Qua ngay Tết Đoan Ngọ lâu rồi, nhưng cứ post lại ở đây làm tư liệu
Vùng Á Đông được thế giới biết đến với nhiều di sản văn hóa độc đáo,
trong đó có các phong tục truyền thống. Tết Đoan ngọ là một ví dụ. Việt
Nam và Trung Hoa, hai quốc gia thuộc vùng văn hóa chữ Hán, có lịch sử
giao lưu văn hóa lâu đời, trong đó những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa
đối với văn hóa Việt Nam là sâu sắc và có ý nghĩa. Tuy vậy, mỗi nền văn
hóa mang các đặc trưng bản sắc riêng do các điều kiện sinh thái và lịch
sử xã hội đặc thù mỗi nơi quy định. Nghiên cứu phong tục tết Đoan ngọ ở
Việt Nam và Trung Hoa dưới góc nhìn chức năng dưới đây như là một
nghiên cứu trường hợp điển hình.
1. Tết Đoan ngọ – những vấn đề chung
Phong tục lễ tết Á Đông, trong đó có Việt Nam và Trung Hoa, thường
gắn liền với quan niệm coi trọng sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Trên đại thể có thể chia thành hai tiểu hệ: (1) các lễ tết gắn với chu kỳ của Trăng, bao gồm Thượng nguyên 15/1, Trung nguyên 15/7, Hạ nguyên 15/10 và Trung thu 15/8; và (2) các lễ tết gắn với các ngày tháng có thành tố lẻ, gồm tết Xuân (1/1), tết Hàn thực (3/3)([2]), tết Đoan ngọ (5/5), tết Ngâu (7/7), tết Trùng cửu (9/9). Ngoài ra, vùng Hoa Bắc có thêm hai ngày tết gắn với các ngày tháng có thành tố chẵn tuy không quan trọng, là
Tết Đầu rồng (2/2, 龙头节 Long đầu tiết), Tết giặc giũ (6/6,洗晒节). Về cơ
bản, những lễ tết truyền thống Việt Nam và Trung Hoa mang nhiều nét
tương đồng, nhất là các đặc trưng chung của cả khu vực Á Đông. Nhiều
trong số các phong tục lễ tết Việt Nam bắt nguồn từ hoặc có quan hệ mật
thiết với văn hóa Trung Hoa, song chúng đã phát triển trên nền tảng của
văn hóa canh nông lúa nước Việt Nam, do đó bên cạnh những đặc trưng
chung còn thể hiện những đặc điểm đận chất bản sắc của văn hóa bản địa.
Ca dao Việt Nam có câu “Tháng tư đong dậu nấu chè; Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”.
Cả người Việt Nam và Trung Hoa đều coi tết Đoan ngọ là cái tết quan
trọng thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán (Trung Hoa gọi là tết
Xuân). Người Việt Nam còn gọi tết Đoan ngọ là tết Nửa năm, tết Đoan
dương, tết Trùng ngũ v.v., người Trung Hoa lại gọi bằng nhiều tên gọi
hơn chẳng hạn Đoan ngũ 端五, Đoan tiết 端节, Ngũ nguyệt ngũ 五月五, Ngọ nguyệt
ngọ 午月午, Trùng ngũ 重五, Trùng ngọ 重午, Địa lạp地蜡, Ngũ nguyệt tiết 五月节,
Thiên trung tiết 天中介, Long chu tiết 龙舟节, Tung tử tiết 粽子节, Dục lan
tiết 浴兰节, Nữ nhi tiết 女儿节, Ngải tiết 艾节v.v., có điều tuyệt nhiên không
gọi là tết Nửa năm.
Về từ nguyên, Đoan ngọ có thể hiểu nôm na là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan (开) nghĩa là bắt đầu (khai đoan). Ngọ (午) chỉ giờ ngọ,
tức khoảng thời khắc nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ
chiều). Theo lịch kiến Dần (nông lịch hiện nay), tháng năm là tháng Ngọ (tháng giêng là tháng Dần). “Ngày 5” âm Hán Việt đọc là “ngũ nhật” (五日trong đó “ngũ”(五/wu/) đồng âm với “ngọ” (午/wu/), cho nên Đoan ngọ còn gọi là Đoan ngũ (端五). Như vậy, ngày Đoan ngọ là thời điểm mở đầu những ngày nóng nhất của tháng nóng nhất trong năm (nên gọi tết Đoan dương).
Ngày Đoan ngọ rất gần với tiết Hạ chí trong nhị thập tứ tiết khí nông
lịch, do vậy tết Đoan ngọ báo hiệu mùa nóng quay về. Ngày trước người
Việt Nam xứ kinh kỳ gọi ngày mồng 1 tháng năm là Đoannhất, mồng 2 là Đoan nhị, cho đến ngày mồng 5 là Đoan ngũ [Toan Ánh 2005: 353].
Tết Đoan ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở
Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông
Dương. Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các
dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè
ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May
mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời
tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những
lợi thế mà tự nhiên mang lại (xem thêm Trần Ngọc Thêm [2004: 272], nhờ
vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng
của chu kỳ tuần hoàn thời tiết. Sách Lễ tết Trung Hoa (Chinese Festivals,
N.Y. 1952) của W. Eberhard có viết “Đoan ngọ là tết của phương Nam, tết
cầu may, tết của sự sống” (Double fifth is a Southern festival, lucky
festival or festival of the living” ). Tác giả Trung Hoa tên là Nghê
Nông Thủy [2011] cũng khẳng định “Tết Đoan ngọ là cống hiến to lớn của
người Bách Việt đối với văn hóa Trung Hoa” [Hội Dân tục học Trung Quốc
2011]. Vì ngày Đoan ngọ mở đầu quãng thời tiết nắng nóng oi bức, dân
chúng nhiều người bị bệnh, cho nên dân chúng đã tổ chức cúng vái để cầu
được bình yên, tránh các trắc trở do thời tiết gây ra [Toan Ánh 2005:
353].
Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu
trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi
vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết
Nửa năm.
Đến đầu Công nguyên, Việt Nam tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, đặc biệt
là dòng văn hóa quan phương gắn liền với hệ tư tưởng Nho gia và hệ thống
chữ Hán. Sự du nhập này góp phần hình thành diện mạo văn hóa cổ điển
của Việt Nam trong nhiều thời kì lịch sử sau đó. Tết Đoan ngọ được gắn
vào khung lý luận chính thống cùng các ý nghĩa, chức năng mang tính quan
phương khác, đặc biệt là các quan niệm “tưởng nhớ Khuất Nguyên”, “tưởng
nhớ Ngũ Tử Tư”, “tưởng nhớ Trần Luận và Nguyễn Thiệu” v.v. Dù vậy, đại
đa số người Việt Nam không biết đến các nhân vật này, và do vậy các hoạt
động diễn ra trong ngày tết Đoan ngọ không liên quan đến họ.
Bắt nguồn từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam, tết
Đoan ngọ được người Trung Hoa phương Bắc tiếp nhận và hưởng ứng, về sau
tại nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau từ
Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm v.v.([3])
để khoác lên ngày tết này những chức năng xã hội theo phong cách riêng
rất Trung Hoa. Tết Đoan ngọ xưa do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo,
cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể. So với người Trung
Quốc, người Việt Nam thiên hẳn về lối sống dân gian, tư duy tổng hợp –
trừu tượng và truyền thống văn hóa truyền miệng đã giúp gìn giữ phong
tục ngày tết này mà không cần thiết gắn liền với các nhân vật lịch sử.
Ngược lại, Trung Quốc lớn, dân số đông, dân tộc đa dạng, việc chính thức
hóa một phong tục dân gian bằng thao tác gắn chúng với các nhân vật
lịch sử có chức năng tích cực, nhất là trong chức năng đại đoàn kết dân
tộc.
2. Phong tục Tết Đoan ngọ Việt Nam và Trung Hoa nhìn theo chức năng
Tết Đoan ngọ Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản([4]),
Việt Nam) mang trong mình chức năng quan trọng nhất, từ việc đáp ứng
nhu cầu thực tế là được nghỉ ngơi, giải nhiệt, bảo vệ sức khỏe, ăn uống
(chức năng thực tế); củng cố đoàn kết dòng tộc, cộng đồng, tạo dựng ý
thức dân tộc (chức năng tâm lý xã hội); và cả gắn kết các thế hệ xuyên
không gian và thời gian (chức năng tâm linh). Phong tục tết Đoan ngọ ở
Việt Nam và Trung Hoa đều thể hiện phong phú và sâu sắc ở cả ba chức
năng ấy, song sự thể hiện ở mỗi nơi mỗi khác.
a. Chức năng đáp ứng nhu cầu thực tế
Việt Nam là xứ nóng, và do vậy văn hóa truyền thống Việt Nam thuộc
kiểu văn hóa chống nóng. Là chủ nhân của nền văn hóa sông nước, người
Việt Nam tận dụng nước và môi trường nước để sinh tồn. Việc kết hợp hai
thứ ấy đã tạo ra truyền thống văn hóa canh nông lúa nước thuần túy ở
Việt Nam.
Văn hóa chống nóng ở Việt Nam diễn ra liên tục trong năm. Hơn ai hết,
người Việt Nam cảm thụ được cái nóng và hiểu tác động của sức nóng. Qua
hàng ngàn năm lịch sử, người Việt Nam đã quen với cái nóng, cũng vì thế
họ rất linh hoạt trong cách thức giải trừ tác hại của nhiệt. Để chống
nóng thì cần đến nước. Nước hiện diện trong mọi phương diện của đời sống
người Việt, từ truyền thuyết-thần thoại (Sơn Tinh-Thủy Tinh, Chử Đồng
Tử, Lạc Long Quân-Âu Cơ..), ngôn ngữ, văn học đến tín ngưỡng (thờ Bà
Thủy), kinh tế (lúa nước, chợ nổi, dân thương hồ v.v.). Trong phong tuc
tết Đoan ngọ, các hoạt động chống nóng và tận dụng nước thể hiện sống
động nhất.
Cũng giống như Việt Nam, người Trung Hoa cũng chống nóng. Lãnh thổ
Trung Hoa rộng lớn phân làm 3 vùng lớn là miền bắc, miền nam và miền tây
thì có đến hai vùng miền bắc miền nam ăn tết Đoan ngọ. Trong hai vùng
nam bắc thì phong tục ở miền nam sông nước điển hình hơn, chứ đựng nhiều
di sản văn hóa Bách Việt hơn. Tựu chung, tiêu độc do cái nóng tạo ra và đua thuyền rồng trên
sông để tế bái thủy thần, tiễn ôn thần là hai dạng hoạt động chính
trong ngày [W. Eberhard 1968], do vậy hầu hết các nghi lễ, hoạt động đều
xoay quanh hai hạng mục ấy.
Ở Việt Nam, ý nghĩa lớn nhất và sâu sắc nhất của phong tục tết Đoan ngọ là Giết sâu bọ.
Theo quan niệm xưa, trong bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ (giun, sán
ký sinh), nếu không trừ đi sẽ sinh sản ngày một nhiều hơn và gây tai
hại. Thế nhưng nhưng giết sâu bọ không phải là chuyện dễ dàng và không
phải vào bất cứ thời gian nào. Chỉ đến ngày mồng 5 tháng năm chúng mới
ngoi lên, là cơ hội quan trọng để trừ khử. Người ta dùng thức ăn để giết
sâu bọ, nhất là rượu nếp (giết giun sán) và hoa quả (tăng cường
vitamin). Mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất, phải súc
miệng 3 lần cho sạch, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc, rồi bước chân
ra khỏi giường, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, ăn tiếp trái cây cho
sâu bọ chết. Các gia đình truyền thống thường phải ăn ít nhất một bát
rượu nếp, một bát thạch quả, rồi đến trái cây tươi như mận, muỗm, sấu,
đào, roi.. Có nơi uống một ly rượu có pha một ít tam thần đơn để tiêu
độc. Trẻ con được bôi một lớp bột thần sa, hùng hoàng hay chu sa vào hai
bên thái dương hoặc ở bụng. Một số nơi còn cho trẻ con uống một ít thần
sa. Nhiều gia đình pha hùng hoàng với rượu để uống. Ngày nay, nhiều gia
đình Việt Nam ở nông thôn lẫn thành thị vẫn ăn cơm rượu, ăn trái cây và
dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Trong văn hóa Việt Nam, chính tết Đoan
ngọ mới đích thực là tết Hàn thực vì thức ăn (cơm rượu, trái cây) tuyệt
đại đa số là thức ăn nguội, mang tính hàn để chống nóng. Trong khi đó
ngày 3 tháng ba ở Việt Nam vốn dĩ là tết Ca hát (tương tự như phong tục Tết lồng tồng của
các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam và Choang, Đồng ở Quảng Tây Trung
Quốc), sau dần biến thành tết ăn bánh trôi – bánh chay chứ thực sự không
không phải là tết ăn thức ăn nguội (Hàn thực) [Nguyễn Ngọc Thơ 2008].
Ở Trung Hoa, chức năng tiêu độc chống nhiệt ngày Đoan ngọ rất được
coi trọng. Ngoài bùa ngũ sắc, trẻ con còn đeo túi lá ngải may bằng vải
đỏ trước ngực để hít thở mùi dịu mát của chúng mà trừ nhiệt. Người lớn
dùng chu sa hay hùng hoàng bôi lên trán trẻ con chữ Vương (王) để “xua
đuổi tà ma”. Người lớn trang trọng pha những ấm trà lá ngải dùng cho cả
nhà, một số nơi uống rượu nếp pha bột hùng hoàng để bảo vệ sức khỏe.
Thứ hai là tục đi hái thuốc ngày 5 tháng năm, có ở cả Việt
Nam và Trung Hoa, được cho là bắt nguồn từ vùng Hoa Nam (Bách Việt cổ).
Mỗi loại thảo mộc đều có dược tính riêng, và giờ Ngọ ngày Đoan dương
được tin là thời khắc dược tính đạt mức cao nhất. Các loại thảo mộc được
hái nhiều nhất trong ngày này là trà, ngãi cứu, đinh lăng, rau ngò, lá
mua, ích mẫu, tử tô, kinh giới, lá bưởi, lá cam, tỏi, gừng, trầu không,
bồ công anh, sen, vối, lạc tiên v.v., tương tự nhau ở cả Việt Nam và
Trung Hoa. Các loại lá được mang phơi khô, mỗi khi người nhà bị bệnh
người ta mang đi sắc thuốc mà dùng. Nhiều làng ở ven rừng, cư dân tổ
chức đi hái lá rất đông vui, cứ như một ngày hội lớn.
Thứ ba là treo ngãi cứu bảo vệ sức khỏe. Cây ngãi cứu có
dược tính khu phong giải độc, người bị nhức đầu có thể lấy lá ngãi cứu
đắp hai bên thái dương sẽ khỏi bệnh. Ngày Đoan ngọ, người ta lấy lá ngãi
cứu treo trước cửa nhà tránh đau ốm và để trừ tà. Dân gian canh từng
năm thuộc địa chi gì thì bó ngãi cứu thành hình dáng của con vật cầm
tinh năm ấy, chẳng hạn năm Tý thắt hình con chuột, năm Sửu thắt hình con
trâu v.v.. Xét ở khía cạnh khoa học, ngày 5 tháng năm người ta ăn nhiều
rượu nếp và trái cây có thể sẽ cảm thấy khó chịu, mùi lá ngãi cứu treo
trên cửa nhà sẽ giúp cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời còn giúp làm giảm
bớt sức nóng của ngày Đoan dương. Bó ngãi cứu được treo rất lâu sau ngày
Đoan ngọ vì công dụng thực tế ấy của nó. Ở Trung Quốc, ngoài ngãi cứu
còn có lá chương phổ chương phổ, cành đào.
Thứ tư là tục Tắm nước lá mùi, nhiều nhất là ở các làng quê
nông thôn Việt Nam và Trung Hoa. Người ta đun các loại lá mùi, lá tía
tô, kinh giới, lá sả, lá tre vào chung một nồi, rồi mọi người già trẻ
thay nhau múc tắm. Mùa nóng lại tắm nước nóng có lá thơm, mồ hôi toát
ra, cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn
và có lẽ cũng trị được cảm mạo, bởi nước lá mùi là vị thuốc thảo dược. Ở
Trung Hoa, người ta nấu nước lá ngải, lá chương phổ hoặc lá hoa lan để
tắm mát, và vì vậy tết Đoan ngọ còn gọi là Ngải tiết hoặc Dục lan tiết.
Cùng với tục tắm nước lá mùi là thói quen tắm sông giải nhiệt.
Tập tục này phổ biến ở Việt Nam hơn là Trung Hoa. Nhiều địa phương ở
ven sông, ven biển đi tắm sông, tắm biển đúng giờ ngọ, gọi là Tắm mồng 5. Không
ít cư dân đồng bằng sông Cửu Long tin rằng nước sông Mê-kông trong ngày
Đoan dương trở nên “linh thiêng”, có thể giúp “tẩy rửa bệnh tật”, song
cái chính vẫn là để được vui chơi, gặp gỡ bạn bè và giải nhiệt. Tại
Trung Hoa, thay vì đi tắm sông, họ tổ chức hội đua thuyền rồng, vừa đạt
mục đích giải nhiệt vừa thực hiện chức năng tâm linh là tế bái thủy thần
hay giải cứu các nhân vật lịch sử như Khuất Nguyên, Ngũ Tử Tư, Tào Nga
(sẽ bàn ở phần sau).
Có thể thấy, nhìn dưới chức năng thực tế, người Việt Nam lẫn Trung
Hoa đều có thói quen không khác nhau, đều tận dụng tự nhiên để tiêu độc
trừ phong, hạn chế những tác hại của nhiệt trong chuỗi ngày Hạ chí.
b. Chức năng tâm lý – xã hội (chức năng giáo dục cộng đồng)
Một số nhà xã hội học người Pháp cho rằng con người luôn sắp xếp tốt
hai nhịp làm việc và nghỉ ngơi trong đời. Cùng với tết Xuân, Tết Đoan
ngọ là một dịp nghỉ ngơi của nông dân Việt Nam sau khi thu hoạch xong
các vụ mùa xuân-hè([5]). Xét theo chức năng tâm lý xã hội, các hoạt động tết Đoan ngọ ở Việt Nam tập trung vào hai nhóm chính, gồm cúng bái tổ tiên – ăn uống và đi sêu tếtnhà bố mẹ vợ tương lai, trong khi ở Trung Hoa ngoài cúng bái tổ tiên – ăn uống là các ý nghĩa rèn luyện kỹ năng nội trợ và củng cố ý thức gắn kết dân tộc.
Theo quy luật âm dương, dương thịnh thì “bình dương kiện âm”. Tết
Đoan Ngọ giữa mùa hè nóng bức (dương tính), các tục lệ dân gian đặt
trong tâm ở tố chất tình cảm gia đình – xã hội (âm tính). Ở Việt Nam,
các hoạt động tiêu biểu nhất có thể kể đến là tục cúng bái tổ tiên, đi
sêu nhà nhạc gia, thăm viếng thầy cô giáo cũ, thầy lang, hay thăm viếng
lẫn nhau.
Đầu tiên là tục Cúng bái trong tết Đoan ngọ. Các gia đình
chuẩn bị mâm thức ăn nguội (bánh chưng, trái cây, thạch quả v.v.) trước
để cúng bái tổ tiên sau ăn để bảo vệ sức khỏe. Đối tược đượng cúng bái
là vong linh tổ tiên, các vong hồn cô độc và Thổ công. Miền Bắc Việt Nam
thường phải có quả dưa hấu to bên bàn cúng lễ (vì đang mùa dưa hấu).
Các làng xã xưa tổ chức cúng lễ tại các đình, đền, miếu mạo. Các thôn
xóm nhỏ hơn tổ chức cúng ở các miếu tự. Sau cúng lễ, người Việt Nam tổ
chức ăn uống chứ không mang vứt xuống sông như ở phong tục Trung Quốc
[Toan Ánh 2005: 355]. Dân cư miền Trung khu vực Huế thường nấu xôi ăn
với thịt vịt (tính hàn, vị ngọt mát)([6]),
còn người Đà Nẵng đến Quảng Ngãi cho trẻ con vào vườn hái quả ăn, một
số ít gia đình nấu xôi chè cúng lễ [tư liệu đồng nghiệp cung cấp 2011].
Cư dân nông thôn miền Nam thường đúc bánh lọt, nấu chè trôi nước và xôi
gấc trước cúng tổ tiên, sau ăn uống quây quần. Bài học đạo Hiếu ấy được
truyền tụng suốt chiều dài lịch sử và được các thế hệ tiếp nối theo. Các
gia đình hành nghề Đông y còn tổ chức cúng Thánh sư.
Thứ hai là tục đi sêu. Những chàng trai đã hỏi vợ nhưng chưa
cưới phải đi sêu nhà bố mẹ vợ. Lễ vật đi sêu thường là gạo chiêm mới,
đậu xanh, cặp ngỗng, cặp chim ngói, vài quả dưa hấu.. hết thảy đều là
sản phẩm canh nông đang vào mùa. Tình cảm là chính, do vậy “quý hồ tinh
bất quý hồ đa”. Gia đình nhà gái nhận lễ, song lúc nào cũng hoàn lại một
phần để thể hiện ý nghĩa thông gia hữu hảo. Những chàng rể đã cưới vợ
rồi thì hết lệ sêu, song thông thường người ta vẫn tổ chức về nhà vợ
viếng ông bà trong ngày [Toan Ánh 2005: 362].
Cùng với tục đi sêu là tục Thăm thầy cô giáo cũ. Trong những
ngôi làng truyền thống Việt Nam xưa các ông đồ dạy học thường không lấy
tiền công, chính vì thế học trò thư sinh thường đi tạ ơn thầy cô vào
các ngày tết Xuân, tết Đoan ngọ hay tết Trùng cửu. Lễ thường là chút
đường bánh, hoa quả tùy vào tấm lòng của gia đình học trò. Học trò cũ
làm nên danh vọng cũng không quên ơn thầy cô cũ mà về viếng vào dịp này.
Tết Đoan ngọ còn là dịp Viếng ông lang. Các bệnh nhân đã chữa khỏi cũng không quên ơn các thầy lang nên sắm lễ đi viếng các thầy lang. Mở rộng hơn nữa là tục Thăm viếng ân nhân. Những
người chịu ơn người khác, kẻ dưới trong làng có tục đi quà biếu người
ban ân hay những ai đã giúp mình để tỏ lòng biết ơn. Tết Đoan ngọ ngày
nay, qua mọi biến đổi của thời cuộc vẫn tồn tại trong nhân dân với ý
nghĩa thiết thực và thiêng liêng của nó. Dẫu qua bao biến đổi về thời
cuộc, song tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại trong lòng người dân đất Việt như
một phong tục đẹp, với ý nghĩa thiêng liêng về đạo lý làm người.
Trong văn hóa Trung Hoa, tục cúng tổ tiên cũng rất được coi trọng. Lễ vật cúng bái có thể phong phú, song không thể thiếu bánh ú (粽子tung tử)([7]).
Bên cạnh sắm sửa mâm cỗ cúng tổ tiên, người ta còn chuẩn bị mâm cúng
ôn thần (thần dịch bệnh), quỷ thần ngoài đường, ngoài dầu ngõ. Lễ vật
cúng tế tổ tiên thì được ăn, song mâm cúng ôn thần thì phải thả xuống
sông sau khi cúng tế([8]).
Song song với truyền thống uống nước nhớ nguồn ấy, người Trung Hoa đặc biệt coi trọng chức năng rèn luyện tài năng nội trợcủa
nữ giới, chính vì thế ngày Đoan ngọ còn là ngày Tết nữ nhi. Phụ nữ tự
tay làm bánh ú (người lớn dạy trẻ em gái cùng làm), làm mâm cỗ, treo
ngải cứu (chương phổ, anh đào), chăm sóc trẻ con (vệ sinh, bôi hùng
hoàng v.v.). Ở một chừng mực nhất định, trong phạm vi không gian gia
đình, tết Đoan ngọ là dịp khẳng định vai trò nữ giới trong việc chăm sóc
gìn giữ mái ấm gia đình. Có thể thấy, phong tục tết Đoan ngọ trải rộng ở
hai phạm vi không gian là gia đình-gia tộc và xã hội. Nhìn theo chức
năng luận, sự phân công nữ giới chăm lo các hoạt động trong gia đình gia
tộc là phụ hợp. Tết Đoan ngọ trước khi mở rộng thành tết cộng đồng đã
là ngày tết gia đình.
Ở phạm vi không gian xã hội, chức năng chính được thể hiện là củng cố ý thức nguồn cội (认
同意识ý thức nhận đồng). Hoạt động tiêu biểu nhất là đua thuyền rồng. Người
Trung Hoa truyền tụng nhau rằng đua thuyền rồng ngày Đoan ngọ là để
tưởng nhớ các nhân vật lịch sử. Vùng hồ Động Đình thì tưởng nhớ Khuất
Nguyên, vùng Gia Hưng (Giang Tô) thì tưởng nhớ Ngũ Tử Tư (trung thần
nước Ngô thời Xuân Thu – Chiến Quốc), trong khi vùng Thiệu Hưng (Chiết
Giang) lại hướng đến hiếu nữ Tào Nga([9])
v.v. Đằng sau ý nghĩa kỷ niệm các nhân vật lịch sử đó là mục tiêu đánh
thức ý thức nguồn cội trong cộng đồng. Tôn Dật Tiên từng nói, ở Trung
Quốc không có chủ nghĩa quốc tộc, mà chỉ có chủ nghĩa tông tộc. Chức
năng khơi dậy ý thức nguồn cội ấy của ngày tết Đoan ngọ hoàn toàn mang ý
nghĩa sâu sắc trong bối cảnh là quốc gia quá rộng lớn, quan hệ tộc
người phức tạp ở Trung Hoa.
Ngoài ra, trong ngày Đoan ngọ, một số địa phương tổ chức đúc kiếm
đồng vì tin rằng kiếm sẽ được “linh thiêng” hơn – một nét văn hóa có từ
thời Ngô-Việt giao tranh, tổ chức thi đấu vật, thi ném đá, thi bắn
cung..[Lưu Hiểu Phong 2010] với mục tiêu cụ thể là vừa rèn luyện sức
khỏe thể chất để đối phó với tác hại của tự nhiên, vừa củng cố quan hệ
cộng đồng xã hội.
c. Tết Đoan ngọ nhìn từ chức năng tâm linh
Ngoài hai chức năng trên, phong tục tết Đoan ngọ ở Việt Nam và Trung
Hoa còn thể hiện chức năng tâm linh, một chức năng phái sinh được cho là
sự nối dài của hai chức năng trước.
Tục cúng tế tổ tiên (đã bàn) ít nhiều đề cập đến sự giao hòa các thế
hệ xuyên không gian và thời gian dù ý nghĩa của nó nằm ở đạo Hiếu và
truyền thống gia đình. Theo niềm tin dân gian Việt Nam và Trung Hoa, do
ngày mồng 5 tháng năm thời tiết nóng, dân gian nghỉ ngơi quây quần, do
đó người ta tin rằng tổ tiên cùng quay về quây quần cùng con cháu. Chính
vì thế Sự gắn kết siêu thời gian và không gian ấy là một phần quan
trọng không thể thiếu trong ngày Đoan ngọ.
Song song với phong tục hướng đến tổ tiên và hoạt động trừ ma đuổi quỷ.
Người xưa tin rằng lúc trời nóng bức cũng là lúc ma quỷ lộng hành,
không ngừng gieo rắc tai ương, bệnh tật. Người Việt Nam và người Trung
Hoa có những cách thức khác nhau để trừ ma đuổi quỷ.
Theo dân gian Việt Nam, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên các tập tục thường hướng vào chúng. Trẻ con còn đượcđeo túi bùa ngũ sắc, dân gian gọi là bùa tua bùa túi được
tết bằng vải và chỉ 5 màu (đen, đỏ, xanh, trắng, vàng – ngũ hành) thành
hình ảnh của các loại trái cây có ở địa phương. Một túi bùa thường có:
(1) một cục hồng hoàng có tính chất kỵ rắn rết, đuổi quỷ; (2) một túi
hạt mùi hình vuông kỵ gió; (3) một quả ớt màu (xanh, đỏ, vàng); (4) một
quả na; (5) một quả hồng. Trong số các thứ ây, chỉ ngũ sắc để trị tà ma,
hồng hoàng trị các hiểm họa từ các loài động vật có nọc độc([10]), trái cây ngụ ý diệt trừ sâu bọ. Bên cạnh, dân gian Việt Nam còn có tục Nhuộm móng tay – móng chân trị
tà ma. Ở các vùng nông thôn, phụ nữ và trẻ con có tục nhuộm màu móng
tay móng chân. Màu được lấy từ một loại lá cây ở địa phương, đem giã nhỏ
rồi bọc lên đầu ngón tay từ tối hôm trước. Khi nhuộm móng tay người ta
chừa lại ngón trỏ vì đây là thần chỉ. Hoạt động này được cho là giúp trừ
tà ma, sâu bệnh. Tục này không có ở Trung Quốc. Tục Khảo cây lấy quả trong
dân gian cũng là một thể hiện sinh động của chiều hướng tín ngưỡng tâm
linh ngày Đoan ngọ. Nhiều cây trồng nhiều năm không quả, người ta cho đó
là các loại cây bướng bỉnh. Người Việt Nam và Trung Hoa xưa tin mỗi cây
có một linh hồn, do vậy cần khảo cây cho ra quả. Ngày Đoan ngọ, một
người leo lên cây, một người đứng dưới gốc. Người dưới gốc vọng lên rằng
tại sao cây không ra quả, nếu mùa sau vẫn không ra quả sẽ chặt cây đi.
Người trên cây đóng vai của cây vái lạy đừng chặt và hứa ra quả. Người
dưới cây hỏi sẽ ra mấy quả, người trên cây trả lời số quả tùy vào sức
vóc của cây. Cuối cùng còn phải kể đến tục lên chùa xin ấn. Nhiều gia
đình mang áo lụa mới đến chùa, đình xin ấn son rồi mang về nhà cho trẻ
con mặc trong ngày với ngụ ý dùng sức mạnh thần thánh xua đuổi tà ma
hoặc tránh các tác động có hại của tự nhiên (sức nóng, rắn tấn công
v.v.).
Khác với Việt Nam, người Trung Hoa có thiên hướng mượn uy lực của thần thánh để xua đuổi yêu ma trong
nhận thức dân gian. Tựu chung lại, ý nghĩa tôn giáo tâm linh trong
phong tục của họ quy kết thành ba nhóm chính. Thứ nhất là các nghi thức
tế bái thủy thần. Đua thuyền rồng được cho là một hoạt động gắn với tập
tục sùng bái rồng (một dạng thủy thần), được dân gian khoác lên mục đích
tưởng nhớ một nhân vật lịch sử nào đó. Vùng hồ Động Đình (Hồ Bắc, Hồ
Nam) thì chọn Khuất Nguyên, vùng vịnh Hàng Châu (Chiết Giang) thì tế Tào
Nga, vùng Gia Hưng (Giang Tô, Thượng Hải) lại thờ Ngũ Tử Tư. Tất cả họ
đều được coi là thủy thần. Các hoạt động đua thuyền rồng, cúng tế chư
thần không nằm ngoài mục đích cầu mong thủy thần tăng cường trông coi
điều hòa nguồn nước, đảm bảo cho đời sống sản xuất và sinh hoạt.
Thứ hai là tục tiễn Ôn thần, tức tiễn đưa thần gây bệnh dịch. Khác
với Phúc thần, Thần tài hay Thọ tinh, Ôn thần được tôn xưng thành thần
vì dân gian lo sợ hiểm họa. Trong các nghi thức ngày Đoan ngọ, dân gian
không quên dành chút thời gian để tiễn Ôn thần lên núi.
Thứ ba là tục dán hình ảnh các vị thần uy lực đề trừ ma đuổi quỷ, phổ biến nhất là Trương Thiên Sư, Chung Quỳ, Quan Công v.v..
Trương Thiên Sư, tức Trương Đạo Lăng, theo Tam Quốc Sử Lược,
là người Đông Hán, tu đạo ở núi Hạc Minh đất Thục. Tương truyền Trương
Thiên Sư có quyền năng diệt trừ ngũ độc. Thời Tống, niềm tin ấy trở nên
phổ biến, dần dà trở nên quen thuộc, hễ đến ngày mồng 5 tháng năm là dán
hình Trương Thiên Sư mới ngay cổng ra vào để trừ yêu đuổi quỷ.
Chung Quỳ 钟馗cũng là một vị thần trấn trạch. Theo Ngô Đô Tuế Thời Kỷ Lệ 吴
都岁时纪丽, dân gian Trung Hoa sớm có tục dán hình Chung Qùy ngày tết Đoan
ngọ để trừ yêu ma. Tương truyền vua Đường Minh Hoàng ban ngày nằm mơ gặp
yêu tinh, được một vị thần cứu mạng, vua tỉnh giấc vẽ hình vị thần theo
trí nhớ, đặt tên là Chung Qùy, dân theo đó mà tôn thờ.
Quan Công cũng được xem là thần hộ mệnh mùa Đoan ngọ. Danh tiếng Quan
Công thực sự chỉ phổ biến từ thời Đường về sau, nhất là Minh-Thanh,
thường được hiểu là biểu tượng của trung dũng bất khuất. Ấy vậy, dân
gian Trung Hoa, nhất là miền Nam, coi Quan Công là một vị thần hộ mệnh,
thần tài. Đến mồng 5 tháng năm, dân gian dán hình Quan Công để bảo vệ
gia trạch, tham gia một số hoạt động tế bái Quan Công ở các miếu tự, do
ngày Đoan ngọ gần trùng với ngày sinh nhật Quan Công 15 tháng 5 âm lịch.
Ngoài các vị thần hộ mệnh nói trên, người Trung Hoa còn thờ ngôi Vệ
Đà, nhất là các tín đồ Phật giáo, với hy vọng được nương nhờ công đức
chư Phật mà tránh xa các hiểm họa ngày Đoan ngọ.
3. Đặc trưng văn hóa Việt Nam và Trung Hoa qua phong tục tết Đoan ngọ
Phong tục tết Đoan ngọ Việt Nam thiên về các chức năng dân gian vốn
có, tức ít bị chi phối mạnh mẽ của văn hóa quan phương cùng các ý nghĩa
xã hội mang tính quy củ. Ở một khía cạnh nào đó, phong tục ấy mang tính tự phát, gắn liền với tính chất xã hội trục hoành ở Việt Nam.
Chất tự phát và phong cách thuần dân gian trong chức năng đáp ứng nhu
cầu thực tế chống nóng ở Việt Nam thẩm thấu qua việc tận dụng các lợi
thế sẵn có trong tự nhiên để chống tác hại của tự nhiên. Kinh nghiệm ấy
được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử mà chưa hề có một kinh sách nào
quy chuẩn hóa. Chất tự phác còn thể hiện ở đặc trưng đa dạng khu
biệt tính vùng miền, do Việt Nam trải dài 2000 km từ bắc chí nam, trải
qua nhiều loại hình khí hậu ẩm ướt và khô hạn khác nhau của đới nhiệt
đới xích đạo. Cho đến hôm nay, hoạt động lễ tết này vẫn hoàn toàn mang
chất tự phát dân gian toàn dân mà không hề có một hoạt động nào mang
tính quan phương được tổ chức.
Ở chức năng tâm lý – xã hội, đạo hiếu và lối sống trọng tình là
hai ý nghĩa được chú trọng. Văn hóa Việt Nam tuy lỏng lẻo ở mối quan hệ
dòng tộc, song đạo hiếu lại phát triển mạnh mẽ ở quy mô gia đình hạt
nhân như một quy luật bù trừ. Công việc xã hội đầu tiên trong ngày phải
là cúng bái tổ tiên. Việc đi sêu của các chàng rể phần nào phản ánh dấu
vết cổ xưa của một xã hội dành cho nữ giới một chỗ đứng nhất định. Tương
tự, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” được gìn giữ và lưu truyền qua các
hoạt động thăm viếng nhau sau một mùa lúa xuân-hè vất vả, khó nhọc. Các
hoạt động xã hội khác (thăm viếng nhau, đền ơn đáp nghĩa) góp phần làm
tăng cường các mối quan hệ xã hội dân dã nơi làng quê cư trú.
Ở chức năng tâm linh, có lẽ phong tục tết Đoan ngọ ở Việt Nam chia sẻ nhiều nét tương đồng với các dân tộc Nam Trung Hoa([11]),
Triều Tiên [xem W. Eberhard 1968: 156]. Yếu tố ước vọng sức khỏe, ước
vọng phồn sinh, cầu mưa, cầu thịnh vượng được dân gian gửi gắm vào các
hoạt động kết nối con người với các thế lực siêu nhiên, đầu tiên đó là
cầu mong thần thánh, tổ tiên bảo hộ, sau là tận dụng các phương thức
huyền bí khác nhau để trừ ma đuổi quỷ. Tuy nhiên, người Việt Nam không
“quan phương hóa” phong tục của mình bằng các quan niệm tưởng nhớ bất kì
nhân vật lịch sử nào, do vậy các hoạt động trong ngày chỉ đơn thuần là
giao tế giữa con người với con người chứ không nâng thành mục tiêu duy
trì và tăng cường ý thức nguồn cội như trong văn hóa Trung Hoa.
Trong khi đó, cũng bắt đầu từ chức năng đáp ứng nhu cầu thực tế là
chống nóng, người Trung Hoa nâng lên thành phong tục của hai phạm vi
không gian gia đình-gia tộc và quốc gia. Ý nghĩa củng cố truyền thống gia đình (cấp gia đình-gia tộc) cũng như duy trì ý thức nguồn cội (cấp quốc gia) luôn được đề cao, hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thực tế của xã hội Trung Hoa.
Ở phạm vi gia đình, người Trung Hoa coi trọng trật tự chồng – vợ, coi
trọng sự phân công lao động gia đình – xã hội, do vậy tết Đoan ngọ còn
là dịp duy trì và củng cố ý thức trách nhiệm của người phụ nữ trong gia
đình. Đây là một thể hiện khá sinh động của đặc trưng tính tôn ti trong
văn hóa Trung Hoa, nó xuất phát từ nền văn hóa trục hoành trọng trật
tự. Trong khi các nghi thức ở gia đình dành cho nữ giới thì nam giới
tham gia các hoạt động xã hội (đua thuyền rồng, tế bái thủy thần, đấu
vật..). Chức năng nhắm vào xã hội ở đây không phải là sự nối dài của ý
nghĩa củng cố truyền thống gia đình thông qua các phong tục tết Đoan
ngọ, mà là nấc thang thứ hai của tổ chức xã hội kiểu Trung Hoa: sau gia là quốc.
Trong ngày Đoan ngọ, người Trung Hoa không có lệ đi sêu, cũng không có
tục thăm viếng thầy cô hay ân nhân, tức không đặt mục tiêu ở việc củng
cố quan hệ xã hội – dân sinh. Các hoạt động xã hội được tổ chức trên
thực tế tuy có mục tiêu tạo không gian giao tiếp xã hội, song đằng sau
nó là mục tiêu đoàn kết toàn dân và ý thức nguồn cội. Một khi tất cả
người Trung Hoa ăn tết Đoan ngọ tưởng nhớ Khuất Nguyên, Ngũ Tử Tư hay
Tào Nga thì vô hình chung họ gặp nhau ở một tâm điểm: chung một nguồn
cội. Có thể thấy, việc mượn hoạt động tín ngưỡng – tâm linh hay một phát
minh văn hóa để góp phần giáo dục xã hội vốn không phải là mới mẻ ở
Trung Hoa. Ngoài tết Đoan ngọ, ngày tết Hàn thực (3 tháng ba) được gắn
với nhân vật Giới Tử Thôi, ngày tết Ngâu 7 tháng bảy gắn với tích Ngưu
Lang – Chức Nữ, Âm dương – Bát quái gắn với Phục Hy, truyền thống chợ
búa và y học gắn với Thần Nông, nghề mộc gắn với Lỗ Ban v.v., người
Trung Hoa muốn mượn các hình tượng dân gian để giáo dục các ý nghĩa quan
phương, chính thống. Trong hội thảo phong tục tết Đoan ngọ Trung Hoa
năm 2011 (tại Gia Hưng), nhiều tác giả Trung Hoa kêu gọi tăng cường ý
nghĩa giáo dục ý thức cộng đồng thông qua tết Đoan ngọ, biến ngày tết
này thành Tết yêu nước, Tết vệ sinh, Tết Thể thao cộng đồng của họ. Sự
vận động ấy hoàn toàn có cơ sở khi mà các hoạt động trong ngày tết Đoan
ngọ ở Trung Hoa chuyển tải thông điệp giáo dục toàn dân vẫn được thực
hiện trong suốt mấy trăm năm qua.
Trong xã hội hiện đại, tri thức xã hội tăng thêm, thiết nghĩa chức
năng tâm linh sẽ giảm dần và mất đi. Thời tiết vẫn cứ nóng, thậm chí là
nóng hơn, và do vậy ngày Đoan ngọ sẽ vẫn tồn tại, người Việt Nam và
người Trung Hoa vẫn tiếp tục chống nóng, song để ngày Đoan ngọ thực sự
là một ngày tết văn hóa, ý nghĩa xã hội của nó phải được chú trọng. Chất
dân dã có phần thiếu hệ thống của phong tục tết Đoan ngọ Việt Nam cần
tăng cường các ý nghĩa giáo dục quan phương hơn, trong khi người Trung
Hoa cần bổ sung thêm các mục tiêu củng cố mối quan hệ giao tiếp xã hội,
tăng cường ý thức bình đẳng giới song hành với việc duy trì các hoạt
động vay mượn hình ảnh các nhân vật lịch sử để giáo dục ý thức nguồn cội
vốn là thế mạnh của họ.
Kết luận
Phong tục tết Đoan ngọ ở Việt Nam và Trung Hoa do dân gian nông
nghiệp sản sinh ra qua quá trình sống và ứng xử với môi trường tự nhiên.
Do vậy, sự ra đời của phong tục tết Đoan ngọ trước hết là đáp ứng nhu
cầu chống nóng để bảo vệ sức khỏe. Tết Đoan ngọ là một phong tục “bình
dương kiện âm”, “dĩ hàn khứ nhiệt”, “dùng thủy trị hỏa” mang tính chất
tự phác gắn liền với văn hóa dân gian. Theo thời gian, phong tục này gắn
thêm các ý nghĩa giáo dục đạo đức xã hội và quan niệm tâm linh, biến
tết Đoan ngọ thành một phong tục văn hóa thể hiện sâu sắc các đặc trưng
cơ bản của tính cách văn hóa dân tộc.
Ở văn hóa Việt Nam, xã hội nông nghiệp nông thôn và nếp sống tập thể
làng xã đã đúc khuôn quan niệm nhân sinh, lối sống và tư duy, do vậy
phong tục tết Đoan ngọ gắn liền với chất trọng tình, trọng quan hệ dân
sinh – xã hội, mang tính dân dã, tự phát và . Tết Đoan ngọ đơn giản là
dịp sinh hoạt cộng đồng, là lúc thiết lập hay củng cố các mối quan hệ xã
hội theo chiều ngang, hoàn toàn phù hợp với kiểu xã hội trục hoành
(horizontal culture) truyền thống của Việt Nam.
Trong văn hóa Trung Hoa, ngoài chức năng chống nóng bảo vệ sức khỏe,
phong tục tết Đoan ngọ còn chuyển tải thầm lặng thông điệp giáo dục ý
thức nguồn cội, ý thức hướng nội ở quy mô toàn dân tộc, và do vậy các
phong tục thể hiện tính chất quan phương, có hệ thống, phản ánh một xã
hội trục tung (vertical culture) ở Trung Hoa, một đất nước rộng lớn,
dân số đông đúc song xã hội rất coi trọng tính quy củ, tôn ti, trật tự
(bao gồm cả trật tự nam-nữ trong gia đình lẫn trật tự xã hội).
Ở một chừng mực nhất định, chúng ta có thể thấy phong tục tết Đoan
ngọ ở Việt Nam mang chiều hướng mở theo chiều ngang, trong khi phong tục
ấy ở Trung Quốc có xu hướng hội tụ hướng tâm theo chiều dọc. Sự tương
tác, kết hợp và bổ sung cho nhau của cả hai khuynh hướng ấy có thể sẽ là
một mô hình lý tưởng cho tương lai cho cả Việt Nam và Trung Hoa.
Reference
1. Toan Ánh 2005: Tín ngưỡng Việt Nam (quyển hạ), NXB Trẻ.
2. Nguyễn Châu: “Tết Đoan ngọ: Mồng 5 tháng năm âm lịch”, http://ttvnol.com/f_533/752941
3. Mai Viên Đoàn Triển 2008: An Nam phong tục sách, NXB Hà Nội.
4. Nguyễn Ngọc Thơ 2008: “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan ngọ”, www.vanhoahoc.edu.vn
5. Nguyễn Ngọc Thơ 2008: “Từ tết Lồng tồng (Tam nguyệt tam) của
người Choang ở Trung Quốc bàn về tết 3 tháng ba ở Việt Nam”. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, 2008, Hà Nội.
6. Phan Kế Bính 1915: Việt Nam phong tục, NXB Văn học tái bản năm 2005
7. Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tp. Hồ Chí Minh
8. Vũ Ngọc Khánh 2008: Lễ hội Việt Nam, NXB Thanh Niên.
9. www.cinet.vn: “Tết Đoan ngọ – nét sinh hoạt văn hóa dân gian
phương Đông”,
http://www.cinet.vn/upLoadFile/HTML/11_36_17_2852009/tetdoanngo.htm
10. Brandly Womack 2006: China and Vietnam: the politics of asymmetry, Cambridge University Press
11. Leon E. Stever 1974: The cultural Ecology of Chinese Civilization, New York: Pica Press.
12. Lung Ki-Sun 2002: The Chinese national characters from nationhood to individuality, An East Gate Book.
13. Wolfram Eberhar 1968: The local culture of South and East China, translated from German by Alide Eberhard, Leiden: E.J. Brill.
14. Cao Bính Trung 2004: “Khởi nguồn và ý nghĩa tết Đoan ngọ”, Nghiên cứu dân tộc, kỳ 5: 23-26 (高丙中 2004:《端午节的起源与意义》,民族研究,第5期:23-26).
15. Cát Xuyên Chân Tư 2011: “Phong tục tết Đoan ngọ ở Nhật Bản thời cổ đại”, Kỷ yếu hội nghị Phong tục tết Đoan ngọ – Gia Hưng 2011, Hội
Dân tục học Trung Quốc – Ủy ban nhân dân tp. Gia Hưng, Chiết Giang (倪农水
2011:“日本古代的端午节风俗考”, 《中国嘉兴2011年端午节风俗研讨会》,中国民俗学会-嘉兴市人民政府).
16. Cố Vĩ Liệt 2005: Thông luận văn hóa Trung Quốc, NXB Đại học Sư phạm Hoa Đông (顾伟列 2005:《中国文化通论》,华东师范大学出版社).
17. Hà Bồi Kim cb. 1991: Văn hóa thuyền rồng Trung Quốc, NXB Tam Hoàn (何培金主编 1991:《中国龙舟文化》,三环出版社)
18. Lưu Hiểu Phong 2010: Đoan ngọ, Nhà sách Tam Liên (六晓风 2010:《端午》,三联书店).
19. Nghê Nông Thủy 2011: “Tết Đoan ngọ là cống hiến to lớn của người Việt cổ đối với văn hóa Trung Hoa”, Kỷ yếu hội nghị Phong tục tết Đoan ngọ – Gia Hưng 2011, Hội
Dân tục học Trung Quốc – Ủy ban nhân dân tp. Gia Hưng, Chiết Giang (倪农水
2011:“端午节是古代越人对中国的伟大贡献”, 《中国嘉兴2011年端午节风俗研讨会》,中国民俗学会-嘉兴市人民政府).
20. Phùng Minh Dương 2006: Việt ca: Lĩnh Nam bản thổ ca nhạc văn hóa luận, NXB Nhân dân Quảng Đông (冯明洋2006:《越歌:岭南本土歌乐文化论》, 广东人民出版社).
21. Trần Dũng Tân 2005: Bài ca thuyền rồng, NXB Nhân dân Quảng Đông (陈勇新 2005:《龙舟歌》,广东人民出版社).
22. Văn Sùng Nhất 1990: Trung Quốc cổ văn hóa, Công ty Thư đồ Đông Đại phát hành (文崇一 1990:《中国古文化》,东大图书公司发行).
([1]) Thạc sỹ, Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
([2]) Vùng văn hóa Hoa Nam và Bắc Đông Dương từng có tết Ca hát (tết
Lồng tồng, Tam nguyệt tam), thực chất là tết Ca hát, sau chịu ảnh hưởng
của văn hóa Trung Hoa chuyển thành tết Hàn thực.
([3]) người Trung Hoa gắn nguồn gốc tết Đoan ngọ với nhiều nhân vật
lịch sử như Câu Tiễn người nước Việt, Ngũ Tử Tư người nước Sở về đầu
quân nước Ngô, Khuất Nguyên người nước Sở, Tào Nga người quê gốc Dương
Tử, Trần Lâm người vùng Quảng Tây v.v.. Còn quá sớm để nói Sở – Việt
đồng nguyên, song Cảnh Sở vẫn là cư dân sông nước phương Nam. Tương tự
như vậy, tết Đoan ngọ ở Trung Hoa được tổ chức đặc biệt long trọng ở
vùng sông nước Dương Tử và Hoa Nam, ứng với vùng văn hóa Bách Việt cổ.
([4]) Tết Đoan ngọ từng xuất hiện trong văn hóa Nhật Bản vào khoảng
thế kỷ VIII, IX nhưng sau đó biến mất [Cát Xuyên Chân Tư 2011].
([5]) Dân gian không nghỉ ngơi vào tết Trung thu, mà đây là tết dành cho trẻ con
([6])Có thể thấy tục ăn thịt vịt, thịt ngỗng hay chim ngói ở Việt Nam
khá tương tương đồng với tục ăn canh thịt cóc hay thịt chim cú (diều
hâu) tại một số vùng ở Nam Trung Hoa [W. Eberhard 1968: 153-155].
([7]) Theo W. Eberhard [1968], chiếc bánh ú ngày Đoan ngọ bắt nguồn
từ tập tục của cư dân nhóm Thái, một trong hai nhóm chính của Bách Việt
cổ. Bánh ú được gọi là bánh tung tử 粽子/zong zi/, đồng âm với từ tông tử 宗
子 tức tổ tiên, dòng họ. Ngày nay, vùng Gia Hưng 嘉兴 (Chiết Giang) nơi có
ngôi tổ miếu thờ Ngũ Tử Tư được coi là quê hương chiếc bánh ú [tư liệu
điền dã 2011].
([8]) Ngày nay người ta không còn thả trôi sông nữa vì phong trào bảo vệ môi trường.
([9]) Người Đông Hán, rất hiếu thảo. Tương truyền cha là pháp sư bị
hại chết trôi sông, Tào Nga đi tìm 3 ngày liền nhưng không thấy xác,
nàng quyết định cùng trẫm mình xuống sông cùng cha. Hôm ấy là ngày 5
tháng 5. Vài ngày sau, xác nàng nổi lên trong tư thế ôm chặt xác cha
mình, cả hai tỏa hương thơm ngác. Dân vùng Cối Kê (nay là Thiệu Hưng)
dựng miếu thờ, coi nàng là Nữ thủy thần cai quản nguồn nước cho dân [tư
liệu điền dã 2008].
([10]) Gắn liền với tục đeo bùa tua bùa túi là hai câu chuyện dân gian Việt Nam:
(1) Len lén như rắn mồng 5: ngày mồng 5 ít khi gặp rắn. Ngày ấy loài bò sát này len lén đi trốn. Ngày ấy trẻ con đeo túi hồng hoàng (thư hoàng, realgar, orpiment) kỵ rắn nên chúng thường ẩn trốn.
(2) Sự tích con rắn mối: Thằn lằn cũng sợ hồng hoàng không kém. Sự tích kể rằng xưa có một người giàu hào phóng, cha mẹ mất, ăn tiêu thái quá đến tán gia bại sản, phải vay nợ nhiều người nhưng không thể trả. Chủ nợ đòi, anh hẹn lần hẹn lựa, một lần nọ anh ta hẹn ngày mồng 5 tháng năm sẽ trả nợ. Ngày hẹn tới, chủ nợ đến, anh ta đành phải trốn, rúc vào bụi cây trốn, chủ nợ tìm, anh ta sợ quá chết luôn ở đó, hóa thân thành con thằn lằn. Ngày thường thằn
lằn xuất hiện khắp nơi, song chúng thường lẩn trốn vào ngày 5 tháng năm. Dân gian có câu “trốn như thằn lằn mồng năm”.
(1) Len lén như rắn mồng 5: ngày mồng 5 ít khi gặp rắn. Ngày ấy loài bò sát này len lén đi trốn. Ngày ấy trẻ con đeo túi hồng hoàng (thư hoàng, realgar, orpiment) kỵ rắn nên chúng thường ẩn trốn.
(2) Sự tích con rắn mối: Thằn lằn cũng sợ hồng hoàng không kém. Sự tích kể rằng xưa có một người giàu hào phóng, cha mẹ mất, ăn tiêu thái quá đến tán gia bại sản, phải vay nợ nhiều người nhưng không thể trả. Chủ nợ đòi, anh hẹn lần hẹn lựa, một lần nọ anh ta hẹn ngày mồng 5 tháng năm sẽ trả nợ. Ngày hẹn tới, chủ nợ đến, anh ta đành phải trốn, rúc vào bụi cây trốn, chủ nợ tìm, anh ta sợ quá chết luôn ở đó, hóa thân thành con thằn lằn. Ngày thường thằn
lằn xuất hiện khắp nơi, song chúng thường lẩn trốn vào ngày 5 tháng năm. Dân gian có câu “trốn như thằn lằn mồng năm”.
([11]) Theo W. Eberhard [1968: 153] thì một số vùng ở Hoa Bắc coi đây là lễ hội lửa (fire festival).
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thơ
Nguồn: Trang Văn Học và Ngôn Ngữ
http://khaitam.wordpress.com/2012/06/23/phong-tuc-tet-doan-ngo-viet-nam-va-trung-hoa-duoi-goc-nhin-chuc-nang-nguyen-ngoc-tho/
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thơ
Nguồn: Trang Văn Học và Ngôn Ngữ
http://khaitam.wordpress.com/2012/06/23/phong-tuc-tet-doan-ngo-viet-nam-va-trung-hoa-duoi-goc-nhin-chuc-nang-nguyen-ngoc-tho/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét