Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Vickery và "Champa Revised"

 Note của Nguyễn Trường Giang

            Trong bài viết trước thì tôi đã giới thiệu về những nội dung cơ bản của công trình nổi tiếng Le Royaume de Campa được viết bởi G.Maspero. Công trình đó, trong một thời gian rất dài, đã được coi là một tài liệu tham khảo chính cho tất cả những ai nghiên cứu về Campa và cả về Đông Nam Á. Chẳng hạn, sau này các sách của Majumdar, G.Coedes và D.G.Hall đều viết lại lịch sử Campa dựa trên cuốn sách này. Các học giả Việt Nam nghiên cứu về Campa sau này về cơ bản cũng dựa trên cuốn sách này, những nhận định được đưa ra bởi Maspero được coi như là những “nhận xét tiêu chuẩn” và “chính xác”, -cho dù đôi khi nó rất thiếu chính xác. Cuốn sách của Maspero ra đời thực sự là một bước ngoặt trong nghiên cứu lịch sử Campa, và nó xứng đáng được tôn vinh như là một trong những cuốn sách lớn. Cuốn sách đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình vào thời điểm đó.
        Tuy nhiên, những cách diễn giải của Maspero về lịch sử Campa, cũng như là của G.Coedes và D.G.Hall về lịch sử Đông Nam Á, hiện nay không còn được giới sử học quốc tế sử dụng nữa. Rất nhiều công trình mới đã ra đời để thay thế cho các công trình được viết bởi các học giả thời kỳ thực dân. Đối với vấn đề nghiên cứu lịch sử Campa trên bình diện quốc tế, có thể chia ra làm ba thời kỳ, hay ba trường phái chính: 1.Các công trình được viết bởi các học giả thời thực dân, trong đó đại diện tiêu biểu nhất là công trình của G.Maspero như đã giới thiệu; 2.Các công trình được viết bởi trường phái mà Bruce Lockhart đã định danh là EFEO-Revisionists,[1] hay trường phái xét lại của EFEO, tiêu biểu là cuốn kỷ yếu hội thảo Copenhaghen, Luận án của TS Po Dharma[2] và đặc biệt là cuốn sách của GS Lafont[3]; và trường phái thứ ba, tôi định danh là NEO-Revisionists, thế hệ những nhà nghiên cứu Campa chịu ảnh hưởng của trào lưu “autonomous history” đề xướng bởi J.Smail[4], hay “Sociological school” như J.W.Christie[5] đã định danh để chỉ những hướng nghiên cứu của O.W.Wolters,[6] C.Geertz,[7] B.Bronson… Các công trình đại diện tiêu biểu cho trường phái thứ 3 này có thể kể đến luận án của W.Southworth[8], Công trình về Mỹ Sơn do Andrew Hardy chủ biên[9] và cuốn sách The Cham of Vietnam do Tran Ky Phuong va Bruce Lockhart biên tập.[10] Mỗi một trường phái nêu trên đều có những thế mạnh riêng của mình và đều có những đóng góp quan trọng cho việc phát lộ những tri thức mới và nhận thức mới về lịch sử của Campa.Với “lợi thế của người đi sau”, thì hai trường phái xét lại đã đánh giá lại những công trình của các học giả thực dân tiên phong, chỉ ra những sai lầm và thiếu sót của các công trình này, đồng thời đề xuất những cách diễn giải mới về lịch sử của Campa. Trong bài viết này, tôi chỉ giới thiệu qua về một đại diện của trường phái thứ ba, hiện đang được coi là standard narrative mới về lịch sử Campa: M.Vickery.
           Có thể nhận thấy rằng, narrative về lịch sử Campa được viết ra bởi Vickery gần đây đang trở thành một narrative mới, và được các học giả chấp nhận để thay thế cho narrative của Maspero. Lý do tôi nói vậy là bởi vì các narrative của Vickery được đăng trong các công trình nghiên cứu lớn về Campa gần đây.[11] Vậy nội dung cơ bản của những narrative mới này là gì? Tôi chỉ xin giới thiệu một số nội dung mà cá nhân tôi quan tâm, còn ai muốn tìm hiểu cụ thể thì có thể tìm đọc các tài liệu đã ghi chú trong footnote.
            Vic đã đề xuất việc viết lại Lịch sử Campa, một alternative narration/discourse on Campa history, từ khởi nguồn cho đến thế kỷ 15. Mục đích chính của Vic là deconstruct cái narrative của Maspero vốn được coi là master/standard narration/interpretation về Campa history, được hầu hết các thế hệ nhà nghiên cứu sau đó kế thừa và áp dụng mà không có bất cứ sự nghi vấn và kiểm chứng nào. Một số nghi vấn về vấn đề sử dụng tư liệu và cách diễn giải của Maspero đã được nêu lên trước đây bởi một số chuyên gia cổ ngữ học Sanskrit và Hán tự, hay gần đây là luận án của W.Southworth khảo sát lại lịch sử Campa từ khởi nguồn cho đến thế kỷ 8, thời kỳ được định danh là Lâm Ấp – Hoàn Vương.
                Cách thức deconstruct của Vic là xem xét lịch sử Campa theo các chủ đề/themes, như là: Nguồn gốc cư dân Cam, vấn đề Lâm Ấp trong lịch sử Cam và mối liên hệ Lâm Ấp – Campa; mối quan hệ Việt – Cam trong lịch sử; diễn trình lịch sử Campa từ khởi nguồn đến tk 15; và cuối cùng là một chút về political structure của Campa polities.
                 Trong mỗi chủ đề, Vic bắt đầu bằng việc giới thiệu các nghiên cứu tiên phong của học giả Pháp về chủ đề đó, các nguồn sử liệu chính mà họ đã sử dụng, và các discourse của họ hay là câu chuyện mà họ rút ra được từ những gì mà tư liệu gốc cung cấp. Vic, sau đó, khảo sát lại tất cả các nguồn tư liệu mà các học giả đó đã sử dụng, ông chỉ ra những hạn chế của các nguồn tư liệu vào thời điểm nó được đọc bởi các học giả Pháp, cũng như là những bổ xung về tư liệu vào giai đoạn sau này mà có thể cung cấp thêm chứng cứ, cũng như là có thể lật đổ những luận giải của các học giả trước đó khi mà họ không/hay chưa tiếp cận được những tư liệu này. Một ví dụ quan trọng là về vấn đề thành CHÂU SA và vị trí của QUẢNG NGÃI trong lịch sử Campa sau thế kỷ X. Thời kỳ đầu 20 thì các học giả PHÁP chưa có nhiều hiểu biết về vùng này và các chứng tích lịch sử vùng đất này nên đã bỏ qua vai trò của nó mà quá nhấn mạnh vào Bình Định. Ví dụ thứ hai là những phát hiện khảo cổ mới về sự hiện diện của cư dân Campa ở vùng đất phía Bắc thuộc Quảng Bình, Quảng Trị cũng góp phần đưa đến những kiến giải mới, thậm chí lật đổ thuyết của Maspero bởi trong thời điểm Maspero viết sách này thì tư liệu và nhận thức của học giả Pháp về vùng đất này còn rất hạn chế. Hai điểm này cho thấy tiềm năng của KHẢO CỔ HỌC trong việc góp phần nghiên cứu lịch sử vương quốc Champa.
                  Vấn đề Vijaya có lẽ là một trong những vấn đề mới mẻ, và cũng có thể được coi là một đóng góp của Vic trong việc thúc đẩy nghiên cứu và nhận thức mới về lịch sử Campa. Vic đặt vấn đề bằng việc tìm hiểu dựa trên các nguồn tư liệu nào mà các học giả Pháp đi đến sự luận giải rằng vào thế kỷ X đã có sự rời đô về Vijaya/Bình Định, và bắt đầu từ thế kỷ X đã có sự hiện diện của một vương triều Campa ở Vijaya Siva thay thế cho triều đại Campa ở Đồng Dương Phật Giáo trước đó. Tất cả bắt nguồn từ một tư liệu Trung Hoa cho rằng người Căm đã thông tin đến triều đình Trung Hoa rằng trước áp lực của người Việt, họ đã rời đô về phía Nam 700 lý. Và bởi vì, do thiếu tư liệu và nhận thức vào thời điểm đó, Maspero cho rằng vùng đất phía Bắc hay kinh đô phía bắc được nói đến trong lời tâu đó phải là vùng Quảng Nam – Đồng Dương chứ không thể là vùng xa hơn về phía Bắc ở Quảng Bình Quảng Trị, nên xa hơn 700 lí từ Đồng Dương phải là Vijaya.
                  Truy tầm xa hơn nữa về tên gọi Vijaya và connotation/ý nghĩa nội hàm của nó, Vic chỉ ra rằng, việc xem Vijaya=Phật Thệ bắt đầu từ nghiên cứu của G.Coedes về Sri Vijaya/ Tam Phật Tề, và ông gợi ý rằng từ Vijaya với ý nghĩa là “Thắng lợi/Victorious” trong bia ký Campa chính là để chỉ vùng đất Bình Định/Quy Nhơn ngày nay, và gợi ý này sau đó củng cố cho quan điểm của G.Coedes về Sri Vijaya. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu, các học giả Pháp đã xác định rằng Vijaya là vùng đất Quy Nhơn ngày nay.
                 Với quan điểm coi bia ký, cho dù nó gồm nhiều thông tin về tôn giáo và không rõ ràng, là nguồn tư liệu gốc/primary source quan trọng nhất trong nghiên cứu về lịch sử Campa, bởi nó cho biết về những hoạt động của chính con người ở vùng đất này, Vic dẫn nghiên cứu của W.Southworth khẳng định rằng không có tư liệu bia ký nào đề cập tới thuật ngữ Vijaya với ý nghĩa là địa danh và địa điểm chính xác. Trên thực tế tên Vijaya đã xuất hiện trong tên gọi một số vị vua đề cập trong bia ký, nhưng Vic cho rằng các tên gọi đó mang ý nghĩa là “THẮNG LỢI” hơn là để chỉ về một địa danh. Vic, dẫn W.Southworth, cho biết chỉ đến thế kỷ XII thì thuật ngữ Vijaya để chỉ vùng đất hiện nay là Quy Nhơn mới xuất hiện trong bia ký.
                  Vậy Phật Thệ đề cập trong sử Việt là ở đâu? Vic, giống như Whitmore trong bài cùng trong cuốn sách này, khẳng định đó phải là vùng Đồng Dương – trung tâm Phật giáo vào thời điểm trước đó và có thể là thời kỳ đó của Campa. Chỉ đến giữa thế kỷ 12, bắt đầu từ cuộc xung đột với người Khmer thì vùng Vijaya mới thực sự nổi lên và nằm ở vùng Quy Nhơn ngày nay. Vic đã xét lại các nguồn tư liệu, và với các nguồn tư liệu mới được cập nhật về sự hiện diện của người Chăm cũng như các di tích Chăm ở phía Bắc đã chứng minh rằng vùng đất phía BẮc Cham đã từng là một trung tâm lớn vào thời điểm đó, và Vic lập luận rằng, kinh đô phía Bắc được nêu lên trong lời tâu đó chính là vùng đất phía Bắc, và nếu tính xa về phương Nam 700 lý, thì đó chính xác là vùng Đồng Dương và châu thổ Quảng Nam.
                   Một vấn đề nữa từ nghiên cứu của Vic, thì cần xem xét lại nội hàm của Thuật ngữ Nam Tiến trong lịch sử người Việt. Theo đó thì trước thế kỷ XV, thuật ngữ Nam Tiến vốn được hiểu bởi các học giả Pháp cũng như Việt là không chính xác. Bởi trước thế kỷ XV cho đến đầu công nguyên, thì người Campa đều là những người đã khởi đầu cho các cuộc xung đột với các cư dân ở châu thổ sông Hồng và sông Mã phía Bắc. Vic lập luận rằng, nếu coi Lâm Ấp là Campa sớm, thì sử Trung Hoa đã ghi nhận rằng người Lâm Ấp đã thường xuyên tấn công ra phía bắc; Hoàn Vương – hậu duệ của Lâm Ấp sau này cũng là những người thường xuyên gây hấn và tấn công ra phía Bắc. Nếu không coi Lâm Ấp là Campa, thì có thể thấy thế kỷ X, cuộc xung đột đầu tiên giữa người Cam và người Việt khởi đầu bằng việc người Cam can thiệp vào nội tình của người Việt ở phía Bắc. Một ví dụ nữa đó là người Cam dường như đã tấn công và thậm chí là có thể chiếm giữ vùng vùng đất phía Bắc đến tận Thăng Long trong nhiều thời điểm. Từ đó Vic đi đến kết luận rằng, trước thế kỷ XV thì cả người Cam và người Việt đều là những người AGGRESSORS và nội hàm vốn được hiểu của khái niệm Nam Tiến chỉ thực sự bắt đầu từ thế kỷ XV
                   Vic, là chuyên gia về bia ký nhưng không rành về Hán tự, đã dừng các tranh luận về narrative Campa history vào cuối thế kỷ XIII, bởi từ thời điểm này rất ít bia ký Sanskrit và Cam cung cấp thông tin về vùng đất này, và lịch sử Campa giai đoạn này cần dựa chính vào tư liệu Việt và Trung Hoa.
                  Trên đây tôi đã giới thiệu một số nội dung chính trong narrative của Vickery về lịch sử Campa. Người đọc có thể so sánh với bài giới thiệu về sách của Maspero để nhận thấy sự khác biệt trong cách diễn giải giữa hai thế hệ nghiên cứu khác nhau. Để hiểu chi tiết hơn nữa về các công trình này thì độc giả có thể đọc trực tiếp, tôi sẵn sang cung cấp các tài liệu để mọi người đọc và tham khảo.

 By: Do Truong Giang
Source: http://campapura.wordpress.com


[1] Bruce M. Lockhart, “Colonial and post-colonial constructions of ‘Champa’”, in The Cham of Vietnam – History, Society and Art (Singapore: NUS Press, 2001), pp.1-53.

[2] Po Dharma, Le Panduranga (Campa) 1802-1835: ses rapports avec le Vietnam vol. 1 (Paris: EFEO, 1981)

[3] Lafont, Le Campa: Geographie-Population-Histoire (Paris: Les Indes savants – CHCPI, 2007).

[4] John R.W. Smail. “On the possibility of an autonomous history of modern Southeast Asia”, Journal of Southeast Asian History 2,2 (1961).

[5] Jan wisseman Christie, “Negara, Mandala, and Despotic State: Images of Early Java”, in David G.Marr and A.C.Milner, Southeast Asia in the 9th to 14th centuries (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1984)

[6] Oliver W. Wolters, History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1999).

[7] Geertz, Clifford, Negara: The Theatre State in 19th Century Bali. (Princeton: Princeton University Press, 1980).

[8] William Southworth, The origins of Campa in central Vietnam: A preliminary review, Ph.D. Dissertation (London: SOAS, 2001)

[9] Champa and the archaeology of My Son (Vietnam), edited by Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese (Singapore: NUS Press, 2009)

[10] The Cham of Vietnam – History, Society and Art, ed.Tran Ky Phuong and Bruce M.Lockhart (Singapore: NUS Press, 2011)

[11] Michael Vickery, “Champa revised”, ARI Working Paper Series, 37 (Singapore: Asia Research Institute, 2005), link: www.nus.ari.edu.sg/pub/wps.htm; Michael Vickery, “A Short history of Champa”, in Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam), pp.45-61; Michael Vickery, “Champa revised”, in The Cham of Vietnam, pp.363-420
http://www.facebook.com/notes/alex-giang/vickery-v%C3%A0-champa-revised/466877009995771?ref=notif&notif_t=note_reply

1 nhận xét:

  1. AGGRESSORS chứ không có Nam Tiến ! Mình hoàn toàn đồng ý quan điểm này.
    Cảm ơn Mỹ Dung vì thông tin bài viết

    Trả lờiXóa