Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Mỗi hiện vật một câu chuyện – Kendi, ấm hay bình, bình hay ấm hay vừa ấm vừa bình

   Khái niệm Kendi xuất phát từ Kundi, Kundi lại có gốc chữ Phạn Kundika có nghĩa là bình nước. Trong tiếu tượng học Hindu, Kundik được xem là thuộc tính của thần Brahma và Siva, trong Phật giáo nó là thuộc tính của Avalokitesvara. Nói chung đây là đồ dùng để uống truyền thống ở  Đông Nam á không có quai nhưng có thể có vòi, tên gọi kendi luôn gắn với đồ để uống có vòi. ở Indonesia ngày nay, kendi được dùng để chỉ đồ dùng uống nước gia dụng và nghi lễ. Có nhiều khả năng kendi có vòi Đông Nam á là một loại hình tiến hóa của dạng bình nước Ấn Độ có nguồn gốc từ  kendi Lưỡng Hà.
 Tóm lại, kendi là thuật ngữ dùng để gọi loại bình không có quai và tay cầm, có hoặc không có chân đế, cấu tạo gồm hai bộ phận cơ bản là bầu rỗng để đựng chất lỏng và một vòi. Vòi được gắn liền và thông với bầu để rót chất lỏng từ trong bầu ra. Kendi vừa là đồ gia dụng vừa là đồ nghi lễ. Trên một số diêu khắc Champa và Đông Nam á khác, hình tượng kendi hoặc tồn tại độc lập, hoặc được miêu tả trong cảnh hành lễ.
  Kendi Champa (thuộc nhóm gốm 2) thường gặp ở những địa điểm giai đoạn muộn từ thế kỷ 3 trở đi. Địa điểm Trà Kiệu cũng là nơi cung cấp bộ sưu tập lớn nhất về kendi được biết cho đến nay ở khu vực miền Trung Việt Nam (trước đây trong các thông báo và nghiên cứu chúng tôi gọi loại hình này là ấm không quai, song xét về chức năng khái niệm ấm không thích  hợp lắm, có lẽ dùng tên gọi bình- kendi thì hợp lý hơn thể hiện được công dụng thực và chức năng biểu trưng của bản thân vật dụng). 
  Chất liệu và màu sắc của kendi tương tự như vò. Kendi thường được chế tác bằng kỹ thuật xoay, vòi và chân đế làm rời, sau đó gắn vào. ở một số mảnh dấu vết kỹ thuật còn lại cho thấy sau khi tạo dáng sản phẩm, người thợ còn miết láng ở một số chỗ cần thiết để tạo bề mặt nhẵn hoặc quét lên bề mặt gốm một lớp áo sét loãng để tăng thêm độ bền và yếu tố mỹ thuật cho sản phẩm.
Kendi thường có miệng hẹp những thành miệng loe rộng, rìa miệng dày và thường lõm hình lòng máng, một số có miệng tạo gờ nổi bản rộng thẳng xuống. Cổ kendi cao, hình ống và hơi thắt lại ở giữa. Thân hình cầu tròn hay dẹt. Vòi kendi có hình dáng khá đa dạng, bên cạnh loại vòi thẳng còn có loại thon dài rồi vòi tròn ngắn ở đầu có gờ tròn nổi. Trong sưu tập kendi các địa điểm giai đoạn sau Công nguyên ở miền Trung Việt Nam chưa thấy loại kendi có vòi kép hay kendi có vòi hình bầu vú. Những kendi có chân đế thường thuộc dạng chân đế rỗng, cao và choãi. Kendi ở giai đoạn sớm đa dạng hơn kendi ở giai đoạn muộn. Nhìn chung kendi miền Trung Việt Nam đơn giản hơn về loại hình so với kendi ở các nước Đông Nam á khác.
Hoa văn trang trí rất đơn giản, thường chỉ là 1 hay 2 đường vạch chìm song song với nhau chạy vòng quanh ở giữa phần vai và thân kendi. Đôi khi giữa hai đường này có xen vạch hình sóng nước đơn hoặc kép.
 Những kendi gốm nhiều loại cũng phát hiện được nhiều trong các di tích văn hoá Óc Eo có mặt trong suốt thời kỳ phát triển của văn hoá này (thế kỷ 2 đến đầu thế kỷ 7) và giai đoạn sau OE. Theo TS. Lê Thị Liên, chức năng của những kendi này khá đa dạng, tín ngưỡng tôn giáo, sinh hoạt, tuỳ táng và dựa trên việc tiếp nhận các ảnh hưởng từ Ấn Độ (sớm nhất là từ vùng tây bắc Ấn) cư dân địa phương đã sáng tạo ra nhiều loại khác nhau.  
(Hình ảnh lấy từ sách Kendi, 2007)

 Vòi kendi trong sưu tập gốm Hồ Tấn Phan (Huế)

2 nhận xét: