Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Thôn Tư - may còn Gò Cấm!

Có lẽ không nơi nào trên trái đất này người ta chuộng thay tên, đổi họ như ở ta. Đất đã hẹp, người lại đông, chen chúc nhau trên những mẩu đất con con gọi là làng hay phố, lại phải cõng thêm lớp lớp địa danh không "cha truyền, con nối", "chân không đến đất, cật không đến giời".

Địa danh học, dù không thông thạo chuyên ngành này mặc đã ngồi vài hội đồng sau đại học với đề tài liên quan đến địa danh Thăng Long -Hà Nội, nhưng ngay từ năm thứ nhất, giáo sư dạy môn Cơ sở Khảo cổ học đã lên lớp rằng địa danh, đặc biệt là địa danh bản sinh/nội sinh (local/exogenous) cung cấp cho người nghiên cứu vô vàn thông tin hữu ích, bất kể là thông tin về địa hình, phong cảnh hay lịch sử, văn hoá...

Ra đời, đi cùng Thầy, cùng đồng nghiệp, bạn bè và học trò, mình càng thấm những điều được dạy, được học.

Trong hiểu biết của mình, địa danh cũng giống như hiện vật, sự kiện... lịch sử, khảo cổ chứa đựng nhiều lớp trầm tích ý nghĩa, "vỏ nọ, lõi kia", "thấy vậy mà không phải vậy". Địa danh như một loại hình di sản phi vật thể đầy nhạy cảm cả với biến động tự nhiên, cả với biến động xã hội, dễ bị bào mòn, dễ bị biến dạng, dễ bị chìm nghỉm vào bão lũ lịch sử và có tốc độ biến mất nhanh nhất trong thứ bậc mất mát của di sản phi vật thể.

Địa danh là một phần hữu cơ của một cơ thể văn hoá, lịch sử và dẫu rằng không có địa danh nào hoàn toàn mất dạng, bốc hơi nhưng sự biến dạng, sự đắm chìm dưới lớp lớp sương mù quá khứ của địa danh chính là điều làm đau đầu các nhà nghiên cứu. Những mảnh vỡ địa danh cũng giống như những hiện vật khảo cổ cần được vớt lại, gắn chắp, khôi phục trong một nỗ lực khó khăn tìm về quá khứ.
Những địa danh, những cái tên mang âm hưởng lạ như Xó La, Hòn La, Cù Lao Ré, Đồng Nai, Sài Gòn, Óc Eo, Lùm Bà Giàng... hay quen tưởng như đã rõ căn nguyên như Thăng Long Hà Nội....đều buộc người nghiên cứu hay sử dụng kết quả nghiên cứu phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần, mỗi thời một chút hầu làm rõ hơn nguồn tích, nội dung và biến đổi địa danh. Phải chăng Đồng Nai là cánh đồng nhiều nai hay là mang trong đó trầm tích của một ngôn ngữ tộc người chưa xa lắm, Cù Lao Ré có phải đơn giản chỉ là nơi có nhiều cây ré...?

Nhận diện địa danh có nhiều cách tiếp cận và nhiều nguồn tư liệu buộc mỗi người nghiên cứu phải lựa chọn sao cho thích hợp, may mắn khi có tài liệu thành văn, khó khăn khi chỉ là lời kể. Khi tìm hiểu về điều kiện xã hội và tự nhiên của làng Nôm (làng đi buôn đồng và đồng nát), một kiểu làng nghề không hiếm nhưng cũng không phổ biến ở châu thổ sông Hồng ở Văn Lâm, Hưng Yên, người nghiên cứu có cơ hội dựa vào thư tịch cổ về dòng chảy của sông Nguyệt Đức (sông Cầu, sông Như Nguyệt) kết hợp với tài liệu thực địa (một dòng chảy nhỏ còn lại dấu tích) và những địa danh nổi tiếng còn lại như Cầu Đá, Cầu Gáy (nhắc sự tích đắp cầu qua sông sâu phải nhờ đến thần linh), Bến Quan... Mặc dù phong cảnh thay đổi đến chóng mặt, đường bộ lên ngôi, sông lấp bồi thành ruộng, đồi thành ao, ao thành nền nhà... những trầm tích còn lại vẫn giúp chúng ta vớt lại ký ức quá khứ.

Thay đổi địa danh một cách cưỡng bức bất chấp ký ức quá khứ, trầm tích văn hoá hay không có cách bảo tồn địa danh thì cũng không khác gì chúng ta đang tâm phá bỏ những cái xưa mà không cũ để xây những cái mới dù "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" thì vẫn là kiểu sáng tạo ra những thứ vô giá trị lơ lửng, què quặt, những thứ không quá khứ cũng chả có tương lai.

Vì thế, cũng như những di sản phi vật thể, di sản ký ức khác, không thể tuỳ tiện mà vứt bỏ hay thêm thắt.
Khi nhận diện địa danh là loại di sản phi vật thể đồng thời cũng là một loại ký ức (và cả ẩn ức) tập thể tác động đến nhận thức cá nhân hay cộng đồng thì những địa danh như Hoàn Kiếm, Bến Nhà Rồng... không dễ, không nên đem ra làm chủ đề của những chế diễu dù vô ý hay có ý.  

Và nếu chính quyền muốn đặt tên Thôn Tư cho dễ quản lý thì dân gian vẫn còn Gò Cấm, để người khảo cổ biết đường lần đến tìm vớt mảnh vụn quá khứ!

(Thôn Tư là một thôn ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, Gò Cấm là một địa danh chỉ vùng đất cũng thuộc Thôn Tư, cả ở Thôn Tư, cả ở Gò Cấm đều có những di tích khảo cổ thuộc văn hoá Sa Huỳnh, Champa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét