Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

ĐỊA ĐIỂM KHẢO CỔ HỌC GÒ DUỐI TRONG PHỨC HỢP DI TÍCH HÒA DIÊM

I.                  Quá trình phát hiện và nghiên cứu

I.1. Phức hợp di tích Hòa Diêm (ấp Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), tọa độ 11053’15”N, 1090 06’34 E[1].
Hoà Diêm là tên gọi của khu phức hợp di tích bao gồm nhiều dấu tích cư trú và di tồn mộ táng phân bố trên những gò, cồn lớn nhỏ hiện đã bị biến dạng nhiều do hoạt động nuôi trồng thủy sản và làm muối của bà con địa phương. Trong phức hợp này, vết tích của những làng cư trú phân bố trên các gò Đình, gò Miếu, gò Duối, vết tích của khu chôn người chết tập trung chủ yếu trên gò Đình.
Cho tới nay những hố khai quật và thám sát được mở chủ yếu ở gò Đình. Sau khi được phát hiện vào năm 1998 địa điểm này đã trải qua nhiều lần thám sát và khai quật vào các năm 1999, 2002, 2007, 2009 và 2010[2] và mới đây nhất là khai quật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tháng 8.2011[3]
Dấu tích của quá trình cư trú phân bố trên một diện tích khá rộng và được nhận biết chủ yếu qua địa tầng của các hố đào có nơi còn giữ lại vỏ nhuyễn thể, có nơi không có nhuyễn thể, dấu tích của những khu chôn cất người chết được xem là muộn hơn so với cư trú. Trong lần khai quật năm 2002 của Viện Khảo cổ học đã xác định tập hợp mộ táng có bốn loại hình bao gồm: chôn lần đầu, hỏa táng, cải táng và mộ đất[4].
Đợt khai quật 72m2 tại gò Đình năm 2007[5] cho thấy mộ táng ở đây vừa có một vài nét tương đồng với táng thức, táng tục và đồ tùy táng của truyền thống mộ chum văn hóa Sa Huỳnh vừa mang những nét riêng khác.
Đợt khai quật tháng 8 năm 2011 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho kết quả có hai giai đoạn mộ táng sớm muộn khác nhau.
I.2. Gò Duối
Gò Duối là tên gọi một gò đất cát cao khoảng 3-4 m so với mặt ruộng muối xung quanh, có toạ độ địa lý 11053’18.09’’N và 109006’39.39’’E nằm cách gò Đình Hòa Diêm khoảng 500m về phía Đông Bắc.
Vết tích cư trú tại gò này đã được Đoàn khai quật Việt Nhật do TS. Bùi Chí Hoàng phụ trách phát hiện tháng 2 năm 2007 và đoàn cũng đã mở 01 hố thám sát nhỏ (hố thám sát 3). Tuy vậy kết quả khai quật của hố thám 3 này cũng như kết quả xử lý hiện vật của tầng cư trú gò Đình Hoà Diêm –khai quật đầu năm 2007 của Đoàn chưa được công bố chi tiết[6].
Như vậy, khi nghiên cứu phức hợp di tích này, bên cạnh việc nhận diện táng thức và táng tục trong bối cảnh văn hóa rộng hơn, một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là tìm hiểu mối quan hệ lịch đại và đồng đại giữa mộ táng và cư trú trong phạm vi phức hợp[7].
II. Kết quả khai quật Gò Duối năm 2007
Hố 1 (07.HD (GD).H1) được mở ở sườn tây bắc của gò, hố có diện tích 3 x 5 = 15m2, hướng bắc lệch đông 200, cách hố thám sát tháng 2 năm 2007 của TS. Bùi Chí Hoàng khoảng 70cm.
Hố 2 (07.HD (GD).H2) được mở ở sườn đông nam của gò, diện tích 3 x 4 m = 12m2, hướng bắc lệch đông 200
Địa tầng
Lớp đất canh tác dày khoảng 0.15m – 0.20m, đất cát xám rất mịn, trong lớp này có một số mảnh gốm thô vụn, gốm tinh mịn màu đỏ và mảnh vỡ vỏ nhuyễn thể nhiều loại.
Tầng văn hoá dày khoảng 0.70m- 0.80m, tầng văn hoá xuất lộ từ khoảng cuối lớp 2 và kết thúc vào đầu lớp 7 (mỗi lớp đào dày 0.10m), một số di tích như bếp, cụm gốm còn ăn vào sinh thổ khoảng 0.10m đến 0.20m, đất trong tầng có màu xám đen, cứng, nén chặt và chứa nhiều vỏ nhuyễn thể, đá mảnh vụn. Tầng văn hoá được nhận biết qua sự hiện diện của những tích tụ vỏ sò, xương động vật, than tro và gốm vỡ tập trung thành từng đám, tầng văn hoá phân bố không đều, dày hơn và tập trung hơn ở phần đỉnh gò, hiện trạng cho thấy, có nhiều khả năng tầng văn hoá vốn dày hơn nhưng đã bị phá huỷ một phần phía trên.
Đây là di chỉ có một tầng văn hoá, ở những lớp trên (từ lớp mặt đến lớp 3) có một số mảnh gốm tinh mịn, màu đỏ, vàng nhạt, một số có trang trí văn in ô vuông, ngoài ra còn có một số mảnh bán sứ men trấu xanh xám, những mảnh gốm này có niên đại một vài thế kỷ sau Công nguyên, tương đương giai đoạn Đông Hán - Lục Triều, tuy vậy, hiện vật của giai đoạn này trong hố khai quật không nhiều và không tạo thành lớp văn hoá riêng biệt.
Sinh thổ, cát màu vàng sáng, hạt to rời.
Di tích xuất lộ
Mộ táng: 01 mộ đất được phát hiện trong lớp 2 và 3 của hố 1 (ký hiệu 07.HD.GD.H1.M1). Mộ chôn nằm ngửa, hai tay duỗi thẳng dọc theo thân, Xương còn khá nguyên vẹn nhưng hai chân không đầy đủ, phía trên hài cốt có khá nhiều tổ mối, không có đồ tuỳ táng. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy một số hiện tượng bệnh lý và tục nhuộm răng, nhổ răng, xét vị trí cũng như cấu tạo địa tầng có nhiều khả năng mộ được chôn vào nơi cư trú và chưa thể xác định được niên đại (ảnh 1). Kiểu mộ đất như thế này cũng được phát hiện tại gò Đình trong cuộc đào thám sát năm 1999 của Viện Khảo cổ học do Lương Ninh chủ trì.
Tích tụ cụm sò: Trong cả hai hố có 09 cụm (06 cụm trong hố 1 và 03 cụm trong hố 2). Những cụm sò này đa phần là tích tụ rác thức ăn và vết tích đun nấu của cư dân, trong đó có một số cụm còn thấy khá rõ dấu vết bếp lửa.
Bếp: Trong số những cụm sò nói trên, một số cụm có nhiều khả năng là bếp. Bếp thường có dạng hình gần tròn, nhiều than tro, khá nhiều vỏ sò bị đốt cháy, trong bếp thường có phế thải thức ăn như xương, răng cá, càng tôm, cua, xương động vật và một số công cụ xương, công cụ đá và mảnh gốm vỡ. Điển hình là bếp trong cụm sò 2 hố 2, trong bếp này có than tro, vỏ sò cháy, xương động vật, một số đồ xương và công cụ đá (ảnh 2).
Hố cột ?: Trong hố 1 ở lớp sát sinh thổ (đáy lớp 6 đầu lớp 7), có một số hố tròn hay gần vuông nhỏ, đất trong hố màu thẫm hơn so với đất xung quanh và đôi khi có lẫn mảnh gốm.
Cụm gốm: Trong các cụm sò có khá nhiều mảnh gốm và ở một số nơi gốm mảnh lớn tập trung thành từng cụm. Trong lớp 6 và 7 tại ô c1 của hố 1 có 01 cụm gốm là những mảnh vỡ của 01 nồi gốm lớn, gốm khá mỏng và cứng, cụm gốm này nằm ngay trên sinh thổ (ảnh 3).
Di vật
Đồ sắt: Ít, có vài mảnh vỡ của lao và dao sắt được tìm thấy trong các lớp trên (từ 1 đến 2) của hố khai quật, từ lớp 3 xuống không phát hiện thấy hiện vật sắt.
Đồ đồng: Chỉ có 01 hạt đeo bằng đồng (có thể là một loại cúc áo) và 01 mảnh khuyên móc đeo của hạt đeo giống như thế được tìm thấy ở ô b3, lớp 3 của hố 2, loại này cũng được tìm thấy ở di chỉ Vĩnh Yên (Khánh Hòa).
Đồ xương: Đồ xương có công cụ và trang sức. Trong nhóm công cụ có mũi nhọn, lao, nhóm trang sức có hạt chuỗi được làm từ đốt sống cá, một số đốt sống cá đang được chế tác thành hạt chuỗi nhưng chưa xuyên lỗ, có lẽ đang làm dở (ảnh 4).
Đồ thuỷ tinh: Chỉ có 01 hạt cườm màu vàng đục (dạng hạt Indo-Pacific) đã bị vỡ được tìm thấy trong lớp 4, ô a3 hố 2.
Đồ đá: Không thấy rìu hay bôn đá, chỉ có chày đá, đá có vết sử dụng, hòn ghè và một vài mảnh bàn mài.
 Đồ gốm: Ngoại trừ một số ít mảnh gốm tinh mịn và bán sứ phát hiện ở các lớp trên, gốm ở di chỉ này là loại gốm thô, pha khá nhiều cát và sạn nhỏ. Gốm có hai màu chủ đạo là gốm xương xám đỏ, áo xám đỏ và gốm xương đen, áo xám đỏ, ngoài ra còn có một ít gốm xương đỏ, áo đỏ, trên bề mặt thường dính lớp màu trắng xám và gốm xương đen, áo đen nhưng không miết láng như loại gốm xương đen, áo đen trong khu mộ táng ở gò Đình.
Loại hình: Đồ đựng và đồ đun nấu, rất ít gốm có chân đế, không thấy loại bát chân cao, mâm bồng hay nắp gốm (bản vẽ loại hình gốm Gò Duối).
Hoa văn: Loại văn kỹ thuật chủ yếu là văn chải, gần như không thấy văn thừng, văn trang trí có các loại như ấn lõm, in mép vỏ sò, in chấm que nhiều răng, khắc vạch, văn in, tô màu...
Kỹ thuật: Nhiều loại kỹ thuật được sử dụng trong chế tác đồ gốm ở địa điểm này. Phổ biến là kỹ thuật nặn tay kết hợp với kỹ thuật xoay chậm,  có hiện tượng gia cố miệng gốm bằng kỹ thuật vá. 
Tàn tích thức ăn
Tầng văn hoá ở đây được cấu tạo từ đất mùn, cát, tàn tích thức ăn và công cụ lao động, đồ gốm... vỏ nhuyễn thể phân bố không đều trong tầng văn hoá, thường tập trung thành từng cụm quanh hay trong khu vực bếp, khá nhiều mảnh bên trong có than tro hay bị cháy, lẫn trong những cụm sò này có khá nhiều mảnh gốm lớn, than tro, xương cá, chim và xương động vật khác. Trong số nhuyễn thể có thể nhận biết được một số loài gọi theo tên địa phương như ốc nhảy, ốc hương, ốc ngựa, hàu, sò lông, sò huyết.... những loài này hiện vẫn còn được cư dân địa phương khai thác, tuy vậy, hầu như không thấy công cụ làm bằng vỏ nhuyễn thể như một số di tích khác cùng thời ở Khánh Hòa, trong hố I chỉ có 01 mảnh nắp của ốc mặt trăng loại nhỏ (loại nguyên liệu hay được sử dụng làm công cụ giai đoạn hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí ở khu vực).                    
Dựa vào số lượng vỏ nhuyễn thể có thể thấy khai thác thuỷ, hải sản làm thức ăn có vai trò đáng kể. Tuy vậy, lượng đạm chính trong bữa ăn của cư dân Gò Duối được khai thác từ nguồn thịt động vật mà họ bắt được.Trong di tích, có khá nhiều xương của loài thú nhỏ, chim và một số loài thú lớn, xương của một số loài thú lớn còn được dùng để chế tác công cụ.
      III. Gò Duối trong phức hợp di tích Hòa Diêm[8]
      III.1. Tính chất của gò Duối    
      Gò Duối là địa điểm cư trú, mộ táng chỉ xuất hiện như hiện tượng đơn lẻ và chưa được xác định chắc chắn về niên đại, hiện vật và cấu tạo địa tầng cho thấy, tính chất văn hóa cư trú gò Duối giống với lớp cư trú gò Đình, tầng cư trú ở cả hai gò (và cả ở gò Miếu) đều cấu tạo từ tích tụ vỏ sò và thức ăn, cụm than tro, đồ gốm, đồ đá, đồ xương và đồ bằng nhuyễn thể.
III.2. Niên đại khu cư trú gò Duối
 Dựa trên phân tích và nghiên cứu so sánh hiện vật gốm, kim loại và cấu tạo địa tầng, có thể cho rằng khu cư trú Gò Duối có niên đại thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, trong khoảng một vài thế kỷ TCN đến đầu CN. Trong đồ gốm không có sự thay đổi đáng kể nào từ sớm đến muộn. Hiện vật gốm, đá, nhuyến thể và xương cho thấy có nhiều yếu tố kế thừa từ văn hoá Xóm Cồn và văn hóa Tiền Sa Huỳnh. Giai đoạn sớm, công cụ bằng xương và bằng đá chiếm vai trò chủ đạo, từ khoảng cận kề Công nguyên xuất hiện đồ sắt và đồ đồng. Những mảnh gốm kiểu Hán và mảnh bán sứ Hán - Lục Triều cho thấy từ Công nguyên trở đi có sự tích hợp của những yếu tố văn hóa mới. Như vậy tại di tích có sự chuyển biến văn hoá một cách dần dần và liên tục từ Sơ sử sang giai đoạn Lịch sử.
III.3. Tính chất của phức hợp di tích Hoà Diêm qua những lần khai quật
III.3.1.Tính chất của một khu cư trú: Nhận diện lớp cư trú qua những lần khai quật
Vết tích cư trú ở gò Đình Hoà Diêm
Đợt thám sát năm 1999: Ở hai hố thám sát 4 và 5 mỗi hố 10m2, phát hiện khu cư trú trên cồn sò[9], tầng văn hoá dày 65cm, cấu tạo từ vỏ ốc, sò. Hiện vật có 01 đồ sắt ở H.1 nơi có mộ[10], theo báo cáo, sắt chỉ tìm thấy ở khu nghĩa địa. Hiện vật xương, vòng bằng vỏ nhuyễn thể và đồ gốm tìm thấy ở cả hai khu nghĩa địa và cư trú. Đáng chú ý là 06 dọi se chỉ bằng đốt sống cá, tất cả đều tìm thấy tại hố 5 lớp 4 trong các ô b2,2,4, đk.2,6cm, dày 0,9cm, đk.lỗ 0,3cm[11]. Như vậy dấu tích cư trú ở đây có nét tương đồng với khu cư trú ở gò Duối. Theo những người khai quật, niên đại khoảng trên dưới 2000 năm cách ngày nay[12]
Khai quật năm 2002: Tầng cư trú dầy khoảng 70-80cm, bắt đầu xuất lộ từ độ sâu 0.20m và ăn sâu xuống đến sinh thổ, có cấu tạo chủ yếu từ các tích tụ vỏ nhuyễn thể, xương động vật, than tro, công cụ đá, công cụ xương... Những tích tụ này phân bố thành từng nhóm, cụm,.hiện vật chủ yếu là công cụ đá như rìu, hòn mài, cuội mài, nghiền, chày nghiền, đá nguyên liệu, công cụ bằng vỏ nhuyễn thể và công cụ bằng xương như mũi nhọn xương. Trong tầng cư trú không phát hiện được nhiều hiện vật kim loại, theo bảng thống kê hiện vật sắt trong báo cáo khai quật năm 2002, có tất cả 49 hiện vật sắt, trong đó 46 hiện vật tìm thấy trong các cụm mộ, chỉ có 01 dao và 02 mảnh sắt tìm thấy trong lớp 1 của tầng cư trú[13]. Đồ gốm trong tầng cư trú có một số nét tương đồng với gốm mộ, nhưng loại hình và trang trí đơn giản hơn nhiều. Gốm cư trú phần lớn thuộc loại hình nồi và bát. Cư trú đã bị một số mộ muộn chôn vào phá vỡ, đồng thời có một số mộ chôn cùng thời với tầng cư trú.
Khai quật năm 2007[14]: Trong hố đào rộng 48m2, nằm sát hố khai quật năm 2002 đã phát hiện tầng văn hoá dày từ 40-60cm, chia thành hai lớp: Lớp trên là lớp mộ táng dày từ 20-40cm, lớp dưới là lớp cư trú dày từ 20-30cm gồm nhiều vỏ sò, mảnh gốm vỡ và xương động vật. Mộ chum chôn vào cả lớp văn hoá dưới (tức lớp cư trú), theo kết quả này thì cư trú Hoà Diêm có trước và mộ táng có sau. Tuy nhiên trong báo cáo không thấy những người khai quật đề cập đến nội dung, tính chất và niên đại của lớp cư trú và mối quan hệ giữa cư trú với mộ táng.
Khai quật năm 2010[15]: Tại hố 1 (12m2) và hố 4 (21m2) chỉ phát hiện tầng văn hóa của cư trú mà không có mộ táng. Tầng văn hóa dày 20-30cm và phủ toàn bộ diện tích các hố. Tầng văn hóa chủ yếu chứa các cụm vỏ của các loài nhuyễn thể (khoảng 20 loài), nhiều loài có kích thước lớn. Trang trí đồ gốm khu cư trú có một số nét tương đồng với trang trí gốm ở khu mộ táng, đó là phương pháp ấn băng dải vỏ sò. Không có hiện vật kim loại.
Từ nghiên cứu so sánh tầng cư trú gò Duối với tầng cư trú gò Đình Hòa Diêm, có thể rút ra một số nhận xét sau: 
 i. Tầng cư trú được tạo thành bởi tích tụ vỏ nhuyễn thể, xương, răng động vật, cá, công cụ đá và đồ gốm vỡ dày từ 30 đến 80cm
      ii.  Ở gò Duối, hiện vật kim loại chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn, ở lớp 1-3 (khoảng 30cm trở lên). Ở gò Đình, theo các mô tả và thống kê hiện vật của cuộc đào thám sát 1999 và khai quật năm 2002 trong lớp cư trú hiện vật kim loại rất hiếm gặp. Trong đợt thám sát năm 1999, đồ sắt chỉ tìm thấy trong khu mộ táng. Đợt khai quật năm 2002, chỉ có 01 dao và 02 mảnh sắt được tìm trong lớp 1 của tầng cư trú[16].  Về loại hình, những đồ sắt trong các lớp trên của gò Duối giống với đồ sắt trong mộ gò Đình, niên đại của đồ sắt ở cả gò Duối và gò Đình đều vào khoảng cận kề và sau Công nguyên và xuất lộ cùng thời với đồ đồng, gốm tinh mịn. Sự xuất hiện của sắt, đồng và gốm tinh mịn cho thấy quá trình diễn biến văn hóa ở phức hợp di tích Hòa Diêm từ sớm đến muộn khá đồng đều ở cả gò Duối lẫn gò Đình.
  iii. Đồ gốm thô của tầng cư trú cả ở gò Duối và gò Đình chỉ gồm một số loại hình của đồ đun nấu và đồ đựng như: Bát miệng khum, đáy hình chỏm cầu, thân không hoa văn hay có văn chải. Nồi miệng loe với nhiều kiểu biến thiên, thành miệng trang trí văn in ấn lõm hay in chấm, nồi miệng khum, đồ gốm có chân đế cao vừa loe choãi...
  Đồ gốm trang trí văn chải chiếm tỉ lệ lớn (hầu như không có văn thừng), những kỹ thuật tạo hoa văn trang trí khác như văn chải kết hợp khắc vạch và in ấn, in ấn móng tay, in mép sò, in que nhiều răng, tô màu... đều thấy trên đồ gốm cư trú.
        Đồ gốm tinh mịn với miệng hũ hay bình có miệng uốn cong ra ngoài, cổ có trang trí được tìm thấy cả trong khu cư trú lẫn khu mộ táng.
        Tại lớp trên (1-3) của gò Duối có gốm kiểu Hán văn in ô vuông và gốm men Hán-Lục Triều (ảnh 5. Ở gò Đình trong cả tầng cư trú và khu mộ táng đều không thấy thông báo về loại gốm này.
Như vậy, dấu tích cư trú của cư dân cổ Hòa Diêm phân bố hầu khắp ở các gò Đình, Miếu, Duối. Sự nhận diện tầng cư trú ở Hoà Diêm chủ yếu qua những dấu tích bếp, cụm gốm, tích tụ thức ăn nhuyễn thể, xương cá, xương động vật nhỏ như chim, gia cầm và xương động vật có vú vừa và lớn, công cụ đá, công cụ xương, trang sức bằng vỏ nhuyễn thể. Hiện vật kim loại hiếm và chỉ thấy ở giai đoạn muộn của cư trú. Tầng cư trú này có độ dày từ 80 đến 30cm và đã bị phá huỷ ở một số nơi do mộ táng cùng thời hay muộn hơn chôn vào.
 Niên đại của tầng cư trú: Dựa vào niên đại C14[17], loại hình di vật và di tích xuất lộ, những yếu tố kế thừa trong đồ đá, đồ gốm và đồ xương từ văn hóa Xóm Cồn và những địa điểm Tiền Sa Huỳnh khác như Bãi Ông (Quảng Nam); Long Thạnh (Quảng Ngãi) và Truông Xe (Bình Định), có thể ước đoán dấu tích cư trú có niên đại khởi đầu từ thế kỷ 3, 4 TCN và kéo dài đến những thế kỷ đầu công nguyên. Những mảnh gốm tinh mịn (loại gốm Chăm kiểu Hán) và đồ bán sứ Hán-Lục Triều ở gò Duối cho thấy có thể có những tích tụ văn hóa kéo dài đến sau thế kỷ 3 CN. Như vậy, sự xuất hiện của kim loại ở khu vực này khá muộn so với không gian của văn hóa Sa Huỳnh Bắc[18].
     III.3.2. Tính chất của khu mộ táng:
Khu mộ táng phân bố trên gò Đình. Khu mộ này được thám sát và khai quật nhiều đợt từ năm 1999-2011, đó là cuộc khai quật tháng 8.2002, 100m2, 02 mộ huyệt đất 24 mộ chum; khai quật tháng 1. 2007, 72m2, phát hiện 16 mộ táng gốm 14 mộ chum và 02 mộ đất; khai quật 2010[19] phát hiện 9 mộ chum, vò và 2 mộ đất; khai quật tháng 8.2011, 54,5m2, phát hiện 26 mộ chum và mộ huyệt đất thuộc hai giai đoạn sớm và muộn, không có lớp cư trú.
Mộ táng Hòa Diêm có những đặc trưng sau:
Táng thức: Mộ chum xen lẫn mộ đất, số lượng mộ huyệt đất ít hơn so với mộ chum.  Mộ đất có hung táng, cải táng và chôn tượng trưng. Mộ chum có cải táng, hoả táng và chôn tượng trưng, đặc biệt của mộ táng Hòa Diêm là lối chôn phức hợp. Mộ chum Hoà Diêm với những táng thức và táng tục đã phát hiện không khác so với những phát hiện ở hang Tabon vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20[20]. Chum quan tài Hòa Diêm rất đa dạng về hình dạng, kích cỡ và trang trí. Ngoại trừ loại chum hình cầu có kích thước lớn giống với chum hình cầu của các di tích mộ chum Sa Huỳnh Bắc và Sa Huỳnh Nam ở Việt Nam được sản xuất có lẽ dành riêng cho mai táng, những chum quan tài khác với những loại hình đa dạng và trang trí đẹp có nhiều khả năng được tái tận dụng từ những đồ gốm không chỉ dành riêng cho mục đích chôn cất người chết[21]. Trong đồ gốm tùy táng Hòa Diêm, các nhà nghiên cứu có thể nhận thấy những yếu tố kế thừa từ giai đoạn Tiền Sa Huỳnh và Xóm Cồn, và trong đồ gốm mộ giai đoạn muộn (từ sau CN) nổi trội nhất là yếu tố gốm Kalanay.[22] Như vậy, táng thức Hòa Diêm giai đoạn muộn từ đầu Công nguyên trở về sau giống táng thức Tabon, gốm tùy táng và gốm quan tài Hòa Diêm giống truyền thông gốm Kalanay.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác lập ít nhất bốn tổ hợp/truyền thống gốm Tiền Sơ sử ở Đông Nam Á (hải đảo), đó là Sa Huỳnh, Niah, Kalanay và Tabon. Mối quan hệ giữa những tổ hợp này không giống/bằng nhau. Dù có những liên hệ genetic (nguồn gốc và phát sinh) nhưng đã phát triển độc lập với nhiều tính địa phương trong chuyên hoá và mức độ tinh tế hoá trong sản xuất[23]. Mỗi truyền thống, thậm chí mỗi địa điểm trong từng truyền thống đều có những loại hình gốm riêng biệt[24], có thể diễn giải hiện tượng này bằng sự hiện diện của sản xuất địa phương hay trao đổi hàng hóa gốm đặc biệt của mỗi vùng. Ngoài ra, khác biệt mang tính địa phương còn có thể là hình thức của biểu hiện tộc người, tức là cách thức mà qua đó những cộng đồng cư dân duy trì bản sắc tộc người của mình.[25]
Như vậy có thể thấy rằng tổ hợp gốm Sa Huỳnh Bắc quan hệ chặt chẽ với gốm Tabon, tổ hợp gốm Hòa Diêm (Sa Huỳnh Nam) với gốm Kalanay[26].
Mộ táng Hòa Diêm có niên đại sớm muộn khác nhau qua kết quả khai quật. Niên đại bắt đầu của táng thức mộ chum ở Hòa Diêm chưa thể xác định một cách chắc chắn do chưa có những dữ liệu cụ thể[27]. 
Cuộc khai quật năm 2007 cho thấy có 3 nhóm mộ:
Nhóm mộ 1: Dấu tích của những mộ ngay trên lớp sinh thổ.
Nhóm mộ 2: Dấu tích của mộ 13 và mộ 14
Nhóm mộ 3: Gồm các mộ từ mộ số 2 đến mộ số 12. Theo những người khai quật, nhóm mộ 3 này có đồ gốm tùy táng giống gốm Kalanay và có niên đại từ thế kỷ 1 CN trở về sau[28].     
Khai quật tháng 8.2011 cho kết quả “26 ngôi mộ với 2 dạng táng thức là mộ chum và mộ huyệt đất và có niên đại từ sớm đến muộn và gần như không có sự kế thừa về loại hình chum mộ cũng như chất liệu giữa các giai đoạn mộ táng. Niên đại của Hòa Diêm trong những cuộc khai quật lần trước đa số thống nhất khung niên đại 2500 TCN đến CN một vài trăm năm. Tuy nhiên, với những phát hiện lần này có thể sẽ đẩy lùi mốc niên đại khởi điểm cho Hòa Diêm xa hơn với sự xuất hiện các mộ chum ở lớp dưới ăn sâu xuống sinh thổ”.[29]
Niên đại kết thúc của mộ táng Hòa Diêm được xác định dựa trên những tư liệu so sánh với các địa điểm cư trú và mộ táng thuộc loại hình Sa Huỳnh Nam có niên đại khởi đầu trước Công nguyên và kéo dài đến những thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam và một số địa điểm khác ở Đông Nam Á (Kalanay); Sự có mặt của hiện vật tùy táng có nguồn gốc Trung Hoa, Ấn Độ, Tây Á như tiền Ngũ Thù Tây và Đông Hán, hạt chuỗi khắc axit, hạt chuỗi bằng vàng, đặc biệt là đồ gốm tùy táng tinh mịn màu da bò, xám trắng, vàng da cam với những loại hình cốc chân cao đặc, nắp, bình... loại gốm có mặt trong các địa điểm có niên đại vài thế kỷ đầu Công Nguyên ở Đông Nam Á[30].
     Như vậy, niên đại kết thúc của mộ táng Hòa Diêm khoảng thế kỷ 3,4 CN.
III.3.3. Gốm trong tầng cư trú và gốm mộ táng: Trong dòng gốm thô có thể nhận thấy sự tương đồng giữa hai tổ hợp này, đó là:
     Về loại hình:
i.                   Nồi miệng loe, thành miệng gãy gập tạo gờ gãy thành miệng ngoài. Giữa miệng và thân không có gờ gãy góc phân biệt.  Mép miệng tròn. Thành miệng ngoài phía trên gờ gãy góc thường có trang trí hoa văn in chấm, hoặc ấn lõm, khắc vạch.
ii.                 Miệng loe, thành miệng gãy gập tạo gờ ở thành miệng ngoài, có gờ gãy góc phân biệt giữa miệng và thân. Trên thành miệng ngoài thường có trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp văn in hoặc in mép sò.  Gốm có kiểu miệng này thường trang trí văn chải trên thân, từ cổ trở xuống.
iii.              Miệng loe xiên, mép miệng tròn khum vào trong. Giữa miệng và thân có gỡ gãy góc.
iv.              Đồ gốm có chân đế cao vừa, hơi choãi  
v.                 Nồi gốm miệng khum   kiểu khum không có gờ, mép miệng tròn thành miệng khum vào trong.
     Về hoa văn:
     Cả ở hai nơi đều có những tương đồng trong các đồ án hoa văn trên loại miệng loe gẫy và loe lòng máng, in chấm, in ấn lõm, khắc vạch xiên, khắc vạch trên nền văn chải. Tuy nhiên riêng gò Duối có hoa văn dạng khuông nhạc; hoa văn nửa vòng tròn móc nhau còn gò Đình có in cuống rạ, trổ lỗ, hình lá và trang trí dạng đường xoáy tròn trên gốm đen bóng.
      Như vậy, sự giống và khác nhau trong các sưu tập gốm giữa cư trú và mộ táng xuất phát từ ba nguyên nhân:
i.                   Tầng cư trú và khu mộ táng dù có niên đại khởi đầu sớm muộn khác nhau nhưng đã từng có một giai đoạn cùng tồn tại.
ii.                 Sự đa dạng trong chất liệu và loại hình gốm ở khu mộ táng so với khu cư trú do tính chất văn hóa của từng khu quy định[31].
iii.              Sự phong phú của gốm (về cả chất liệu và loại hình) của khu mộ táng so với gốm của tầng cư trú còn do mối quan hệ văn hoá với bên ngoài ở thời điểm cận kề công nguyên trở về sau.

IV. Một số vấn đề về Hòa Diêm và từ Hòa Diêm
IV.1. Tính chất cư trú Hòa Diêm trong bối cảnh văn hóa Xóm Cồn và văn hóa Tiền Sa Huỳnh
Tầng cư trú ở phức hợp di tích Hòa Diêm có những nét tương đồng với cư trú của cư dân văn hóa Xóm Cồn và cư dân Tiền Sa Huỳnh trong khu vực. Trong diễn trình văn hóa Tiền, Sơ sử Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận có thể nhận biết ít nhất hai giai đoạn sớm muộn (xem bảng Các địa điểm Khảo cổ học Tiền, Sơ sử ở Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận) và cư trú Hòa Diêm thuộc vào giai đoạn muộn của diễn trình này.
Đặc điểm chung của cư trú giai đoạn muộn:
a. Sự có mặt khá đột ngột của những hiện vật kim loại đồng và sắt ở những lớp văn hóa trên của di chỉ, những hiện vật này tuy ít về số lượng nhưng phân bố đều và đồng nhất về hình loại, điều này cho thấy sự chuyển biến từ giai đoạn đồ đá sang giai đoạn kim khí ở đây không phải là sự chuyển tiếp dần dần, kéo dài mà rất nhanh, với cường độ mạnh. Tại những lớp văn hóa trên cùng của các di chỉ có sự hiện diện của những mảnh gốm tinh, mịn loại chất liệu của gốm giai đoạn lịch sử thường tìm thấy ở các địa điểm giai đoạn sớm của Champa và Óc Eo.
b. Sự thiếu vắng công cụ đá mài với những loại hình rìu hình thang có đốc thu nhỏ, loại hình đồ đá phổ biến trong giai đoạn sớm và thay vào đó khá nhiều hòn kê - ghè, hòn nghiền, bàn mài.... Sự thay đổi này có thể liên quan đến phương thức khai thác tự nhiên rừng-biển của các nhóm cư dân.  
c. Đồ gốm: Tỉ lệ đồ gốm văn chải và văn thừng dao động giữa các địa điểm, trong một số địa điểm văn chải không còn chiếm tỉ lệ tuyệt đối như ở giai đoạn sớm.
IV.2. Tính chất mộ táng Hòa Diêm trong bối cảnh mộ chum Sa Huỳnh và mộ chum Đông Nam Á
    Về niên đại mộ táng Hòa Diêm có nhiều giai đoạn khác nhau, giai đoạn sớm có những nét chung với mộ chum vò ở Phú Yên (như Rừng Long Thủy, Suối Mây), ở Đông Nam Bộ (Suối Chồn, Giồng Cá Vồ)... và ngay ở trên địa bàn Khánh Hòa, ở một số di tích như Vĩnh Yên – có mảnh chum kiểu Hòa Diêm, chum hình cầu... Mộ chum Hòa Diêm giai đoạn sớm này nằm trong xu thế chung của loại hình Sa Huỳnh Nam – truyền thống II – và thể hiện xu thế đa dạng hóa của táng thức mộ chum ở giai đoạn muộn từ cận kề đến sau công nguyên. Đó là các địa điểm mộ chum, vò Nam Trung bộ và Nam bộ Việt Nam như Xóm Ốc – Suối Chình (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), Rừng Long Thủy - Gò Bộng Dầu và Suối Mây (Phú Yên), mộ vò Vĩnh Yên (Khánh Hòa),  Hòa Vinh I, II[32] và Phú Trường (Bình Thuận), Giồng Lớn[33] (Bà Rịa-Vũng Tàu), Giống Cá Vồ (TP. Hồ Chí Minh)... trong khi truyền thống I – mộ chum đã chấm dứt sự tồn tại của mình[34].
      Giai đoạn muộn, từ Công nguyên trở về sau truyền thống mộ chum II này đã tiếp nhận những yếu tố mới (có thể bằng buôn bán, trao đổi và sự di chuyển của các nhóm dân cư) dẫn đến những thay đổi trong táng thức, táng tục và đồ tùy táng ... Những mộ chum Hòa Diêm giai đoạn muộn từ những thế kỷ đầu công nguyên trở đi (như đã trình bày ở phần trên) về táng thức rất giống phức hợp mộ táng Tabon trong khi loại hình chum quan tài và đồ tủy táng gốm có những tương đồng đáng kể với phức hợp gốm Kalanay.
Như vậy, từ Công nguyên trở đi diễn biến của mộ chum ở Nam Trung Bộ có xu hướng đa dạng hoá và gần gũi hơn với Đông Nam Á hải đảo

Những tương đồng trong cách thức mai táng và đồ tùy táng (đặc biệt là đồ gốm mai táng) giữa Hòa Diêm với những nơi khác (đặc biệt là với miền Trung và miền Nam Philipin) một mặt phản ánh những quan hệ tiếp xúc và buôn bán liên đảo, liên lục địa ở Đông Nam Á lúc bấy giờ, mặt khác cho thấy sự hình thành và phát triển của những trung tâm sản xuất gốm hàng hóa và nhu cầu buôn bán nội vùng, liên vùng đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của không chỉ khía cạnh vật chất mà quan trọng hơn là khía cạnh tinh thần của những cộng đồng có chung những quan niệm về tín ngưỡng, về nghi thức, nghi lễ tang ma. Những đợt di dân vào đầu thiên niên kỷ I Công nguyên trên khắp lục địa Á Âu, đặc biệt là trên biển Thái Bình Dương cũng đóng vai trò đáng kể trong việc mang đến, mang đi những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, có thể là sản phẩm nhập nguyên chiếc, có thể là sản –phẩm làm theo kỹ thuật và loại hình... cùng với sự trao đổi ý tưởng, tri thức cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật.  Flaver cho rằng những mẫu họa tiết ngoại lai thường được các cộng đồng chọn lọc để tiếp nhận và kết quả là sự phổ biến kéo dài hàng nghìn năm của những mô típ trang trí giống nhau trên một không gian rộng[35], còn Bacus giải thích những tương đồng về phong cách “có thể là kết quả không chỉ của trao đổi mà còn là kết quả của sự chia sẻ những biểu trưng chung của giới quý tộc và sự tham gia vào cùng một hệ thống liên minh”[36].
      
Hòa Diêm là khu di tích cư trú và mộ táng quan trọng với diện phân bố rộng và có niên đại kéo dài từ những thế kỷ trước và từ công nguyên trở đi, có mối quan hệ lịch đại – kế thừa với những di tích sớm hơn như Xóm Cồn và  những di tích Tiền Sa Huỳnh khác, có mối quan hệ đồng đại nhiều chiều và mạnh mẽ với các di tích Trung bộ, Đông Nam bộ, Đông Nam Á Lục địa và Hải đảo. Như vậy có nhiều nguồn, nhiều cơ tầng văn hóa nội sinh và ngoại sinh gớp phần tạo dựng diện mạo độc đáo của khu di tích này mà trong đó những mối liên hệ Tabon – Sa Huỳnh/Hòa Diêm – Kalanay có vị trí quan trọng đặc biệt nhất là từ  đầu công nguyên trở đi[37].


Tài liệu dẫn

Trương Đăc Chiến 2011, Khai quật di tích Phú Trường (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) lần thứ nhất. NPHMVKCH năm 2010, Nxb KHXH, Hà Nội 2011, tr.183-188. 
     Bùi Chí Hoàng, YAMAGATA Mariko, Nguyễn Kim Dung, Khai quật di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa) lần thứ ba, năm 2010. NPHMVKCH năm 2010, Nxb KHXH, Hà Nội 2011, tr. 178-180
       Bùi Chí Hoàng, Yamagata Mariko và Nguyễn Kim Dung, Khai quật di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa) năm 2010, Bài trình bày tại HNTBKCH năm 2011, Hà Nội
      Lương Ninh, Nguyễn Mạnh Cường 1999. Báo cáo thám sát di chỉ KCH Hoà Diêm (Khánh Hoà). Tư liệu Thư viện Viện Khảo cổ học. Hà Nội
      Bùi Chí Hoàng YAMAGATA Mariko, Nguyễn Kim Dung 2008, Báo cáo khai quật di tích khảo cổ học Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông- huyện Cam Ranh – tỉnh Khánh Hòa), Báo cáo khai quật, Tư liệu Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ, Tp. Hồ Chí Minh.
Fox Robert 1970. The Tabon Caves. Archaeological Explorations and Excavations on Palawan Island, Philippines. National Museum. Manila.
Hoàng Thúy Quỳnh, Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh. Luận văn thạc sĩ, Tư liệu khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội, 2008
Lương Ninh, Nguyễn Mạnh Cường 1999. Báo cáo thám sát di chỉ KCH Hoà Diêm (Khánh Hoà). Tư liệu Thư viện Viện Khảo cổ học. Hà Nội
Nguyễn Đăng Cường, (2005), Báo cáo khai quật địa điểm Hoà Diêm, Cam Ranh, Khánh Hoà, Khoá luận tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử, (Tư liệu Khoa Lịch sử và Tư liệu Bảo tàng Nhân học), Hà Nội.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2011, Bài báo cáo tại HNTBKCH lần thứ 46, Hà Nội 9.2011
Lâm Thị Mỹ Dung, 2008, Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang sơ kỳ lịch sử ở miền trung Trung bộ và nam Trung bộ Việt Nam, Đề tài khoa học trọng điểm  cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (mã số QG.06.07), (Tư liệu Bảo tàng Nhân học, trường ĐHKHXH & NV), Hà Nội.
Andrea Yankowski, Trade, Technologies & Traditions – The Analysis of Artifacts Recovered from a Metal Age Burial Site in District Ubujan, Tagbilaran City, Bohol, Master Thesis, San Francisco, California, 2005: 61-62.
Hoàng Thúy Quỳnh, Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh. Luận văn thạc sĩ, Tư liệu khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội, 2008
Hutterer, Karl L. &. William K MacDonald, Houses Built on Scattered Poles: Prehistory and Ecology in Negros Oriental, Philippines. Cebu City, The University of San Carlos, 1982: 334
Bùi Chí Hoàng, Yamagata, Nguyễn Kim Dung, Khai quật Hòa Diêm năm 2007 và 2010, in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Khảo cổ học Khánh Hòa, Nha Trang 2010
Andrea Yankowski, Trade, Technologies & Traditions – The Analysis of Artifacts Recoveres From a Metal Age Burial site in District Ubujan, Tagbilaran City, Bohol. Master Thesis, Sanfracisco State University, 2005
Fontaine và Davidson, Archaeological Site of Hoa Vinh, Asian Perspectives, XXIII-1, 1980
Vũ Quốc Hiền, Trương Đắc Chiến, Lê Văn Chiến, Khai quật Giồng Lớn lần thứ 2 (năm 2005). Thông báo Khoa học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 2007.
Jean Duvignaud, Những tiếng nói đã mất, Nxb TG và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2011, Hà Nội
Flavel Ambika, Sa Huynh – Kalanay? Analysis of the Prehistoric Decorated Earthenware of South Sulawweri in an Island Southeast Asian Context, Bachelors of Science Thesis, Centre for Archaeology University of Western Australia, 1997.
Bacus, Elisabeth A., Styles of Alliance? Decorated Earthenwares in Late Prehistoric and Protohistoric Philippines Polities. Trong John N. Miksic (cb.) Earthenware in Southeast Asia – Proceedings of the Singapore Symposium on Premodern Southeast Asian Earthenwares, 39-51, Singapore: Singapore University Press, 2003


Chú thích
 
[1] Do những cuộc thám sát và khai quật đầu tiên ở phức hợp di tích này đều mở ở gò Đình nơi có ngôi đình của ấp Hòa Diêm nên di tích được đặt tên là di tích Hòa Diêm, như vậy cho đến nay có ít nhất ba gò thuộc phức hợp di tích này là gò Đình, gò Duối và gò Miếu.

[2] Lương Ninh, Nguyễn Mạnh Cường 1999. Báo cáo thám sát di chỉ KCH Hoà Diêm (Khánh Hoà). Tư liệu Thư viện Viện Khảo cổ học. Hà Nội; Nguyễn Đăng Cường, (2005), Báo cáo khai quật địa điểm Hoà Diêm, Cam Ranh, Khánh Hoà, Khoá luận tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử, (Tư liệu Khoa Lịch sử và Tư liệu Bảo tàng Nhân học), Hà Nội. ; Bùi Chí Hoàng và nnk 2008, Báo cáo khai quật di tích khảo cổ học Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông- huyện Cam Ranh – tỉnh Khánh Hòa), Báo cáo khai quật, Tư liệu Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ, Tp. Hồ Chí Minh

[3] Cuộc khai quật lần này có diện tích 54,5m2, phát hiện 26 ngôi mộ với 2 dạng táng thức là mộ chum và mộ huyệt đất và có niên đại từ sớm đến muộn, không có vết tích cư trú (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2011, Bài báo cáo tại HNTBKCH lần thứ 46, Hà Nội 9.2011. Theo những người khai quật tư liệu lần khai quật này sẽ góp phần làm thay đổi một số  nhận thức về Hòa Diêm, đặc biệt về các mối quan hệ đồng đại, lịch đại của Hòa Diêm trong bối cảnh tiền, sơ sử Đông Nam Á.  

       [4] Nguyễn Đăng Cường, (2004), Báo cáo khai quật địa điểm Hoà Diêm, Cam Ranh, Khánh Hoà, Khoá luận tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử, (Tư liệu Khoa Lịch sử và Tư liệu Bảo tàng Nhân học), Hà Nội
       [5] Bùi Chí Hoàng và nnk 2008, Báo cáo khai quật di tích khảo cổ học Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông- huyện Cam Ranh – tỉnh Khánh Hòa), Báo cáo khai quật, Tư liệu Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ, Tp. Hồ Chí Minh
       [6] Khảo tả về hố thám sát 3 của đợt khai quật năm 2007:” Khi vừa đào xuống chừng 10cm gặp vô số mảnh vỏ sò, có những con còn chưa tách ra. Nhiều mảnh gốm thô (có chất liệu giống với Đông Nam Bộ) nằm xen lẫn vào đống vỏ sò, có hoa văn rất đẹp và 1 mảnh bàn mài lõm bằng sa thạch, lớp vỏ sò dày khoảng 50cm, xuống độ sâu 65cm thì bắt đầu gặp lớp cát vàng và đây cũng là sinh thổ. Qua những mảnh gốm thu được trong hố thám sát này khả năng khu di tích cư trú này vào giai đoạn sớm hơn so với tuổi của khu vực mộ chum” (Bùi Chí Hoàng và nnk 2008: 16). 
      [7] Một trong những khó khăn hiện nay của các nhà khảo cổ khi khai quật loại di tích cư trú-mộ táng kiểu như di tích Hòa Diêm, Giồng Cá Vồ, Xóm Ốc  hay Bình Châu … chính là việc phân định rạch ròi từng tổ hợp di vật và tìm hiểu mối quan hệ lịch đại hay đồng đại giữa cư trú với mộ táng. 
[8] Như phần đầu bài viết đã đề cập, phức hợp di tích Hòa Diêm gồm nhiều gò khác nhau, trong đó có Gò Đình (đình Hòa Diêm); gò Duối; gò Miếu…
[9] Lương Ninh, Nguyễn Mạnh Cường 1999
[10] Vì báo cáo của những người khai quật không phân biệt hiện vật của hai khu nên rất khó phân định và so sánh
[11] So sánh với tư liệu ở các địa điểm khác, đây có lẽ không phải là dọi se chỉ mà là hạt chuỗi giống những hạt chuỗi bằng đốt sống cá tìm thấy ở những đợt khai quật sau nhưng có kích thước nhỏ hơn
[12]Lương Ninh, Nguyễn Mạnh Cường 1999.

[13] Nguyễn Đăng Cường 2005
[14] Bùi Chí Hoàng và nnk 2007
[15] Bùi Chí Hoàng, Mariko Yamagata và Nguyễn Kim Dung 2008
[16] Nguyễn Đăng Cường 2005
[17] Hai mẫu phân tích niên đại C14 lấy từ tầng cư trú sớm dưới lớp mộ táng của hố khai quật gò Đình năm 2007 cho kết quả: 1. Mẫu than 2445±25yrBP và 2. Mẫu vỏ sò 2970±20yrBP (Bùi Chí Hoàng, Yamagata Mariko và Nguyễn Kim Dung, Khai quật di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa) năm 2010, Bài trình bày tại HNTBKCH năm 2011, Hà Nội). Do vỏ sò không phải là chất liệu lý tưởng cho phân tích niên đại C14 và thường có sai số lớn, nên chúng tôi cho rằng niên đại của mẫu than có độ tin cậy cao hơn và sát hơn với niên đại của hiện vật khảo cổ học. Cuộc khai quật năm 2002 cũng có hai kết quả niên đại C14 của mẫu than và mẫu vỏ sò lấy từ tầng văn hóa (cư trú). Mẫu than cho niên đại 2040+/-100 BP và mẫu sò cho niên đại 2310+/-85 BP (Nguyễn Đăng Cường, (2005), Báo cáo khai quật địa điểm Hoà Diêm, Cam Ranh, Khánh Hoà, Khoá luận tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử, (Tư liệu Khoa Lịch sử và Tư liệu Bảo tàng Nhân học), Hà Nội, tr.70).

[18] Dựa vào phân tích và nghiên cứu so sánh loại hình quan tài gốm, đồ gốm tùy táng, đồ tùy táng khác và  niên đại C14 kết hợp với ý kiến của những nhà nghiên cứu khác, chúng tôi đã phác họa hai loại hình của văn hóa Sa Huỳnh, Sa Huỳnh Bắc từ Huế đến Bình Định và Sa Huỳnh Nam từ Khánh Hòa đến Đông Nam bộ (Lâm Thị Mỹ Dung, 2008, Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang sơ kỳ lịch sử ở miền trung Trung bộ và nam Trung bộ Việt Nam, Đề tài khoa học trọng điểm  cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (mã số QG.06.07), (Tư liệu Bảo tàng Nhân học, trường ĐHKHXH & NV), Hà Nội.
.  
[19] Bùi Chí Hoàng, Yamagata Mariko và Nguyễn Kim Dung, Khai quật di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa) năm 2010, Bài trình bày tại HNTBKCH năm 2011, Hà Nội
[20] “Mộ chum ở hang Tabon có nhiều loại: Hung táng (primary), toàn bộ thây được đặt trong chum; Cải táng (secondary), một bộ phận xương cốt đặt trong chum; Kết hợp (multiple), thây hay xương người của nhiều cá thể hoặc kết hợp giữa hung táng và cải táng” (Fox  R.1970:67).
[21] So sánh loại hình chum quan tài giữa các nhóm Sa Huỳnh Bắc (Địa bàn từ Huế đến Bình Định) và nhóm Sa Huỳnh Nam (Địa bàn từ Khánh Hòa đến Đông Nam bộ), chúng tôi nhận thấy rõ ràng ở cả hai loại hình, chum quan tài có hai loại, loại thứ nhất – chuyên dụng có hình dạng và kích thước quy chuẩn, ở Sa Huỳnh Bắc là chum hình trụ và hình trứng còn ở Sa Huỳnh Nam là loại chum hình cầu, loại thứ hai – không chuyên dụng tức những đồ gốm lớn, nhỏ dùng cho nhiều mục đích trong đó có mục đích chôn cất, loại thứ hai này được sử dụng nhiều hơn ở loại hình Sa Huỳnh Nam (Lâm Thị Mỹ Dung và NNK, …; Hoàng Thúy Quỳnh…)
[22] Ngay từ khi địa điểm này được phát hiện, nhiều người nghiên cứu đã so sánh đồ gốm quan tài và gốm tùy táng ở đây với vùng ĐNÁ Hải đảo, Đông Nam bộ Việt Nam, xem chẳng hạn Nguyễn Đăng Cường… và sau đó là ý kiến của nhóm các nhà khoa học Việt Nam-Nhật Bản Bùi Chí Hoàng, Mariko Yamagata, Nguyễn Kim Dung…
[23], Tìm hiểu mối quan hệ giữa các tổ hợp này Fox (Fox Robert. Tabon Cave1970) nhận định ở trang 98: “Mối quan hệ trước hết của Tabon là với Niah ở Borneo và Sa Huỳnh ở Đông Dương, ít hơn với Malai, Thái Lan và Nam Trung Hoa, rất vừa phải với miền Trung và miền Bắc Philipin (ít nhất là nếu so sánh Tabon – Kalanay). Mối quan hệ (gần gũi) giữa Tabon với những phức hệ gốm khác như Sa Huỳnh và Niah là sự phổ biến của văn thừng và carved paddle decoration (cắt (khoét) thành hình mái chèo)? trong những tổ hợp này. Trong khi đó, ở phức hợp Kalanay, miền Trung Philipin hoạ tiết carved paddle không thấy sự hiện diện rõ ràng và không phát hiện thấy văn thừng. Ngay từ xưa, người ta đã thấy sự hiếm hoi của những cách xử lý bề mặt kiểu paddle marked (dấu hình mái chèo) và mat marked (dấu hình nan), văn thừng ở miền Trung và miền Bắc Philipin” tr. 98 và tr.103. Về hình dạng gốm Tabon cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với gốm Borneo, Đông Dương và Malay hơn là với Kalanay và những gốm kim khí khác ở Luzon và miền Trung Philipin. Về sự đa dạng trong mỗi truyền thống gốm này có thể xem thêm ý kiến của Bacus trong Andrea Yankowski, Trade, Technologies & Traditions – The Analysis of Artifacts Recovered from a Metal Age Burial Site in District Ubujan, Tagbilaran City, Bohol, Master Thesis, San Francisco, California, 2005: 61-62.
[24] Về tổ hợp gốm Sa Huỳnh Bắc và tổ hợp gốm Sa Huỳnh Nam với tính đa dạng của chúng có thể xem thêm Hoàng Thúy Quỳnh, Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh. Luận văn thạc sĩ, Tư liệu khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội, 2008
[25] Hutterer, Karl L. &. William K MacDonald, Houses Built on Scattered Poles: Prehistory and Ecology in Negros Oriental, Philippines. Cebu City, The University of San Carlos, 1982: 334
[26] Mối quan hệ Hòa Diêm – Kalanay là mối quan hệ đồng đại, mộ táng Hòa Diêm giai đoạn kết thúc có niên đại tương đương với Kalanay, cả hai địa điểm đều có niên đại khởi đầu cận kề Công nguyên và kéo dài vài ba thế kỷ đầu Công nguyên, mộ táng Tabon và Sa Huỳnh Bắc có niên đại khởi đầu sớm hơn và kết thúc sớm hơn, đầu thế kỷ 1 CN.  Mối quan hệ Sa Huỳnh Bắc  và Hòa Diêm chủ yếu là quan hệ lịch đại sớm – muộn (trong đó bao hàm phần nào quan hệ nguồn gốc).
[27] Kết quả của cuộc khai quật tháng 8 năm 2011 hiện đang trong quá trình xử lý.
[28] Bùi Chí Hoàng, Yamagata, Nguyễn Kim Dung, Khai quật Hòa Diêm năm 2007 và 2010, in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Khảo cổ học Khánh Hòa, Nha Trang 2010: 103.
[29] Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2011, Bài báo cáo tại HNTBKCH lần thứ 46, Hà Nội 9.2011
[30] Một số nhà nghiên cứu so sánh gốm tinh mịn màu đỏ hồng, vàng hay trắng ở Hoà Diêm với các di tích Champa sớm như Trà Kiệu, Đồng Nà... nhưng theo nghiên cứu so sánh của chúng tôi, ở Hoà Diêm không hay chưa thấy những dạng gốm Chăm tinh mịn điển hình giống như những loại đã tìm thấy ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên. Có thể từ sau Công nguyên, khu vực Khánh Hoà phát triển theo một quỹ đạo văn hoá gần hơn với miền Nam Việt Nam và gốm tinh mịn ở đây mang đặc trưng gốm tinh mịn tiền Óc Eo và Óc Eo ((Lâm Thị Mỹ Dung, 2008, Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang sơ kỳ lịch sử ở miền trung Trung bộ và nam Trung bộ Việt Nam, Đề tài khoa học trọng điểm  cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (mã số QG.06.07), (Tư liệu Bảo tàng Nhân học, trường ĐHKHXH & NV), Hà Nội.

[31] Đồ gốm tùy táng tiền sơ sử nhìn một cách tổng thể đa dạng và tinh tế hơn về loại hình cũng như họa tiết trang trí so với đồ gốm tìm thấy trong bối cảnh cư trú, có thể điều này phản ánh giá trị của táng thức và nghi lễ (Andrea Yankowski, Trade, Technologies & Traditions – The Analysis of Artifacts Recoveres From a Metal Age Burial site in District Ubujan, Tagbilaran City, Bohol. Master Thesis, Sanfracisco State University, 2005: 41)

[32] Những bức ảnh chụp mộ Hòa Vinh cho thấy đa phần chum đều có hình cầu và bị ghè ở miệng giống chum Hòa Diêm, chum Suối Mây và chum RLT (Fontaine và Davidson, Archaeological Site of Hoa Vinh, Asian Perspectives, XXIII-1, 1980, hình VIII, 1-2)
[33] Giồng Lớn cho thấy  sự  giao thoa giữa nhiều yếu tố văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai, nhóm di tích sơ kỳ sắt ven biển Đông Nam bộ (Giồng Cá Vồ), tại đây có hai mẫu than phân tích niên đại C14 ở Viện Khảo cổ học Việt Nam cho kết quả: Mẫu 03.GL. HII.M1: 2280+/-70 năm BP và mẫu 03.GL.HII.M2: 2760+/-55 năm BP, tuy nhiên dựa vào sự có mặt của tiền Ngũ Thù Tây Hán, những hiện vật vàng (mặt nạ, khuyên tai…), một số đồ gốm… những người khai quật xác định Giồng Lớn có niên đại Óc Eo sớm (Vũ Quốc Hiền, Trương Đắc Chiến, Lê Văn Chiến, Khai quật Giồng Lớn lần thứ 2 (năm 2005), Thông báo Khoa học của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội 2007:19-43).
[34] Theo Chử Văn Tần và sau đó là Vũ Quốc Hiền trong diễn biến  văn hoá từ Tiền Sa Huỳnh đến Sa Huỳnh có thể nhận thấy ít nhất hai truyền thống Long Thạnh- Sa Huỳnh và Bình Châu-Bàu Trám-Sa Huỳnh. Dưới ánh sáng của khối tư liệu hiện nay, chúng tôi cho rằng có thể xác định hai truyền thống này một cách cụ thể như sau:
i.                              Truyền thống Long Thạnh Sa Huỳnh (chum hình trứng, trụ, cầu lớn, sắt nhiều, đồng hiếm…) khởi đầu vào cuối thiên niên kỷ I trước Công nguyên và kết thúc cơ bản vào cuối thế kỷ 1 TCN (truyền thống I). Truyền thống này bắt nguồn trực tiếp từ cỏc nhúm di tớch Tiền Sa Huỳnh.
ii.                             Truyền thống Bàu Trám/Bình Châu/ Hoà Vinh II/ GMV---- Hoà Diêm/Suối Chình  mộ chum chủ yếu hình cầu biến thể, mộ đất, nhiều hiện vật đồng hơn, tồn tại lâu hơn đến  thế kỷ  2,3 SCN (truyền thống II). Trong truyền thống này bờn cạnh những yếu tố Tiền Sa Huỳnh cũn cú sự tham gia rất mạnh mẽ của cỏc yếu tố từ văn hoá Xóm Cồn.

Vùng Bắc Sa Huỳnh (từ Huế đến Bình Định), đây là địa bàn phân bố chính của truyền thống I, nhưng vẫn có truyền thống II theo thế cài răng lược.
Vùng Nam Sa Huỳnh (từ Phú Yên đến Đồng Nai), chuỗi diễn tiến từ Xóm Cồn ---> Xóm Cồn giai đoạn muộn Bích Đầm, Bình Đa, Bình Hưng, Hoà Vinh I ---> đến Hoà Diêm/Hoà Vinh II… Tại địa bàn này có cả truyền thống I như Diên Khánh, Mỹ Ca, nhưng chủ yếu lại là truyền thống II, nơi mà chum hình cầu áp đảo và mộ đất khá nhiều, đồ sắt ít hơn so với những địa điểm của truyền thống I. Những địa điểm tiêu biểu là Hoà Diêm/Hoà Vinh II, RLT-GBD, Cồn Đình, Phú Hòa (Phú Yên)… Trang trí gốm kế thừa một phần của văn hoá Xóm Cồn, đặc biệt là giai đoạn muộn của văn hoá này (hoa văn in chấm với các đồ án độc lập, thừng, tô/vẽ màu…), công cụ bằng vỏ nhuyễn thể tồn tại dai dẳng. Mộ chum kéo dài tới những thế kỷ sau Công nguyên, nhiều loại hình gốm mới, trang trí lối in chấm áp đảo, trang trí trổ lỗ khá phổ biến...Táng thức và đồ tuỳ táng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ và sâu sắc với một số địa điểm ở Đông Nam Á hải đảo (Lâm Thị Mỹ Dung, Một số vấn đề….; tr.60
[35] Flavel Ambika, Sa Huynh – Kalanay? Analysis of the Prehistoric Decorated Earthenware of South Sulawweri in an Island Southeast Asian Context, Bachelors of Science Thesis, Centre for Archaeology University of Western Australia, 1997.
[36] Bacus, Elisabeth A., Styles of Alliance? Decorated Earthenwares in Late Prehistoric and Protohistoric Philippines Polities. Trong John N. Miksic (cb.) Earthenware in Southeast Asia – Proceedings of the Singapore Symposium on Premodern Southeast Asian Earthenwares, 39-51, Singapore: Singapore University Press      2003: 39
[37] Trong chuỗi liên kết cả theo thời gian và không gian này  ta có thể tìm thấy cả những liên hệ cội nguồn/phát sinh giữa các cấu trúc và cả những liên hệ ngoài cấu trúc của sự phân bố kế tiếp (une distribution successive)  (Jean Duvignaud, Những tiếng nói đã mất, Nxb TG và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2011: 12).

Lâm Thị Mỹ Dung

Bài đã đăng ở tạp chí Khảo cổ học số 3 năm 2012 với đầy đủ bảng biểu và minh họa

 1
 2
 3

 4
 5


3 nhận xét:

  1. Bài viết của chị rất chi tiết nhưng có vẻ như hơi dài quá. Với lại chị nên gắng thêm nút Đọc Thêm » để đọc giả đỡ mỏi mắt mỏi tay. Em chỉ góp ý để blog chị hoàn thiện hơn. nếu không thích chị có thể xóa comments :)

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn em, hồi trước chị có biết làm cái nút Đọc thêm, nhưng lâu rồi quên mất. Em có thể hướng dẫn không. Cám ơn em.

    Trả lờiXóa
  3. Bài này vốn là bài đăng trên tạp chí khoa học nên hơi dài và lắm số liệu hơi khó theo dõi đối với người khác ngành.

    Trả lờiXóa