Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam

Án sát : Tháng 6 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), đặt chức Án sát ở 12 Thừa tuyên và đặt bat y (tức Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) ở Quảng Nam. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) quy định Án sát dưới quyền Tổng đốc, Tuần phủ. Ty Án sát sứ các tỉnh có Thông phán, Kinh lịch, bát cửu phẩm Thư lại, Vị nhập lưu thư lại. Số lượng nhiều ít tuỳ theo từng tỉnh.
Ở các tỉnh nhỏ chỉ có Tuần vũ thì Án sát giữ vị trí tỉnh Phó giữ  việc hình. Thời Tự Đức (1848-1883) Án sát coi như tỉnh Phó của tỉnh nhỏ.
Án sát sứ ty: là cơ quan phụ trách việc hình thời Nguyễn. Là ty giúp việc cho Tổng đốc hoặc Tuần vũ.
Ấm chức: Theo Phan Huy Chú-Lịch triều hiến chương loại chí- Cấp bậc phong Ấm thực thi từ thời Trần Thánh Tông, năm Thiệu Phong thứ 10(1267). Lúc bấy giờ định lệ phong Ấm cho Tôn Thất. (Con cháu trước làm tới chức tước gì thì quy định ông cha được truy phong ở mức nào). Đến thời Lê, thời Lê Thánh Tông lệ phong Ấm được quy định khá chi tiết.
Ví dụ: Quận công thì cha và ông đều được phong tước hầu, mẹ và bà đều được phong Chánh phu nhân, vợ được phong Phu nhân, con trưởng được phong Triều liệt đại phu, các con được phong Hoằng tín đại phu, cháu trưởng được phong Hiển cung đại phu.
Tước hầu thì cha và ông đều được phong Bá, mẹ và bà đều được phong Tự Phu nhân, các con trưởng được phong Hoằng tín đại phu, các con được phong Hiển cung đại phu, cháu trưởng được phong Mậu lâm lang…
Đời Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 2 (1664). chuẩn định cho công thần khai quốc từ Tam thái, Tam thiếu trở lên con cháu đời đời là công thần tôn; công thần trung hưng, thì từ Tả Hữu Đô đốc, Tả Hữu Thị Lang trở lên con cháu đời đời là quan viên tử.
Bá: Tước thứ 3 trong 5 tước thời phong kiến: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
Từ thời Lý đã đặt ra tước: Tước Vương, tước công ban cho các thân vương của vua.
Đời Trần ngoài tước Vương còn ban tặng các tước khác như: Quốc, Công, Thượng Hầu, Quan nội hầu, Thượng phẩm, Quan phục hầu…
Đời Lê thế kỉ XV, Lê Lợi ban phong cho các tướng công thần các tước khác nhau như Á hầu, Thông hầu, Minh tự, Đại liêu ban…
Đời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (1471) bắt đầu định quan chế và các tước; trong đó có 5 tước Công Hầu, Bá, Tử, Nam. Các đời về sau vẫn dựa theo thể lệ đó; tuy nhiên cũng có sự thay đổi về việc ban, phong cho các công thần. Cũng theo quy chế thời Hồng Đức tước Quận công lấy tên phủ, huyện (1 chữ đầu) làm hiệu; tước Hầu, Bá lấy tên xã làm hiệu.
Ví dụ: Lương Xuyên Bá Vũ Yêm con trưởng cụ Vũ Cảo (chi IV).
Tước Tử, Nam lấy tên xã, cũng có khi lấy tên người được phong.
Ví dụ: Vũ Trung là con Vũ Phẩm, làm chức huyện thừa được phong Nhuận Trạch Nam.
Vũ Duy Thảo, con cụ Vũ Duy Liên, Học quan, làm Tham nghị xứ Kinh Bắc, tước Tham Trạch Tử…
Bảng nhãn: Từ năm Bính Ngọ (1246) đời Trần Thánh Tông (1225-1258) định ra Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám Hoa. Năm sau chính thức định là Tam khởi, Lê Thánh Tông, năm Nhâm Thìn (1472) cho đổi gọi Bảng nhãn là Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ- đệ nhị danh. Bảng nhãn tặng hàm tong lục phẩm, 7 tư. Nếu vào làm việc ở viện Hàn lâm thì thăng lên một cấp.
Bách hộ: Quan chế thời Hồng Đức, ban võ có chức Bách hộ, trật chánh lục phẩm.
Thời Nguyễn thế kỷ XIX, Bách hộ trở thành hư hàm; có thể mua được.
Binh bộ: Từ thời Lê Nghi Dân, năm Kỉ Mão (1459) bắt đầu đặt đủ 6 bộ trong đó có bộ Binh. Đến tháng 6 năm Ất Mão (1675) đời vua Lê Gia Tông định rõ chức việc của 6 bộ. Trong đó quy định bộ Binh giữ việc binh nhung.
Biên chế bộ Binh thời Nguyễn gồm có: 1 Thượng thư, 2 Tả lang, 5 Chủ sự, 10 chánh bát phẩm Thư lại, 10 chánh cửu bát phẩm Thư lại. Cơ quan thuộc bộ gồm 1 xứ Binh trực và 7 ty giữ các việc lien quan đến binh nhung.
Biện nghiệm: Theo Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử- chức Thái y biện nghiệm làm nhiệm vụ thăm khám cho người bệnh.
Bồi tụng : Là Á tướng, thứ bậc sau Tể tướng, từ thời Lê trung hưng thế kỉ XVII về sau chúa Trịnh nắm quyền mới đặt chức Bồi tụ phủ đường. Khi Lê Chiêu Thống lên ngôi năm Đinh Mùi (1787) đã bãi bỏ chức Bồi tụng mà lại đặt chức Tham tri như trước.
Cai hợp: Chức quan trong các phiên ở phủ chúa Trịnh.
Dưới thời các chúa Nguyễn là chức quan Tá nhị của 3 ty Xá sai, Lệnh sử và Tướng thần lại. Thời Minh Mạng (1829-1840) bỏ chức Cai hợp.
Cai tổng: Đơn vị hành chính tổng có thể xuất hiện vào thời Mạc, thế kỉ XVI. Tổng lớn hơn xã, một tổng có thể gồm từ 3 đến 5 xã. Cai tổng là người cai quản tổng đó. Quyền hạn của Cai tổng cũng tương tự như Chánh tổng thời Nguyễn (1802-1945)
Cẩm vệ y: Là cơ quan xét kiện thời Lê Thánh Tông. Về sau có sự thay đổi; theo Sử học bị khảo: Cấm quân 2 vệ Cẩm y và Kim ngô vệ nào cũng có Đô chỉ huy sứ, Thiêm tư, Trấn điện tướng quân, Lực sĩ hiệu uý, Đoán sự, Thiên hộ 5 sở Thiên hộ, Phó thiên hộ. Lương y sở, Lương y chính lại thuộc về Cẩm y… Cẩm vệ y thời Nguyễn gồm 10 đội túc trực; là thiên binh túc vệ vua (bảo vệ vua).
Công bộ thị lang: là chức phó của Công bộ thượng thư. Thời Nguyễn trong mỗi bộ đặt Tả hữu Tham tri, đứng dưới Thượng thư, Tả Hữu Thị Lang đứng hang thứ ba.
Cử nhân: học vị cấp cho người trúng tuyển kì thi Hương. Từ năm Giáp Thân (1404) Hồ Hán Thương định cách chức thi Cử nhân: Phép thi chia làm 4 kì, sau thêm kì thi viết chữ và tính (5 kì). Quân nhân, phường chèo, người có tội không được thi. Ai đỗ kì thi Hương được miễn lao dịch, miễn đi lính.
Đại lý tự: Là tên cơ quan. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đổi đặt 6 Viện là 6 Tự. Trong đó có các chức Khanh, Thiếu Khanh, Thừa.
Nhà Nguyễn cũng đặt Đại lý tự. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) chuẩn định quan chế có Đại lý tự khanh, trật chánh tam phẩm. Đại lý tự thiếu khanh, trật chánh tứ phẩm. Viên ngoại lang 1 viên, chủ sự 2 viên, Tự vụ 2 viên, Bát cửu phẩm thư lại gồm 4 viên, vị nhập lưu Thư lại gồm 20 người. Đại lý tự cùng bộ Hình, Viện đô sát thành tam pháp ty xét việc hình án.
Đại lý tự khánh: Trưởng quan của Đại lý tự.
Đại tướng quân: Năm Bính Thân (1296) đời Trần lấy Phạm Ngũ Lão làm Hữu kim ngô vệ Đại tướng quân. Năm Ất Dậu (1405), thời Hồ Hán Thương, Đại tướng quân được giao trông coi các quân mới lập. Năm 1428, những vũ khí lớn cũng gọi là Đại tướng quân. Thời Nguyễn cũng dùng danh hiệu này.
Đại nguyên soái: Thời vua Lê-chúa Trịnh, năm Kỉ Hợi (1599) chúa Trịnh Tùng tự phong Đô nguyên soái-Đại nguyên soái. Năm Mậu Thân (1668) Trịnh Tạc cũng tự phong Đại nguyên soái thượng sư thái phụ Tây Vương.
Điển bạ: Năm Minh mạng thứ 8 (1827) đặt chức Điển bạ trong Quốc Tử Giám, trật tòng bát phẩm.
Đề lại: Danh chức lại viên định năm Đinh Dậu (1477) quy định: Lại viên các nha môn ở trong không có xuất thân khi mới bổ sung cho làm Thông lại, sau 6 năm thăng làm Đề lại. Năm Gia Long thứ nhất (1802) mỗi phủ nha đặt 2 đề lại, 8 Thông lại; trật chánh cửu phẩm văn ban.

Cấp sự trung: Trong sáu khoa đặt từ thời Lê Nghi Dân có các chức Đô cấp sự trung, Cấp sự trung, trật chánh thất phẩm, bát phẩm.
Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), đặt chức Chưởng ấn Cấp sự trung, trật tòng tứ phẩm.
Câu kêLà chức quan trong các phiên của phủ chúa, đứng dưới chức Thiêm tri phiên. Trật chánh thất phẩm. Thời các chúa Nguyễn chức Câu kê có thay đổi.
Chỉ huy sứ ty: Là chức quan Võ thời Nguyễn thuộc vệ Cẩm y, chỉ huy các đội thường trực và ty trấn phủ, trật chánh tam phẩm võ ban.
Chính tự: Theo quan chế thời Bảo Thái, Trung thư giám Chính tự trật chánh thất phẩm. Thời Nguyễn quan Chính tự làm nhiệm vụ dạy học. Lấy Hàn lâm viện Kiểm thảo, Đãi chiếu sung vào
Chiêu văn quán, Tú lâm cục: Theo Phạm Đình Hổ, thời Hồng Đức (1470-1497) đặt ra Sùng văn quán, Tú lâm cục. Con của các quan ở ban văn từ tam phẩm trở lên, được bổ làm học sinh Sùng văn quán. Con các quan từ ngũ phẩm tr?lên được bổ làm học sinh Tú lâm cục... nếu như nghiệp của họ không tinh, cho lui về làm quan viên tử.
Đến thời hậu Lê (từ Lê Trang Tông 1533-1548) trở đi đổi Sùng văn quán làm Chiêu văn quán, con các quan ở phẩm hàm cuối gọi là Tú lâm cục.
Công bộ : Là một trong sáu bộ, đặt từ thời Lê Nghi Dân. Công bộ đảm trách việc xây dựng thành hào, cầu cống, đường xá, tu sửa, xây dựng nhà sở; thi hành lệnh cấm về núi rừng, vườn tược, sông.
Biên chế Công bộ thời Nguyễn gồm: 1 Thượng thư, 2 Tả Hữu Tham tri, 2 Tả Hữu Thị lang, 3 Lang trung, 3 Viên ngoại, 4 Chủ sự, 4 Tư vụ, 8 chánh bát phẩm Thư lại.
Công bộ Thượng thư: Quan đứng đầu bộ Công, theo quan chế thời Hồng Đức và Bảo Thái cho hàm tòng nhị phẩm; thời Nguyễn cho hàm Chánh nhị phẩm, thuộc hàng Chánh khanh.
Đề điệu: Tên chức quan. Trong các kỳ thi Hội thời Lê có một quan đứng đầu trường thi (Chánh chủ khảo) là Đề điệu. Chức này thường dùng đại thần không kể quan văn hay võ. Thời Nguyễn nó dùng chức Đề điệu, thường củ người có khoa bảng giữ chức
Đô ngự sử:Thời Lê Thái Tổ theo quan chế thời Trần, đặt Ngự sử đài có các chức Thị ngự sử, Ngự sử trung thừa, Phó trung thừa, Giám sát ngư sử, Chủ bạ; sau đặt Đô ngự Sử, Phó đô ngự sử, Thiêm đô ngự sử cùng trưởng quan là Ngự sử đại phu. Đô ngư sử giữ phong hóa pháp độ, chức rất trọng. Thời Nguyễn chức quan đứng đầu Đô sát viện trật chánh nhị phẩm văn ban.
Đô đốc : Thời Quang Thái nhà Trần đặt chức Đô đốc ở các bộ. Năm Tân Ty (1461) bổ dụng Lê Lộng làm Đô đốc bình chương quân quốc trọng sự. Đô đốc kiêm chức Tế tướng. Năm Bính Tuất (1466) bắt đầu đặt quân 5 phủ: Trung quân phủ, Đông quân phủ, Tây quân phủ, Nam quân phủ, Bắc quân phủ. Gọi là ngũ quân Đô đốc phủ. Có các chức Tả Hữu Đô đốc, Đô đốc đồng tri, Đô đốc thiêm sự chuyển giữ việc quân. Quan chế thời Hồng Đức cho Tả Hữu Đô đốc trật tòng nhất phẩm.
Đô đốc phủ: Năm Đinh Sửu (1397) định lại quy chế về quan ngoài cấp bộ đặt phủ Đô đốc để trông coi.
Đô lại: Danh chức này định ra từ năm Đinh Dậu (1477). Thư lại sau 3 năm làm việc sung làm Đại lại, tiếp theo 3 năm nữa thăng là Điển lại, 3 năm nữa không phạm lỗi gì sẽ được thăng Đô Đạo các Thừa lệnh sở ở các nha phủ làm việc Bầu 3 năm thì thăng Đô lại
Đốc đồngTheo Phan Huy Chú chức Đốc đồng đặt ra từ thời Lê trung hưng. ở các trấn đặt chức Đốc đồng; khám xét việc kiện cáo Chức Đốc đồng dùng quan tứ phẩm, ngũ phẩm trở xuống
Đồng tri phủNăm Bính Tuất (1466), bãi bỏ các lộ, trấn, đổi đặt là phủ. Đổi An phủ sứ làm Tri phủ. Trấn phủ sứ làm Đồng tri phủ. Theo quan chế thời Bảo Thái (1720-1729) Đồng tri phủ trật chánh thất phẩm.
Đông các hiệu thư:Theo quan chế thời Hồng Đức, năm Tân Mão (1471) đặt chức Đông các hiệu thư, trật chánh lục phẩm; vinh phong Mậu lâm lang ngang với Hàn lâm viện Thị thư.
Đồng tri châu: Thời Hồng Đửc đổi trấn làm châu, đổi Phòng ngụ làm Tri châu, Đồng Tri châu là Phó của Tri châu, cùng cai quản một châu. Quan chế thời Bảo Thái cho trật tòng bát phẩm.
Đốc họcLà Học quan cấp tỉnh thời Nguyễn. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đặt chức Phó Đốc học ở một số nơi.
Đội trưởng: Tổ chức quân đội thời Nguyễn chia mỗi đội thành 50 người, đặt Cai đội 1 người, Đội trưởng và Ngoại uỷ Đội trưởng 2 người. Đội trưởng quân ở các tỉnh trật tòng thất phẩm.
Đồn điền sở. Lập sở đồn điền từ năm Tân Sửu (1481). Sở này có chức năng quản lý việc làm ruộng. Trưởng quan là Đồn điền sứ.
Đồn điền sở phó sứ. Là chức phó của Đồn điền sở sứ thời Lê.
Giáp: Là tổ chức quần chúng tự nguyện tập hợp những người đàn ông trong một làng, cùng lo việc tế thần và giúp nhau trong cuộc sống. Giáp có một Giáp trưởng do cả Giáp bầu ra. Giáp thường đặt tên theo phương hướng, theo số thứ tự, theo tên chữ. Giáp xuất hiện từ thời Hồng Đửc, nửa sau thế kỷ XV.
Giải nguyên.Người đỗ đầu trong kỳ thi Hương thời Nguyễn.
Giảng dụ: Là chức quan giảng dạy trong cung thời Bảo Thái, trật chánh cửu phẩm.
Giám sát ngự sử: Theo Phan Huy Chú: Thời Lê Thánh Tông đặt chức Giám sát ngự sử và 13 Giám sát ngự sử ở các đạo. Thời Lê trung hưng về sau theo đó không đổi. Ngự sử đài trông coi công việc của Ngụ sử 13 đạo. Giám sát ngự sử 13 đạo trật chánh thất phẩm.
Giám sinh: Là học sinh Quốc Tử Giám, đặt ra từ thời Lê. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Người nào thi Hương trúng 4 kỳ được sung vào học tại Quốc Tử Giám. Giám sinh chia làm 3 xá: Thượng xá sinh, trung xá sinh, hạ xá sinh. Thời Nguyễn những học sinh đã đỗ Cử nhân, chuẩn bị thi Hội được vào học ở Quốc Tử Giám.
Hàn lâm viện: Là tên cơ quan. Từ thời Lý đã đặt Hàn lâm viện và đặt chức Học sĩ. Nhà Lê cũng noi theo thời Lý-Trần đặt Hàn lâm viện có chức Phụng chỉ, Thị độc, Thị giảng, Trực học sĩ, Tri chế cáo, Đãi chế, Hiệu điểm. Sau lại đặt Đại học sĩ. Thời Lê Thánh Tông bỏ Đại học sĩ đặt Thừa chỉ, Thị độc, Thị giảng, Thị thư, Đãi chế, Hiệu lý, Tu soạn, Kiểm thảo, trật từ chánh tứ phẩm trở xuống. Nhà Nguyễn vẫn đặt Hàn lâm viện, tuy có thay đổi một số chức trong đó: Hàn lâm viện Chưởng viện học sĩ, Trực học sĩ, trật Chánh tam phẩm. Hàn lâm viện Thị độc học sĩ chánh tử phẩm trở xuống.
Hàn lâm viên biên tu:Chức này trong Viện Hàn lâm được đặt từ năm Minh Mạng thứ 8 (1827), trật chánh thất phẩm.
Hàn lâm viện Đãi chiếu: Nhà Lê đặt Hàn lâm, trong đó có chức Đãi chế. Nhà Nguyễn trong Viện Hàn lâm có chức thấp nhất tòng cửu phẩm gọi là Hàn lâm Đãi chiếu.
Hàn lâm viện Hiệu thảo: Theo quan chế thời Bảo Thái có chức Hàn lâm viện Hiệu thảo, trật tòng thất phẩm.
Hàn lâm viện Thị độc: Theo quan chế thời Hồng Đức, Hàn lâm viện Thị độc trật chánh ngũ phẩm. Thời Nguyễn cũng có chức quan Hàn lâm viện Thị độc.
Hình bộ Hữu Thị lang:Chức quan đứng hàng thứ ba trong bộ Hình thời Nguyễn, trật chánh tam phẩm. Thời Lê, Hữu Thị lang là chức phó của Thượng thư.
Hình bộ Tả Thị lang: Chức quan đứng thứ ba trong bộ Hình thời Nguyễn, trật chánh tam phẩm. ởthời Lê Tả Thị lang cũng là chức phó của Thượng thư.
Hình bộ Thượng thư: Là trưởng quan của bộ Hình. Theo quan chế thời Hồng Đức Thượng thư trật tòng nhị phẩm; thời Nguyễn chánh nhị phẩm.
Hiến sát sứ: Là trưởng quan của Hiến sát sứ ty. Theo quan chế thời Hồng Đức, chức Hiến sát sứ, Hiến sát phó sứ chức vụ là đàn hặc, xét hỏi, khám đoán, hội đồng kiểm soát, khảo khoá, tuần hành... Thời Bảo Thái, Hiến sát sứ hàm chánh lục phẩm.
Hiến sát phó sứ: Là chức quan thứ hai, sau Hiến sát sứ; theo quan chế thời Bảo Thái hàm chánh thất phẩm.
Hoàng giáp: Học vị gọi những người thi Đình đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân- đỗ thứ hai trong kỳ thi Đình.
Hộ bộ Hữu Thị lang: Chức quan dưới Thượng thư và Tham tri; có Tả, Hữu 2 người, trật chánh tam phẩm.
Hộ bộ Thượng thư: Trưởng quan của bộ Hộ, trật tòng nhị phẩm. Thời Nguyễn hàm chánh nhị phẩm. 
Hoành từ khoa: Năm Đinh Hợi (1467) mở khoa Hoành từ để chọn nhân tài- văn hay học rộng. Quan từ tứ phẩm trở xuống đều được dự thi. Người nào trúng tuyển được vào học ở Bí thư giám.
Hội chủ: Người đứng chủ một hội như Hội thiện, Hội sãi vãi, thường làm các việc hưng công, trùng tu, xây dựng đình, chùa, quán... ở làng xã trước kia.
Hữu Thị lang: Là chức phó của Thượng thư thời Lê, trật tòng tam phẩm; có Tả, Hữu Thị lang. ởthời Nguyễn Tả, Hữu Thị lang đứng dưới chức Tả, Hữu Tham tri. 
Hương cống: Học vị của người đỗ khoa thi năm Canh Thân (1740) thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738- 1765). Khoa thi này có 4 kỳ, ai đỗ kỳ thứ 4 gọi là Hương cống, sẽ được bổ làm Tri phủ, Tri huyện, Huấn đạo.
Huấn đạo phủ: Đạt từ thời Lê. Thời Nguyễn phủ nào có Tri phủ thì đặt Giáo thụ, có Đồng Tri phủ thì đặt Huấn đạo 1 người. Huyện cũng đặt 1 Huấn đạo. Châu sát biên giới không đặt chức này. Huấn đạo ở các huyện thời Nguyễn thường là chánh thất phẩm, tòng thất phẩm, hoặc chánh bát phẩm văn giai.
Huyện thừa: Thời Quang Thuận, năm Canh Thìn (1460) đổi chức Chuyển vận sứ làm Tri huyện, Tuần sát làm Huyện thừa. Thời Hồng Đức Huyện thừa trật tòng thất phẩm.
Khán thủ:Là chức việc hàng xã đặt từ thời Lê; có trách nhiệm đảm bảo an ninh trong làng xã, giống như chức Trương tuần thời Nguyễn.
Khoa Sĩ vọng: Theo Lê Quý Đôn – Kiến văn tiểu lục, thì khoa thi Sĩ vọng cũng gọi là khoa Hoành từ (xem khoa Hoành từ), chỉ có Cống sĩ mới được dự thi, nhằm cất nhắc những sĩ tử có danh tiếng mà lâu nay bị chìm đắm, chưa được trọng dụng. Khoa Sĩ vọng đặt ra từ tháng 8 năm ất Sửu (1625).
Khoá sinh: Là học trò thi trúng cách lần thứ hai ở huyện, trong những kỳ thi chọn người đi thi Hương.
Kỳ Anh quán:Là nơi tụ hội của các hưu quan làng Mộ Trạch để bình thơ, văn hoặc sát hạch học trò trước kỳ thi Hương.
Lại bộ: Đặt từ thời Lê Nghi Dân năm Kỷ Mão (1459); là một trong sáu bộ. Các quan gồm có Thượng thư (đúng đầu) Tả Hữu Thị lang, Lang trung, Viên ngoại lang, Tư vụ. Thời Nguyễn quan chức Lại bộ gồm : 1 Thượng thư, 2 Tả Hữu Tham tri, 2 Tả Hữu Thị lang, 3 Lang trung, 3 Viên ngoại lang, 4 Chủ cự,  4 Tư vụ, 8 bát phẩm Thư lại, 8 cửu phẩm Thư lại và 50 vị nhập lưu Thư lại.
Lại bộ Tả Thị lang: Theo quan chế Nguyễn, đó là chức quan đứng hàng thứ ba trong bộ Lại, trật chánh tam phẩm, ngang hàng với quan Hữu Thị lang.
Lang y (Lương y): Người làm nghề thày thuốc trong dân gian.
Lễ bộ Thượng thư: Quan đứng đầu bộ Lễ (một trong 6 bộ thời Lê). Thời Hồng Đức cho hàm nhị phẩm, thời Nguyễn hàm chánh nhị phẩm. Thời Lê năm ất Mão (1675), định rõ chức vụ của 6 bộ; bộ Lễ đảm trách giữ việc Lễ nghi tế tự, khánh tiết, yến tiệc, trường học thi cử, ấn tín, phù hiệu, áo mũ, chương tấu biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chào mừng, tư thiên giám, thuốc thang, bói toán, đạo lục, đồng văn nhã nhạc, giáo phường. Quan chế thời Nguyễn, biên chế gồm: 1 Thượng thư, 2 Tả Hữu Tham tri, 2 Tả Hữu Thị lang, 3 Lang trung, 3 Viên ngoại, 4 Chủ sự, 5 Tư vụ, 7 Viên chánh bát phẩm Thư lại, 8 viên chánh cửu phẩm Thư lại và 50 vị nhập lưu Thư lại.
Lệnh sử: Theo Lịch triều hiện chương loại chí: Lệnh sử được quyền khám hỏi các việc lặt vặt của các xã dân kiện nhau. Việc quan hệ đến hình luật thì do quan có thẩm quyền xét xử.
Lý trưởng: Người đứng đầu hàng xã, giống như Xã quan- Xã trưởng trước đây. Chức Lý trưởng được đặt ra từ thời Minh Mạng (1820-1840) là người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở của chế độ phong kiến và thực dân sau này.
Nhiêu nam: Là danh hiệu đặt từ thời Lê để gọi nam giới ở trong các làng xã đã ở tuổi 55-60 (được miễn phu phen tạp dịch). Hoặc dùng để tặng những người có công bắt được trộm cướp ở làng, tuy chưa đến tuổi trên.
Nho sinh: Theo Cương mục: Con cháu các quan viên được sung vào học ở Chiêu văn quán, hoặc Tú lâm cục gọi là Nho sinh.
Nho sinh trúng thức: Thời Lê chia học trò làm hai hạng gồm: Nho sinh trúng thức, Giám sinh và Nho sinh, Sinh đồ; tuỳ theo tài đức của mỗi hạng mà bổ dụng.
Nhập nội hành khiển: Đặt từ thời Lý, chuyên dùng hoạn quan ở chức đó. Đời Trần thời Thiệu Phong (1341-1357) dùng người có văn học giữ chức Nhập nội hành khiển: Chức này đứng sau chức Tể tướng.
Phó bảng: Học vị được đặt thêm từ năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Phó bảng xếp sau Tiến sĩ, không được dự thi Đình. Tên được ghi vào bảng đỏ, không được khắc vào bia đá.
Phó tổng: Cấp phó của Chánh tổng được đặt từ thời Gia Long (1802- 1819). Tổng gồm từ 3 đến 5, 6 xã, Chánh tổng đứng đầu tổng. Phó tổng phụ tá cho Chánh tổng, được trật tòng cửu phẩm võ giai.
Phó câu kê: Là chức quan trong các phiên của phủ chúa Trình, trật tòng thất phẩm.
Phó sở sứ: Chức quan phó quản lý các sở như các sở đồn điền, sở tầm tang, điển mục... Bách ký sở.
Pháp môn phù thuỷ: Là người hành nghề cúng bái, ma thuật.
Phủ doãn: Chức quan đặt thời Lê, cai quản phủ Phụng Thiên (tức kinh đô Thăng long ) trật chánh ngũ phẩm. Thời Nguyễn đặt Phủ doãn phủ Thừa Thiên, trật chánh tam phẩm.
Phụ quốc Thượng tướng: Đặt từ thời Lý. Lý Thường Kiệt được phong Phụ quốc Thượng tướng quân khai quốc công.
Quan sử- Sử quan, người làm công việc biên chép sử thời phong kiến.
Quản giáp: Nhà Lý chia đặt bình thành từng giáp, mỗi giáp gồm 15 người; đặt 1 người Quản giáp.
Quận công: Theo quan chế thời Hồng Đức- Quận công về văn ban ngang chánh thất phẩm, võ ban tương tự. Thời Nguyễn Quận công là bậc thứ 4 trong tôn tước rất ít khi phong cho người còn sống; lấy tên Huyện làm tước danh; không ban thực ấp. Bậc này được chánh nhị phẩm. Có phủ đệ riêng với 1 Thư lại, 5 nhân viên phục vụ.
Quốc Tử Giám: Quốc Tử Giám lập từ thời Lý Nhân Tông năm 1076. Đây là nhà Quốc học- trường học đầu tiên ở nước ta.  Năm Quý Sửu (1253) Trần Thánh Tông cho đổi thành Quốc Học Viện, sau đổi là Thái Học Viện, làm nơi giảng dạy cho con em vua quan và học trò giỏi trong cả nước. Địa điểm tại Văn Miếu, Hà Nội nay. Quốc Từ Giám thời Trần có Tư nghiệp coi việc dạy Hoàng tử học tập. Quốc Tử Giám thời Lê có Tế tửu, Tư nghiệp, Ngũ kinh, Giáo thụ, Ngũ kinh học sĩ, Giám bạ. Học sinh trong Quốc Tử Giám là Giám sinh. Thời Nguyện Quốc Tử Giám dời vào kinh đô Huế.
Người trong họ Tôn Thất được chọn vào học ở Quốc Tử Giám gọi là Tôn sinh. Năm Gia Long thứ 3 (1804) đặt chức Đốc học bậc chánh tứ phẩm, Phó Đốc học, trật tòng tứ phẩm, quản lý Quốc Tử Giám. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi đặt chức Tế tửu, Tư nghiệp bậc như cũ. Về sau Quốc Tử Giám đặt ở Di Luân Đường trong nội (thành) với hệ thống giảng đường, ký túc xá và nhà sách. Học sinh trường Quốc Tử Giám gồm: Tôn sinh do Tôn nhân phủ chọn; Cống sinh do các địa phương chọn; ấm sinh chọn từ các con quan; Cử nhân do bộ Lễ chọn vào học, năm sau cho dự kỳ thi Hội.
Sinh đồ. Theo Cương mục, người thi Hương trúng 3 kỳ gọi là Sinh đồ. Sinh đồ tương đương học vị Tú tài thời Nguyễn.
Sứ bộ: Chỉ các thành viên trong đoàn đi sứ nước ngoài trước đây.
Sử quán Tổng tài: Người đứng đầu biên soạn quốc sử trong Quốc Sử Quán triều Lê- Nguyễn.
Tả Bộc xạ: Thời Trần coi Tả Hữu bộc xạ là Hữu tướng quốc tức là Thái tế - Tể tướng.
Tả Đô đốc: Chức chỉ huy Bắc quân đặt thời Lê Thánh Tông, tước Bá.
Tả Thị lang: Đặt từ thời Quang Thuận (1460-1469). Thời Nguyễn 6 bộ đều đặt chức Tả Hữu Thị lang, trật chánh tam phẩm.
Tam trường: Kỳ thi Hương gồm tứ trường, ai đậu tam trường là Sinh đồ; đậu tứ trường được vào học Quốc Tử Giám.
Tập ấm: Chế độ nhà Nguyễn quy định con được kế thừa nghề của cha.
Tể tướng: Đặt từ thời Lê Hoàn năm Kỷ Mùi (995). Thời Lý Thái Tông (1028- 1054) đặt chức Phụ quốc Thái uý ngang chức Tể tướng. Thời Lê Thánh Tông bãi chức Tế tướng.
Thái bảo: Đặt từ thời Lý (1010). Đời Lê cũng có chức này, trật chánh nhất phẩm.
Thái bộc tự thiếu khanh: Chức đứng hàng thứ hai của Thái bộc tự; cơ quan giữ việc âm dương, bói toán. Thời Bảo Thái; trật chánh lục phẩm.
Thái y viện: Lập từ thời Lê. Có Viện đại sứ, Phó sứ, Ngự y, chánh phó thuộc bộ Lễ, chuyên trách việc chữa bệnh trong cung.
Tham chính:Đặt từ thời Nguyễn, trật tòng nhất phẩm.
Tham đốc: Đặt từ thời Hồng Đức, trật tòng nhị phẩm.
Tham nghị:Chức quan đại thần triều Nguyễn, trật tòng nhất phẩm.
Tham tri: Đặt từ thời Lê thế kỷ XV, coi việc sổ sách quân dân của một đạo. Theo quan chế thời Minh Mạng Tả Hữu Tham tri trật tòng nhị phẩm văn giai.
Tham tụng: Thời Hoàng Định (1600-1619) đặt chức Tham tụng làm việc trong phủ chúa. Tham tụng là Tể tướng.
Thị lang: Đặt từ thời Lý. Thời Hồng Đức có Tả, Hữu Thị lang, chức phó của Thượng thư, trật chánh tam phẩm.
Thí sai: Chức quan thời kỳ tập sự, sau 3 năm mới được bổ dụng
Thiêm sự: Đặt thời Lê Thái Tổ (1428: 1433) thuộc Mật viện, trật chánh ngũ phẩm. Thời Gia Long bỏ chức này.
Thiếu doãn phủ: Chức phó của Doãn (phủ) Phụng Thiên (Thăng Long), trật chánh lục phẩm.
Thông chính phó sứ: Chức quan hàng thứ hai ở cơ quan Thông chính sứ ty thời Nguyễn, trật tòng tam phẩm.
Thông chính sứ: Đứng đầu cơ quan Thông chính sứ ty, trật tòng tứ phẩm. 
Thông lại:chức dưới Đề lại làm việc ở huyện thời Nguyễn. Mỗi phủ đặt 5-8 Thông lại, huyện 4-7 Thông lại.
Thông phán: Đặt từ đời Trần; thời Nguyễn, Thông phán, trật tòng ngũ phẩm.
Thư ký Hội đồng hương chính: Theo nghị định (ngày 12 tháng 8 năm 1921) của Thống sứ Bắc Kỳ về việc cải lương hương chính lần thứ nhất, quy định tại các làng xã Hội đồng kỳ mục sẽ được thay thế bằng Hội đồng tộc biểu hay còn gọi là Hội đồng hương chính. Hội đồng này do các họ cử người tham gia. Họ đông người có thể cử từ 2 đến 4 người; họ nhỏ cử 1 người. Hội đồng hương chính do Chánh hương hội đứng đầu, giúp việc có Phó hương hội, Trương tuần và Thư ký Hội đồng. Hội đồng tộc biểu tồn tại đến năm 1927 thì chính quyền bảo hộ lại phải khôi phục Hội đồng kỳ mục như trước kia. Cuộc cải lương hương chính của chính quyền bảo hộ thất bại.
Thừa chính sứ: Chức quan đặt từ thời Quang Thuận (1460- 1469). Năm Bính Tuất (1466) Lê Thánh Tông chia nước ta làm 12 đạo. Mỗi đạo đặt chức Đô ty và Thừa ty. Đặt chức Thừa chính sứ (trưởng quan) và Thừa chính phó sứ; dưới có Tham chính, Tham nghị.
Thừa tuyên sứ: Khoảng giữa thời Hồng Đức (1470- 1497) đặt 13 Thừa tuyên trong nước. Dùng đầu mỗi Thừa tuyên có Thừa tuyên sứ.
Thượng bảo khanh: Chức trưởng quan của Thượng bảo tự, thời Bảo Thái (1705- 1729) trật chánh ngũ phẩm. Thời Nguyễn trật tòng tam phẩm văn giai.
Thượng thư: Chức Thượng thư đặt từ thời Lý, chức quan đứng đầu phụ trách bộ, nhưng tên các bộ chưa rõ. Đến thời Trần ; Đại Khánh (1314- 1324) và Quang Thái (1388- 1398) mới đặt Thượng thư các bộ. Lê Thánh Tông đặt Thượng thư 6 bộ: Lại, Hình, Lễ, Công, Binh, Hộ. Thượng thư được ban an của bộ và trật tòng nhị phẩm.
Trạng nguyên: Người đỗ đầu trong kỳ thi thời Trần. Năm Đinh Mùi (1247) chính thức định ra Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Đó là 3 người đỗ ở vị trí thứ nhất, nhì, ba trong kỳ thi Thái học sinh (kỳ thi Đình từ thời Lê về sau).
Trạng Trình: Nguyễn Bình Khiêm đỗ Trạng nguyên khoa thi năm ất Mùi (1535). Ông làm quan với nhà Mạc đến chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc công. Vì thế ông được gọi là Trạng Trình.
Trấn thủ: Chức quan đứng đầu các trấn thời cuối Lê đầu Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX), khi chưa đặt cấp tỉnh.
Tri châu: Chức quan làm việc bên ngoài kinh đô đặt từ thời Lý Thái Tông (1028- 1054). Thời Quang Thuận đổi Phòng ngự sứ làm Tri châu, trật tòng thất phẩm. Thời Nguyễn bắt đầu dùng Thổ Tri châu. Từ năm 1836 Minh Mạng áp đặt chế độ lưu quan ở miền núi, trật chánh lục phẩm đến chánh ngũ phẩm.
Tri huyện: Trưởng quan cấp huyện thời Nguyễn.
Tri phủ: Thời Trần đặt cấp hành chính gọi là phủ. Phủ do lộ quản. Trưởng quan có Tri phủ, phó chức là Tri phủ đồng tri. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đặt Tri phủ, Tri huyện mỗi hạt một viên. Có nơi đặt Đồng Tri phủ, trật chánh lục phẩm.
Triều liệt đại phu: Tên thuỵ ban cho chức quan trật tòng tứ phẩm văn giai thời Nguyễn.
Tú tài: Người tham dự thi Hương thời Nguyễn, đỗ tam trường thì gọi là Tú tài.
Tuần kiểm sứ: Chức quan coi cửa ải, đặt từ năm Mậu Thân (1488) thời Lê Thánh Tông.
Tuần phủ: Chức quan đứng đầu tỉnh thời Nguyễn.
Tư huấn: Chức trưởng quan của Tú lâm cục, Chiêu văn quán và Sùng văn quán thuộc Viện Hàn lâm.
Tư nghiệp, Tế tửu: Xem - Quốc Tử Giám.
Tự thừa: Chức quan coi việc giữ đền miếu ở các tỉnh và kinh đô, đặt từ thời Minh Mạng (1820-1840).
Viên ngoại lang: Chức quan đặt từ thời Trần, làm công việc ngoại giao. Thời nguyễn Viên ngoại lang đứng háng thứ hai mỗi ty, sau chức Lang trung, trật chánh ngũ phẩm văn giai.
Vinh lộc đại phu: Chức tản quan bên ngạch văn, võ thời Lê. Nhà Nguyễn lấy thuỵ hiệu đó phong cho các quan trật tòng nhất phẩm.
Vệ uý: Chức quan võ chỉ huy các vệ Cẩm y, Kim ngô, Vệ loan giá thời Nguyễn.
Xã chính: Chức quan đứng đầu hàng xã thời Lê.
Xã sử: Chức phó, giúp việc cho xã Trưởng thời Lê.
Xã trưởng: Chức quan đứng đầu hàng xã thời Lê.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Cổ Luỹ - Phú Thọ trong bối cảnh khảo cổ học Champa nửa đầu thiên niên kỷ I Công nguyên

Lâm Thị Mỹ Dung
(ĐH KHXH&NV- Hà Nội)
Nguyễn Anh Thư
(Viện Khảo cổ học)

(Bài đã in ở Tạp chí Khảo cổ học, 2009, số 1 (157), tr.45-62, Nxb KHXH, Hà Nội)

Giới thiệu

Di tích Cổ Luỹ (tức Cổ Luỹ-Phú Thọ) nằm ở bờ phải sông Trà Khúc gần ngay cửa đổ ra biển, đối diện với thành Châu Sa. Di tích đã được khảo sát vào đầu thế kỷ 20 (H. Parmentier), thám sát năm 1998 (Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng Quảng Ngãi) và khai quật năm 2004 (Lâm Mỹ Dung).
Kết quả cho thấy đây là một di tích thành luỹ Champa sớm được xây dựng trên nền tảng của một khu cư trú Champa sớm. Tầng văn hoá sớm có niên đại từ cuối TK 1 CN, tính chất văn hoá giống với lớp văn hoá sớm của tầng văn hoá dưới) ở thành Trà Kiệu (Quảng Nam) và lớp văn hoá sớm nhất ở Thành Hồ (Phú Yên). Dấu tích kiến trúc gạch, ngói và đầu ngói ống được tìm thấy ở tầng văn hoá muộn có niên đại từ thế kỷ 3 CN.
Như vậy thành Cổ Luỹ (Sông Trà Khúc, Quảng Ngãi) cùng với Thành Lồi (Sông Hương- Huế); Thành Trà Kiệu (Sông Thu Bồn, Quảng Nam), Thành Hồ (Sông Đà Rằng, Phú Yên),  và có thể còn một số địa điểm nữa ở miền Trung chưa được phát hiện hay được nghiên cứu kỹ, tạo thành một chuỗi thành cổ Champa sớm - trung tâm của những dạng nhà nước hay tiểu quốc Champa thiên niên kỷ I CN.     

1. Diện mạo và tính chất của Cổ Luỹ - Phú Thọ từ kết quả nghiên cứu thực địa
1.1. Di tích
Địa điểm Cổ Lũy - Phú Thọ thuộc địa bàn xã Nghĩa Phú, huyện Tư  Nghĩa, Quảng Ngãi có tọa độ 15o07'840''  vĩ độ bắc và 108o53'116'' kinh độ đông. Những dấu tích của phức họp di tích phân bố trên những núi đất cao nằm ở ngã ba sông Trà Khúc và sông Phú Thọ phần đổ ra biển (Cửa Đại). Parmentier đã có một thông báo ngắn về địa điểm này từ những năm đầu của thế kỷ XX. Theo đó phía trước núi Bàn Cờ đã phát hiện 01 lanh tô  trên có hình tượng Visnu (tương tự như lanh tô ở Mỹ Sơn E1); 01 tượng bò Nandin. Parmentier cũng đã khảo sát phế tích thành Cổ Luỹ và theo ông đây là tiền đồn của thành Châu Sa (Parmentier 1909: 234 – 235). Di tích được bảo tàng Quảng Ngãi đào thám sát năm 1998. Theo người phụ trách di tích có hai tầng văn hoá. Tầng trên chứa kiến trúc Champa niên đại từ thế kỷ III đến thế kỷ VII Công nguyên. Tầng dưới chứa vết tích cư trú của cư dân văn hoá Sa Huỳnh Sơ kỳ Sắt (Đoàn Ngọc Khôi 1998). 
Di tích được chúng tôi khai quật năm 2004 với tổng diện tích 50m2. Phần đất phía trên ở nhiều chỗ của di tích đã bị xúc ủi năm 1998. Do vậy, nhiều vết tích kiến trúc cổ đã bị phá huỷ và chỉ còn lại dấu vết móng, tường gạch. Nhìn chung tầng văn hoá dày trung bình từ 1.40-1.50m và thuộc hai giai đoạn văn hoá sớm muộn phát triển liên tục (Lâm Mỹ Dung và Đặng Hồng Sơn 2005).
1.2. Cấu tạo địa tầng.
Lớp đất mặt dày trung bình từ 5-7cm
Tầng văn hoá I (trên): Gồm các lớp đào từ 1-8, đất laterite lẫn đá felspad phong hoá thành một loại bột màu trắng. Tầng này chứa vết tích của hai thời kỳ kiến trúc sớm và muộn. Thời kỳ muộn gồm các di tích ký hiệu F (Feature) từ 1 đến  5 và nằm trong các lớp đào từ 2 đến 5. Thời kỳ sớm gồm các di tích từ  9 đến 11. Những F có số từ  6- 8 không phải là vết tích kiến trúc mà chỉ là những đám đất sẫm màu hơn so với xung quanh. Niên đại của tầng này là từ thế kỷ III đến thế kỷ VII Công nguyên. Hiện vật có những nét tương đồng với hiện vật của một phần lớp văn hoá dưới và đầu đến giữa lớp văn hoá trên của Trà Kiệu (Quảng Nam)[1].
Tầng văn hoá II (dưới): Gồm các lớp đào từ 9 đến 14.
Giữa hai tầng này có 01 lớp đất bị cháy, nhiều than tro, dưới là một lớp cát mỏng, lớp này dày không đều và bắt đầu xuất lộ từ đáy lớp 7, mặt lớp 8 và nằm trọn trong lớp 9. Tầng văn hoá II KHÔNG có vết tích kiến trúc và bị những kiến trúc của tầng văn hóa I ăn xuống và cắt phá.
Tất cả những di tích thuộc thời kỳ kiến trúc sớm F 9 đến F 11 đều xuất lộ bên trên lớp đất cháy ngăn cách tầng văn hoá trên và dưới. Những di tích này đã cắt phá lớp đất cháy ở một số chỗ.
Niên đại của tầng văn hoá II có thể xác định từ cuối thế kỷ I, đầu thế kỷ II đến thế kỷ III Công nguyên, tương đương với nửa sau của lớp văn hoá dưới Trà Kiệu (Quảng Nam). Ở đây chưa thấy vết tích của giai đoạn văn hoá tương đương với lớp văn hoá sớm nhất của Trà Kiệu (lớp có ngói in dấu vải và bình hình trứng).
Do những hoạt động sống của cư dân, trong mỗi tầng đều có những vết tích cắt phá và xáo trộn cục bộ.
Sinh thổ: Đất laterit do đá granit phong hoá lẫn bột trắng do felspat phong hoá.

1.3. Cấu trúc của một số di tích xuất lộ trong hố 1
Tầng văn hoá trên CHỨA dấu tich kiến trúc gạch, ngói
Vết tích kiến trúc giai đoạn muộn: Bao gồm các dấu tích có ký hiệu từ F1 đến F5 xuất lộ sớm nhất từ lớp 5 và kéo dài đến lớp 2. Đây là những vết tích đống gạch, ngói chưa xác định được công năng chính xác, trong đó có 01 nền gạch nhỏ (F2) còn lại ba hàng gạch xếp dài hơn 1m theo hướng đông-tây, gạch không còn viên nào nguyên, F2 còn một phần trong vách AD. F 5 ở góc D hố cho thấy dấu vết của một dạng trụ cột được xử lý khá kỹ càng. Đầu ngói ống (đa phần là mặt hề) CHỈ XUẤT LỘ trong những lớp muộn này và chủ yếu tập trung ở lớp 2. Dựa vào vị trí (độ sâu) phân bố của các di tích và hiện vật trong các di tích, đặc biệt là đầu ngói mặt hề, chúng tôi cho rằng giai đoạn kiến trúc muộn này có niên đại từ sau thế kỷ V.
Vết tích kiến trúc giai đoạn sớm: Bao gồm các dấu tích có ký hiệu từ F 9 đến F11, bắt đầu xuất lộ từ lớp 6 và ăn xuống tầng dưới, thậm chí có di tích như F 9 đào sâu vào sinh thổ từ 30 đến 40cm. Tất cả những di tích này đều cắt phá lớp đất cháy giữa tầng văn hoá trên và dưới, tức là chúng xuất lộ sau thời gian hình thành lớp đất cháy ngăn giữa hai tầng. Đây là vết tích của những kiến trúc thuộc thời kỳ sớm của tầng trên, có niên đại từ thế kỷ IV trở đi. Trong giai đoạn sớm này KHÔNG thấy có đầu ngói ống.
Dựa trên quan sát và nhận diện các dấu vết kiến trúc phát hiện được trong hố khai quật cũng như những dấu vết gạch, cuội còn lại trên những khu đất cao của di tích hay ở những vách hố xúc ủi đất năm 1998, chúng tôi cho rằng những kiến trúc ở đây đều được xây bằng gạch theo kiểu chập khối đặc trưng của xây gạch Champa. Gạch, ngói và những vật liệu xây dựng, chi tiết trang trí bằng đất nung khá đa dạng và được sản xuất hàng loạt, một số được sản xuất với kỹ thuật cao, có hình dạng và trang trí đã được chuẩn hoá. Việc xử lý móng của một số công trình rất công phu chứng tỏ chúng thuộc dạng có kích thước khá lớn. Rất tiếc, một phần khá lớn của di tích đã bị xe ủi xúc đi và diện tích đã khai quật quá nhỏ do vậy không xác định được chức năng, tính chất và mối quan hệ của các dấu tích kiến trúc này.
Tầng văn hoá dưới KHÔNG chứa các vết tích kiến trúc
Trong tầng này có các di tích như cụm gốm, đám đất bị nung cháy hay bếp đào vào lòng đất. Đây là những vết tích cư trú sớm giai đoạn từ cuối thế kỷ I Công nguyên. Như vậy những kiến trúc muộn hơn và có thể cả thành lũy đã được xây dựng bên trên tầng cư trú sớm này.
1.4. Đặc điểm di vật
Đất nung
Nhóm vật liệu xây dựng và chi tiết trang trí kến trúc: Gạch, ngói, đầu ngói ống, chốt gốm, trang trí hình con tiện gốm... (của tầng văn hoá trên)
Gạch khá đa dạng về màu sắc, chất liệu, độ nung. Đa phần gạch có kích thước lớn (44x18x13) cm, dày trung bình của gạch từ 8cm - 13cm. Gạch thường có lõi màu xám, chi có một số ít gạch có màu sắc đồng nhất từ ngoài vào trong.
Ngói tìm thấy ở đây đều làm bằng khuôn nhưng khá khác nhau về chất liệu, màu sắc, trang trí và độ nung. Ngói có chất lượng từ xấu đến tốt, trên lưng ngói có những kiểu trang trí văn in ô vuông chuẩn, song cũng có kiểu trang trí khắc vạch tạo ô vuông (kiểu bắt chước in ô vuông), phổ biến là văn chải từ mịn đến thô. Một số ít ngói có màu xám và độ nung cao cứng gần như sành, trên lưng có in dấu ô vuông hay văn chải sâu, sắc cạnh.
Những đầu ngói ống còn nguyên cũng như mảnh vỡ thu được từ đào thám sát năm 1998, khai quật năm 2004 và khảo sát 2004 chỉ thuộc loại mặt người (mặt hề). Loại này đã tìm thấy ở những hố khai quật Trà Kiệu, Thành Hồ (Lê Đình Phụng và Phạm Văn Triệu 2004)và rất giống những đầu ngói mặt người ở Nanjing (Trung Hoa) (He Yunao 2003:37-39) có niên đại Lục Triều sớm (tức  khoảng từ đầu thế kỷ IV trở về sau).
 Hiện vật thuộc dòng gốm tinh mịn: Loại hình thuộc dòng gốm này có nhiều nét chung với gốm tinh mịn ở các địa điểm Champa cùng thời như Thành Hồ (Phú Yên), Trà Kiệu, Đồng Nà (Hội An, Quảng Nam) và chủ yếu là những đồ liên quan đến nghi lê, sinh hoạt văn hoá cộng đồng như kendi, bình, vò, cốc chân cao, đĩa, mảnh nắp có núm cầm... Đây là loại chất liệu sét lọc kỹ hơn, xương hầu như không thấy tạp chất và với các màu chủ đạo như trắng xám, vàng, đỏ gạch. Một số gốm xương có lõi xám. Gốm tinh mịn chủ yếu thuộc tầng văn hoá trên, ở tầng dưới đã thấy sự có mặt của loại gốm này nhưng rất ít và chủ yếu là mảnh vụn.
Đáng lưu ý là những nét tương đồng về màu sắc, chất liệu, kỹ thuật, độ nung giữa dòng gốm này với các loại vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc. Điều đó đưa tới giả thiết rằng chúng cùng đồng thời xuất hiện và được sản xuất để cùng đáp ứng những nhu cầu tinh thần, tâm linh và xã hội của cư dân từ khoảng thế kỷ II, III Công nguyên. Có lẽ kỹ thuật sản xuất gốm tinh mịn với các loại hình gốm kiến trúc, xây dựng và nghi lễ đã được cư dân Champa thu nhận và học tập từ bên ngoài (Trung Hoa Hán, miền Bắc Việt Nam và Ấn Độ). Cũng cần lưu ý rằng loại gốm này có nhiều nét tương đồng với gốm tìm thấy ở Luy Lâu và những địa điểm khác ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn nửa đầu thiên niên kỷ I Công nguyên. Gốm tinh mịn thường với màu đỏ nhạt hay xám trắng, một số có lõi xám giữa xương xuất hiện ở Đông Nam Á từ khoảng đầu Công nguyên. Nghiên cứu đồ gốm tìm thấy ở Angkor Borei M. Stark cũng nhận thấy quá trình diễn biến tương tự trong đồ gốm trước và từ Công nguyên ở di tích này nói riêng và những di tích cùng giai đoạn ở Căm-pu-chia nói chung (M.Stark 2000).

Hiện vật thuộc dòng gốm thô đa phần là đồ đun nấu, đồ đựng, mảnh bếp lò. Gốm thô được tìm thấy ở tất cả các lớp đào của hai tầng văn hoá nhưng tập trung chủ yếu trong các lớp đào từ 14 đến 9, số lượng mảnh giảm dần từ dưới lên trên. Tuy có những thay đổi nhất định trong loại hình nhưng gốm thô cho thấy diễn biến liên tục và nối tiếp về văn hoá giữa các giai đoạn. Gốm thô rất đa dạng về màu sắc và khá giống chất liệu gốm Sa Huỳnh và nếu chỉ nhìn một vài mảnh thì rất khó phân biệt. Tuy vậy, gốm thô ở đây có độ nung tốt hơn và pha ít cát hơn so với gốm mộ chum và cũng không hề thấy loại gốm “lòng rỗng” Sa Huỳnh điển hình.Một số kiểu dáng và cách trang trí cho thấy có những nét tương đồng với gốm lớp trên của địa điểm Suối Chình (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Những loại hình như bát hay đĩa bằng gốm thô tìm thấy trong tầng văn hoá dưới rất giống với gốm tầng văn hoá dưới Trà Kiệu (xem Yamagata M., 1998. Hình 6, 17, 22) hay trong hố khai quật Thành Hồ (xem Lê Đình Phụng và Phạm Văn Triệu 2004, ảnh trang 27. Phụ lục ảnh) Trong dòng gốm này, đáng chú ý là loại gốm xương đen, áo nâu đỏ mỏng dễ bong, dày nhưng nhẹ phân bố ở cả hai tầng văn hoá. Loại gốm như thế này cũng đã được phát hiện trong hố khai quật thành Trà Kiệu năm 2003.
Ngoài gốm thô và gốm tinh mịn bản địa hay bản địa sản xuất theo kỹ thuật từ bên ngoài, trong hố đào còn tìm thấy một số mảnh gốm sành Hán văn in.

Chất liệu khác
Trong tầng văn hoá dưới còn có hạt chuỗi thuỷ tinh loại Indo Pacific, hạt chuỗi bằng kim loại màu vàng, dọi se chỉ đất nung hình nón cụt, bàn mài...
1.5. Diễn biến văn hoá ở Cổ Luỹ - Phú Thọ
Trên nền sinh thổ loại đất lẫn đá Granit phong hóa (mặt bằng cách bề mặt giông đất hiện tại gần 2 m), có lẽ là thềm bậc cao của sông Trà Khúc, lớp cư dân của tầng văn hóa I - sớm đã tụ cư sinh sống ở đây từ khoảng đầu thế kỷ II  đến thế kỷ III Công nguyên. Trong đồ gốm mà họ sử dụng hàng ngaỳ có lưu giữ một số truyền thống của dòng gốm văn hóa Sa Huỳnh trước đó, một số đồ trang sức-tức các hạt chuỗi bằng vàng, thủy tinh, và bằng chất liệu chưa xác định được cũng vẫn thấy tiếp tục được sản xuất và sử dụng. Như vậy, cùng với ý tưởng và học thuyết, những kỹ thuật mới trong chế tác đồ gốm, gạch và ngói cũng được đưa vào và đã được cư dân tiếp thu rồi phát triển.
Cư dân sinh sống liên tục ở đây, vào khoảng thế kỷ IV, khi ảnh hưởng từ bên ngoài gia tăng, đặc biệt là ảnh hưởng của các tôn giáo từ Ấn Độ, họ đã xây dựng những công trình kiến trúc tâm linh đầu tiên, những công trình thời kỳ sớm có qui mô lớn, qui chỉnh, có những gia hạ của móng côt? dày gần một mét được xử lý kỹ càng ăn xuống sinh thổ (điển hình là F 9). Lớp kiến trúc này cũng ăn vào tầng văn hóa sớm và đều có niên đại muộn hơn so với lớp cháy ngăn cách giữa hai tầng. Lớp kiến trúc này bị phá hủy và sau đó một thời gian, xuất hiện những kiến trúc của thời kỳ muộn hơn mà vết tích chỉ cách bề mặt hiện nay từ 15cm-20cm. Lớp này bị phá hủy nghiêm trọng và hầu như tại khu vực của nơi khai quật không thấy những hiện vật có niên đại muộn hơn thế kỷ thứ VII. Lớp kiến trúc sớm xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ IV, lớp kiến trúc muộn được xây dựng sau đó chút ít, khoảng thế kỷ V. Đầu ngói ống trang trí mặt người gắn với kiến trúc giai đoạn muộn cho thấy những tương đồng với những hiện vật tương tự ở Trà Kiệu, Thành Hồ và ở Nam Kinh (Trung Quốc) có niên đại Lục Triều sớm giúp chúng ta định niên đại những vết tích kiến trúc thời kỳ muộn hơn này.
Kết quả khai quật Cổ Lũy lần này cho thấy không có đủ tài liệu để khẳng định sự tồn tại của hai lớp văn hoá Sa Huỳnh – Champa ở Cổ Lũy- Phú Thọ. Đây là di tích có niên đại từ sau Công nguyên và thuộc vào giai đoạn Chăm sớm, Champa[2].
Cổ Lũy là phức hợp di tích cư trú thành lũy đa chức năng thuộc giai đoạn sớm của văn minh Champa (hay giai đoạn hình thành những tiểu quốc sớm kiểu Lâm Ấp) và giai đoạn muộn hơn (giai đoạn Champa). Trong đó, thuộc giai đoạn sớm (tầng văn hoá dưới) là khu vực cư trú. Những kiến trúc xây gạch và lợp ngói (loại ngói muộn) và tưòng thành bắt đầu từ tầng văn hoá hai (từ sau thế kỷ IV).   
Kết quả khai quật Cổ Luỹ cho thấy những công trình kiến trúc tâm linh, công cộng và thành của cư dân Champa thường được xây dựng trên cơ tầng cư trú sớm hơn. Hiện tượng này cũng không phải hiếm gặp ở Đông Nam Á, ví dụ như cuộc khai quật ở Angkor Borei cho thấy kiến trúc xây bằng gạch được xây dựng trên nền cư trú sớm (Stark Miriam 1998: 189-195).
2. Cổ Luỹ - Phú Thọ trong bối cảnh khảo cổ học Champa nửa đầu thiên niên kỷ I Công nguyên.
2.1. Bối cảnh Đông Nam Á và miền Trung Việt Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ V Công nguyên.
Giai đoạn này ở Đông Nam Á chứng kiến những tiếp xúc văn hoá nhiều chiều dẫn đến những thay đổi mang tính chất bước ngoặt trong cơ cấu và quan hệ xã hội. Thời kỳ hình thành những cấu trúc xã hội có tính phức hợp cao, thời kỳ của sự mở rộng quan hệ buôn bán nội và liên vùng dẫn đến những biến chuyển văn hoá sâu sắc ở nhiều vùng của Đông Nam Á. Đặc biệt sự biến chuyển từ các dạng xã hội kiểu “lãnh địa” hay những dạng xã hội với mức độ phức hợp thấp tương đương “lãnh địa” sang những hình thức chính thể dạng nhà nước với mức độ phức hợp cao hơn.
Nhân tố tác động tới chọn lựa mô hình nhà nước sớm và nhà nước phát triển ở Đông Nam Á được xem xét từ nhiều góc độ. Từ biến đổi bối cảnh (Stark M) đến tác động bên ngoài (Coedes); Từ phát triển đô thị hoá và gia tăng hoạt động thương mại (Hall K) tác động đến sự phát triển của hình thức tổ chức chính trị mandala (Wolters) đến tìm hiểu vai trò của thương mại quốc tế với mô hình tương tác giữa các chính thể đồng dạng (Glover)  hay nhấn mạnh tác động của xu thế xa hoa, cầu kỳ gia tăng trong tầng lớp trên của xã hội phân tầng đối với quản lý và kiểm soát sản xuất nông nghiệp (Higham). 
Nhìn chung, trong những nghiên cứu về nguyên nhân, động lực hình thành và biến đổi cơ cấu xã hội dẫn đến sự hình thành và phát triển của các loại hình nhà nước ở khu vực nổi lên hai nhóm ý kiến chính.
i.                           Nhóm ý kiến thứ nhất nhấn mạnh đến những yếu tố bên ngoài như thương mại trao đổi khoảng cách xa, tiếp xúc với Trung Hoa, Ấn Độ, truyền bá tư tưởng, tôn giáo ...
ii.                       Nhóm ý kiến thứ hai tập trung vào những động lực bên trong như phát triển hay mức giới hạn của dân số, nhu cầu kiểm soát và điều tiết công việc trị thuỷ...
Vận dụng những quan điểm này trong nghiên cứu lịch sử cổ trung đại miền Trung Việt Nam chúng tôi nhận thấy rằng điểm căn bản trong những quan điểm “ngoại sinh hoá” là nhấn mạnh vai trò của tầng lớp tinh hoa của các xã hội bản địa và chính họ đã dung hoá những yếu tố (thuộc thượng tầng kiến trúc) của những nền văn minh Trung Hoa hay Ấn Độ. Khoảng đầu Công nguyên, một số vùng ở Đông Nam Á đã đạt tới trình độ phát triển cao cho phép những  thủ lĩnh địa phương có thể chọn lựa, cho dù phần nhiều không ý thức những hình thức của tôn giáo Ấn Độ, những loại thích hợp hay phù hợp với những tín ngưỡng và thực tiễn địa phương (Casparis và Mabbett 1992: 282).
Có thể thấy quá trình “ngoại sinh hoá” văn hoá Đông Nam Á từ đầu Công nguyên là quá trình tích hợp có chọn lọc (chỉ của) những yếu tố ngoại sinh phù hợp và đáp ứng nhu cầu tiến hoá của những xã hội bản địa. Quá trình này diễn ra không đồng đều và mỗi vùng đã có sự chọn lựa riêng dẫn đến những tác động văn hoá đa dạng. Từ diễn giải các nguồn tư liệu đã có, chúng tôi nhận ra rằng quá trình này (tiếp nhận những tư tưởng vũ trụ luận Ấn Độ) ở miền Trung Việt Nam khởi đầu không sớm lắm và với tốc độ vừa phải. Ở giai đoạn đầu quá trình này đã vấp phải những rào cản đáng kể từ những lực lượng ngoại sinh khác, đó là những yếu tố văn hoá Hán Trung Hoa. 
Một vấn đề cần lưu ý là quá trình này phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố nội sinh tức sự phát triển bên trong của Đông Nam Á, tức tính chủ động và tích cực trong việc tiếp thu và dung hoá các yếu tố ngoại sinh của các cộng đồng cư dân bản địa. Vai trò của quá trình được gọi là “Đông Nam Á hoá và Bản địa hoá” này dần được đánh giá đúng mức hơn. Trong khi những nghiên cứu trước đây thường tập trung đề cao các động lực ngoại sinh bất kể là kinh tế, chính trị hay tôn giáo... thì những nghiên cứu gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng bản địa trong quá trình hình thành nhà nước ở các mức độ khác nhau. Chính nhu cầu phát triển nội tại “tới ngưỡng” là nguyên nhân chính để các xã hội Đông Nam Á lựa chọn những mô hình chính trị tương thích với điều kiện tự nhiên và xã hội của mình.
Đối với miền Trung Việt Nam, bên cạnh những điều kiện và yếu tố giống với khu vực còn có những đặc điểm riêng, đó là vai trò đáng kể của:
i.                          Điều kiện tự nhiên và sinh thái (yếu tố biển, vị thế trung điểm của miền Trung Việt Nam trên tuyến hải thương quốc tế thời cổ trung đại...);
ii.                        Điều kiện xã hội (bờ biển thuận lợi đưa đón những luồng di chuyển dân cư, đặc biệt là của cư dân ngữ hệ Nam Đảo);
iii.                     Điều kiện chính trị - văn hoá (tiếp xúc giao lưu với Bắc Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á...), trong đó nổi bật là sự kiện thuộc Hán và chống Hán của các nhóm cư dân vùng đất phía nam của quận Nhật Nam mà kết quả cuối cùng là cuộc khởi nghĩa của Khu Liên với sự thành lập của nhà nước Lâm Ấp.
 Những điều kiện chung và riêng kể trên đã có tác động ở các mức độ khác nhau vào việc chọn lựa mô hình chính trị phù hợp và hình thành nhà nước ở miền Trung Việt Nam.
2.2. Cổ Luỹ-Phú Thọ, Trà Kiệu, Thành Hồ[3]: Những trung tâm chính trị - kinh tế giai đoạn Champa sớm, Champa .

2.2.1. Những phát hiện khảo cổ giai đoạn nửa đầu thiên niên kỷ I sau Công nguyên ở lưu vực sông Thu Bồn.
Lưu vực sông Thu Bồn và đặc biệt là vùng hạ lưu là nơi tập trung với mật độ cao nhất những di tích có niên đại từ thế kỷ 5 TCN đến cuối thiên niên kỷ 1 CN.
Những địa điểm thuộc khung thời gian của bài nghiên cứu phân bố ở hai khu vực chính, đó là khu vực Hội An và khu vực Trà Kiệu. Trong bảng 2 dưới đây, chúng tôi khái lược những điạ điểm quan trọng nhất ở khu vực Trà Kiệu. Dựa vào nhiều nguồn tư liệu thành văn, vật chất và tham khảo những nghiên cứu khác, chúng tôi đồng thuận với ý kiến cho rằng địa bàn của Lâm Ấp chính là khu vực Trà Kiệu và vùng xung quanh Trà Kiệu.
Tại Trà Kiệu nhiều cuộc khai quật đã được tiến hành khá liên tục trong khoảng 10 năm. Đã có nhiều bài công bố kết quả nghiên cứu Trà Kiệu cả ở lĩnh vực thực địa lẫn lý thuyết. Tuy còn có một số tranh luận về niên đại, đặc biệt là niên đại khởi đầu, song nhìn chung tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng thuận phân lập hai hay ba giai đoạn văn hoá chính diễn biến liên tục ở Trà Kiệu (xem những nghiên cứu của Nguyễn Kim Dung; I. Glover, M.Yamagata, Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung...).
Theo giới hạn thời gian chủ đề nghiên cứu, trong bài này chúng tôi chỉ đề cập tới giai đoạn văn hoá văn hoá sớm ở Trà Kiệu (một phần trùng với giai đoạn nhà nước Lâm Ấp, thế kỷ II-IV). Giai đoạn này được nhận biết ở những ở những lớp văn hoá chuyển từ tầng I lên tầng II, chuyển từ ngói làm bằng khuôn lót vải sang ngói làm theo lối dải cuộn, chuyển từ gốm thô kiểu sơ sử sang nhiều loại hình và kỹ thuật trang trí kiểu gốm Hán, gạch xuất hiện, xuất hiện nhiều loại hình gốm mới (bình vò trang trí văn in ô vuông, kendi...), một số loại gốm sớm không thấy nữa như bình hình trứng, song một số loại gốm sinh hoạt dòng gốm thô vẫn được sản xuất và tiếp tục sử dụng. Chưa có những kiến trúc theo kiểu xây gạch hay đền tháp ở giai đoạn này. Giai đoạn Lâm Ấp này có liên hệ nguồn gốc với nền tảng sớm hơn. Nền tảng này được phản ánh qua lớp văn hoá Gò Cấm (địa điểm sát ngay Trà Kiệu), những lớp văn hoá sớm nhất của Trà Kiệu. Lâm Ấp chịu ảnh  hưởng bên ngoài mà đặc biệt là những ảnh hưởng từ phía Bắc. Những ảnh hưởng này tiếp tục từ giai đoạn trước, song đến thế kỷ III đã có những thay đổi căn bản về cả cường độ lẫn tính chất và quy mô.
 Những kết quả khai quật Trà Kiệu và những địa điểm khác ở Hội An chứng tỏ dòng chảy văn hoá khá liên tục từ thế kỷ V trước Công nguyên đến cuối thiên niên kỷ I Công nguyên và muộn hơn. Trong đó có những điểm mốc thời gian chuyển biến văn hoá nhanh mạnh. Đó là chuyển biến từ Sa Huỳnh sang Champa sớm ở mốc từ cuối thế kỷ I trước Công nguyên đến giữa thế kỷ I Công nguyên và thời điểm từ thế kỷ III đến thế kỷ IV. Sự thay đổi về chất từ thế kỷ III trở đi tương ứng với sự hình thành cơ cấu nhà nước và từ cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ IV bắt đầu xuất hiện những kiến trúc bằng gạch và sử dụng ngói loại dải cuộn (ngói in dấu vải chỉ thấy ở giai đoạn sớm thế kỷ I-II sau Công nguyên và liên quan đến kiến trúc gỗ). Mốc tiếp theo đó là thế kỷ V-VI khi những tiểu vương quốc Champa sớm tích hợp vào vương quốc Champa (cũng vẫn theo mô hình liên minh) và hướng mạnh mẽ theo quỹ đạo văn minh Ấn Độ.
2.2.2. Thành Hồ
Di tích toà thành Chăm, nay thuộc địa phận thôn Định Thọ, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Địa điểm cách thị xã Tuy Hoà 12km, nằm bên bờ Bắc (tả ngạn) của sông Ba (Đà Rằng) và cách cửa sông Đà Rằng 15km về hướng Đông[4].
Vết tích cư trú sớm ở Thành Hồ
Tháng 7/2001, Bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội và Bảo tàng Phú Yên đã khảo sát tổng thể khu vực thành Hồ. Phía dưới Cột Cờ, trong khu vực nhà ông Nguyễn Sáu (ông Sáu Ất), thôn Định Thọ, phía bờ thành Tây, trên một khoảng đất rộng tương đối bằng phẳng, đoàn đã phát hiện một số mảnh gốm Chăm cổ, gốm thô, mềm và bở trong tầng đất sẫm màu. Qua quan sát diện phân bố của hiện vât, chất liệu và loại hình gốm  chúng tôi cho rằng đây là vết tích cư trú sớm của Thành Hồ, có thể tương đương với lớp dưới Trà Kiệu và lớp dưới Cổ Luỹ - Phú Thọ. Trên toàn bộ những di tích còn sót lại của luỹ thành còn tìm thấy nhiều gạch nguyên và vỡ, ngói, đầu ngói ống hình mặt hề, loại đầu ngói đã  được phát hiện nhiều ở lớp trên Trà Kiệu và lớp trên Cổ Luỹ-Phú Thọ.Tại địa điểm có tên gọi Thổ Đạo hay Hưng Đạo, bờ thành Đông, đoàn đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm, song chưa phát hiện thấy tầng văn hoá. Nhóm gốm có nhiều loại hình như bình, vòi Kendi, cà ràng… một số bình vò có thân trang trí văn in ô vuông, sóng nước, hồi văn, xương cá… những hiện vật gốm này khá giống các loại hình gốm Chămpa ở tầng văn hoá trên của di chỉ Trà Kiệu, Cẩm Phô (Hộ An, Quảng Nam) và một số di tích Chămpa khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… Trong sưu tập này còn có mảnh Kendi bán sứ, mảnh vò bán sứ Lục Triều… Nhìn chung bộ sưu tập này nằm trong khoảng thời gian từ thế kỷ III đến thế kỷ V CN.
Kết quả khai quật năm 2003 của Viện khảo cổ học
Hai hố khai quật đã được mở ra. Hố H1 nằm về phía Tây, khu đất cao của thành; hố H2 nằm gần về phía Đông, cả hai hố đều nằm trong khu vực dân cư và thuộc vùng đất được coi là thành Nội (Lê Đình Phụng và Phạm Văn Triệu 2004).
Các vết tích kiến trúc phát hiện được đều được xây bằng gạch theo kiểu xếp chập khối, không có chất kết dính. Vật liệu xây dựng là gạch, thường có màu đỏ, không trang trí hoa văn, đáng chú ý là sự tận dụng và tái sử dụng gạch để xây dựng. Bình đồ của các công trình này đều có hình tứ giác. Theo những người khai quật niên đại của những công trình này thuộc thế kỷ V đến VII SCN.
Di vật: Nhóm di vật liên quan đến kiến trúc như gạch, ngói âm dương, đầu ngói ống mặt hề, sư tử, kala, hoa sen, chi tiết trang trí kiến trúc con tiện gốm, đinh/chốt gốm... có nhiều nét tương đồng với hiện vật tìm thấy ở Trà Kiệu, Đồng Dương (Quảng Nam), Cổ Luỹ - Phú Thọ... và niên đại của nhóm hiện vật này thuộc thế kỷ V đến thế kỷ VII.
Đáng chú ý là nhóm đồ gốm, gốm tìm thấy tại đây theo báo cáo khai quật cũng thuộc về hai loại chất liệu. Loại thô, pha cát, nung không cao và hình dáng kế thừa từ đồ gốm văn hoá Sa Huỳnh và loại gốm có xương mỏng mịn, độ nung cao, hoa văn trang trí (in ô vuông) được xem là ảnh hưởng từ trang trí đồ gốm Hán. Trong hố khai quật cũng tìm thấy một số mảnh gốm Hán in ô vuông xương gốm mỏng mịn, độ nung cao, hoa văn in ô vuông sắc sảo, giống với gốm văn in Đông Hán ở Gò Cấm, Trà Kiệu, Suối Chình và Cổ Luỹ-Phú Thọ.
Loại hình gốm trong các lớp đào ở cả hai hố khai quật gồm bát, đĩa đáy bằng, cốc chân cao đặc, nắp vung, cà ràng, kendi... là những loại hình gốm phổ biến từ giai đoạn sau Công nguyên. Cà ràng giống như loại đã tìm được ở Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ. Trên mép chân kiềng của cà ràng Thành Hồ được trang trí văn in ô vuông.
Những mô tả đồ gốm và bản vẽ hiện vật gốm trong báo cáo khai quật rất tiếc không ghi lớp và chỉ có một số có ghi hố khai quật (Nguyễn Đính và Phạm Văn Triệu 2004), do vậy rất khó để theo dõi diến biến sớm muộn của đồ gốm từ lớp 1 đến lớp 4 trong cả hai hố. Đồ gốm tập trung trong hai lớp 2 và 3 và có lẽ những công trình kiến trúc đã làm xáo trộn các lớp văn hoá ở đây. Loại hình, chất liệu gốm và hiện vật đất nung khác ở đây cho thấy nhóm hiện vật gốm nằm trong khung niên đại từ thế kỷ II đến VII Công nguyên.
 Như vậy, diễn biến gốm ở Thành Hồ cho thấy gốm ở đây nằm trong dòng chảy chung của diễn biến đồ gốm ở miền Trung Việt Nam từ đầu thiên niên kỷ I Công nguyên.
Kết quả của những nghiên cứu và khai quật cho thấy, thành Hồ được xây dựng sớm trong lịch sử Chămpa, có quy mô xây dựng lớn, thành là một công trình kiến trúc hoàn thiện, một trung tâm lớn của cư dõn Champa  trong thời kỳ đầu lịch sử và có thể là trung tâm chính trị, kinh tế của một vùng-tiểu quốc. Trung tâm này được xây dựng và phát triển rực rỡ không thua kém bất cứ một trung tâm nào của người Chăm, tương đương với kinh đô Trà Kiệu (Quảng Nam) (Lê Đình Phụng, Phạm Văn Triệu 2004). 
Kết quả khảo sát thực địa và nghiên cứu so sánh loại hình di vật của thành Hồ với Trà Kiệu, Gò Cấm, Cổ Luỹ-Phú Thọ... cho thấy niên đại thế kỷ V-VII Công nguyên mà các nhà nghiên cứu đưa ra là niên đại của bản thân  toà thành và những công trình kiến trúc của thành. Thành Hồ được xây dựng trên khu vực cư trú sớm hơn, có thể khu cư trú này tương đương với lớp dưới của Trà Kiệu và Cổ Luỹ-Phú Thọ, có niên đại từ khoảng thế kỷ II CN. Sự có mặt của đầu ngói ống hình mặt hề có niên đại Lục Triều sớm (thế kỷ IV) tại Thành Hồ giống như những đầu ngói ống tương tự ở Trà Kiệu và Cổ Luỹ-Phú Thọ giúp chúng tôi đưa ra nhận định chung về niên đại xuất hiện của những di tích kiến trúc sử dụng đầu ngói ống loại này trong văn hoá Champa là từ thế kỷ thứ IV.
Sự đồng nhất trong tiêu chuẩn loại hình và kỹ thuật chế tác của những vật liệu xây dựng, kiến trúc như đầu ngói ống, gạch, ngói giai đoạn muộn (loại làm bằng khuôn, mặt bụng không có dấu vải, lưng có dấu văn chải, văn thừng, in ô vuông), gốm hình con tiện, chốt/đinh gốm của thời kỳ này (từ sau thế kỷ IV) cho thấy có sự thống nhất tương đối và mức độ đòng đều trong phát triển giữa các trung tâm kinh tế - chính trị của của các chính thể nhà nước sớm và nhà nước phát triển hình thành và lớn mạnh từ sau thế kỷ I, II CN.
2.3. Chuyển biến cơ cấu xã hội Champa sớm - Champa từ dữ liệu khảo cổ
Quá trình chuyển biến Sa Huỳnh - Lâm Ấp - Champa có liên quan mật thiết với những chuyển động và biến động chính trị- kinh tế của khu vực. Áp dụng những lý thuyết - mô hình dạng tiền nhà nước - nhà nước sớm khác nhau trên thế giới, các học giả nghiên cứu về Đông Nam Á đã thử đưa ra nhiều mô hình cho khu vực này từ cấu trúc lãnh địa đến sự hình thành các mandala và liên minh của các mandala. Tuy còn khá nhiều ý kiến tranh luận về nội hàm của các khái niệm và sử dụng khái niệm phổ quát chung cho toàn thế giới về tiến hoá xã hội ở Đông Nam Á, song đa số các nghiên cứu về sự hình thành các chính thể Đông Nam Á ít nhiều đều áp dụng những thuật ngữ như lãnh địa, nhà nước sớm, nhà nước khi đề cập tới các tầng bậc thấp cao của tính phức hợp xã hội. Những đặc thù riêng của Đông Nam Á như tính không đồng nhất trong phát triển, mật độ dân số không đồng đều, số dân ít, sự cắt rời lãnh thổ và đa tộc người đã được nhiều học giả quan tâm đúng mức khi nghiên cứu quá trình chuyển biến xã hội dẫn tới sự hình thành của nhà nước.
Quá trình chuyển biến từ những lãnh địa sang nhà nước sớm dạng mandala sang vương quốc Champa diễn ra trong vài thế kỷ từ thế kỷ II đến thế kỷ VI Công nguyên. Mặc dù bản chất của giai đoạn quá độ này chưa thể nhận biết một cách rõ ràng nhưng thư tịch và tài liệu khảo cổ mà chúng ta có cho đến hiện nay đều chứng tỏ đây là quá trình phát triển xã hội nội tại trong bối cảnh chung của khu vực và chịu tác động của một số yếu tố từ bên ngoài. Đây cũng là quá trình của những mối quan hệ liên minh, thu phục và chiếm lấn lẫn nhau giữa các lực lượng nội tại nhằm mục đích một mặt đối trọng với những thế lực bên ngoài và mặt khác thu nhận (bằng những cách thức cưỡng bức và tự nguyện) những mô hình tổ chức chính trị từ nơi khác (ban đầu là của Trung Hoa và muộn hơn là của Ấn Độ). Mút cuối của quá trình này là sự nổi lên của vương quốc Champa trên chính trường Đông Nam Á .   
Đây là thời kỳ có rất nhiều những thay đổi trong cả hai lĩnh vực, hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc. Đây cũng là thời kỳ mà các cộng đồng cư dân ở Đông Nam Á tăng cường các mối tiếp xúc, quan hệ với nhau và với thế giới bên ngoài. Cả Đông Nam Á bằng nhiều cách khác nhau dần tiếp hợp với mạng lưới hải thương quốc tế, chịu tác động của chính sách bành trướng của nhà Hán (Trung Hoa) và chiến lược ngoại giao qua buôn bán và truyền bá tôn giáo của các quốc gia cổ đại Ấn Độ. Miền Trung Việt Nam với vị thế trung lộ và đường bờ biển dài không thể nằm ngoài vùng tác động của những yếu tố này. Vị thế cầu nối bắc nam và cả đông tây ở bán đảo Đông Dương đã làm cho vùng đất này chịu tác động của những luồng văn hoá, sóng dịch chuyển dân cư không chỉ một lần và không chỉ của một văn hoá đơn lẻ.
Nếu xét từ phương diện lịch sử, có vẻ như có một sự thay đổi  khá đột ngột trong cấu trúc chính trị của những xã hội giữa thời tiền, sơ sử và lịch sử, với sự hình thành của những chính thể dạng nhà nước. Tuy vậy, từ góc độ khảo cổ, chúng ta có thể thấy có một sự tiếp nối đáng kể giữa hai thời kỳ này. Nói một cách khác sự phát triển kinh tế - xã hội thời sơ sử là cơ sở nền tảng cho sự hình thành nhà nước ở giai đoạn muộn hơn. Sự phát triển của những thiết chế chính trị phân tầng, sự chuyên hoá về sản xuất kinh tế và sự tiến hoá của xã hội dựa trên cơ sở giai cấp trong khoảng một thiên niên kỷ đã góp phần đáng kể vào việc nảy sinh những nhà nước sớm ở nhiều vùng của Đông Nam Á (Lâm Thị Mỹ Dung 2008). Mặc dù bản chất và thời gian của những thay đổi này ở Đông Nam Á không đồng nhất, nhưng nhìn chung cho đến giữa thiên niên kỷ I Công nguyên ở Đông Nam Á lục địa nhiều chính thể phức hợp đã được hình thành.
Dựa trên sự phân bố của các địa điểm khảo cổ học, đặc biệt là dọc theo bờ biển và theo lưu vực các sông lớn, vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ I Công nguyên, có thể thấy rằng duyên hải và các lưu vực sông và cả sâu ở trong nội địa ở Trung và Nam Trung bộ Việt Nam đã hình thành và phát triển một số khu vực cư trú-mộ táng lớn như những  phức hợp chính trị được tổ chức tập trung theo vùng với hệ thống phân tầng khá phát triển, những phức hợp này có thể được gọi bằng khái niệm lãnh địa
Từ thế kỷ I đến thế kỷ II  Công nguyên - thời kỳ mà Bắc và một phần Nam Trung bộ thuộc quận Nhật Nam. Đây là thời gian chứng kiến những chuyển biến từ lãnh địa sang cơ cấu xã hội dạng nhà nước sớm. Chuyển tiếp từ lãnh địa sang mandala hay negara theo cách dùng khái niệm mang tính đặc thù khu vực của một số nhà nghiên cứu. Bên cạnh những điều kiện nội sinh như nền tảng kinh tế phát triển kéo theo những chuyển biến về chất trong lực lượng sản xuất cũng như quan hệ sản xuất dẫn đến chuyển biến trong cơ cấu xã hội thì chúng ta cũng không thể không lưu ý tới bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Đó là sự suy yếu của nhà Đông Hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số cộng đồng cư dân nổi dậy khởi nghĩa lập ra chính quyền của mình. 
Giai đoạn tương đương Lâm Ấp cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ V là thời kỳ của mandala sớm. Sự kiện quan trọng được sử chép đó là Phạm Văn cố vấn cho Phạm Dật có nhiều yếu tố liên quan đến văn hoá Hán (người Hán từ Giang Châu hay người Lâm Ấp nhưng sống ở Trung Quốc và hấp thu văn hoá Hán theo như Coedes). Sử cũ còn ghi “Đời Thái Khang (280-290), vua Lâm Ấp là Phạm Dật sang Trung Quốc tiến cống, Dật có người nô lệ là Văn đi theo, rồi sau đó thường qua lại buôn bán, thấy được chế độ văn minh của thượng quốc, khi trở về Lâm Ấp bèn dạy cho Dật xây cung thất, thành quách và chế khí giới” (Dẫn theo Đào Duy Anh 1994: 69). Tư liệu khảo cổ học từ những địa điểm Champa sớm có niên đại từ thế kỷ I-III Công nguyên như Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ... cho thấy sự tham góp của những yếu tố văn hoá Hán trong làm gốm, sản xuất vật liệu xây dựng và xây đắp thành...
Từ khoảng cuối thế kỷ IV, những xã hội này dần tiếp thu mạnh mẽ hơn những yếu tố văn hoá Ấn Độ và về phương diện chính trị đây cũng là thời gian chuyển biến sang mô hình Nam (Ấn Độ) mandala thực sự, quá trình chuyển hướng chính trị và tôn giáo này đã dẫn đến sự nổi lên của Champa trên chính trường Đông Nam Á vào thế kỷ VI. Tiếp xúc và trao đổi với văn hoá Ấn Độ tăng mạnh được ảnh xạ qua sự có mặt của hàng loạt những bi ký chữ Phạn, những điêu khắc đồng đá Phật giáo, Blamon giáo ở Trung và Nam Trung bộ. Ngoài tư liệu khảo cổ, sử liệu cổ cũng ghi nhận từ sau  Khu Liên (tức thế kỷ III trở đi) sứ Lâm Ấp đã dùng “ chữ viết Hồ- Ấn Độ” trong văn thư. Đây là quá trình chuyển biến tạo nên những thay đổi lớn tuy không có những xung đột mạnh mẽ hay thay đổi đột ngột và cũng không hẳn là sự thay thế hoàn toàn mô hình cũ bằng mô hình mới. Đây cũng là hiện tượng chung cho Đông Nam Á và thế kỷ V chứng kiến những thay đổi về thể chế có tính chất mạnh mẽ ở Đông Nam Á (Stark  M 1998: 86).
Do sự phát triển không đồng đều và cũng do sự khác biệt trong đầu mối và cường độ tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên sự hình thành nhà nước sớm đã diễn ra không đồng thời. Ở những vùng châu thổ sông lớn và duyên hải của Đông Nam Á lục địa những nhà nước được hình thành sớm hơn và phát triển mạnh hơn so với những vùng khác của khu vực.
Cho tới thời điểm hiện nay, đã có thể xác định ba trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế  phân bố ở các lưu vực sông lớn ở Trung và Nam Trung bộ Việt Nam. Đó là Trà Kiệu, Cổ Luỹ - Phú Thọ và Thành Hồ. Trong đó Trà Kiệu được xây dựng trên một cơ tầng văn hoá sớm có niên đại cận kề với niên đại kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh. Tầng văn hoá sớm nhất ở Cổ Luỹ - Phú Thọ và Thành Hồ tuy có niên đại muộn hơn chút ít so với Trà Kiệu nhưng cũng cho thấy tất cả những trung tâm này đều được phát triển và mở rộng từ cơ tầng văn hoá bản địa có niên đại khởi đầu muộn nhất là từ nửa sau thế kỷ I Công nguyên. Những tương đồng trong diễn biến liên tục từ tầng văn hoá sớm đến tầng văn hoá muộn (cả di vật và di tích) ở ba trung tâm này (và ở nhiều địa điểm Champa sớm khác) minh chứng cho nguồn gốc bản địa và mức độ phát triển tương đương trong các lĩnh vực kinh tế-chính trị-văn hoá của các cộng đồng dân cư ở những vùng lưu vực sông lớn ở Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam trong suốt 10 thế kỷ đầu Công nguyên và muộn hơn.
     Những di tích và di vật khảo cổ cùng những ghi chép trong thư tịch cổ cũng cho thấy vai trò quan trọng của tiếp xúc, trao đổi và tiếp biến văn hoá giữa các trung tâm này và giữa chúng với khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Đông Á tạo nên những chuyển biến kinh tế - chính trị - xã hội của vương quốc Champa ở một số mốc thời gian quan trọng. 
Chú thích
Những minh hoạ không ghi nguồn trong bài do Đặng Hồng Sơn, Nguyễn Hồng Kiên và các tác giả bài viết thực hiện.

Tài liệu dẫn

Đào Duy Anh 1994. Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb. Thuận Hoá.
Đoàn khảo sát Phú Yên, 2002, Kết quả khảo sát khảo cổ học tỉnh Phú Yên, tháng 7 năm 2001, NPHMVKCH năm 2002, 792-797.
Đoàn khảo sát Phú Yên, 2002, Kết quả khảo sát thành Hồ tháng 7 năm 2001, NPHMVKCH năm 2002, 798-800
Parmentier H., 1909. Inventaire Describtif des Monuments Cams de l’ Annam. Volume I. Paris.
Đoàn Ngọc Khôi 1998. Báo cáo đào thám sát khảo cổ học địa điểm núi Phú Thọ - Cổ Luỹ. Tư liệu khai quật của  Bảo tàng Quảng Ngãi. Quảng Ngãi.
Lâm Mỹ Dung, Đặng Hồng Sơn 2005. Báo cáo khai quật khảo cổ học di tích Cổ Luỹ - Phú Thọ (Quảng Ngãi). Tư liệu Bảo tàng Nhân học, trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội.
Yamagata Mariko 1998. Formation of Linyi. Journal of Southeast Asian Archaeology . N0.18: 51-89.
Lâm Thị Mỹ Dung 2008. Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ Sơ sử sang lịch sử sớm ở miền Trung Trung bộ và Nam Trung bộ Việt Nam. Báo cáo Đề tài khoa học trọng điểm QGTĐ.06.07. Tư liệu Bảo tàng Nhân học, trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội.
Stark Miriam 1998. The Transition to History in the Mekong Delta : A View from Cambodia. International Journal of Historical Archaeology, Vol.2, No. 3.
Stark  Miriam 2000. Pre - Angkor Earthenware Ceramics from Cambodia’s Mekong Delta. Udaya. Journal of  Khmer Studies 1: 69-90.
He Yunao 2003 Tile Ends with Human and Animal Faces of the Six Dynasties Unearthed in Nanjing. Cultural Relics No.7. (tiếng Trung).
Lê Đình Phụng và Phạm Văn Triệu 2004. Báo cáo khai quật khảo cổ học di tích Thành Hồ (Phú Hoà, Phú Yên). Tư liệu Viện Khảo cổ học. Hà Nội.
Nguyễn Đính và Phạm Văn Triệu 2004. Phụ lục báo cáo khai quật khảo cổ học di tích Thành Hồ (Phú Hoà, Phú Yên). Tư liệu Viện Khảo cổ học. Hà Nội.



Cổ LUỹ–Phú Thọ (Quảng Ngãi) in the context of Champa archaeology
in the early half of the first Christian millennium
                  Lâm Thi Mỹ Dung, Nguyễn Anh Thư
The paper consists of two parts. One introduces the excavated results of Cổ Luỹ - Phú Thọ site and the other highlights some practical and theoretical issues of early state emergence and transition to history in Central Vietnam. These issues have been resolved by using the comparative studies of three archaeological complexes of Trà Kiệu, Cổ Luỹ - Phú Thọ và Thành Hồ.
Cổ Luỹ - Phú Thọ site is located at Nghĩa Phú village, Tư Nghĩa district and Quảng Ngãi province. This site was first reported by H. Parmentier. Then, the site was test-excavated in 1998 and officially excavated in 2004. The archaeological vestiges are distributed on the high areas in the T – junction of Trà Khúc and Phú Thọ rivers. This is multifunctional archaeological site dated from the end of AD 1. The early habitation layer was from the end of AD 1 to the end of AD 3. The brick and tile architectural features appeared in the upper cultural layer and belonged to two phases. The early architectural phase dated to the AD 4 and the late one dated to the AD 5. The tile - ends decorated with the human face found in the late architectural phase were similar to those found in Nanjing (China), Tam Thọ kiln and Luy Lâu citadel (Northern Vietnam), Trà Kiệu (Quảng Nam province) and Thành Hồ (Phú Yên province).
The results obtained from Cổ Luỹ - Phú Thọ site have been interpreted by using cross-cultultural research methods, which led us to the recognition of three early Cham centers located on three main river deltas: Trà Kiệu was in Thu Bồn river delta, Cổ Luỹ - Phú Thọ was in Trà Khúc river delta and Thành Hồ - Đà Rằng was in Đà Rằng river delta. Of these, Trà Kiệu was the earliest, established on the habitation layer from the beginning of AD 1. The earliest habitation layers of Cổ Luỹ- Phú Thọ and Thành Hồ were slightly later than Trà Kiệu. However, both Cổ Luỹ- Phú Thọ and Thành Hồ sites came into existence and developed in the local cultural base.
            The similarities in the continuous process from the early to the late cultural layers in these three centres (and other Cham sites) demonstrate the indigenous origin and the equivalent development in the economic, political and cultural aspects of the people communities settled in the main river deltas in Central Vietnam during the 10 centuries AD.












[1] Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đây là phức hợp di tích cư trú, đền tháp, thành luỹ của giai đoạn từ TK 1 đến thế kỷ 9,10. Lớp văn hoá sớm nhất ở đây có niên đại khoảng nửa đầu TK 1 CN.
[2] Bên cạnh địa điểm này ở Quảng Ngãi còn có những địa điểm Champa từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn, có thể xem những báo cáo khảo sát và khai quật về đảo Lý Sơn, các huyện Bình Sơn, Đức Phổ… của Viện Khảo cổ học.
[3] Theo chúng tôi, miền Trung giai đoạn này không phải chỉ có ba trung tâm như đề cập ở đây. Như ở bắc Đèo Hải Vân, TP. Huế có nhiều khả năng có một trung tâm nữa với đại diện Thành Lồi, ở Bình Định với những thành như  thành Tra, cảng Thi Nại… tuy nhiên do chưa có những khảo sát khảo cổ học chi tiết, chúng tôi tạm chỉ báo cáo về những địa bàn đã được khảo sát khảo cổ học những năm gần đây, mặc dù mức độ khảo sát ở từng trung tâm là khác nhau.
[4] Bên cạnh toà thành này, ở Phú Yên có khá nhiều di tích Champa sớm và Champa phát triển khác (Đoàn khảo sát Phú Yên, 2002, 792-797)

Minh hoạ