LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN
Trong một vài thập kỷ qua, đặc biệt với sự xuất hiện của trường phái “Khảo cổ học mới”, vấn đề giới/giới tính thể hiện qua các tài liệu khảo cổ học trở thành chủ đề nghiên cứu của nhiều học giả (xem Sarah Milledge Nelson và Myriam Rosen-Ayalon 2001; Kathleen M. Bolen 2004; Cheryl Claassen 2004....). Hàng loạt vấn đề về phương pháp luận, cách tiếp cận... được đặt ra cùng với những định đề và phản đề.
Trường phái “Khảo cổ học mới” lý luận rằng không thể tìm hiểu cuộc sống con người trong quá khứ nếu chỉ đặt vấn đề một cách đơn thuần về cơ cấu xã hội hay phương thức kiếm sống. Nếu như trong những năm 60, người ta chú trọng quá mức tới cấu trúc xã hội mà điển hình là tìm hiểu loại hình cư trú hay mộ táng, thì các nhà khảo cổ học của những thập kỷ 70, 80 với thái độ kiên trì bền bỉ đã tìm cách để giải - giới (de-gendered) và giảI - văn hóa (de-cultured) quá khứ. Đại diện tiêu biểu của kiểu tiếp cận này là Barbara Bender, người đã nhắc chúng ta từ năm 1985 (1985:52) rằng chúng ta đã loại bỏ “cả tính riêng biệt của lịch sử và cả những điểm cốt yếu của cấu trúc xã hội để ủng hộ cho một mẫu số sinh thái chung được cho là đúng”.
Những hoạt động giải-giới, thậm chí giải- cư trú được tiến hành bởi ba nguyên nhân: 1. Bản thân vấn đề giới của mỗi cá nhân không phải là vấn đề quan trọng trong nghiên cứu. 2. Sự thừa nhận về giới xem ra không có lý do xác đáng và 3. Người điều tra nghiên cứu tin rằng tất cả mọi (hay cả hai) giới của xã hội đều thực hiện các hoạt động xã hội như nhau.
Từ góc độ phương pháp luận có hai vấn đề nổi bật. Thứ nhất là sự hiểu biết chung của chúng ta về sự khác nhau giữa khảo cổ học về giới và khảo cổ học theo thuyết nam nữ bình quyền, thứ hai là mức độ nhận thức khác nhau xét từ góc độ khảo cổ học về giới.
Đối với đa số những người theo thuyết nam nữ bình quyền thì sự khảo sát địa vị của giới “nam” hay “nữ” trong quá khứ .được xem là vấn đề chính, trong khi vấn đề giới tính- điều kiện sinh học, và giới- điều kiện văn hoá (một sự phân chia đã được nhiều nhà nhân học chấp nhận xét từ khía cạnh khảo cổ học) thì lại được nhận biết khá khác nhau.
Nghiên cứu về giới trong khảo cổ học nói riêng và nhân học nói chung xuất phát từ những vấn đề cơ bản sau: Chức năng xã hội của giới; vai trò xã hội của giới; mối quan hệ của giới, phân công lao động của giới và lý thuyết “đàn ông-săn bắt- người chế tạo công cụ”, “đàn bà-hái lượm-người mẹ”. Sự phức tạp và đa dạng của văn hoá nhân loại đã làm đảo lộn nhiều kết luận và định đề từng được coi là kinh điển, đặc biệt là quan điểm thô sơ và rất rạch ròi về phân định giới cho tất cả mọi xã hội, gắn giới/giới tính với từng hoạt động kinh tế văn hóa với từng loại công cụ lao động và từ đó là các mối quan hệ trong lao động.
Sự phát triển trên thực tế cực kỳ phức tạp , đa dạng, đa tuyến, và không thể áp dụng cho tất cả một hoặc vài mô hình cứng nhắc, những mô hình dù được xem là lý tưởng thưòng dẫn đến hiện tượng thấy cây mà không thấy rừng hoặc ngược lại.
Theo R.Lowie, những nghiên cứu so sánh nhân học cho thấy sự phân công lao động theo giới tính, trong một chừng mực lớn mang tính ước lệ, nghĩa là nó không gắn chút nào với đặc điểm sinh lý của hai giới. Tùy vào những quy tắc hiện hành ở các bộ lạc (thậm chí hai bộ lạc sống gần nhau cũng rất khác nhau và ngược lại) và luôn luôn có những ngoại lệ (Lowie 2001: 102-103). Tuy vậy một cách khái quátưngời ta vẫn có thể chấp nhận quan điểm lâu đời và phổ biến mà theo đó phụ nữ sáng tạo ra nghề làm vườn còn đàn ông thuần hóa gia súc. Vấn đề duy nhất mà người ta cần lưu ý là sự phân công theo quy ước các công việc cho từng giới. Sự phân công còn phụ thuộc vào vô số các yếu tố khác như lớp tuổi (đối với những người độc thân), theo tâm lý, theo khả năng đặc biệt của từng cá nhân cụ thể, theo niềm tin, theo thói quen, theo truyền thống... Cũng thế, đôi khi người ta nói quá nhiều đến vai trò của kinh tế mà không hiểu rằng nhân tố kinh tế chỉ là một trong những nguyên nhân tác động đối với cương vị giới. Cũng theo những nghiên cứu so sánh văn hóa ( cross cultural researches), có những bộ tộc hoàn toàn khác biệt nhau lại có chung những quan niệm giống nhau về phụ nữ.
Nghiên cứu về giới trong khảo cổ học sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau như tiếp cận so sánh dân tộc học, nghiên cứu xương của mộ táng, văn bản cổ, nghệ thuật và huyền/thần thoại và nghiên cứu so sánh sinh lý học và động vật học...
Mỗi cách tiếp cận đều có hai mặt tích cực và hạn chế và trong sự phát triển của xã hội loài người luôn luôn tồn tại những ngoại lệ. Xét từ góc độ hiện vật khảo cổ học mà nói, trên đại thể rìu và mũi tên có thể gắn với đàn ông, làm gốm bằng tay, dệt có thể liên quan chặt chẽ hơn với giới nữ. Nhưng không phải đơn giản như vậy, nếu chúng ta tính đến những hoàn cảnh bất bình thường như chiến tranh chẳng hạn thì cái bình thường sẽ trở nên bất bình thường và ngược lại, theo kiểu thời bình đàn ông cày ruộng, đàn bà cấy hái còn thời chiến đàn bà sẽ phải thực hiện mọi công đoạn từ cày bừa đến cấy hái. Do vậy cái cày không chỉ là công cụ của nam theo tiêu chuẩn phân công lao động theo giới. Đấy là chưa tính đến những công cụ trung tính được cả hai giới và nhiều lớp tuổi sử dụng như dao hay kéo chẳng hạn. Đôi khi các nhà khảo cổ học rất ấu trĩ khi áp dụng tư duy hiện đại để giải thích sự khác biệt giới của chủ nhân một số mộ táng qua số lượng và loại hình đồ trang sức. Trong xã hội nguyên thủy, đồ trang sức không chỉ đơn thuần để làm đẹp mà chúng thường đa chức năng (trang sức, ma thuật, khác người...), trong đó chủ yếu để thể hiện vị thế xã hội của chủ nhân. Nhiều trường hợp, người nam được chôn theo nhiều đồ trang sức cả về số lượng và chất lượng hơn người nữ. Sẽ thật sai lầm nếu áp dụng một cách máy móc sự phân công lao động theo giới dựa vào kiểu dáng công cụ đối với những nghệ nhân thủ công. Trong trường hợp đặc biệt này vai trò chung của giới tính, sự khác biệt tầng lớp, hay thậm chí những lĩnh vực hoạt động chuyên biệt, chứ không phải sự khác nhau về giới sẽ là những yếu tố quyết định.
Cách tiếp cận so sánh dân tộc học đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu vai trò của giới trong xã hội quá khứ. Tuy vậy, các xã hội lại cực kỳ đa dạng và mỗi xã hội cũng có những qui luật riêng biệt. Có sự biến đổi rất lớn từ phương Đông sang phương Tây, từ xã hội chăn nuôi là ngành kinh tế chủ đạo sang xã hội mà hái lượm là hoạt động kinh tế chính, từ những xã hội công nghiệp sang xã hội nông nghiệp, hay ngay cả bên trong những xã hội cùng chủng loại. Những tư liệu khảo sát gần đây nhất của chúng tôi tại thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, một thôn cửa sông ven biển và cư dân có nghề khai thác thủy/hải sản sống ở vùng nước lợ quanh năm rất nổi tiếng là don và hến cho thấy có sự chuyên hóa nhất định ngay cả trong chỉ một ngành đánh bắt/hái lượm sản vật tự nhiên và vai trò nắm giữ kinh tế gia đình của phụ nữ. Do đặc điểm của việc khai thác nên đàn ông gắn chặt với công cụ nhủi don, còn đàn bà thì đi cào hến, cả hai loại công cụ làm bằng chất liệu thực vật này đều do đàn ông đan lát. Việc buôn bán tuy vậy nằm trong tay đàn bà và như thế họ dĩ nhiên đóng vai trò tay hòm chìa khóa trong gia đình.
GIỚI QUA NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT THỜI TIỀN SỬ
Khái niệm tiền sử (prehistory) dùng để chỉ một thời kỳ rất dài trong diễn trình văn hóa nhân loại khi chưa có chữ viết, bao gồm hai thời đại đá cũ và đá mới từ cách đây vài triệu năm đến khoảng thiên niên kỷ 2 trước công nguyên.
Trước khi Homo Sapiens và Nghệ thuật xuất hiện, loài người đã trải qua 4 triệu năm tiến hóa. Như vậy nghệ thuật mới chỉ tồn tại trong khoảng 1% gần đây của kỷ nguyên loài người. Ngay từ đầu, cần phải xua tan những quan niệm sai lầm về nguồn gốc của nghệ thuật. Nghệ thuật không sinh ra từ một trực cảm bất chợt mà là kết quả của sự phát triển dần từng bước các năng lực nhận thức của con người. Nguồn gốc của nghệ thuật lại ít nhiều trùng hợp với những biểu hiện đầu tiên của một số năng lực đặc bệt của con người: tư duy trừu tượng và hình tượng hóa, truyền tin, và ý thức về bản thân. So với thủy tổ của con người trước kia, đây không chỉ là một sự tiến hóa mà là một cuộc cách mạng thực sự-cuộc cách mạng nghệ thuật, bước ngoặt lớn trong tiến hóa tư duy con người. Mặc dù có một số người đã cố chứng minh rằng loài khỉ và vượn người đều có khả năng sản sinh ra nghệ thuật, song những giả thuyết này đều không có căn cứ khoa học. Sự hình thành các bản sắc Homo Sapiens của loài người chúng ta theo các nhà nhân học đòi hỏi phải có được toàn bộ những chức năng chuyên môn hóa và những thuộc tính riêng như: biết nhìn, nghe và cảm nhận với một sự minh mẫn và một cách thức hoàn toàn đặc biệt của những sapiens (người tinh khôn), tất nhiên trí tuệ của những sapiens cũng đã được di truyền theo ký ức từ phân bộ người đến người.
Dường như về mặt trí tuệ, Homo Sapiens khi sinh ra đã có năng lực sản sinh ra văn hóa và từ đó là dạng đặc biệt của văn hóa tức là nghệ thuật. Do vậy một số người đã đề nghị thay khái niệm Homo Sapiens, Homo Sapiens Sapiens (tức hai lần tinh khôn) thành Homo Cultural (con người văn hóa) hay Homo Intellectualis (con người có trí tuệ) cho chính xác hơn.
Đặc điểm của nghệ thuật thời tiền sử theo các nhà nghiên cứu là sự thống nhất của chủ đề và kỹ thuật với tính đa dạng đáng kinh ngạc về biểu tượng trong những nền văn hóa và thời kỳ khác nhau (Denis Vialou 1998: 17). Tính thống nhất về chủ đề và kỹ thuật của các nền nghệ thuật tiền sử đã phản ánh sự giống nhau tương đối của những lối sống và các nền kinh tế tiền sử hoàn toàn hướng về thiên nhiên, tuy nhiên điều này không thể che lấp tính đa dạng tuyệt diệu về hình tượng.
Nghệ thuật thời tiền sử có mặt hầu như ở khắp mọi vùng trên Trái đất, từ miền nhiệt đới cho đến Bắc cực, trên những địa hình cực kỳ đa dạng, từ hang động dưới lòng đất cho đến đỉnh núi cao. Nghệ thuật thời này gắn liền với ma thuật, tín ngưỡng...Theo các nhà nghiên cưú, nghệ thuật thời đại băng giá cuối cùng phục vụ cho các hoạt động ma thuật, gắn liền với săn bắt và sinh sản. Sau thời kỳ này nghệ thuật đi theo đường hướng "nhân văn" và cảm hứng bắt nguồn từ một quan niệm thần bí về các mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Việc giải thích ý nghĩa biểu tượng của các hình tượng nghệ thuật thời tiền sử trên thực tế cực kỳ phong phú đa dạng và hầu như không khác tình hình phê bình nghệ thuật đương đại mà chúng ta gặp trong sách báo hiện nay. Ví dụ về nghệ thuật hang động thời đá cũ hậu kỳ chẳng hạn: Một số người gắn nền nghệ thuật này với ma thuật săn bắn/bắt, số khác cho rằng đây là một phần của nghi lễ khai tâm, cũng có nhà nghiên cứu lại xác định đó là một phần của toàn thể thế giới kết hợp những nguyên lý đực cái, theo kiểu nguyên lý âm dương sau này; trong khi đó vẫn tồn tại quan điểm những hình tượng đó thể hiện vật tổ của những bộ tộc và thủ lĩnh giàu có (B. Hayden 1993: 8).
Trong nghệ thuật đá cũ, phổ biến là những hình tượng giống cái, hình tượng phụ nữ. Đa phần các diễn giải truyền thống về các "Vệ nữ" nguyên thủy đều gắn với phồn thực, tình dục. Tuy vậy, có thể chấp nhận quan điểm hiện nay rằng hầu hết các "Vệ nữ" này không chỉ chuyển tải ý nghĩa về tình dục, mà hợp lý và biện chứng hơn là chúng thể hiện ý tưởng cơ bản về sự sinh sản, về tính liên tục của cuộc sống, ngoài ra sự phổ biến của hình tượng này ở nhiều vùng trên thế giới còn thể hiện quan điểm của con người trước hiện tượng mang thai, sinh sản, nuôi con như một hiện tượng tự nhiên kỳ bí. Theo Rice, những "Vệ nữ" châu Âu nguyên thủy thể hiện phụ nữ trong chu kỳ sống của họ. Hình tượng người nữ - người mẹ phóng chiếu qua bốn nhóm lớp tuổi sinh sản tức một dạng "tái sản xuất"theo trình tự sau: Tiền - Sinh sản Sinh sản và mang thai; Sinh sản và không mang thai; Hậu- Sinh sản (Rice1981).
Hình tượng Bà Mẹ -Đất phổ biến khắp thế giới trong nghệ thuật thời đại đá mới thường được cho là liên quan đến mẫu hệ-mẫu quyền mặt khác gắn bó chặt chẽ một cách hữu cơ với tín ngưỡng nông nghiệp được hình thành một cách đa dạng ngay từ khởi đầu của cuộc cách mạng đá mới. Những hình tượng nữ thần phổ biến rộng khắp bán đảo Ban Căng thời Đá mới được diễn giải như là những hình tượng về vị thế quan trọng và quyền lực của người phụ nữ. Tuy vậy, lại có ý kiến phản bác điều đó, theo phái này có sự không nhất quán giữa thực tế kinh tế- xã hội với những đề tài huyền thoại- lý tưởng chính. Đôi khi chính năng lực sinh sản thần bí của con người và tự nhiên quyết định những biểu tượng văn hóa mà không liên quan trực tiếp đến vị thế của bất cứ một giới sinh học rạch ròi nào. Sự vượt trội về số lượng nữ thần trong lịch sử trung đại Việt Nam có lẽ cũng cần được xem xét một cách cẩn trọng hơn là cách diễn giải đơn giản về sự tái hồi nguyên lý Mẹ của văn hóa Việt Nam bản địa.
THAY KẾT LUẬN
Tất cả những diễn giải lý thuyết và cụ thể nói trên hầu như chưa đề cập đến những khác biệt mang tính sinh học bẩm sinh giữa nam và nữ. Theo các nhà sinh học xã hội sự khác biệt giới cơ bản trong chiến lược sinh sản và giao phối mang tính di truyền. Trong khi các nhà khoa học xã hội ngược lại khá bi quan về sự tồn tại của khác biệt giới do di truyền, họ cho rằng những khác biệt về giới hiện tồn là kết quả từ những giá trị văn hóa. Dù chấp nhận hay chối bỏ bất cứ khuynh hướng nào trong cả hai kể trên, để giải quyết chúng ta cần để ngỏ những điều nói trên cho những khảo sát thực nghiệm và thể nghiệm.
Thiên hướng bẩm sinh của mỗi giới cũng cần được tính đến cùng vơí xu hướng chính trị của mỗi xã hội và liệu ngoài hai chế độ mẫu / phụ hệ trong lịch sử còn có chế độ thứ ba trung gian nào không và liệu chỉ hiện nay chúng ta mới có phong trào đòi quyền bình đẳng nam nữ hay không. Đó là những vấn đề mà khảo cổ học cần tham khảo tư liệu của nhiều các ngành khoa học khác nếu muốn đạt được kết quả khách quan (ở mức độ có thể).
Riêng đối với khảo cổ học Việt Nam, cho tới nay giới chưa bao giờ được đặt ra để nghiên cứu, thậm chí chỉ ở mức độ điểm qua về tên gọi hay khái niệm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sarah Milledge Nelson và Myriam Rosen-Ayalon 2001. In Pursuit of Gender: Worldwide Archaeological Approaches. Gender and Archaeology Series. Walnut Creek: AltaMira Press.
Kathleen M. Bolen 2004. Prehistoric Construction of Mothering. Html
Cheryl Claassen 2004. Gender in Archaeology. Html
Lowie R. 2001. Luận về xã hội học nguyên thủy. NXB ĐHQG. Hà Nội
Barbara Bender 1986. The Roots of Inequality. Paper presented at the World Archaeology Conference. Southampton, England
Denis Vialou 1998. Nghệ thuật của bóng tối, nghệ thuật của ánh sáng. Tạp chí Người đưa tin UNESCO số 4.
B. Hayden 1993. Archaeology-the science of once and future things. W.H. Freeman and Company.
Patricia Rice1981. Prehistoric Venuses: Symbols of Motherhood or Womanhood? Journal of Anthropological Research 37.
Ngồi buồn ở Quảng Ngãi đợi ngày mai hội nghị post bài viết này lên cho mọi người tham khảo. Enjoy!
Lâm Thị Mỹ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét