Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Earliest 'matches' found at Neolithic sites - "Những que diêm" sớm nhất tìm thấy trong các địa điểm thời Đá mới

Theo các nhà khảo cổ Israel, những hiện vật đất nung hình trụ bé nhỏ phát hiện trong những thập kỷ gần đây ở miền Bắc Israel và Thung lũng Jordan là những que diêm sớm nhất có niên đại lùi xa vào quá khứ cách ngày nay khoảng 8.400 năm.
The tell tale scratches on the "matches" led researchers to believe they were used to start fires [Credit: Naama Goren-Inbar, PLoS ONE]. Những vết xước còn lại trên những "que diêm" dẫn dắt các nhà nghiên cứu đến niềm tin rằng chúng từng được dùng để đánh lửa. 
Cho tới gần đây những cái que - dài chừng 10cm, dày khoảng 1cm - được xác định là những hiện vật dạng dương vật nghi lễ. Nhưng một nghiên cứu do nhà khảo cổ học- giáo sư Naama Goren-Inbar of the Hebrew University of Jerusalem chủ trì đã cho thấy có thể đây là những đồ vật đánh lửa sớm nhất từng được phát hiện.

"Chúng ta biết gì về lửa? Tro, than, những lớp đất (nung) ở trung tâm (giữa nhà hay hang)",
Goren-Inbar trần tình, cô là người nghiên cứu về sử dụng lửa sớm từ nhiều năm nay. Tại những cuộc khai quật mà cô chủ trì tại những địa điểm ở Golan, cô đã tìm thấy chứng cứ sớm nhất về sử dụng lửa ở Euroasia cách đây 750.000 năm. 

Nghiên cứu
hiện thờicủa cô, đăng tải ở tạp chí khoa học Plos One số tháng 5 (đây là tạp chí mở tự do và bài được đánh giá bởi những đồng nghiệp), được gợi ý từ một trưng bày mà cô đã xem ở Bảo tàng Israel cách đây vài năm, nơi cô nhìn thấy những hiện vật đất nung hình que có niên đại TNK IX cách ngày nay (cách đây hơn 8.000 năm), phát hiện ở Sha'ar Hagolan. Những cái que được trưng bày bên cạnh tượng phụ nữ và được mô tả là đại diện cho dương vật.
"Tôi nhìn chúng và nghĩ rằng chúng cần được diễn giải theo cách khác", cô nói.
Kinh nghiệm của cô về sử dụng lửa sớm đã dẫn cô tới kết luận răng đây là một phần trong phức hợp cơ chế đánh lửa, hay những hiện vật giống que diêm đã tạo ra lửa thông qua ma xát/cọ xát.
Mũi khoan dùng để đánh lửa được biết từ những văn hóa Thổ dân ở Úc, người Mỹ bản địa và thậm chí từ Ai Cập cổ đại, cô Goren - Inbar cho biết, nhưng cho tới trước nghiên cứu của cô, chưa có bất cứ dấu vết sớm hơn nào về dụng cụ này.

Mũi khoan đánh lửa được phát hiện trong mộ của Tutankhamun và những hieroglyph của Ai Cập minh họa lửa trên thực tế cũng vẽ mũi khoan đánh lửa theo cô Goren-Inbar. Sự hiện tồn của mũi khoan đánh lửa từ hơn 8 nghìn năm trước cho thấy kỹ nghệ phát triển chật vật qua hàng nghìn năm.

Kiểm tra những vật đất nung hình que bằng kính hiển vi,
Goren-Inbar và đồng nghiệp của cô phát hiện thấy đầu que có những dấu vết dạng đường xoi, dấu hiệu của sự chuyển động quay nhanh phù hợp với diễn giải mới này. 
"Bất cứ vật nào dài mà hẹp đều được quy về biểu tượng dương vật", nhà khảo cổ Yosef Garfinkel of the Hebrew University, người khai quật những que bằng  đất nung ở Sha'ar Hagai đang trưng bày tại the Israel Museum phát biểu.

"Các nhà khảo cổ từng đùa rằng, bất cứ vật gì mà họ không hiểu được tính chất của nó, họ đều gắn nó với ý nghĩa nghi lễ. Diễn giải trước đây của những hiện vật đất nung hình que là một ví dụ điển hình", Yosef nhấn mạnh
 Author:  Asaf Shtull-Trauring | Source: Haaretz [August 08, 2012]
http://archaeologynewsnetwork.blogspot.com/2012/08/earliest-matches-found-at-neolithic.html#.UCgz0aB6XIU 

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

“NHÀ ANH Ở GẦN HỒ NHỈ, THẾ SÁNG NAY ANH RA BỜ HỒ ĐỂ LÀM GÌ?”

“NHÀ ANH Ở GẦN HỒ NHỈ, THẾ SÁNG NAY ANH RA BỜ HỒ ĐỂ LÀM GÌ?”

by Nguyễn Hồng Kiên on Tuesday, August 7, 2012 at 11:09am ·
 Đó là CÂU HỎI của một đại uý công an Hà Nội, (sau khi biết nhà cháu đang cư ngụ tại 06 phố BÁo Khánh - Hà Nội) để TRẢ LỜI chất vấn của nhà cháu:

 - Tôi muốn hỏi anh, tại sao tôi được/bị MỜI/BẮT về đây?
(Chú này rất thuộc bài “Hãy trả lời câu hỏi bằng 1 câu hỏi!)

Nhà cháu, với tất cả sự nghiêm túc có thể, đã tuyên bố DỖI, không thèm đi biểu tình nữa, để không cho bất cứ thế lực nào có thể lợi dụng.

Xe công an và văn bản phát thanh trong cuộc biểu tình phản đối TQ xâm lược ngày 22/7/2012

Rõ ràng nhà cháu đi biểu tình hôm Chủ nhật 22/7 được nghe loa phóng thanh trên xe công an OANG OANG VẠCH TỘI TRUNG QUỐC: “Thời gian qua phía Trung Quốc đã có nhiều hành động gây căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như: Phản đối Việt Nam thông qua luật Biển, thành lập thành phố Tam Sa bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam v.v... 
... Đồng bào tập trung tại khu vực để phản đối những hành động trên là thể hiện TÌNH CẢM YÊU NƯỚC CHÍNH ĐÁNG” (http://haydanhthoigian.net/2012/07/24/nha-chau-di-bieu-tinh-chong-tq-xam-luoc-ngay-2272012/)
(Nhà cháu vưỡn còn lưu các video có đủ hình và tiếng.)
VẬY MÀ rồi, truyền hình (và báo) của Hà Nội vưỡn đưa tin: “Tụ tập đông người trái phép”- http://www.youtube.com/watch?v=XzPLyNdIP_M&sns=fb
SAO LẠI CÓ NHỮNG NHÌN NHẬN NGƯỢC 18O ĐỘ VẬY ĐƯỢC CHỨ?
Vì vậy, sáng qua, thực sự là nhà cháu quyết định chỉ theo dõi, phản ảnh cho mọi người về cuộc biểu tình, nếu có, bất kỳ sự lợi dụng nào.

Từ nhà, nhà cháu lang thang thả bộ quanh hồ. Giữa đường, nhìn thấy bác Nguyễn Đình Toán đang vác máy ảnh ‘đi săn con nghệ thuật’ (?) ở ven hồ, nhưng chả gọi. Rồi bất ngờ gặp bác Vinh Anh-cựu đại tá QĐND Việt Nam, một người quen từ năm ngoái. Hai anh em ra quán cà phê vỉa hè, chếch cửa Nhà hát Lớn ngồi buôn chuyện.
Đến hơn 8g40, hai anh em đi về vườn hoa Cụ Lý.
Có chuyện rồi ! Dày đặc sắc phục và thường phục. Nhà cháu còn chụp được ảnh mấy bác “già cả tóc” nhưng tay cũng đeo băng đỏ, đứng dàn hàng ở vỉa hè. Bên phía bờ Đông của hồ Gươm cũng đông những người là người.
Rất nhiều tay máy đã và đang tác nghiệp. Có 2 thanh niên còn đặt cả chân máy cho cái máy quay bé xíu, quay xuôi quay ngược. Một lát, thấy một công an sắc phục đến sừng sộ bắt họ rời đi. Nhưng khi một thanh niên thò tay ra sau như sắp rút ví lấy giấy tờ, bỗng chú công an mặt giãn ra quay gót, bỏ đi. Thế là dư lào nhể?

Trên đường phố dài dặc mấy ‘xe bus/bắt’, và xe Coster chở cảnh sát cơ động và lực lượng thường phục có và không ‘băng đỏ’. Một chú thường phục không ‘băng đỏ’ quát rất to vào bộ đàm: - Cứ chạy ngược chiều đi, phó GĐ Sở cho phép rồi! (Ông Sở nào mà TO thế nhể?)
Nhà cháu cũng còn quay/chụp được rất chi tiết âm thanh và hình ảnh một chú ngồi trên một cái xe tải nhỏ (kiểu ‘xe đuổi chợ’) liên tục hét vào mic một câu KHÔNG THỂ BUỒN CƯỜI HƠN:
 “- Yêu cầu mọi người KHÔNG CÓ NHIỆM VỤ, RỜI KHỎI BỜ HỒ !”

(Nhà cháu không thể đưa ảnh hay video lên đây, vì đã TRÌNH BÀY lý do từ hôm qua. Chắc chắn các chú an ninh Hoàn Kiếm sẽ có thể giúp đảm bảo nhà cháu không bịa ra các chi tiết trên, vì họ đang cầm cái thẻ nhớ máy ảnh của nhà cháu)

Không khí đầy căng thẳng, khiến trời nắng càng thêm nóng. Hôm trước nhà cháu đọc nhiều trang mạng đều dự báo: Ngày 5/8, nắng nóng gay gắt; Hà Nội: Nắng nóng, ngoài trời trên 37 độ C.
Quay đi quay lại, bác Vinh Anh đã đi đâu mất, nhà cháu lững thững ngang ngã ba Đinh Tiên Hoàng- Trần Nguyên Hãn.

 
Hành trình của cuộc biểu tình sáng 5/8/2012

Bỗng nhiên nghe giọng hô vang: Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam... Đả đảo Trung Quốc xâm lược... Phản đối Trung Quốc xua tàu cá xuống Biển Đông...
Quay lại đã thấy khoảng gần chục cháu mặc áo xanh Thanh niên Tình nguyện dương cờ, biểu ngữ... hình thành nhóm đi đầu. Nối sau là các bác, các bà “già” hơn.
Đoàn biểu tình tự phát ĐI TRÊN VỈA HÈ BÊN HỒ của đường Đinh Tiên Hoàng, di chuyển qua cổng đền Ngọc Sơn (bên kia đường là khu tượng đài Cảm Tử), rồi qua ngã ba với đường Lò Sũ.
Các xe mô-tô của cảnh sát giao thông bắt đầu triển khai sát vỉa hè, bên cạnh đoàn BỘ HÀNH.
‘Đèn Xanh’ chăng ?

Nhà cháu đi hẳn lên trước, chỗ bến xe điện thăm quan phố cổ, chếch bên đường là nhà cũ nhà cháu ở, thuộc phố Cầu Gỗ. Một xe Coster đầy CSCĐ lao đến, dưới đường cũng đã đầy lực lượng thường phục. ‘Đỏ choét’ dồi !
Xe bus/bắt cũng trờ đến. Bắt đầu những cuộc MỜI lên xe.

”Bắt thằng cầm máy ảnh đỏ”, nghe giọng hơi quen, nhà cháu quay lại, vừa kịp nhận ra “ông cháu quen” là an ninh quận Hoàn Kiếm thì đã ĐƯỢC 5-6 chú ‘băng đỏ’ lực lưỡng quây quanh, xô đẩy, túm lôi về phía cửa xe bus/bắt gần đó. Chính ‘ông cháu’ tay giật cái máy ảnh (mạnh đến mức đứt cái dây đeo mà nhà cháu đã quấn vào cổ tay) miệng gầm lên: - Thằng này chụp ảnh từ nãy đến giờ. 
(A, ha, ra là hôm nay ‘ông cháu đặc trách’ nhà cháu. Lần đầu tiên, sau hơn nửa thế kỷ đã tồn tại được ở cáí cõi Ta bà này, nhà cháu được 1 ông cháu gọi bằng THẰNG!)

Ông cháu quý hóa ấy đây (ảnh nhà cháu chụp từ hôm 22/7/2012)

Quá bất ngờ, nhà cháu kịp chỉ nói lớn với ‘ông cháu’ :
- “Mày không cướp được máy ảnh của chú đâu. Mai chú sẽ lên tận quận đòi đấy!”
Rồi bảo với mấy chú ‘băng đỏ’ buông ra để tự đi lên xe, nhưng nhà cháu vẫn bị kéo xềnh xệch, đập cả đầu gối vào bậc lên xuống đầu tiên của cái xe bus/bắt. Xung quanh cực kỳ hỗn loạn, bạo lực.
Giữa chốn công cộng, trước mặt lực lượng mặc cảnh phục, các chú ‘băng đỏ’ NHIỆT TÌNH lôi bắt bằng được những người ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH (bởi một số người mặc thường phục như ‘ông cháu’ quý hòa kia) lên xe. Có chuyện khá khôi hài, khi nhà cháu nghe quát: “- Nhầm rồi, thả nó ra!”

Một người đàn ông khá to lớn từ bên kia đường nhào sang, miệng la lớn: - Sao lại làm vậy?
Lập tức anh ta cũng bị quây quanh, cưỡng bắt lên xe. Một chú ‘băng đỏ’ chui lên xe, tóm chân kéo khiến anh kia suýt ngã nhào.
Nhà cháu bảo chú ‘băng đỏ’: - “Đừng quá đáng thế cháu, vào phim ảnh xấu mặt cả Hà Nội và Việt Nam đấy”. Chú ‘băng đỏ’ buông tay, nhà cháu nói với người đàn ông kia: “ - Thôi, LỠ thế rồi,  anh đi lên đi, không LẠI được họ đâu!”
Nhóm ‘băng đỏ’ hoàn thành nhiệm vụ, rút. Nhà cháu thấy trên xe có khoảng hơn chục người, trẻ có, già có, trung trung có.
Một nhóm 5-6 CSCĐ nhào lên xe, chắn các cửa. Xe chuyển bánh. Mọi người ổn định chỗ ngồi.

Một thanh niên bỗng hỏi: - Ơ, đây có cái máy ảnh của anh không? Và cầm giơ lên.
Quái, đúng cái máy Sony màu Dunhill của nhà cháu (mà bạn bè hay trêu là màu hồng). Cả xe cười ồ vì ai cũng đã thấy nhà cháu KHOE cái dây máy lủng lẳng ở cổ tay lúc lên xe. Nhà cháu kiểm tra lại thấy cái máy vưỡn hoạt động tốt, NHƯNG  CÁI THẺ NHỚ... ĐÃ BIẾN MẤT.
Chắc ‘ông cháu’ biết là nhà cháu sẽ đến đòi thật, nên ném trả lên lúc nào không ai để ý. Thế cũng là ‘tử tế’ chán ra rồi. Máy ảnh này là của một người bạn cho nhà cháu, nghe đâu giá cũng 2-3 triệu chứ đâu ít.

Bác phụ xe chạy lên hỏi một CSCĐ: - Đi đâu anh nói cho lái xe chứ?
Thấy ‘bộ đàm’ một lúc, chú CSCĐ mới ghé tai lái xe bảo gì đó. Một lúc thấy xe qua cầu, nhà cháu đoán chắc không phải về đồn Mỹ Đình như năm ngoái rồi (https://davangblog.wordpress.com/2011/07/19/t%C6%B0%E1%BB%9Dng-thu%E1%BA%ADt-c%E1%BB%A7a-blogger-g%E1%BB%91c-s%E1%BA%ADy-nao-minh-cung-len-xe-buyt/) .
Lại thêm 1 lần nữa ngồi xe mà có xe cảnh sát chạy trước dẹp đường. Tất cả xe 2 chiều đều dạt sang nhường đường. Oách-xà-lách thế chứ lỵ ! Nhà cháu nhờ mấy cháu gái chạy lên chỗ bác tài ghi lại hình ảnh ‘hoàng tráng’ ấy.

Ô, máy lạnh trên xe mát ghê, đang là nắng nóng! 
Thấy mấy chú CSCĐ vưỡn đứng sừng sững nên nhà cháu bảo: - “Còn đầy ghế sao không ngồi cho ‘phẻ’”? Mấy chú ngồi, vài chú vưỡn đứng. Nhà cháu bắt chuyện với hai chú ngồi gần: - “Các cháu nhìn thấy cảnh bạo lực lúc nãy chứ?” Một chú cởi cái mũ bảo hiểm, gãi đầu: - “Không phải bọn cháu !”
Nhà cháu cười bảo các chú khác: - “Ờ, sao không bỏ mũ ra cho nó mát, đội nhiều bị rụng tóc đấy!” Không ai hưởng ứng ngay, nhưng một lát sau nhiều chú cũng cởi mũ.
Nhà cháu lại hỏi chuyện: - “Các cháu có chuyên trách nội thành không? Có hay vào ngõ Phất Lộc ăn đêm không? “
(Hồi còn làm báo, 2-3g sáng nhà cháu hay ra đấy ăn trước khi về ngủ. Mấy em/cháu ở báo còn hẹn hò đá bóng với một nhóm gặp ở đó. Có chuyện thật 100% là mấy đứa cậy gần đi xe quên mũ bảo hiểm, bị tuýt lại. CSCĐ chưa kịp nói gì đã bị mấy nhà báo mắng: - Các ông ‘hẹn hò như phò ngoài ga’, hôm ấy sao không ra? CSCĐ xin lỗi vì cuối cùng chỉ huy không cho đá, lo lỡ chấn thương đêm không đi tuần được, rồi xua tay bảo đi đi)
Đem chuyện ấy ra hỏi, chú CSCĐ lại cười hiền: - “Không phải bọn cháu !”

Xe qua cầu Đuống, mấy cháu gái đua nhau “chứng tỏ” khi đọc làu làu bài “Bến kia sông Đuống” của bác Hoàng Cầm. Thế này thì là sang “Phục hồi nhân phẩm Lộc Hà” rồi. Xe đến nơi, nhà cháu thấy cái biển trên cổng ghi là “Trung tâm Lưu trú Lộc Hà”.
Xuống xe nhìn vào ‘hội trường’ đã thấy các lốc-gờ Nguyễn Tường Thuỵ, Phương Bích, Lê Dũng... chĩa máy ảnh từ trong chụp ra. Nhà cháu bật cười đi vào.

Nhưng những hành khách bất đắc dĩ cùng xe của nhà cháu được mời vào 1 phòng nhỏ hơn, cách phòng ‘hội trường’ 1 sân nhỏ. Các chú cảnh sát của trại xăng xái chạy đi lấy ghế, bật quạt tường, bê nước cho mọi người. Tận tình và có vẻ thân thiện. Có vẻ thôi, vì khi nhà cháu đi sang bên “hội trường” thì bị ngăn một cách cương quyết: - “Chú ở bên này thôi, không sang đó!”
Ngồi nghỉ, nhà cháu mới phát hiện ra đầu gối bị trầy xước 1 vệt, rớm máu, mồ hôi ra xót kinh. Cái dép bên chân phải sút cả quai hậu. Mà đôi dép này CHIẾN lắm, đã cùng nhà cháu đi điền dã khảo cổ khắp trong Nam, ngoài Bắc; nhà cháu lại vừa mới dán đế mới. Đau thế ! May có con dao díp nhỏ trong chùm chìa khoá nên nhà cháu đã sửa tạm đi được.

Tự nhiên trong phòng xuất hiện 1 thanh niên mặt mũi sáng sủa, ăn vận sạch sẽ, chứ không ‘nhếch nhác’ sau cuộc giằng co MỜI lên xe như mấy chú cháu, anh em. Chú ấy hỏi han loanh quanh, tự khoe nhiều tuổi hơn các cháu kia, rồi ra giọng thuyết giảng. Đại khái là còn đang tuổi ăn học, tập trung vào học, rồi hãy lo việc lớn. Bọn trẻ, đứa nghe như không nghe, đứa tranh luận quyết liệt. Cậy lớn, chú`kia già giọng dạy giỗ. Nhà cháu quay lại bảo: - “Chú 35 tuổi, anh hơn 5 “sọi”, chỉ nói với chú 3 câu: Một- các bạn trẻ đây đều là CÁNH TAY PHẢI CỦA ĐẢNG sao chú bảo chúng chỉ nên học? Hai- Nếu nguy cơ ngoại xâm ngày một rõ ràng mà cắm đầu học thì để làm gì? Ba- Nếu em thực sự nghĩ như vậy thì cần tự thay đổi đi !” Chú chàng u ơ rồi ‘lặn’. Lúc sau mới xác định chính xác chú í là an ninh.

Nhà cháu mượn được cái Ai-pát của lốc-gờ Lê Dũng để chuyển 1 stt lên FB vì sợ bạn bè lo lắng. Rõ nhà quê, chả gõ được có dấu. Chạy lên trả thì Lê Dũng đã được mời “làm việc”. Mấy chú cảnh sát ở trại bảo: - “Thôi chú cứ cầm. Đằng nào khi làm việc cũng không được nghe, dùng máy móc nào.”

Mãi rồi cũng có người đến mời các hành khách đi xe cùng nhà cháu ‘làm việc’. Có phân loại hẳn hoi nhá. Đầu tiên hỏi mấy cháu sinh viên. Mấy cháu cô cháu khác trẻ măng ngồi im, nhà cháu hỏi, chúng nó bảo: - “Thì họ mời sinh viên, bọn cháu ra trường rồi !”  Kinh !
Rồi bấy giờ mới biết là trước khi nhà cháu ra đến Bờ Hồ thì đã có 2-3 lần bắt/MỜI. Thế mới biết tinh thần chống xâm lược của các bạn trẻ cao thật, không hề sợ hãi. Đáng nể phục !
Mà mấy đứa con nhà ai mà ngoan KINH KHỦNG, toàn gọi nhà cháu bằng chú, xưng con. Trong đám đó, nhà cháu có biết cậu con trai của bác Đào Tiến Thi, người chung chuyến xe bus/bắt hôm 17/7/2011. Khổ, nhìn thằng cu nhễ nhại mồ hôi mà thương. Có đứa còn bảo sáng chưa được ăn sáng.

Có một bác gái tên là Xuân, rất CĂNG, không chịu 'làm việc'. Vì “Tự nhiên bắt tôi về đây, rồi bắt lấy lời khai là sao?”. Bác ấy khăng khăng bỏ ra, dù bị doạ là không ‘làm việc’ sẽ không được về. (Nhưng cuối cùng, chiều bác ấy cũng được ra về như mọi người)

Có bác ở ngoài nhắn cho Nga Thuý là đã mang thằng con trai lên đến cổng trại. (Nhà chị này còn đang mang bầu nên được bố trí một phòng, có quạt nằm nghỉ). Nga nói, nhưng mấy chú cảnh sát rất nguyên tắc, không cho ra đón con vào. Ồn ào ầm ĩ đến náo loạn. Nhà cháu bảo một chú cảnh sát: - “Sao chuyện đơn giản thế mà không mở cổng cho thằng cu vào với mẹ nó?” Chú ấy nhăn nhó phân trần là đưa 1 người vào/ra là  cả một vấn đề, để phải báo cáo cấp trên. Một đại uý công an có mặt cũng bảo phải chờ xin ý kiến. Chờ mãi, rồi có một chú thường phục đến bảo Nga phải làm đơn. Trời đất! Sao lại phải phức tạp hoá một chuyện đơn giản thế? Chỉ là cho một thằng bé 3 thuổi vào với mẹ thôi mà? Mọi người đều nói nhưng quyết định là không thay đổi. Mãi, rồi lại có mấy cô thường phục vào bảo: - Em là em chị đây, thôi đi với em lên xe kia ra cổng đón thằng cu. Có 3 bước chân mà đi ôtô thì... cầu kỳ quá. Mà Nga thì không tin, vì đã từng bị lừa lên ôtô đưa về nhà nhưng lại thả giữa đường (???)
Nhãng đi một lúc, không thấy nhà chị ấy, hỏi thì mọi người bảo đã được cho ra ngoài với con. Ơ, hay thế nhể? Căng thì cực căng, thế rồi lại thả. Nga Thuý là người đầu tiên được ra khỏi trại, dù cũng chưa hề ‘làm việc’.

 
Mẹ con đã được gặp nhau

Mà rồi cái quy định ‘hành khách’ xe nào ở chỗ nấy cũng bỏ lúc nào không hay. Mọi người thoải mái đi lại, giao lưu. Nhà cháu đem trả cho lốc-gờ Lê Dũng cái Ai-pát, thấy nhà anh này đang sôi nổi nói với mấy chú cả cảnh sát trại lẫn công an từ Hà Nội lên, đại ý là khuyên các chú ấy phải chịu đọc để biết tình hình đất nước. Một chú trả nhời: “ - Chúng tôi không cần đọc, chỉ cần làm” (sic.- câu này thì nguyên văn luôn ạ!)

Anh chị em, bạn bè, người thân ngoài cổng, từ Hà Nội và Sài Gòn liên tục gọi điện nhắn tin hỏi tình hình. Mọi người hỏi: Đã đói chưa? Có gì ăn không để tiếp tế? Nhà cháu bấy giờ mới nhớ đã trưa từ lúc nào.
Nhà cháu đàm thoại hơi to, rằng: - “Thấy các chú cảnh sát mang cơm hộp để trên bàn, trong phòng; nhưng chả thấy mời nên không ai ăn”; nên tự nhiên thấy có một chú thường phục vào giữa phòng nói to mời mọi người dùng bữa. Có bác bảo tuyệt thực. Có bác bảo phải để công an ăn trước, nhỡ...

Y tế của trại phải băng cho bác thương binh Nguyễn Anh Dũng- (ảnh Internet)

Bác Dũng thương binh (người bị các chú “băng đỏ” MỜI lên xe mà rách xước một vệt dài ở sau gáy) còn kể chuyện vui là khi y tế của trại đến băng, bác ấy còn trêu liệu có cho thuốc ‘lú’ vào vết thương không làm cán bộ y tế phải thề là không có thế.
Khổ chưa, người dân bây giờ mất lòng tin với công an đến thế đấy!

Nhà cháu bảo: - Ai đói cứ ăn, chắc chắn không đến nỗi thế đâu.
Mọi người cười xoà. Bọn trẻ lại hiếu đễ, mang cơm cho từng bác lớn tuổi. Nhà cháu cũng bị dúi cho 1 hộp cơm-1 hộp thức ăn: - “Con mời chú !”
Thức ăn khá nhiều, lắm món: mấy miếng gan, mấy miếng thịt, đậu, lại có cả 1 miếng nem rán, rau muống xào. Nhưng cơm quá khô mà lại không có canh nên chả ai ăn hết xuất. Phần nữa là quá mệt.

Khổ, mấy chú cảnh sát vưỡn cứ bắc ghế ngồi canh. Nhà cháu bảo: - “Thôi các cháu cũng đi ăn cơm đi!” Nhưng họ cũng không đi hết mà chia nhau thay ca. Nguyễn Chí Đức ‘lượn’ lúc nào chả biết, bảo: - Cơm mình còn ngon hơn !
Ăn xong, mọi người tụ thành từng nhóm gần các quạt ở tường, ở cột nói chuyện rôm rả.


Rồi cũng đến giờ ‘làm việc’ chiều. Những người chưa, được yêu cầu tập trung lại. Nhà cháu nghĩ lại ‘tháo khoán’ như hôm 17/7 năm ngoái ở đồn công an Mỹ Đình, nhưng không phải. Các chú công an  ngắm nghía (như duyệt tiếp viên ở karaoke) rồi mỗi người chọn một ‘hành khách’ dẫn đi (như “đi cung” trong tù). Cuối cùng bị trơ khấc ra, nhà cháu phải hỏi: Ơ, tôi không phải “làm việc” a? Một chú công an trẻ, đeo lon thượng sỹ bảo: - “Chú đi với cháu !”
Hai chú cháu lên tầng hai toà nhà làm việc của trại, vào một phòng lớn có cái bàn to, chắc là phòng họp, vì có cả máy lạnh. Đã thấy có mấy ‘đôi’ đang ‘làm việc’. Chú thượng sỹ bảo: - “Chú có điện thoại thì đặt lên bàn, tắt đi”. Thấy nhà cháu móc cái Nokia “đời ơ kìa” ra, chú ấy lại hỏi còn nữa không và rút 2 cái điện thoại của mình ra, gương mẫu tắt trước. Nhà cháu cười bảo: - “Chú chỉ có mỗn cái này để gọi/nghe, nhắn/nhận tin, không có nhu cầu ‘2 tay 2 súng’ như cháu.”

Thấy chú thượng sỹ rút tờ giấy có in “Biên bản lời khai” ra, nhà cháu nói luôn: - “Chú không có gì phải khai. Và chú sẽ không ký bất cứ biên bản nào. Nếu muốn, chú sẽ viết đơn chất vấn về việc bị đưa về đây. Đừng ghi gì cho tốn giấy mực và mất thời gian”.
Chú thượng sỹ bảo nhà cháu thông cảm vì đây là thủ tục chú ấy phải báo cáo cấp trên về cuộc ‘làm việc’ và đề nghị cho biết tên, chỗ ở, nơi làm việc. Nhà cháu đưa luôn “Giấy chứng minh nhân dân”, chú ấy hí húi ghi rồi hỏi thêm về chỗ ở hiện tại, nghề nghiệp và cơ quan. Khi nghe nhà cháu nói là Ts Lịch sử chú ấy liếc nhanh nhà cháu ‘từ đầu đến chân’ với vẻ hơi bị bất ngờ. Chú ấy còn hỏi đi hỏi lại về cái tên Viện KHXH Việt Nam, chắc vì chưa nghe đến bao giờ.
Xong, xếp giấy tờ lại, chú thượng sỹ bảo chỉ muốn được biết chuyện sáng nay. Nhà cháu kể đầu đuôi (cả chuyện DỖI, dù Chủ nhật trước nữa và cả năm ngoái đều có đi biểu tình phản đối TQ), và hỏi lại về quan điểm của chú ấy về ‘chuyện MỜI bạo lực’. Lại được yêu cầu thông cảm, vì: - “Cháu không có mặt ở hiện trường. Việc của cháu là 'làm việc' vói mọi người ở đây”.
Cuối cùng, thượng sỹ hỏi: - “Chú có đề nghị gì không?” Nhà cháu kể lại chuyện hồi được/bị MỜI về đồn CA Mỹ Đình năm ngoái và bảo: - “Chú đã có ý kiến về chuyện ĐỐI XỬ GIỮA ĐỒNG BÀO VỚI NHAU, về chuyện QUYỀN biểu tình chống TQ gây hấn (nay đã là Xâm lược). Dầu đã đề nghị với người có cấp bậc cao hơn cháu, từ năm ngoái, nay chú vẫn đề nghị cháu chuyển lại tới cấp trên của cháu như vậy.
Thượng sỹ gấp giấy tờ, bảo: - “Để cháu đưa chú xuống !”
Đến chiếu nghỉ cầu thang, chú ấy lại bảo đưa vào chỗ chụp ảnh. Nhà cháu cương quyết phản đối. Đang đi tiếp thì có người gọi giật: ; “Sao đã xong rồi? Lên đây xem nào !” Thì lại lên.
Nhà cháu được đưa vào một phòng nhỏ hơn, chỉ có quạt trần. Tiếp nhà cháu là một đại uý công an, lại hỏi tên, chỗ ở, cơ quan. Nhà cháu lại rút CMT ra đưa và hỏi: - “Tôi muốn hỏi anh lý do tôi được/bị đưa về đây?” Đại uý sau khi xem cả giấy tờ chú thượng sỹ ghi, trả lời nhà cháu bằng một câu hỏi: - “NHÀ ANH Ở GẦN HỒ NHỈ, THẾ SÁNG NAY ANH RA BỜ HỒ ĐỂ LÀM GÌ?

THỀ là cháu xuýt sặc cười ! Đại uý cao giọng: - “Anh bị đưa về đây cùng với nhóm người gây mất trật tự công cộng !” Nhà cháu không đồng ý, kể lại chuyện chỉ đi chụp ảnh, DỖI không biểu tình...
Miệng thuyết giảng về các loại nghị định, chân bước ra sát cửa sổ cho sáng, đại uý rút điện thoại ra chụp lại cái CMT của nhà cháu. Nghiêm giọng, nhà cháu nói: - “Anh vừa làm một việc rất không đúng. Tại sao anh chưa hỏi mà chụp lại CMT của tôi ? Yêu cầu anh xoá 2 file ảnh đó đi !” Đại uý trả lời: - “Tí nữa tôi sẽ nói cho anh biết tại sao tôi chụp” rồi bỏ đi ra. Ngồi một lúc, nhà cháu hỏi lại chú thượng sỹ: “- Sao 1 tý của đại uý lâu thế cháu? Chú đi được chưa?”. Thượng sỹ đang cắm cúi viết gì đó, trả lời: - “Xong rồi đấy chú. Nhưng chờ cháu viết xong chỗ này đã”. Sau đó hai chú cháu đi xuống. Nhà cháu vưỡn được/bị chú thượng sỹ  áp giải đến tận cửa ‘hội trường’ mới quay lại.

Lại ngồi uống nước, hút thuốc vặt, chờ. May mà sáng đi cầm bao thuốc mới. Mọi người hết thuốc xin ghê quá. Thì cũng chả biết làm gì khác. Bác Phương Bích, Đoan Trang được mời ‘làm việc’ lần hai.
Lần lượt mọi người xuống, kể chuyện ‘làm việc’, vui như Tết. Nhiều chuyện hay lắm, nhưng là chuyện người khác, để họ tự kể, nhà cháu không nhớ hết chi tiết lại thành ‘mắm muối dấm ớt’ thì hỏng.

Nhưng có 1 chuyện PHẢI KỂ: Một cô cháu KHOE là tình cờ chứng kiến một đại uý cầm danh sách vào phòng, bảo: - “Mỗi người năm trăm...” Chú công an đang ‘làm việc’ với cô bé vội xuỵt xuỵt... Hỏi đi hỏi lại, cô bé khẳng định thật 100%.
Chuyện các chú công an được huy động làm việc ngày Chủ nhật, được tiền bồi dưỡng, cũng là... đúng quy định, chả có gì đáng nói cho lắm. Chỉ sợ không có biểu tình các chú í lại buồn vì bị thất thu.

Đến khoảng 16g30, các chú công an yêu cầu mọi người tập trung. Một đại uý, nhà cháu chỉ nhớ tên là Hiếu, đứng khoanh tay trước bụng, tuyên bố: - Mọi người bị đưa về đây vì sáng nay đã gây mất trật tự công cộng. Thay mặt công an quận Hoàn Kiếm, tôi cảnh cáo. Bây giờ đề nghị mọi người giải tán !

Mọi người đều bất bình, ồn ào phản đối. Bác thương binh tên là Nguyễn Anh Dũng yêu cầu công an đứng lại nghe ý kiến phản hồi, nhưng tất cả các chú ấy đồng loạt bỏ ra khỏi phòng, đi lên toà nhà làm việc. Cảnh sát trại đóng cửa sắt, không cho mọi người đi lên phía đó. Nhưng phía cửa kia mở toang để ai thích có thể tự ra về.
Tất cả đều không ai về, nhất là khi kiểm điểm lại, thấy thiếu mất anh Việt kiều tên là Ngoan, ở Thuỵ Sĩ về, người đã chạy vào ngăn cản chuyện bạo lực mà cũng bị đẩy lên xe. Sau đó, nhà cháu mới biết nhiều người cũng bị bắt vì đã làm vậy. Mấy bác cao tuổi ra cửa sắt yêu cầu các chú cảnh sát lên phản ánh hộ là mời công an Hoàn Kiếm xuống đối thoại và giải thích nguyên nhân anh Ngoan chưa được về, nếu không tất cả sẽ cùng ở lại chờ.
Có chú cảnh sát đi, nhưng quay lại chỉ nói mọi người thích thì chờ, chắc cũng sắp xong.
Tất cả tản mát ra ngoài sân, đi lại thoải mái, trừ việc đi lên toà nhà làm việc của trại. Phải sau mấy lần hỏi đi hỏi lại, anh Ngoan mới xuất hiện. Vẻ đầy mệt mỏi thất vọng, anh ấy thông báo bị giữ 1 số vật dụng (nhà cháu cũng thấy 1 chú công an bê 1 hộp giấy có niêm phong lên cái xe 12 chỗ đi ra cổng) và chìa ra 1 cái giấy hẹn làm việc vào sáng mai. Đó chỉ là 1 tờ giấy viết tay không tiêu đề, không ai ký đóng dấu gì cả. Thấy anh ấy quá mệt mỏi, nhà cháu và mọi người cùng đi ra cổng.
Bạn bè anh em đứng đầy bên ngoài, mọi người đứng chụp ảnh KỶ NIỆM, nhà cháu sang đường vẫy được taxi, đi về uống bia với 2 người bạn lên đón;
Rồi về nhà ngủ.
Hết 1 ngày Chủ nhật NHIỀU CHUYỆN.

Nhưng có một chuyện thật đáng giận là hôm sau nhà cháu có nghe, đọc và xem clip của TV Hà Nội về chuyện bắt quả tang bọn đi biểu tình chia tiền.
Một cách bôi nhọ không thể TỆ HẠI hơn của truyền thông chính thống.

Không chỉ thế, hôm qua nhà cháu còn được bạn bè chia sẻ trên FB. Xin trích dẫn một đoạn thế này:
  •  vừa ngồi với 1 ông chú làm ở TP, nói là có lấy lời khai của 1 ông đưa con ra Hà Nội học, tham gia đoàn biểu tình, và được nhận 300K. Không rõ đây là chuyện có thật, hay là được dựng lên thành chuyện thật để đài HTV đưa cái phóng sự đang bị ném đá kia...
  • Nếu muốn thì bố trí được 1 cú trao nhận tiền chứ có khó gì đâu, quá đơn giản...
  • Vấn đề là ai đưa tiền. Em có hỏi ông ấy là ai đưa 300K đó, ông ấy ỡm ờ không nói, bảo biết thế thôi :)
  • Ý anh là nếu muốn thì dàn xếp một vụ như vậy quá đơn giản mà, kiểu như để bọn khiêu khích trà trộn vào đám đông ấy, nếu muốn giải tán hay đàn áp đám đông :).
  • Cậu hỏi kỹ ông chú xem là ông ấy lấy lời khai của ông kia, hay người khác lấy lời khai rồi nói lại với ông ấy. Bố mẹ tớ đi họp tổ hưu cũng được phổ biến là người đi biểu tình được nhận tiền để đi đấy, mà tớ đi mấy lần chả được ai đưa xu nào cả, 30 ngàn cũng không chứ đừng nói 300. Tớ không có nhu càu điều tra làm gì, vì những người biểu tình tớ quen, tớ biết chắc họ cũng như tớ, không nhận xu nào, mà tớ đương nhiên tin những người như anh Nguyễn Hồng Kiên hơn là ông nào đó phiếm chỉ khuyết danh ở đâu đó đưa con ra HN học
  • Mặc dù không đồng tình với việc biểu tình, nhưng những người mà mình biết, thì mình quý và tin lắm chứ. Chẳng mấy ai tin vào việc có người đưa tiền để đi biểu tình. Nhưng có cái fact trên HTV, lại thấy ông chú (thật ra là chú của thằng bạn) nói úp mở, mà ông ấy là ở thành phố, cũng có chức vụ gì đó, nên mình mới nghĩ, khéo có dàn cảnh thật, thì HTV mới dám to mồm như thế chứ. Đã định khai thác thêm, nhưng ông ấy bảo biết thế thôi, biết nhiều làm gì. Mà đáng buồn ở chỗ, khi đó có nhiều người ngồi xung quanh, đủ mọi thành phần, từ thanh niên, trí thức, đến tầm tuổi trung trung, nhưng chẳng ai biết thông tin gì. Ông chú kia ban đầu múa mép kinh lắm, bảo là toàn bọn nhận tiền đi biểu tình. Mấy người kia cứ ú ớ, có biểu tình á, sao lại biểu tình ....Mình cũng hơi dại, đi bênh vực người biểu tình, nói là vì họ bức xúc trước việc Trung Quốc gây hấn nên đi biểu tình để bày tỏ thái độ. Chắc ông kia nghe thế chột dạ, mình không khai thác thêm được, tiếc quá.
  • Nói chung là các bác nhà mình toàn bậc thầy về truyền thông rồi. Ngay ở thành phố mà sự hiểu biết của dân tình cũng chỉ đến thế, thì thử hỏi 80% nông dân thì còn mù mờ thế nào.
  • Nguyễn Hồng Kiên : Hèn hạ bẩn thỉu ! Định bôi nhọ nhưng rồi chắc TỰ THẤY CHUẾ không ngửi được nên NÍN, dù có quảng cáo là sẽ đưa video. Cái ông chú của bạn kia cũng là đồ khốn với cái trò úp mở ấy.

Nhưng ngoài chuyện cố tình dàn cảnh, có 1 chuyện mà họ có thể đã quay được và định TRƯNG ra, mà nhà cháu mới được biết, từ nhà bác Đặng Phương Bích :
" ... Trong lúc chuyện trò, tôi nhìn thấy ba mẹ con một người phụ nữ nhỏ bé, người miền trong mà tôi nhìn thấy nhiều lần ở khu vực Bờ Hồ. Nghe mọi người nói họ là dân oan, lếch thếch kéo nhau đi khiếu kiện bao nhiêu năm nay rồi. Tôi muốn giúp đỡ ba mẹ con họ lắm, nhưng những lần trước gặp họ tôi lại không mang nhiều tiền.
Lần này tôi cũng chỉ mang theo một tờ 200 ngàn trong túi. Tôi hỏi mọi người xung quanh xem có tiền lẻ không. Bác Nguyễn Anh Dũng đổi cho tôi 2 tờ 100 ngàn. Tôi tiến đến ba mẹ con đưa cho họ 100 ngàn.
Người mẹ còn đang mải trình bày hoàn cảnh gì đó với những người đang đứng xung quanh, chả để ý gì đến tờ 100 ngàn tôi chìa ra nên đứa con gái nhỏ đón lấy. Tôi phải nhắc người mẹ chú ý kẻo đứa bé làm rơi tiền rồi quay lại bên cạnh những người bạn.
Sau này nghe mọi người nói đài truyền hình Hà Nội nói rằng, các lực lượng an ninh đã bắt quả tang có người phát tiền cho người biểu tình.
Đầu tiên tôi chả để ý, sau thấy mọi người xôn xao thắc mắc quá nên tôi chợt nhớ ra, chuyện mình biếu ba mẹ con nhà nọ 100 ngàn.

Nếu đúng đài truyền hình Hà Nội nói về chuyện tôi giúp đỡ ba mẹ con người phụ nữ kia 100 ngàn thì tôi phải nói rằng đó là sự khốn nạn, ti tiện hết chỗ nói. Có lẽ bởi họ chưa từng bao giờ bỏ tiền ra giúp đỡ những người nghèo khó, nên không thể hiểu được một người với đồng lương hưu ít ỏi như tôi lại có thể biếu 3 mẹ con khốn khổ kia 100 ngàn thì phải. "

Cái 'bài' VU CÁO người biểu tình nhận tiền của đâu đó đã xuất hiện từ năm ngoái. Hầu hết các cuộc biểu tình nhà cháu đều tham gia, nên KHẲNG ĐỊNH ĐÓ LÀ BỊA ĐẶT.
Nhưng kể cả có đi nữa, thì có ai NGU đến mức đem tiền ra giữa giời, giữa bàn dân thiên hạ, trước một rừng camera của công an chìm nổi mà chia không?
Trẻ con nó cũng không tin, nếu đưa cái video ấy lên TV.
Mà nếu công an đã quay được sao không ập vào "bắt tận tay, day tận trán" luôn lúc ấy, thế mới là QUẢ TANG chứ nhỉ ?
Càng thấy là cái bọn "tham mưu" cực kỳ NGUy hiểm! THẾ MÀ CŨNG NGHĨ RA ĐƯỢC THÌ... HẾT NÓI.

Để kết thúc cái TƯỜNG TRÌNH này, nhà cháu chỉ muốn nói thêm, rằng:
- Nhà cháu quyết không đi biểu tình để BỊ BẤT KỲ THẾ LỰC NÀO LỢI DỤNG, nhưng nhà cháu sẽ vưỡn đi quan sát, phản ánh các chuyện xung quanh biểu tình.

- Ngày càng thấy rõ hơn, việc Biểu tình từ một Quyền Dân sự đã bị biến thành chuyện Hình sự. Bức xúc về chủ quyền đất nước đang bị chuyển đổi thành bức xúc cá nhân giữa những người biểu tình (và quan sát) với những người được giao nhiêm vụ DẸP biểu tình. Qua đối thoại, nhà cháu thấy thực ra các mâu thuẫn, bức xúc ấy đáng lẽ HOÀN TOÀN không xảy ra.
NGƯỜI BIỂU TÌNH ĐÃ TỰ PHÁT, ỨNG XỬ CỦA CHÍNH QUYỀN CŨNG RẤT BỘT PHÁT, THIẾU MỘT CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG ĐẮN, THỐNG NHẤT. Người tham gia biểu tình lúc thì được đánh giá là yêu nước, lúc lại bị coi là bị ‘thế lực thù địch’ lợi dụng, thậm chí là phản động?
Tại sao công an và cả chính quyền Hà Nội CHƯA MỘT LẦN CỬ NGƯỜI ĐỦ TRÁCH NHIỆM/THẨM QUYỀN ĐẾN ĐỐI THOẠI THẲNG THẮN, giải toả bức xúc của người đi biểu tình về nguy cơ ngoại xâm, về chủ trương-hành động của nhà nước?
Nhà cháu được biết thiếu tướng Phạm Chuyên (nguyên giám đốc Sở Công an Hà Nội) đã khuyến nghị như vậy từ năm ngoái. Cách xúc/bắt/MỜI người đi biểu tình chống TQ gây hấn/xâm lược như hiện nay không thể giải quyết được vấn đề.

- Cùng là đồng bào mà trước nguy cơ ngoại xâm, người Việt đang bị chia rẽ. Cứ như thế này, nguy cơ mất nước là không nhỏ.
Tại sao cùng nó tiếng Việt mà lại KHÔNG THỂ HIỂU NHAU, không thể giãi bầy THỰC TÂM với nhau để đoàn kết. Mọi mâu thuẫn nội bộ hoàn toàn có thể gác bỏ để cùng đoàn kết chống nguy cơ ngoại xâm. Tổ tiên chúng ta từng làm được điều đó và đã chiến thắng giặc NGOẠI XÂM mạnh gấp nhiều lần.

P/s: Nhà cháu xin nhận khuyết điểm đã không thể hoàn thành TƯỜNG TRÌNH sớm hơn. Dù nguyên nhân là bạn bè rủ đi nhậu, KHAO lên level Nhân Phẩm :)

http://www.facebook.com/notes/nguy%E1%BB%85n-h%E1%BB%93ng-ki%C3%AAn/nh%C3%A0-anh-%E1%BB%9F-g%E1%BA%A7n-h%E1%BB%93-nh%E1%BB%89-th%E1%BA%BF-s%C3%A1ng-nay-anh-ra-b%E1%BB%9D-h%E1%BB%93-%C4%91%E1%BB%83-l%C3%A0m-g%C3%AC/293704070737208

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

LAN MAN VỀ TRUYỀN THỐNG HỖN DUNG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI VIỆT (2)

(Đã đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số tháng 5-6-7/2012 -Bản gốc)


          Sang đầu thế kỷ 21, thật không quá khi nói rằng niềm tin mãnh liệt về thế giới âm hồn vĩnh hằng là sự nổi trội ở đời sống tâm linh người Việt. Trong đó, việc thờ cúng tổ tiên vốn xuyên suốt chiều dài lịch sử văn hóa tín ngưỡng nay càng được chú trọng hơn bao giờ. Thế nhưng ở đây, việc xác định cơ cấu tổ tiên là điều cần phải được xét lại. Về mặt logic, bao nhiêu đời được gọi là tổ tiên? Và cái gọi phần mộ tổ tiên gia tộc liệu có thể chấp chứa bao nhiêu bộ hài cốt theo dòng lịch sử bất tận? Thử làm một phép tính đơn giản, lấy một người làm đơn vị phần tử đầu tiên, ngoài việc thờ cúng bố mẹ đẻ của mình (2 người), họ còn phải thờ ông nội và bà nội, ông ngoại và bà ngoại (4 người). Cứ thế, họ sẽ có 8 cụ nội ngoại, 16 kỵ nội ngoại..v.v.. Đây là dãy số tăng dần theo cấp số nhân với công bội là 2:
1, 2, 4, 8, 16, 32, 64, 128, 256...
          Đó là chưa kể đến các quan hệ thân tộc khác như anh chị em ruột, anh chị em họ, cô, dì, chú, bác nội ngoại, các vai vế ngang hàng với đời ông bà, với đời cụ kỵ nội ngoại..v.v.. Và tất nhiên cũng chưa kể đến chuỗi họ hàng nội ngoại bên vợ (hay chồng) khi xây dựng gia đình. Từ đó dễ thấy tính hữu hạn về số lượng của mỗi khu phần mộ gia tộc cũng như số lượng giới hạn “tổ tiên ông bà” mà mỗi con người có thể nhớ được trong đời. Theo đó, thường thì người ta chỉ có thể quy tập lượng ít ỏi mồ mả, tính đến vài ba đời là cùng. Tất tần tật số còn lại bao gồm những họ hàng nội ngoại dây mơ dẫy má cho đến những tiền nhân xa xưa sẽ được... quên dần theo thời gian bởi sự bất tận của nó. Thực tế, người ta sẽ chỉ thờ cúng mộ cụ A, B, C... đời tam đại (hoặc giả tứ đại) nào đó mà chẳng thể đoái hoài đến bố hay ông hoặc cụ kỵ của cụ A, B, C... Có nghĩa việc thờ cúng giỗ chạp tổ tiên nội ngoại thực tế không thể không giới hạn trong khoảng 3 đời, bởi khả năng ghi nhớ lo việc giỗ kỵ toàn bộ lớp lớp tiền nhân là điều không tưởng. Thế nên mới có lệ chia họ tộc thành các chi, ngành cùng các khái niệm Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ hay Tiên Tằng Tổ Khảo để chỉ tổ tiên chung chung, mơ hồ. Khi chia tách tộc họ, người khởi đầu một chi ở vùng đất mới sẽ có thể được coi là cụ tổ mới, như một tiền nhân còn được biết đến trong lịch sử gần nhất. Thực tế cho thấy, ngay cả cụ tổ mới đó rồi cũng dần bị quên lãng theo thời gian. Như vậy, có thể khẳng định khái niệm tổ tiên là hết sức tương đối trong vòng cuốn chiếu luân chuyển theo từng lát cắt thế hệ. Không thể nhớ xa, chỉ nhớ những gì gần với mình, đó chính là tính hữu hạn và phần nào thực dụng của hệ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dòng tộc. Ở đây, tính hữu hạn của khái niệm dòng tộc cũng thể hiện phần nào ở chính bản thân sự giới hạn của ngôn ngữ. Cụ thể, thuộc tính họ nội, ngoại cũng như giới (nam/nữ) cho các đại từ nhân xưng chỉ có thể xác định rõ ràng đến thế hệ thứ 3 (cha/mẹ, ông/ bà). Còn từ hàng cụ trở đi thì chỉ gọi là cụ, kỵ chung chung, khó xác định. Sẽ thấy càng lên cao, các khái niệm nội/ ngoại càng trở nên rối rắm mơ hồ... Ví dụ, 2 cụ đẻ ra ông nội thì hẳn là 2 cụ nội rồi, nhưng 2 cụ đẻ ra bà nội thì không biết gọi là gì cho chính xác? Bởi đó là họ ngoại của bố, mà con lại theo họ bố/ ông nội. Giả sử nếu cũng gọi đó là 2 cụ nội thì sẽ không phân biệt được với 2 cụ đẻ ra ông nội, còn nếu gọi  là 2 cụ ngoại, ắt sẽ lẫn sang họ bên mẹ. Không lẽ gọi đó là 2 cụ nội thuộc họ bên ngoại của bố?


          Cũng vì sự dây mơ rễ má quá phức tạp mà trên thực tế, nhiều cây phả hệ chỉ ghi danh những người thuộc họ nội, bỏ qua họ ngoại cùng vợ/chồng của những người trong dòng tộc. Thế nhưng nếu coi “cây có cội, nước có nguồn”, ắt không thể phân biệt đối xử nội/ ngoại bên trọng bên khinh như vậy! Thế nhưng nếu ghi nhận ngọn ngành trọn vẹn thì lại là điều quá sức với người đời. Bên cạnh tính hữu hạn đó, trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ông bà nhiều khi còn nảy sinh lắm chuyện rắc rối ở việc xác định nguồn cội. Như đã biết, thường thì bố mẹ, ông bà, cụ kỵ... của cụ tổ coi như không được tính đến vì không xác định được danh tính. Nhưng vấn đề đặt ra là nếu xác định được thì sao? Ví dụ lâu nay chúng ta ghi nhận ngày giỗ quốc tổ Hùng Vương. Chuyện đó nghiễm nhiên dẫn đến câu hỏi liệu có thờ cúng giỗ chạp bố quốc tổ (tức Lạc Long Quân), mẹ quốc tổ (tức Âu Cơ), ông nội quốc tổ (tức Kinh Dương Vương), bà nội quốc tổ (con gái vua hồ Động Đình)..v.v.? Rồi cứ lần theo những gì huyền sử đã ghi nhận được thì câu chuyện xem ra khá rắc rối, hay đành lờ đi vậy!?
          Cũng nói thêm về việc thờ cúng tổ tiên, bên cạnh tư tưởng “uống nước nhớ nguồn” cũng cần xem xét mặt trái của vấn đề. Người Việt vốn quan niệm hệ thống mồ mả ứng với thế giới vong hồn có tác động trực tiếp lên thế giới người còn sống. Người ta tin rằng mọi hiện tượng vui/buồn, sướng/khổ, phúc/họa nơi trần gian đều có tính hệ quả, chịu sự chi phối mạnh mẽ từ thế giới âm hồn. Ai chăm sóc tốt phần mộ thì có thể hưởng lợi, được tổ tiên ông bà phù hộ, ban phúc lộc, nếu không dễ bị giáng họa... Các khái niệm mộ kết, mộ phát, động mồ động mả... là ví dụ điển hình của niềm tin tín ngưỡng thể hiện sự ràng buộc sâu sắc giữa dương gian và cõi âm. Như thế, trong sự cầu cúng tổ tiên, săn sóc mồ mả, bên cạnh sự tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân là mục đích mưu cầu lợi ích cho bản thân gia đình người còn sống. Nói cách khác, tính vụ lợi/thực dụng luôn song hành cùng cái gọi “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện tính 2 mặt hiện hữu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Mới hiểu tại sao người ta có thể lao tâm khổ tứ đến vậy với chuyện mồ mả. Như chuyện tại sao gia đình nọ chỉ lo chăm sóc xây dựng phần mộ thế hệ cụ kỵ ở vùng quê xa xôi mà không quan tâm đến phần mộ thế hệ ông bà ở vùng cư trú. Lý do hoàn toàn theo lời phán truyền của thầy bói, cho rằng khu mộ cụ đang phát, không xây cất thì nhà sẽ gặp đại họa hay không thể “ngóc đầu” mà ăn nên làm ra. Tương tự, không hiếm trường hợp người ta chỉ chăm chăm bỏ tiền xây cất khu mộ phần thuộc chi họ nhà mình, sẵn sàng hoành tráng hóa sao cho to hơn cả khu mộ tổ kế bên, như để thể hiện sự vượng phát chi/ngành họ của mình nhằm hy vọng “hưởng lợi” theo lời thầy bói. Hay chuyện đám con cháu chỉ lo chăm sóc phần mộ cụ tổ bên nội mà không hề đoái hoài đến phần mộ bên ngoại, thường coi đó là việc của dòng họ khác. Âu đó cũng là những hệ lụy tất yếu của quan hệ chằng chịt họ hàng nội ngoại rối rắm, vốn quá sức với người còn sống. Thời nay, với niềm tin về thế giới âm hồn vĩnh hằng, không hiếm những người con khi cha mẹ còn sống thì vô tâm hay đối xử tệ bạc, nhưng khi chết thì làm đám ma linh đình, rồi xây mồ đắp mả cúng tế hoành tráng, như thể việc chăm sóc người chết tối quan trọng hơn người sống. Hoặc giả người ta coi việc phụng thờ âm hồn là hoàn toàn có thể bù đắp, chuộc lỗi cho mọi thiếu hụt, sai sót của thế giới trần gian vậy. Điều đáng chú ý, tuyệt đại đa số mọi hành vi tín ngưỡng xoay quanh phần mộ tổ tiên đều nhất nhất theo sự hướng dẫn của các thầy bói, thầy cúng, cô đồng, phù thủy... Đến mức thời nay, nếu có nói đa số con người hiện đại đang “sống và làm việc theo lời thầy bói” thì xem ra cũng không có gì quá đáng. Thôi thì cưới xin, ma chay, cải táng, xuất hành.., nhất cử nhất động đều phải thỉnh các loại ông thầy mà làm theo để đảm bảo thế giới âm hồn tổ tiên luôn song hành phù trợ.


          Xét trên góc nhìn toàn bộ, đối tượng thờ phụng của các tín ngưỡng tôn giáo nói chung (như Phật, Chúa, Thánh, Mẫu, thành hoàng...) là niềm tin tín ngưỡng có tính rộng mở, bao phủ tâm linh, bảo trợ an sinh cho cả một cộng đồng lớn, cho một dân tộc hay một quốc gia... Ngược lại, ngôi vị tôn thờ của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn khu biệt trong từng dòng họ giới hạn, lấy đơn vị gia đình cá thể làm cơ sở. Có nghĩa nó chỉ phục vụ đời sống tâm linh riêng cho dòng họ đó mà thôi. Bởi thế, mọi hành vi, mục đích tín ngưỡng đơn giản chỉ mang tính tư lợi cục bộ của từng tiểu cộng đồng nhỏ lẻ, chủ yếu thúc đẩy sự cố kết nội bộ dòng tộc với tính gia trưởng, ganh đua mang đậm chất tiểu nông, ít nhiều hạn chế sự đoàn kết, đồng tâm hướng tới đức tin chung của cả cộng đồng lớn. Ở Việt Nam, nếu coi mỗi ngôi từ đường như một đền thờ riêng của dòng họ thì nếu tính về số lượng, hẳn sẽ vượt xa mọi cơ sở thiết chế của hệ thống các tín ngưỡng tôn giáo khác như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ Thiên chúa... Trong đó, rất nhiều ngôi từ đường có kiến trúc bề thế không kém gì một ngôi chùa, hay ngôi đình làng to lớn. Thậm chí thời nay có những ngôi từ đường còn được dát vàng ròng nguy nga tráng lệ như một cung điện vua chúa, nhưng tất cả rút cục cũng chỉ để phục vụ lợi ích tâm linh cho một dòng họ mà thôi. Thử suy đoán, sẽ thấy rất có thể từ ngàn xưa, chính truyền thống thờ cúng tổ tiên dòng họ vụn vặt đó đã khiến người Việt không thể xây dựng được những tôn giáo lớn cùng hệ tư tưởng, triết thuyết phổ quát mà đành phải du nhập từ bên ngoài?! Hiện nay, chỉ cần nhìn vào các nghĩa địa tân thời, hệ thống các từ đường là có thể hiểu được cuộc đua tranh dòng họ lớn như thế nào. Mộ tổ, từ đường dòng họ này phải cao hơn, to hơn, cầu kỳ hơn, đắc địa hơn dòng họ kia, như một tấm gương phản chiếu rõ nét những động cơ vụ lợi, ích kỷ cá nhân cùng những hệ lụy của nó. Trong truyền thống lịch sử, có lẽ những câu chuyện ly kỳ về việc “táng mả hàm rồng” mưu cầu đế vương, vinh hoa phú quý của người Việt là minh chứng sống động nhất về hành vi thực dụng, vụ lợi của người sống với thế giới âm hồn tổ tiên. Niềm tin, ước mơ hồn nhiên đó thậm chí còn được chạm khắc khá nhiều lên những vì kèo đình làng Việt, như thể hiện một khát vọng lớn lao của ông cha xưa. Điều đáng nói, cái niềm tin “đất cát mồ mả đắc địa” đó vẫn được duy trì bảo lưu đến tận ngày nay với vai trò dẫn dắt của lực lượng các thày phủ thủy, thày địa lý thế hệ mới (thường gọi là nhà phong thủy). Vấn đề đặt ra ở đây là hành vi trục lợi từ mồ mả, vong hồn tổ tiên liệu có đáng được xem như niềm tin “uống nước nhớ nguồn”? Đã đến lúc phải xem lại mặt trái giá trị đạo đức ở hệ tín ngưỡng này. Cũng xin nói thêm, hiện nay có rất nhiều người trong chúng ta đang rất đỗi tự hào về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc, coi đó như một sự thể hiện đạo đức “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Thế nhưng cần phải thấy rằng trên thế giới, các cộng đồng, các dân tộc không thờ cúng tổ tiên thì cũng không có nghĩa là họ không “uống nước nhớ nguồn” như chúng ta!


Thời nay, trong những hình thái tín ngưỡng được phục hưng, có lẽ phong trào sôi nổi rầm rộ và phát triển mạnh mẽ nhất phải kể đến tín ngưỡng Tứ phủ. So với thời xưa, có lẽ chưa bao giờ hình thái tín ngưỡng này lại đạt một vị trí cao như vậy trong đời sống tâm linh người Việt. Sau cả phân nửa thế kỷ bị cấm hoạt động, giờ đây sinh hoạt lên đồng có thể nói là nở rộ như nấm sau mưa. Không còn lạ những chuyện người người lên đồng, nhà nhà hầu thánh nữa. Về mặt lợi ích kinh tế, doanh thu của các đền phủ thờ Thánh Mẫu thường ở vào thứ hạng cao hơn so với hệ thống chùa chiền, đình miếu nói chung. Điều này hẳn là nguyên nhân khiến cho rất nhiều ngôi đền, phủ nổi tiếng đều phải mở thầu cho chức thủ nhang đồng đền. Như đã nói, có những nơi, vị thủ nhang phải nộp hàng tỉ bạc vào ngân sách chính quyền địa phương mỗi năm. Có nơi, chính quyền tỏ ra khôn ngoan hơn, cử hẳn các cán bộ phòng văn hóa đứng ra coi sóc đền phủ để đảm bảo tận thu toàn bộ. Nói vậy để biết nguồn lợi từ sinh hoạt tín ngưỡng lớn như thế nào. Với đặc tính thương mại tâm linh từ ngàn xưa, mức giá chi phí cho sinh hoạt hầu đồng thời nay cũng leo thang theo mặt bằng giá cả sinh hoạt xã hội. Hiện nay, ở Hà Nội, giá thành lễ mở phủ trình đồng cho những người mới gia nhập tín ngưỡng dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Tùy vào sự bề thế của đền to phủ lớn, tiền lệ phí “giọt dầu” bắc ghế hầu thánh cũng tính trung bình vài triệu/ một vấn hầu. Việc chi phí cho một vấn hầu cỡ hàng trăm triệu đã là chuyện không hiếm. Cá biệt có những chân đồng giàu sang, sẵn lòng bỏ cả tỷ bạc mỗi lần hầu thánh.
Có lẽ trên thế giới, không có một tôn giáo tín ngưỡng nào mà người gia nhập lại phải tiêu tốn tiền của nhiều như vậy. Thế nhưng sự tốn kém đó không hề làm nản lòng những người được gọi là có “căn đồng”. Điều này có lẽ xuất phát từ bản chất của tín ngưỡng Tứ phủ, rất khác với các hình thái tâm linh nói chung. Đại thể những tín đồ của Phật giáo, Thiên chúa giáo hay Hồi giáo... thì không thể hóa thân thành phật Thích Ca, chúa Giêsu hay thánh Allah... nhưng với các chân đồng Tứ phủ thì ngược lại. Ở đây, các ông đồng bà đồng vừa đóng vai trò tín đồ, vừa có cơ hội hóa thân lần lượt để trở thành chính những vị thánh trên điện thần mà họ phụng thờ. Trong các vấn hầu của mình, người “bắc ghế” hầu thánh Tứ phủ luôn được đám đông tôn vinh cổ vũ trong trạng thái “nhập thần- hóa thánh” liên tiếp, hết giá này qua giá khác. Với những khoảnh khắc “thần tiên” đó, chân đồng được thụ hưởng mạnh mẽ cái cảm giác “thánh bề trên” trong giao tiếp ứng xử, khi phán truyền với đám đông người tham dự. Đây được xem như yếu tố vô cùng hấp dẫn với người trần mắt thịt. Có ai mà không cảm thấy sung sướng thăng hoa khi được cộng đồng phút chốc ngưỡng vọng như một vị thánh chính hiệu, lúc lúc xì xụp chắp tay vái lạy thành kính, lúc lúc hò la náo nhiệt cổ vũ.

Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh

Trên thực tế, việc “nhập thần- hóa thánh” ở đây chính là sự diễn xuất sân khấu của các chân đồng trong những vai diễn thần thánh. Mỗi giá đồng thể hiện hình ảnh một vị thánh Tứ phủ, từ phục trang cho đến những phong thái, tính cách cùng các hoạt động biểu trưng riêng như tựa gối hút thuốc, uống trà, uống rượu, nghe thơ văn, múa gươm, múa đao, múa hèo, múa cờ, múa quạt, múa mồi, chèo đò, quẩy gánh bán hàng.... Với đặc điểm đó, chiếu hầu đồng được xem như một “sân khấu” văn nghệ tâm linh với nhiều dáng vẻ hấp dẫn riêng của nó. Cả người bắc ghế hầu lẫn đám đông tham dự được đắm chìm miên man trong trạng thái tâm lý tự sướng đa cảm xúc, kết hợp giao lồng các yếu tố “nhập thần- hóa thánh”, diễn viên sân khấu, diễn viên múa, trình diễn thời trang. Điều đặc biệt, mỗi giá đồng trong các vấn hầu không thể thiếu được màn ban tiền phát lộc với sự biểu hiện của 2 chiều cạnh tâm lý cho/nhận đồng thuận hả hê. “Thánh” thì hưởng thụ cái cảm giác “bề trên quyền năng” ban phát, bố thí cho “chúng sinh” trần gian khi vung tay tung tiền bạc, lộc lá vào đám đông. Còn khán giả tham dự thì hỷ hả mãn nguyện với cảm giác sung sướng tràn trề khi vớ được tiền thần, lộc thánh một cách dễ dàng tự nhiên như mưa sa trên trời. Tất cả lại diễn ra trong không gian điện thờ linh thiêng, trang hoàng lộng lẫy cùng phần đệm khi khoan thai tinh tế, lúc sôi động náo nhiệt với tiết tấu vũ điệu cuồng say của dàn nhạc Chầu văn quyến rũ. Có thể chính cái tâm lý tự sướng “thánh thần” đó lý giải việc tại sao người ta phải đặt một tấm gương to dưới điện thờ, trước mặt người hầu. Hẳn để các chân đồng trước nhất có thể nhìn thấy rõ trong gương hình bóng “thánh hóa”- tức sự hóa thân của mình “hiện thực” như thế nào. Bên cạnh sự thăng hoa lúc lên đồng, khi gia nhập tín ngưỡng, mỗi chân đồng thường “tự vận” căn số của mình ứng với một vị thánh cụ thể nào đó như căn Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín, Chầu Năm, Chầu Bé... Hệ quả là trong cuộc sống thường nhật, họ cũng thường ám thị tính cách bản thân giống với “căn cốt” các vị thánh huyền tích, trong đó có cả tính cách mà dân gian thường lưu truyền kiểu “Phật từ bi, thánh chấp từng li”. Như vậy, cộng với cái căn cốt “con cưng” của Mẫu, việc tự kỷ “thánh hóa” bản thân, cảm giác vị thế cao sang hơn người vừa trình bày có lẽ là đặc điểm hấp dẫn mãnh mẽ của hình thái tín ngưỡng này. Và, những đặc điểm đó cũng đồng thời tạo nên một tính cách đặc trưng riêng của các con nhang đệ tử Tứ phủ, một tính cách đồng bóng đi mãi cùng các chân đồng theo năm tháng.


Hơn 10 năm trở lại đây, tín ngưỡng Tứ phủ được một bộ phận giới chuyên môn nâng tầm, tôn vinh như một tôn giáo lớn có tính chất đại diện đời sống văn hóa tâm linh dân tộc- gọi là Đạo Mẫu. Có thể nói, chuyện đó đã tác động không nhỏ đến thái độ ứng xử của xã hội, khiến việc gia nhập tín ngưỡng ngày càng trở nên sôi nổi tấp nập. Từ già đến trẻ, từ sang tới hèn, từ quan chí dân.., giờ đây sinh hoạt hầu đồng đã phục hưng và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ. Thậm chí, có trường hợp những cháu bé còn ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng cũng được gia đình cho làm lễ mở phủ trình đồng hầu thánh. Xưa, chuyện “tiền Phật hẫu Mẫu” trong chùa Việt không mấy phổ biến. Nhưng thời nay, việc nhà sư cho xây điện thờ Mẫu trong khuôn viên chùa, kèm theo đó chấp nhận dung nạp sinh hoạt đồng bóng đã trở nên một hiện tượng quá ư bình thường. Thậm chí bây giờ, sẽ không hiếm gặp những nhà sư cùng tham dự lễ lên đồng, thậm chí cũng mở phủ trình đồng, gia nhập tín ngưỡng như các con nhang đệ tử chính hiệu. Trong bầu không khí đó, nhiều ngôi đình cũng nhanh chóng thức thời với việc xây thêm gian Mẫu phối thờ để thu hút khách thập phương. Hay thậm chí có ngôi đền nọ vốn thờ một đào nương lừng danh đã có công giúp vua Lê chống giặc Minh xâm lược, nay cũng được “Tứ phủ hóa” để làm nơi hầu đồng. Theo đó, ngôi đền được đổi tên thành đền “Mẫu đào nương”, bất chấp Luật Di sản văn hóa. Hiện nay, vị đào nương nghiễm nhiên được coi như một “thánh mẫu” phát sinh. Nói thế để thấy được tín ngưỡng Tứ phủ thời nay có sức phát triển mãnh liệt như thế nào.


Xưa, người ta lên đồng chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tự thân. Thời nay, có nhiều ông đồng bà đồng còn kiêm nhiệm thêm cả vai trò thầy cúng, thầy bói. Điều này lý giải tại sao trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, dạng lên đồng dưới hình thức hầu chứng ngày càng phổ biến hơn so với thời cổ truyền. Ở sinh hoạt dạng này, các gia đình có nhu cầu tâm linh sẽ phải cùng nhau góp tiền sắm sanh đồ lễ và chi trả toàn bộ thù lao cho các bên liên quan. Một quan thầy đồng cựu có uy tín được mời sẽ đứng ra nhận trách nhiệm hầu đồng đại diện, thay mặt các gia chủ mà “thông thiên” với thần linh để cầu tài cầu lộc, giải trừ tai ách, tà ma... Với nhà có người bệnh, chân đồng còn ban cho tàn nhang nước thải để uống, chén nước quết giầu để xoa chỗ đau hay đôi ba lá bùa trấn yểm... Khi nào xong việc, các gia chủ còn phải sửa lễ tạ, nhiều khi khá tốn kém. Có thể thấy, chính sự cấy ghép chức năng thầy cúng, thầy phù thủy... ở hình thức hầu chứng lại là một cách mở lối thu nhập cho các chân đồng. Bởi xưa nay, họ vốn chỉ đóng vai trò chi trả các khoản thù lao cho cung văn và thủ nhang đồng đền mà thôi. Âu đó cũng là một biểu hiện sống động về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người Việt. Cũng trong sự “pha trộn” đó, thời nay trong các vấn hầu của mình, một số chân đồng còn lai cấy hành vi tín ngưỡng của các thanh đồng bên tín ngưỡng thờ đức Thánh Trần. Trong một số giá đồng, họ cũng xiên lình, thắt đai thượng, nuốt lửa hay rạch lưỡi “lấy dấu mặn” nhằm gây ấn tượng mạnh với đám đông tham dự. Đây có thể là hệ quả của việc lai cấy đức Thánh Trần vào điện thần Tứ phủ, một xu hướng mới phát sinh ở một bộ phận chân đồng thời nay, xuất phát từ quan điểm của một số nhà nghiên cứu văn hóa. Vì thế mà hiện nay rất nhiều ông đồng bà đồng bị ngộ nhận, thường tự gọi mình là thanh đồng. Ngoài ra, việc tự nhận “thanh đồng” cũng rất có thể xuất phát từ ý muốn “sang trọng hóa” danh từ, bởi những chân đồng xưa nay thường vốn chỉ được dân gian gọi là đồng bóng hay đồng cốt.

Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh

Thời nay, không phải vô cớ mà giới đồng bóng định danh khái niệm “đồng đua” nhằm chỉ hiện tượng đua đòi háo danh trong tín ngưỡng Tứ phủ, cốt để khoe mẽ thể hiện bản thân mình. Những vấn hầu tốn kém bạc tỷ linh đình là một trong những biểu hiện sống động của những chân đồng dạng này. Gần đây, không hiếm những chân đồng vì mục đích quảng bá nhân thân trong giới bản hội, sẵn lòng bỏ tiền thuê cả một nhóm làm phim lên tận những danh thắng thiên nhiên vùng núi cao. Ở đó, họ tổ chức ghi hình bản thân trong phục trang hầu đồng, thể hiện cảnh các “cô, cậu”, các “chầu thượng ngàn” hay các “quan”, ông “hoàng” rong chơi, du ngoạn vãng cảnh sao cho giống với chuyện thần tiên trong huyền tích các vị thánh. Mỗi đợt như vậy, bầu đoàn thê tử các chân đồng dắt díu nhau trình diễn không khác gì một đoàn làm phim chuyên nghiệp. Sau đó, các trích đoạn được đem về lồng ghép vào những trường đoạn phim quay toàn bộ vấn hầu của họ, những mong các DVD lên đồng sẽ tăng thêm phần hấp dẫn, bắt mắt. Xem ra trong xã hội thời nay, mối quan hệ cung cầu mang tính thương mại giữa thủ nhang đồng đền, cung văn và chân đồng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Thị trường các dịch vụ đi kèm cũng vận hành khá sôi động. Thôi thì đủ mọi hiện tượng tốt xấu phát sinh tha hồ nở rộ, được phản ánh rộng rãi trên khắp các mặt báo, như dịch vụ cho thuê quần áo hầu, thuê người hầu dâng, múa phụ họa, làm đồ mã, viết sớ, quay phim, chụp ảnh... Thời xưa, bắc ghế hầu thánh vốn là sinh hoạt tín ngưỡng chủ yếu giành cho giới tiểu thương hay những người giàu. Còn thời nay, như đã nói, trong phong trào phục hưng rầm rộ, thành phần các chân đồng ngày càng mở rộng với đủ mọi đối tượng thành phần gia nhập. Bởi vậy, những hiện tượng khuynh gia bại sản, tan cửa nát nhà... vì đua nhau hầu đồng là một hệ quả tất yếu, đã được phản ánh nhiều trên báo chí. Nhớ lại thời kỳ đầu thế kỷ 20, ở Hà Nội cũng có những chân đồng phải lần lượt bán sạch gia sản để lo việc hầu thánh. Câu chuyện khá bi thảm với việc chân đồng tự tử, kết thúc cuộc đời tín ngưỡng mê đắm. Ở đây, có người lý giải rằng chân đồng tìm đến cái chết do phá sản. Nhưng với trường tự kỷ của một tín đồ tâm linh cực đoan, cũng có người coi đó là sự “tự giải thoát” để về miền vĩnh hằng theo hầu Mẫu Tứ phủ! Nhưng dù bằng cách nào thì đó vẫn thực sự là một bài học đắt giá, đáng cho người đời nay phải suy ngẫm!


Với bản chất tín ngưỡng đa thần mang đậm tính thương mại, hệ thống các đền phủ thời nay đua nhau trùng tu, sửa sang đắp điếm, sơn son thiếp vàng, trang hoàng lộng lẫy.., cốt sao bắt mắt giới con nhang đệ tử cũng như thu hút khách thập phương về hành lễ. Có thể chính điều này phần nào khởi nguồn cho phong trào trùng tu bừa bãi, phô trương quá mức, đến độ thay đổi toàn bộ cảnh quan di tích, bất chấp Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của Nhà nước. Điều đáng nói là ở các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo, phong trào tân trang chùa chiền trong nhiều năm gần đây cũng trở nên xô bồ. Cái tâm lý to hơn, mới hơn, đẹp hơn, cầu kỳ hơn... của phong trào xây cất đắp điếm bên ngoài cũng lan cả vào nơi cửa thiền. Nào là những chùa cao tầng với những vật liệu mới lạ, đắt tiền, nào là tượng Phật lớn nhất, vườn tượng lớn nhất, bảo tháp cao nhất, những sư tử Tàu, sư tử Pháp, đèn đá Nhật Bản, đèn lồng đủ loại... thi nhau nở rộ khiến những nhà quản lý di tích trở nên bất lực. Những hiện tượng “diêm dúa hóa” di tích đó đã từng được phản ánh trên báo chí, và cũng từng gặp phải phản ứng quyết liệt của chính những chủ nhân nơi thờ tự. Đây thực sự được xem như một vấn nạn với giới bảo tồn văn hóa, như một thách thức mới mang tính... thời đại! Đáng chú ý, bên cạnh việc phối thờ Mẫu trong đình, chùa, ở chiều ngược lại, cũng có ngôi đình đã làm thêm những chỗ thờ Phật ngoài sân giời, cổng đình hay gốc đa đầu làng, bất chấp nghịch lý “Thánh hơn Phật”. Có lẽ ban quản lý mong muốn tạo được diện mạo hoành tráng tối đa với nhiều ban bệ đặt lễ hơn cho khách thập phương chăng? Âu đó cũng là sự biểu hiện bản chất hỗn dung tín ngưỡng nói chung của người Việt. Có điều thời nay, xem ra sự hỗn dung đã trở nên một “nồi lẩu tâm linh” pha trộn, phát sinh, biến tướng đủ mọi kiểu dạng, ngày càng đi theo chiều hướng không mấy tốt đẹp.


3-Đôi điều kiến giải...

          Nhìn suốt chiều dài lịch sử, từ tín ngưỡng đa thần bản địa, người Việt dần chuyển sang đa nguyên tôn giáo tín ngưỡng. Sẽ thấy trong sự tích hợp đa tâm linh, truyền thống hỗn dung của người Việt được xem như một đặc điểm cơ bản. Ở đây, sự pha trộn đan xen có lẽ chủ yếu dựa trên nguyên tắc dung hợp thực dụng, bất luận các hệ thống giáo lý, triết thuyết, quan niệm của những tôn giáo, tín ngưỡng có mâu thuẫn với nhau như thế nào. Liệu truyền thống đó có phải sự biểu hiện một phần tính cách dân tộc Việt? Tạm thời, hãy coi đó là sự hồn nhiên tín ngưỡng người Việt. Một sự “hồn nhiên” tiếp nối từ truyền thống xưa của ông cha. Trải theo thời gian với quá trình hỗn dung tiếp biến, pha trộn và lai tạp, thế giới tín ngưỡng người Việt giờ đây đã trở nên như một mớ bòng bong hỗn độn, chằng chịt các mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa cõi dương gian và thế giới âm ty địa phủ...
          Trong lịch sử loài người, nói chung tôn giáo tín ngưỡng trước hết là những sáng tạo tinh thần, xác định những hệ tư tưởng, đạo đức trong sự hình dung, tưởng tưởng về một thế giới siêu hình chi phối đời sống trần gian. Sẽ thấy bất cứ hình thái nào, vì là sáng tạo của con người nên tất chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử- xã hội, không gian văn hóa và đặc biệt mặt bằng tri thức cộng đồng đã sinh ra nó. Ví như hệ thống “thiên đình- cõi trời” tưởng tượng mà tín ngưỡng người Việt “ngưỡng vọng” trên thực tế là sự mô phỏng nguyên mẫu bộ máy hành chính triều đình phong kiến, gắn bó hữu cơ với hệ tôn giáo du nhập từ Trung Quốc. Nói cách khác, đó cũng chính là sự giới hạn trí tưởng tượng của con người khi sáng tạo ra thế giới siêu hình nói chung. Ở thời kỳ khoa học chưa phát triển, mọi kiến giải về vũ trụ, về thế giới của các tôn giáo tín ngưỡng như cõi trời, thiên đình, thiên đàng, Tây phương cực lạc, cõi âm ty, địa phủ, địa ngục, hỏa ngục, thủy cung... đều tỏ ra “hợp lý” với niềm tin tâm linh duy ý chí. Những câu chuyện lịch sử về việc tòa án giáo hội Thiên chúa xử tử những nhà khoa học dám chứng minh ngược với học thuyết của mình là những ví dụ điển hình. Dường như khoa học càng phát triển bao nhiêu, mọi giá trị siêu hình cổ xưa sẽ càng bị triệt tiêu bấy nhiêu bởi sự lỗi thời của nó. Thời nay, khi khoa học đã xác định ngôi nhà chung loài người trong trái đất tròn xoay quanh mặt trời.., có lẽ các tôn giáo tín ngưỡng cũng buộc phải xét lại “vũ trụ quan, thế giới quan” của riêng mình, vốn ra đời trong trí tưởng tượng từ thời xa xưa.
          Trong sự sáng tạo các thánh thần của thế giới siêu hình, không hiếm những trường hợp mà nhân vật thờ phụng trên thực tế vốn là những sáng tạo văn học, nhưng về sau được “hiển thánh hóa” trong sự lan tỏa của tâm thức dân gian. Chuyện biến hư thành thực, biến cái siêu hình thành hữu hình, âu đó cũng là bản chất của thế giới tâm linh nói chung. Ví dụ tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, trải theo thời gian, những Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới... trong tác phẩm rút cục đã được “hiện thực hóa” một phần trong đời sống tâm linh người Việt. Cụ thể, có những lưu phái đạo phù thủy ở miền Trung đã mặc nhiên đưa Tôn Ngộ Không trở thành một trong những vị thánh trên hệ thống điện thần của mình để thờ phụng. Ngày nay, không hiếm ngôi chùa Việt tiếp tục đưa những hình ảnh của Tây Du Ký vào các bức chạm khắc mới, như một sự tiếp tục thừa nhận “tính thiêng” các nhân vật của Ngô Thừa Ân. Thậm chí trong lần tổ chức dùng chuyên cơ rước “xá lị” Phật về Việt Nam, một vị đại đức đã chính thức tuyên bố rằng: “Đây quả là điều kỳ diệu, xưa Đường Tăng mất sáu năm để đến được đất Phật, nay các vị thực hiện điều đó chỉ trong vài giờ đồng hồ bằng cả một chuyến bay riêng". Chưa biết những viên xá lị đó liệu có phải là đồ thật hay không nhưng câu chuyện đã phản ánh một niềm tin chân thành- sự tâm linh hóa những nhân vật văn học điển hình Trung Quốc. Đứng trên góc độ sáng tạo tâm linh, sẽ còn vô vàn những ví dụ phản ánh sự hồn nhiên của loài người trong việc xây dựng, bồi đắp hệ thống tôn giáo tín ngưỡng nói chung.
          Một chuyện khác, nếu như ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc, Quan Thế Âm Bồ Tát được xác định là vị Phật bà thì ở Tây Tạng, ngài lại là... Phật ông, được tôn vinh như quốc tổ (cha đẻ) của người Tây Tạng. Cho đến ngày nay, nhiều cao tăng Tây Tạng vẫn được xem là hiện thân của Quán Thế Âm, trong đó có vị Gyalwang Drukpa vừa sang thăm Việt Nam năm 2011. Ở đây, không biết giới chư tăng Phật tử Việt Nam lúc chắp tay vái ngài Gyalwang Drukpa sẽ nghĩ gì so với việc hành lễ trước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trong Tam bảo, ngoài sân chùa? Rồi không biết sự “hiện thân” của đức Phật (ông/bà) ở đây liệu có giống với sự hóa thân tưởng tượng kiểu các chân đồng Tứ phủ? Tham vấn một số tín đồ Phật tử, được giải thích rằng đức Quan Thế Âm Bồ Tát là một cái gì đó rất to lớn, có thể hóa thân thiên hình vạn trạng, không có gì mâu thuẫn(!) Có lẽ trong tín ngưỡng tôn giáo nói chung, niềm tin là một động lực mạnh mẽ đủ để biến hư thành thực, không thành có, phi lý thành có lý. Thế nên mọi sự đều có thể dễ dàng chấp nhận nếu như thuận với ý thức chủ quan của niềm tin tâm linh. Xin được nhắc lại, một thế giới ảo được “hiện thực hóa” bởi niềm tin hồn nhiên của con người vốn là căn cốt của tôn giáo tín ngưỡng. Ở đây, cuộc vật lộn giữa tin/không tin cùng cái tâm lý bán tín bán nghi dường như luôn đồng hành suốt chiều dài lịch sử loài người. Tôn giáo, tín ngưỡng dù có mâu thuẫn và đối kháng như thế nào nhưng vẫn song song tồn tại với đầy đủ vẻ hợp lý và bất hợp lý của chính nó. Anh tin điều anh chọn, tôi tin điều tôi biết, cuộc sống tự do tín ngưỡng cũng giống như nghệ thuật vậy, sao cũng được, miễn là thỏa mãn được nhu cầu thụ hưởng tinh thần. Tín ngưỡng tôn giáo suy cho cùng cũng giống như phong tục, mọi hành vi thường lặp lại như thói quen lâu đời, bất luận sự hợp lý đến đâu.


          Từ bao đời nay, các giá trị tâm linh không chỉ mê hoặc người nghèo, mù chữ thất học mà còn xâm nhập mạnh mẽ các tầng lớp thượng lưu, tri thức, quan chức... Điều đó là một minh chứng về sức mạnh nghìn đời của tôn giáo, tín ngưỡng. Nhớ lại nhận định nổi tiếng của Các Mác coi tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Sẽ thấy ở góc độ tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo rõ ràng đem lại một sức mạnh niềm tin lớn lao cho con người. Xét cho cùng, chỗ dựa tinh thần là một chân lý vững chắc đủ để các hình thái tín ngưỡng tôn giáo có thể trường tồn cùng với lịch sử nhân loại. Có thể nói, dù đối tượng của niềm tin là những giá trị ảo nhưng trên thực tế đã mang lại cho con người nhiều giá trị tinh thần không thể phủ nhận. Đó là chưa kể về bản chất, mỗi tôn giáo lớn trên thế giới đều có giá trị như một hệ triết thuyết, hệ đạo đức lớn, hướng con người tới một niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp. Sự xoa dịu nỗi đau trần thế, niềm tin vào sự trở che của đấng tối cao... rõ ràng tạo nên một tiềm thức dạng trường ám thị, kích thích con người gia tăng sức mạnh tinh thần. Từ đó có thể phát huy tối đa sức mạnh nội tại trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn ở một thế giới hỗn độn với biết bao sự bấp bênh, trắc trở. Điều này tỏ ra hợp lý khi nhận định xã hội càng bất ổn định bao nhiêu, con người lại gia tăng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng bấy nhiêu. Bởi vậy, lịch sử tôn giáo tín ngưỡng mọi thời đại phần nào như tấm gương phản ánh tâm thế con người trong mọi thời đại. Thế sự thăng trầm lúc thịnh lúc suy, niềm tin con người dường như không thoát khỏi những ràng buộc tâm linh, vốn đã có từ ngàn xưa. Nó giống như một nỗi sợ hãi nguyên thủy trường tồn ám ảnh, khiến con người dễ mất khả năng tự tin, buộc phải tìm chỗ bấu víu ở tôn giáo tín ngưỡng.
          Cũng cần phải thấy rằng, thuốc phiện có thể giảm đau, kích thích sự thăng hoa hứng khởi nhưng đồng thời nó cũng là chất gây nghiện không dễ gì từ bỏ khi đã đắm đuối trong trường ảo giác. Trong niềm tin tôn giáo tín ngưỡng, sự sùng bái những cá nhân thánh thần (hoặc con người được thần thánh hóa), suy tôn ngưỡng vọng những điều siêu thực, tưởng tượng... khiến con người dễ bị rơi vào tình trạng thái quá, cực đoan, duy ý chí với thế giới siêu hình. Theo đó, họ dễ bất chấp những quy luật tự nhiên hay xã hội, khó chấp nhận những ý kiến trái chiều mang tính phản biện, thường quy cho là sự báng bổ thánh thần. Hiểu điều đó, mới thông cảm được cho mọi hiện tượng bất bình thường ở đời sống tâm linh nói chung. Ở đây, khoảng cách giữa đức tin cao cả vào thế giới vô hình cũng như sự mê muội, cuồng tín ở những điều dị đoan không tưởng có lẽ cũng chỉ trong gang tấc, dễ bị đánh lận con đen. Đây chính là tính 2 mặt của tôn giáo tín ngưỡng nói chung, khiến cho nó trở nên rất dễ bị lợi dụng. Trong lịch sử, việc các thế lực tăng lữ mượn tôn giáo tín ngưỡng như một phương tiện để thỏa mãn lợi ích riêng, từ những tham vọng chính trị cho đến những dục vọng thấp hèn là điều đã được minh chứng. Điều này lý giải cho mọi sự xung đột tôn giáo, tàn sát đẫm máu lẫn nhau trên thế giới. Đáng chú ý, cuộc chiến không chỉ xảy ra giữa các tôn giáo với nhau mà còn ở cả nội bộ một tôn giáo, khi có sự chia tách thành các giáo phái khác nhau. Thử hỏi với bản chất cao đẹp của hệ đức tin, tại sao người ta có thể hành xử mâu thuẫn với chính giáo lý, đạo đức của tôn giáo mà họ phụng thờ? Tại sao có những kẻ tu hành lại có thể ngang nhiên buôn thần bán thánh để mưu cầu vật chất, trục lợi cá nhân hay thậm chí kích động nổi loạn gây hấn chính trị trong xã hội? Nếu hiểu được nhận định vĩ đại của Các Mác, sẽ không mấy khó khăn để tìm câu trả lời.
          Vài kiến giải như vậy để có thể thấu hiểu thêm truyền thống hỗn dung tôn giáo tín ngưỡng của người Việt. Một mặt, sự tích hợp pha trộn, dung hòa tâm linh phần nào giảm thiểu những xung đột tôn giáo tín ngưỡng không đáng có. Mặt khác, sẽ thấy trong bản chất “thuốc phiện tinh thần”, “nồi lẩu” tôn giáo tín ngưỡng thời nay tựa hồ như một dạng “ma túy tổng hợp” bất công thức, in đậm tính thực dụng nguyên thủy từ ngàn xưa, tất sẽ gây nên những hệ lụy tương ứng. Hiện nay khắp nơi đua nhau phục dựng lễ hội, kể cả những hành vi mà đa số người thời nay khó chấp nhận. Ví như việc chém đứt đôi con lợn hiến sinh rồi tranh nhau bôi máu vào tiền, dẫm đạp tranh giành vật phẩm lộc thánh... hay những cổ tục cho phép, tôn vinh hành vi đả thương “mang tính thiêng” như sự đề cao “tinh thần thượng võ”, bất luận gây đổ máu... Trong Hội Gióng năm 2011, khi hành lễ đã có người bị chấn thương sọ não phải đưa đi cấp cứu. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu tước bỏ tục đả thương, hẳn những “chủ thể văn hóa” sẽ khó chấp nhận vì bị coi là... mất thiêng! Hiện nay, cái cảm giác kinh hoàng sẽ là điều không thể tránh khỏi khi quan sát toàn cảnh đời sống tâm linh tín ngưỡng mỗi mùa lễ hội. Đây là bài toán quá khó cho các nhà quản lý. Lâu nay chúng ta thường kêu gọi hãy trả lại các lễ hội về cho người dân- tức những chủ thể văn hóa. Thế nhưng cũng đến lúc cần xác định rõ, với hiện trạng “tín ngưỡng trí” như hiện nay, dù người dân địa phương hay chính quyền đứng ra tổ chức thì cũng đến vậy mà thôi. Chả nhẽ người dân tổ chức thì các lễ hội sẽ trở nên tốt đẹp, nhân văn và không còn hiện tượng tiêu cực nữa hay sao? Thật khó mà tin vào điều đó! Chưa kể đến việc khái niệm chủ thể văn hóa ở đây nhiều khi còn không phân biệt nổi. Như hành vi bày bán thịt chó giả nai... ngồn ngộn công khai ở chùa Hương, đó là ý đồ của chủ thể tín ngưỡng nơi cửa thiền hay là của người dân Hương Sơn? Cũng như việc thu tiền cúng sao giải hạn, bán phiếu công đức, bán sớ... cùng nhiều dịch vụ tâm linh khác ở các ngôi chùa lớn, liệu có phải do chính quyền địa phương quy định hay là chủ đích của những nhà sư trụ trì? Vấn đề này bàn đến nhạy cảm lắm bởi sự đòi hỏi một cuộc chấn hưng có tính toàn bộ ở hệ thống các cơ sở tín ngưỡng công cộng. Về mặt quản lý nhà nước, có khá nhiều việc nan giải để lập lại công bằng xã hội. Ví như việc kiểm soát các nguồn thu siêu lợi nhuận ở các cơ sở tín ngưỡng như chùa chiền, đền phủ cũng như việc xử lý nguồn thu nhập cá nhân của các loại thủ nhang, thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy, thầy địa lý, cô hồn, đồng cốt... Đây là bài toán mà chắc hẳn các nhà quản lý còn phải “bó tay” lâu dài. Bởi có một thời chúng ta đã cấm mà không xong. Nhưng giờ đây nếu quy hoạch, đánh thuế thu nhập thì có nghĩa Nhà nước mặc nhiên công nhận buôn thần bán thánh cùng các dịch vụ tâm linh như một ngành nghề chính thức trong danh mục. Còn nếu không kiểm soát nổi, coi như chúng ta tiếp tục chấp nhận thả nổi hàng loạt nghề thu nhập bất hợp pháp, làm giàu trên sự mê hoặc, lợi dụng niềm tin, thuộc tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân. Xem ra, trước mắt cần nhanh chóng xây dựng một chương trình giáo dục văn hóa tâm linh có hệ thống trên các phương tiện truyền thông với sự góp mặt của các nhà chuyên môn, mới mong tìm được lối thoát!


4-Vĩ thanh...

          Thay cho lời kết, xin thuật lại những gì mà học giả Phan Kế Bính đã mô tả về đời sống tâm linh người Việt giai đoạn cuối thế kỷ 19- đầu thế kỷ 20 trong tác phẩm Việt Nam phong tục. Bàn về đời sống tín ngưỡng nơi cửa thiền, ông viết “Hiện bây giờ Phật giáo ở nước ta cũng đã suy. Tuy lưu truyền đã lâu, làng nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng chẳng qua là bọn ngu phu, ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kỳ thật không mấy người là mộ đạo. Trừ ra mấy kẻ bực đời đi tu, còn phần nhiều là bọn ăn bơ làm biếng, trốn chúa lộn chồng, mượn cửa Bồ đề mà nương thân. Còn bọn hạ lưu xã hội, mê tín sự báo ứng, thì toàn là bọn ngu xuẩn, thấy na-mô thì cũng na-mô, thấy sám hối thì cũng sám hối, còn hiểu gì là đạo Như Lai nữa. Huống chi lại còn nhiều kẻ tính tình rất hung bạo mà cũng mượn cửa thiền để làm nơi trú ẩn. Tiếng là đi tu, mình mặc áo cà sa, đầu đội nón tu lư, tay lần tràng hạt, mặt giả dạng từ bi, mà bụng dạ thì như rắn rết, nào rượu ngon, nào gái đẹp, nào thịt chó hầm hoa sen, nào thịt lợn viên nhỏ làm thuốc đau bụng, nào quần áo xà ích. Na mô một bồ dao găm, hổ mang hổ lửa, sự ấy mới lại ghê gớm nữa”[1]. Mô tả hội các vãi già (Hội chư bà), vốn là những Phật tử gắn bó thường nhật với mọi ngôi chùa, Phan Kế Bính đã chua xót than rằng “các vãi có khi kính nhà sư hơn cha mẹ sinh ra”[2], “động nói là nam mô, động đi đâu là lạy chín phương trời, mười phương chư Phật. Có người già cả yếu đuối cũng cố bò lê đến cửa chùa khấn la khấn liệt, lạy lấy lạy để, ấy thực là một điều mê tín của đàn bà ta, mà không ích gì cho đến mình cả… Song điều đó chẳng nên trách gì các bà già, chỉ vì nữ giới nước ta không có học thức mà thôi, mà đàn bà không có học thức, cũng bởi cách giáo dục chưa rộng vậy”[3]. Về bói toán, ông nhận định “nước ta tin việc quỷ thần, cho nên cũng theo cách Tàu mà chuộng việc bói toán”[4]. Với các lực lượng thầy cúng, phù thủy Đạo giáo, Phan Kế Bính không ngần ngại khẳng định “bọn này thì cũng chẳng qua theo thể thức cũ, bùa bèn ấn quyết, trừ ma trừ quỷ, dùng cách ấy để làm nghề kiếm ăn trong vòng hạ lưu xã hội, chớ kỳ thực thì không biết tôn chỉ Đạo giáo là gì…”[5]. Về đạo phủ thủy dân tộc, Phan Kế Bính nhận định “phù thủy là một thuật huyền ảo, xưa nay không có ích gì cho việc đời… Còn như các thầy phù thủy chẳng qua mượn tiếng thần thánh, làm bộ tay ấn tay quyết, trừ quỷ trừ ma, lừa kẻ ngu đần để làm nghề kiếm ăn”[6]. Riêng với các thanh đồng chuyên sát quỷ trừ tà chữa bệnh, ông cho rằng “trừ tà chữa bệnh là một việc rất vô lý, chẳng qua là kẻ ngu xuẩn bày đặt ra mối dị đoan, mà lừa dối những bọn vô tri vô thức, để làm nghề kiếm ăn mà thôi”[7]. Khái quát toàn bộ sinh hoạt đồng cốt phù thủy, ông kết luận “Than ôi, đạo phù thủy cùng là đạo đồng cốt còn thịnh hành ngày nào thì dân trí còn ngu xuẩn ngày ấy. Bao giờ trong nước tuyệt hẳn được cái mối ấy thì mới có cơ khôn ngoan cả được”[8]. Một thế kỷ đã trôi qua, song bức tranh toàn cảnh đó hẳn đáng để người đời nay so sánh, chiêm nghiệm và suy ngẫm lắm!

                                                                                      Bùi Trọng Hiền

[1] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Tp.Hồ Chí Minh, 1997, tr.173.
[2] Phan Kế Bính, sđd, tr.143.
[3] Phan Kế Bính, sđd, tr.144.
[4] Phan Kế Bính, sđd, tr.219.
[5] Phan Kế Bính, sđd, tr.174.
[6] Phan Kế Bính, sđd, tr.234.
[7] Phan Kế Bính, sđd, tr.236.
[8] Phan Kế Bính, sđd, tr.241.
http://www.facebook.com/notes/b%C3%B9i-tr%E1%BB%8Dng-hi%E1%BB%81n/lan-man-v%E1%BB%81-truy%E1%BB%81n-th%E1%BB%91ng-h%E1%BB%97n-dung-t%C3%ADn-ng%C6%B0%E1%BB%A1ng-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-2/10151011772253800