Bản sắc và Identity
Le Minh Khai
Người dịch: Hà Hữu Nga
Lời người dịch: Trên trang mạng leminhkhai.wordpress.com có một số bài viết ngắn đề cập đến các vấn đề quan trọng về lịch sử, văn
hóa Việt Nam. Chúng tôi cố gắng dịch và chuyển tải đến những ai liên quan -
quan tâm, và mong rằng các vị sẽ có các trao đổi giúp làm rõ vấn đề mà tác giả
Le Minh Khai đặt ra nhằm thúc đẩy học thuật phát triển.
Bất cứ ai đã học một thứ tiếng nước ngoài nào thì cũng đều biết rằng không phải lúc nào ngôn ngữ này cũng có những từ tương đương chính xác trong một ngôn ngữ khác, chính vì vậy mà nhiều thứ có thể “mất đi khi dịch”. Trong tiếng Việt và tiếng Hán có một thuật ngữ đặc biệt có vấn đề, đó là thuật ngữ dân tộc/民 族. Thuật ngữ này do người Nhật tạo ra từ cuối thế kỷ XIX, và sau đó đã được người Trung Quốc và Việt Nam chấp nhận để dịch từ nationality và nation - hai thuật ngữ sau này đã thay đổi nghĩa trong các ngôn ngữ phương Tây. Kết quả là ngày nay rất khó có thể coi dân tộc và nation là tương đồng nghĩa.
Trong khi lâu nay tôi đã vật lộn với vấn đề về
tính bất tương đồng của hai thuật ngữ dân
tộc và nation thì tôi cũng nhận
thấy rằng trong tiếng Việt có một thuật ngữ khác thường đi thành cặp với từ dân tộc, là từ bản sắc cũng rất có vấn đề.
Bản sắc là một thuật ngữ bắt đầu trở nên
thông dụng ở Việt Nam trong mấy thập kỷ qua, để dịch thuật ngữ identity. Rõ ràng là thuật ngữ này bắt
đầu thông dụng khi trí thức Việt Nam ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với học giới
phương Tây kể từ sau chính sách Đổi Mới, và rõ ràng đã có những cuộc tranh luận
về việc dịch thuật ngữ này. Tôi chưa đọc bất cứ thảo luận thực sự nào về vấn đề
này, vì vậy tôi không dám chắc những từ nào khác được dùng thay thế cho thuật
ngữ bản sắc (có lẽ là căn cước). Dù
sao thì hiện nay bản sắc đã được sử
dụng rất rộng rãi.
Dựa theo một cuốn từ điển tiếng Việt mà tôi có từ
năm 1996 thì nghĩa cơ bản của bản sắc
là “màu sắc”, nhưng nó còn có nghĩa là “một tính chất riêng tạo thành đặc điểm
chính”. Và cuốn từ điển đưa ra một ví dụ: bản sắc dân tộc. (Bản sắc d.
Màu sắc, tính chất riêng tạo thành đặc điểm chính. Bản sắc dân tộc).
Bản sắc
kiểu đó không có gì giống với identity.
Về một số phương diện, khái niệm đó lại gần gũi với những điều ngược lại khi
các học giả phương Tây nói về identity.
Bản sắc như thế thuộc về một cái gì đó
hiện thực mà người ta có thể đồng nhất cùng. Nhưng identity thì lại là một cái gì đó mà người ta NGHĨ hoặc TƯỞNG TƯỢNG
là có thực. Nó không tồn tại trong thực tế mà nó được tạo dựng, tưởng tượng
và/hoặc hư cấu nên.
Chẳng hạn người Mỹ NGHĨ rằng họ là một hợp quần
xiển dương và thúc đẩy tự do. Khi còn nhỏ họ được học điều đó trong nhà trường,
và chính phủ của họ cũng thường xuyên dựng đặt quan điểm đó. Trong một số
trường hợp điều đó là đúng, nhưng trong những trường hợp khác thì lại không
phải như vậy.
Trong những năm 1980, nước Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Iraq
do Saddam Hussein cai trị. Chẳng có mấy chút tự do ở Iraq trong thời gian đó,
và Mỹ cũng chẳng làm gì để thúc đẩy tự do ở Iraq lúc đó. Chính phủ Mỹ vui vẻ hỗ
trợ kẻ độc tài Saddam Hussein, vì ông ta chống lại một đất nước được coi là kẻ
thù của Mỹ là Iran. Vì vậy hành vi của chính phủ Mỹ lúc đó không hề ăn nhập gì
với cái identity dân tộc của nó cả. Lúc
đó nước Mỹ đưa hàng ngàn binh lính đến Nam Hàn để bảo vệ tự do của nó, và điều
đó thích hợp với cái identity dân tộc
kia.
Vậy thì identity
là một cái gì đó được tạo dựng và được tưởng tượng ra. Nếu người Mỹ không được
dạy dỗ ở tiểu học và trung học mà chính phủ Mỹ vẫn nhắc nhở rằng mình là một
dân tộc thúc đẩy tự do thì liệu người Mỹ có thực sự nghĩ như vậy không? Chắc là
không.
Công bằng mà nói thì do người ta tin là có identity nên chắc chắn nó phải là một
cái gì đó có thật, và hàng ngàn lính Mỹ tại Nam Hàn đã chứng tỏ điều mà người
Mỹ tin rằng họ là dân tộc thúc đẩy tự do. Tuy nhiên vì nó là một cái gì đó được
tạo dựng và được tưởng tượng ra nên nhiều điều về nó là không thật, và điều đó
đã được thể hiện rõ tại Iraq vào những năm 1980, khi người Mỹ vui lòng cung cấp
vũ khí cho kẻ độc tài đủ để ông ta có thể chống lại Iran, và cũng đủ để chặn
đứng nhân dân Iraq của ông ta có được tự do.
Khi các học giả phương Tây viết về bản sắc dân
tộc thì họ tập trung vào một thực tế đó là một cái gì đó được “tạo dựng” hoặc “tưởng
tượng” nên. Họ cố gắng hiểu xem ai hoặc cái gì là những lực lượng hoặc sức mạnh
đứng đàng sau sự nỗ lực này để tạo dựng nên bản sắc đó, và tại sao họ lại làm
điều đó, hoặc tại sao người dân lại có nhu cầu tự tưởng tượng mình theo một
cách thức như vậy.
Tại Việt Nam ngày nay, nhà nước đang hết sức,
cũng như trong nhiều thập kỷ nay, mong làm cho người dân suy nghĩ và sống bằng
những cung cách mà nhà nước bằng lòng. Trong những năm gần đây, nhà nước đã sử
dụng chính thuật ngữ bản sắc dân tộc
để làm như vậy. Vì thuật ngữ này được nhà nước Việt Nam sử dụng nên nó không
thuộc loại bản sắc mà các học giả phương Tây hiểu và sử dụng, nhưng với tư
cách là “các đặc điểm thật của dân tộc” thì đó chính là những gì mà các từ này
thể hiện theo nghĩa đen. Nhà nước Việt Nam muốn nhân dân tin rằng (và trong một
nhà nước như vậy thì có lẽ người dân cũng tin chắc như vậy) thật sự tồn tại những
đặc điểm ấy và có thể được xác nhận là bản sắc dân tộc.
Khi nỗ lực cổ vũ cho ý tưởng bản sắc dân tộc,
nhà nước Việt Nam đang thực sự hỗ trợ để tạo ra một bản sắc dân tộc, giống hệt
như lúc nào chính phủ Mỹ cũng nói về việc thúc đẩy tự do theo đúng cung cách
như vậy. Có những người Việt Nam TIN rằng Việt Nam là một dân tộc có những “đặc
điểm thực sự” nào đó hệt như những người Mỹ TIN rằng nước Mỹ là một dân tộc
thúc đẩy tự do. Tuy nhiên nếu các học giả Việt Nam xem xét vẫn đề này một cách
xát xao, giống như các học giả Mỹ đã làm đối với xã hội của mình, thì chắc họ sẽ
nhận thấy rằng giống như bất cứ nỗ lực nào nhằm tạo dựng một bản sắc dân tộc
trên thế giới, thì “những đặc điểm có thật” này cũng chứa đựng đầy các mâu
thuẫn và thực sự không “có thật”.
Tuy nhiên vấn đề lại là ở chỗ tôi chưa hề thấy học
giả Việt Nam nào làm như vậy khi họ không có một thuật ngữ nào có thể thay cho
khái niệm “bản sắc”. Bản sắc dân tộc không có nghĩa là identity. Nó cố gắng để quy về cái gì đó
là “thật”. Bản sắc chỉ là một cái gì đó mà người ta “nghĩ” ra. Có lẽ thuật ngữ “khái
niệm bản sắc dân tộc” sẽ chính xác hơn, vì bản sắc chỉ là một niềm tin
hoặc một cách nhận thức.
Tôi biết người Trung Quốc thể hiện khái niệm bản
sắc là “nhận thức hoặc đồng nhất với vị thế/vị trí nào đó” (身份認同- thân phần nhận đồng). Đó là một cụm từ rắc rối, nhưng nó còn
có nghĩa hơn nhiều so với khái niệm bản sắc khi nó nói đến việc thừa nhận/đồng
nhất. Vì vậy, tuy rắc rối hơn, nhưng việc họ mô tả cái gọi bản sắc dân tộc bằng cụm từ 國家身份認同– quốc gia thân phần nhận đồng)
thì lại có thể hiểu được.
Bằng cụm từ đó, người Trung Quốc có thể chuyển
tải được khái niệm bản sắc và bản sắc dân tộc theo nghĩa phương Tây của từ identity. Trong khi đó người Việt không
thể làm được như vậy với cụm từ bản sắc dân tộc.
Tôi thực sự thấy toàn bộ vấn đề này rất hấp dẫn
và điển hình cho những nỗ lực liên tục tại Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Một
nguyên do chủ yếu trả lời câu hỏi tại sao nhà nước Việt Nam lại ra sức thúc đẩy
ý tưởng bản sắc dân tộc chính là vì họ sợ toàn cầu hóa. Trong khi đó các
trí thức Việt Nam lại chưa thể tìm được từ nào khả dĩ để dịch khái niệm identity của phương Tây. Theo lẽ thường
tình, tôi cho rằng chính giới trí thức mới cần phải trăn trở về điều này chứ
không phải là nhà nước.
Nguồn: leminhkhai.wordpress.com/22
June, 2010.
http://kattigara-echo.blogspot.com/2012/06/ban-sac-va-identity.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét