Lê Hồng Khánh
I. MẤY
ĐIỀU XÁC QUYẾT:
Chữ “Lý hoặc” chúng tôi mượn từ tên một tác phẩm
nổi tiếng của Mâu Bác - tập luận văn “Lý hoặc luận”, nghĩa là dùng lý luận để
làm sáng tỏ những nghi hoặc, ngờ vực. Ông nầy là một học giả Phật giáo người
Trung Hoa nhưng nhập tịch vào Giao Chỉ (Bắc Việt ngày nay), sống và nghiên cứu,
tu tập ở Trung tâm Phật giáo Luy Lâu (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) vào khoảng cuối
thế kỷ II. Mượn chữ nghĩa của người xưa để đặt tên cho bài viết của mình, chúng
tôi đồng thời muốn xác quyết mấy điều sau đây:
1) Sự ủng hộ của người viết
đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu về Trường Luỹ và khẳng định giá trị lịch sử,
văn hoá của hệ thống đồn luỹ được xây dựng công phu nầy là không hề bàn cải.
Chúng tôi đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình trong quá trình tiếp xúc, làm
việc với nhóm EFEO cũng như trong bài viết “Mấy ý kiến về Trường Luỹ và việc
nghiên cứu Trường Luỹ” đã in trên tạp chí Xưa Nay (Hội Khoa học Lịch sử VN), sau
đó in lại trên trên tạp chí Sông Trà. Xin trích lại nguyên văn một đoạn từ bài
viết đó: “Độ lùi của thời gian
hẳn nhiên khiến người nghiên cứu xa dần hiện trạng lịch sử và đó là một bất
lợi, nhưng sự lùi nầy lại có thể mang đến một ưu thế khác khi chúng ta đã có
thêm thời gian để có cách tiếp cận khác, lỏng dần sự chi phối của các điều kiện
chính trị - xã hội, mà vì đó quá trình, và dẫn theo là thành quả nghiên cứu,
những luận giải về lịch sử ít nhiều bị thiên lệch hoặc phải chấp nhận thiên lệch.
Từ những thập niên cuối thế kỷ XX chúng ta đã “nhìn lại”, “đánh giá lại” những
con người như Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Lê Văn Duyệt ...; còn trước đó
là các đền đài, lăng tẩm của kinh thành Huế, cùng nhiều công trình kiến trúc
được xây dựng với mục đích “phục vụ bộ máy cai trị” của nhà nước phong kiến
Việt Nam, đặc biệt là triều Nguyễn. Như vậy, Trường Lũy có thể nhìn lại được
chăng? Khiêm lăng (Lăng Tự Đức) được xây dựng bằng công sức của hàng vạn phu
phen, binh lính, thợ thuyền để làm chỗ cho ông vua Tự Đức rong chơi, nghỉ ngơi
khi còn sống và an táng khi qua đời. Ấy vậy mà công trình kiến trúc mỹ lệ và
đường bệ nầy là một bộ phận không thể thiếu trong tổng thể hệ thống kiến trúc
kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và là niềm
vinh dự cho nhân dân Việt Nam, cho văn hóa Việt Nam . Dĩ nhiên chúng ta cũng biết
rằng, trong quá trình xây dựng lăng nầy, đã từng nổ ra một cuộc khởi loạn của
binh lính, phu phen do 2 ông Đoàn Trưng, Đoàn Trực lãnh đạo, mà sử gọi là “Loạn
chày vôi”. Les politiques passent, les cultures restent –
Chính trị qua đi, nhưng văn hóa thì còn lại, là thế đó!” (1)
2) Những trao đổi chân
thành, nghiêm túc trên tinh thần khoa học là rất cần trong hành trình gian khó
tiếp cận chân lý, vì vậy sự ủng hộ như vừa nói không đồng nghĩa với việc tán đồng
vô điều kiện những giả thuyết mà nhóm EFEO đưa ra trong quá trình nghiên cứu về
Trường Luỹ, nếu những giả thuyết đó còn những vấn đề khiến phải “nghi hoặc”; mặc
khác, chúng tôi cũng không đồng tình với những ai dùng bài viết nầy để phủ nhận
đóng góp khoa học đáng trân trọng của nhóm EFEO, cũng như hạ thấp giá trị của
di tích Trường Luỹ bởi những thiên kiến lệch lạc, nông cạn, phi lịch sử.
3) Người viết cũng
không giấu giếm sự hứng thú khi được “nói lại” với chính những người bạn của
mình trong nhóm EFEO; bởi vì sự khác nhau về các phán đoán ở đây lại dựa trên
cơ sở tương đồng cơ bản, đó là sự tôn trọng những khác biệt trong quá trình
nghiên cứu, sự xa rời thói quen lặp lại một cách “vô tư” những phát ngôn của
người khác về những vấn đề vốn rất cần phải được thường xuyên nhìn lại, quan
sát lại.
4) Trường Luỹ và những
vấn đề liên quan về lịch sử, văn hoá, dân tộc… chắc chắn còn được trao đổi rất
nhiều, và sự trao đổi nầy sẽ là đóng góp cần thiết để làm rõ hơn những giá trị
quý báu của Trường Luỹ vốn đã quá lâu rồi, vì nhiều lý do khác nhau, bị lãng
quên một cách đáng tiếc; đồng thời, sự trao đổi (và cả tranh luận công khai trên
các phương tiện báo chí, truyền thông) mặc nhiên sẽ tạo ra sự chú ý từ dư luận
trong và ngoài nước, và đây chính là một trong những cách hữu hiệu nhất để giới
thiệu, quảng bá về Trường Luỹ.
Trên cơ sở mấy điều như
trên, chúng tôi xin được tiếp tục thảo luận thêm một kỳ nữa, nhằm góp phần “lý
hoặc” những hồ nghi, ngờ vực để những giá trị quý báu của Trường Luỹ có thể hiện
diện sòng phẳng trước thanh thiên bạch nhựt.
II. LUỸ DÀI, DÀI BAO NHIÊU?
Trong bài viết kỳ trước,
chúng tôi đã nêu nghi vấn về các con số liên quan đến chiều dài của Trường Luỹ
mà nhóm EFEO và một số bài báo đã nêu. Tại “Hội nghị bàn công tác bảo vệ di
tích Trường Luỹ Quảng Ngãi” do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 5/1/2010 (sau
thời điểm chúng tôi công bố phần I bài Trường
Luỹ ký), nhóm EFEO đã đề cập đến số liệu chiều dài Trường Luỹ, như sau: “Những nghiên cứu trong nhiều năm qua trên
Trường Luỹ cho thấy luỹ dài 132 km mà phần năm trên đất Quảng Ngãi là 111km.
Trong khu vực Đông Nam Á không có di tích luỹ nào có quy mô lớn như thế.”(2)
Đoạn trích nầy it nhất có 3 điều cần làm rõ:
-
Số liệu
chiều dài luỹ có bao gồm chu vi các “bảo” không?
-
Các đoạn
luỹ đã bị phá có được đo không, và nếu đo thì bằng cách nào khi chúng không còn
dấu vết rõ ràng trên thực địa?
-
Khẳng định
quy mô “lớn” của Trường Luỹ mà chỉ nêu chiều dài của nó, liệu đã thoả đáng
chưa?
Song, vấn đề chúng ta đang bàn ở đây là chiều dài của luỹ. Có thể hiểu,
khi người ta nêu đến số lẻ trong hàng đơn vị (132 và 111), thì cũng thể đoán rằng
đây là con số dựa trên một sự tính toán, đo đạt nào đó mà không thể là phỏng
đoán. Có điều, con số nầy cho thấy phán đoán của chúng tôi ở kỳ trước là đúng.
Xin trích lại nguyên văn: “Nhưng từ lúc nầy
đến khi chiều dài của Trường Luỹ được công bố chính thức, chúng tôi (LHK), qua
việc tìm hiểu các tài liệu lịch sử, phán đoán
và phân tích những dữ kiện có được, cho rằng chiều dài Trường Luỹ chỉ ở
mức xấp xỉ 150km, trong đó, đoạn đi qua đất Quảng Ngãi (do Nghĩa Phòng, thuộc
Nghĩa Định Sơn phòng quản lý) trên dưới 100km, phần còn lại, trên đất Bình Định
(thuộc Định phòng) chừng non 40 cây số ngàn.”(3). Thực ra, trong bài viết
“Trường Luỹ và việc nghiên cứu Trường Luỹ” chúng tôi đã nói đến con số 177 dặm
chiều dài của luỹ. Đây là số liệu mà sử quan triều Nguyễn đã ghi rõ trong Đại
Nam nhất thống chí và Đồng Khánh địa dư chí. Theo Từ điển tiếng Việt
(Hoàng Phê chủ Biên; Nxb KHXH. Hà Nội, 1988), một dặm
có chiều dài tương đương 444,44m; vị chi tổng chiều dài Trường Luỹ là
78.665,88m, xấp xỉ 79 cây số ngàn (4). Còn theo Từ lâm Hán Việt từ điển (Vĩnh Cao - Nguyễn Phố) thì 1 dặm = 1800 xích
(thước Trung Quốc) = 576 mét; tính ra Trường
Luỹ có chiều dài là 101.952m , tương đương 102 km (5). Nếu theo chú giải của
nhóm dịch giả - biên khảo bản dịch Đồng
Khánh địa dư chí (Ngô Đức Thọ, Nguyễn
văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The ; NXB Thế
giới; HN) thì 1 dặm = 720 m, vị chi chiều dài Trường Luỹ là 127.440 m, tương đương 127 cây số (6).
III. CÁC HIỆN VẬT
KHẢO CỔ HỌC NÓI GÌ?
Báo cáo tháng 1/2011 của EFEO cho biết,
trong 2 năm 2009 và 2011 họ đã tiến hành khai quật một số di tích đồn/bảo trên
hệ thống Trường Luỹ (Thiên Xuân, Rùm Đồn và đèo Chim Hút – đều thuộc huyện
Nghĩa Hành) và thám sát tại di tích luỹ ở thôn Phú Thọ (xã Hành Tín Tây, huyện
Nghĩa Hành). “Kết quả cho thấy: Trong các đồn /bảo có khá nhiều hiện vật gốm
không men hay đất nung vỡ ra từ các loại hình như vò, nồi, choé, vại… Đây là
những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày của những binh lính đồn trú. Bên cạnh
đó các nhà khảo cổ học còn phát hiện nhiều mảnh gốm có men, những loại gốm nầy,
qua nghiên cứu chúng là gốm thương mại có xuất xứ từ Quảng Đông, Hồng Kông, Hải
Nam (Trung Quốc), từ Hải Dương, Bát Tràng (Bắc Việt Nam). Loại hình gốm nầy chủ
yếu là bát, đĩa tráng men, có hoa văn trang trí trên thân. Niên đại chủ yếu từ
cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18. Căn cứ vào hiện vật gốm có niên đại cuối thế
kỷ 17 đầu thế kỷ 18 phát hiện tại chân móng của di tích đồn/bảo Đèo Chim Hút,
có thể nhận định đồn/bảo nầy có niên đại sớm hơn niên đại xây luỹ theo Sử Biên
Niên năm 1919. Cho đến nay, nhận định đã có một số đồn bảo được xây dựng trước,
vào khoảng cuối thế kỷ 17 là có cơ sở tin cậy. Những đồ gốm thương mại này cũng
cho thấy sự buôn bán khá tấp nập của 2 vùng cao và đồng bằng trên địa bàn Quảng
Ngãi trong những thế kỷ 17 – 18.
Ngoài những đồ gốm,
các nhà khảo cổ học còn tìm thấy trong hố khai quật di tích Thiên Xuân những
mảnh vòng trang sức bằng đồng và hạt chuỗi thuỷ tinh của đồng bào H’re xưa. Tư
liệu nầy phối hợp với những nghiên cứu về kỹ thuật xếp đá hiện nay của người
H’re cho thấy: Việc cộng đồng H’re cùng người Việt tham gia vào việc xây cất
các đồn/bảo và luỹ là rất đáng tin cậy.
Có thể nói rằng mặc dù
hiện vật khai quật không nhiều về số lượng chỉ vài chục ngàn mảnh gốm các loại
và 2 mảnh vòng, một viên cườm hạt chuỗi nhưng giá trị và thông tin khoa học của
chúng lại rất lớn và bổ ích. Chúng giải toả được nhiều mắc mớ trong nghiên cứu
cũng như trả lời những câu hỏi khó về niên đại và chủ nhân của di tích.” (7)
Không cùng hướng suy luận như trên, chúng tôi xin trình bày cách “đọc”
các hiện vật mà nhóm EFEO khai quật theo cách của riêng mình và chân thành xin
ý kiến của bạn đọc, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là của chính những người bạn
trong nhóm EFEO.
1) Cần phải tách, ít nhất là di tích
đồn/bảo Thiên Xuân (xóm Đá) ra khỏi 2 di tích đã khai quật còn lại, vì ở đây,
sau khi vai trò đồn trú và phòng thủ không còn nữa, bảo/đồn Thiên Xuân trở
thành một làng/xóm/khu dân cư của người Việt, cho đến năm 1946, khi người dân
phải di chuyển đến một nơi cư trú khác, thấp hơn, có địa danh là xóm Vườn. (8) Như
vậy, với Thiên Xuân, nhận định:“Kết quả cho thấy: Trong các đồn /bảo có khá
nhiều hiện vật gốm không men hay đất nung vỡ ra từ các loại hình như vò, nồi,
choé, vại… Đây là những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày của những binh lính
đồn trú” là chưa đủ, vì những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày tìm thấy
còn gồm cả của người dân, thậm chí, rất có thể, còn nhiều hơn của binh lính.
2) Trong báo cáo của EFEO có đoạn: “Căn
cứ vào hiện vật gốm có niên đại cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 phát hiện tại chân
móng của di tích đồn/bảo Đèo Chim Hút, có thể nhận định đồn/bảo nầy có niên đại
sớm hơn niên đại xây luỹ theo Sử Biên Niên năm 1819. Cho đến nay, nhận định đã
có một số đồn bảo được xây dựng trước, vào khoảng cuối thế kỷ 17 là có cơ sở
tin cậy.” (9) .Chúng tôi cho rằng, cách viết nầy dễ gây ngộ nhận, vì
rằng chuyện một số đồn/bảo (trong hệ thống Trường Luỹ) xây dựng trước thời điểm
1819 là chuyện sờ sờ trong biên niên sử nhà Nguyễn, chưa cần đến việc khai
quật, hiện vật, nghiên cứu gì thêm. Đây không phải là “nhận định” của ai, vì sử
đã viết rõ rồi. Xin nói thêm, sử nhà Nguyễn còn thông tin: nhiều đồn/bảo “đoạn
Trường Luỹ” được xây dựng từ thời Bùi Tá Hán trấn nhậm vùng đất nay là Quảng
Ngãi, nghĩa là từ thế kỷ XVI.
3) Tìm thấy “2 mảnh vòng, một viên
cườm hạt chuỗi” (của người H’re, nhưng tài liệu không nói rõ tìm thấy ở di
tích nào trong số 3 di tích đã khai quật), liệu có “phối hợp với
những nghiên cứu về kỹ thuật xếp đá hiện nay của người H’re cho thấy: Việc cộng
đồng H’re cùng người Việt tham gia vào việc xây cất các đồn/bảo và luỹ là rất
đáng tin cậy.”? Chúng tôi cho rằng đây là một nhận định chưa đủ sức thuyết
phục. Hai mảnh vòng và một viên cườm hạt chuỗi kia có thể là “chiến lợi phẩm”
của binh lính Việt, cũng có thể là của một vài “tù binh” H’re nào đó, thậm chí
có thể của Người Việt, mà không hẳn là của những người H’re “cùng người Việt
tham gia vào việc xây cất các đồn/bảo và luỹ”. Nói rằng “thậm chí của người
Việt” vì cho đến gần đây, ở một số vùng nông thôn người Việt, người ta có tục
mua hoặc đổi lấy các vòng đồng, vòng bạc của đồng bào H’re về đeo cho con trẻ
để “trừ tà”. Còn về kỹ thuật xếp đá của người H’re và người Việt chúng tôi đã
trình bày ở kỳ trước, lần nầy chỉ xin nói thêm: Có quá nhiều công trình có “xếp
đá” của người Việt đã được tạo lập trước thời điểm xây dựng Trường Luỹ, nhưng
ít nhất, cho đến nay, chúng ta không hề tìm thấy một công trình nào của người
H’re xây dựng vào thời gian tương ứng.
4) Viết: “Có thể nói rằng mặc dù
hiện vật khai quật không nhiều về số lượng chỉ vài chục ngàn mảnh gốm các loại
và 2 mảnh vòng, một viên cườm hạt chuỗi nhưng giá trị và thông tin khoa học của
chúng lại rất lớn và bổ ích. Chúng giải toả được nhiều mắc mớ trong nghiên cứu
cũng như trả lời những câu hỏi khó về niên đại và chủ nhân của di tích.”, theo
chúng tôi là có phần tư biện và làm rối rắm những điều vốn không hề rối rắm.
Niên đại xây dựng Trường Luỹ, chỉ cần đọc sử Việt Nam là người ta đã rõ, hơn cả những
gì mà nhóm EFEO đi tìm mấy năm qua, vậy khó chỗ nào vậy? Chủ nhân của Trường
Luỹ ư? Người Việt chứ còn ai vào. Luỹ dài nầy được đắp trong cuộc qua phân Việt
- H’re, không chỉ được chép rành rành trong chính sử, mà còn hiện diện trong
thơ, văn của các tác gia đương thời. Khi chưa có nghiên cứu của nhóm EFEO người
ta cũng đã biết như vậy rồi. “2 mảnh vòng và một viên hạt cườm hạt chuỗi”
ấy giá trị có thể rất lớn, thậm chí vô cùng lớn, trong trường hợp khác, vì
chuyện khác, chứ quyết không phải trong câu chuyện về lịch sử và chủ nhân
Trường luỹ mà chúng ta đang bàn!
IV. CON ĐƯỜNG CỔ, CON
ĐƯỜNG NÀO?
“Bên cạnh đó, Trường Luỹ còn thúc đẩy giao dịch bắc – nam. Chứng
cứ khảo cổ, lịch sử và dân tộc học gợi ra khả năng Luỹ được xây dựng dọc theo
một con đường cổ (ban đầu là “quan lộ” nối kinh đô và các tỉnh miền Nam ): đường cái
quan thượng. Ngày nay, cư dân huyện Đức Phổ còn gọi “Trương Luỹ” là “đường cái
quan thượng”. Trên thực tế, vết tích con đường cổ hiện vẫn còn ở xã Phổ Châu,
huyện Đức Phổ, Ba Động, Ba Thành, Ba Khâm, huyện Ba Tơ. Nghĩa Thắng, huyện Tư
Nghĩa, xã Hành Dũng huyện Nghĩa Hành. Và gần như chỗ nào có luỹ chúng tôi đều
nhận thấy hiện diện một con đường cổ ngay gần luỹ. Qua một chứng cứ khảo cổ
khác, ta lại thấy Trường Luỹ đóng vai trò tuyến đường lớn (chỗ con suối cắt qua
thì lát bằng đá. Từ đó, giả thuyết hiện nay cho rằng việc xây dựng Trường Luỹ
là nhằm bảo vệ một con đường trước đó. Con đường nầy chính là con đường huyết
mạch Bắc – Nam ,
nó đảm bảo cho việc đi lại, giao thương trên toàn lãnh thổ, nếu bị chia cắt, an
ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua tài liệu điền dã trong những
năm qua, chúng tôi có thể khẳng định một điều: Trong kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ, con đường nầy tiếp tục là đường hành quân, vận chuyển lương thực của
bộ đội, nó trở thành một phần của con đường Hồ Chí Minh…” (10)
Thực ra, sự hiện diện không phải chỉ
một mà nhiều con đường cổ ở miền tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định
cũng như nhiều tỉnh duyên hải miền Trung khác là điều không lạ. Sử biên niên
nhà cho thấy có không ít cuộc chuyển quân của Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong giai
đoạn từ 1786 đến cuối cuộc giao tranh của 2 thế lực nầy. Cũng từ các tác phẩm
địa chí thời nhà Nguyễn và trước tác của các võ quan đương thời, chúng ta được
biết, có chằng chịt những sơn đạo quy mô khác nhau ở miền tây Quảng Ngãi phục
vụ cho công cuộc phòng thủ, thu mua sản vật, đi lại giữa các vùng. Quảng
Ngãi tỉnh chí (11) giành nhiều trang viết sinh động về các cuộc thao diễn
quân sự mỗi năm một lần, vào tháng ba, ở cơ nhất, gồm cả lễ tế cờ, khao quân,
dựng lều chợ để người khách trú, người Tam Kỳ (Quảng Nam), Tam Quan (Bình Định)
đến mua bán, trao đổi hàng hoá. Tiếp sau kỳ thao diễn là thời gian “đi vãng”
của quan Tiểu phủ sứ cùng binh lính, tuỳ tùng kéo dài hàng tháng qua các vùng
Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà với cảnh tượng “quân lính kéo đi đầy non, đầy núi”. Dĩ
nhiên, không có đường sá thì không thể nào có những hoạt động như vậy.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, sau khi
Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thiết lập vương quyền trên phạm vi cả nước,
vai trò của những con đường theo tuyến Bắc - Nam ở phía tây Quảng Ngãi đã trở
nên khác trước. Tập sách đồ sộ “Hoàng Việt nhất thống địa dư chí” do Thượng thư
Bộ Binh Lê Quang Định khởi soạn chỉ 1 năm sau ngày vua Gia Long lên ngôi và kéo
dài suốt 3 năm sau đó, mà nội dung chủ yếu được nêu rõ trong Biểu dâng sách là:
“Bờ cõi đất đai rộng từ Gia Định mãi đến Lạng Sơn, đường sá gần xa rành mạch
từ kinh đô đến nơi biên quận. Chép rõ các hành cung, dịch trạm, gác đền đình
tạ, chợ búa bến sông, cầu cống chùa quán, danh thắng xưa nay, vùng dân đông hay
ít, hiểm trở của núi khe, nguồn gốc của sông biển, của cải sản vật, phong tục
từng nơi, tất cả đều được tóm tắt đầy đủ, không điều gì bừa bộn.” (12) không
hề có một dòng nào về cái gọi là con đường “nối kinh đô và các tỉnh miền Nam ”.
Giả thuyết cho rằng “việc xây dựng Trường
Luỹ là nhằm bảo vệ một con đường trước đó” là không có hoặc chưa tìm thấy
cơ sở khả tín; vì rằng, những người chủ trương xây dựng Đoạn Trường Luỹ và sau
đó là Trường Luỹ (nhà Lê Trung hưng, chúa Nguyễn và triều đình Nguyễn) không hề
giấu mục đích xây dựng công trình nầy là nhằm ngăn chặn sự thâm nhập của người
H’re từ miền Tây; giữ vững ổn định vùng đất Nam Nghĩa Bình Phú, tạo hành lang
vững chắc cho công cuộc Nam tiến (buổi đầu) và tiếp đó là công cuộc kiến thiết
một nước Việt nam thống nhất sau một thời gian dài binh hoả triền miên. Thực tế
những biến động liên tục gần như cả thế kỷ XIX được ghi lại trong lịch sử,
trong sáng tác văn học của các tác gia đương thời (Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn
Thông…) và cả trong văn học bình dân cho thấy mục đích nầy là không thể bàn
cải. Vài câu trích sau đây trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh cũng đã
hé mở cho chúng ta điều đó:
“Tây phương không
đường tới; Bắc lộ khó nẻo qua;
Đường Nam phương
thấy đó chẳng xa, thì những sợ nhiều quân Đá Vách.”
(Nguyễn
Cư Trinh – Truyện Sãi Vãi)
Vậy thì, liệu bên cạnh mục đích công
khai, chủ yếu như trên, việc xây dựng Trường Luỹ còn có còn “mục đích ẩn” nào
nữa hay không. Phải nói rằng, cho đến khi có việc khảo sát và nghiên cứu của
EFEO, chưa có ai và cũng không thấy có bất cứ tài liệu nào nói về vai trò “bảo
vệ một con đường trước đó” của Trường Luỹ. Đường sá được xây dựng, mở ra là
nhằm phục vụ việc đi lại, giao thông, vận chuyển. Những tác động của đường sá
vào phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh cũng từ chức năng giao thông, vận
chuyển mà ra. Xây dựng một công trình đồ sộ, tốn nhiều công của, thời gian như
Trường Luỹ mà nhằm để bảo vệ một con đường thì chắc chắn con đường đó phải vô
cùng quan trọng. Vậy thì, có nghịch lý hay không, khi Trường Luỹ vẫn còn đó,
gần như nguyên vẹn, theo cách diễn đạt của EFEO, mà con đường thì chỉ thấy
những vết tích mà thôi?
Cũng cần lưu ý rằng, vào thời điểm
Trường Luỹ được hình thành, Sơn phòng được thành lập, ở phía đồng bằng, đường
thiên lý Bắc Nam đã trở thành con đường bộ huyết mạch, quan trọng bậc nhất của
cả nước, với hệ thống trạm quán vận hành khá quy củ. Con đường nầy cũng không
hề đối mặt với sự đe doạ nào đáng kể từ phía biển, mãi cho đến nửa sau thế kỷ
XIX, khi thực dân Pháp tìm cách xâm lược đất nước ta.
Chúng tôi cho rằng, mục đích việc xây
dựng Trường Luỹ gắn với quan hệ Đông Tây, hơn là quan hệ Bắc Nam như giả
thuyết của EFEO. Cũng cần nhớ rằng, Trường Luỹ không phải là ranh giới cuối
cùng về phía Tây nằm dưới quyền quản lý thực tế của nhà nước phong kiến Đại Nam . Vượt ra
ngoài Trường Luỹ, nhà Nguyễn đã thiết lập được bộ máy quản lý ở những mức độ
khác nhau đối với nhiều plây, nóc của các sắc tộc thiểu số, mà rõ nhất là việc
xuất hiện các chức vụ “Chánh tổng dịch man”, “Phó tổng dịch man” trong bộ máy
quan lại. Theo thời gian, số lượng các làng, tổng ngày càng nhiều hơn, việc
trưng dụng nhân lực, thuế khoá cũng ổn định dần, đảm bảo cho sức mạnh của một
nhà nước Trung ương tập quyền có lãnh thổ rộng lớn mà ngày nay đại gia đình các
dân tộc Việt Nam đang thừa hưởng.
V. TRƯỜNG LUỸ VÀ CÂU
CHUYỆN CỦA HÔM NAY:
“Câu chuyện của hôm nay” chính là giá
trị của Trường Luỹ, nhìn từ hậu thế. Về điều nầy, các báo cáo của EFEO đã nêu
tương đối đầy đủ, cho dù còn có những điểm cần phải bổ sung chứng cứ và lý giải
thuyết phục hơn. Cũng là dễ hiểu, vì đối với nhóm EFEO việc nghiên cứu Trường
Luỹ đang trong giai đoạn đầu, lại phải chạy đua trước áp lực thời gian, và quan
trọng hơn, họ phải xử lý cùng lúc nhiều nan đề khá phức tạp. Từ các nguồn thông
tin và nhận định của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là từ các báo
cáo của nhóm EFEO, chúng tôi thử nêu một số giá trị nổi bật của di tích Trường
Luỹ như sau:
1) Về quy mô di tích:
Có thể nhận thấy Trường Luỹ là một di tích có
quy mô đáng kể, xét trong không gian lịch sử mà nó được hình thành. Chạy từ
biên giới tỉnh Quảng Nam đến phía bắc tỉnh Bình Định, Trường Luỹ quả có một
chiều dài đáng kinh ngạc so với các thành luỹ được xây dựng trong lịch sử Việt
Nam, kể cả những thành luỹ có ý nghĩa quan trọng về chiến lược như hệ thống
Thành Luỹ Tây Đô (do Hồ Quý Ly chỉ huy xây dựng vào thế kỷ XIV), Luỹ Thầy (do
Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỷ XVII)... Đây cũng là công trình quân sự
- phòng thủ có thời gian xây dựng dài nhất Việt Nam, khởi đầu từ thời Bùi Tá
Hán trấn nhậm Quảng Ngãi (thế kỷ XVI) cho đến cuối thế kỷ XIX, khi tổ chức Sơn
phòng bị triệt bỏ. Nhìn tổng thể, Trường Luỹ là một hệ thống, bao gồm: luỹ (giữ
vai trò Trung tâm), các đồn/bảo, sơn đạo, các tụ điểm giao dịch/chợ phiên, các
làng người Việt (Kinh), các plây/ tổng của người H’re nằm dọc hai bên luỹ. Quy
mô đáng kể của Trường Luỹ còn thể hiện ở độ cao lớn của luỹ (cao nhất đến 4m,
đáy chân luỹ rộng nhất đến 6m); sự đa dạng về hình dáng (hình móng ngựa; móng
ngựa chồng lên nhau; khối hình thang); tính thích ứng trong sử dụng vật liệu
xây dựng và kết cấu công trình, tuỳ thuộc vào địa hình, nguyên vật liệu tại
chỗ, yêu cầu phòng thủ…với các kiểu thức: đắp và nện bằng đất (chủ yếu); xếp đá
ốp đá bên ngoài cốt đất; xếp toàn bằng đá. Tiện đây chúng tôi xin được lưu ý,
“Luỹ” 壘
trong “Trường Luỹ”, chữ Hán nghĩa là thành đắp bằng đất (bộ
thổ, phồn thể 18 nét, giản thể 9 nét). Khảo sát điền dã cho thấy Tĩnh Man
Trường Luỹ chủ yếu được đắp bằng đất, những đoạn ốp đá không nhiều, xếp toàn
bằng đá lại càng hãn hữu.
Chúng tôi chỉ sử dụng cụm từ “quy mô
đáng kể” mà không phải là “quy mô lớn nhất” như nhiều ý kiến phổ biến hiện nay,
bởi vì, một sự xác quyết về quy mô phải đầy đủ các dữ kiện cần thiết để so
sánh; hơn nữa, chỉ chủ yếu dựa vào chiều dài mà cho rằng “Trường Luỹ có quy mô
lớn nhất Đông Nam Á” là chưa đủ sức thuyết phục. Song, với những gì đang có,
Trường Luỹ xứng đáng nhận được sự quan tâm đúng mực của những con người biết
quý trọng di sản của tiền nhân, biết lắng nghe câu chuyện thì thầm “sóng lớp
phế hưng” trong từng đoạn luỹ lầm lủi gió mưa, từng viên đá trơ gan tuế nguyệt…
2) Về giá trị nghiên cứu:
Ý nghĩa lịch sử của Trường Luỹ là điều
rất dễ nhận thấy. Suốt khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX,
vùng đất Quảng Ngãi là địa bàn tranh chấp triền miên giữa các thế lực mâu thuẩn
nhau về quyền lợi, điều kiện sinh tồn (phong kiến Việt - Chăm, Lê - Mạc, chúa
Nguyễn - Tây Sơn, Nguyễn Ánh - Tây Sơn, nhà Nguyễn – các cuộc nổi dậy ở miền
Tây). Gắn với các cuộc chiến tranh, các tranh chấp là tên tuổi của nhiều nhân
vật lịch sử nổi tiếng (Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, Bùi Tá Hán, Nguyễn Cư Trinh,
Lê Văn Duyệt, Đỗ Đăng Đệ, Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân…) với những hành trạng và vai
trò khác nhau trong tiến trình lịch sử dân tộc; đồng thời ít hoặc nhiều có liên
quan đến việc hình thành Trường Luỹ. Họ có thể là một bậc minh quân, một khai
quốc công thần hay một nhân vật lịch sử còn nhiều tranh cải, thậm chí là kẻ bị
lên án phản đồ, nhưng khi nghiên cứu về quá trình kinh dinh vùng đất Quảng Ngãi
hậu thế không thể không nhắc đến họ.
Trong lần điền dã gần đây (tháng
2/2011), chúng tôi đã phát hiện một số di tích tương truyền là mộ và đền thờ
Bùi Tá Hán nằm ở khu vực lân cận Trường Luỹ. Đây chắc hẳn là những thông tin
cần thiết cho việc nghiên cứu về Trường Luỹ thời kỳ trước nhà Nguyễn.
Về quan hệ giao thương, kinh tế, hẳn
chúng ta còn nhớ câu ca dao Nam Trung bộ nổi tiếng: “Ai về nhắn với nậu
nguồn/ Mít non gởi xuống,cá chuồn gởi lên”. Vì sao một luỹ dài được xây
dựng chạy dọc miền Tây Quảng Ngãi, chia cắt vùng cư trú của người Việt (Kinh)
và các dân tộc thiểu số, nhưng quan hệ buôn bán, trao đổi giữa hai vùng vẫn
diễn ra thường xuyên, sôi động; thậm chí có thể nói rằng mối quan hệ nầy đóng
vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của Đàng Trong và sau đó là vương
quốc Đại Nam của nhà Nguyễn? Vì sao những người khai thác tre và dây rừng cung
cấp nguyên vật liệu làm guồng xe nước (ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ)
hằng năm vẫn đi sâu vào các khu rừng phía tây Trường Luỹ mà không gặp một trở
ngại nào từ phía các tộc người bản địa? Các chợ phiên hình thành như thế nào và
vai trò của nó ra sao trong quan hệ buôn bán Đông Tây?
Quá trình trao đổi, quan hệ về kinh tế
hẳn nhiên dẫn đến sự giao thoa về văn hoá: Cách cày bừa bằng 2 trâu (hoặc bò)
của người Việt vùng Nam Trung bộ phải chăng đã học được từ người H’re? Tại sao
cây nêu của người H’re lại không giống với cây nêu của các tộc người thiểu số
lân cận (Cor, Ka dong) và cả vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, trong khi lại có
nhiều nét tương đồng với cây nêu của người Việt? Có hay không mối quan hệ giữa
người H’re và người Chăm cổ? Phải chăng tập quán định cư, lập làng quanh các
chân đồi thấp, gần các thung lũng có thể trồng lúa nước mà không còn du canh,
du cư như hầu hết các tộc người thiểu số miền Tây, sự hình thành tầng lớp “cà
rá” giàu có, nhiều quyền lực và uy tín, đã cho thấy xã hội người H’re (trước tháng
8/ 1945) đang trong quá trình tan rã của các công xã thị tộc và bước vào ngưỡng
của của xã hội phân chia giai tầng?
Hàng loạt câu hỏi và theo đó là hàng
loạt vấn đề đặt ra từ việc tìm hiểu và nghiên cứu Trường Luỹ mà những gì mà
nhóm EFEO nêu lên mới chỉ là những gợi ý ban đầu.
Trường Luỹ ẩn trong nó mang mang chuyện
kể, về con người, về núi sông mưa gió, lẫn lộn vui buồn, chập chùng ký ức. Giờ
đây, chúng ta lại hy vọng, bằng suy nghĩ và hành động đúng đắn của mình, hậu
thế sẽ dựng lên từ Trường Luỹ một huyền thoại mới, rằng những qua phân một thời
là câu chuyện mãi mãi lùi vào dĩ vãng...
Bến Đá, tiết Lập Xuân, năm
Tân Mão – 2011.
LHK
-------------------------------------
(1) Lê Hồng Khánh; Trường Luỹ và việc
nghiên cứu Trường Luỹ; tạp chí Sông Trà – tháng 6/2010; trang 117- 118
(2) Nguyễn Tiến Đông và Andrew Hardy; Khảo cổ học
Trường Luỹ, 5 năm nghiên cứu; tài liệu tại Hội nghị bàn công tác bảo vệ di tích
Trường Luỹ Quảng Ngãi – tháng 1/2011; trang 3.
(3)
Lê Hồng Khánh; Trường Luỹ ký; tạp chí Cẩm Thành số 63- 2010; trang 22. Trong
bài viết kỳ I chúng tôi đã xếp Quảng Ngãi
tỉnh chí vào nhóm tác phẩm chữ Hán, đúng ra tác phảm nầy viết bằng Quốc ngữ,
nay xin đính chính và thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc.
(4) Hoàng Phê (Chủ Biên); Từ điển tiếng Việt; Nxb KHXH; Hà Nội - 1988, trang
264.
(5) Vĩnh Cao - Nguyễn Phố;
Từ lâm Hán Việt từ điển, Nxb Thuận Hóa, Huế. 2001 (tr.1368)
(6) Quốc
sử quán triều Nguyễn; Đồng Khánh địa dư
chí; Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The dịch và chú
giải; NXB Thế giới HN 2003 tập 1, trang 21.
(7),
(9), (10) Nguyễn Tiến Đông và Andrew Hardy; nt ; trang 20 - 21.
(8)
Lê Hồng Khánh; Đi tìm xóm Đá; tạp chí Cẩm Thành số 48- 2006; trang 50.
(11)
Nguyễn Bá Trác (Chủ trương); Quảng Ngãi tỉnh chí; Nam Phong tạp chí – 1933.
(12)
Lê Quang Định; Hoàng Việt nhất thống địa dư chí; Phan Đăng dịch, chú giải và
giới thiệu; Nhà XB Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây; 2002;
trang 10
cảm ơn bài viết của ad ạ
Trả lờiXóagiun quế
phan trun que
dịch trùn quế
sinh khối giun quế