Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Thuyết trình "Các trường phái khảo cổ học lý thuyết trên thế giới"

Sáng ngày 25 tháng 9 năm 2010 tại phòng Multimedia của Bảo tàng Nhân học
TS. Nguyễn Gia Đối, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học thời đại Đồ đá, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã mở đầu chương trình thuyết trình và ngoại khóa của Bảo tàng Nhân học năm học 2010-2011.

Chủ đề thuyết trình: Các trường phái khảo cổ học lý thuyết trên thế giới

Loài người ngay từ thời xa xưa đã rất quan tâm tới đồ cổ, nhưng trên thực tế Khảo cổ học với tư cách là một ngành khoa học mới xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XIX và được đánh dấu bằng hai sự kiện nổi bật, một ở Đan Mạch và một ở Anh. Cống hiến của Đan Mạch đó là lý thuyết về "Ba thời đại" đồ đá - đồ đồng - đồ sắt của J. Thomsen trong phân loại, sắp xếp theo tuổi - thời gian của chất liệu hiện vật công cụ hay vũ khí. Gắn với nước Anh lại là phương pháp địa tầng.
Thế kỷ XX là thời kỳ hình thành và phát triển ngành khảo cổ học hiện đại. Đối lập với xu thế thiên về khai thác tính đồ cổ và hiện vật đơn lẻ của khảo cổ học cổ điển, khảo cổ học nhân học ngày nay đề cập đến văn hoá lịch sử (tức là niên đại của sự kiện và truyền thống văn hoá) và diễn giải các quá trình văn hoá.
Từ giữa thế kỷ XX một số nhà khảo cổ học châu Âu và Mỹ đã khai sinh ra Khảo cổ học Mới (New Archaeology). Khảo cổ học Mới gắn liền với khoa học nhân học, hay khảo cổ học nhân học. Hiện nay đã hình thành nhiều trường phái khác nhau của khảo cổ học mới như khảo cổ học biểu tượng, khảo cổ học phê phán, khảo cổ học nhận thức, khảo cổ học kinh nghiệm, khảo cổ học quá trình, khảo cổ học hậu quá trình…. Những trường phái này giải mã và tiếp cận di tích, di vật khảo cổ học từ nhiều góc độ khác nhau và chú trọng đặc biệt tới diễn giải văn hoá-xã hội.

Từ kinh nghiệm nghiên cứu thực tiễn và kết hợp với những kiến thức thu thập được trong quá trình tu nghiệp ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, TS. Nguyễn Gia Đối đã có một số bài giới thiệu về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khảo cổ học trên tạp chí Khảo cổ học. Trong bài thuyết trình tại Bảo tàng Nhân học trong thời gian khoảng 4 tiếng TS. Đối đã phác họa một cách khái quát quá trình hình thành, đặc điểm và đại diện của một số trường phái khảo cổ học tiêu biểu trên thế giới:

1. Khảo cổ học Lịch sử- Văn hóa ( tư tưởng cốt lõi (key concept) là tiến hóa luận đơn tuyến và truyền bá luận (diffusionism)
2. Cấu trúc-Chức năng luận (tư tưởng cốt cõi (key concept) là tiến hóa luận đa tuyến
3. Khảo cổ học Mác xít/ Khảo cổ học Xô Viết
4. Khảo cổ học Quá trình
5. Khảo cổ học Hậu quá trình

Một chủ đề quan trọng khác của nội dung thuyết trình là đánh giá vị trí và vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam.
Việt Nam là một đất nước phát triển muộn về khảo cổ học. Khoa học khảo cổ ở nước ta được hình thành từ thời Pháp thuộc với ảnh hưởng mạnh của trường phái Khảo cổ học Lịch sử-Văn hóa mà đặc biệt là truyền bá luận. Từ sau năm 1954, nền khảo cổ học Việt Nam chịu ảnh hưởng của khảo cổ học Xô Viết, tuy nhiên điểm khác biệt căn bản giữa khảo cổ học Việt Nam và khảo cổ học Xô Viết đó là khảo cổ học nước ta không có truyền thống và việc tiếp cận khảo cổn học lý thuyết vẫn còn mang nặng tính hình thức.

Có thể đồng ý hoàn toàn với đánh giá của TS. Nguyễn Gia Đối và nhiều người khác rằng những nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam vẫn mang nặng tính tự phát, thời vụ và rất khó để xác định thuộc trường phái lý thuyết nào.

Xin nhắc lại ý kiến của GS.Hà Văn Tấn: “Trong các tác phẩm về khảo cổ học Việt Nam, chủ yếu vẫn là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước” và “cần phải xây dựng một lý thuyết khảo cổ học Mác xít thật sự, đồng thời có kết hợp tinh hoa của các trường phái khác nữa”!

Bước chân vào khoa học, bất cứ là ngành khoa học nào mỗi người nghiên cứu cần phải trang bị cho mình những hành trang tối thiểu về kỹ năng, về lý thuyết và phương pháp. Đối với khảo cổ học, cả lý thuyết và cả thực tế đều có tầm quan trọng như nhau. Không thể làm khảo cổ học nếu chỉ có lý thuyết suông cũng như không thể làm khảo cổ học nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế!

Đa phần sách về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khảo cổ học bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Đối với những sinh viên mới bước chân vào ngành khoa học này, một số tài liệu dịch sau đây sẽ rất hữu ích

1. Colin Renfrew, Paul Bahn, 2007: Khảo cổ học Lý thuyết, phương pháp và thực hành, Bản dịch của Đặng Văn Thắng, Lê Long Hồ và Trần Hạnh Minh Phương, Nxb Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tư liệu Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXHNV - ĐHQG Hà Nội.
2. David J.Meltzer, Don D.Fowler, Jeremy Sabloff (Chủ biên), 2006: Khảo cổ học Mỹ, quá khứ và tương lai. Bản dịch của Lâm Thị Mỹ Dung và Chu Hương Ly, tư liệu Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội.

3. Hà Văn Tấn, 1996: Khảo cổ học lý thuyết, Giáo trình sau Đại học, tư liệu Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội

Hình ảnh của buổi thuyết trình

Vẫn có người cho rằng khảo cổ học chỉ cần thực tiễn, không cần lý thuyết. Minh chứng cho điều này TS. Đối kể một câu chuyện cười về sự đồng âm trong tiếng Anh giữa nhà lý thuyết (theorist) và tên khủng bố (terrorist)

Rất khó để thuyết trình một cách hấp dẫn những vấn đề lý thuyết. Bằng những ví dụ minh họa cụ thể, TS.Đối đã thuyết phục người nghe và dẫn sinh viên đi vào lĩnh vực khô khan này một cách từ tốn mà chắc chắn. 

4 nhận xét:

  1. Chương trình ngoại khóa này hay đấy nhỉ, làm sao thông báo rộng rãi cho sinh viên nó biết mà đi nghe!

    Trả lờiXóa
  2. He he, vậy lần sau sẽ thông báo rộng hơn nhé!

    Trả lờiXóa
  3. em co doc cac bai bao cao khc rat hay tren web cua vien khc My. Em muon dich no roi dua cho co xem, neu co thay duoc thi up len cho cac ban sv doc va lam tai lieu tham khao. neu co chap nhan de nghi cua em thi co ok mot cai vao mail cho em nhe. dinhnhan8810@yahoo.com.vn.
    em la cuu sinh vien khc.em cam on co.

    Trả lờiXóa
  4. Cô đã gửi email cho em rồi đấy

    Trả lờiXóa