Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

PHONG TUC MAI TANG

Đây là một bài dịch của TS. Phạm Quang Sơn. Mời mọi người xem để biết thêm nhé!Mọi bản quyền đối với bài dịch là của TS.Phạm Quang Sơn!Cám ơn TS. Phạm Quang Sơn đã gửi bản dịch này.

PHONG TỤC MAI TÁNG
MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐỘC ĐÁO
VÀ QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA QUA TƯ LIỆU KHẢO CỔ HỌC.

Alekshin V.A.[1]

Từ lâu, tư liệu dân tộc học và văn học dân gian đã cho thấy các xã hội truyền thống đều có các quan niệm về số phận sau khi chết của con người. Các quan niệm này tập trung vào ba ý tưởng.
Ý tưởng phổ biến nhất là sau khi chôn cất, người chết sẽ bước qua thế giới của những vong hồn, thường nằm dưới mặt đất. Để hỗ trợ người chết lên đường bình an và đến được âm phủ, người sống đã lo cung cấp đồ ăn, quần áo, giày dép, đồ dùng săn bắt, ngư cụ, nông cụ, vũ khí và đôi khi cả phương tiện di lại (thuyền bè, xe cộ). Xứ sở của người chết được hình dung như những bản sao của trần thế. Cư dân ở đó vẫn giữ được đẳng cấp giới, tuổi tác và địa vị xã hội của mình như khi còn sống, dù rằng điều kiện tồn tại của họ còn phụ thuộc vào nguyên nhân chết (Van Gennep 1999, Petrukhin 1987, Bendan 1930).
Theo ý tưởng thứ hai, cái chết chỉ là khởi đầu để người chết đầu thai và quay trở về trần thế dưới dạng trẻ sơ sinh, tuy người sống cũng có nhận thức rõ rằng đứa trẻ đó hoàn toàn không phải là người thân trước kia của họ nữa. Từ lúc chết đến khi đầu thai kiếp khác là một khoảng thời gian, dài bao lâu không ai biết (Van Gennep 1999, Petrukhin 1987, Bendan 1930).
Ý tưởng thứ ba là sau khi chết, con người sẽ tiếp tục sống trong mộ. Họ sẽ định cư vĩnh viễn ở đây và ngôi mộ sẽ là ngôi nhà mới của họ (Petrukhin 1975, Toporkov 1995, 1995a, Tschumi 1930), tương xứng với địa vị khi còn sống. Trong các xã hội truyền thống, tín ngưỡng này ít phổ biến hơn so với quan niệm về âm phủ hay tái sinh (Van Gennep 1999).
Qua liệt kê sơ bộ những quan niệm phổ biến trong các xã hội truyền thống về số phận sau khi chết của con người, có thể đi đến hai kết luận. Thứ nhất, cách thức người chết thâm nhập thế giới bên kia và lối sống của họ ở đó đòi hỏi, trong phần lớn trường hợp, rằng phong tục mai táng, như một nghi lễ chuyển tiếp, phải thể hiện thông tin về những đặc điểm cuộc du hành của người chết khi rời dương thế, về tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nguyên nhân chết của họ cũng như thuộc nhóm tộc nào trong cộng đồng. Thứ hai, tất cả ba quan điểm về số phận sau khi chết mâu thuẩn lẫn nhau tới mức khó có thể hình dung chúng xuất hiện cùng lúc trong một thời điểm lịch sử. Vấn đề thời gian xuất hiện mỗi ý tưởng trên chỉ có thể được làm sáng tỏ với sự trợ giúp của tư liệu khảo cổ học.
Những dấu vết mai táng cổ xưa nhất đã xuất hiện khoảng 140 000 năm trước đây, vào giai đoạn giữa và cuối Muschiê. Người chết không được chôn theo đồ ăn, không có đồ tùy táng, không rắc thổ hoàng, dường như con người vào thời trung kỳ đá cũ còn chưa có khái niệm gì về thế giới bên kia và cuộc sống sau khi chết.
Trong một vài di tích thời kỳ Muschiê đã tìm được bằng chứng xẻ thây và róc thịt người chết bằng những công cụ đá lửa. Hơn nữa, có nhiều trường hợp xác người bị cắt khúc không được sắp xếp lại cho nguyên dáng trước khi chôn (Alekshin 1993, 1995).
Ngoài việc xẻ thây người mới chết bằng công cụ đá lửa, vào thời Muschiê còn tồn tại một kiểu khác, đơn giản hơn, để xử lý thây người chết (Alekshin 1994). Đó là sau khi lấp đất một thời gian, khi da thịt đã rã hết, người ta đã đào mộ và lấy bớt đi một số xương. Vì thế nhiều hài cốt trong các mộ táng thời kỳ này đã không còn nguyên vẹn (Alekshin 1993, 1995).
Để hiểu được bản chất hiện tượng hài cốt không nguyên vẹn, cần biết rằng, từ sơ kỳ thời đại đá cũ con người đã thường xuyên đối mặt với sự chết chóc trong thế giới tự nhiên (cái chết tự nhiên hay bị cưỡng bức của các loài động vật). Không hiếm khi con người đã chứng giám cảnh thú dữ giết và ăn thịt con mồi, mà bản thân con người bất cứ lúc nào cũng có thể là con mồi đó. Do đó, hoàn toàn có khả năng là tổ tiên chúng ta, từ trước thời Muschiê, đã đồng dạng hóa cái chết với sự phanh thây, hành xác.
Kết quả nghiên cứu dân tộc học cho thấy, trong các xã hội truyền thống đã tồn tại các nghi thức săn bắn huyền bí, nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho giới động vật sau các cuộc săn bắt, đánh cá. Theo các nghi thức này, sau khi ăn thịt thú, chim, cá săn bắt được, những xương, sọ, da, lòng, vảy của chúng được gom lại cẩn thận, sau đó đem chôn xuống đất, dấu vào rừng hay vứt xuống sông. Người xưa tin rằng khi hài cốt động vật được gom góp dấu vào một chỗ kín nào đó thì từ xương sẽ mọc ra da thịt và con thú sẽ được hồi sinh (Hallowell 1926, Zachrisson, Iregren 1974).
Xuất phát từ những thực tế trên, phong tục mai táng với mục đích dấu vào lòng đất những hài cốt người chết đã bị cắt xẻ không còn nguyên vẹn, cần được giải thích như một hành động biểu trưng, hướng tới sự tái sinh của người chết, trong đó, việc xả thây (điển hình của mai táng thời kỳ đầu Muschiê) tượng trưng cho sự chết, còn chôn cất một phần hài cốt gom được tượng trưng cho nguyện vọng tái sinh người chết, dù họ sẽ về trong dáng hình mới (Aleksin 1999).
Như vậy, phong tục mai táng đã xuất hiện với tư cách là một phương tiện biểu trưng bảo vệ khỏi sự mất mát, như một yếu tố văn hóa đối lập với cái chết, giữ gìn sự bền vững trong cộng đồng và bảo đảm sự hồi sinh của từng cá nhân khi chết.
Vào hậu kỳ thời đại đá cũ, cách nay 26 000 năm, bắt đầu xuất hiện những yếu tố mới trong thực tiễn mai táng. Người chết khi chôn được mặc quần áo đẹp, không phải là đồ mặc ngày thường. Có thể những trang phục được gắn thêm những lễ trang khác như các hạt chuỗi, đã từng được sử dụng trong nhiều nghi lễ khác (đám cưới, đám tang) như vẫn thường thấy trong một số xã hội truyền thống (Grachev 1983).
Sự xuất hiện trang phục đẹp cho người chết cùng với việc sử dụng rộng rãi thổ hoàng - thường gây cảm xúc mạnh với những người đưa tang - trong nghi thức mai táng, cho phép hình dung rằng đám tang hậu kỳ thời đại đá cũ được tổ chức như một lễ hội. Bản chất của nó là xác định ranh giới phân chia giữa người sống và người chết. Nghi thức lễ tang long trọng cũng nói lên rằng người chết còn được chuẩn bị kỹ càng cho một dạng tồn tại khác và đó là bằng chứng chứng tỏ con người đã có niềm tin về thế giới bên kia.
Sự hiện diện đồ tùy táng ở những nơi mai táng cũng nói lên lòng tin vào một cuộc sống sau khi chết. Tuy nhiên, đồ chôn theo tìm thấy ở nơi mai táng (quyền trượng bằng sừng, dao bằng mảnh tước đá lửa) gợi ra ý nghĩ rằng chúng chỉ là một dạng “danh thiếp” của người quá cố, chứ không phải là một bộ đồ dùng thiết yếu cho cuộc du hành qua thế giới bên kia.
Nếu bổ sung vào đây một hiện tượng là ở những nơi chôn cất không có đồ ăn cho người chết, thì có thể kết luận rằng những người thợ săn hậu kỳ đá cũ vẫn chưa có ý niệm rõ ràng về cách người quá cố đi vào âm thế, hoặc có thể họ đã tin rằng quãng đường đến xứ sở người chết là rất ngắn và an toàn, cư dân ở đó có đầy đủ mọi thứ cần thiết để kiếm ăn với một cuộc sống êm đềm.
Mô hình nghi thức mai táng trên đã có nhiều thay đổi vào thời kỳ hậu đá cũ (TNK X-IX trước CN). Trước hết, vào thời kỳ này bắt đầu xuất hiện những nghĩa địa cổ nhất (Alekshin 1994). Thứ hai, ở một số ngôi mộ đã ghi nhận được hiện tượng đánh dấu trên mộ bằng cách xếp đá tảng hoặc những cối đá (Cardini 1980, Perrot, Ladiray 1988). Thứ ba, chủ nhân văn hóa Natufy ở Palestin đã bắt đầu biết cải táng, thời gian từ khi chôn cất người chết đến khi cải táng có thể là vài năm (Perrot, Ladiray 1988). Thứ tư, cũng cần ghi nhận là không như những người đương thời khác trên lãnh thổ Á- Âu, người Natufy ít khi sử dụng thổ hoàng trong các nghi thức mai táng (Perrot, Ladiray 1988).
Vào hậu kỳ đá giữa (ở châu Âu khoảng TNK VI-V trước CN) đã nảy sinh nhiều điểm mới cơ bản trong táng thức. Thứ nhất, số lượng mộ có đồ tùy táng tăng cao đột biến, bên cạnh những hạt chuỗi bằng vỏ sò ốc hay răng động vật dùng để trang trí quần áo người chết, bây giờ đã có thêm nhiều chủng loại công cụ lao động khác nhau như mũi lao, dao găm bằng xương, dao cắt, nạo, mũi tên bằng đá lửa, rìu đá hay rìu bằng sừng (Alekshin 1988, Oshibkina 2007, Kannegaard Nielsen, Brinch Petersen 1933 tr.79,80; Larsson 2000 tr.88; Péquart et al. 1937). Thứ hai, trong một số mộ táng đã có đặt đồ ăn cho người chết. Ví dụ trong những ngôi mộ ở nghĩa địa Skateholm I và II (Thụy Điển) đã tìm được dấu vết cá nấu cho người quá cố (Jonsson 1986, Larsson 2000). Những con cá còn nguyên cũng thấy có trong các ngôi mộ ở nghĩa địa Popovo (Nga) (Oshibkina 2006). Thứ ba, nhiều nghi lễ khác nhau đã phổ biến rộng rãi, việc hành lễ được thực hiện cả trong và sau khi chôn cất (Oshibkina 2006, Escalon de Fonton 1996, Larsson 2000, Péquard et al. 1937). Thứ tư là phải nói đến sự xuất hiện của mộ táng trong thuyền (cuối TNK VI trước CN). Hiện vật độc đáo này đã được tìm thấy trong di chỉ Mollegabet (Đan Mạch) (Kannegaard Nielsen, Brinch Petersen 1993).
Cần nhấn mạnh rằng, vào thời đại đá giữa, những người săn bắt, hái lượm và đánh bắt cá ở Tây, Bắc và Đông Âu vẫn tiếp tục sử dụng thổ hoàng trong các nghi thức mai táng như trước ( Alekshin 1983, Oshibkina 2007, Newell et al. 1979).
Táng thức của cư dân nông nghiệp sớm (Tây-Nam Á) chỉ có những thay đổi căn bản vào hậu kỳ đá mới (TNK VI trước CN), khi xuất hiện những ngôi mộ với vật tùy táng là những đồ đựng bằng đá, gỗ và gốm dùng để đựng đồ ăn cho người chết. Ngoài những đồ đựng phong phú, trong các ngôi mộ thời này còn có đồ trang sức (hạt chuỗi bằng đá hay vỏ sò ốc, vòng nhẫn bằng đồng đỏ hay chì), gương bằng đá obsidian, công cụ lao động (kim xương, dụng cụ đan lát, rìu đá, lưỡi tháp của dao hái hay nạo bằng đá lửa), vũ khí săn bắn (đạn bằng đá hay đất nung để bắn ná, dao găm, mũi lao, mũi tên bằng đá lửa), trâm cài tóc bằng đá, tượng nhỏ bằng đá hình phụ nữ và thỉnh thoảng còn có thẻ bùa hay con dấu bằng đất nung trang trí hoa văn hình học (Alekshin 1986). Muộn về sau, vào sơ kỳ thời đại đá đồng (TNK V trước CN) mới xuất hiện mai táng với vũ khí (Alekshin 1986). Khi khai quật nghĩa địa Erendu, phía trên mộ táng 51 đã phát hiện được mô hình thuyền bằng đất nung (Safar, Mustafa, Lloyd 1981). Mặc dù hiện vật không phải nằm trong mộ nhưng chắc chắn có quan hệ với khu mộ này. Cũng có thể rằng hiện vật này có xuất xứ từ một ngôi mộ khác đã bị hủy hoại hoàn toàn, hoặc người xưa đã cố tình đặt nó cạnh một trong những ngôi mộ.
Vào TNK VIII- VI trước CN, cư dân nông nghiệp Tây-Nam Á đã sử dụng thổ hoàng trong các nghi lễ mai táng, cũng giống như cư dân săn bắt thời đại đá giữa ở châu Âu. Tuy nhiên, phong tục này chỉ phổ biến rộng rãi trong những bộ lạc định cư ở Iran, Trung Đông và Pakistan, trong khi ở Siry-Palestin, Tiểu Á và Lưỡng Hà rất hiếm khi thấy thổ hoàng. Vào thời đại sơ kỳ đá đồng (TNK V trước CN) truyền thống này hoàn toàn mất hẳn trong toàn bộ khu vực dân cư nông nghiệp sớm (Alekshin 1990).
Như vậy, tư liệu khảo cổ học đã chứng minh rằng, niềm tin vào một thế giới sau khi chết xuất hiện ngay từ hậu kỳ thời đại đá cũ, đến cuối thời đại đá đã được bổ sung bằng quan niệm là chặng đường đến xứ sở người chết rất xa xôi, để đến được nơi ấy người quá cố cần được cung cấp lương thực và các trang bị vần thiết khác. Trong một số trường hợp, để du hành qua thế giới bên kia, người quá cố còn được trang bị thuyền, một phương tiện đi lại cổ xưa nhất được con người biết đến.
Từ đó, đến cuối TNK V trước CN, nghi thức mai táng đã trở thành nghi lễ chuyển bước của người chết qua thế giới bên kia mà tư liệu dân tộc học đã ghi nhận khá rõ. Hệ thống tư duy này về số phận con người sau khi chết, hình thành trong khoảng 20 000 năm, hầu như xuất hiện trong dạng hoàn chỉnh như vậy đồng thời ở tất cả các nhóm cư dân săn bắt-hái lượm và nông nghiệp sớm.
Tư liệu khảo cổ học cũng chứng minh rằng các cấu trúc mộ thời đại đồ đá không có gì giống kiến trúc nhà ở. Mãi về sau, vào thời đại đồng và sắt, trong táng thức mới xuất hiện những công trình giống về hình dáng với những căn phòng nhỏ để ở (Alekshin 1986, Golubova 1987, Zadnyeprovskyi 1992, Itina 1992, Mahdelshtam 1992, Pshenitsyna 1992, Sedov 1982, Woolley 1934) hoặc giống một túp lều (Petrenko 1989, Smirnov 1989, Piggott 1965).
Tuy nhiên, trong tất cả các công trình có thể cho là giống nhà ở đó đều không có cửa sổ, bếp lò hay đống lửa. Trong các mộ táng thời đại đá mới (có gốm), đá đồng và thời đại đồng cũng không thấy có đồ dùng nhà bếp để đun nấu. Như vậy, phần lớn các kiến trúc mộ thời đại đá đồng, thời đại đồng và thời đại sắt đều không có các yếu tố kiến trúc có thể coi là bộ phận cấu thành của nội thất nhà ở, mà lý ra chúng cần phải có nếu ngôi mộ thực sự được làm như một ngôi nhà dành cho người chết.
Kết luận này phù hợp với những thông tin từ nguồn tư liệu văn học dân gian như khóc tang, nơi thường xuyên thể hiện sự đối lập giữa nhà ở và mộ (quan tài). Mộ (quan tài) hoàn toàn đối lập với nhà và là nơi chứa, tách biệt với thế giới bên ngoài (Nevskaia 1982). Hát tang tiễn người quá cố cũng không có nội dung nhắc tới cuộc đời tiếp theo của người trong mộ (Eremina 1991).
Đến nay chỉ mới biết đến một khu vực phổ biến những mộ táng, trong đó có những chi tiết đặc trưng của việc thiết kế nhà ở như bếp và đồ dùng nhà bếp (nồi, vạc có dây treo, chảo, cán chảo). Đó là những mộ táng có gò đất đắp ở gần hồ Ladoga (St-Petersburg, Nga – ND). Đây là những ngôi mộ do cư dân Ves - người Phần Lan cổ - để lại, có niên đại cuối TNK I - đầu TNK II (Nazarenko 1983, Golubeva 1987). Chính những ngôi mộ này đã cho phép kết luận rằng một số nhóm cư dân cổ thuộc ngữ hệ Phần Lan-Ugory đã quen thuộc với tín ngưỡng coi ngôi mộ là nhà ở của người quá cố. Tuy nhiên quan niệm này chỉ xuất hiện ở họ vào giai đoạn đầu thời kỳ Trung cổ và dường như không phổ biến rộng.
Tóm lại, việc nghiên cứu quá trình tiến hóa phong tục mai táng từ khi mới xuất hiện đến đầu thời đại Trung cổ cho phép đi đến kết luận rằng, quan niệm cổ xưa nhất của con người về số phận sau khi chết đã hình thành vào trung kỳ đá cũ và đó là niềm tin vào sự tái sinh, có nghĩa là vào ý tưởng phục sinh của người thân đã chết trong dáng hình trẻ sơ sinh.
Sự hưng thịnh trong văn hóa của cư dân săn bắt hậu kỳ đá cũ đã dẫn đến những thay đổi căn bản trong quan niệm của con người về cái chết. Theo những tín ngưỡng mới, sau khi từ bỏ dương thế, người quá cố bước sang xứ sở của những người chết (âm phủ), nơi họ phải trãi qua một thời gian trước khi được đầu thai vào kiếp khác. Quan niệm này phải mất 20 000 năm để hình thành và cuối cùng ổn định vào khoảng TNK VI-V trước CN. Vào lúc này, cuộc du hành qua thế giới bên kia đã trở một thành thử thách nặng nề đối với người chết và họ cần có đủ những trang bị thiết yếu, tương xứng với địa vị xã hội trước đó.
Cuối cùng, ý tưởng cho rằng ngôi mộ là ngôi nhà của người chết đã xuất hiện rất muộn, vào đầu lịch sử Trung cổ, và chỉ có ở một số ít dân tộc.
Bất luận thế nào, mỗi khi một quan niệm mới xuất hiện, nó không hủy bỏ quan niệm cũ, mà thu nạp và bổ sung thêm cho quan niệm ấy, tạo ra một hệ thống tín ngưỡng đa cấp, được phản ánh trong các phong tục mai táng hết sức đa dạng./.

(Người dịch: P.Q.S.)

TƯ LIỆU THAM KHẢO.
Alekshin V.A. 1983. Về niên đại tương đối và tuyệt đối của những nghĩa địa thời đại đá giữa Dnepr. Thông báo ngắn Viện KCH, số 173, tr.31-34. (tiếng Nga).
Alekshin V.A. 1986. Cấu trúc xã hội và phong tục mai táng của các xã hội nông nghiệp sớm. Nxb „Nauka“, Leningrad, 192 tr. (tiếng Nga).
Alekshin V.A. 1988. Nghiên cứu sự phân hóa xã hội và giai cấp theo phong tục mai táng của các xã hội cổ. Các vấn đề phương pháp luận và triết học cấp bách trong khảo cổ học. ŠZAÚSAV. 25. tr. 59–65. (tiếng Nga).
Alekshin V.A. 1990. Vấn đề cội nguồn văn hóa của các văn hóa thời đại đá mới và đá đồng Tây-Nam Á. Thông báo ngắn Viện KCH, số 199, tr 3-9. (tiếng Nga).
Alekshin V.A. 1993. Hai mô hình nghi thức mai táng thời đại đá cũ và đá giữa (qua tư liệu vùng tây-nam Pháp). Tóm tắt báo cáo Hội thảo khoa học “Chuyển tiếp văn hóa và tiến trình lịch sử”, St-Petersburg, 1993, tr. 11-14. (tiếng Nga).
Alekshin V.A. 1995. Những vấn đề còn tranh luận trong nghiên cứu mộ táng Muschiê. Nghi lễ và đối tượng nghi lễ. Tuyển tập báo cáo khoa học, St –Petersburg, tr. 22-32. (tiếng Nga).
Alekshin V.A. 1999. Tính biểu tượng trong nghi thức mai táng Muschiê. Khác biệt địa phương trong thời đại đá. Tóm tắt báo cáo Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh S.N. Zamyatnin, St-Petersburg, tr. 101-103. (tiếng Nga).
Gennep van A. 1999. Phong tục chuyển tiếp. Nghiên cứu hệ thống các phong tục. Nxb “Văn học Phương Đông”, Matxcơva, 198 tr. (tiếng Nga).
Golubeva L.A. 1987. Người Ves. Khảo cổ học Liên Xô. Người Ugory-Phần Lan và Baltic trong thời đại Trung cổ. Nxb “Nauka”, Matxcơva, tr.52-64. (tiếng Nga).
Gracheva G.N. 1983. Thế giới quan truyền thống của cư dân săn bắt vùng Taimyr (tư liệu Nganacan TK XIX- đầu TK XX), Nxb “Nauka” Leningrad, 173 tr. (tiếng Nga).
Eremina V.I. 1991. Nghi lễ và văn học dân gian. Nxb “Nauka”, Leningrad, 207 tr. (tiếng Nga).
Zadnyeprovskyi Iu.A. 1992. Cư dân du mục sớm ở Thất Hà và Thiên Sơn. Khảo cổ học Liên Xô. Thảo nguyên châu Á Liên Xô thời kỳ người Schit và Sarmat. Nxb “Nauka”, Matxcơva, tr. 73-87. (tiếng Nga).
Itina M.I. 1992. Người Saki sớm vùng cận biển Aral. Khảo cổ học Liên Xô. Thảo nguyên châu Á Liên Xô thời kỳ người Schit và Sarmat. Nxb “Nauka”, Matxcơva, tr. 31-47. (tiếng Nga).
Mandelshtam A.M. 1992 Cư dân du mục sớm thời kỳ Schit trên lãnh thổ Tuva. Khảo cổ học Liên Xô. Thảo nguyên châu Á Liên Xô thời kỳ người Schit và Sarmat. Nxb “Nauka”, Matxcơva, tr.178-196. (tiếng Nga).
Nazarenko V.A. 1983. Nghi thức mai táng của người Chud vùng gần hồ Ladoga. Tóm tắt luận án Phó tiến sỹ sử học. Leningrad, 18 tr. (tiếng Nga).
Nevskaia L.G. 1982. Ngữ nghĩa học của nhà và những quan niệm hỗn hợp trong táng văn dân gian. Nghiên cứu người Baltic và Slavơ. Nxb “Nauka”, Matxcơva, tr. 106-121. (tiếng Nga).
Oshibkina C.V. 2006. Thời đại đá giữa vùng Đông Onega. Văn hóa Varietie. Nxb “Grif và K”, Matxcơva, 322 tr. (tiếng Nga).
Oshibkina C.V. 2007. Nghĩa địa và những phức hệ mai táng thời đại đá giữa vùng rừng Đông Âu. KCH Nga, số 1, tr. 36-48. (tiếng Nga).
Petrenko V.G. 1989. Các nhóm địa phương của văn hóa dạng Schit vùng rừng-thảo nguyên Đông Âu. Khảo cổ học Liên Xô. Thảo nguyên châu Âu Liên Xô thời kỳ người Schit và Sarmat. Nxb “Nauka”, Matxcơva, tr. 67-80. (tiếng Nga).
Petrukhin V.Ia. 1975. Tục thờ táng của cư dân đa thần giáo Scandinavơ. Tóm tắt luận án Phó tiến sỹ sử học. Nxb Đại học tồng hợp Matxcơva, 18 tr. (tiếng Nga).
Petrukhin V.Ia. 1987. Thế giới sau cái chết. Chuyện thần thoại các dân tộc thế giới. Bách khoa toàn thư. Nxb “Bách khoa toàn thư Xô Viết”, tập 1, Matxcơva, tr. 452-456. (tiếng Nga).
Pshenitsyna M.H. 1992. Giai đoạn Tesin. Khảo cổ học Liên Xô. Thảo nguyên châu Á Liên Xô thời kỳ người Schit và Sarmat. Nxb “Nauka”, Matxcơva, tr. 224-235. (tiếng Nga).
Sedov V.V. 1982. Người Đông Slavơ thế kỷ VII-XIII. KCH Liên Xô. Nxb “Nauka”, Matxcơva, 327 tr. (tiếng Nga).
Smirnov K.Ph. 1989. Văn hóa Savromat và Sarmat sớm. KCH Liên Xô. Thảo nguyên châu Âu Liên Xô thời kỳ người Schit và Sarmat, Nxb “Nauka”, Matxcơva, tr.165-177. (tiếng Nga).
Toporkov A.L. 1995. Nhà. Thần thoại Slavơ. Từ điển bách khoa toàn thư. Nxb “Ellis Lak”, Matxcơva, tr. 168-169. (tiếng Nga).
Toporkov A.L. 1995a. Mộ. Thần thoại Slavơ. Từ điển bách khoa toàn thư. Nxb “Ellis Lak”, Matxcơva, tr. 262-264. (tiếng Nga).

Alekšin V. A. 1994. Mesolithische Gräberfelder der Ukraine (chronologische, kulturelle und soyiologische Aspecte der Interpretation) // ZfA. Jg. 28. 1994. S. 163–189.
Bendan J. E. 1930. Death Customs: an Analytical Study of Burial Rites. London. Kegan Paul, Trench, Trubner and Co. 1930. 304 pp.
Cardini L. 1980. La necropoli mesolitica delle Arene Candide (Liguria) // MIIPU. V. III. Anno 1980. 1980. P. 9–31.
Escalon de Fonton M. 1966. Du paléolithique supérieur au mésolithique dans le Midi méditerrannéen // BSPF. T. 63. Numéro 1. 1966. P. 66–180.
Hallowell A. I. 1926. Bear ceremonialism in the northern hemisphere // Am. An. V. 28. Number 1. 1926. P. 1–175.
Jonsson L. 1986. Fish bones in late mesolithic human graves at Skateholm, Scania, South Sweden // Brinkhuisen D. C., A. C. Clason (eds.). Fish and archaeology. BAR international series 294. 1986. P. 62–79.
Kannegaard Nielsen E., E. Brinch Petersen. 1993. Burials, people and dog // Hvass S., B. Storgaard (eds.). Digging into the past. 25 years of archaeology in Denmark. Aarhus universitetsforlag. 1993. P. 76–81.
Larsson L. 2000. Cemeteries and mortuary practice in the late Mesolithic of Southern Scandinavia // De temporibus antiquissimis ad honorem Lembit Jaanits. RAT. Number 8. Tallinn. 2000. P. 81–102.
Newell R. R., T. S. Constandse-Westermann, Ch. Meiklejohn. 1979. The skeletal remains of Mesolithic man in Western Europe: an evaluative catalogue // JHE. V. 8. Number 1. P. 1–228.
Péquart M., S.-J. Péquart M. Boule, H. Vallois. 1937. Téviec, Station-Nécropole du Mésolithique du Morbihan // AIPH. Mem. XVIII. pp.
Perrot J., D. Ladiray 1988. I. Les sepultures // Les homes de Mallaha (Eynan) Israel. MTCRFJ. Numéro 7. Association Paléorient. Paris. 1988. P. 1–106.
Piggott S. 1965. Ancient Europe from the Beginnings of Agriculture to Classical Antiquity. Edinburgh. University Press. 1965. 343 pp.
Safar F., M. A. Mustafa, S. Lloyd. 1981. Eridu. Republic of Iraq. Baghdad. Ministry of Culture and Information. State Organization of Antiquities and Heritage. 1981. 360 pp.
Tschumi O. 1930. Grab, Haus und Herd in der Urzeit // Germania. Jg. XIV. Hf. 3. 1930. S. 121–139.
Woolley L. 1934. Ur Excavations. V. II. The Royal Cemetery. London-Philadelphia. British Museum and Museum of the University of Pennsylvania. 1943. 604 pp.
Zachrisson I., E. Iregren. 1974. Lappish bear graves in northern Sweden. An archaeological and osteological study // Early Norrland. V. 5. Kungl. Vitternets. Historie och Antikvitets Akademien. 1974. 113 pp.

Chữ viết tắt
KCH - Khảo cổ học

AIPH — Archives de L'Institut de Paléontologie Humaine, Memoires, Paris.
Am. An. — American Anthropologist.
BAR — British Archaeological Reports, Oxford.
BSPF — Bulletin de la Société Préhistorique Française, Paris.
JHE — Journal of Human Evolution, London, New York, San Francisco.
MIIPU — Memoire dell’Istituto Italiano di Paleontologia Umana.
MTCRFJ — Mémoires et Travaux du Centre de Recherche Français de Jerusalem.
RAT — Research into Ancient Times.
ŠZAÚSAV — Študijné Zvesti Archeologického Ústavu Slovenskej Akadémie Vied, Nitra.
ZfA — Zeitschrift für Archäologie, Berlin.



[1] Tiến sỹ, Trưởng Phòng nghiên cứu Khảo cổ học Trung Á và Kavkaz, Viện Lịch sử văn hóa vật chất St-Petersburg, Viện Hàn lâm khoa học Nga. Hiện nay là chủ nhiệm chương trình hợp tác Nga-Việt trong 3 năm (2008-2010) nghiên cứu đề tài “Quá trình hình thành các nền văn minh sớm ở Nam Bộ Việt Nam qua tư liệu khảo cổ học. Kinh nghiệm nghiên cứu khảo cổ học Trung Á và văn hóa Kushan ở Nga”. Nội dung bài này đã được báo cáo tại Viện PTBV vùng Nam Bộ tháng 11/2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét