Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2009

TRÒN MỘT THẾ KỶ KHÁM PHÁ VĂN HOÁ SA HUỲNH



Đồ trang sức mộ chum Lai Nghi, Điện Bàn Quảng Nam (ảnh A.Reinecke)

Gương đồng Tây Hán (cuối thế kỷ 1 TCN) mộ Gò Dừa
(Tư liệu: Lâm Thị Mỹ Dung)










Hiện vật di chỉ cư trú văn hoá Sa Huỳnh
Thôn Tư, Duy Xuyên, Quảng Nam
(Tư liệu: Lâm Thị Mỹ Dung)



TRÒN MỘT THẾ KỶ KHÁM PHÁ VĂN HOÁ SA HUỲNH


Cách đây tròn 100 năm (năm 1909), những thông tin đầu tiên về các mộ chum được phát hiện ở khu vực Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đã được công bố. Cho tới năm 1975, từ những cuộc khai quật của các học giả Pháp M. Colani, O.Janse, H.Fontaine… gần 1000 chum mộ của thời kỳ từ thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN dã được lấy lên từ lòng đất Quảng Ngãi, Phan Rang, Phan Thiết, Đồng Nai. Một nền văn hoá có táng thức chủ đạo dùng chum, vò gốm có kích thước lớn làm quan tài với đồ tuỳ táng bằng sắt, gốm, thuỷ tinh, mã não… với những loại hình độc đáo đã được định danh và công bố cho giới nghiên cứu khảo cổ ở khu vực và thế giới. Đây là một nền văn hoá đồng đại - đồng mức với văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc (thế kỷ 6, 5 TCN đến thế kỷ 1,2 SCN) và là một trong ba trung tâm văn hoá khảo cổ thời đại kim khí Việt Nam.
Từ sau ngày thống nhất đất nước, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành công việc điền dã trên khắp các nẻo đường miền Trung và miền Nam Việt Nam. Từ những phát hiện,khai quật và nghiên cứu di tích, di vật ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định; Khánh Hoà; Phan Rang; Phan Thiết; Đồng Nai; Tp. Hồ Chí Minh giới khoa học đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của văn hoá Sa Huỳnh và nhờ đó nhận thức về nền văn hoá này đã được nâng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.
i. Không gian phân bố: Các di tích văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở mọi địa hình các tỉnh miền Trung Việt Nam với cực bắc là vùng giáp ranh với văn hoá Đông Sơn (Hà Tĩnh) và cực nam là vùng giáp ranh với văn hoá Đồng Nai (Đông Nam Bộ). Những trung tâm chính của văn hoá Sa Huỳnh được tạo lập dựa trên điều kiện tự nhiên và sinh thái của những lưu vực sông lớn. Ở đây đã hình thành những không gian xã hội tương đương với lãnh địa quy mô lớn hay liên minh giữa các lãnh địa được tổ chức theo mô hình hình cây (của Bronson) phổ biến ở Đông Nam Á cùng thời.
ii. Nguồn gốc: Văn hoá Sa Huỳnh Sơ kỳ sắt có nguồn gốc nội sinh với những xúc tác ngoại sinh: Văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt là kết quả của sự kết tinh và hợp nguồn từ các dòng chảy văn hoá Tiền Sa Huỳnh (Long Thạnh và Bình Châu…) và tương đương Tiền Sa Huỳnh (văn hoá Xóm Cồn). Bên cạnh đó, đối với sự hình thành và tiến hoá của văn hoá Sa Huỳnh nhóm yếu tố ngoại sinh đã có vai trò không nhỏ. Văn hoá Sa Huỳnh có trường hoạt động rộng và tầm mức thu phát mạnh. Trong văn hoá Sa Huỳnh có sự hiện diện của yếu tố văn hoá Đông Sơn (đồ đồng và trống đồng), Đồng Nai(công cụ vũ khí bằng đồng, sắt), Đông Nam Á lục địa và Hải đảo (một số loại hình và trang trí gốm, táng thức và táng tục mộ chum, mộ đất), Trung Hoa (tiền đồng, gương đồng, đồ đựng bằng đồng), Ấn Độ (trang sức mã não, thủy tinh), Tây Á, Địa Trung HảI (hạt chuỗi thủy tinh mạ vàng, hạt chuỗi bằng vàng…) và hiện vật của văn hoá Sa Huỳnh (đồ gốm, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú) cũng được tìm thấy trong nhiều địa điểm khảo cổ cùng thời ở Đông Nam Á và Việt Nam.
iii. Nội hàm văn hoá Sa Huỳnh: Loại hình di tích chính của văn hóa Sa Huỳnh - những khu mộ địa độc lập trên sườn cồn cát, đồi gò ven sông, trên những giồng đất cao. Táng thức chủ đạo là mộ chum song vẫn có những mộ đất cùng tồn tại. Táng tục liên quan đến mộ chum và mộ đất cũng rất đa dạng từ hoả táng, cải táng, hung táng đến có thể có loại chôn tượng trưng. Khu cư trú nằm liền kề khu mai táng và thường ở vị trí thấp hơn như chân cồn cát, bậc thềm sông. Do tác động của những điều kiện tự nhiên, nhiều khu cư trú đã bị nước lũ hay sông đổi dòng phá huỷ. Đa số chum gốm quan tài có kích thước lớn với ba dạng chính (chuyên dụng) để mai táng - hình trụ, hình trứng và hình cầu. Đôi khi người Sa Huỳnh cũng dùng một số chum nồi có hình dạng khác để làm quan tài (không chuyên dụng). Đồ tuỳ táng giàu có từ nhiều chất liệu khác nhau.Kích thước của từng di tích và quy mô của từng cụm di tích cho thấy quy mô và phạm vi của những cộng đồng dân cư mở rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn Tiền Sa Huỳnh. Điều này phản ánh cho thấy sự tăng nhanh và mở rộng mức độ khai thác các nguồn lực tự nhiên và xã hội,sự gia tăng của đồ sắt dẫn đến sự tích luỹ của cải vật chất đẩy mạnh tính phức hợp xã hội. Quy mô những khu mộ địa và sự phân tầng của các mức mộ theo đồ tuỳ táng tăng dần theo thời gian.
iv. Mức độ phát triển kinh tế - xã hội: Các cộng đồng dân cư văn hoá Sa Huỳnh rất linh hoạt và tận dụng tối đa ưu thế địa hình cũng như môi trường sinh thái để mưu sinh. Họ có nền kinh tế đa nghề, trong đó nông nghiệp chắc chắn đã có vai trò đáng kể trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của xã hội (đảm bảo an ninh lương thực). Văn hoá Sa Huỳnh là sản phẩm của những cư dân sống định cư trên đất liền với xu hướng hướng biển mạnh mẽ. Hệ sinh thái chủ đạo tạo nên nhiều đăc trưng văn hoá là hệ sinh thái cồn-bàu. Nền kinh tế đa ngành kết hợp giữa trồng lúa nước ở các đồng bằng nhỏ duyên hải, trồng lúa kiểu nương rẫy ở vùng đồi gò. Cư dân văn hoá này sớm biết khai thác những nguồn lợi của biển, của rừng, biết phát triển các nghề thủ công, từng bước họ đã mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các cư dân trong khu vực Đông Nam Á lục địa, hải đảo và rộng hơn với Ấn Độ và Trung Hoa. Trong nền kinh tế Sa Huỳnh buôn bán có vai trò quan trọng, đặc biệt là ở những vùng ven biển, cửa sông. Nhiều cảng thị sơ khai đã được hình thành ở những cửa sông lớn ven biển. Những cộng đồng Sa Huỳnh liên kết với nhau và với bên ngoài qua trao đổi văn hoá, chính trị và kinh tế bằng đường biển và đường sông.Tính đa dạng sinh thái của miền Trung Việt Nam đã tác động đến sự phát triển sớm của hệ thống kinh tế chuyên hoá và trao đổi tài nguyên giữa vùng thấp và vùng cao, và giữa những cư dân ven bờ với cư dân sâu trong nội địa, giữa cư dân trong đất liền với cư dân ở các đảo riêng biệt về sinh thái. Theo tài liệu lịch sử và sinh thái học, chiến lược này của sự cộng sinh giữa sinh thái và kinh tế đã có kết quả trong kết nối phức hợp văn hoá từ những xã hội hái lượm nhiệt đới quy mô nhỏ đến những cư dân của các cộng đồng tập trung với mật độ đậm đặc hơn, của những người làm nông nghiệp nương rẫy ở vùng cao với những người làm nông nghiệp thâm canh ở vùng thấp và tích hợp cư dân buôn bán vùng ven biển vào những chính thể ở mức lãnh địa với tính phức hợp đa dạng ở phần lớn các lưu vực sông lớn. Mạng lưới trao đổi và buôn bán nội vùng và liên vùng cùng với buôn bán khoảng cách xa có một vai trò quyết định trong việc tiếp thu, chuyển tiếp và biến đổi những yếu tố văn hoá ngoại sinh trong văn hoá Sa Huỳnh để dẫn đến những thay đổi quan trọng trong quá trình tiến hoá nội tại và thay đổi cấu trúc, quan hệ xã hội.
v. Đời sống tinh thần: Cách thức mai táng và đồ tùy táng phản ánh một cách sinh động đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân. Hơn tất cả những cư dân thời Sơ sử ở Việt Nam, người Sa Huỳnh có một sự chăm sóc đặc biệt đối với cái chết và duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa thế giới của người sống với thế giới của người chết.Mộ địa Sa Huỳnh dù phân bố trên bất kỳ địa hình nào cũng đều chiếm cứ không gian cao ráo, gần đường giao thông/thương và cận kề nơi cư trú. Những khu mộ địa có diện tích rộng có những khu mộ rộng tới chục nghìn mét vuông và thường là phức hợp di tích của nhiều giai đoạn chôn cất tồn tại liên tục trong vòng thời gian từ một đến vài trăm năm. Những khu mộ địa được tổ chức theo một quy hoạch định trước, do đó ta rất ít khi gặp mộ cắt phá nhau dù chôn ở các thời điểm khác nhau. Những bãi mộ Sa Huỳnh phân bố trong một không gian trải dài hàng trăm kilômét với địa hình chia cắt bởi các đèo với kiểu chum quan tài được sản xuất theo những tiêu chuẩn thống nhất và đồ tùy táng đồng dạng cho thấy sự đồng nhất về thế giới quan và tính tương đồng văn hóa giữa các nhóm cư dân. Nhiều hiện vật chôn theo đặc biệt là đồ trang sức phản ánh sự hiện diện ở một mức độ sơ khai nào đó những yếu tố sớm của tôn giáo (Phật giáo). Mỹ cảm của người Sa Huỳnh được ảnh xạ qua đồ gốm trang trí khắc vạch, tô màu và đồ trang sức thủy tinh, mã não tinh xảo, cầu kỳ.
vi. Mối quan hệ Sa Huỳnh - Chămpa: Văn hoá Sa Huỳnh là nền tảng cơ sở cho sự hình thành và phát triển của những nhà nước sơ khai giai đoạn muộn hơn. Kiểu tổ chức không gian xã hội và sự phát triển đa dạng phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái cũng như cách thức hội nhập phù hợp với bối cảnh chính trị-kinh tế khu vực của các cộng đồng cư dân văn hoá Sa Huỳnh đã được kế thừa và phát huy ở những giai đoạn sau. Cùng với sự chuyển dịch của dân cư từ bên ngoài vào, áp lực chính trị từ Trung Hoa, tiếp xúc với Nam Á và sự phát triển nội tại đã dẫn đến quá trình kết tinh và thể chế hoá kinh tế-chính trị từ sau Công nguyên dẫn đến sự hình thành của những nhà nước sớm. Từ góc độ môi trường địa lý - sinh thái, những nhà nước sớm mandala Chăm đã cho thấy sự tái chọn lựa và nối tiếp không gian chính trị xã hội của những lãnh địa Sa Huỳnh.

Hà Nội, tháng 7 năm 2009
Lâm Thị Mỹ Dung

































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét