Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Theo Thày ra biển


                                                                                       Vũ Thế Long

Ngập đầu chỉnh lí đống hiện vật bừa bộn vừa khai quật được, bỗng  chuông điện thọai réo. “Vũ Thế Long à, Trần Quốc Vượng đây ! cậu chuẩn bị một bài về lịch sử khai thác yến sào nhé! Tuần tới ta ra đảo yến Nha Trang hội thảo”...
Mừng quá, đi Nha Trang vẫn là mơ uớc của tôi . Trước 1975, tôi chỉ biết Nha Trang qua một vài cái bưu ảnh cũ mèm mà thầm mong một ngày sẽ được đặt chân đến xứ sở thần tiên này của Miền Nam Đất Việt mến yêu .
Tôi làm nghề Sinh vật Khảo cổ học, với một số người trong giới Khảo cổ học thì nghề của tôi chỉ là thứ phụ trợ, là con ghẻ của Khảo cổ học. Nhưng, với thày Vượng thì chẳng những nghề Sinh khảo cổ mà cả Địa khảo cổ và nhiều khoa học liên ngành khác đều có vị trí vô cùng quan trọng của nó. Vì thế, có gì liên quan đến sinh vật học là thày lại gọi tôi. Tôi cũng vậy, không biết gì thì cứ đến “Xin chữ” Thày. Thày không bao giờ ngần ngại mà thậm chí còn tạo điều kiện “thả” chúng tôi vào đời để mà học hỏi, mà vươn lên.
Có lần cụ giao giờ cho tôi dạy nhóm sinh viên Mỹ. Tiếng Anh của tôi lúc ấy còn đuối lắm nhưng thày đã giao thì phải quyết tâm! Cứ thả xuống nước thì phải cố mà bơi và bơi cho giỏi. Thày bảo thế.
 Thày dặn: trước khi đi thực địa, bao giờ cũng phải đọc cho kĩ mọi tài liệu về nơi mình sẽ đến. Tôi ra thư viện lục hàng chồng tài liệu về các lòai Yến ở Việt Nam, về địa lí, khí hậu và lịch sử. Ghi chép thật đầy đủ. Với tôi, đây là cơ may hiếm có dầu rằng chúng tôi vẫn thường được theo chân thày leo bộ lên tận đỉnh Núi Cha ở Mẫu Sơn hay lăn lộn cùng đồng bào trong rừng sâu Lâm Đồng, Quảng Trị,Việt Bắc, Tây Bắc… Mỗi cuộc đi là một lần học. Học thày, học dân, học đời.
Đến nơi, chúng tôi tranh thủ thăm phòng làm việc của nhà bác học Yersin trong Viện Pasteur. Nơi đây còn chứa đựng biết bao hiện vật vô cùng qúy giá. Điều thú vị nhất là được xem những tấm kính nổi do Yersin chụp hình sinh họat của đồng bào Thượng ngót 100 năm trước. Thày khuyên nên gìn giữ ngôi nhà và các di sản này như một bảo tàng của nhân lọai.
Theo đoàn, chúng tôi lên chiếc thuyền gỗ lớn ra đảo Yến. Nha Trang ngày ấy nên thơ và còn “trinh nguyên”, không  xô bồ như bây giờ. Chẳng  cáp treo, không nhà lớn. Các đảo còn nguyên sơ như thuở ban đầu. Lác đác một vài đảo có dân chài sinh sống. Sao cái thiên nhiên hoang sơ nó đẹp tuyệt vời đến thế !
Khu đảo Yến xa tắp mù khơi, bốn bề sóng nước. Hòang hôn xuống, nền trời sáng rực với những đám mây kì lạ nhuốm sắc tím, sắc hồng. Lác đác đây đó là những đảo nhọn lô nhô, vách thẳng đứng, từng đàn yến từ đất liền bay về tổ . Dưới mặt nước trong vắt, những đàn cá lượn đủ màu sặc sỡ. Lũ sứa trắng bơi đi lượn lại như từng đàn tiên nữ. Tàu gần cặp bờ, nhìn xuống đáy cát vàng, từng đám cầu gai tim tím nom như những bụi xương rồng khoe sắc dưới làn nước trong..
Chúng tôi được dự lễ “Mở biển” và khánh thành ngôi đình mới xây trên đảo để tưởng nhớ công lao của tiền nhân đã có công khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá , bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc.
 Họ dóng trống cúng tổ tiên đất trời, làm lễ rước thuyền ra biển trong điệu hò Bá Trạo và cùng tuyên thề giữ gìn đảo qúy .
Theo chân dân đảo, Chúng tôi leo lên những đỉnh núi cao ngất, bên dưới  là vực thẳm. Mặt biển xanh ngắt, sóng đập vào vách núi tung bọt trắng xóa. Từng đàn chim yến sà về tổ. Trên vách núi, hàng ngàn hàng vạn chiếc tổ lấp lánh qua ống nhòm của tôi.
Tối đến, tất cả quây quần bên bàn tiệc. Không phân biệt trên dưới, xa gần, chúng tôi ăn cùng mâm, uống cùng li, trò chuyện như pháo ran. Dân đảo thì thích món heo quay. Chúng tôi thì thả sức với các lòai hải sản tươi rói mới bắt.
Đêm xuống, mỗi người được phát một bộ chăn chiếu, tha hồ chọn chỗ nằm trên cát. Ngủ đêm trên cát trắng, ngắm trăng vàng, trong gió biển mằn mặn và nghe sóng vỗ… Hầu như mọi người đều thức trắng đêm. Ngủ làm sao được trong cái cảnh thơ mộng thần tiên đến thế. Chỉ chợp mắt một lúc rồi vội tỉnh để đón mặt trời mọc.
Trên đường về, chúng tôi mượn con thuyền nhỏ để đi khảo sát một số đảo dân chài. Đầu trần lơ thơ mấy sợi tóc, mồ hôi nhễ nhại,Thày cùng chúng tôi lặn lội vào trò chuyện với dân chài tận xóm sâu.Thày chỉ cho tôi đâu là nhóm cư dân có nguồn gốc Nam Đảo. Họ có da nâu, tóc xoăn và nghe được đài phát thanh phát tiếng Indonesia. Thày còn dẫn chúng tôi đi khảo sát các ngư cụ, phong tục, các lọai tàu thuyền dân gian… Ông bảo nên giữ lại những con tàu cũ và các ngư cụ cổ truyền để sau này lưu vào Bảo tàng. Có dự án đóng tàu to xa bờ, còn ai nhớ đến nó không?
Lúc ấy chợt nhớ đang nợ một bài cho tạp chí Du lịch, tôi hỏi:”Thày ơi ! Du lịch là gì ?”
Ông lấy tờ giấy viết mấy chữ Hán và cặn kẽ giải thích từng chữ: “Du là đi, lịch là lịch lãm. Du lịch là đi để học hỏi để hiểu biết”. Ông bảo:”Những kẻ mà lên xe thì ngủ, xuống xe cũng chỉ lo đi tìm chỗ ngủ, đến đâu cũng chỉ ăn đồ mang theo từ nhà thì đi làm gì cho phí công phí sức tốn tiền tốn của “!
Thày đã đi xa mãi mãi, lũ trò chúng tôi, người đã nghỉ hưu, kẻ vẫn theo dấu chân thày bước tiếp những chặng đường thày còn dang dở, miệng vẫn nghêu ngao “ Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”… như những ngày nào vừa leo núi vừa hát cùng thày.


Vuthelong@gmail.com                              Hà Nội 28-3-2009  

Bài tham gia dự thi “Một chuyến đi”
Họ tên tác giả: Vũ Thế Long.
Địa chỉ liên hệ : 12b Hai Bà Trưng – Quận Hòan Kiếm – Hà Nội.
Số ĐT: 0903280998 hoặc 0983269516.
Số CMT:010049191, cấp này 14-4-2006, Hà Nội

Bài do tác giả gửi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét