Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Chân lý của Bờm và mối tương quan với cá tính người Việt đương đại

NGUYỄN HOÀNG
(Posted by CuongDC)


… Bởi tôi cũng ham mê các lọai làm ăn đánh quả kiểu chụp giật mì ăn liền, chỉ cần được lợi trước mắt cái đã, bất chấp hậu quả lâu dài dù có tồi tệ đến đâu cũng chẳng sao, rồi ta sẽ tính sau…



Một câu ca dao cổ với những hồn cốt của thằng Bờm sao lại có thể vận vào cuộc sống đương đại của chúng tôi đơn giản, dễ dàng như vậy sao? Quả thật tôi rất không muốn tin rằng có một sự thật cay đắng như thế!


Các giả thiết tư duy thằng Bờm
Tôi có một người bạn ngoại quốc tên quen gọi là Bill, chuyên nghiên cứu về văn hoa dân gian Việt Nam. Ông muốn tìm hiểu sâu về thằng Bờm, một hình tượng làm ông khá ngạc nhiên và thích thú. Ông thuộc lòng và thường nghêu ngao hát bằng cái giọng ngoại quốc lơ lớ vui nhộn bài thằng Bờm nổi tiếng mà người Việt mình có lẽ ai cũng biết:


“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi
Bờm cười!”




“Thằng Bờm” được lưu truyền từ rất lâu, được coi là một trong số những nhân vật tiêu biểu nhất của ca dao Việt, của dòng văn học dân gian Việt thuộc một nền văn hóa cả nghìn năm rực rỡ mà dân Việt Nam ta thường lấy đó làm nỗi tự hào. Ông ngoại quốc này quan tâm cũng là phải!


Rồi một hôm ông bạn ngoại quốc này hỏi tôi một cách khá nghiêm túc : “Này ông Hoàng, từ thực tiễn đòi sống Việt ông có thể lý giải như thế nào về phương pháp tư duy thằng Bờm?”
Bài ca “Thằng Bờm” đọc lên ngồ ngộ, có vẻ ngây ngô nữa, đọc cho vui vậy thôi. Đã có khi nào tôi và các bạn băn khoăn suy nghĩ về phương pháp tư duy của nhân vật Bờm nổi tiếng này đâu! Câu hỏi làm nhân vật Bờm trở nên quan trọng và phức tạp quá nhỉ!


Với người nước ngoài, lại là một học giả, mình đâu có thể trả lời qua loa cho được. Tôi còn mỗi một cách là đưa ông bạn này đến gặp giáo sư Trí Việt mong được nghe những kiến giải xác đáng từ nhà học giả thông thái khả kính của chúng ta.
Tại nhà giáo sư Trí Việt, sau khi nghe chúng tôi trình bày,vị giáo sư khả kính gọi người phụ tá của mình ra dặn dò tìm cho chúng tôi một bản thảo lưu trước đấy của giáo sư rồi ân cần nói: “Rất cám ơn ông Bill đã nêu ra một điều rất thú vị, đáng phải suy nghĩ về thằng Bờm. Người Việt chúng tôi thường tiếp nhận các hiên tượng sự việc dễ dãi theo cảm tính, ít khi lật ngược lại vấn đề. Đáng buồn là phải để một người nước ngoài như ông đặt vấn đề giúp.
Văn hóa dân gian theo tôi là những gì được chắt lọc từ đời này qua đời khác, luôn phản ánh cái hồn, cái tâm thức của một đất nước, của một dân tộc. Vậy có mối tương quan nào đó giữa nhân vật Bờm với nếp nghĩ nếp cảm của người Việt hay không?
Về trường hợp cụ thể này, cách đây trên 20 năm tôi có một phác thảo nhỏ mới nêu được 4 giả thiết về cách tư duy thằng Bờm.


Vừa lúc đó người phụ tá của giáo sư Trí Việt mang ra cho chúng tôi một bản đánh máy chữ theo kiểu mổ cò trên loại giấy pơ-luya rất mỏng đã ố vàng mà giáo sư tự đánh máy những năm đầu thập niên 90 khi bắt đầu một thời kỳ “Đổi mới”.
Đưa bản phác thảo cho chúng tôi, vị giáo sư còn cẩn thận căn dặn thêm: “Tôi cũng phải nói lại một lần nữa rằng đây chỉ là các giả thiết chưa được minh chứng, cũng mới chỉ là các suy tư ở dạng phác thảo, không phải là kết luận khoa học. Không biết có giúp được gì cho khảo cứu của ông?”


Tôi nhanh nhẩu xin phép giáo sư Trí Việt được copy lại một bản cho mình và cho cả các bạn nữa. Sau đây là phần trích từ bài viết của giáo sư Trí Việt:”Các giả thiết về phương pháp tư duy thằng Bờm” để bạn đọc gần xa có thể chia sẻ và cùng chiêm nghiệm:


Giả thiết 1: Bờm bản năng gốc:
Trong trường hợp này, Bờm tư duy bản năng như con nít, không hơn gì các loài là bao, không trưởng thành trong suy nghĩ , chưa phát triển được các kỹ năng so sánh. Vì vậy Bờm hành sử theo nhu cầu bản năng gốc của tự nhiên: Không phải nghĩ, phàm là cái gì thỏa mãn được cái bụng cậu, cái tính ham ăn của cậu là quan trọng nhất! Ngoài cái ăn được ngay ra, mọi thứ khác đối với Bờm đều vô nghĩa, đều không quan trọng chút nào.
Ở đây dân gian vốn đã có câu “Dĩ thực vi tiên” !


Giả thiết 2 : Bờm “tồn tại hay không tồn tại “
Bờm ở trong môt hoàn cảnh cùng quẫn, bị đói khát bệnh tật, triền miên giữa cái sống và cái chết Không biết có tồn tại được đến ngày mai hay không. Trong hòan cảnh sống bữa nay, chưa lo được bữa mai ấy, Bờm không thể nghĩ dến một cái gì cao xa, dài hơi hơn quá ngày hôm nay. Trong cuộc vật lộn vì sự tồn tại trước mắt, người ta đâu có thể tính chuyện mai này.
Vì sự tồn tại trước mắt. Bờm đành chấp nhận nắm xôi và bỏ qua những trâu bò, bè gỗ lim, ao sâu cá mè bởi “Nước xa không cứu được lửa gần” vậy!


Giả thiết 3 : Bờm phận nghèo tự ti
Bờm rất nghèo, cả gia tài chỉ có cai quạt mo là đáng giá và cái quạt mo ấy chẳng thể che đậy được cai nghèo của Bờm trươc đôi mắt tinh tường của lão Phú ông biết làm ăn giàu có. Trong cái tương quan thất thế ấy, Bờm đâu dám tơ tưởng đến một cái gì cao xa vượt quá giá trị cái quạt mo của mình. (Với bản tính tự ti và thiếu óc tưởng tượng, Bờm đâu có biết rằng trước khi trở nên giàu có, nhiều lão phú ông kia cũng bắt đầu từ một thời nghèo khó, cũng chỉ có một chiếc quạt mo như Bờm vậy!).
Thôi thì hãy bằng lòng vậy, đành lòng vậy, vì đã nghèo thì cũng phải hèn thôi! Mà cái quạt mo đổi được cả nắm xôi để giải quyết sự đói nghèo trước mắt Bờm thấy cũng đã là tốt lắm rồi!
Có câu:”Cái khó nó bó cái khôn ” làm điều an ủi cho phận nghèo của Bờm!


Gỉả thiết 4: Bờm sống gấp, vô trách nhiệm với hiện tại và tương lai.
Các quyết định của Bờm không cần tính đến hiệu quả, tính đến ngày mai cho bản thân và tương lai của con cháu. Có của nả gì trong nhà, ngoài vườn, Bờm đều chăm chăm đem đổi lấy miếng ăn nóng trước mắt cho riêng mình tiêu sài mặc sức. Bờm không suy nghĩ phải làm việc có hiệu quả và làm ra của cải thật sự cho xã hội, “trời sinh voi, trời sinh cỏ” cơ mà!
Vả lại nhà Bờm “rừng vàng biển bạc”, cơ nghiệp đất đai tổ tiên ông bà để lại mênh mang, thiếu gì!
Trong đầu Bờm không có tư duy phát triển vì tương lai. Cứ như vậy Bờm bỏ qua các cơ hội mà thời cuộc đem lại, dửng dưng với các phương tiện sản xuất như trâu bò, ao sâu cá mè hoặc cả bè gỗ lim của Phú ông. Bờm ích kỷ, chỉ bận bịu với chính sự tồn tại của mình!
Với thế hệ mai sau, Bờm nói : Các con ạ, các cụ ta có câu “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, nay ta tặng lại câu này cho các con đó. Hãy coi đây là tài sản thừa kế vô giá duy nhất mà Bờm ta để lại cho hậu thế các con !…
Và còn có thể có nhiều giả thiết khác nữa cần được tiếp tục bổ xung vào đây.


Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 1992 , GS Trí Việt.


Chẳng nhẽ tôi và Bờm có những điểm giống nhau…?


Đọc kỹ vài lần, tôi càng thấy ngờ ngợ như đã gặp rất nhiều những anh chàng Bờm này hàng ngày trong cuộc sống ở đâu đó quanh tôi. Rồi tôi lại như thấy những anh chàng Bờm này đang ở ngay trong chính con người tôi, chính là một phần cuộc đời tôi.
Một câu ca dao cổ với những hồn cốt của thằng Bờm sao lại có thể vận vào cuộc sống đương đại của chúng tôi đơn giản, dễ dàng như vậy sao? Quả thật tôi rất không muốn tin rằng có một sự thật cay đắng như thế!
Mà chẳng nhẽ tôi và Bờm có những điểm giống nhau, như là anh em ruột thịt của nhau? Chẳng nhẽ tôi cũng kém cỏi, tồi tệ đến thế sao! Và rồi tôi cũng thấy buồn và rợn cả cho chính bản thân mình luôn.

 - Bởi tôi cũng ham mê các loại làm ăn đánh quả kiểu chụp giật “mì ăn liền”, chỉ cần được lợi trước mắt cái đã, bất chấp hậu quả lâu dài dù có tồi tệ đến đâu cũng chẳng sao, rồi ta sẽ tính sau;
- Bởi tôi cũng có tinh thần cam chịu thẳng tưng, chấp nhận cái phận mình nghèo thì hèn là nhiên dĩ nhiên, đành lòng vậy, cầm lòng vậy có sao! Được tồn tại như thế này là quá tốt rồi, làm nữa làm gì cho nó khổ vào thân, chết có mang đi được gì đâu!
- Bởi cũng như Bờm từ khi còn trẻ, tôi đã học được phương pháp luận ngụy biện chứng hùng hồn: Cái nghèo tinh thần và vật chất của ta có nguyên nhân sâu xa trong sự giàu có của những lão phú ông kia. Và để rồi từ đó không bao giờ ta phải tự vấn bản thân, lương tâm về cái nghèo, cái dốt của mình nữa, cứ vô tư mà sống trôi tuồn tuột theo bản ngã vô thức của mình đi!
- Bởi tôi rất ngại suy nghĩ, can dự vào các vấn đề thời cuộc và tương lai. Tôi tâm đắc với cách người làng Vũ Đại xử lý vụ Chí Phèo chửi ầm ĩ cả làng, mọi người không ai bảo ai đều biết im lặng tự nhủ “Chắc nó trừ mình ra”.
Tôi luôn biết cách tự an ủi mình trước các vấn nạn của xã hội mà thường tôi cũng góp phần tạo dựng theo tinh thần văn hóa đổ lỗi của đám đông thời nay; “Do hoàn cảnh khách quan xúi bẩy, tôi đâu muốn thế!”.


Ngoài ra, tôi luôn đề cao tinh thần tự ti vô can vô trách nhiệm: “Em kém cỏi, em bất lực, em xin nhường hết cho các bác đứng ra đứng ra giải quyết” ngay cả khi tôi biết chắc rằng sẽ chẳng có bác nào đứng ra cả!


Hoặc nhờ có năng lực kiên trì trông đợi, tôi sẽ nhắm mắt lại để cố tin vào một phép màu nhiệm là một ngày đẹp trời nào đó, khi mở mắt ra các vấn đề tự nó rồi sẽ được giải quyết tốt đẹp;
- Bởi tôi bao lâu nay vốn chỉ quen “ăn xổi ở thì”, vô lo vô nghĩ và cũng vô trách nhiệm luôn trên cuộc đời này;
- Bởi tôi v.v… và v.v…
Và rồi tôi ngạc nhiên không biết từ khi nào mình trở nên vô cảm, hành xử ngây ngô và đầy chất bản năng đôi lúc mất cả tình người giữa cuộc đời này?
Vậy đâu là phần CON, còn lại bao nhiêu là phần NGƯỜI trong con người của tôi hôm nay?


Để giải thoát cho mình khỏi những nỗi ám ảnh đáng sợ đó, có lẽ tôi phải chờ xem các kết quả khảo cứu và ý kiến của anh bạn Bill sẽ như thế nào. Hy vọng người nước ngoài nhìn vấn đề của người Việt mình khách quan, tích cực và bao dung hơn chăng.
Và biết đâu ông bạn Bill lại có thể chỉ cho các loại chàng Bờm và tôi một giải pháp tích cực hơn các giả thiết mà giáo sư Trí Việt khả kính đã nêu ra trong phác thảo đầy thất vọng của ông!
Và biết đâu vào cái thời hiện đại của số hóa và toàn cầu hóa, các giả thiết trên cùng các chiêm nghiệm đáng sợ của tôi có thể được một nhân vật kiệt xuất nào đó trên internet chứng minh là đã không còn tồn tại trong thực tiễn khách quan tươi đẹp của chúng ta nữa thì lại càng may mắn chứ sao!


Chả thế mà hôm nay lần đầu tiên tôi và các loại chàng Bờm mạnh dạn rủ nhau cùng xuất hiện giao lưu trên internet để giãi bày tâm sự của mình như các bạn đã thấy ở đây!


NGUỒN: http://www.cuongdc.com/2010/05/chan-ly-cua-bom-va-moi-tuong-quan-voi.html#comment-form

Lời của bác Gốc Sậy
Lang thang tự nhiên vớ được bài này.
Không muốn CHÉN 1 mình MÓN NGON nên tôi BÊ về đây để chia sẻ với pàkon. Hóa ra nhiều khi tôi cũng BỜM lắm, còn các bác ?

Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN.
http://nhkien.blogspot.com/search?updated-max=2010-09-22T03%3A24%3A00%2B07%3A00&max-results=7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét