A. Cụm di tích Sa Huỳnh-Chăm cổ trên đảo Lý Sơn
1. Suối Chình, An Hải, đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Phân bố dọc theo hai bên bờ suối (Chình), đông nam đảo. Di chỉ rộng khoảng 10.000m2, trên cồn cát rộng.
Khai quật I năm 2000 (Phạm Thị Ninh, Trịnh Hoàng Hiệp 2000). Phát hiện tầng cư trú cổ và mộ nồi, di tích bếp... di vật có đồ sắt, đồng, gốm , đá, thuỷ tinh, nhuyễn thể. Niên đại trên dưới 2000 năm cách nay. Cư trú xen lẫn mộ táng. Tầng văn hoá có hai lớp. Lớp sớm Sa Huỳnh điển hình, lớp muộn Sa Huỳnh-Chăm. Mộ táng có niên đại Sa Huỳnh điển hình tương đương lớp cư trú sớm (Phạm Thị Ninh, Trịnh Hoàng Hiệp 2000:40).
Khai quật đợt II năm 2005 phát hiện hai lớp văn hoá phát triển liên tục, lớp sớm Sa Huỳnh điển hình và lớp muộn Sa Huỳnh-Chăm. Phát hiện các cụm gốm, mộ đất và mộ nồi.
Do đây là địa điểm được báo cáo có địa tầng chứa hai lớp văn hoá phát triển liên tục từ Sa Huỳnh sang Chăm nên chúng tôi đặc biệt quan tâm khi xem xét tất cả mọi chi tiết liên quan đến di tích và di vật xuất lộ ở đây. Sau khi phân tích những tư liệu khai quật bằng cách so sánh với tư liệu ở những địa điểm Sa Huỳnh và Chăm cổ khác chúng tôi đưa ra một số nhận xét và kết luận sau.
- Vấn đề mộ táng
Mộ khai quật năm 2000
Đáng lưu ý là tất cả 06 cụm mộ nồi ở Suối Chình năm 2000 đều là mộ chôn trẻ em (cải táng), mộ nồi chôn thẳng đứng và úp nhau. Đồ tuỳ táng bằng gốm, trang sức đá và thuỷ tinh (có khuyên tai 3 mấu, nhưng không có khuyên tai hai đầu thú), hiện vật sắt, trang sức bằng vỏ nhuyễn thể và bằng xương cá (hạt chuỗi đốt sống cá này (Phạm Thị Ninh, Trịnh Hoàng Hiệp 2000: hình 35.1-4) rất giống hạt ở Gò Duối và Đình Hoà Diêm (Khánh Hoà). Giữa mộ 4 và 5 có 02 cụm than tro nằm gần sát, có thể là vết tích sưởi ấm. Mộ 2 chôn vào khu vực bếp, mộ 6 chôn trong hố rác bếp..
Tất cả các mộ này đều chôn trong tầng văn hoá II, bên trên không có hiện tượng đào từ lớp văn hoá I xuống. Nhưng trong mộ không có hiện vật công cụ bằng đá và vỏ nhuyễn thể như trong các lớp của tầng văn hoá II. Đồ tuỳ táng chỉ có sắt, thuỷ tinh và gốm. Đồ tuỳ táng trong các mộ nồi này phân bố không đồng đều, mộ 3 không có đồ tuỳ táng, mộ 1 chỉ có 01 nồi gốm nhỏ, mộ 5 và 6 đồ tuỳ táng vừa phải và giàu nhất là mộ 4 có đồ sắt, trang sức bằng nhuyễn thể, đá và thuỷ tinh (Đoàn Ngọc Khôi 2003: bảng 4.1. 117).
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chỉ có mộ trẻ con và tại sao chỉ có ở H.I, có phải do H.I nằm trên đỉnh cồn còn H.II dưới chân cồn nên có sự khác biệt? (hay mộ trẻ con thì mới chôn vào nơi cư trú)? Mộ người lớn ở đâu và niên đại của cư trú và mộ táng ra sao?
Theo những người khai quật mộ táng thuộc giai đoạn sớm của Suối Chình (tức thuộc giai đoạn Sa Huỳnh). Miệng mộ xuất lộ từ lóp II.1 (khoảng -60cm), có mộ ăn vào sinh thổ. So sánh loại hình gốm và một số hiện vật chôn theo, chúng tôi cho rằng những mộ này có niên đại giai đoạn kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh và thuộc vào dạng Nam Sa Huỳnh, truyền thống II.
Mộ khai quật năm 2005
Mộ đất: Trong các cụm được xác định là mộ như cụm 1 – mộ đất số 1; cụm 5-mộ táng số 3 đều có chung hiện tượng hiện vật phân bố lộn xộn, mảnh gốm, vài hiện vật đá, vỏ nhuyễn thể, ít mảnh xương, rìu đá, mảnh bình hình trứng, gốm Chăm cứng mịn, gốm Hán. Cấu trúc không khác gì so với những cụm gốm còn lại (do vậy chúng tôi băn khoăn không rõ tại sao chúng được những người khai quật xác định là mộ đất). Theo phân tích tư liệu, chúng tôi cho rằng tất cả những cụm 1-11 của hố 1 là hiện tượng vết tích sinh hoạt của người xưa nhưng đã bị phá vỡ làm xáo trộn. Hiện tượng xáo trộn và phá huỷ tầng văn hoá rất nghiêm trọng, trong cụm hiện vật Sa Huỳnh, hiện vật Chăm sớm và thậm chí cả Chăm từ sau thế kỷ 3 nằm chồng chéo lên nhau. Có một khả năng khác đó là: Đây vốn là những ngôi mộ nhưng đã bị phá gần như hoàn toàn. Mộ đất ở đây có nhiều nét giống mộ đất ở Hoà Diêm.
Mộ 1- nằm ở ô a3-4 (cụm gốm 1) có nồi gốm nhỏ (nồi này giống nồi ở khu mộ Hoà Diêm), hiện trạng khi khai quật bị vỡ và bị đất lấp đầy, chúng tôi lưu ý hiện tượng trong báo cáo nồi này ở phía trên có cắm một vài mảnh gốm văn in ô vuông màu vàng xám (Phạm Thị Ninh và nnk 2005: 16). Hiện tượng này cho thấy mộ này đã bị phá vỡ hiện trạng ban đầu và bị đất ở tầng trên lấp vào. Như vậy, niên đại của mộ khó có thể xác định chính xác như người khai quật kết luận “mộ thuộc giai đoạn muộn”, tức lớp văn hoá 1 tức giai đoạn Sa Huỳnh-Chăm. Gốm văn in ô vuông Chăm mô phỏng phong cách Hán găm trong nồi nhỏ kiểu Hoà Diêm là do xáo trộn.
Theo chúng tôi, mộ này có lẽ có niên đại sau công nguyên (khoảng thế kỷ 1 trở đi).
Mộ 3- nằm ở vị trí ô c-d3-4 (cụm gốm 5). Không thấy rõ cấu trúc mộ táng. Báo cáo khai quật mô tả trong mộ có cụm gốm Hán văn in ô vuông bên cạnh gốm Trà Kiệu (không rõ có phải mảnh bình hình trứng không?), được đặt trên 1 vỏ ốc tai tượng khá lớn. Hiện vật khác có cuốc đá, chày nghiền, xương động vật và vỏ ốc. Chúng tôi cho rằng đây không phải là dấu tích mộ táng, đây là vết tích sinh hoạt của cư dân trong nơi cư trú và cũng đã bị phá huỷ, trong báo cáo còn thấy mô tả hiện tượng trũng của một hố đào (Phạm Thị Ninh và nnk 2005: 13).
Mộ nồi úp nhau: Có 03 cụm mộ nồi
Mộ 2- nằm ở ô d1-2 (cụm gốm 7). Hai đầu mộ có đá kè ở giữa có 01 nồi gốm có nắp đậy, nắp dậy có núm, trong nồi có di cốt trẻ em. Đáng chú ý là nồi táng phong cách Hán trang trí văn in ô vuông màu nhạt ngả xám, độ nung thấp. Theo so sánh, loại gốm này có niên đại xuấtt lộ trong các di tích phải từ cuối thế kỷ 3 trở đi, tức thuộc giai đoạn Chăm cổ. Tục chôn trẻ em trong vò hay nồi phổ biến ở các thời kỳ lịch sử khác nhau. Niên đại của mộ được người khai quật xác định thuộc giai đoạn muộn Sa Huỳnh-Chăm.
Chúng tôi cho rằng nồi dạng này cùng với nắp đậy (Phạm Thị Ninh và nnk 2005:17, ảnh 2) đã hoàn toàn thuộc giai đoạn Chăm cổ, thậm chí không phải giai đoạn sớm mà giai đoạn muộn, tương đương với cuối tầng văn hoá 1 đầu tầng văn hoá 2 của Trà Kiệu, tức khoảng cuối thế kỷ 3, đầu thế kỷ 4 SCN .
Mộ 4 -nằm gần sát vách Tây, ô a1-2: Hai nồi úp nhau, giống mộ nồi số 2 khai quật Suối Chình năm 2000. Có một số xương răng động vật, đồ cúng tế người chết? Niên đại giai đoạn sớm – thời kỳ Sa Huỳnh theo người khai quật.
Mộ 5- ô c4. Hai nồi úp nhau, có xương trẻ em bên trong nồi dưới. Niên đại giai đoạn sớm – thời kỳ Sa Huỳnh theo người khai quật.
Theo chúng tôi phần lớn cả mộ đất lẫn mộ nồi có niên đại giai đoạn sớm, tức giai đoạn kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh. Một số ngôi mộ đất không thể xác định rõ ràng về tính chất. Trong số mộ nồi úp nhau cải táng trẻ em có mộ số 2 khai quật năm 2005 đã thuộc giai đoạn Chăm cổ, khoảng từ thế kỷ 3; mộ số 1, mộ đất khai quật năm 2005 có thể có niên đại từ sau Công nguyên. Mộ táng ở đây có một số nét tương đồng với mộ táng Hoà Diêm.
Như vậy, chúng ta cũng không có nhiều tư liệu về sự tiếp nối trong táng thức và táng tục của giai đoạn trước và sau Công nguyên. Mộ táng Suối Chình không phải là mộ Sa Huỳnh điển hình do chỉ là mộ chôn trẻ em. Mộ đất không rõ ràng.
- Vấn đề lớp cư trú
Theo những người khai quật, cư trú có hai giai đoạn phát triển liên tục từ sớm đến muộn, lớp dưới văn hoá Sa Huỳnh điển hình và lớp trên Sa Huỳnh - Chăm cổ.
So sánh Suối Chình với một số địa điểm như Gò Cấm, Trà Kiệu, Hậu Xá I - di chỉ (Quảng Nam), Cổ Luỹ - Phú Thọ (Quảng Ngãi), Suối Mây (Phú Yên) và qua phân tích tình trạng của di tích, loại hình di vật chúng tôi cho rằng ở Suối Chình có thể có hai giai đoạn văn hoá. Đó là
- i. Giai đoạn sớm (song không sớm quá như nhận định của những người khai quật là thuộc văn hoá Sa Huỳnh cổ điển) khoảng thế kỷ 1 TCN mang đặc trưng Sa Huỳnh địa bàn phía Nam - Truyền thống II và có một số nét tương đồng với cư trú và mộ táng Hoà Diêm và
- ii. Muộn (từ thế kỷ 1 SCN đến thế kỷ 3,4 CN). Đồ gốm giai đoạn muộn của Suối Chình cư trú có bình hình trứng, gốm Hán điển hình và gốm phong cách Hán, vòi của bình ấm dạng kendi, gạch...
i. Vấn đề thứ nhất - Trật tự các lớp và hiện vật. Công cụ đá và đồ đồng, sắt (cả mảnh đồng có hoa văn) đều phân bố ở các lớp từ sớm đến muộn. Ví dụ mảnh đồng có hoa văn (Phạm Thị Ninh và nnk 2005: hình 40.2) tìm thấy tận ở lớp II3. Lục lạc đồng có ở trong mộ và có 01 ở LII2 hố 2. Gạch có lỗ vuông, tròn ở LII.5 trong một cụm số 5 (như vậy niên đại của cụm này ra sao?), 02 bình hình trứng có niên đại phải từ thế kỷ 1 SCN đều được tìm thấy ở HI. LII 3 và 5; 01 mảnh miệng bình hình trứng thấy ở HII, bếp ở ô a1-2, độ sâu 1,3-1,9m so với lớp mặt ( Phạm Thị Ninh, Trịnh Hoàng Hiệp 2000). Như vậy chúng ta cần lưu ý tới khả năng xáo trộn rất lớn và xu thế bảo tồn việc sử dụng công cụ đá (đặc biệt là dụng cụ như hòn kê, bàn mài, chày nghiền) ở di tích này. Do tầng văn hoá bị xáo trộn nghiêm trọng nên kết luận về sự phát triển liên tục về địa tầng và di vật giữa hai giai đoạn Sa Huỳnh và Chăm sớm cần được xem xét lại một cách cẩn trọng hơn và phải so sánh ở bối cảnh rộng hơn.
Vấn đề thứ 2 - Di vật. Di vật ở nơi cư trú (giai đoạn sớm) có một số nét tương đồng với cư trú Gò Duối - Hoà Diêm, nhưng khi so sánh di vật mộ táng cần lưu ý vì mộ táng Suối Chình rất đặc thù (mộ cải táng trẻ em). Tuy vậy, cũng cần lưu ý về việc xác định những mộ nồi này có phải là mộ cải táng trẻ em hay thực chất là mộ chôn trẻ nhỏ trong vò mà thôi. Nếu cải táng thì khó có tình trạng người khai quật quan sát được tư thế nằm co bó gối như đã miêu tả trong báo cáo.
2. Xóm Ốc, An Vĩnh: Thám sát 1996, thám sát 1997, khai quật 1997, thám sát 1999, thám sát 2001. Tổng diện tích 102m2. Di tích phân bố trên diện tích khoảng 10.000m2. Tầng văn hoá dày từ 1.40-1.50cm phát triển liên tục từ sớm đến muộn. Gốm cư trú xen lẫn vỏ nhuyễn thể, có sự đan xen mộ táng nồi, vò và huyệt đất trong cư trú (Đoàn Ngọc Khôi 2003: 32-36).
Vấn đề mộ táng (giai đoạn Sa Huỳnh và Chăm cổ)
Mộ nồi, vò:
Mộ vò số 2 hố thám sát 1 năm 1996: Miệng xuất lộ ở độ sâu 0,75m tính từ miệng hố xuống, (tương đương lớp 4). Vò hình cầu, xương gốm dày, mịn cứng, toàn thân trang trí văn in kỷ hà ô trám. Đồ tuỳ táng có dao sắt, lọ gốm và nồi gốm. Theo người khai quật mộ này có niên đại Sa Huỳnh muộn (Đoàn Ngọc Khôi 2003:53). Tuy nhiên, theo chúng tôi gốm phong cách Hán có niên đại từ sau thế kỷ 2SCN. Mộ này có thể tương đương với mộ nồi số 2 Suối Chình khai quật năm 2005.
Mộ nồi số 5 hố khai quật 1 năm 1997: Miệng xuất lộ ở độ sâu 1m (tương đương lớp 6). Mộ cải táng trẻ em, khả năng từ 3-4 tuổi, đồ tuỳ táng trang sức vỏ nhuyễn thể - ốc tiền và công cụ bằng xương. Theo người khai quật mộ có niên đại văn hoá Sa Huỳnh. Chúng tôi cho rằng, theo độ sâu có lẽ mộ này thuộc giai đoạn kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh.
Như vậy, truyền thống mộ vò, mộ nồi ở đây kéo dài từ giai đoạn Sa Huỳnh sang đến giai đoạn Chăm cổ.
Mộ huyệt đất:
Mộ trong hố thám sát 3, tháng 1 năm 1997. Sâu 1.40m. Hướng bắc chếch đông 200, mặt quay hướng nam. Còn sọ và xương chi. Bên phải hộp sọ có 1 vỏ trai biển, trên ngực trái có vỏ ốc Đụn (Tectus Rochia maximus), cổ đeo chuỗi hạt vỏ ốc tiền, trên bụng có vài nồi gốm nhỏ. Ở vị trí cánh tay phải có 06 viên quặng sắt tròn. Người khai quật xác định đây là người nữ? (Phạm Thị Ninh và Đoàn Ngọc Khôi 1999: 19). Có lẽ do có nhiều đồ trang sức chôn theo, cũng có thể là người nam do có những viên quặng sắt?.
Mộ trong hố khai quật 1997, mộ 7 (97XÔH1M7): Độ sâu từ 100-154cm, hướng bắc-nam lệch tây 30 độ, biên hình chữ nhật. Đáy mộ có lớp cát vàng mỏng và rải gốm, quanh có kè đá, vỏ sò và ốc lớn. Mộ song táng, hai di cốt nằm song song, trên dưới so le nhau gồm người nam (50-60 tuổi), nữ (20-25 tuổi). Xác định nhân chủng Mongoloid. Đồ tuỳ táng có gốm nồi và bát bồng, mũi tên đồng, nhẫn bằng vỏ nhuyễn thể. Những người khai quật cho rằng mộ có niên đại giai đoạn Bình Châu (Tiền Sa Huỳnh) (Phạm Thị Ninh, Đoàn Ngọc Khôi 1999:37). Trong luận án của mình Đoàn Ngọc Khôi lại cho rằng mộ này chôn lan vào sinh thổ, nhưng đồ gốm cho thấy có sự tương đồng với gốm lớp 4,5, biên mộ cũng đã thấy xuất hiện rõ ở lớp 5. Như vậy nếu theo Đoàn Ngọc Khôi, mộ này đã thuộc giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh. Nhìn chung niên đại Xóm Ốc có rất nhiều vấn đề do bị xáo trộn và do cách lý giải theo kiểu tiến hoá đơn tuyến của người khai quật. Có nhiều khả năng mộ đất số 7 này thuộc giai đoạn kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh.
Chúng tôi cho rằng những dấu tích mộ đất của hố khai quật năm 1997 số 1,2,3,4 tương ứng với lớp 3, lớp muộn của Xóm Ốc, từ sau Công nguyên.
Vấn đề cư trú
Có ba lớp văn hoá diễn biến liên tục theo những người khai quật từ Tiền Sa Huỳnh đến Sa Huỳnh và Sa Huỳnh muộn trong khung niên đại từ khoảng 3000 năm cách ngày nay đến thế kỷ 1 sau Công nguyên ( Phạm Thị Ninh, Đoàn Ngọc Khôi 1999: 38 và Đoàn Ngọc Khôi 2003: 162).
Theo chúng tôi, với sự có mặt của gốm văn in Hán, gốm Chăm kiểu Hán hay phong cách Hán, bình hình trứng, nắp gốm Chăm có núm cầm và kendi gốm Chăm ở các lớp từ độ sâu 60cm trở lên (Phạm Thị Ninh và Đoàn Ngọc Khôi 1999: bảng 1 trang 30), tiền Ngũ Thù Đông Hán thì niên đại kết thúc của Xóm Ốc có thể vào khoảng thế kỷ 3 sau CN. Mộ táng cũng có niên đại kết thúc tương tự. Niên đại này cũng phù hợp với kết quả niên đại C14 của Xóm Ốc.
B. Cơ tầng văn hoá Champa ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)
Trong phần phân tích di tích và di vật Xóm Ốc và Suối Chình chúng tôi đã thảo luận về trật tự niên đại của hai địa điểm này, theo đó chúng ta thấy có sự hiện diện của tầng văn hoá Chăm cổ tương đương với lớp dưới cùng và lớp dưới Trà Kiệu. Sự có mặt của loại bình hình trứng ở đây cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa đất liền và hải đảo trong giai đoạn sớm của văn hoá Chăm. Như vậy bình hình trứng với chức năng chuyên biệt của mình dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (khoảng 1 thế kỷ) nhưng không chỉ khu biệt ở vùng Trà Kiệu mà có không gian phân bố khá rộng.
Dấu tích văn hóa Champa trên đảo Lý Sơn đã được một số nghiên cứu trước đây đề cập qua sự hiện diện của gạch Chăm, tượng bò Nandin, giếng Chăm…
Lớp văn hoá Chăm cổ ở đảo Lý Sơn cho thấy có mối quan hệ nguồn gốc với lớp văn hoá Sa Huỳnh muộn trên đảo. Truyền thống chôn dùng quan tài bằng gốm vẫn được cư dân giai đoạn văn hoá Chăm cổ thực hành (với một số thay đổi). Mộ chum số 1 (ký hiệu 96 X.O. TS1M1) của Xóm Ốc với chum mộ là vò gốm văn in kỷ hà cho thấy sự tiếp biến văn hoá Sa Huỳnh -Hán - Chăm cổ ở những thế kỷ đầu CN. Mộ này cùng với chum quan tài vò gốm hình cầu văn in ô vuông của sưu tập Hậu Xá II (hiện trưng bày ở Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh Hội An) là những chứng cứ ít ỏi nhưng rất quan trọng về sự tiếp nối văn hoá, đặc biệt trong truyền thống tang lễ giữa Sa Huỳnh và giai đoạn sau Sa Huỳnh. Một điều đáng lưu ý là có thể do tính chất biển đảo nên sự tồn tại lâu hơn của truyền thống mộ chum ở đây là biểu hiện của hiện tượng “đóng băngvăn hoá hay hoá thạch văn hoá”.
Bình hình trứng và loại nồi gốm thô thân ngắn phình rộng và cổ thấp cho thấy niên đại giữa hay cuối thế kỷ 1 CN là niên đại khởi đầu cho lớp văn hoá Chăm cổ ở Đảo Lý Sơn. Bình, kendi... giúp định niên đại kết thúc của lớp văn hoá này là vào khoảng thế kỷ 3, 4 CN. Với những thông tin về việc phát hiện những mảnh gốm Đường và gốm Islam ở trên đảo có lẽ ở đây cũng có dạng di tích bến thế kỷ 9-10 như ở Cù Lao Chàm.
Tư liệu đảo Lý Sơn cung cấp nhiều thông tin về sự xuất hiện của loại gốm với những loại hình bình, vò trang trí văn in ô vuông hay ô trám độ nung vừa, vết in nông, chất liệu thường hơi thô đến mịn màu đỏ gạch non, vàng nhạt, ghi xám, đôi khi xương gốm có lõi xám. Trong các báo cáo khai quật và bài nghiên cứu gốm này thường được gọi dưới những cái tên như gốm phong cách Hán, gốm kiểu Hán, gốm à la Han.
Sự xuất hiện và tồn tại của gốm văn in này ở nhiều địa điểm miền Trung Việt Nam thiên niên kỷ I đầu CN chắc chắn là kết quả của sự tiếp biến văn hoá nội, ngoại sinh, giữa nghề gốm bản địa và những kỹ thuật làm gốm từ bên ngoài mà trước hết là kỹ thuật làm gốm thời Hán (Trung Hoa). Đây cũng là xu thế không chỉ riêng ở miền Trung mà cả ở miền Bắc Việt Nam và thậm chí cả ở miền Nam Việt Nam. Trong một số địa điểm văn hoá Óc Eo sớm, vò gốm văn in ô vuông kiểu Hán được tìm thấy bên cạnh gốm thô và gốm Óc Eo.
Ở các địa điểm đã biết như Trà Kiệu, Hậu Xá I-di chỉ, Đồng Nà... gốm văn in kiểu Hán giống loại tìm thấy ở Suối Chình, Xóm Ốc thường được tìm thấy bên cạnh gốm Chăm thô và mịn khác. Tại Trà Kiệu, gốm văn in kiểu Hán chất liệu mịn, độ nung vừa xuất hiện muộn hơn gốm Hán điển hình cứng gần như sành văn in ô trám, trám lồng, ô vuông sắc nét và bình hình trứng, ngói in dấu vải, những loại hình tiêu biểu của lớp văn hoá dưới cùng. Gốm văn in kiểu Hán phổ biến ở lớp văn hoá trên có niên đại từ cuối thế kỷ 2 trở đi. Vò gốm Hán điển hình ở Hậu Xá I - di chỉ và những mảnh vò sành văn in Hán điển hình ở Gò Cấm đều nằm trong lớp văn hoá dưới cùng, sát sinh thổ, niên đại cuối thế kỷ 1 CN[1]. Từ những tư liệu trên, chúng tôi cho rằng việc sản xuất và sử dụng gốm văn in kiểu Hán ở miền Trung Việt Nam là kết quả của việc bản địa hoá gốm Hán văn in điển hình. Gốm văn in kiểu Hán tồn tại đồng thời hay muộn hơn chút ít so với gốm Hán văn in điển hình, chứ khó có thể sớm hơn gốm Hán điển hình như nhận định của Phạm Thị Ninh (Phạm Thị Ninh và Đoàn Ngọc Khôi 1999: 35).
Như vậy, đáng lưu ý là ở đảo Lý Sơn có giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh kết thúc (dạng Nam Sa Huỳnh và thuộc truyền thống II) và giai đoạn tương đương lớp sớm nhất và lớp sớm thuộc tầng văn hoá dưới của Trà Kiệu (tức giai đoạn Chăm sớm và Champa từ thế kỷ 1 đến 4,5). Do tính chất hải đảo, sự diễn tiến văn hoá ở đây bảo lưu nhiều yếu tố văn hoá cổ, điển hình là một số mảnh gốm Tiền Sa Huỳnh (hiện tượng đóng băng hay hoá thạch văn hoá).
Cơ tầng Chăm cổ và Champa đảo Lý Sơn cùng với những phát hiện trong đất liền minh chứng vai trò quan trọng của sông Trà Khúc, duyên hải và đảo ven bờ Quảng Ngãi trong quá trình hình thành những trung tâm chính trị - kinh tế đầu Công nguyên. Những phát hiện ở đảo Lý Sơn còn cho thấy sự phát triển văn hoá liền mạch từ Sơ sử sang Lịch sử sớm.
Trích từ ĐTNCKH cấp ĐHQG
“Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ Sơ sử sang lịch sử ở miền Trung Trung bộ và Nam Trung bộ Việt Nam. Mã số: QGTĐ. 06.07
Chủ trì Lâm Thị Mỹ Dung
[1] Trong tất cả các khu mộ địa văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn cực muộn ở lưu vực sông Thu Bồn và sông Trà Khúc (Quảng Nam và Quảng Ngãi) nhiều mộ có đồ tuỳ táng có nguồn gốc Tây Hán và Đông Hán sơ kỳ như gương, bát, ấm, đĩa, lục lạc, chuông, tiền ... Nhưng chưa có trường hợp nào tìm thấy vò gốm Hán văn in điển hình trong mộ chum hay mộ đất văn hoá Sa Huỳnh. Như vậy kỹ thuật làm gốm Trung Hoa và sản phẩm gốm Trung Hoa chỉ được đưa vào miền Trung Việt Nam từ giai đoạn quận Nhật Nam mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét