Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Toạ đàm Khoa học "Còn là TINH ANH", kỷ niệm 10 năm ngày mất của GS. Trần Quốc Vượng 17.8.2015 tại Trường ĐHKHXH & NV Hà Nội

Lời TẠM KẾT 

Năm nay, tròn 10 năm Thầy về cõi khác phiêu du khảo cổ văn hoá, lịch sử, trên dương gian những tác phẩm, ý tưởng, câu chữ (và cả chuyển ngữ những thuật ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp...) của Thầy vẫn tiếp tục được tái bản, được tìm đọc, được trích dẫn (và sử dụng mà không trích dẫn) trong nhiều lĩnh vực ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá, khảo cổ, tôn giáo...

Những tác phẩm, bài viết của Thầy mà trong đó, quan trọng nhất là ý tưởng khoa học khai mở, thách thức, đôi lúc đối nghịch (với những điều đã mặc định trong văn liệu, giáo khoa, giáo trình ...) Những bài viết, kể cả bài viết theo đơn đặt hàng, bài nói chuyện theo chủ đề, bài viết báo Tết... không bao giờ theo lối mòn, bao giờ cũng có những vấn đề phải thảo luận, mở ra bàn thảo, những kết luận mở. Ở khía cạnh nào đó Thầy làm chúng ta liên tưởng tới người nhạc sĩ tài hoa, đôi lúc phải/cần viết bài hát theo đặt hàng nhưng độc đáo, đặc sắc và luôn hay về giai điệu, ca từ, sống được với thời gian, tài năng không bị khuôn chế bởi hoàn cảnh, điều kiện chủ quan/khách quan.
Một Toạ đàm Khoa học “Còn là TINH ANH” nhằm mục đích tổng kết, đánh giá, tìm hiểu sức sống, sức lan toả của di sản Thầy Trần Quốc Vượng trong đào tạo và nghiên cứu các vấn đề xã hội nhân văn Xưa và Nay.

Có bắt tay vào mới biết Di sản Học thuật Thầy Trần Quốc Vượng đa ngành, đa chiều, học trò khắp mọi miền đất nước và không chỉ ở Việt Nam. Có những học trò lâu năm, có những học trò trực tiếp nhưng không ít người chỉ một lần nghe Thầy, có người chỉ đọc Thầy... dù bất cứ theo cách nào thì học trò của Thầy đúng theo nghĩa “một chữ là thầy, nửa chữ là thầy”, ý tưởng và phong cách của Thầy theo học trò toả đi muôn phương.
Di sản học thuật và Di sản cuộc đời Trần Quốc Vượng nói như một số người khó mà nói hết, khó mà đánh giá hết tầm vóc và vị trí, vì đa ngành, đa lĩnh vực – Ý tưởng khai phá/độc đáo/mở/ dự báo/thách thức...

Di sản Trần Quốc Vượng
1.   Khởi đầu những môn học/những ngành học mới
Cơ sở Khảo cổ học
Cơ sở Văn hoá Việt Nam
Lịch sử Văn hoá Việt Nam
Nghiên cứu Liên Văn hoá Lịch sử
Du lịch học...
Khu vực học: Hà Nội học, Hội An học, Huế học...

Trong tất cả những ngành, những môn học trên điểm mấu chốt là mối tương quan chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, như cách nói bây giờ là khoa học ứng dụng, liên ngành thực sự, nhuần nhuyễn, góc nhìn đa diện, khoa học khách quan tới mức có thể, lịch sử, văn hoá... nhìn từ khía cạnh cá nhân, đời thường, dân gian, phi chính thống... bên cạnh quan phương, khía cạnh phi quan phương được Thầy coi là yếu tố quan trọng để nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam.

2.   Học thuật

Những bài viết gửi đến Toạ đàm được chia thành nhiều chủ đề, nhưng những bài viết, bài nghiên cứu của Thầy trên thực tế khó tách bạch rạch ròi giữa các lĩnh vực, lịch sử chuyển tải địa lý, địa lý quyện vào lịch sử, văn hoá kết nối địa lý, lịch sử... Những nghiên cứu của Thầy phản ánh một cách sắc nét quan điểm về một thời kỳ học thuật Đa chiều và kết Mạng, ở nhiều góc độ Thầy đã thực sự đối thoại với giới nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn khu vực và thế giới.
Khảo cổ: đặc trưng hệ sinh thái của mỗi văn hoá khảo cổ Hang động thung lũng Hoà Bình “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”, “Cồn Bàu văn hoá Sa Huỳnh/tiền Sa Huỳnh Miền Trung Việt Nam gió Lào cát trắng, Giồng Bưng miền đất của những dòng sông Đồng Nai Vàm Cỏ Cửu Long “Đi trước về sau”, rồi những khái quát về văn hoá Châu thổ, Giao thuỷ (nước lợ), đứng trước Biển, Dừng trước Biển, Hướng Biển, văn hoá Cảng thị, Đô thị ngã ba sông, đô thị cửa sông ven biển, Mô hình cấu trúc tiểu quốc/mandala Chămpa dọc sông..., những chuyên ngành khảo cổ học áp dụng lý thuyết và phương pháp của Khảo cổ học Mới...

Văn hoá: Mô hình tam giác tính của một môi trường văn hoá từ quan hệ qua lại Con người Tự nhiên Xã hội; Sơ đồ tứ giác nước của Thăng Long “Nhị Hà Quanh Bắc sang Đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này”; Sơ đồ DIỄN TRÌNH lịch sử văn hoá Việt Nam; Quy hoạch những vùng địa văn hoá từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông cho đến tinh thần Hỗn dung Văn hoá, Hỗn dung tín ngưỡng Tôn giáo; Vai trò vị thế của trí thức Nho giáo với tất cả những trăn trở, ẩn ức, tính hai mặt của văn hoá và tính cách Việt Nam. Triết lý lưỡng phân, lưỡng hợp: ba hằng số Nông dân-Nông thôn-Nông nghiệp... Những lưu ý đánh giá khách quan và công bằng dựa trên dữ liệu điều tra khảo sát về sự tham góp của những tộc người khác (bên cạnh người Kinh (Việt) vào diễn trình lịch sử văn hoá Việt Nam, những cảnh báo về “Kinh già hoá Thổ/Thổ già hoá Kinh” – đánh mất bản sắc văn hoá tộc người trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá...

Lịch sử: Ba dòng chảy/ba xu hướng văn hoá lịch sử chính trong thời Bắc thuộc và CHỐNG Bắc thuộc; Đánh giá lại vị trí và vai trò của nhiều nhân vật lịch sử, giai đoạn lịch sử dựa trên những sử liệu và quan điểm khoa học khách quan Những bài học từ hiện tại đưa về quá khứ, từ quá khứ soi tới tương lai... những đánh giá lại thời đại, nhân vật khi phải đặt từng sự việc/sự kiện và con người trong từng bối cảnh, điều kiện xã hội, tự nhiên cụ thể, những quan điểm của duy vật biện chứng và duy vật lịch sử nhuần nhuyễn, những lý thuyết, phương pháp nghiên cứu hiện đại...
.........

Một TRƯỜNG PHÁI TRẦN QUỐC VƯỢNG cả trên hai phương diện Điền dã và Lý thuyết thực sự đang hiện hữu dù còn chưa đủ mạnh như Thầy Trò mong ước và sẽ cần rất nhiều cố gắng, nỗ lực.
         
3.   Thái độ với Khoa học
“Cái gì của Xeda trả lại cho Xeda”, câu chuyện nghiên cứu thực địa/sử liệu những ông vua lớn trong lịch sử Việt Nam như Lê Thánh Tông, Gia Long... về Thời Mạc, về nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn, thực địa văn hoá làng, thân phận của những bậc trí thức Việt Nam xưa - những nhà Nho, lấy cái Xưa suy cái Nay và lấy cái Nay soi cái Xưa ...SỰ TRUNG THỰC – ĐẠO KHOA HỌC TRẦN QUỐC VƯỢNG!

4.   Một Phong cách Trần Quốc Vượng
Khó có thể định hình thật chính xác như Thầy lúc sinh thời thường gật gù mọi thứ mơ hồ, mọi ranh giới mơ hồ hơn ta tưởng...
Phong cách pha trộn giữa phong trần với trầm ưu/sâu sắc, ẩn sâu bên trong là sự uyên bác ít ai bì kịp, đi và đọc với Thầy cần như khí trời hàng ngày hít thở. Một thuật ngữ đưa ra trong nghiên cứu là kết quả của quá trình nghiền ngẫm “Diễn trình lịch sử văn hoá “ mà không phải “Tiến trình”, “Thuỷ hệ” mỗi vùng miền vẫn là thuỷ hệ nhưng khác nhau căn bản là ở cái “Thức” (Mode)... Trên đường điền dã chỉ một dòng chữ trong tấm bia thôi cũng đủ để Thầy đang uống dở cốc bia để đó mà tra cứu, hỏi han, chưa hiểu chưa tìm được thì lũ học trò xung quanh cứ liệu chừng mà khi sáng ra rồi thì “các con ơi khóc lên đi...” và bia cứ thế mà rót tràn.
Một tấm gương học tập suốt đời: Học mọi lúc, mọi nơi, “đi đâu cũng hỏi đến ba, bốn lần”, học Ta, học Tây, học Thầy, học bạn và học học trò, học dân...
Một phong cách truyền tải tri thức cho thế hệ tương lai ở đại học, một triết lý đại học hiện đại, cập nhật – Tôn trọng người học, gợi mở và hướng người học tới tư duy độc lập, phản biện “Con hơn cha là nhà có phúc, Trò hơn Thầy đức nước càng dầy”. Và không chỉ truyền tải tri thức, truyền tải triết lý, Thầy là người truyền LỬA, TÌNH YÊU và ĐAM MÊ cho các thế hệ.
Một tinh thần khoa học dấn thân, đậm tinh thần dân chủ và tính mở “Trong khoa học không ai được quyền nói tiếng nói cuối cùng”! Dám NÓI SỰ THẬT, bảo vệ Sự Thật, đặt lại Những Vấn đề đã trở thành MẶC ĐỊNH, nêu VẤN ĐỀ từ những điều tưởng chừng rất vụn vặt, không điều gì trong quá khứ mà không quan trọng đối với người nghiên cứu!


Di sản của một người Thầy để lại chính là những học trò và cái cách mà họ sử dụng những tri thức của Thầy họ để truyền lại cho thế hệ tương lai.
Di sản của mỗi nhà khoa học để lại là công trình nghiên cứu, trong những công trình nghiên cứu cái đặc biệt quan trọng là ý tưởng khoa học, trong những ý tưởng khoa học điểm mấu chốt chính là mức độ gợi mở và dự báo – nền tảng cho những nghiên cứu kế tiếp.
Di sản của nhà giáo, nhà khảo cổ, nhà văn hoá... Trần Quốc Vượng nối dài từ quá khứ đến hiện tại và tới tương lai.
Cuộc toạ đàm ngày hôm nay tạm đóng nhưng như tinh thần của Thầy không khép lại, di sản học thuật, di sản cuộc đời Trần Quốc Vượng đã, đang và sẽ được mang theo trong mỗi học trò, học trò của học trò... một chút, một chút... di sản đó mỗi lúc được bồi đắp và toả đi.
Khi Thầy mất, những đồng nghiệp và học trò của Thầy ở khoa Sử....bànluận với nhau, Trần Quốc Vượng sống vĩ đại MỘT, khi mất vĩ đại MƯỜI.
Một học giả nước ngoài ,một người đã làm Luận án Tiến sĩ về Chămpa, TS. William Southworth đã nói về Trần Quốc Vượng khi Thầy mất rằng người ta (học giả nước ngoài) còn lâu mới đánh giá được hết giá trị của Trần Quốc Vượng.

Học trò chúng ta vẫn đang NỢ
1.   Quá nhiều vấn đề không thể/không dám nói, nghiên cứu, Thầy đưa ra cần tiếp tục mà rồi chưa được giải quyết rốt ráo, cả phương diện lý thuyết, cả thực tiễn, những cuộc khảo sát tổng hợp liên ngành càng ngày càng ít, những mối quan hệ tình cảm và học thuật giữa những người làm nghề KHXHNV với những ngành nghề KHTN KT vẫn có nhưng thật sự không gắn kết sâu đậm, thiếu nhiều những mối quan hệ, những bài viết như kiểu Trần Quốc Vượng Mai Đình Yên, Trần Quốc Vượng Đào Thế Tuấn, Trần Quốc Vượng Trần Từ...   Nhiều vấn đề lịch sử... vẫn còn đó cần những chứng cứ để ủng hộ kể cả không ủng hộ những ý tưởng của Thầy, và rất cần những tiếng nói tham gia thảo luận đánh giá về những vấn đề khoa học của Thầy Trần Quốc Vượng được Tạ Chí Đại Trường, Lê Minh Khai... đưa ra trong một số bài viết của họ.
2.   Vẫn còn những người trẻ nghiên cứu, đọc sách chưa đủ và thấu đáo, Ngoại ngữ chưa đủ độ, đủ trình... Những trăn trở về đào tạo XHNV ... vẫn còn đó... Đặc biệt về một triết lý Đại học Hiện đại.
3.   Những bài của Thầy nhiều CÂU HỎI hơn TRẢ LỜI, của chúng ta hình như NGƯỢC lại.

Nhưng, chúng ta vẫn có quyền hy vọng về sự tiếp nối và phát huy di sản học thuật, di sản cuộc đời Trần Quôc Vượng, nhiều bài tham gia Toạ đàm của cán bộ trẻ đã cho thấy, dù không phải là học trò trực hệ của Thầy, nhưng họ thật sự đã đọc Thầy một cách thấu đáo, trăn trở với những vấn đề Thầy đưa ra và bắt đầu dùng những hiểu biết của mình (mà họ học được từ bên trong và bên ngoài) để tiếp cận, tiếp thu và phản biện.


Để cuộc TOẠ ĐÀM hôm nay diễn ra suôn sẻ và thành công BTC chúng tôi xin được bày tỏ một số điều như sau theo đúng tinh thần của Thầy Trần Quốc Vượng “Làm ơn không nên nhớ, chịu ơn không nên quên”:
Ý tưởng về tưởng niệm 10 năm ngày mất của GS. TQV được TS. Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) đề đạt với Bộ môn Khảo cổ học, sau đó là sự nhất trí cao của BCN Khoa Lịch sử, của Trường, sự hỗ trợ nhiều mặt của nhiều thế hệ học trò gần xa, của  các cán bộ BM KCH, cán bộ Khoa Lịch sử, Bảo tàng Nhân học,  của một số cơ quan, viện nghiên cứu ... Học trò nhiều thế hệ xa gần, nổi danh, bình thường, tính cách, số phận, nhiều đường đời.... (như Thầy thường nói đời sống là thế “bá nhân, bá tánh” với tinh thần “khoan nhượng”, “khoan hoà” văn hoá) đều hướng về Thầy Trần Quốc Vượng.
Người đặt tên cho Toạ đàm chính là một học trò thế hệ con cháu, một TS trẻ, phó chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Đặng Hồng Sơn, dựa theo tên một bài viết của PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế khi Thầy Trần Quốc Vượng mất.
BTC đặc biệt cám ơn những cán bộ trẻ của Khoa Lịch sử, Bộ môn KCH, Bộ môn VHH và Bảo tàng Nhân học: TS. Đặng Hồng Sơn, Th.s. Đoàn Văn Luân, Th.s. Nguyễn Văn Anh, Th.s. Nguyễn Hoài Phương... và một số sinh viên Khoa Lịch sử.

BTC xin được thứ lỗi về những sai sót.

Lâm Thị Mỹ Dung 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét