Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

ĐỀ NGHỊ TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ VIỆC LÀM CẦU VƯỢT QUA ĐÀN TẾ XÃ TẮC, NHÀ CHÁU THÀNH DÂN OAN


By Nguyễn Hồng Kiên
 
Sau khi cùng một số báo chí lên tiếng về viêc Hà Nội có ý định xây cầu vượt qua khu di tích đàn tế Xã Tắc ở phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội), nhà cháu nhận thấy thật khó đạt đến được một giải pháp hài hòa các đòi hỏi về bảo tồn di sản và phát triển.
Các nhà văn hóa khẳng định làm cầu vượt là vi phạm luật Di sản.
Các nhà quản lý ủng hộ việc xây cầu vượt thì quyết nói rằng
việc này không hề xâm hại đến di tích, không phạm luật.


Nhà cháu đã đề cập với bạn bè làm bên truyền hình nên làm một cuộc tọa đàm, mời các chuyên gia các ngành, gặp gỡ-đối thoại trực tiếp để những người có trách nhiệm có thể lắng nghe.
Không hiểu sao, câu trả lời nhà cháu nhận được lại là: - Chuyện nhạy cảm, để từ từ !
Không chỉ vì hoàn toàn thất vọng về "quyền lực thứ tư", nhà cháu nhận ra rằng cần có ý kiến thẳng tới các cơ quan nhà nước liên quan, đề nghị những vị có trách nhiệm tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về việc này.

Đúng hôm Giỗ Tổ, nhà cháu ngồi viết ĐƠN.
Nguyên văn:


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hanh phúc
                                 -----

ĐƠN ĐỀ NGHỊ TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC
VỀ VIỆC XÂY CẦU VƯỢT QUA
KHU DI TÍCH ĐÀN XÃ TẮC THĂNG LONG

Kính gửi: - Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam,
- Ông Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam,
- GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam,
- GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam,
- PGS-TS Tống Trung Tín, Việntrưởng Viện Khảo cổ học
Việt Nam,
- Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải,
- Ông Hoàng Tuấn Anh , Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Thể Thao và Du Lịch,
- Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội,

Tôi là Nguyễn Hồng Kiên, tiến sỹ Sử học, hiện công tác tại Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam),
Tôi viết đơn này đề nghị các ông cho tổ chức một hội thảo khoa học về việc xây cầu vượt qua khu di tích đàn tế Xã Tắc Thăng Long các thời Lý - Trần - Lê.

LÝ DO:
Đây là một di tích lịch sử quốc gia (đã được xếp hạng bảo vệ theo quyết định số 15/2007/QĐ-BVHTTDL, ngày 07/12/2007).
Ngày 14/2/2007 Văn phòng Chính phủ đã có “Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo tồn khu di tích Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao, Hà Nội” :

1. Đàn Xã Tắc là di tích lịch sử gắn với Kinh thành Thăng Long, có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, cần phải được bảo tồn một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tếvà khả năng cụ thể của địa phương… "Sau đó di tích đã được tạm lấp đi để làm đường.
Hiện nay, để tiếp tục xây dựng đường vành đai I, có phương án làm cầu vượt qua khu di tích này.
Ban quản lý các dự án trọng điểm của UBND Hà Nội cho biết đã có văn bản thỏa thuận của Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, và đảm bảo không xâm phạm,mà chỉ có lan can cầu chờm lên di tích 1,5m.

Là người được giao phụ trách cuộc khai quật khu di tích này vào cuối năm 2006-đầu năm 2007, tôi khẳng định điều đó không đúng sự thật.

Chưa bàn tới các vấn đề Văn hóa và Tâm linh, tôi khẳng định đang có sự cố tình đánh đồng khu vực bảo vệ di tích với cái đảo giao thông hiện nay. Qua báo chí, nhiều nhà khoa học và tôi đã có ý kiến về việc này, nhưng nhiều quan chức Hà Nội và Bộ VHTTDL vẫn cho rằng di tích không bị xâm hại.

Để có thể bảo tồn một di tích cực kỳ quan trọng của đất nước, đồng thời vẫn đảm bảo phát triển giao thông, tôi kính đề nghị các ông sớm cho tổ chức một hội thảo để các chuyên gia các ngành có thể trao đổi trực tiếp, nhằm tìm ra một phương án tốt nhất.

Tôi rất mong hội thảo đó sẽ được tổ chức TRƯỚC KHI có quyết định xây cầu vượt hay không.
Xin chân thành cám ơn !
                                                         

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2013
Người làm đơn
Nguyễn Hồng Kiên




Viết xong đơn, định đi gửi nhưng bưu điện cũng nghỉ lễ.
Hôm nay, đầu tuần làm việc mới, nhà cháu quyết định sẽ mang đơn thư đến tận các địa chỉ muốn gửi.




Thật tình, từ bé nhà cháu chưa VÀO CỬA QUAN đề nghị, xin xỏ việc gì nên cũng thấy khá căng thẳng. Và cũng vì thuận đường nên cơ quan chủ quản cấp trên của cơ quan nhà cháu đang công tác (Viện Khảo cổ) là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chính là nơi nhà cháu đến đầu tiên.
Văn thư của Viện Hàn lâm KHXH coi nhà cháu như người nhà nên việc trao nhận rất nhanh chóng, đơn giản. Khi nhà cháu tỏ ý muốn được ghi nhận chuyện đã chuyển/nhận trên một văn bản LƯU, cũng được đáp ứng tối đa.
 
"Văn thư đã nhận 9h k 10Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Trần Thị Minh Phương
"



Phấn khởi vì khởi đầu thuận lợi, nhà cháu tự thưởng bằng cách nghỉ, đi ăn sáng. Sau một bát
tái gầu thơm ngon 35.000VNĐ, nhà cháu thêm tự tin bước vào Văn phòng Quốc hội.
Cũng 'ngon lành'. Chỉ có tý trục trặc khi nhà cháu yêu cầu ĐƯỢC GHI NHẬN.
Cô văn thư không đồng ý ghi như văn thư Viện Hàn lâm KHXH VN.
Lý do: KHÔNG ĐƯỢC PHÉP MỞ THƯ GỬI NGƯỜI KHÁC, nên không biết trong đó có đúng là cái đơn lưu mà nhà cháu xuất trình. Bởi vậy, cô ấy lấy một tờ giấy trắng, viết rõ ràng:
"9h30' Ngày 22/4/2013, Phòng Văn thư 37 Hùng Vương, Văn phòng Quốc hội nhận 01 bì của anh Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) gửi đ/c Nguyễn Hạnh Phúc
Ký nhận
Phạm Thị Hồng Nhung"

Thái độ đúng mực, chữ nghĩa rõ ràng, có thể nói là đẹp của cô văn thư Văn phòng Quốc hội làm nhà cháu thêm phấn khởi đi sang Văn phòng Chính phủ.

Khi nhà cháu đang trình bày lý do với chú mặc cảnh phục ngay ở cổng sắt thì có đến 3-4 chú mặc thường phục từ trong ào ra, mặt mũi không có chút thiện chí nào. Một chú béo béo giật lấy cái phong bì trên tay chú mặc cảnh phục, hất hàm hỏi nhà cháu: - Ông viết gì trong này?
Nhà cháu cười bảo: - Chú mày là ai mà đòi biết? Đọc được đấy là gửi cho ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không? Đưa cái thư đây !

Chú béo ấy lủi đi chỗ khác. Nhưng chú cảnh sát bảo vệ nhất định không cho nhà cháu vào để chuyển đơn thư cho văn thư.
Sau một hồi thuyết phục, thậm chí nói rõ cả chuyện khảo cổ-di sản-cầu vượt... nhà cháu được yêu cầu ra khỏi hàng rào sắt, cùng lời khuyên :
- CHÚ VỀ GỬI QUA BƯU ĐIỆN ẤY
! Ở đây không nhận kiểu này !
Chả biết làm gì khác, nhà cháu quay xe đi.

Đến trụ sở Bộ Giao thông Vận tải (80 Trần Hưng Đạo), nhà cháu chuẩn bị tinh thần sẽ gặp khó, thì lại không có chuyện gì. Văn thư bộ này cũng chấp thuận việc ghi nhận:
10h ngày 22/4/2013, p.HC-VP Bộ GTVT nhận 01 bì thư của anh Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ) gửi BT
Ký nhận
Nghiêm Thị Thủy

(Cô Thủy này xinh phết, nhưng mặt mũi nghiên trọng, và chữ xấu quá)


Nhà cháu về 51 Ngô Quyền. Từ xa đã thấy một đám đông, khá nhiều người to tiếng, có cả màu áo công an... ngay trước cổng bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch.
Nhà cháu lách qua đám người, đẩy xe vào cổng thì bị yêu cầu ra để xe ngoài vỉa hè. Ô hay, hồi nhà cháu còn thuộc Bộ Văn hóa,
vưỡn được đưa xe máy  vào trong cổng cơ mà nhể?
À quên,
nhập cả Thể thao và Du lịch vào Văn hóa nên ô tô đỗ kín cả còn đâu chỗ cho xe máy.
Gửi xong xe, nhà cháu quay lại cổng và chộp được mấy ảnh này:





Thì ra là dân đến đòi gặp Bộ trưởng mà không được vào nên ngồi luôn ở cổng, TRÌNH BÀY chuyện đình Ngu Nhuế bị phá hoại.
Nhà cháu bật cười khi có bác đi qua, buông một câu:- Lại có cả dân oan văn hóa !
Thấy nhà cháu VẤN VƯƠNG, có một người mặc thường phục ra vỗ vai nhắc:
- Anh có việc vào bộ thì vào đi !

Đành đi vào, vì nhà cháu cũng đang là Dân Oan Văn hóa đây.
Chuyện trao nhận ở Văn thư Bộ VHTTDL cũng không có trắc trở gì. Nhà cháu lại được viết thêm vào tờ 'chứng từ':
10h15' ngày 22/4/2013, P.HCTC-Văn phòng Bộ VHTTDL đã nhận 01 bì thư của anh Nguyễn Hồng Kiên (Viện VH-Khảo cổ học) gửi Bộ trưởng
Người nhận
Ninh Thị Hân

(Cô Hân này đã không xinh, chữ viết cũng chả ra sao. Nhà cháu không có ghi nhận nào về nhan sắc)

Nhóm các cụ các bác ngoài cổng bộ vưỡn chả có ai tiếp. Nhưng nhà cháu cũng khó làm gì giúp họ được, đành đi tiếp về trụ sở UBND Hà Nội.
Nhà cháu bị trạm bảo vệ cật vấn khá kỹ:
Gửi công văn hay đơn thư, bảo để còn chỉ cho đúng chỗ. Nhà cháu trả nhời chung chung: Vào gửi giấy tờ về chuyện Khảo cổ.
Đến nơi có ghi cái gì đó nhà cháu không nhớ hết, chỉ nhớ là có chữ MỘT CỬA. Thấy có 1 ông đang làm việc với một bà trong của kính, nhà cháu lui lại chờ, thì được chỉ sang 'ghi-sê' bên cạnh. Một cô áo đen ngồi sau cái ô kính vòm cong, nhận cái phong bì từ tay cháu lập tức thọc kéo cắt phăng, lôi thư ra đọc, rồi trả lời không thể ngắn hơn:
- Đơn thư thì sang bên tiếp công dân
34 Lý Thái tổ!
Nhà cháu ngỡ ngàng: - SAO CHỊ BÓC THƯ CỦA TÔI ? Tôi có gửi cho chị đâu ?
Trả lời: - CHÚNG TÔI ĐƯỢC QUYỀN BÓC !
Nhà cháu cố nín nhịn, trình bày cụ thể chuyện đơn thư của mình không phải là khiếu kiện gì thuộc về cá nhân mà là về chuyện CHUNG của Thủ đô/đất nước.
Câu trả lời không thay đổi: -
Mời anh sang bên 34 Lý Thái tổ!

Ô hô, nhà cháu chót cười khái niệm "
dân oan văn hóa " nên thành Dân Oan thật rồi !
Thì đi sang bên DÂN OAN vậy.

Văn phòng tiếp dân không đông lắm, chỉ khoảng chục người, phần lớn là người già. Một cụ bà đang lớn tiếng kể lể, chửi bới lừa cụ không biết chữ cướp đất của cụ...
Hỏi ghi tên xếp hàng ở đâu, bác bên cạnh bảo có tờ giấy nhưng người ta cầm vào rồi, mà sắp hết giờ buổi sáng, bác ấy còn chả biết có đến lượt...
Nhà cháu bỏ ra sân hút thuốc vì không biết làm gì nữa.
Chợt điện thoại reo. Bác người quen nhắn cho cái số đi dộng của ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Nhà cháu bấm gọi mà chả tin lắm nhưng không ngờ lại được trả lời.
Ông Đam có vẻ bực mình khi nghe nhà cháu kể:
- Sao lại thế? Sao lại phải gửi bưu điện? Anh đang ở đâu để tôi gọi cho văn phòng ?
Nhà cháu hẹn sẽ quay lại số 01 Hoàng Hoa Thám sau 5 phút.

Đến nơi, kể lại chuyện với chú cảnh sát, nhưng vẫn không có gì thay đổi.
Nhà cháu bấm lại cho ông Đam. Lại được bảo chờ, sẽ gọi cho văn phòng xử lý.
10 rồi 15 phút trôi qua, ông cháu cảnh sát nhìn nhà cháu với vẻ chế diễu pha chút thách thức và lại yêu cầu nhà cháu đưa xe lên vỉa hè, ngoài hàng rào. Nhà cháu đành nhắn tin cho ông Đam: - Nếu được, xin gặp anh 5 phút! Trả lời: - Tôi không có nhà.
Đang thất vọng định đi về vì đã gần 11g30' thì có một ông tóc muối tiêu ra hỏi, rồi nhận phong bì, bảo sẽ chuyển tận tay anh Đam.
Nhà cháu 'khách sáo': - Phiền anh quá, đáng ra tôi có thể chuyển cho văn thư
Bác ấy cười xòa: - Không sao, anh về nhé !
Thì chả về, chứ quay lại chỗ tiếp dân oan của Hà Nội thì cũng hết giờ rồi?

Chiều, 14g nhà cháu lên lại 34 Lý Thái tổ. Vắng ngắt, chỉ có 01 cô gái đang được tiếp.Nhà cháu chờ khoảng 15 phút. Ông cán bộ sau khi nghe trình bày, không nhận đơn dù không xem đến đơn, khuyên nhà cháu về gửi qua bưu điện, vì chỗ ông ấy KHÔNG CÓ CHỨC NĂNG NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT chuyện của nhà cháu (!?)

Ô hô, nhất ông Bưu điện, nhì ông Bưu điện, ba vưỡn ông bưu điện...

Thì nhờ ông bưu điện thôi chứ biết sao giờ, dù khi mới về làm Thị trưởng,
ông Thảo đã có mời nhà cháu lên nói lại về khu di tích đàn tế Xã Tắc cho ông ấy và bộ sậu nghe. Hôm ấy, cái máy chiếu của hội trường UBND Thành phố hỏng, ông ấy xem PowerPoint trực tiếp trên laptop của nhà cháu ! Nhưng đấy là một câu chuyện dài khác, xin sẽ kể sau.

Vầng, thư Phát Chuyển Nhanh
nhà cháu gửi lúc 15g43' cho ông Thảo đây ạ:




Buổi trưa, lúc 11g51' khi đang đi đường, nhà cháu nhận tin nhắn từ báo Đất Việt về bài mới lên mạng:
"Cục Di sản:Hà Nội phải đề xuất bảo vệ Đàn Xã Tắc!
(ĐVO) - "Có bảo vệ toàn bộ khu vực đàn Tế Xã Tắc hay không thì thành phố Hà Nội phải để xuất, đưa ra phương án quy hoạch, lúc đó Bộ mới xem xét khoanh vùng và bảo vệ" - Ông Trần Đinh Thành - phó Trưởng phòng quản lý di sản - Cục di sản văn hóa- Bộ Văn hóa cho biết về dự án thi công cầu vượt tại ngã 5 Ô Chợ Dừa vượt lên đầu di tích đàn Xã Tắc." http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/201304/Cuc-di-sanHa-Noi-phai-de-xuat-bao-ve-dan-Xa-Tac-2345699/

À, ông phó Trưởng phòng quản lý di sản - Cục Di sản văn hóa PHẢN PHÁO ông Phó trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội đây mà.
Hôm 18/4, ông Nguyễn Hoàng Long (Phó trưởng Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội) BẢO:  "Cục di sản lên tiếng đi, lập chương trình quốc gia để chứng minh giá trị văn hóa đi, trên cơ sở đó đưa ra đề xuất khoanh vùng các điểm cần bảo tồn, bảo vệ đi. Chứ như hiện nay, hoàn toàn thụ động, cách làm ăn xổi..." (http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/201304/Ha-NoiBao-ton-dan-Xa-Tac-Cuc-di-san-len-tieng-di-2345453/)



ÔI, THÊM MỘT LÝ DO NHÀ CHÁU MONG CÁC VỊ CÓ TRÁCH NHIỆM SỚM ĐỒNG Ý TỔ CHỨC HỘI THẢO.
ĐỂ MỌI CHUYỆN ĐƯỢC SÁNG TỎ !
ĐỂ NHÀ CHÁU KHÔNG CÒN LÀ DÂN OAN VĂN HÓA !
ĐỂ DI SẢN CÓ THỂ ĐƯỢC BẢO TỒN !


UM MANI PADME HUM !

Nguồn: http://www.facebook.com/notes/nguy%E1%BB%85n-h%E1%BB%93ng-ki%C3%AAn/%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-h%E1%BB%99i-th%E1%BA%A3o-khoa-h%E1%BB%8Dc-v%E1%BB%81-vi%E1%BB%87c-l%C3%A0m-c%E1%BA%A7u-v%C6%B0%E1%BB%A3t-qua-%C4%91%C3%A0n-t%E1%BA%BF-x%C3%A3-t%E1%BA%AFc-nh%C3%A0-ch%C3%A1/408030309304583

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét