Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

THỜI ĐẠI CỦA PHÙ NAM Từ Thế Kỷ Thứ 1 Đến Thế Kỷ Thứ 6




Lynda Norene Shaffer

THỜI ĐẠI CỦA PHÙ NAM
Từ Thế Kỷ Thứ 1 Đến Thế Kỷ Thứ 6
 Ngô Bắc dịch
 Các nhà mậu dịch từ tiểu lục địa Ấn Độ, tìm kiếm nguồn cung cấp tơ lụa, đã khởi sự du hành xuyên qua các hải phận Đông Nam Á trên đường đến Trung Hoa, muộn lắm là vào khoảng thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên.  Thế kỷ này cũng chứng kiến sự xuất hiện của Phù Nam, vưong quốc đầu tiên với kích thước và nét độc đáo riêng so với bất kỳ nơi nào khác tại Đông Nam Á, ít nhất cho đến mức mà các tài liệu lịch sử có thể ghi chép được.  Phù Nam tọa lạc trên đất liền, gần nơi mà giờ đây là vùng biên giới Campuchia và Việt Nam.  Các thủy thủ trong khu vực hàng hải đã bị thu hút đến các hải cảng của vương quốc này, nơi mà họ có thể trao đổi các đặc sản của các hòn đảo đổi lấy nhiều loại sản phẩm tuyệt diệu được cung cấp tại Phù Nam.  Tuy nhiên vào cuối thế kỷ thứ tư, Mã Lai đã lôi kéo phần lớn công việc mậu dịch quá cảnh này xuống phía nam trên một thủy lộ mới chạy ngang qua Phù Nam và chuyên chở các nhà mậu dịch xuyên các eo biển hẹp mà ngày nay được gọi là eo biển Malacca và Sunda.  Và họ đã khởi đầu để giới thiệu với thế giới “các hương liệu gia vị” của vùng Moluccas [còn được mệnh danh là Quần Đảo Gia Vị, thuộc Nam Dương,, giữa đảo Sulawesi và New Guinea, chú của người dịch] – đinh hương, hạt nhục đậu khấu và vỏ hạt nhục đậu khấu.
Những Con Đường Tơ Lụa Trên Biển
và Sự Xuất Hiện Của Phù Nam

Các con đường tơ lụa sớm nhất là các con đường trên đất liền chạy từ tây bắc Trung Hoa xuyên qua vùng Trung Á châu và Iran đến phía đông vùng Địa Trung Hải.  Các con đường này đã sớm bắt đầu được phát triển ngay từ thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên, vào thời nhà Hán của Trung Hoa và của Đế Quốc La Mã.  Vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, một nhu cầu ngày càng gia tăng về tơ lụa cũng đã khuyến khích sự phát triển hai con đường tơ lụa trên biển, một con đường bắt đầu với một hành trình trên đất liền từ phía Tây Trung Hoa sang Ấn Độ.  Một số lượng lớn tơ lụa đã được chuyển vận xuyên qua lưu vực Tarim và băng qua dẫy núi Karakoram để vào nơi ngày nay thuộc vùng bắc của Hồi quốc (Pakistan) và Ấn Độ, rồi từ đó các chuyến tàu hàng được tải tới các hải cảng của biển Ả Rập (Arabian Sea) từ bờ biển tây bắc của Ấn Độ.  Một số tơ lụa này được chất lên các tàu cập bến nhiều hải cảng khác nhau tại Vịnh Ba Tư (Persian Gulf), nhưng phần lớn trong đó tiếp tục một cuộc hải hành dài hơn dẫn đến Biển Hồng Hải (Red Sea), sau đó lụa sẽ được vận tải xuyên qua Ai Cập, sau hết đến được vùng Địa Trung Hải (K. Hall, 1979: 38-39). Đôi khi, cũng vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, sắc dân Yuezhi, một dân tộc vùng Trung Á, đã chinh phục toàn thể chiều dài của con đường trên đất liền chạy từ Trung Hoa sang Ấn Độ, từ lưu vực Tarim đến Biển Ả Rập.  Họ đã thiết lập vương quốc Kushana, mà triều đình của VQ này đã trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng.
 Thủy lộ mới thứ nhì xuyên qua hải phận Đông Nam Á, đã phát sinh như hậu quả của việc các thương nhân tại bờ biển phía đông Ấn Độ muốn tìm kiếm một thủy lộ trực tiếp đến nguồn cung cấp tơ lụa tại Trung Hoa.  Khởi hành từ các hải cảng gần cửa sông Ganges River (Hằng Hà), họ lái thuyền chạy dọc bờ biển của Vịnh Bengal cho đến khi gặp Bán Đảo Mã Lai, từ đó họ xuôi nam tới địa điểm hẹp nhất, Eo Đất Kra có chiều ngang khoảng 35 dặm (xem các bản đồ, nơi trang 4 và 19 [trong nguyên bản]).  Sau khi các hành khách và hàng hóa được vận tải băng ngang giải đất hẹp này, các chiếc tàu phía bên kia kế đó đã chuyên chở chúng dọc theo bờ biển của Vịnh Thái Lan cho đến khi chúng tới được Phù Nam.  Sau khi trải qua một số thời gian tại địa phương này, họ sẽ lên các chiếc thuyền khác để làm một cuộc du hành đến Trung Hoa.

Mặc dù băng ngang Bán Đảo Mã Lai tại Eo Đất Kra đòi hỏi việc bốc dỡ, vận tải trên đất liền, và chất lại hàng hóa lên tàu, phần lớn các thủy thủ tại Vịnh Bengal có vẻ đã không có ước muốn du hành xuống phần dươi bán đảo nằm quá Eo Kra, và một cuộc du hành như thế có lẽ cũng không có mấy hấp dẫn đối với các thương nhân.  Không chỉ vì việc lái thuyền trên đoạn đường còn lại chạy quanh Bán Đảo Mã Lai sẽ làm gia tăng thêm 1,600 dặm cho chuyến du hành của họ, mà còn bởi eo biển gần mỏm phía nam thì nông và đầy các bãi đá ngầm và giòng nước nguy hiểm.  Vả chăng, ở nhiều thời điểm khác nhau, bờ biển dọc theo eo biển được tin là hang ổ của hải tặc còn gây nhiều nguy hiểm khác nữa (Fa Xian, 1956: 77).
 Thoạt nhìn, điều có vẻ là kỳ lạ rằng vương quốc đầu tiên của Đông Nam Á đã không phát triển trên Bán Đảo Mã Lai, gần Eo Đất Kra chiến lược, mà lai trên bờ biển phía bên kia của Vịnh Thái Lan.  Sự giải thích có vẻ đáng tin nhất cho sự thành công của Phù Nam, một cách tương đối khi so sánh với các hải cảng có khả năng cạnh tranh khác trong vùng vịnh, là nhờ số cung cấp thực phẩm dồi dào của nó.  Đất đai quanh Kra bị bao phủ bởi rừng nhiệt đới, và thổ nhưỡng của nó không hỗ trợ cho sự thâm canh (Peacock, 1979:200), trong khi đó Phù Nam có lợI thế của đất nông nghiệp ở sát cận một hải lộ.  Vương quốc tọa lạc tại nơi mà bờ biển ăn lõm sâu vào phía trong đã kéo hảI phận của vịnh đến gần sát Biển Hồ (Tonle Sap) và con sông Cửu Long, một con sông dài đã bồi đắp một khối lượng lớn đất phù sa.  Châu thổ sông thì phì nhiêu và rộng lớn, cây cối có thể tăng trưởng mà không cần dẫn nước nhờ ở mô thức ngập lụt tự nhiên của dòng sông.  Phù Nam vì thế thụ hưởng các vụ thu hoạch phong phú và bền vững, điều này đã khiến vương quốc khả năng dự trữ thực phẩm cho mình và cho khách. Đây có lẽ là lý do chính để thu hút các khách buôn bán đường trường lui tới các hải cảng của Phù Nam. (K. Hall, 1985a: 48-49, 56).
 Cung cấp cho các khách du hành đi lai giữa Ấn Độ và Trung Hoa đòi hỏi số lượng lớn thực phẩm.  Bởi mô thức gió mùa thổi, các khách mậu dịch đường trường thường không thể chỉ dừng bước tại một hải cảng Đông Nam Á trong vài ngày và vài tuần. Đúng ra, phải chừng nửa năm, khi gió thổi từ đất liền ra, các khách du hành chạy thuyền từ Ấn Độ hay Trung Hoa đến một hải cảng Đông Nam Á, nơi mà họ sẽ phải ở lại cho đến khi gió chuyển hướng và thổi vào đất liền, khi đó họ có thể khởi hành để đi hoặc Ấn Độ hay Trung Hoa.  Chính vì thế, mọi tàu thuyền, bất luận là chúng đi đến hay khởi hành từ Trung Hoa, có khuynh hướng đến Đông Nam Á vào cùng một thời khoảng và ra đi cũng vào cùng một thời khoảng.  Thời lượng mà khách du hành có thể ở lại hải cảng để chờ gió đổi chiều thì khác nhau, nhưng thường vào khoảng từ ba đến năm tháng.  Vì một cảng cùng lúc phải cung cấp thực phẩm, lương thực cho tất cả khách du hành  trong nhiều tháng nên để thành công, hải cảng này phải được sự hỗ trợ bằng những cơ sở thặng dư nông phẩm đầy đủ và chắc chắn. 
 Hãy còn nhiều điều để tìm hiểu về Phù Nam.  Giống như nhiều vương quốc Đông Nam Á khác, Phù Nam luôn được coi là một đề tài khó nắm vững.  Khoa cổ học là một nguồn thông tin quan trọng, vì có nhiều bia ký được khắc trên đá hay in dập/miết khắc trên đồ kim loại.  Dù thế, phần lớn những gì biết được về vương quốc này lại đến từ các bản văn trần thuật cùng thời của Trung Hoa, và ngay chính danh xưng được biết giờ đây, “Phù Nam”, trong thực tế là một từ ngữ của Trung Hoa để chỉ địa điểm, chứ không phải là danh xưng có gốc Đông Nam Á (vẫn còn chưa chắc chắn).  Cũng chưa có sự đồng ý hoàn toàn về chủng tộc của người Phù Nam.  Trước đây, một số học giả cho rằng họ là người giống Malayo–Polynesian, nhưng phần lớn giờ đây tin rằng họ là người Khmer xét về mặt ngôn ngữ và chủng tộc, nhờ ưu thế về bằng cớ bia ký cho thấy như thế (Jacques, 1979: 374-5). 
Địa vực chính của Phù Nam nằm bên phía Việt Nam, ở vùng nay là biên giới Việt Nam – Campuchia, nhưng có một số địa điểm liên hệ mật thiết nằm bên phía Campuchia.  Thủ đô, Vyadhapura, hình thành tại một địa điểm trên đất liền, gần Biển Hồ và sông Cửu Long, trong thế kỷ thứ hai.  Vyadhapura có thể được phiên dịch là “Thành Phố Của Nhà Vua-Thợ Săn”, hiển nhiên là một sự tham chiếu đến vị vua hồi thế kỷ thứ hai, Hun Panhuang, là kẻ đã đi vào trong rừng, bắt và thuần hóa các con voi to lớn, huấn luyện chúng cho các mục đích quân sự, và sau đó dùng chúng để mang lại sự thần phục của các nước láng giềng (K. Hall, 1982:93).  Vào đầu thế kỷ thứ ba, viên tướng quân vĩ đại Fan Shiman đã mở rộng quyền lực của Phù Nam về hướng tây dọc theo bờ biển miền bắc của Vịnh Thái Lan và xuôi xuống Bán Đảo Mã Lai cho mãi đến Eo Đất Kra (Wolters, 1967: 37; K. Hall, 1985a: 63-64).

Các thương nhân Ấn Độ không phải là những người duy nhất thăm viếng vương quốc Phù Nam trên đường đến Trung Hoa.  Vào khoảng thế kỷ thứ haì sau Công Nguyên, trạm trung chuyển trên đất liền này đã hấp dẫn các thương nhân từ vùng Trung Đông, và cả từ nơi xa xôi như Hy Lạp.  Trong thực tế, hai ngườI tự xưng là sứ giả của Hoàng Đế La Mã Marcus Aurelius đã xuất hiện tại Trung Hoa năm 166 sau Công Nguyên, họ đến đó qua ngả Phù Nam.  Không có vẻ rằng họ thực sự là các sứ giả chính thức: có lẽ đúng nhất họ là các thương nhân Hy Lạp (lệ thuộc La Mã) đã xưng nhận quy chế ngoai giao để dành được sự tiếp cận với thành phố Lạc Dương, khi đó là kinh đô của nhà Hán (Yu, 1967: 159-60; K. Hall, 1985a: 38).
 Các di tích khảo cổ của ít nhất một trong các hải cảng của Phù Nam được tìm thấy gần thị trấn ngày nay gọi là Óc Eo của Việt Nam, tọa lạc phần nào trong đất liền, cách bờ biển khoảng 3 dặm, như khu định cư liên quan đến hải cảng của Phù Nam.  Khách du hành đến được nơi đó xuyên qua một mạng lưới các con kinh thoát nước nối liền Vịnh Thái Lan với Sông Cửu Long (Taylor, 1992: 158).  Các đồ vật được khai quật ở đó bao gồm các sản phẩm địa phương, các hàng hóa được trao đổi trong vùng Đông Nam Á, và hàng nhập cảng từ Ấn Độ, Iran, và Địa Trung Hải.  Rất nhiều đồ sứ được tìm thấy.  Nhiều ấn tín và nhiều đồ nữ trang có nguồn gốc Ấn Độ, và có các tấm bùa chú bằng thiếc, có vẻ được làm tại Phù Nam, với các biểu tượng của các vị thần Ấn Độ Giáo như Visnu và Siva.  Các phẩm vật từ Trung Hoa bao gồm các tượng Phật nhỏ và một tấm gương bằng đồng, trong khi từ Địa Trung Hải là các mảnh đồ thuỷ tinh, một đồng tiền vàng của thế kỷ thứ nhì, và các huy chương bằng vàng mang hình ảnh của Antoninus Pius và Marcus Aurelius (K. Hall, 1985a: 59; Wolters, 1967: 38; Christie, 1979: 284-86).
 Phù Nam và Các Thủy Thủ Mã Lai
 Thị trường mà Phù Nam cung cấp đã lôi cuốn các thủy thủ Mã Lai từ các phần khác nhau trong khu vực hải hành tìm đến các hải cảng của nó.  Họ mang đến các đồ tiếp liệu và nguyên liệu chẳng hạn như sắt được dùng ngay tại Phù Nam (Wolters, 1967: 52; 1982: 35n), cũng như các sản phẩm mà họ hy vọng để trao đổi vớI các hàng hóa hiếm quý được mang đến bởi các thương nhân từ các vùng đất xa xôi.  Ngay từ đầu, các nhà mậu dịch quốc tế tụ họp tại Phù Nam, nhắm vào tơ lụa của Trung Hoa, ít hay không quan tâm đến các dặc sản của Đông Nam Á.  Nhưng người Mã Lai sau rốt đã thành công trong việc giới thiệu các sản phẩm của chính họ vào công cuộc mua bán quốc tế.
 Các sản phẩm đầu tiên như thế có thể được giảI thích như sản phẩm thay thế cho những hàng hóa có giá trị mà các nhà buôn bán xa xôi đã vận tải tới Trung Hoa.  Trong số các hàng hóa này có hương trầm (frankincense) từ Đông Phi Châu và nam Ả Rập, và hương dược liệu họ bdellium myrrh từ Đông Phi Châu, nam Ả Rập, tây nam Iran, và các khu vực đá khô tại Ấn Độ (Wolters, 1967: 105, 113).  Các chất liệu này thường được dùng để chế tạo nước hoa và hương, trầm, nhưng người Trung Hoa cũng dùng chúng trong dược phẩm.   Tuy nhiên, trong thời đại của Phù Nam, các thủy thủ Mã Lai đã có thể dùng nhựa thông ở Sumatra để thay thế cho hương trầm và cánh kiến trắng [tức benzoin: an tức hương, một loai nhựa thơm từ cây ở đảo Java, chú của người dịch] để thay thế cho hương dược liệu bdellium myrrh.  Họ cũng giới thiệu một sản phẩm mới, long não, một loại nhựa sớm có giá trị như một dược phẩm và như một thành tố của hương, trầm và dầu sơn bóng (véc-ni) (Wolters, 1967: 65, 103-4, 127).  Kể từ đó trở đi, long não đắt giá nhất là long não của vùng Barus, một hải cảng trên bờ biển tây bắc của Sumatra.  Các gỗ có mùi thơm như gỗ gharu và gỗ đàn hương (sandalwood) (một đặc sản của Timor, cách Phù Nam về phía đông nam khoảng 1,800 dặm) cũng trở thành các hàng hóa mậu dịch quan trọng vào thời điểm này (Wolters, 1967: 65-66).

Một dấu hiệu về tầm quan trọng của Phù Nam đối với công cuộc mậu dịch hàng hải của Trung Hoa được cung cấp bởi một phái bộ Trung Hoa được phái đi từ vương quốc nhà Ngô (Wu) đến Phù Nam trong thế kỷ thứ ba.  Nhà Ngô, kiểm soát miền nam Trung Hoa, là một trong các vương quốc cấp vùng đã xuất hiện sau sự sụp đổ của nhà Hán năm 221.  Vua nước Ngô, người quan tâm đến mậu dịch quốc ngoại, khi biết rằng các hàng hóa từ Ấn Độ và các vùng khác ở phương tây có thể có mặt tại Phù Nam và vì thế đã phái hai sứ giả đến đó một lúc nào đó trong thời khoảng nằm giữa các năm 245 và 250.  Trong báo cáo sau đó của họ về cuộc viễn chinh khảo sát, họ có đưa ra sự mô tả sau đây về Phù Nam:
 [Dân chúng Phù Nam] sống trong các cung điện, nhà cửa, các thành phố có tường thành bao quanh …  Dân chúng thì chuyên về canh nông.  Họ gieo hạt trong một năm và thu hái cho ba năm.  Hơn nữa, họ thích đục đẽo và chạm khắc đồ trang trí.  Nhiều đồ dùng để ăn của họ làm bằng bạc.  Thuế [quan] được trả bằng vàng, bạc, ngọc trai, và nước hoa.  Có sách vở và văn khố cất chứa và nhiều thứ khác.  Chữ viết của họ trông giống như chữ của người Hồ [một dân tộc vùng Trung Á sử dụng văn tự có nguồn gốc từ Ấn Độ] (Coedès, 1971: 42; cũng xem K. Hall, 1982: 82).
 Bản báo cáo của các sứ giả cũng đoan quyết với nhà vua Trung Hoa rằng vương quốc Đông Nam Á này trong thực tế có các sự tiếp xúc với các vùng viễn tây.
 Các Cuộc Hôn Nhân Quốc Tế: Giòng Tộc và Văn Hóa  
Bởi vì các khách du hành từ Ấn Độ đã lưu trú lại tại Phù Nam trong nhiều tháng mỗi lần, điều không gây ngạc nhiên rằng người dân Phù Nam, đặc biệt là giới cầm quyền của nó, đã trở nên quen thuộc với văn hóa Ấn Độ.  Mặc dù số lượng thương nhân Ấn Độ có lẽ đông hơn nhiều, có thể chính các giáo sĩ có khuynh hướng theo dấu chân của họ, các nhà Quý Tộc theo Bà La Môn giáo và các tăng lữ, đã đóng một vai trò quan trọng hơn trong các sự đối thoại về văn hóa.  Các nhà lãnh đạo địa phương bắt đầu thừa nhận và thích ứng với các thành tố lôi cuốn nhất của văn hóa Ấn Độ, khi chúng phù hợp với các mục đích riêng của họ.  Vào thế kỷ thứ nhì, các danh xưng và tước hiệu bằng tiếng Phạn (Sanskrit) đã được sử dụng, và về sau đã xuất hiện phần nào đó trong các bia khắc bằng tiếng Phạn và tiếp đến, trong các ngôn ngữ địa phương được viết bằng văn tự phát nguyên từ Phạn ngữ.  Bằng việc xích gần lại văn hóa Ấn Độ trong cung cách này, các nhà lãnh đạo này đã khởi sự một tiến trình trên toàn vùng thường được đề cập như là tiến trình “Ấn Độ hóa” (Coedès, 1971; Powers, 1993).
 Các sự tham chiếu đến tiến trình “Ấn Độ hóa” của vùng Đông nam Á làm liên tưởng đến một sự so sánh mặc nhiên với sự La Mã hóa của vùng Địa Trung Hải, Phạn hóa vùng tiểu lục địa Ấn Độ, hay tình trạng Trung Hoa hóa, tức sự truyền bá văn hóa người Hán phương bắc trên khắp cõi đế quốc Trung Hoa và ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa trên nhiều phần của Hàn Quốc và  bắc phần của Việt Nam.  Tuy nhiên, các sự khác biệt quan trọng hiện hữu giữa hai tiến trình nêu trên với những gì đã xảy ra tại Đông nam Á, đem lại hậu quả rằng thành ngữ Ấn Độ hóa có thể gây hiểu lầm.  Các nhà lãnh đạo Đế Quốc Mauryan của Ấn Độ (322-186 trước Công Nguyên) đã chinh phục phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ, và các hoàng đế nhà Hán đã chinh phục phần lớn đất đai ngày nay được biết là Trung Hoa, cùng với các phần lãnh thổ tại Hàn Quốc và Việt Nam.  Người La Mã đã chinh phục các bờ biển của Địa Trung Hải, cũng như phần lớn phía tây Âu châu và Anh Quốc.  Song không có người dân nào trong số dân chúng Đông Nam Á trở nên giao kết với các khía cạnh khác nhau của nền văn hóa Ấn Độ lại có bao giờ bị chinh phục hay thực dân hóa bởi người Ấn Độ.
Mối quan hệ của người dân Đông Nam Á với văn hóa Ấn Độ chính vì thế có thể so sánh gần giống hơn với sự thích ứng của các vương quốc Nhật Nhĩ Man (Đức: Germanic) trên những thành tố của nền văn minh Byzantine và La Mã (kể cả Thiên Chúa Giáo) trong thời kỳ Trung Cổ hay sự đón nhận nồng nhiệt của Nhật Bản dành cho Phật Giáo và các các đặc tính và văn hóa Trung Hoa trong thời kỳ Nara và đến một mức độ nào đó sau này.  Trong khi đúng là người dân Đông Nam Á được khích lệ bởi các truyền thống Ấn Độ, ngưỡng mộ chúng và vay mượn một cách tự do từ chúng, họ vẫn là chủ vận mệnh của mình: chất liệu ngoại lai thường được tái tạo trong bàn tay của họ trước khi được đan kết vào một thế giới theo sự thiết kế của họ.  “Ấn Độ hóa” vùng Đông Nam Á cũng gần giống như việc “Trung Hoa hóa” Nhật Bản hay “Địa Trung HảI hóa dân Đức – các từ ngữ mà các sử gia chưa bao giờ cảm thấy có một lý do để đặt ra.
Một thẩm quyền về miền này đã nêu ý kiến rằng nhiều phong tục và thái độ căn bản biện biệt một cách điển hình các nền văn hóa Đông Nam Á với các nền văn hóa của Ấn Độ, ngay cả trong những tình trạng trong đó ảnh hưởng của các khuynh hướng văn hóa có nguồn gốc từ Ấn Độ thì hiển nhiên. Điều này cũng có vẻ là trường hợp liên quan đến sự xuất hiện của các vương quốc, bất kể đến hình thức trang trí mang đường nét đồ trang sức của Ấn Độ.  Thí dụ, có bằng cớ rõ rệt cho sự kiên trì của một cảm thức bản xứ về hệ cấp đặt trên các quyền lực cá nhân có thể hay không có thể được thừa kế. Đối với người Đông Nam Á, vấn đề dòng tộc không quan trọng cho bằng khả năng phi thường của cá nhân và / hay của các tiền nhân oai hùng đặc biệt. Điều cũng không mấy quan trọng là các tổ tiên liên hệ thuộc bên cha hay bên mẹ.  Đúng hơn, hậu duệ hoàng gia nặng về huyết tộc trong cùng gia đình (cognatic); có nghĩa các sự tuyên xác quyền hành có thể dựa hoặc trên dòng dõi phía mẹ hay phía cha đều được.  Khi đó, trong thực chất, sự giao kết với văn hóa Ấn Độ đã không làm thay đổi các cơ cấu căn bản của các xã hội Đông Nam Á, và người dân Đông Nam Á trong suốt tiến trình này đã không bỏ rơi các hệ thống giá trị bản địa của họ hay thế giới quan căn bản của họ (Wolters, 1982: 4-15).  Thay vào đó, một khi họ đã trở nên quen thuộc với hệ thống chữ viết của tiếng Phạn, với ngữ vựng và các văn bản chính trị bằng tiếng Sanskrit, và với các tôn giáo, nghệ thuật, và văn chương Ấn Độ, họ trở thành các tham dự viên có óc sáng tạo trong một thế giới văn hóa lớn rộng hơn.
Quan điểm của Phù Nam về sự đối thoại văn hóa này có thể được nhận thấy trong một huyền thoại lập quốc vốn đã lâu đời khi mà các sứ giả Trung Hoa ghi chép lại nó khoảng năm 240 sau Công Nguyên.  Theo một sự trần thuật, cuộc đối thoại với truyền thống Ấn Độ khởi đầu khi một nhà cai trị nữ phái, người mà Trung Hoa gọi là Liễu Diệp (Lin Ye), cầm đầu một cuộc đột kích vào một chiếc thuyền đi ngang qua.  Một trong những hành khách, một nhà quý tộc Bà la Môn tên Kaundunya, cầm đầu cuộc kháng cự lại cô ta và đánh bại các kẻ đột kích.  Sau đó Liễu Diệp kết hôn với nhà quý tộc Bà La Môn, nhưng cô chỉ làm như thế sau khi anh ta đã uống thứ nước của địa phương.  Hai người kế đó đã di thừa vương quốc, và bảy phần đất nước được giao cho đứa con trai của họ để cai trị, trong khi phần còn lại họ giữ làm lãnh địa riêng của mình (K. Hall, 1985a: 49; Jacques, 1979: 376; D. Hall, 1968: 25-26; Coedès, 1971: 37).
      
Sự hiện hữu của một thần thoại như thế không nhất thiết có nghĩa là một cuộc hôn phối hoàng gia thực sự đã xảy ra theo cung cách được mô tả.  Cuộc hôn phối rất có thể có tính cách ẩn dụ.  Bằng cách nào đi nữa, thần thoại giải thích một cách rõ ràng rằng các truyền thống bản địa đã được sinh sôi nẩy nở nhờ các truyền thống của Ấn Độ và rằng sự liên hợp chính trị vào các lãnh địa rộng lớn hơn đã xảy ra cùng một lúc với sự tương tác này.  Điều quan trọng cần ghi nhận rằng một người phụ nữ Phù Nam đã là người khởi xướng sự đối đầu, và rằng chính sự kết hôn của ngoại kiều với cô ta đã thiết lập cho người đàn ông một vị thế trong xã hội địa phương.

Việc uống nước của Kaundinya có thể được giải thích theo vài cách khác nhau.  Tuy nhiên, một ý nghĩa có thể có rằng anh ta đã uống nước thề, tuyên hứa lòng trung thành với dòng tộc địa phương, như một chỉ dấu rằng anh ta sẽ phục vụ Phù Nam, giống như các truyền thống Ấn Độ sau rốt đã phục vụ cho một loạt các thể chế chính trị nhiều tham vọng tại Đông Nam Á.  Trong bất kỳ trường hợp nào, câu chuyện chứa đựng một luân lý quan trọng: các điều tốt lành không đến từ việc tấn công và cướp bóc các chiếc thuyền ngang qua mà từ việc thân thiện với chúng.  Câu chuyện của Liễu Diệp và Kaundinya chính vì thế đã được dùng để giải thích chính sách từ khước việc cướp biển của vương quốc để nghiêng về một chính sách hợp tác với khách du hành để mang lợi cho cả đôi bên.

Phát Triển Khu Vực Hải Hành


Mặc dù Phù Nam nổi tiếng nhất thì cũng không phải là trung tâm duy nhất thịnh đạt tại Đông Nam Á trong các thế kỷ này.  Bằng cớ khảo cổ cho thấy rằng một số loại chuyển tiếp chính trị đã diễn ra tại bờ biển phía bắc của đảo Java một cách sớm sủa, ngay trong ba thế kỷ cuối cùng trước Công Nguyên (Wisseman-Christie, 1991: 25).  Và trong thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, khi các sứ giả Trung Hoa đang thăm viếng Phù Nam, họ có nghe về một số địa điểm khác nằm trong khu vực hải hành.  Họ hay biết rằng tại “Zhiaing” (rất có thể nằm trên bờ biển đông nam của đảo Sumatra) có một ông vua đã nhập cảng giống ngựa Yuezhi từ miền tây bắc Ấn Độ, trong khi tại “Sitiao” (rất có thể nằm tại miền Trung đảo Java) là một vùng đất phì nhiêu có nhiều thành thị với các phố xá (Wolters, 1967: 52-61).

Các trung tâm hàng hải này có vẻ đang trong tiến trình thích ứng hóa một số thành tố của tôn giáo và thuật điều hành quốc gia của Ấn Độ, ngoài việc thích nghi nhiều loại quyền lực bản xứ khác nhau chẳng hạn như sự tôn kính các tổ tiên lừng lẫy, nhằm nâng cao các vị thế chính trị của chính họ, hay ít nhất để loan báo các thành quả và chính sách của họ.  Các bia ký vào khoảng 400 năm sau Công Nguyên tại miền tây Kalimantan và vào khoảng giữa thế kỷ thứ năm tại miền tây đảo Java cho thấy rằng ít nhất có một số kẻ đã khám phá ra sức mạnh biểu tượng của văn tự Phạn ngữ (Sanskrit) (Kulke, 1991: 4-7).  Về vấn đề bia ký bằng chữ Phạn cổ xưa nhất tại Đông Nam Á từ trước đến nay, người ta cho rằng đó là bản bia ký khắc trên đá được tìm thấy tại Võ Cạnh (Dân chúng tại Võ Canh, tọa lạc tại bờ biển Việt Nam gần thành phố Nha Trang ngày nay, nói tiếng Mã Lai và sinh sống trong khu vực duyên hải thuộc thế giới hàng hải, một nơi sau này được biết là xứ Chàm).  Trên căn bản loại văn tự được sử dụng, bia ký Võ Canh đã từng được ghi có nhật kỳ khoảng cuối thế kỷ thứ nhì hay đầu thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, nhưng một cuộc nghiên cứu gần đây đã lập luận rằng nó không thể sớm hơn thế kỷ thứ năm quá xa.  Cuộc nghiên cứu này cũng nêu ý kiến rằng Sri-Mara, nhà vua được ai điếu trong bia ký, đã không có mối quan hệ đặc biệt, lệ thuộc với Phù Nam, như đã từng được đề xuất trong quá khứ. Đúng hơn, ông ta phải được hiểu như nhà lãnh đạo các vương quốc nói tiếng Mã Lai trổi dậy trong khu vực hải hành, tương tự như các vương quốc tại Kalimantan và Java (Kulke, 1991: 5).

Sự Xuất Hiện Của Một Con Đường Hoàn Toàn Trên Biển Xuyên Qua Các Eo Biển Của Đông Nam Á


Bắt đầu thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, một loạt các sự chuyển hóa chính trị đã xảy ra dọc theo các hải lộ tơ lụa khác nhau từ Trung Hoa đến Địa Trung Hải, các sự biến đổi đã đạt đến cực điểm với sự xuất hiện của một con đường hoàn toàn trên biển giữa Ấn Độ và Trung Hoa chạy xuyên qua vùng eo biển Đông Nam Á.  Trong năm 226 sau Công Nguyên, một đế quốc mới xuất hiện tại Iran, mang lại cùng với nó sự phục hoạt của quyền lực Iran tại vùng Trung Á Châu.  Các nhà vua triều đại Sassanid cai trị đế quốc này là những người theo đạo Zoroastrianism [Hệ thống tôn giáo lập bởi Zoroaster, tin là có kiếp sau và phe thiện sẽ thắng phe ác, là tôn giáo thịnh hành tại Iran trước khi nước này đổi sang đạo Hồi, chú của người dịch], và họ đặt tính cách chính thống về chính trị của mình trên một mối quan hệ đặc biệt với vị thần linh tối cao, Ahura Mazda [vị thần tối cao và sáng lập ra thế giới theo đạo Zoroastrian, chú của người dịch].  Sau đó, trong năm 320, triều đại Gupta tuyên cáo lập một vương quốc Ấn Độ giáo trên sông Hằng Hà (Ganges).  Bởi vì sự bành trướng quyền lực Iran đã làm suy yếu sự kiểm soát của vương quốc Kushana trên con đường tơ lụa từ Trung Hoa sang Ấn Độ, các nhà vua triều đại Gupta đã có thể đánh bại Kushanas, thống nhất miền bắc Ấn Độ, và đặt phần lớn tiểu lục địa dưới sự thế lực của mình.

Cùng thời khoảng đó, tại Ethiopia, Quốc Vương Ezana của vùng Axum [kinh đô cổ thời của Ethiopia, chú của người dịch] đã biến cải vương quốc của ông thành một lãnh địa theo Thiên Chúa Giao.  Axum là một thế lực lâu đời tại vùng Biển Hồng Hải, một vương quốc mà nhà tiên tri gốc Iran, Mani (215-276 sau Công Nguyên), người lập ra đạo Manichaeism, đã xếp hạng như “một trong bốn đế quốc vĩ đại nhất của thế giới” (Kobishanov, 1981: 383).  Từ lâu nó đã là một trung tâm mậu dịch lớn, nơi mà các con đường mậu dịch trên đất liền từ nội địa của Phi Châu (vùng có các sản phẩm như ngà voi) gặp gỡ các con đường hải hành của Biển Hồng Hải và Ấn Độ Dương.  Hơn nữa, vào khoảng gần đúng thời gian đó, năm 330 Constantine I đã di chuyển thủ đô của đế quốc từ Rome sang Constantinople [tức thành phố Istanbul, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, chú của người dịch] và bắt đầu biến cải Đế Quốc La Mã từ tà giáo đa thần thành Đế Quốc Byzantium theo Thiên Chúa Giáo.

Lúc đầu, sự thiết lập quyền lực của triều đại Sassanian có vẻ đã gây ra một sự đình trệ trong mậu dịch trên con đường tơ lụa trên biển đi từ các hải cảng vùng tây bắc Ấn Độ xuyên qua Hồng Hải đến Địa Trung Hải.  Người Iran đã lấn chiếm các phần đường của các con đường tơ lụa mà vương quốc Kushanas đã kiểm soát và sau đó hiển nhiên đã chuyển hướng nhiều tơ lụa nhắm chở đến các hải cảng của Ấn Độ về các con đường trên đất liền xuyên qua Iran để đến Biển Hắc Hải và Đia Trung Hải.  Tuy nhiên, sự trì chậm này không kéo dài, bởi mậu dịch của vùng Biển Hồng Hải sớm được phục hồi bởi một liên minh giữa các quyền lực mới Thiên Chúa Giáo hóa tại Constantinople và Adulis, thủ đô của vương quốc Axum tại Ethiopia.

Constantine I đã theo đuổi một chính sách Hồng Hải bao quát, dự trù để ngăn chặn sự thiết lập bất kỳ một quyền lực độc lập nào trên bán đảo Ả Rập (Shahid, 1984a: 70), và cả ông ta lẫn Nhà Vua Ezana đều bị quấy rối bởi quyền lực của Sabaeans và Himyarites, các cộng đồng Đo Thái được được thiết lập từ lâu tại Yemen.  Trong thời gian mà triều đại Sassanian củng cố quyền lực của họ, các cộng đồng này có vẻ như đã đạt được sự kiểm soát trên phần lớn hoạt động mậu dịch tiến vào Hồng Hải, và các đồng minh mới theo Thiên Chúa Giáo còn nghi ngờ chúng thông đồng với Iran.  Sau một cuộc xâm lăng của Ethiopia vào Yemen vào giữa thế kỷ thứ tư (hiển nhiên đã được thực hiện với sự trợ giúp của Byzantine), mậu dịch vùng Hồng Hải đã được phục sinh, nhưng với một sự khác biệt.  Không có thể làm gì đối với sự kiểm soát của Iran trên phần lớn mậu dịch tơ lụa, các tàu thuyền Hồng Hải không còn chính yếu đi đến các hải cảng vùng tây bắc của Ấn Độ nữa.  Thay vào đó, chúng đã di hành đến các hải cảng buôn bán hạt tiêu tại miền nam Ấn Độ và đến đảo Tích Lan (Sri Lanka).
Nhiều chiếc thuyền di chuyển qua lại giữa Hồng Hải và miền nam Ấn Độ và Tích Lan là thuyền của Ethiopia.  Mặc dù người Hy Lạp có một số thuyền tại Hồng Hải, chúng hiếm khi nào đi quá Socotra, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía nam của Arabia (Runciman, 1975: 132).  Tuy nhiên, bởi các nhà mậu dịch Ethiopia dùng đồng tiền của Hy Lạp để mua sản phẩm, đã có các sự khám phá lớn lao đồng tiền Byzantinium tại miền nam Ấn Độ.  Các nhật kỳ trên các đồng tiền này chứng thực rằng hoạt động mâu dịch này đã nở rộ từ thời trị vì trong thế kỷ thứ tư của vua Constantine I cho đến thời trị vì của vua Justin I (518-527) trong thế kỷ thứ sáu.  Trong thực tế, cho đến thế kỷ thứ bẩy người Ethiopia vẫn còn là quyền lực thương mại ưu thắng tại khu vực Hồng Hải (McNeill, 1963: 412).

Vào khoảng cùng lúc mà Ethiopia dành được sự kiểm soát trên Biển Hồng Hải qua việc xâm lấn Yemen, một sự phát triển quan trọng khác đã xảy ra ở phía bên kia đại dương bao la miền nam.  Vào khoảng năm 350 sau Công Nguyên, các thủy thủ Mã Lai đã phát triển một hải lộ hoàn toàn trên biển đầu tiên chạy từ Tích Lan sang đến Biển Đông (Biển Nam Hải - South China Sea).  Sau khi lên tàu tại Tích Lan, các hành khách được lái trực chỉ theo hướng đông, xuyên qua hoặc Eo Biển Malacca hay Eo Biển Sunda, để đến một trong những hải cảng tại Biển Nam Hải. (Một số các hải cảng như thế có lẽ đã hiện hữu tại phần cực nam của Biển Nam Hải, trên các hòn đảo Sumatra, Java, và Borneo, là các hải cảng đang cạnh tranh trên hải trình này -- mặc dù trong thời kỳ thịnh vượng của Phù Nam, có vẻ không hải cảng nào trong chúng lại tìm cách dành đạc quyền bá chủ trên vùng khác).  Sau một sự dừng chân, trong khi chờ đợi gió đổi chiều, họ có thể tiến bước đến Trung Hoa.

Chính vì thế, các thủy thủ Mã Lai đã có thể cung cấp sự lưu thông quốc tế trên một con đường hoàn toàn trên biển, nhanh hơn, qua lại giữa Trung Hoa và các thị trường tơ lụa.  Các khách du hành khởi đi từ Ấn Độ sang Trung Hoa không còn phải lái tàu bám sát lấy bờ biển quanh Vịnh Bengal và Vịnh Thái Lan, vận tải hàng hóa băng ngang eo đất Kra để đến được Phù Nam.  Theo hải lộ mới này, họ có thể lướt đi một cách mau lẹ trong mùa gió nồm, trực chỉ từ các eo biển đến các hải cảng tại Biển Nam Hải.  Điều này cũng có nghĩa hàng hóa vận tải xuất phát từ Trung Hoa và vùng biển Đông Nam Á có thể thực hiện một chuyến du hành nhanh chóng hơn đến các hải cảng của Tích Lan.
 Sự Tường Thuật của Fa Xian Về Hải Lộ Mới Chạy Qua Eo Biển            
 Sự kinh khiếp ra sao của hải lộ mới hoàn toàn chạy trên biển đối với khách du hành lần đầu được nhận thấy rõ ràng từ một bản văn tường thuật viết bởi nhà sư Phật Giáo tên Fa Xian, người đầu tiên đã mô tả đường đi này.  Vào năm 399 sau Công Nguyên, ở tuổi 65, Fa Xian rời tu viện của ông tại Tràng An, Trung Hoa, làm một cuộc hành hương về thánh địa của tôn giáo của ông tại miền bắc Ấn Độ.  Ông đã du hành sang Ấn Độ bằng con đường trên đất liền, dẫn ông băng qua các sa mạc đáng sợ và qua rặng núi Karakoram, xuyên qua các ngọn đèo ở cao độ 18,000 bộ, nơi không khí loãng và mọi hoạt động, ngay dù bước đi, thì khó khăn.

Phần đáng kinh hãi nhất trong chuyến du hành của ông là băng qua hẻm núi sâu nơi đầu nguồn của con sông Ấn Hà (Indus River).  Ông và và các khách du hành khác đã phải chọn con đường chạy dọc theo một lối đi hẹp cắt vào sườn núi, mà Fa Xian đã nói “như một bức tường đá cao mười nghìn bộ.  Gần bờ mép, con mắt trở nên rối loạn; và muốn tiến tới, nhưng không biết đặt bàn chân nơi đâu.”  Kế đó họ đã phải leo xuống lại hẻm núi sâu, bước xuống những bậc dựng đứng lần nữa được cắt vào sườn vách đá, và rồi băng qua con sông trên một chiếc cầu được làm bằng các sợi dây thừng bện vào với nhau (Fa Xian, 1956: 9-10).  Khách du hành đã không có cách gì khác ngoài việc nhích từng phân trên đường băng ngang, ngay cả khi các luồng gió mạnh quất vào chiếc cầu đong đưa.  (Khách du lịch dũng cảm ngày nay có thể lấy xe buýt chạy từ Trung Hoa sang Hồi Quốc (Pakistan) theo con đường của Fa Xian, nhưng tất cả các báo cáo cho hay rằng, ngay cả với sự chuyển vận hiện đại, hành trình vẫn chỉ dành cho các kẻ gan dạ).

Chính vì thế, vào năm 415 sau Công Nguyên, khi ông già tám mươi tuổi Fa Xian dự trù chuyến hồi hương về Trung Hoa, ông ta đã không muốn trở về bằng cùng con đường đã dẫn ông tới.  Biết rõ những gì ở sau lưng, nhưng không biết những gì ở phía trước, ông ta đánh liều, chọn việc quay về quê bằng hải lộ hoàn toàn trên biển.  Những gì ông khám phá được là lái thuyền trên đại dương thì cũng kinh khiếp y như dấn bước trên đất liền.  Ông rời Tích Lan trên một thương thuyền chuyên chở hai trăm người, nhưng chỉ sau hai ngày rời khỏi cảng, họ đã gặp phải một cơn gió bão, kéo dài trong mười ba ngày.  Sau khi thời tiết trở lại quang đãng, họ nhận thấy chiếc tàu bị hư hỏng và sớm bị chìm.  Ngay vào lúc đó chiếc tàu bị mắc cạn ở một hòn đảo vô danh, nơi mà thủy thủ đoàn có thể sửa chữa [con tàu].  Tuy nhiên, bởi vì đi lạc, họ mất thêm thì giờ để tìm nơi đến.  Quá trễ và vớI khẩu phần đã hết từ lâu, cuối cùng họ đã lái vào một hải cảng tại vùng Biển Nam Hải (Giles, 1956: 76-78).

Fa Xian đã trải qua năm tháng tại hải cảng này. Ông có vẻ không vui thích với sự ngừng chân này, ý kiến duy nhất của ông rằng tà giáo và Bà La Môn giáo, chứ không phải Phật Giáo, được phát triển ở đó.  Trong phần thứ nhì của hành trình của ông, từ hải cảng này về Trung Hoa, chiếc tàu của ông lại gặp phải một trận bão.  Sau bảy mươi ngày thủy thủ đoàn vẫn chưa nhìn thấy vùng đất liền nào, vì thế họ biết mình đã bi lạc mất hải cảng mà họ nhắm đến – và cũng như toàn thể lục địa.  (Thời gian lái thuyền bình thường đến Trung Hoa là năm mươi ngày).  Vì thế các thủy thủ chỉ đơn giản quay sang trái (hướng tây bắc) bởi vì Á Châu ở đâu đó [trên hướng này].  Cuối cùng khi mắc cạn, họ có mặt ở tỉnh Sơn Đông, 1000 dặm phía bắc nơi nhắm đến của họ!  Họ đã không có ý tưởng rằng họ đương ở đâu, nhưng Fa Xian biết ông đã về quê hương khi ông nhìn thấy một khoảnh đất trồng các loại rau Trung Hoa (Giles, 1956: 79).

Sau cuộc trở về Trung Hoa của Fa Xian, các khó khăn trên các con đường tơ lụa trên đất liền càng làm gia tăng tầm quan trọng của các hải lộ mà ông đã đi qua.  Miền bắc Trung Hoa bị chiếm đóng bởi các dân du mục đến từ vùng thảo nguyên hoang dại giữa Á Âu, gây ra một cuộc chạy trốn khổng lồ của dân chúng Trung Hoa từ bắc xuống nam.  Bởi sự dời cư đòi hỏi tiền bạc và phương tiện, các nhóm có nhiều ưu quyền hơn chiếm đa số trong số các người tỵ nạn, một số các sử gia tuyên bố rằng có tới từ 60 đến 70 phần trăm các tầng lớp thượng lưu miền bắc di chuyển xuống phía nam sông Dương Tử.  Miền nam Trung Hoa tuy thế đã không bị xâm chiếm bởi quân xâm lăng, một phần vì các kẻ cỡi ngựa từ các đồng cỏ phương bắc không thể nào phóng ngựa băng ngang các cánh đồng lúa, và trong thực tế, hai vương quốc Phật Giáo, Liu Song (420-479) và Nan Qi (479-502) đã phát triển ở nơi đó trong thế kỷ thứ năm.

Các di dân từ phương bắc, đã có thị hiếu từ lâu với các sản phẩm đến từ “các vùng phía tây,” đặc biệt lưu ý đến những gì họ gọi là hàng hóa “Ba Tư.” Đế Quốc Sassanian đã là một trung tâm mậu dịch và sản xuất quan trọng, và Trung Hoa tin rằng nó sẽ là một nguồn cung cấp các sản vật giá trị và hiếm quý, nhiều sản vật trong đó, trong thực tế, không phải đã được sản xuất hay trao đổi tại Iran.  Trong số nhiều hàng hóa được xem là của Ba Tư (Persian) vào lúc này là hàng dệt đắt tiền, hương dược liệu, trầm hương, chất phèn chua [alum, dùng để chế bột nổi, thuốc nhuộm và giấy, chú của người dịch], cây thì là Ai Cập (cumin), ma thạch (asbestos), hổ phách, ngọc trai và đá quý (Wolters, 1967: 129-38).

Cho đến giữa thế kỷ thứ năm, các hàng hóa “Ba Tư” vẫn tiếp tục đến được miền nam Trung Hoa bằng các con đường trên đất liền trải dài từ Iran đến Trung Hoa.  Tuy nhiên, vào năm 428, người Iran giao chiến với các kẻ du mục từ đồng cỏ hoang được gọi là sắc dân Hephthalites, hay giống Hung Trắng, là các kẻ đe dọa biên cương phía đông của nó.  Và vào năm 439 triều đình Bắc Ngụy của Mông Cổ đã củng cố quyền lực của nó trên phần lớn phía bắc Trung Hoa, kể cả các con đường chiến lược dẫn đến phía tây.  Tình thế càng nghiêm trọng hơn, triều đình bị tấn công từ Trung Á bởi một sắc dân từ đồng hoang khác.  Với sự sự giao tranh dọc theo các con đường tơ lụa trên đất liền, người ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy trào lượng các hàng hóa được gọi là của Ba Tư chảy xuyên qua miền bắc Trung Hoa xuống phía nam bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, những người tỵ nạn tại miền nam Trung Hoa đã không bị tước đoạt bao lâu.  Các nhà mậu dịch Iran gia tăng việc sử dụng đường biển, từ vịnh Ba Tư đến Tích Lan, nơi họ có thể mua các hàng hóa Trung Hoa được mang đến hòn đảo trung chuyển này bởi các thủy thủ Mã Lai (Wolters, 1967: 150-51).  Các nhà mậu dịch từ vùng Vịnh Ba Tư đã trở nên thiết định một cách chắc chắn tại đó hồi đầu thế kỷ thứ năm (Wolter, 1967: 81), và họ đã đến Tích Lan với nhiều hàng hóa “Ba Tư “ đáng mong muốn.  Các hàng hóa này các thủy thủ Mã Lai có thể chuyển vận ngược đến Trung Hoa, nương theo gió mùa để lướt qua các eo biển.
 Các thủy thủ Mã Lai cung cấp các hàng hóa “Ba Tư ” này đã lái thuyền đến Trung Hoa từ các hải cảng ở Đông Nam Á.  Chính vì thế, điều không gây ngạc nhiên là nhu cầu miền nam Trung Hoa đã sớm phát triển cho các sản phẩm của khu vực hải hành của nó.  Không chỉ thị trường về các loại nhựa và gỗ thơm vẫn còn mạnh, mà Trung Hoa trở thành một thị trường không đáy cho sừng tê giác. (Tại Trung Hoa nó được dùng để chế tao ra một loại thuốc bổ dưỡng, bảo đảm chữa trị được chứng bất lực của đàn ông, trong khi tại Nhật Bản, nó được dùng như một loại bùa và được treo ở cột giường ngủ cho cùng mục đích đó.  Hậu quả của sự đòi hỏi của vùng Đông Á về sừng khiến cho tê giác trở nên tuyệt chủng tại Đông Nam Á.)  Người Trung Hoa cũng trở thành các người mua quan trọng các phẩm vật như lông chim, gỗ thơm, mu rùa, và ma thạch.  Và vào khoảng cuối thế kỷ thứ năm hay đầu thế kỷ thứ sáu, người tiêu thụ Trung Hoa đã rất quen thuộc với hạt tiêu và các đồ gia vị khác của Đông Nam Á.  Tuy nhiên, bởi vì người Trung Hoa có khuynh hướng nghĩ các đồ gia vị này trước tiên và trên hết như thành phần pha chế hương, trầm hay dược thảo, họ đã nói về công cuộc thương mại này không phải như mậu dịch về đồ gia vị mà như sự trao đổi vể hương liệu và dược liệu (xiang-yao: hương dược?).
 Các Đồ Gia Vị Vùng Moluccas
        
Trong số các sản phẩm mà các thủy thủ Mã Lai giới thiệu trên thị trường quốc tế là “các đồ gia vị ngon miệng” hiếm có – đinh hương, hạt nhục đậu khấu, và vỏ hạt đậu khấu phơi khô (mace) – đồ gia vị đã trở thành món hàng đắt giá nhất và sinh lợi nhất trong công cuộc mậu dịch.  (Quế và hạt tiêu chắc chắn là có gia trị, nhưng không giống như ba loại này, chúng được cung cấp với số lượng đáng kể tại một số địa điểm thuộc miền Nam Á châu)  Sự phân bố các trống đồng lớn, được chế tạo tại miền bắc Việt Nam, dọc theo bờ biển Biển Java và Biển Banda nêu ý kiến rằng các nhà mậu dịch Java có thể đã thụ đắc các gia vị ngon miệng từ “Các Đảo Gia Vị: Spice Islands” nguyên thủy, tại vùng Moluccas (cách Java hơn một ngàn dặm về phía đông và 2,000 dặm phía đông Eo Biển Malacca), và đã giới thiệu chúng vào mạng lưới mậu dịch liên vùng ngay từ thế kỷ thứ hai hay thứ ba trước Công Nguyên (Wisseman-Christie, 1991: 25).  Dù thế, các gia vị này vẫn chưa được hay biết rộng rãi tại Ấn Độ hay Trung Hoa mãi cho đến khi có sự phát triển đường đi hoàn toàn trên biển của Mã Lai chạy từ Tích Lan đến Trung Hoa.
 Gia vị được biết là đinh hương (cloves) thực sự là nụ hoa chưa nở được phơi khô, của cây đinh hương.  Trước năm 1600, các vườn đinh hương với bất kỳ tầm quan trọng về mặt thương mại nào, chỉ được trồng tại năm hòn đảo núi lửa nhỏ bé – Ternate, Tidor, Motir, Makian, và Batjan -- tọa lạc ngoài khơi giáp bờ biển phía tây của đảo Halmahera (Brierley, 1994: 43).  Hạt nhục đậu khấu và vỏ hạt đâu khấu [tác giả có lẽ đã nhầm lẫn vỏ hạt này cũng là một loại cây, chú của người dịch] được trồng tại vùng đất phún xuất thạch của các đảo ở Banda, một nhóm gồm mười đảo ở Biển Banda, nằm phía chính nam của hòn đảo được gọi là Ceram (dù thế chúng quá nhỏ, với tổng số diện tích 17 dặm vuông, nên không xuất hiện hay được nêu tên trên nhiều bản đồ).  Những gì được bán như hạt đậu khấu là một hạt được tìm thấy trong hột mầm, trong khi bột vỏ (mace) đến từ lớp vỏ mỏng màu đỏ dẻo dai bọc quanh hạt này.
 Với giá trị mà các đồ gia vị ngon miệng này đã thụ tạo được ở khắp Đông Bán Cầu, điều đáng để ý là không kẻ nào đã tìm cách phá vỡ cơ chế tương đương một sự độc quyền của Moluccas mãi cho đến thế kỷ thứ mười bảy, khi người Hòa Lan chiếm giữ các hòn đảo sản xuất gia vị.  Xuyên qua nhiều thế kỷ, người dân trên đảo đã canh chừng nghiêm ngặt các du khách để ngăn chặn việc lén lút mang đi hạt giống hay cây trồng.  Người trồng cây gia vị ở Moluccas, có kỹ năng cao trong việc trông nom cây và thu hái và phơi khô các đồ gia vị, không có ý định chia sẻ kiến thức này cho kẻ khác.  Hơn nữa, ngay dù các kẻ buôn lậu có thành công trong việc xuất lén lút một số hạt giống, nhiều phần họ vẫn chưa bao giờ thu hái được một vụ gặt nào cả.  Các hạt giống mau chóng bị hư hoại, và ngay cả nếu sồng được, các cây này thường không tăng trưởng đến mức độ chín mùi.  Vả chăng, chúng cũng cực kỳ kén chọn nơi được trồng, hoàn toàn cá biệt về mặt loại đất, nhiệt độ, độ ẩm, mô hình vũ lượng hàng năm, và loại bóng râm được cung cấp bởi các cây khác.  Có một câu tục ngữ từ các người canh tác rằng “các hạt đậu khấu phải có thể ngửi thấy biển, và cây đinh hương phải trông thấy biển” (Ridley, 1912: 105).  Chính vì thế, một ít nơi trên thế giớI có thể lập lại đúng các điều kiện trên các hòn đảo gia vị này.


Sự Tan Biến Của Phù Nam Giữa Những Sự Khủng Hoảng Của Thế Kỷ Thứ Sáu      

 Trong khoảng năm trăm năm, cho đến thế kỷ thứ sáu sau Công Nguyên, lãnh địa Phù Nam đã thịnh vương, kéo dài sau khi có sự phát triển con đường hoàn toàn đi trên biển từ Tích Lan đến Trung Hoa.  Tuy nhiên, vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu nó đã phải gánh chịu một sự tuột dốc, và không lâu sau đó bị chinh phục từ phương bắc, bởi vương quốc Chân Lạp (Chenla) của người Khmer.  Các sử gia đã chưa có thể nhận ra các nguyên do của sự sụp đổ của Phù Nam, nhưng điều đáng ghi nhận là nó đã xẩy ra gần như đồng thời với một loạt các xáo trộn và biến chuyển đọc theo tất cả con đường mậu dịch hàng hải từ Constantinople đến Trung Hoa.
 Trong năm 520 sau Công Nguyên, nhóm dân Hephthalites của vùng Trung Á chọc thủng các phòng tuyến bảo vệ bởi quân đội Sassanian, cái khiên bảo vệ cả Iran và Ấn Độ.  Các nhà lãnh đạo triều đại Sassanian tại Iran tìm cách sống sót sau sự thất trận này trong hơn một trăm năm, nhưng triều đại Gupta thì không làm được như vậy.  Do áp lực từ bên ngoài và sự căng thẳng ở bên trong, quyền lực của các nhà vua Gupta đã suy tàn, và vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu, đế quốc đã tan rã thành nhiều vương quốc cấp miền.  Khu vực biển Hồng Hải cũng bị xáo trộn bởi các sự giao tranh.  Vào khoảng đầu thập niên 520, nhà vua Ethiopia tố cáo rằng người Hymyarites gốc Do Thái tại Najran, bắc Yemen, là ngược đãi người theo đạo Thiên Chúa, và trong năm 525, ông ta đã thực hiện một cuộc viễn chinh trừng phạt họ, chiếm đóng Yemen trong vòng bốn mươi lăm năm sau đó.  Từ năm 527 đến năm 532 và một lần nữa từ năm 540 đén 562, Byzantine và Iran giao chiến với nhau.  Trong năm 570, một đội quân của triều đại Sassanid băng ngang bán đảo Ả Rập và xâm lăng Yemen, theo đó triệt hạ sự kiểm soát của Ethiopia trên vùng Biển Hồng Hải.  Trong thực tế, sự chiếm đóng của Iran trên Yemen kéo dài hơn sáu mươi năm.

Ngoài các xáo trộn trên các đường mậu dịch hàng hải miền nam, còn có một sự bộc phát chứng bệnh dịch hạch truyền nhiễm.  Trong quyển sách nhan đề Plagues and Peoples của mình, ông William McNeill đã mô tả làm sao mà sự truyền nhiễm đã lan rộng từ Ấn Độ và các hải cảng khác trên Ấn Độ Dương cho đến Hồng Hải.  Vào năm 542, nó đã lan đến Constantinople, nơi một nhân chứng tận mắt ước lượng rằng tỷ lệ tổn thất lên cao đến mức 10,000 người một ngày (Mango, 1980: 68).  Bệnh dịch và nạn đói còn tiếp tục tàn phá Địa Trung Hải trong gần hai trăm năm sau đó.

McNeill cho rằng sự bộc phát chứng dịch này là một hậu quả trực tiếp của các sự ràng buộc thương mại chặt chẽ giữa Ấn Độ, Phi Châu và vùng Địa Trung Hải.  Giống “chuột đen” đóng vai trò chủ nhân chứa chất các con bọ chét (rận) mang mầm dịch có nguồn gốc từ Ấn Độ.  Chúng là các con vật giỏi leo trèo và có thể dễ dàng dùng các sợi dây thừng buộc các chiếc thuyền buồm với các neo cố định để lên xuống các con tàu di chuyển từ hải cảng này sang hải cảng khác.  Trước khi có cuộc truyền nhiễm hồi thế kỷ thứ sáu, các con chuột đã di cư từ Ấn Độ sang Đông Phi Châu và vùng Biển Hồng Hải, đã chạy băng qua cầu đất hẹp để sang Địa Trung Hải, và đã lan tràn khắp vùng biển đó, mặc dù không vượt quá Eo Biển Gibraltar (nơi mà các con tàu của Địa Trung Hải hiếm khi lai vãng cho mãi đến vài thế kỷ sau này).  Chính vì thế, khi các con bọ chét trên một số con chuột này, bất luận là trên bờ biển Ấn Độ hay Phi Châu, trở nên bị nhiễm bởi trực trùng dịch hạch, chứng bệnh tàn phá này đã được truyền đi dọc theo đường đi của “sự khuếch tán giống chuột đen” (McNeill, 1976, 1976: 111-12).  Mặc dù McNeill không đề cập đến khả tính này, xem ra nhiều phần là giống chuột này cũng đã tự phân tán về phía đông của Ấn Độ, đến Phù Nam và có thể đến miền nam Trung Hoa, và các khu vực này cũng gặp phải nạn dịch hạch vào thời gian này.

McNeill còn nêu ý kiến đi xa hơn rằng sự bộc phát nạn dịch này có thể đã là một nguyên do quan trọng của sự thu hấp quyền lực tại Âu Châu từ vùng Địa Trung Hải lên phía bắc, một tiến trình đã khởi sự vào cuối thế kỷ thứ sáu. Ở bên đối xứng, mỏm phía đông của các con đường hải hành miền nam, cũng có một sự di chuyển quyền lực nhận thấy được lên phía bắc.  Phù Nam bị chinh phục từ phương bắc, và vào năm 581, Trung Hoa được tái thống nhất với triều đại nhà Tùy (518-618), đặt căn cứ tại miền bắc, đã chinh phục miền nam.

Cắt ngang giữa hai đầu mỏm này, sự di chuyển lên hướng bắc này được tăng cường sau khi có các sự chinh phục của Hồi Giáo trong các thế kỷ thứ bẩy và thứ tám.  Vùng Umayyad Caliphate, có thủ đô đặt tại Damascus, đã dành được sự kiểm soát trên tất cả các con đường từ Trung Hoa sang Địa Trung Hải, và dưới sự bảo trợ của họ các con đường trên đất liền đã phát đạt, trong khi lưu thông trên biển Hồng Hải bị sút giảm.  Cùng lúc, các cuộc chinh phục của Hồi Giáo không có vẻ đã gây ra một ảnh hưởng tiêu cực trên con đường hoàn toàn đi trên biển của Mã Lai chạy xuyên qua vùng các eo biển, bởi mậu dịch quốc tế dọc hải lộ này vẫn tiếp tục bành trướng.  Tuy nhiên, con đường vận tải Kra không bao giờ dành lại được tầm quan trọng trước đây của nó.  Thời đại của Phù Nam đã đi đến chỗ kết liễu, và từ đó trở đi, các hải cảng hùng mạnh lôi cuốn các nhà mậu dịch quốc tế đến trong vùng sẽ được tọa lạc trong khu vực hải hành của Mã Lai tại Đông Nam Á, trên các hòn đảo Sumatra và Java.
Sau hết, thế kỷ thứ sáu đã chứng kiến một biến chuyển kinh tế quan trọng.  Cho đến thời điểm đó, không có kẻ nào tại vùng Địa Trung Hải hiểu được bí quyết sản xuất ra tơ sống; tất cả lụa mua bán, cũng như tất cả các cuộn chỉ tơ để làm ra lụa, đều được nhập cảng.  Chính vì thế, trong thế kỷ thứ sáu, khi các sự giao chiến giữa Byzantium và triều đại Sassanid làm gián đoạn các con đường mậu dịch, một cuộc khủng hoảng lụa đã phát sinh.  Trong số nhiều sự việc khác, các tấm khăn choàng bằng lụa dùng cho các sự chôn cất của người theo đạo Thiên Chúa bị thiếu hụt, Byzantium không còn có thể giữ yên các dân tộc tại biên cương của nó với các món quà ngoại giao bằng lụa, và một số lượng lớn các thợ dệt  (các người thường nhập cảng cuộn chỉ sợi hay dệt lại các vải vóc nhập cảng) bị mất việc.

Theo Procopius [sử gia Byzantium, năm 562 làm thị trưởng Thành phố Constantinople, mất khoảng năm 565(?), chú của người dịch], vấn đề đã được giải quyết bằng một trong các hành động đánh chú ý hơn của sự do thám kinh tế.  Trong năm 551, các tu sĩ giáo phái Cơ Đốc Nestorian Christian có nói với Hoàng Đế Justinian rằng lụa làm từ các tổ kén tơ được nhả ra bởi các con tằm ăn lá dâu, và vào năm 553, theo lời yêu cầu của Hoàng Đế Justinian, các tu sĩ đã thành công trong việc đem lén các con tằm ra khỏi nước Trung Hoa bằng cách dấu chúng trong một gậy tre, sau đó đã chuyển giao chúng sang Byzantium (Simkin, 1968: 87).  Mặc dù các chuyên viên về mậu dịch lụa quốc tế ngày nay xem câu chuyện của Procopius là ngụy tạo, họ có đồng ý rằng ngành tằm tang (trồng dâu nuôi tằm), công việc thực sự sản xuất ra tơ dệt lụa, đã được thiết lập tại các vùng đất của Byzantium phía đông Địa Trung Hải sau thời trị vì của Justinian (Liu, 1995b: 25).  Lụa của Trung Hoa vẫn còn là một vật phẩm quan trọng trong mậu dịch đường trường, nhưng các thế kỷ trong đó nhu cầu về sản phẩm này là động lực thúc đẩy đàng sau các con đường buôn bán mới, trên đất liền cũng như trên biển, đã đi đến chỗ kết thúc./-

___





THAM KHẢO:

Brierley, Joanna Hall, 1994, Spices: The Story of Indonesia’s Spice Trade, Kuala Lumpur: Oxford University Press.

Christrie, ẠH., 1979, “Lin-I, Fu-Nan, Java”, do Smith và Watson biên tập, 1979: 281-87.

Coedès, Georges, 1971, The Indianized States of Sputheast Asia, chủ biên bởi Walter E. Vella, Phiên dịch bởi Susan Brown Cowing, Honolulu: University Press of Hawaii.

Fa Xian, 1956, The Travels of Fa-hsien.  Xem Giles, 1956.

Giles, F.H., 1956, The Travels of Fa-hsien (399-414 A.D.) or Record of the Buddhistic Kingdoms, Cambridge: Cambridge University Press, 1923.  In lại: London: Routledge & Kegan Paul.

Hall, Daniel G.E., 1968, A History of Southeast Asia, ấn bản lần thứ 3, London: Macmillan, and New York: St. Martin’s Press.

Hall, Kenneth, 1979, “The Expansion of Roman Trade in the Indian Ocean: An Indian Perspective”, The Elmira Review: 36-42.

Hall, Kenneth, 1982, “The ‘Indianization‘ of Funan: An Economic History of Southeast Asia’s First State”, Journal of Southeast Asian Studies 13 (1): 81-106.

Hall, Kenneth, 1985a, Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, Honolulu: University of Hawaii Press.

Jacques, Claude, 1979, “ ‘Fu Nan ‘, ‘Chen La ‘: the Reality Concealed by These Chinese Views of Indochina”, do Smith và Watson biên tập, 1979: 371-79.


Kobishanov, Y.M., 1981, Aksom: Political System, Economics and Culture, First to Fourth Century”, do Moktar chủ biên, 1981: 381-99.

Kulke, Hermann, 1991, “Epigraphical References to the ‘City’ and the ‘State’ in Early Indonesia”, Indonesia 52: 3-22.

Liu Xinru, 1995b, The Silk Roads: Overland Trade and Cultural Interactions in Eurasia.  Sắp được xuất bản bởi Temple University Press, trong loạt Khảo Luận về Lịch Sử Toàn cầu và Đối Chiếu của Hôi Sử Học Hoa Kỳ.


Mcneill, William H., 1963, The Rise of the West: A History of the Human Community, Chicago: University of Chicago Press.

McNeill, William H., 1976, Plagues and Peoples, Garden City, N.J.: Anchor Press/Doubleday.

Mango, Cyril Ạ, 1980, Byzantium: The Empire of New Rome, New York: Charles Scribner’s Sons.

Peacock, B. A. V., 1979, “The Late Prehistory of the Malay Peninsula”, do Smith và Watson biên tập, 1979: 199-214.

Powers, Janet, 1993, “Indian Sea Voyages to the Islands of Gold.”  Bài viết được trình bày tại Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ Nhì của Hội Sử Học Thế giới, Honolulu, tháng Sáu.

Ridley, Henry N., 1912, Spices, London: Macmillan and Co.

Runciman, Steven, 1975, Byzantine Style and Civilization, Harmondsworth, Eng.: Penguin Books.

Shahid, Irfan, 1984a, Byzantium and the Arabs in the Fourth Century, Washington, D.C.: Dumbarton Oaks.

Simkin, C.G.F., 1968, The Traditional Trade of Asia, London: Oxford University Press.                      

Taylor, Keith, 1992, “The Early Kingdoms”, do Tarling biên tập, 1992: 137-82. 

Wisseman–Christie, 1991, “States without Cities: Demographic Trends in Early Java” Indonesia 52: 23-40.

Wolters, O.W., 1967, Early Indonesian Commerce: A Study of the Origins of Srivijaya, Ithaca: Cornell University Press.

Wolters, O.W., 1982, History, Culture, and Religion in Southeast Asian Perspectives, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

Yu Ying-shih, 1967, Trade and Expansion in Han China: A Study of the Structure of Sino-Barbarian Economic Relations, Berkeley: University of California.
___

Nguồn: Lynda Norene Shaffer, Maritime Southeast Asia to 1500, Armonk, New York & London, England: M. E. Sharpe, 1996, Chapter 2: In The Time of Funan, các trang 18-36

 Ngô Bắc dịch và chú giải
http://www.gio-o.com/NgoBacLyndaNShaffer.htm




 

1 nhận xét:

  1. Tài liệu hữu ích. Cảm ơn tác giả, dịch giả và cô Dung.

    Trả lờiXóa