Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Sự thất truyền của Truyền quốc ngọc tỉ

Sách đã in: "Bí ẩn về lịch sử khảo cổ" (Tác giả: Chu Trọng Ngọc,  người dịch: Nguyễn Trung Thuần, Nxb Phụ nữ, năm 2011)

Thời xưa, những văn bản được ban bố dưới danh nghĩa của nhà vua được gọi là thánh chỉ, phải đóng thêm cả ấn chương để thể hiện quyền uy của vua. Ấn chương của vua được chạm khắc bằng ngọc, gọi là ngọc tỉ. Ngọc tỉ có rất nhiều cái, được dùng để đóng lên các loại văn thư và bố cáo khác nhau. Trong số đó có một loại ngọc tỉ đặc biệt thiêng liêng, khi vua già sắp chết, phải đích thân giao lại cho thái tử là hoàng đế kế vị trước mặt các quan đại thần, để thể hiện việc truyền lại cả thiên hạ cho ông ta, vì thế mà được gọi là Truyền quốc ngọc tỉ. Đó là do Tần Thủy Hoàng qui định.
Vì sao Truyền quốc ngọc tỉ lại thiêng liêng đến vậy? Bởi vì có được nó không phải chuyện dễ, nó được chạm khắc bằng một viên bảo ngọc hiếm có trong nhân gian. Viên bảo ngọc này mới đầu do một người nước Sở tên là Biện Hòa kiếm được. Biện Hòa đem dâng nó cho Sở Lịch Vương. Bởi bên ngoài bảo ngọc có bọc một lớp ngọc chưa giũa, nên Sở Lịch Vương cho rằng nó chỉ là một viên đá bình thường, bèn ra lệnh chặt chân trái của Biện Hòa vì tội khi quân. Khi Sở Vũ Vương lên ngôi, Biện Hòa lại đem dâng ngọc, Sở Vũ Vương cũng không nhận ra là vật quí, lại sai chặt nốt chân phải của Biện Hòa. Khi Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa đã bị mất cả hai chân ôm theo bảo ngọc đến khóc lóc thảm thiết dưới chân núi Kinh Sơn, rằng sao mọi người lại chẳng ai nhận ra được vật quí. Sở Văn Vương lệnh cho người xẻ lớp ngọc chưa giũa bên ngoài ra, quả nhiên có được bảo ngọc quí hiếm, bèn trọng thưởng cho Biện Hòa, rồi lệnh cho người chạm khắc bảo ngọc thành ngọc tỉ, tên hiệu là “Hòa thị bích”. Sau đó Hòa thị bích bị rơi vào tay Triệu Huệ Văn Vương, Tần Chiêu Vương muốn đoạt được viên ngọc bích này, ra ý muốn đổi bằng 15 tòa thành trì. Nước Triệu biết đây là chiêu lừa, liền sai Lận Tương Như đem viên ngọc bích này đi làm công việc giao thiệp hết sức gian nan này. Lận Tương Như nhờ vào trí tuệ và lòng dũng cảm của mình mà đã đem được nguyên vẹn viên ngọc bích về nước Triệu. Đó chính là câu chuyện “Hoàn bích qui Triệu” nổi tiếng trong lịch sử. Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc xong đã đoạt được Hòa thị bích. Ông ta cho rằng thứ bảo bối tổ tông mình muốn có mà không được đã bị ông ta đoạt lấy, đây là ý trời, rất đáng làm kỉ niệm, bèn cho chế viên ngọc bích này thành ngọc tỉ, chạm khắc lên đó 8 chữ “Thụ mệnh vu thiên, kí Thọ Vĩnh Xương”, gọi nó là Truyền quốc ngọc tỉ, với mong muốn nó sẽ được lưu truyền đời đời, truyền cho đến ngàn vạn đời, liền với vương vị của mình.
Truyền quốc ngọc tỉ vừa quí báu lại thiêng liêng như vậy, sau này nguwofi ta đã coi nó là vật tượng trưng cho hoàng quyền và thiên hạ. Ai có được Truyền quốc ngọc tỉ, người đó sẽ là vị vua được qui về thiên mệnh, sẽ đoạt được cả thiên hạ.
Con cháu Tần Thủy Hoàng rất tệ hại, Tần Nhị Thế vừa ngu xuẩn vừa hủ bại, nên đã dẫn đến các cuộc khởi nghĩa nông dân do Trần Thắng và Ngô Quảng lãnh đạo, Tần Nhị Thế trong cơn hỗn loạn đã bị hoạn quan Triệu Cao giết chết. Cháu ông ta là Tử Anh phò Tô Chi Tử cũng không thể cứu vãn được thiên hạ., cuối cùng đành phải trắng ngựa trắng xe, trên cổ bị tròng vào một sợi dây thừng chứng tỏ có tội, đầu hàng Lưu Bang, ngoan ngoãn xin dâng Truyền quốc ngọc tỉ.
Lưu Bang trong cuộc tranh chấp Sở Hán với Hạng Vũ trong, do có chiến lược đúng, lại giỏi về dùng người, cộng thêm với việc đoạt được Truyền quốc ngọc tỉ, nên dân tình đều đã coi ông ta là chân mệnh thiên tử rồi, đều chịu bỏ mạng vì ông, vì thế đã đánh bại được Hạng Vũ mà đoạt được thiên hạ, kiến lập nên triều Hán.
Những năm cuối đời Tây Hán, vua bất tài, đại quyền rơi vào tay Vương Mãng đằng bên họ ngoại. Cuối cùng, Vương Mãng đã tiếm đoạt được ngôi vị, đổi Hán triều thành Tân triều. Nắm giữ Truyền quốc ngọc tỉ ở cuối đời Hán là Hoàng thái hậu Hán Hiếu Nguyên – cô của Vương Mãng. Vương Mãng cho rằng cô đã yêu thương mình rất mực, thì chuyện có muốn đòi lại Truyền quốc ngọc tỉ cũng chẳng có vấn đề gì. Ai ngờ vị Thái hậu này tỏ ra quá nguyên tắc, bà cho họ Vương tiếm đoạt thiên hạ của họ Lưu là hành vi bất nhân bất nghĩa, nên đã chửi cậu cháu một trận té tát, rồi còn giận dữ ném Truyền quốc ngọc tỉ đi, nhằm tỏ ý thà ngói lành còn hơn ngọc vỡ. Kết quả là ngọc tỉ không vỡ hẳn, mà chỉ bị vỡ có một góc. Vương Mãng lấy lại được ngọc tỉ đã bị sứt sẹo liền tự cho mình là chân mệnh thiên tử. Ông ta cho người trám lại góc bị khuyết bằng vàng, rồi vẫn giữ gìn với danh nghĩa là Truyền quốc ngọc tỉ. Không lâu sau đó, quân khởi nghĩa nông dân tiến đánh vào hoàng cung, Vương Mãng bị giết, Truyền quốc ngọc tỉ vừa quí báu vừa thiêng liêng nọ, sau khi qua tay hai vị lãnh tụ khởi nghĩa nông dân là Lưu Huyền và Lưu Bồn Tử, đã rơi vào tay Quang Vũ Đế Lưu Tú là người sáng lập ra nhà Đông Hán.
Khi Đông Hán truyền đến đời Hiến Đế Lưu Hiệp, do ông ta bất tài và bọn hoạn quan ngoại thích làm loạn triều chính mà thiên hạ đại loạn. Một lần, hoạn quan Trương Nhượng ép buộc Hiến Đế phải ra đi. Người coi giữ Truyền quốc ngọc tỉ  sợ ngọc tỉ bị rơi vào tay kẻ khác, đã ném nó xuống một cái giếng ở Thành Nam, Lạc Dương.  Khi cha của
Tôn Quyền là Tôn Kiên đem quân tiến đánh vào Lạc Dương, nghe nói giếng ấy có phụt lên khí ngũ sắc, liền sai người xuống giếng mò Truyền quốc ngọc tỉ lên. Khi ấy, Viên Thuật, đương kim hoàng đế đầy dã tâm, nghe được tin liền cho bắt giam vợ Tôn Kiên, cưỡng bức Tôn Kiên phải giao ngọc tỉ. Sau khi đoạt lại được ngọc tỉ, Viên Thuật liền xưng đế ở Thọ Xuân. Nhưng không lâu sau thì bị đánh bại, ho ra máu mà chết. Sau khi Từ Cù người Quảng Lăng đoạt được Truyền quốc ngọc tỉ, liền trao lại cho Hán Hiến Đế.
Sau khi con trai của Tào Tháo là Tào Phi thay nhà Hán lập nhà Ngụy, Truyền quốc ngọc tỉ thuộc sở hữu của Tào Ngụy ở Tam quốc. Tư Mã Viêm thay nhà Ngụy lập nhà Tấn, ngọc tỉ được truyền giao cho Tây Tấn. Trải qua 16 năm “Loạn Bát vương”, nguyên khí nhà Tây Tấn bị thương tổn nặng, các dân tộc thiểu số ở phương Bắc đứng đầu là Hung Nô, Tiên Ti, Hạt, Thị, Khương đua nhau kéo về, làm phát sinh cái gọi là “Ngũ Hồ loạn Hoa”. Truyền quốc ngọc tỉ bị nhà Hán (Tiền Triệu) do người Hung Nô lập nên đoạt mất, sau đó truyền tay nhau trong các chính quyền dân tộc thiểu số. Tiếp đó, ở Trung Quốc xuất hiện cục diện đối mặt Nam Bắc Triều, ngọc tỉ từ Bắc triều đến tay nhà Tùy, rồi lại từ nhà Tùy đến tay nhà Đường.
Kể từ khi Tần Thủy Hoàng cải chế Hòa thị bích thành Truyền quốc ngọc tỉ , trong khoảng hơn 1000 năm khi truyền đến tay nhà Đường, chiếc ngọc tỉ vừa quí báu vừa thiếng liêng này liên tục được truyền tay, nhiều khi là cha truyền cho con, con truyền cho  cháu trong nội bộ một triều đại, nhiều khi lại là bị các hoạn quan hoặc tướng quân đoạt mất, rồi cải hoán cả triều đại. Tất cả những vị vua có trong tay Truyền quốc ngọc tỉ đều cảm thấy mình là Chân long thiên tử thuộc mệnh trời, chẳng còn gì phải áy náy nữa cả. Làm vua mà không có được Truyền quốc ngọc tỉ trong tay thì lòng luôn thấp thỏm bất an, cứ như là mình danh không chính thì ngôn không thuận vậy, thế là tìm trăm phương ngàn kế để có được Truyền quốc ngọc tỉ.
Những năm cuối đời Đường, phiên trấn[1]  cát cứ, thiên hạ lại một lần nữa đại loạn, tiếp đến là Ngũ đại Thập quốc kéo dài gần 50 năm. Khoảng thời gian các vua của Ngũ đại Thập quốc tại vị đều không dài lắm, chẳng khác nào như anh vừa dứt hát thì tôi lên sân khấu trong diễn hí khúc, người ta dường như chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ tới chuyện Truyền quốc ngọc tỉ nữa, vì thế mà Truyền quốc ngọc tỉ đến thời Ngũ đại Thập quốc đã lặng lẽ biến mất tăm.
Sau khi triều Tống được kiến lập, người ta đã đi tìm Truyền quốc ngọc tỉ khắp nơi, nhưng mãi mà chẳng thấy. Hai triều Minh Thanh cũng phái người đi tìm khắp chốn, rồi cũng phải thất vọng. Trong khoảng thời gian ấy tuy nhiều lần cũng có những người vì muốn được ban thưởng, nên đã dâng lên thứ gọi là Truyền quốc ngọc tỉ, nhưng qua kiểm định đều là giả mạo, có những người đã vì thế mà mất đầu. Ngày nay có nhiều Ngự dụng ngọc tỉ của các vua triều Thanh được cất giữ ở Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, song trong số đó lại không có Truyền quốc ngọc tỉ thật được lưu truyền từ thời Tần Thủy Hoàng.
Truyền quốc ngọc tỉ đi đằng nào mất rồi?  Có người nói, khi nhà Đường bị diệt vong, viên quan coi giữ ngọc tỉ đã ném nó xuống ao trong hoàng cung, bởi dưới ao có rất nhiều bùn lắng, nên về sau mãi vẫn chưa vớt lên được. Có người nói, các vua thời Ngũ đại Thập quốc đều đoạt chính quyền nhờ vào vũ lực, trong đầu óc họ căn bản chẳng có kiểu khái niệm gì về chính thống, hợp pháp, vì thế mà cũng chẳng coi trọng thứ gì là Truyền quốc ngọc tỉ, có thể sau khi phân cắt ngọc tỉ xong, họ đã cải chế thành những đồ trang sức bằng gọc mất rồi. Lại có một thuyết pháp khác nói vào năm thứ nhất Hậu Lương thuộc triều đại đầu tiên của Ngũ đại, có người vẫn còn nhìn thấy Truyền quốc ngọc tỉ, nhưng người có được ngọc tỉ đã không có đủ tài đoạt lấy chính quyền dể làm vua, mà cũng không muốn dâng ngọc tỉ lên cho kẻ làm vua nhờ vào thủ đoạn tiếm ngôi, thế nên đã bí mật đem ngọc tỉ chôn xuống đất mất rồi.
Cả ba thuyết pháp trên, nếu như thuyết pháp thứ hai là thật, thì Truyền quốc ngọc tỉ cũng sẽ vĩnh viễn không còn tìm thấy; nếu những lời trong thuyết pháp thứ nhất và thứ hai là đáng tin cậy, thì thể nào cũng có ngày những người làm công tác khảo cổ sẽ đem lại một tin tức gây kinh ngạc, nói rằng Truyền quốc ngọc tỉ đã được họ tìm thấy rồi.


[1] Phiên trấn:  Tổ chức hành chính, quân sự ở vùng biên giới và các khu vực xung yếu đời Đường – ND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét