Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2009

Giao thuong thoi Sa Huynh - Champa o mien Trung Viet Nam




Hệ thống giao thương ven sông”:


Khám phá văn hóa miền Trung
(Thứ Sáu, 23/01/2009 - 10:22 PM)



Do dong trong mo so 37 Lai Nghi, Dien Ban, Quang Nam (Tai lieu khai quat cua Nguyen Chieu, Reinecke. A va Lam Thi My Dung, anh chup cua Reinecke)




http://baodulich.net.vn/printContent.aspx?ID=3465




Bài: Trần Kỳ Phương



Bản dịch: Lê Doanh

Lâm Mỹ Dung đăng lại và bổ sung chú thích ảnh.
Đây là một bài nghiên cứu có nhiều thông tin và ý tưởng hay.Nhưng lần sau anh Kỳ ơi sử dụng tư liệu khảo cổ và cả một số ý tưởng khoa học của tác giả khác thì nhớ chú thích nguồn đấy!










Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập đến lịch sử hệ thống giao thương ven sông giữa miền ngược - miền xuôi trong lưu vực sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam thuộc miền Trung Việt Nam, thông qua việc trình bày một bức tranh chi tiết về mạng lưới giao thương và các hệ thống kinh tế chính trị của vương quốc Chăm-pa cũng như của miền Trung.
Tác giả cũng giả định rằng các tuyến đường bộ - mà người địa phương thường gọi là “các con đường muối” – đã bổ sung cho các tuyến đường sông trong việc hình thành hệ thống giao thương miền ngược - miền xuôi. Cả các tuyến đường sông lẫn đường bộ đều đưa các cư dân thuộc nhiều sắc tộc và nhiều khu vực địa lý xích lại gần nhau, thông qua đó hình thành các nền kinh tế chính trị ở Trung Bộ.


Các nhà sử học từng quan niệm miền Trung là vùng đất giao thoa văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi cũng như giữa miền Bắc và miền Nam. Theo mô hình “mạng lưới giao thương miền ngược - miền xuôi” của Bennet Bronson, hệ thống giao thương ven sông là đặc trưng tiêu biểu của một trung tâm thương mại duyên hải, vốn thường được xây dựng tại một cửa sông và đóng vai trò trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, cũng có những trung tâm thương mại nằm sâu trong đất liền hay ở miền ngược xa xôi, có chức năng như những “trạm cung cấp” hoặc các điểm tập trung ban đầu đối với nguồn hàng hóa xuất xứ từ những vùng ở xa sông nước hơn. Cư dân sống ở miền ngược hoặc các làng bản thượng nguồn thường sản xuất và vận chuyển lâm sản đến trung tâm thương mại ở cửa sông, nơi họ tìm thấy dân cư tập trung đông đúc hơn và qua đó có thể tiếp xúc với một “nền kinh tế có trình độ kỹ thuật sản xuất tiên tiến hơn”. 1

Các học giả đã áp dụng mô hình của Bronson trong việc nghiên cứu lịch sử các nhà nước cổ đại ở bán đảo Malaysia và Sumatra, cũng như Chăm-pa - một vương quốc cổ chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ ở miền Trung Việt Nam. Mô hình này cũng hoàn toàn phù hợp với các điều kiện địa lý của miền Trung, nơi vương quốc Chăm-pa đã hiện hữu trong quá khứ. Tại khu vực này, hầu hết sông ngòi chảy từ Tây sang Đông, và từ các dãy núi và cao nguyên đổ ra biển. Dọc theo mỗi con sông, ở miền ngược, có nhiều làng mạc tụ cư của các dân tộc thiểu số. Nhờ những con sông này, các dân tộc vùng cao thông thương giao lưu với các trung tâm thương mại ven biển nằm ở cửa sông. Các hiện vật khảo cổ cho thấy sự giao thương giữa miền ngược - miền xuôi đã diễn ra từ thời tiền sử.

Những hiện vật khảo cổ mới phát hiện (có niên đại từ thế kỉ thứ 5 TCN đến thế kỉ thứ 2) đã giúp các nhà khảo cổ học có những khám phá mới về hệ thống giao thương miền ngược - miền xuôi ở miền Trung từ thời tiền sử.

Từ thập niên 1990, các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế đã khai quật được nhiều những hiện vật tại các di chỉ khảo cổ ở miền Trung, đặc biệt lưu vực sông Thu Bồn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam; cung cấp cho chúng ta những hiểu biết toàn diện hơn về quá khứ của vùng đất này cũng như một kiến thức sâu sắc về hoạt động tương tác giữa miền ngược và miền xuôi trong suốt thời tiền sử.
Các hiện vật khảo cổ tìm thấy ở miền Trung cho thấy nơi này chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa ngoại lai, đó là của nhà Hán Trung Quốc (206 TCN - 220) và của Ấn Độ. Những hiện vật này chứng minh trong quá khứ đã tồn tại mối quan hệ hải thương giữa một số cảng-thị và các tiểu quốc ở miền Trung với các cảng-thị khác ở Trung Hoa và tiểu lục địa Ấn Độ. Miền Trung đóng vai trò quan trọng trong “Con đường Tơ lụa trên Biển” (Maritime Silk Road) trong giai đoạn từ năm 500 TCN đến năm 300, nhờ vào các nguồn tài nguyên rừng phong phú cũng như địa thế thuận lợi, nơi có nhiều ví trí tiềm năng để xây dựng các trung tâm trung chuyển hàng hóa tiện dụng.

Văn hóa Sa Huỳnh dọc sông Thu Bồn 2
Các nhà khảo cổ đã khai quật một số lượng lớn các di chỉ mộ táng của văn hóa Sa Huỳnh dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, cũng như dọc theo các phụ lưu của sông này đổ xuống vùng xuôi. Năm 1985, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật bãi mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở làng Tabhing nằm sâu trong nội địa thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, dọc theo một dòng sông chảy vào Bến Giằng, một vị trí giao thương quan trọng trong khu vực. Làng Tabhing là nơi cư trú của người Katu, một dân tộc thiểu số nói tiếng Môn-Khmer ở dãy Trường Sơn. Từ năm 1997, các nhà khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học Nhật Bản tiến hành khai quật các di chỉ Sa Huỳnh tập trung ở khu vực miền núi sâu trong đất liền, dọc theo các vùng trung du và thượng lưu sông Thu Bồn.
Các di chỉ khảo cổ khai quật được ở cả đồng bằng duyên hải lẫn vùng sâu trong đất liền thuộc lưu vực sông Thu Bồn cùng bộc lộ hai giai đoạn văn hóa: một giai đoạn đầu và một giai đoạn sau. Các hiện vật văn hóa khảo cổ khai quật được tại các khu vực ở thượng nguồn lẫn hạ lưu cho thấy việc giao thương đã xuất hiện từ thời đó và phát triển liên tục từ giai đoạn đầu cho đến giai đoạn sau; chúng là những bằng chứng hiển nhiên chứng minh sự tương tác giữa miền ngược và miền xuôi trong suốt thời kỳ tiền sử.

Văn hóa Sa Huỳnh và Thương mại quốc tế
Thư tịch cổ của Trung Hoa cũng cung cấp chứng cứ cho thấy miền Trung Việt Nam đã xuất khẩu các loại gỗ thơm sang Trung Hoa. Theo những ghi chép của triều đình Trung Hoa từ thế kỉ thứ 3, như cuốn “Nam Châu dị vật chí” (Nanzhouyiwuzhi), thì trầm hương được sản xuất tại châu Nhật Nam (nay là miền Trung Việt Nam) nơi cư dân thu thập gỗ trầm từ rừng núi.

Hầu hết các nhà khảo cổ học nghiên cứu tại miền Trung đều đồng ý với quan điểm rằng có thể chứng minh sự tồn tại của một mối quan hệ quốc tế giữa các nền văn hóa Sa Huỳnh, Ấn Độ và Trung Hoa, diễn ra theo các giai đoạn sau: Giai đoạn đầu, từ thế kỉ thứ V TCN đến thế kỉ thứ II, miền Trung (lưu vực sông Thu Bồn) là vùng đất giao thoa giữa hai dòng văn hóa, chịu ảnh hưởng của Trung Hoa từ phương Bắc và Ấn Độ từ phương Nam. Dựa vào các loại hàng hóa nhập khẩu, các nhà khoa học kết luận rằng trong thời kì này văn hóa Trung Hoa từ phương Bắc có sức ảnh hưởng mạnh hơn văn hóa Ấn Độ từ phương Nam. Giai đoạn thứ hai là khoảng thời gian tiếp theo, từ thế kỉ thứ II đến thế kỷ thứ V, Ấn Độ và Trung Hoa có sức ảnh hưởng ngang nhau đối với miền Trung. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Ấn Độ đã trở nên vượt trội hơn so với Trung Hoa từ thế kỉ thứ V trở đi. Không gian văn hóa của các di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh ở miền Trung, từ vùng duyên hải đến vùng núi, có sự trùng lắp chính xác với các di chỉ khảo cổ của vương quốc (hay các tiểu quốc) Chăm- pa hình thành trong các thế kỉ sau đó.

Thu Bồn – Con sông dài nhất trong các sông chính ở miền Trung
Sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam là con sông dài nhất trong các sông chính ở miền Trung. Lượng mưa trung bình ở khu vực này xấp xỉ 4.000mm/năm. Nhờ có lượng mưa dồi dào, sông Thu Bồn có nguồn nước đầy đủ quanh năm. Đây là dòng sông chính kết nối các vùng núi với các vùng duyên hải. Chính vì vậy con sông đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Từ thế kỉ thứ V, các triều đại Chăm-pa đã tôn thờ con sông này như một dòng sông thiêng, đặt tên là Mahanadi (Sông Mẹ Vĩ Đại) hay Nữ thần Ganga, vợ của Thần Siva.
Lưu vực sông Thu Bồn là giao điểm của tất cả các sông chính ở tỉnh Quảng Nam. Nhiều khu chợ sầm uất dọc sông Thu Bồn là các địa điểm tập trung lâm sản trước khi chuyển đến phố - cảng Hội An. Thượng nguồn của sông Thu Bồn là nơi giao nhau giữa vùng núi và vùng trung du. Nơi đây có bến Hòn Kẽm - Đá Dừng ở thôn Thạch Bích, là nơi các nhà khảo cổ phát hiện được tấm bia đá có niên đại từ thế kỉ thứ VII. Theo chữ khắc trên bia này thì bia thuộc triều vua Prakasadharma (thế kỷ thứ 7): “Sri Prakasadharma, vua Chăm-pa luôn chiến thắng, người chủ của vùng đất này,… đã dựng bia tại đây để thờ thần Amaresa (Siva)”3. Các chữ Chàm khắc trên bia là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy khu vực này trước đây do các vua Chăm-pa cai trị. Thôn Thạch Bích cũng có những di chỉ khảo cổ tiền sử được khai quật vào tháng 8.2001. Từ đây, các nhà nghiên cứu kết luận rằng “hệ thống giao thương miền ngược - miền xuôi” đã được cư dân Chăm-pa sớm thiết lập từ thế kỉ thứ VII, hoặc giả cũng có thể có trước cả thời kỳ Chăm-pa.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều tác phẩm nghệ thuật của người Chàm tại các khu chợ ven sông nổi tiếng thuộc hạ lưu sông Thu Bồn. Các tác phẩm này là bằng chứng cho thấy tất cả các địa điểm này đều có mối liên hệ với các di tích lịch sử Chăm-pa. Do vậy, các nhà nghiên cứu cũng giả định rằng các mô hình tương tác giữa miền ngược và miền xuôi trong khu vực này đã được hình thành từ các thời kì xa xưa hơn, với mục đích tập trung nguồn lâm sản để xuất khẩu, thậm chí còn trước cả thời hoàng kim của phố-cảng Hội An trong các thế kỉ XVII và XVIII. Dần dà các mô hình này được phát triển thành “mạng lưới thương mại mậu dịch rộng khắp và trở thành các khu chợ trung chuyển và xuất khẩu quan trọng bậc nhất ở biển Đông”.4

‘Hệ thống giao thương miền ngược và miền xuôi’ trong thời kỳ Chăm-pa (từ thế kỉ thứ II đến thế kỉ thứ V)
Nền kinh tế của vương quốc hay các tiểu quốc Chăm-pa5, ngoài nền tảng ngư nghiệp và nông nghiệp, phần lớn tập trung vào thương mại duyên hải với Ấn Độ, Trung Hoa và các vùng quốc gia khác ở Đông Nam Á. Chăm-pa chính là nguồn cung cấp gần gũi nhất, từ đây, Trung Hoa đã có thể nhập cảng nhiều loại xa xỉ phẩm như ngà voi, sừng tê, quế, trầm hương và hương liệu…, đồng thời các cảng trung chuyển hàng hóa ở vùng duyên hải cung cấp chỗ neo đậu an toàn, nước ngọt và củi gỗ cho các tàu đi dọc bờ biển từ Nam Á lên Đông Á. Do vậy, vương quốc Chăm-pa đã cung ứng những thương nhân trung gian quan trọng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại trong vùng biển phía nam (còn gọi là Nam Hải).
Sự hưng thịnh của các vương triều Chăm-pa được thể hiện qua các công trình kiến trúc tôn giáo. Mẫu mực của các kiến trúc này có thể thấy ở sự phong phú của các đền-tháp Phật giáo và Ấn Độ giáo xây bằng gạch tại miền Trung. Đáng chú ý nhất trong số đền-tháp này là quần thể kiến trúc Ấn Độ giáo tại Thánh địa Mỹ Sơn gồm 68 ngôi đền xây dựng từ cuối thế kỉ thứ IV đến thế kỉ thứ XIII. Tổ chức UNESCO đã đưa quần thể kiến trúc này vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999. Ngoài ra còn một phức hợp của Thánh địa Phật giáo Đồng Dương xây dựng năm 875, hiện nay là một trong những công trình kiến trúc lịch sử Phật giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á.
Theo đánh giá của các nhà sử học, cư dân của vương quốc Chăm-pa (urang Campà) là những thương nhân rất tài giỏi. Dọc theo các con sông chính trong khu vực, họ đã thiết lập một mạng lưới kinh tế để trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Các thương nhân này nắm giữ việc trao đổi các nhu yếu phẩm giữa cư dân ở vùng duyên hải và cư dân ở vùng núi.

Người Katu ở miền ngược
Các khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam là quê hương của người Katu, một dân tộc thiểu số nói tiếng Môn-Khmer. Người Katu, hiện nay có dân số khoảng 50.000 người, đã trân trọng và ra sức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của tổ tiên họ truyền lại. Một số ít người Katu hiện đang sống tập trung ở tỉnh Sekong của CHDCND Lào dọc theo biên giới với Việt Nam. Họ vẫn còn lưu giữ “những phong tục, truyền thống, kiến thức và văn hóa dân gian rất phong phú về thiên văn học, y khoa và các ngành khoa học khác”.6
Các ngôi làng rải rác của người Katu ở tỉnh Quảng Nam được xây dựng từ thượng nguồn cho đến hạ lưu của các con sông chính trong khu vực. Ngày nay, người Katu sống gần đồng bằng nhất tập trung tại thôn Phú Túc, phía Tây thành phố Đà Nẵng, cách bờ biển khoảng 15km. Người Katu còn tự gọi mình là “Phương”, nghĩa là “người sống ở núi rừng”.
Muối là mặt hàng quan trọng nhất trong trao đổi buôn bán giữa người miền xuôi và miền ngược. Muối được nhấn mạnh trong hầu hết các nghiên cứu về người miền ngược. Họ thậm chí còn xây dựng một con đường mậu dịch chính gọi là “Con Đường Muối”. Vào giữa thế kỉ XX, nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes (Dam Bo) đã mô tả sinh động “con đường lớn” này kéo dài từ miền núi đến miền biển trong những công trình nghiên cứu của ông về các dân tộc thiểu số ở cao nguyên miền Trung.7 “Con Đường Muối” kết nối miền ngược và miền xuôi cũng như mang các tộc người lại gần với nhau, không chỉ để trao đổi nhu yếu phẩm mà còn vì văn hóa và hôn nhân liên sắc tộc. Thậm chí ngày nay, người Kinh ở đồng bằng và người Katu sống ở miền ngược vẫn thực hiện mua bán muối trong lưu vực sông Thu Bồn.8
Việc mua bán muối với người miền xuôi đầu thế kỉ XX cũng được nhắc đến trong các câu hát dân gian của người Katu:
“Ngài là chủ muối,
Chúng tôi luôn là bạn của ngài,
Vì ngài mang trâu cho chúng tôi có thịt ăn,
Và giúp mua bán thuận lợi,
Nên chúng tôi uống rượu với ngài,
Nhà “gươl” của chúng tôi là nhà của ngài,
Vì ngài hùng mạnh và giàu có,
Chúng tôi muốn làm bạn với ngài”.9

“Mạng lưới giao thương miền ngược - miền xuôi” ở miền Trung Việt Nam:Mẫu hình đa sắc tộc cộng cư trong khu vực
Nhờ có vị trí địa lý nằm giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, tỉnh Quảng Nam là vùng đất hội tụ các nền văn hóa. Điều này giải thích cho việc cộng cư của các sắc tộc nói tiếng Nam Đảo và các sắc tộc nói tiếng Nam Á (Môn-Khmer) cũng như dân tộc Kinh hoặc người nói tiếng Việt với các cư dân bản địa trước đây của vùng đất này. Trong suốt thời kỳ tiền Việt (nước Việt Nam hiện đại - ND), vào thế kỉ XVI, cư dân sống ở lưu vực sông Thu Bồn vẫn dùng ngôn ngữ Chàm của riêng họ và gìn giữ các phong tục Chàm cổ. Những cư dân sống ở đồng bằng này có thể đã bắt đầu nói tiếng Việt vào một thời điểm nào đó trong thế kỉ XVII. Sự pha trộn ngôn ngữ phản ánh rõ rệt trong ngữ âm độc đáo của người nói tiếng Việt sống ở lưu vực sông Thu Bồn.
Yếu tố văn hóa của vương quốc Chăm-pa vẫn còn tồn tại ở miền Trung. Theo hầu hết các tường thuật của người phương Tây và người Nhật Bản đến miền Trung hay Cochin-China (tên người phương Tây dùng để gọi Đàng Trong trước hậu bán thế kỉ XIX - ND) trong suốt các thế kỉ XVI và XVII, thì ảnh hưởng của văn hóa Chàm vẫn còn rất mạnh, khi vùng đất này được gọi là Kẻ Chiêm hay Xứ Chiêm. Các chứng cứ ngôn ngữ và lịch sử chỉ rõ rằng một hình mẫu của sự cộng cư từ lâu đã là đặc trưng của mối tương tác giữa các dân tộc sinh sống ở lưu vực sông Thu Bồn nói riêng cũng như ở miền Trung nói chung.

Chú thích
1. Bennet Bronson, “Exchange at the upstream and downstream ends: Notes toward a functional model of the coastal state in Southeast Asia”, in Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perspective from prehistory, history, and ethnology, ed. Karl L. Hutterer (Ann Arbor: Center for Southeast Asian Studies, University of Michigan, 1977), pp. 39-52. [“Giao thương tại các địa điểm thượng nguồn và hạ lưu: Ghi chú về một mô hình chức năng của nhà nước duyên hải ở Đông Nam Á”, trong Giao thương Kinh tế và Tương tác Xã hội ở Đông Nam Á: Cái nhìn từ tiền sử, lịch sử và dân tộc học, biên tập Karl L. Hutterer (Ann Arbor: Trung tâm Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á, Đại học Michigan, 1977), trang 39-52.]

2. Văn hóa Sa Huỳnh thuộc ‘Thời đại Kim khí’ khoảng từ năm 500 TCN đến năm 100 SCN. Hầu hết các di chỉ khảo cổ được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam đều xuất phát từ các cuộc khai quật khảo cổ học được thực hiện từ đầu thế kỉ trước cho đến ngày nay. Sa Huỳnh là một làng nhỏ trên bờ biển tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung ngày nay, nơi đây các nhà khảo cổ Pháp đã tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên vào đầu thế kỉ 20.

3. Karl-Heinz Golzio (ed.), Inscriptions of Campà (Aachen: Shaker Verlag, 2004), p. 5 [(biên tập), Chữ khắc của Chăm-pa (Aachen: Shaker Verlag, 2004), trang 5.]

4. Charles Wheeler, “Re-thinking the Sea in Vietnamese History Littoral Society in the Integration of Thuan-Quang, Seventeenth-Eighteenth Centuries”, Journal of Southeast Asian Studies, 37 (1), Singapore: The national University of Singapore, 2006, p.134. [“Nghĩ lại về vai trò của Biển trong Lịch sử Việt Nam: Xã hội Ven biển trong sự Hòa hợp Thuận-Quảng, Thế kỉ 17-18”, Tập san Nghiên cứu Đông Nam Á, 37 (1), Singapore: Đại học Quốc gia Singapore, 2006, trang 134.]

5. Vương quốc Chăm-pa ở đất Việt có niên đại từ thế kỉ 2. Lãnh thổ Chăm-pa trải dài từ phía nam đèo Ngang thuộc tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận (vào khoảng giữa các vĩ độ 11° và 18° Bắc) ở Nam Trung Bộ. Theo các tài liệu lịch sử Trung Quốc, năm 192 - 193, do sự cai trị hà khắc của nhà Hán (206 TCN - 220 SCN), người dân huyện Tượng Lâm (Xiang Lin) đã nổi dậy tiêu diệt viên quan người Hán ở địa phương, giành chủ quyền và thiết lập nhà nước độc lập riêng, đặt tên là Lâm Âp (Lin-yi) (192 - 758), sau được biết đến với tên Hoàn Vương (Huan-Wang) (758 - 886), và tiếp sau là Chiêm Thành (Zhan Cheng) (886 - 1471). Tên Chiêm Thành (Zhan Cheng) có nguồn gốc từ chữ Champapura trong tiếng Phạn, là tên một thành phố của Chăm-pa. (Các) vương quốc Chăm-pa chủ yếu nằm trên một dải đất dài hơn 1000km dọc bờ biển miền Trung Việt Nam. Gần đây, các sử gia đã tranh luận quanh vấn đề vương quốc Chăm-pa phải chăng được hình thành từ nhiều tiểu quốc độc lập, tức là vương quốc này không phải là một thực thể chính trị thống nhất mà là một liên bang gồm nhiều tiểu vương quốc, mỗi tiểu vương quốc có một trung tâm chính trị riêng. Tham khảo: Bruce Lockhart và William Duiker, Historical Dictionary of Vietnam (Maryland: The Scarecrow Press, 2006), pp. 65-66. [Từ điển Lịch sử Việt Nam (Maryland: NXB Scarecrow, 2006), trang 65 - 66.]

6. Nancy Costello, “Katu Society: A Harmonious Way of Life”, in Laos and Ethnic Minority Cultures: Promoting Heritage, ed. Yves Goudineau (Paris: UNESCO, 2003), p. 163. [“Xã hội Katu: Một cách Hòa hợp Cuộc sống”, trong Các nền văn hóa Dân tộc thiểu số và Lào: Phát huy Di sản, biên tập Yves Goudineau (Paris: UNESCO, 2003), trang 163.]
7. Dam Bo (Jacques Dournes), Les Populations Montagnardes du Sud-Indochinois (Number special de France-Asie) (Lyon: Derain, 1950), pp. 3-47. [Người miền núi ở Đông Dương (Ấn bản đặc biệt của tạp chí Pháp-Việt) (Lyon: Derain, 1950), trang 3-47.

8. Quách Xân, “Giặc Mùa”, Tập san Ngọc Linh, chuyên đề nghiên cứu, sáng tác về Miền Núi & Tây Nguyên, Số 1 (Đà Nẵng: Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Đà Nẵng và NXB Đà Nẵng), trang 71-106.

9. Le Pichon, “Les Chasseurs de Sang”, Bulletin des Amis du Vieux Hue, No.4, 1938, p. 364.[“Những Kẻ săn máu”, Tập san Những người bạn Huế xưa (BAVH), Số 4, 1938, trang 364.]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét