Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

BẢO QUẢN, BẢO TỒN DI TÍCH DI VẬT TRONG QUÁ TRÌNH KHAI QUẬT, NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG CỦA NÓ TRONG ĐIỀU KIỆN CỦA KHẢO CỔ HỌC VIỆT NAM

BẢO QUẢN, BẢO TỒN DI TÍCH DI VẬT TRONG QUÁ TRÌNH KHAI QUẬT, NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG CỦA NÓ TRONG ĐIỀU KIỆN CỦA KHẢO CỔ HỌC VIỆT NAM

Nguyễn Văn Anh
(Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học Kinh thành, Viện KHXH Việt Nam)
 1. MỞ ĐẦU
Bảo tồn nói chung, bảo tồn di tích, di vật khảo cổ học ở Việt Nam nói riêng lâu này thường được coi là nhiệm vụ của những người làm công tác bảo tồn bảo tàng, các nhà khảo cổ học sau khi khai quật nghiên cứu xong sẽ chuyển giao di vật thu được cho các các bảo tàng làm công tác bảo quản trưng bày giới thiệu. Tuy nhiên thực tế công tác bảo tồn không phải chờ đến khi hiện vật được chuyển về bảo tàng mới cần bảo quản mà ngay khi nó được phát hiện đã phải có các phương pháp bảo quản, do vậy bảo quản bảo tồn di tích di vật trong quá trình nghiên cứu khai quật là một công việc hết sức quan trọng, thậm chí nó quyết định sự thành công của công tác bảo quản lâu dài về sau. Bài viết này xin giới thiệu một số khai niệm cơ bản về bảo tồn, tầm quan trọng của việc bảo quản, bảo tồn các di tích, di vật trong quá trình khai quật nghiên cứu khảo cổ học, một số phương pháp xử lý bảo quản trong quá trình khai quật, nghiên cứu và khả năng ứng dụng của các phương pháp này ở Việt Nam.
2. KHÁI NIỆN CHUNG VỀ BẢO QUẢN, BẢO TỒN, CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN TÁC ĐỘNG ĐẾN BẢO TỒN DI TÍCH, DI VẬT
2.1. Khái niện chung về bảo tồn
Bảo tồn di tích, di vật có thể hiểu đơn giản là việc duy trì lâu dài đời sống của di tích và di vật nhằm lưu giữ và giới thiệu các giá trị của di tích di vật đến các thế hệ mai sau.
Có nhiều phương pháp khác nhau để bảo tồn di tích di vật, các phương pháp bảo tồn phụ thuộc vào đối tượng bảo tồn như: loại hình di tích, di vật, điều kiện bảo bồn như điều kiện môi trường và chất liệu của đối tượng cần được bảo tồn,…
Khoa học Bảo tồn đã được xây dựng và phát triển ở châu Âu, Nhật Bản từ khá sớm, đến  cuối thập kỷ 40 của thế kỷ 20 khoa học bảo tồn bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và cũng trong chính môi trường phát triển đó đã hình thành các trường phái nghiên cứu, bảo tồn khác nhau.
Ở nước ta, cho đến này khái niệm bảo tồn vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ và chính xác chúng ta cũng đã có một số cơ sở đào tạo ngành bảo tồn nhưng trên thực tế các cơ sở đào tạo này chưa có được một chương trình đào tạo mang tính cơ bản, trong chương trình đào tạo cử nhân khảo cổ học các kiến thức bảo tồn di tích, di vật nói chung và bảo tồn di tích, di vật trong quá trình khai quật, nghiên cứu chưa được coi là một nội dung chính do vậy các nhà khảo cổ học chưa có được các kiến thức về khoa học bảo tồn một cách có hệ thống, do đó phần lớn các nhà khảo cổ học cho rằng công việc bảo tồn di tích di vật là công việc sau nghiên cứu. Nhưng trên thực tế công việc này phải được tính toán và trù bị trước khi tiến hành khai quật và phải được làm chặt chẽ trong suốt quá trình khai quật trên hiện trường.
2.2. Các yếu tố cơ bản tác động đến việc bảo tồn các di tích, di vật
Mặc dù phương pháp bảo tồn di tích, di vật phụ thuộc vào nhiều yếu tố song mục đích của tất cả các phương pháp đều nhằm đến việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của di vật, các yếu tố cơ ảnh hưởng đến việc tác động đến di vật gồm:
2.2.1. Nước:
Trong tự nhiên, nước tồn tại ở ba dạng là dạng lỏng, dạng khí và dạng rắn (đóng băng). Việc quản lý lượng nước tác động đến di tích, di vật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo quản. Điều này càng quan trọng hơn đối với công tác bảo tồn trong quá trình khai quật, nghiên cứu vì rằng các di tích di vật trước khi bị làm xuất lộ nó đã được bảo quản trong một môi trường ổn định, các di tích di vật đã thích ứng với điều kiện môi trường xung quanh hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, khi khai quật đã làm phá vỡ môi trường đó và tạo ra một “cú sốc” môi trường đối với hiện vật.
Nước thường có thể tác động đến di tích di vật trong các tình huống như:
Sự chênh lệch độ ẩm cộng với sự tác động của ánh sáng làm cho quá trình bốc hơi nước diễn ra nhanh hơn, quá trình bốc hơi nước một mặt làm thay đổi cấu trúc của di tích, di vật thậm chí là phá hủy cấu trúc của di tích di vật, đặc biệt đối với các loại hình di tích di vật có tính ngậm nước cao như các loại vật liệu hữu cơ (gỗ, vải,..), mặt khác nó làm ngưng tụ muối trên bề mặt khiến các phản ứng hóa học diễn ra nhanh hơn.
Các hiện tượng dòng chảy được tạo bởi mưa lụt hoặc đóng băng của nước bề mặt xảy ra trong quá trình khai quật cũng sẽ làm cho di tích bị phá hủy. Ở nước ta không có hiện tượng đóng băng nhưng trong quá trình khai quật vẫn có thể gặp các trận mưa lớn có thể sói mòn di tích, trên các khu vực có địa hình dốc thì tác động của dòng chạy sẽ cao hơn và nguy cơ di tích bị phá hủy sẽ cao hơn.
Hiện tượng phổ biến nhất khi khai quật trong điều kiện của nước ta là sự chênh lệch độ ẩm khi di tích di vật được làm xuất lộ, sự chênh lệch độ ẩm cộng với những tác động của các yếu tố môi trường khác làm thay đổi lượng nước trong di tích, di vật do vậy sẽ tác động mạnh đến di tích di vật, đẩy nhanh quá trình phá hủy di vật.
2.2.2. Ánh sáng
Ánh sang được nhắc đến ở đây chủ yếu là ánh sáng mặt trời, trong ánh sáng mặt trời có nhiều loại tia khác nhau, các tia này đều có tác động ít nhiều đến di tích di vật. Tuy nhiên, trong bảo tồn người ta đặc biệt quan tâm đến 3 loại tia là: tia hồng ngoại, tia tử ngoại và tia X.Các tia hồng ngoại là tia gây ra nhiệt, khi nó chiếu lên di tích, di vật sẽ làm tăng nhiệt độ bề mặt, từ đó kéo theo hàng loạt các tác động khác, trong khi đó các tia tử ngoại là tác nhân kích thích các phản ứng hóa học, làm cho quá trình phản ứng nhanh hơn,... Các tác động này làm cho quá trình bốc hơi nhanh hơn, tạo ra hiện tựng ngưng tụ muối bề mặt, kích thích sự phát triển của các loại vi sinh vật. Trong điều kiện môi trường và độ ẩm của nước ta ánh sáng đóng vai trò là yếu tố “đủ” để các sinh vật có hại, đặc biệt là rêu mốc phát triển rất nhanh.
2.2.3. Nhiệt độ:
Nhiệt độ có quan hệ mật thết với ánh sáng, nhất là tia hồng ngoại trong ánh sáng mặt trời là nhân tố làm tăng nhiệt độ, nhiệt độ tăng là nguyên nhân quan trọng tác động đến các yếu tố khác và hệ quả cũng dẫn đến tăng bốc hơi nước và kích thích cá phản ứng hóa học.
II.2.4. Ô nhiễm môi trường:
Ô nhiễm môi trường ở đây được hiểu theo nghĩa rộng và do nhiều nguồn khác nhau như khí thải của các phương tiện giao thông, của các nhà máy, xí nghiệp,.. các chất thải này làm gia tăng nồng độ các chất ni-tơ, lưu huỳnh và một số chất khác trong không khí, các chất này khi kết hợp với nước trong không khí hoặc trên bề mặt của di tích di vật tạo thành các loại axit làm phá hủy di tích di vật.
Một trường hợp tưởng như vô hại khiến nhiều người không lưu ý nhưng nó lại có tác động mạnh đến việc bảo tồn di tích di vật trong quá trình khai quật, đó là việc sử dụng các nguyên vật liệu, các đồ đựng lưu trữ, che phủ di vật có chưa các chất axit, axit chứa trong các vật dụng này khi thoát ra môi trường nó kết hợp với các chất có trên bề mặt di tích di vật tạo ra các axit làm phá hủy hiện vật.
Một hệ quả đặc biệt của ô nhiễm môi trường, tức là ô nhiệm ở mức nghiêm trọng khiến gây ra hiện tượng mưa axit, trong quá trình khai quật, nghiên cứu gặp phải mưa axit nó sẽ làm phá hủy rất nhanh chóng di tích di vật, thậm chí nước mưa còn có thể ngấm sâu vào bên trong di vật và tác động xấu đến di tích một cách lâu dài.
Tóm lại, tât cả các yếu tố trên là tác nhân làm thay đổi, thậm chí phá hủy hiện trạng của di tích di vật, hậu quả là gây khó khăn cho việc nhận thức hoặc làm sai lệch nhận thức của người nghiên cứu do vậy cần thiết phải tiến hành các công việc bảo tồn ngay trong quá trình khai quật. Việc thực hiện các công tác bảo tồn trong quá trình khai quật không chỉ nhằm đảm bảo nguyên trạng di tích di vật giúp cho nhà nghiên cứu đưa ra những nhận định chân xác về di tích di vật mà nó còn đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định sự thành công của việc bảo quản ở các giai đoạn tiếp theo.
3. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP BẢO QUẢN, BẢO TỒN DI TÍCH DI VẬT TRONG QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU, KHAI QUẬT KHẢO CỔ HỌC VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG CỦA NÓ TRONG ĐIỀU KIỆN CỦA KHẢO CỔ HỌC VIỆT NAM.
3.1. Bảo quản và xử lý bảo tồn tạm thời trong quá trình khai quật
3.1.1. Che phủ di tích trong quá trình khai quật
Trong quá trình khai quật, để hạn chế các tác động có hại của các yếu tố môi trường như nước, ánh sáng, độ ẩm,.. chúng ta dùng bạt 2 lớp để phủ lên các di tích đã xuất lộ.
Bạt hai lớp là loại bạt dầy gồm 2 lớp, lớp trên bằng nhựa chịu nhiệt, lớp dưới bằng vải, hai lớp này được cấu tạo đặc biệt để đảm bảo nước có thể bốc hơi từ dưới lên để tránh hiện tượng hấp hơi nhưng không ngấm được từ trên mặt xuống và ánh sáng không thể xuyên qua bạt. Với đặc tính như vậy bạt sẽ ngăn chặn hoàn toàn được ánh sáng tác động đến di tích, ngăn chặn việc kích thích các loại vi sinh vật phát triển, ngăn chặn nước ngấm từ trên xuống làm phá hủy di tích nhưng lại vẫn có thể thoát khí và thoát hơi nhằm chống hiện tượng hấp hơi làm tăng nhiệt độ và kích thích bốc hơi dẫn đến sự ngưng tụ nước trên bề mặt như các loại bạt thông thường hoàn toàn kín. Tuy nhiên loại bạt này giá thành rất cao và khó mua ở Việt Nam do vậy, trong điều kiện của Việt Nam chúng ta có thể sử dụng loại bạt dù hai lớp, loại bạt này tuy không thoát hơi được nhưng do không có lớp nhựa nên hạn chế được sự hấp hơi mà vẫn đảm bảo ngăn chặn được ánh sáng và nước xâm nhập xuống bề mặt của di tích do vậy về cơ bản vẫn có thể đáp ứng các điều kiện bảo tồn tạm thời trong thời gian ngắn.
3.1.2. Xử lý bảo quản tức thời đối với một số loại hình di vật đặc biệt
- Di vật gỗ ngậm nước: Gỗ ngậm nước là loại gỗ bị chôn vùi dưới lòng đất một thời gian dài nên hầu vết các cấu trúc hữu cơ của gỗ đã bị phá hủy, khi các cấu trúc hữu cơ bị phá hủy thì các phân tử nước thế chỗ cho các kết cấu hữu cơ cũ, nhờ có nước thế vào các phần hữu cơ bị phá hủy mà hình dáng của gỗ được giữ nguyên, song cũng vì thế hàm lượng nước chứa trong gỗ có thể chiếm đến trên 90% trọng lượng của gỗ. Do tính chất và cấu tạo của gỗ ngậm nước nên nó rất dễ bị biến dạng do quá trình bốc hơi và mất nước, vì vậy đối với loại hình di vật này ngày sau khi làm xuất lộ cần phải xử lý nghiên cứu và tư liệu hóa nhanh để có thể chuyển vào bảo quản tạm thời. Trong quá trình xử lý tại hiện trường có thể dùng loại vải cốt tông thấm nước phủ lên trên để giữ ẩm, sau khi nghiên cứu tại hiện trường kết thúc thì tiến hành bảo quản tạm thời bằng việc ngâm trong nước sạch và cách ly với ánh sáng mặt trời.
- Đồ vải: Cũng giống như gỗ ngậm nước, do phần lớn các loại vải tìm được trong khảo cổ học đều là loại vải được làm từ các loại sợi xen-lu-lô hoặc tơ tằm nên hầu hết chúng đều bị phá hủy gần như hoàn toàn, ngoại trừ một số vải trong các mộ hợp chất hoặc tồn tại trong môi trường hiếm khí thì quá trình phá hủy đã bị làm chậm lại hoặc được bảo tồn ở dạng hình dáng giống như loại gỗ ngậm nước. Do vậy, khi thay đổi môi trường chúng đều có nguy cơ bị phá hủy ngay lập tức, vì vậy đối với những loại hình di tích mà chúng theo dự đoán chúng ta có thể phát hiện được các loại vải thì phải chuẩn bị rất kỹ càng về việc bảo tồn có như vậy chúng ta mới có thể kịp thời xử lý khi loại di vật này được tìm thấy. Đối với các loại vải cốt-tông, vải sợi gai,.. được tìm thấy trong môi trường thông thường (tức không phải trong các mộ hợp chất) thì chúng ta cũng có thể áp dụng các phương pháp xử lý gỗ ngậm nước, trong khi đối với các loại vải được tìm thấy trong môi trường đặc biệt thì phải nhanh chóng đưa vào môi trường chân không và cách ly hoàn toàn với ánh sáng.
- Đồ kim loại: Ngoại trừ các loại đồ kim loại quý, ít bị ôxy hóa, các loại hình kim loại khác, nhất là đồ sắt thường bị phá hủy mạnh, các hiện vật loại này chỉ còn lại hình dáng khi nó nằm trong lòng đất nhưng khi rỡ lên thì toàn bộ kết cấu đã bị phá vỡ, nó chỉ là những mảnh vỡ riêng lẻ. Bảo tồn đồ kim loại trong quá trình khai quật chủ yếu là việc xử lý nhằm đảm bảo các di vật này được giữ nguyên hình dáng để có thể nghiên cứu phục dựng lại.
Để giữ hình khối của di vật kim loại khi chúng đã bị ô xi hóa nặng chúng ta có thể dùng một số loại keo làm cứng bề mặt trước khi di dời và đưa về phòng thí nghiệm. Loại keo được sử dụng khá phổ biến hiện nay đó là dung dịch Paraloit B70 10% quét phủ để làm cứng bề mặt, tức là Paraloit B70 hòa tan trong dung dịch aceton hoặc tuloen với nồng độ 10%. Ưu điểm của loại keo này là có thể gỡ ra được mà không ảnh hưởng đến di vật do chúng có thể hòa tan trong dung dịch Aceton và Tuluen nên khi muốn gỡ lớp keo này chúng ta có thể dùng hai dung dịch trên quét lên lớp keo đã phủ để làm tan keo ra.
- Phương pháp di dời các di tích di vật
Phương pháp di dời các di tích di vật được trình bày ở đây là phương pháp di dời các di tích di vật, đặc biệt các di vật có kết cấu yếu, nếu không có các phương pháp phù hợp khi nhấc chúng khỏi lòng đất có thể làm hỏng di vật. Thông thường hiện nay chúng ta thường dùng thạch cao để bó, đóng khối hiện vật để di dời, ưu điểm của thạch cao là dễ sử dụng, dễ mua, giá thành rẻ tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của loại vật liệu này là khó phá dỡ khi mở hiện vật để xử lý trong phòng, nhất là đối với những hiện vật và các phần di tích có kết cấu yếu thì nguy cơ bị tác động xấu khi tháo gỡ là rất cao.
Hiện nay, việc xử lý đóng gói di dời có thể áp dụng các loại vật liệu mới để bao bọc, đóng khối di dời di tích di vật, các loại vật liệu này khá phổ biến, dễ sử dụng và đặc biệt là khá dể tháo dỡ như chất Ultan foam (hóa chất 2 thành phần), Polyester kết hợp với vải sợi thủy tinh; hoặc keo Acrilic (là dạng băng gạc dùng trong y tế), sẽ tùy thuộc vào từng loại hình di tích di vật và trọng lượng của khối di tích di vật mà lựa chọn vật liệu cho phù hợp.
3.2. Bảo tồn nguyên trạng di tích sau khai quật
Hiện nay, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bảo tồn nguyên trạng di tích sau khai quật có hai dạng chính, dạng thứ nhất là bảo tồn nguyên trạng di tích sau khai quật dưới lòng đất và bảo tồn nguyên trạng di tích trên mặt đất hay còn gọi là dạng bảo tàng tại di tích.
3.2.1. Bảo tồn nguyên trạng di tích dưới lòng đất
Bảo tồn nguyên trạng di tích dưới lòng đất là hình thức bảo tồn di tích bằng cách sau khi kết thúc khai quật, nghiên cứu, toàn bộ di tích được giữ nguyên và lấp lại theo quy trình bảo tồn.
Thông thường, sau khi kết thúc quá trình khai quật và nghiên cứu người ta dùng đất và cát để lấp hố, tuy nhiên việc lấp lại hố phụ thuộc vào điều kiện môi trường và thổ những khu vực hố khai quật và phải tuân thủ theo một quy trình khá nghiêm ngặt.
Quy trình lấp được tiến hành như sau: người ta phủ lên trên bề mặt hố khai quật một lớp cát dầy trung bình từ 5-10cm, lớp cát này sẽ điền đầy vào các vị trí lồi lõm của bề mặt hố khai quật, đồng thời tạo ra một lớp ngăn cách giữa bề mặt di tích, hoặc lớp đất nguyên thổ với lớp đất lấp ở bên trên. Tiếp đó có thể dùng loại vải địa kỹ thuật (còn gọi là mark) phủ lên trên lớp cát này trước khi lấp đất lên, lớp vải địa kỹ thuật thực chỉ đóng vai trò là chất chỉ thị giúp cho người ta biết được đến lớp vải này là đã tới bề mặt di tích đã được nghiên cứu, cuối cùng là dùng đất để lấp phủ. Đất lấp phủ là loại đất được làm tơi, loại bỏ rác bẩn, việc làm nhỏ đất giúp cho việc hoàn thổ được nhanh chóng và cũng giúp cho các loại thực vật thân mềm dễ dàng phát triển, tránh sói mòn lớp đất lấp. Việc làm cho lớp đất nhanh chóng liền thổ là nhằm hoàn trả một cách nhanh chóng môi trường ổn định của di tích, ngăn chặn sự thay đổi liên tục môi trường xung quanh di tích do việc thay đổi lượng nước trong đất, vì chúng ta biết rằng nếu đất xốp, kết cấu đất không chặt thì nước dễ dàng ngẫm xuống nhưng đồng thời cũng nhanh chóng bị bốc hơi khi nhiệt độ tăng cao, điều này dẫn đến những tác động không tốt đến các di tích ở phía dưới.
Sở dĩ người ta không lấp hố khai quật hoàn toàn bằng cát là do tính chất dễ thấm và dễ thoát nước của cát. Khi trời mưa độ hổng giữa cát hạt sẽ là nơi chứa nước, do vậy nếu lấp hố khai quật hoàn toàn bằng cát vô hình dung đã biến đây thành hố chứa nước, nước cộng với nhiệt độ do cát hấp thụ từ ánh sáng mặt trời sẽ làm phân hủy nhanh các chất hữu cơ có trong cát và các chất hữu cơ ở trên bề mặt khi bị phân hủy cũng dễ dàng xâm nhập vào hố nước này, dưới tác động của nhiệt độ, ảnh sáng nó làm thối nước và từ đó làm phá hủy di tích, ngược lại nếu trời nắng nước sẽ thoát rất nhanh phá vỡ liên kết của các hạt cát, gió có thể làm bay cát. Phần lớn các di tích Khảo cổ học của Việt Nam khi được lấp bảo tồn bằng cát đều được lấp theo phương pháp dùng bạt phủ lên bề mặt hố khai quật sau đó dùng cát lấp đầy hố, nhiều người cho rằng bạt sẽ làm phân cách giữa cát với di tích di vật, và cát chính là nguyên liệu để lấp hố. Tuy nhiên, trên thực thực tế chúng ta biết rằng các loại bạt bình thường thường được tráng một lớp linong, chính lớp nhựa này khi bị lão hóa sẽ có tác động không tốt đến di vật, và cát trong khoa học bảo tồn nó thực sự chỉ đóng vai trò là lớp ngăn cách giữa đất lấp và di  tích, đồng thời là chất chỉ thị để thông báo cho những người nghiên cứu sau biết rằng đến đây là gần đến di tích nếu như họ tiến hành khai quật lại. Hiện chưa có một nghiên cứu nào đánh giá những tác động tiêu cực do việc lấp bảo tồn này gây ra đối với di tích ở Việt Nam, tuy nhiên bằng thực tiễn ở nơi khác chúng tôi cho rằng những tác động xấu như trên đối với di tích là hoàn toàn có thể xảy ra.
3.2.2. Bảo tồn nguyên trạng di tích trên mặt đất
Bảo tồn nguyên trạng di tích trên mặt đất là hình thức sau khi khai quật, nghiên cứu di tích được giữ lại nguyên trạng nhằm giới thiệu đến công chúng cũng như phục vụ mục đích nghiên cứu lâu dài, hình thức naỳ còn được gọi bằng thuật ngữ “bảo tàng tại chỗ - museum on site’. Như đã trình bày ở trên, khi di tích được làm xuất lộ cũng là lúc di tích phải đối mặt với một “cú sốc” về môi trường, đồng thời nó cũng phải đối mặt với tất cả các yếu tố chính tác động và làm hủy hoại nó. Bảo tồn nguyên trạng di tích trên mặt đất đồng nghĩa với việc di tích sẽ phải thường xuyên đối mặt với những tác động cơ bản đó, do vậy để bảo tồn được di tích trên mặt đất chúng ta phải sử dụng một hệ thống các biện pháp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến di tích, các biện pháp đó phải được xây dựng trên cơ sở điều tra và khảo sát kỹ càng và chính xác về khí tượng, thủy văn, cấu tạo thổ nhưỡng, thành phần hóa học, sinh học,..vv trong đất thuộc khu vực di tích và các vùng lân cận. Với đòi hỏi cao như vậy, việc bảo tồn di tích trên mặt đất cần phải được dự tính kỹ càng dựa trên cơ sở điều tra khảo sát. Do vậy, ngày nay người ta đã xây dựng khái niệm và phương pháp khai quật bảo tồn và khai quật nghiên cứu.
Khác với khai quật nghiên cứu, đối với khai quật bảo tồn ngoài việc nghiên cứu, điều tra các thông tin về di tích thì phải đặc biệt quan tâm đến các yếu tố về địa chất, thủy văn và môi trường, cần phải có những nghiên cứu và đánh giá những tác động môi trường đến việc bảo tồn các di tich khi di tích được làm xuất lộ, trên cơ sở đó đưa ra những phương án về việc bảo tồn di tích.
Ở nước ta hiện đã có một số di tích sau khi khai quật đã giữ lại làm bảo tàng tại chỗ như di tích Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Đoan Môn (Hà Nội) Chùa Đọi (Hà Nam) Hoa Lư (Ninh Binh),... Tuy nhiên các di tích này chưa được xử lý bảo quản theo quy trình của một bảo tàng tại chỗ, hầu hết các di tích tích này mới chỉ dừng lại ở việc xây một cái nhà lên trên để che nắng, che mưa cho di tích, thậm chí có di tích, nhà mái che không đủ để che nắng che mưa như nhà mái che di tích Đoan Môn, nhà mái che di tích chùa Đọi. Nhà mái che di tích Đoan Môn dùng các tấm nhựa lấy sáng để làm mái, điều này cho thấy chúng ta đã làm ngược lại với tất cả những yêu cầu căn bản nhất của bảo tồn một di tích khảo cổ học.
Như trên đã trình bày, các yếu tố cơ bản tác động đến bảo tồn di tích di vật gồm ánh sáng, nước, ô nhiễm môi trường,.. Đối với việc bảo tồn di tích nguyên trạng trên mặt đất sự tác động của các yếu tố này phức tạp hơn rất nhiều. Bảo tồn các di tích tại chỗ không chỉ chịu tác động của các yếu tố trên mặt đất mà nó còn chịu tác động mạnh mẽ của các yếu tố dưới lòng đất, các yếu tố này thậm chí còn chi phối các yếu tố trên mặt đất do vậy việc xây dựng ngôi nhà che phủ lên di tích không giống như việc xây dựng ngôi nhà bình thường mà nó phải được tính toán trên các yếu tố khảo sát về địa chất, thủy văn, độ ẩm trong lòng đất, các thành phần hóa chất, sinh vật trong đất, tính chất cơ học, ..vv từ đó xác định sự tác động của việc xây nhà để đảm bảo duy trì các điều kiện bảo tồn di tích. Quay trở lại nhà mái che di tích Đoan Môn, chúng ta thấy nhà mái che này chỉ mới làm được một nhiệm vụ là che mưa, song hệ thống thoát nước mưa của mái không được trú trọng nên khi trời mưa nước từ mái lại chảy vào trong lòng hố, đặc biệt mái được lợp bằng các tấm lấy sáng, các tấm lấy sáng này không chỉ giúp ánh sáng chiếu thẳng vào di tích, kích thích và đảy nhanh quá trình bốc hơi, các phản ứng hóa học cũng được kích thích, sinh vật nhờ có sự tác động của ánh sáng cũng vì thế mà phát triển mạnh hơn.
Bên cạnh đó, việc mở cửa đón công chúng cũng là một yếu tố quan trọng gây áp lực cho việc bảo tồn, việc đón khách dẫn đến môi trường khu vực tuyến tham quan sẽ thường xuyên thay đổi do việc cửa vào di tích sẽ thường xuyên phải mở ra, bản thân việc lượng khách trong di tích cũng làm tăng nhiệt độ trong nhà, ngoài ra các phương tiện ánh sáng, hình ảnh phục vụ việc trưng bày di tích cũng làm cho di tích bị tác động.
4. VÀI NHẬN XÉT THAY LỜI KẾT
 Qua những kinh nghiệm bảo tồn di tích, di vật trong quá trình khai quật, nghiên cứu khảo cổ học của các nước cho thấy bảo tồn khảo cổ học là một khoa học, nó là một môn khoa học tổng hợp có mối liên hệ rộng rãi với nhiều ngành khoa học khác. Ở nước ta ngành khoa học này chưa được trú trọng nghiên cứu và giảng dậy, những gì chúng ta đã và đang làm để bảo vệ di tích thiếu các nghiên cứu và đánh giá hệ thống của ngành khoa học bảo tồn nên không đưa ra một quy trình bảo tồn và phương pháp bảo tồn phù hợp. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng ngành khoa học bảo tồn theo đúng nghĩa của nó, sinh viên khảo cổ học cũng cần được nghiên cứu và tiếp cận với những phương pháp bảo tồn di tích di vật trong khảo cổ học và coi đó như một kỹ năng cần thiết của mỗi nhà khảo cổ học khi thực hiện khai quật.
Tùy thuộc vào từng đối tượng và điều kiện tự nhiên và các yếu tố tác động đến đối tượng bảo tồn mà lựa chọn phương pháp phù hợp, trong điều kiện Việt Nam hiện nay các bước bảo tồn cơ bản trong quá trình khai quật hoàn toàn có thể áp dụng, các phương pháp này sẽ giúp cho kết quả nghiên cứu chân xác hơn, bảo vệ di tích di vật tốt hơn và đặc biệt là nó không “làm khó” cho những người làm công tác bảo quản sau khai quật và lưu kho hoặc trưng bày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kozo Kawamoto (2006). Conservation Techniques for Waterlogged Woods. Training Report on Cultural Heritage Protection. ACCU, Nara.
2. Shigeo Aoki. Conservation Techniques for Metal in Japan. www.accu.or.jp/en/
3. Nguyễn Văn Anh (2006). Problem and Solution of Thanglong Imperial Citadel Conservation. Training Report on Cultural Heritage Protection. ACCU, Nara.
4. Nguyễn Văn Anh (2009). Bảo tồn các di tích khảo cổ học, kinh nghiệm từ vùng Wallonie - Vương quốc Bỉ. T/c Di sản văn hóa. tr

2 nhận xét:

  1. Bảo quản gỗ và vải ngậm nước không đơn giản như trong bài viết đâu. TG có đọc Kozo Kawamoto (2006). Conservation Techniques for Waterlogged Woods. Training Report on Cultural Heritage Protection. ACCU, Nara. mà sao lại viết sơ sài quá như vậy? Hay là do phạm vi bài này chỉ giới thiệu rất sơ bộ và chung chung về v/đ bảo tồn di vật thôi ?

    Trả lờiXóa