Di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn, nay thuộc ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) đã được phát hiện và khai quật từ năm 1927. Năm 1984, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Mộ Cự thạch Hàng Gòn là di tích quốc gia, 1 trong 10 di tích quan trọng ở Nam bộ. Các nhà khoa học đánh giá, đây là một di tích độc đáo cả về nghệ thuật và kỹ thuật của các tộc người cổ Nam Á nói chung và người Việt cổ nói riêng.
Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một dạng hầm mộ, được cấu tạo bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30 - 40 tấn. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, ngang 2,7 mét, cao 1,6 mét được ghép bới 6 tấm đá hoa cương được bào khá nhẵn ở mặt ngoài; 4 tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, 2 tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Liên kết giữa tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5 mét, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,10m x 0,3m, phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa. Những phát hiện đầu tiên về ngôi mộ do một kỹ sư người Pháp tên là Jean Bouchot khám phá vào năm 1927. Sau đó có nhiều đoàn khảo cổ trong và ngoài nước đến nghiên cứu di chỉ khảo cổ học này. Tuy nhiên, cho đến khoảng tháng 3/2006, các chuyên gia của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Ban quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai phối hợp mở đợt điều tra nghiên cứu quy mô, nhiều phát hiện mới đã được đoàn nghiên cứu làm rõ.
Trong quá trình đào thám sát, đã phát hiện dấu vết của những vệt đất cháy kéo dài thành hình vòng cung, phía trên có rất nhiều than tro và xỉ kim loại; các mảnh đồ gốm trên thân có hoa văn làm từ chất liệu đất sét pha cát và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ; phát hiện 2 chiếc tù và bằng đồng và 2 chiếc bàn mài bằng đá có lỗ đeo. Năm 2007, đoàn đã tiếp tục khai quật và giải mã những "bí mật" di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn. Nhiều hiện vật bằng gốm, bằng đá, các dụng cụ bàn mài, các cột đá và những vết đất cháy, than tro.
Đặc biệt trong xưởng chế tác đá đã tìm thấy trước đó, đoàn khảo sát cũng đã tìm thấy những tấm đá, cột đá, nhiều phế vật mảnh tước đá và nhiều công cụ lao động. Qua đó cho thấy người xưa đã vận chuyển những khối đá lớn về Hàng Gòn để gia công tạo ra những tấm đan, cột đá sử dụng cho kiến trúc mộ. Qua so sánh phân tích, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phán đoán cho rằng, chủ nhân của Mộ Cự thạch là một nhân vật quyền uy, là thủ lĩnh của một bộ lạc hay liên minh các bộ lạc hùng mạnh về kinh tế và quân sự; niên đại của di tích được xác định trong khoảng thời gian 150 trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên.
Như một "thạch tự tháp”
Bouchot - Người đầu tiên khám phá ra ngôi mộ - cho rằng sự "huyền bí" của hầm mộ Cự thạch Hàng Gòn là do các nhà xây dựng thời tiền sử quan tâm đến sự bảo mật giống như "bí truyền" thường thấy ở nhiều dân tộc sống ở khu vực Thái Bình Dương. Ông cho rằng người Việt cổ đã biết tập hợp nhau lại tạo thành sức mạnh phi thường mới có thể vận chuyển được những cấu kiện bằng đá lớn như vậy, ngay cả đền Angkor (Campuchia) cũng không thấy những tảng đá nặng như thế. Các nhà khảo cổ cho rằng, để xây dựng công trình trên, người Việt cổ phải huy động sức lao động của cả cộng đồng, tổ chức lao động một cách rất chặt chẽ. Đây là một công trình giống như "thạch tự tháp" của miền văn hóa sông Đồng Nai.
Ghi nhận của ngành Bảo tàng, Khảo cổ học Việt Nam cho thấy: Từ năm 1975 đến nay, có hàng trăm đoàn khảo cổ học từ các nước đến Hàng Gòn để tìm hiểu, nghiên cứu về quần thể di tích cự thạch độc đáo này. Nhiều người cho rằng, đây là một ngôi mộ chôn dưới hình thức hỏa thiêu được xây dựng vào thời kỳ kim khí thuộc giai đoạn đồng phát triển (hậu kỳ thời đại đồ đồng) có khả năng chuyển sang thời kỳ đồ sắt; đồng thời khẳng định công trình này không chỉ có giá trị về kích thước (được xem là ngôi mộ đá lớn nhất Đông Nam Á đã phát hiện vào thời điểm hiện nay) mà còn chứa đựng giá trị lớn về trí sáng tạo của người tiền sử được ví như " nền văn minh sông Đồng Nai".
Bí mật về quần thể di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khảo cổ học trong và ngoài nước. Một cuộc hội thảo cũng vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai để bàn biện pháp phục chế và bảo tồn di tích lịch sử độc đáo này. Hiện Bộ văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng với UBND tỉnh Đồng Nai đang đề nghị các nhà kiến trúc, nhà quản lý, các nhà khoa học cho ý kiến về phương án bảo tồn và tôn tạo di tích mộ cự thạch Hàng Gòn để sớm triển khai trùng tu.
Theo Tiền phong/TTXVN, 3/01/2008
http://www.vista.gov.vn/pls/portal/PORTAL.wwv_media.show?p_id=444675&p_settingssetid=1&p_settingssiteid=33&p_siteid=33&p_type=basetext&p_textid=444676
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét