười zô ziên, có được là nhờ một nhà báo ở Kiên Giang bấm hộ:
Nguyễn Quang Tuệ
http://pleikucafe.com/ver2/tin-tuc-24h/pleiku--/them-doi-dong-ve-co-gs-tran-quoc-vuong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét