Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Kattigara Kinh đô Huyền thoại Việt

TS. Hà Hữu Nga

Trong thời gian Alexander Đại đế (365-323 TCN) mở một loạt chiến dịch lớn tiến về phương Đông, đánh bại Đế quốc Ba Tư vào năm 334 TCN, chinh phục Ai Cập năm 332-331 TCN, và thiết lập nền cai trị tại Ấn Độ vào năm 326 TCN thì vùng đất sau này được gọi là China (Đất Tần - Trung Quốc) chưa có nước Chin (Tần), còn người Hy Lạp thì thực sự bắt đầu quan tâm đến các Vùng đất Chưa biết (Terra Incognita) ở Phương Đông theo đường biển. Các bộ óc lớn nhất của thế giới Hy Lạp – La Mã cổ đại như Erathostenes (276-194 TCN), Hipparchus (190-120 TCN), Strabo (63 TCN - 24 SCN), Marinus (70 - 130 SCN), và đặc biệt là Ptolemy đã kế tiếp nhau xây dựng bản đồ thế giới, xác định vị trí của các đất nước, các đô thị quan trọng nhất trên trái đất, trong đó có Kattigara, một địa danh được cho là thuộc cực đông của thế giới theo quan niệm Hy Lạp cổ đại. Trong khoảng 2000 năm nay biết bao nhiêu công sức, trí tuệ, khát vọng và cả sinh mạng người đã được đánh đổi để mong tìm ra vị trí chính xác của cái đô thị đầy duyên nợ ấy, nhưng dường như Kattigara vẫn còn là một ẩn số lớn đối với người đời.

Ptolemy (90 - 168 SCN) là một học giả cổ đại nổi tiếng, mang họ Hy Lạp sống ở thành phố Alexandria. Tên đầy đủ của ông viết theo tiếng Hy Lạp là Κλαύδιος Πτολεμαος, còn theo tiếng Latin là Claudius Ptolemaeus, và chính cái tên này dường như lại cho thấy ông là một công dân La Mã, ông nổi tiếng với tư cách là nhà thiên văn học, toán học, và đặc biệt là nhà địa lý học; Học thuyết Địa tâm gắn liền với tên tuổi ông đã thống trị thế giới suốt cả ngàn năm. Tập Địa lý học của ông gồm 8 cuốn, có ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu cổ bản đồ và địa lý học nói chung. Cuốn thứ nhất phác thảo về các nguyên lý làm nền tảng để ông xây dựng tọa độ, xác định vị trí chính xác cho các vùng đất trên thế giới, còn các cuốn sách khác, về cơ bản là tập chỉ dẫn cho việc thể hiện thành bản đồ dựa trên các tính toán của ông. Tuy nhiên di sản của Ptolemy còn lại cho đến bây giờ lại là các bản đồ phục dựng vào thế kỷ XIV – XVI, dựa trên các dữ liệu trong tập Địa lý của ông. Giá trị của những bản đồ này đã được thẩm định một cách nghiêm nhặt và đã cho thấy một mức độ chính xác nhất định về các con số thể hiện các tọa độ và một số địa danh được mô tả, trong đó có đô thị cổ Kattigara trong công trình của Ptolemy. Trong số 8.000 địa danh được ông ghi chú và mô tả thì Kattigara là cái tên gắn liền với nhiều nhân vật lừng lẫy từ thời cổ đại, kể cả bản thân Ptolemy; các nhà thám hiểm vĩ đại thời trung đại: Cristoforo Colombo (1451 - 1506), Amerigo Vespucci (1454 - 1512), Fernand de Magellan (1480-1521); và các học giả danh tiếng thời hiện đại như Ferdinand von Richthofen (1833-1905), George Coedes (1886-1969), Édouard Chavannes (1865-1918), Louis Malleret (1901 - 1970) v.v...cùng với rất nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi khác của Đông Nam Á, và của Việt Nam.

I. Kattigara và Thuyết địa tâm Hy Lạp cổ đại

Thành phố Alexandria, nơi Ptolemy sinh sống vốn là một trung tâm tri thức cổ đại lớn nhất và nổi tiếng với thư viện Alexandria, do vua Ai Cập Ptolemy I Soter I (Πτολεμαος Σωτήρ, 367 – 283 TCN), là một dũng tướng thân tín nhất và là một trong 7 vệ sỹ của Alexandros Đại đế cho xây dựng. Ông cai trị Ai Cập từ năm 323 đến 283 TCN, và khoảng năm 305 TCN ông đã lấy tước hiệu Thần vương Pharaoh đặt cho mình, trong khi đó tước hiệu này chỉ sử dụng cho các vua Ai Cập cổ đại cho đến thiên niên kỷ II TCN mà thôi.  Khoảng năm 290 TCN, Pharaoh Ptolemy I cho xây "Museion", trong đó có một đại học, một viện hàn lâm và thư viện Alexandria với khoảng 400.000 cuộn sách vào lúc khởi đầu. Thư viện chỉ thực sự hoạt động dưới thời vua kế tiếp là Ptolemy II Philadelphus (285 - 246 TCN) với 500.000 cuộn sách. (Tarn, W.W. 1928). Đời vua Ptolemy III Euergetes đã cho người đi khắp nơi mua sách hoặc mượn sách có đặt cọc rất lớn, có cuốn tới 15 talent vàng, sau đó không nhận lại tiền cọc mà đổi lấy sách cho thư viện. (Erksine A. 1995: 38 - 48). Theo sử gia Plutarch, người viết tiểu sử Caesar thì năm 48 TCN thư viện bị cháy trong cuộc tấn công của Julius Caesar vào Alexandria dưới thời trị vì của Ptolemy XIII. Sau này Marcus Antonius (83 – 30 TCN) lại lấy 200.000 cuộn sách tặng Cleopatra làm quà cưới, khiến cho thư viện ngày càng nghèo đi. Strabo (Στράβων, 64 TCN – 24 SCN), nhà địa lý, lịch sử, triết học Hy Lạp cổ đại, tiền bối của Marinus và Ptolemy, đã từng làm việc tại thư viện Alexandria năm 23 TCN cũng ghi nhận điều đó, còn nhà triết học La Mã nổi tiếng Licius Annaeus Seneca (4 TCN – 65 SCN) có nói đến 40.000 cuộn sách của thư viện Alexandria đã bị đốt cháy. (Griffin, Miriam T. 1976). Có thể thư viện Alexandria vẫn được duy trì cho đến khi phần lớn sách bị mất lúc hoàng đế La Mã Aurelius (270–275) chiếm Alexandria từ nữ hoàng Zenobia xứ Palmyra. (El-Abbadi, Mostafa 1992).

Sống trong bối cảnh tri thức của thành Alexandria như vậy, chắc chắn các tiền bối của Ptolemy, và chính bản thân ông đã có rất nhiều điều kiện để thu thập nhiều nguồn tư liệu địa lý trong thế giới cổ đại, cho dù đến thời ông thư viện Alexandria đã trải qua nhiều phen binh lửa. Điều đó chứng tỏ một thực tế là ông đã đưa vào công trình của mình hơn 8000 địa danh mà nhiều địa danh đối với ông, chắc chắn cũng mơ hồ như đối với chính những người tìm kiếm khác vậy. Một nghiên cứu so sánh của Strabo cho thấy phạm vi hiểu biết về phần thế giới chưa được biết đến còn mênh mông đến mức nào. Khối tri thức to lớn và cách mô tả rất cụ thể trong bộ Địa lý của Strabo đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hiểu biết phần thế giới Địa Trung Hải, Tây Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Ba Tư và một phần Ấn Độ cho những người đi sau, trong đó có Ptolemy (Strabo 1917-1932). Các đoạn chú thích của Marinus chứa đựng nhiều dữ kiện đã được xây dựng dựa trên các ghi chép của các cuộc hành trình dài, các cuốn nhật ký hành trình chính thức, các tư liệu hành chính và cả các quan sát thiên văn của các nhà hàng hải và các thương nhân từ rất nhiều thế hệ khác nhau. Nhờ đức siêng năng và say mê đặc biệt với sự nghiệp địa lý học mà Ptolemy đã được thế giới cổ đại Hy La ngưỡng mộ. Nhà địa lý học Marcianus Heracleensis (thế kỷ IV) đã gọi ông là “nhà địa lý học cổ điển cuối cùng”.

Cái tên Ptolemy gắn liền với học thuyết địa tâm ở giai đoạn đỉnh cao của nó. Với tư cách là một đặc thù tư duy Hy Lạp cổ đại, thuyết này cho rằng Trái đất là trung tâm của vũ trụ và Mặt trời cùng các thiên thể khác quay xung quanh nó. Hệ này được coi là hình mẫu tiêu chuẩn thời Hy Lạp cổ đại, kể từ Aristotle (384 BC – 322 BC) – thầy dạy của Alexandros Đại đế - cho đến Ptolemy cũng như đa số các triết gia Hy Lạp khác đều đồng thuận coi Mặt trời, Mặt Trăng, các vì sao là vệ tinh của Trái Đất. Mô hình địa tâm bắt đầu xuất hiện trong triết học và thiên văn Hy Lạp từ rất sớm. Có thể tìm thấy những dấu vết mô hình này trong triết học trước cả Socrates (469-399 TCN). Ngay từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên Anaximander (610 – 546 TCN) đã đưa ra một vũ trụ học với Trái đất như một mặt cắt của một hình trụ là trung tâm của vạn vật. Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh lồng trong những bánh xe vô hình quanh Trái Đất; thông qua những hố đó, con người có thể thấy được ngọn lửa thần bí. Còn các môn đồ Pytagoras (khoảng 580-490 TCN) thì cho rằng Trái đất là một hình cầu, nhưng không phải ở trung tâm; họ tin rằng nó chuyển động quanh một ngọn lửa vĩnh cửu. Sau này các quan điểm đó được phối hợp với nhau, vì thế đa số những học giả Hy Lạp từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên đều nghĩ rằng Trái Đất là một hình cầu tại trung tâm vũ trụ. (Dreyer J.L.E. 1953; Heath, Thomas 1913). Trong thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, hai nhà triết học Hy Lạp có nhiều ảnh hưởng đã viết các tác phẩm dựa trên mô hình địa tâm. Đó là Platon (427-347 TCN) và học trò của mình, Aristotle. Theo Platon, Trái Đất hình cầu, và nằm ở trung tâm vũ trụ. Các ngôi sao và các hành tinh được gắn trên các mặt cầu quay quanh Trái đất, với thứ thự (từ trong ra ngoài): mặt trăng, mặt trời, sao Kim, sao Thủy, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, các ngôi sao cố định. Plato miêu tả vũ trụ một cách thần bí, còn Eudoxus Cnidus (408-355 TCN) đồng thời với Platon thì cho rằng toàn bộ các hiện tượng thiên thể có thể được giải thích bằng một chuyển động tròn duy nhất. Aristotle đã thêm chi tiết vào hệ thống của Eudoxus. Trong hệ thống đã được phát triển đầy đủ của Aristotle, Trái đất hình cầu nằm ở trung tâm vũ trụ. (Dreyer J.L.E. 1953; Evans, James 1998).

Dù những giáo lý căn bản của thuyết địa tâm Hy Lạp được hình thành từ thời Aristotle, các chi tiết về hệ của ông không phải là một tiêu chuẩn. Tăm tiếng này được dành cho Hệ Ptolemy, được nhà thiên văn học Ptolemy đưa ra vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Cuốn sách thiên văn học quan trọng của ông Almagest là thành quả cao nhất của công trình kéo dài hàng thế kỷ của các nhà thiên văn Hy Lạp; nó đã được chấp nhận trong suốt hơn một nghìn năm sau, được những người Châu Âu và các nhà thiên văn học Hồi giáo coi là mô hình vũ trụ chính xác. Vì ảnh hưởng của nó, hệ Ptolemy thỉnh thoảng được coi tương tự với mô hình địa tâm. Đó chính là một trong những cơ sở lý thuyết để Ptolemy sử dụng các công cụ toán học và vật lý áp dụng vào các khung tính toán địa lý của các tiền bối, kết hợp với việc phê phán các bậc tiền bối để xây dựng hệ thống kinh tuyến, vĩ tuyến và tính toán các tọa độ trên trái đất (Evans, James 1998.; Heath, Thomas 1913).

Một trong những tiền bối lỗi lạc nhất của Ptolemy là Eratosthenes làm việc tại thành phố Alexandria. Ngay từ rất sớm ông đã sử dụng các phương pháp khoa học để tìm cách đo đạc trái đất. Khai thác tri thức và các ghi chép của rất nhiều người thuộc nhiều thời lưu tại thư viện, ông biết giữa trưa ngày 21 tháng 6, mặt trời lên đến thiên đỉnh tại Syene (Aswan), trong khi đó tại Alexandria bao giờ mặt trời cũng có bóng dài, nhờ đó ông tính được Syene thuộc về phía nam Alexandria. Dựa vào kết quả quan sát từ hai địa điểm cách xa nhau ấy ông đã tính được chu vi của trái đất là 250.000 stadium, tổng cộng là khoảng 28.700 dặm, thừa khoảng 15 phần trăm so với chu vi thực mà ngày nay khoa học tính được một cách chính xác. Và phương pháp đo đạc vĩ mô của ông đã trở thành một đóng góp lớn cho nhân loại. Tiếp theo Eratosthenes, Ptolemy còn có một tiền bối vĩ đại khác, đó là Hipparchus, xứ Nicea, người đã chia trái đất thành 3600 và mỗi độ cách nhau 70 dặm, tương đương với khoảng cách giữa hai kinh tuyến để tính toán. Các thuật ngữ kinh tuyến, vĩ tuyến là do ông xây dựng và sử dụng (Broorstin, Daniel J. 1983).  

Trong các công trình của các học giả trước Ptolemy, trái đất được biết với các dữ liệu sau: chiều Đông Tây là 1800, còn chiều Bắc Nam là 900. Trong công trình Almagest ông muốn chia trái đất thành 4 phần bằng đường xích đạo và quỹ đạo kinh tuyến qua hai cực trái đất. Phần thế giới đã biết của Ptolemy thuộc vùng phía bắc, phương Bắc Nam được tính từ cực bắc đến đường xích đạo, còn phương Đông Tây được tính bằng đường quỹ đạo kinh tuyến, có khoảng cách là 1800, không nhiều hơn sự khác biệt của 12 giờ, mà mỗi giờ được tính là 150 giữa hai điểm của phần thế giới đã biết, tính theo số lần bị che lấp của mặt trăng tại bất cứ một điểm nào ở phần trái đất đã biết. Đối với ông, vùng con người sống được là các khu vực thuộc bắc xích đạo. Điểm cực bắc có vĩ độ 630 Bắc (vùng Thule), còn điểm cực Nam thuộc vĩ độ 16.5/120 Nam (vùng Aigisymba - Cặp tê giác và Mũi Prason). Vậy là từ các đảo Fortunate của “các hữu tử phước huệ” đến Sinae (mà nhiều học giả sau này giả định là Trung Quốc) theo hướng Đông - Tây là 1800. Đó chính là các điểm giới hạn của bản đồ thế giới của ông. Trong ranh giới đó, ông cố gắng xác định một cách ổn định các dữ liệu địa lý mà ông thu thập được của các bậc tiền bối với các dữ liệu thiên văn của ông để xây dựng bản đồ. [Riley T. M. 1995, 232].

Ông tính toán sự khác biệt giữa các cuộc hành trình của các nhà hàng hải, các thương nhân đã được ghi chép và khoảng cách thật, tức là khoảng cách theo vĩ độ Bắc qua Thule (Vùng Bắc Âu) và vĩ độ Nam qua Aigisymba (Trung Phi) và Mũi Prason (Ven biển châu Phi) bằng các phương pháp tính thông thường. Còn cực Đông thì ông sử dụng Kattigara làm vĩ độ 1800., có nghĩa là Kattigara cũng thuộc vùng đất Sinae. Marinus đã khai thác số liệu được ghi chép nhiều lần của các thương nhân, các nhà hàng hải, nên đã tính được khoảng cách về phía Nam tính từ đường xích đạo là 24.680 stade (đơn vị tính chiều dài, số nhiều của từ stadium, mỗi stadium = 184m), trong đó 500 stade = 10 vĩ, vậy thì quãng đường 24.680 stade người lữ hành phải qua 490 vĩ Nam. Marinus cũng đã tính quãng đường từ Ptolemai ở Trogloditya đến Mũi Prason, thuộc đất Ethiopia, là 27.800 stade, 560 vĩ Nam. Theo Ptolemy thì các khoảng cách đó cho thấy Ethiopia ở vùng lạnh thuộc Nam Bán cầu, trong khoảng 500 - 550 vĩ Nam, vì vậy Tê giác không thể sống được ở đó. Không những thế, người Garamantes lại chính là người Ethiopia thì “các dữ liệu của Marinus sẽ trở thành trò cười cho vị vua ở đó”, vì làm sao mà một vị vua lại có thể sống xa thần dân của mình đến thế được. Hơn nữa lại còn phải tính đến sự tương thích về khí hậu, chủng tộc, động vật giữa các vùng tương ứng thuộc Bắc và Nam bán cầu. Trong khi đó những người Ethiopia da đen lại sống gần những người ở phía Nam Ai Cập, người Ethiopia sống giáp đường Xích đạo về phía nam, còn người Ai Cập lại sống giáp đường Xích Đạo về phía bắc, vì vậy theo Ptolemy, khoảng cách thực phải giảm đi một nửa so với con số của Marinus, còn 23.1/20 mà thôi. Ngoài ra Marinus cũng có các báo cáo về các cuộc hải trình giữa Aromata (Sừng Châu Phi) và Rhapta (thuộc bờ đông Châu Phi). Diogenes xứ Kunikos (Διογένης Κυνικός 404-323 TCN) đã phải mất 25 ngày đi thuyền về phía nam để đến các nguồn sông Nile ở Mũi Rhapta. Vậy thì số liệu của Marinus rất vô lý, nên Ptolemy đều giảm đi một nửa. [Riley T. M. 1995, 233].

Trên cơ sở đó, Ptolemy đã coi việc giảm các số liệu của Marinus xuống còn một nửa là một nguyên tắc. Vì vậy đối với trường hợp Đông Tây, đương nhiên ông cũng áp dụng nguyên tắc này cho các khu vực thuộc phần thế giới đã biết. Marinus có các báo cáo về cuộc hành trình từ Hierapolis tại Euphrates (Syria) đến Tháp đá thuộc “ranh giới phía tây của Sinae” là 26.280 stade, và hải trình từ Tháp đá đến “Sera thủ đô của Sinae” là 36.200 stade, về thời gian mất 7 tháng với tổng chiều dài đoạn đường là 62.480 stade hoặc là 156,1/50. Thêm vào con số ấy 720, tính từ các đảo Fortunate của “các hữu tử phước huệ” đến Hierapolis và tổng đoạn đường Tây - Đông của thế giới đã biết là 228,1/50. Với vĩ tuyến Tây – Đông, Ptolemy tính mỗi độ bằng 400 stade, và áp dụng nguyên tắc giảm một nửa như đối với trường hợp châu Phi, Ptolemy cũng giảm con số tính toán của Marinus là 36.200 stade xuống còn 18.100 stade, và nếu tính theo độ thì còn 45,1/20, tình cờ là nó lại gần với con số thực. Con số 26.280 stade từ Hierapolis đến Tháp đá thuộc Vùng đất Chưa biết (Terra Incognita) được điều chỉnh xuống còn 24.000 stade, hoặc 600, và tổng số độ từ Hierapolis đến Sera là 105,1/40. Vậy là đoạn đường từ các đảo Fortunate của “các hữu tử phước huệ” đến Hierapolis là 720, và từ Hierapolis đến Sera là 105,1/40, tổng cộng là 177, 1/40, gần khớp với tổng chiều dài vĩ tuyến Tây – Đông 1800. [Riley T. M. 1995, 233]. 

 

Trong chương I.14 của công trình Địa lý, khoảng cách đường biển theo các báo cáo từ Ấn Độ đến Kattigara trên cùng vĩ tuyến với Sera cũng áp dụng nguyên tắc giảm thiểu như trên, để tính phương Đông Tây, vì vậy mà cũng còn gần 1800. Tất nhiên Ptolemy còn có các nguồn tư liệu khác nhau vì vậy ông chỉnh sửa các số liệu cũ bằng các số liệu mới hơn, và cũng đề cập đến tính cần thiết của việc phải cập nhật các nguồn dữ liệu mới đó. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể dễ dàng thực hiện đối với vùng thế giới đã biết, chủ yếu thuộc phạm vi Ả Rập, xa nhất là đến Ấn Độ, nơi mà cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế chấm dứt ở đó. Còn ngoài phạm vi đó thì các nguồn số liệu, dữ liệu mới là rất hiếm hoi. Trong thực tế thì đối với công trình Địa lý, Ptolemy đã sử dụng khuôn khổ và số liệu mà các tiền bối đã thực hiện. Đối với trường hợp này thì bản đồ truyền thống bao gồm cung ¼ bán cầu bắc, và ông đã điều chỉnh các báo cáo và các số liệu cũ bằng nguyên tắc giảm ½ đối với phần thế giới đã biết như vừa đề cập ở trên. [Riley T. M. 1995, 234].

Trên cơ sở học thuyết của mình, một địa điểm tại cực đông của địa cầu như Kattigara chính là một nhu cầu thúc bách trí tưởng tượng Hy Lạp cổ đại trong rất nhiều đời nhằm kiểm nghiệm lý thuyết địa tâm và mục đích cuối cùng là chinh phục địa cầu của tinh thần Hy Lạp. Nhưng có lẽ chỉ đến thế kỷ thứ tư TCN, sau khi Alexander Đại đế, học trò của Aristotle, chiến thắng Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ thì các hiểu biết về phương Đông, đặc biệt là những thông tin và tên gọi kiểu như Kattigara mới được các thương gia Nam Ấn cung cấp cho Alexander Đại đế và các tướng lĩnh dưới quyền ông một cách rõ ràng và chắc chắn nhất. Giai đoạn này tương đương với thời Hùng Vương 18 gồm có “Hùng Duệ Vương, Hùng Kính Vương và Tản Viên” trong truyền thuyết Việt, sau đó nhà nước Hùng Vương bị Thục Phán thôn tính vào năm 257 TCN theo Đại Việt sử ký Toàn thư hoặc vào năm 179 TCN theo các nguồn khác.

II. Kattigara – Marinus và Ptolemy

Tuy địa danh Kattigara không phải do Ptolemy phát hiện, nhưng cái tên đó lại gắn liền với Ptolemy và tất cả những nghi vấn mà ông đã để lại cho đời sau trong chính các ghi chú của công trình Địa lý học của mình. Một trong những ghi chú được tất cả những người tìm kiếm Kattigara phân tích, đó là việc ông than phiền Marinus không ghi rõ khoảng cách hải trình từ Bán đảo Vàng, ngày nay được thừa nhận là Bán đảo Malay đến Kattigara. Trong công trình của mình, Marinus chỉ ghi một cách mơ hồ là Alexandros đã viết rằng vùng đất đó ở bên kia vùng đất quay về phía nam, và phải bơi dọc theo đó đến Zabai mất 20 ngày, sau đó từ Zabai bơi tiếp một hồi về phương nam rồi rẽ trái đi tới Kattigara trong “vài ngày”. Theo Ptolemy thì “Marinus đã phóng đại khoảng cách đó bằng cách nói “vài ngày” có nghĩa là nhiều ngày, lại còn nói là vì vô số ngày nên không thể hiện bằng con số cụ thể được. Điều đó thật nực cười: làm gì có chuyện không tính được cụ thể số ngày, cho dù có đi vòng quanh cả trái đất đi nữa?” Hoặc có điều gì đó đã cản trở Alexandros không nói “nhiều ngày”, mà chỉ nói “vài ngày”, hệt như Marinus nói: “Dioskoros cho biết hải trình từ Rhapta đến Mũi Prason mất “nhiều ngày” (Ptolemy, 2000: 76).  

Như vậy với ghi chú trên chúng ta biết chắc chắn rằng cái tên Kattigara không phải là do Ptolemy tìm kiếm được thông tin trực tiếp và đưa vào công trình Địa lý học của ông, mà do ông sử dụng lại từ công trình của Marinus. Trong thực tế thì nếu không có Địa lý học của Ptolemy, người ta sẽ không biết gì nhiều về Marinus. Có thể nói nhờ có Ptolemy thì người đời sau mới biết được vị thế và đóng góp to lớn của Marinus cho Địa lý học thế giới. Nhưng chính bản thân Marinus cũng để lại cho Ptolemy những vấn đề mà ông không giải quyết được, chẳng hạn ông không biết Marinus nói về hải trình đến Kattigara của Alexandros nào, ở thời nào. Liệu người này có trực tiếp đến Kattigara hay ông ta phái người đi đến đó. Khi tính khoảng cách từ Hy Lạp đến Kattigara ông cho rằng Marinus đã phóng đại kinh độ bằng cách xác định khoảng cách giữa các đảo Fortunes ở phía Tây đến các vùng cực đông thuộc Sera của Sinae và đến Kattigara không hơn 12 giờ. Bằng cách xác định vị trí của Sera, Marinus đã sử dụng tuyến hải hành của các thương nhân hoặc nhà hải hành nào đó đã đến đó và Ptolemy đã phê phán việc xác định đó. “Vì ông nói với chúng ta rằng các khoảng cách mà một kẻ tên Maes nào đó có họ Titianus, một người Macedonian, và cũng là một thương nhân giống như cha ông ấy; đâu phải tự ông ta thực hiện cuộc hải hành mà là cử người tới buôn bán với người Seres”. Nhưng rất may là sau này người ta đã tìm được tung tích của nguồn thông tin thứ hai mà Marinus đã sử dụng cho việc tính toán đoạn đường đến Kattigara. Nhân vật Maes Titanius ấy chính là một nhà lữ hành đã từng đi theo con đường tơ lụa trên bộ từ Địa Trung Hải tới phương Đông vào cuối thế kỷ I TCN hoặc đầu thế kỷ I SCN; nhờ có lời phàn nàn của Ptolemy mà thân phận của Maes Titanius đã được làm sáng tỏ. (Cary M. 1956: 130-134).  

Trong Ghi chú II của tác phẩm Địa lý, Ptolemy cho rằng: Phần có người ở của trái đất chúng ta còn có Vùng đất Chưa biết (Terra Incognita) ở phương Đông  bao bọc, có các dân tộc ở cực đông của Đại Á cư trú, là người Sinae và các dân tộc Serice; tương tự như vậy là Vùng đất Chưa biết ở phía Nam khép kín biển Ấn Độ và ôm lấy Ethiopia đến nam Libya, được gọi là đất Agisymba; vòng về phía tây là Vùng đất Chưa biết bao quanh vịnh Ethiopic của Libya, và sau đó bao quanh Đại Tây dương nằm ở cực tây của Libya và châu Âu; và đại dương này bao gồm phần phía bắc với các đảo Britanic và phần cực bắc châu Âu có các tên gọi Duecalydonian Sarmatic; tiếp đến một Vùng đất Chưa biết trải dọc các phần cực bắc của Đại Á, đó là Sarmatia, Scythia, Serice…”. Và vùng đất này cũng bọc kín biển Hyrcanian còn được gọi là Caspian. Tương tự như vậy các vịnh Ả Rập, vịnh Ba Tư, vịnh Hằng Hà và Vịnh Lớn ở phương Đông cũng được đất liền bọc kín. Vì vậy chúng ta thấy có ba đại lục châu Á tiếp nối với Libya bởi eo đất Ả Rập tách biển (Địa Trung Hải) của chúng ta khỏi vịnh Ả Rập, và bởi Vùng đất Chưa biết khép kín biển Ấn Độ…”. Cực đông của Vùng đất Chưa biết giới hạn bởi kinh tuyến chạy qua thủ đô của Sinae, ở một khoảng cách là 1190 tính từ Alexandria, tương đương với 8 giờ tính đến đường xích đạo…(Tập sách vii, chương 5)… (Institute on the Far East Works 1915).

Trong cuốn sách thứ nhất của mình Ptolemy nói về Marinus như là một tác giả Hy Lạp lớn nhất về phương diện địa lý học. Có rất nhiều bản in bổ sung các biểu địa lý của ông, nhưng các phán đoán của ông cần phải được chỉnh sửa và ông đã đưa ra rất nhiều con số tính toán về các khoảng cách, chiều dài, chiều rộng của thế giới có con người sinh sống. Về vĩ độ, Ptolemy đã minh họa bằng cách phê phán vị trí do Marinus xác định dựa vào những chuyến hải hành nào đó đến vùng cực nam Ethiopia được gọi là Agisymba. Việc tính toán khoảng cách đại quát từ các tuyến đường đó có lẽ đã đặt vùng này vào khoảng cách 24.680 stades kể từ đường xích đạo về phía nam, hoặc như Ptolemy nói là thuộc về vùng Nam cực băng giá. Tổng cộng, Marinus đã cắt giảm con số đó xuống còn 12.000 stades để đưa nó lại gần với vùng nhiệt đới phía nam, và Ptolemy bằng cách suy đoán là thích hợp với một số loại động vật nhất định nên đã giảm khoảng cách đó xuống còn 8000 stades. Ông cho rằng Marinus đã phóng đại kinh độ khi xác định khoảng cách giữa các đảo Fortunes ở phía Tây đến các vùng cực đông thuộc Sera của Sinae và đến Kattigara không hơn 12 giờ. (Institute on the Far East Works 1915).

Một trong những vấn đề làm đau đầu những người tìm kiếm Kattigara là việc Ptolemy đã cố gắng xác định vị trí kinh tuyến chạy theo đường biển từ Mũi Kory ở Nam Ấn Độ đến Kattigara, được giả định là một cảng thị của Sinae, và nó thuộc vào vị trí 1770 đông. Những băn khoăn chủ yếu gắn liền với kinh độ này liên quan đến đoạn mô tả đô thị đó “ở mãi trong hẽm núi, cuối vùng đồng bằng” (chương 13-14 tập Địa lý của Ptolemy). Nhưng đoạn đó lại nói về tuyến đường trên đất liền đi qua Tháp đá, và bên kia là trạm nghỉ cho các thương nhân đi đến vùng đất của người Seres (bk.vi, chương 13). Richthofen cho rằng trạm này thuộc vùng Pamir (Richthofen, von Ferdinand 1877-1912.). Tuy nhiên theo Stein thì ngày nay khó lòng mà xác định được vị trí của “Tháp đá” nữa, nhưng nơi nghỉ mà Maes Tititanus nói là phía đông “Tháp đá” và nằm trên con đường đi Sera thì chắc chắn vẫn còn đó. Theo Richthofen thì vị trí này phải gần với vùng phân thủy giao nhau với tuyến đường trên, vì Ptolemy đã xác định vị trí đó trên tuyến Imaus, chắc chắn là phù hợp với vùng Pamir ở phương đông. (Stein M.A. 1907: 54-5). Tháp đá của Ptolemy chắc chắn không thể bị lẫn lộn với Tash Kurghan. Nhưng theo Ptolemy, có lẽ hợp lý nhất là xem xét kỹ chi tiết mà Alexandros đã mô tả vùng đất bên kia Vùng đất vàng Chersonese nằm hướng về phía nam, và sau khi đi thuyền trong vòng 20 ngày thì đến thành phố Zabai, sau đó bơi vài ngày nữa theo hướng nam, rồi rẽ trái sẽ đến Kattigara. Điều đó có nghĩa là Ptolemy vẫn nghi ngờ tính xác thực của nguồn thông tin do Maes Tititanus cung cấp trên tuyến đường bộ mà sau này được Richthofen gọi là “Con đường tơ lụa”.

Trong chương 17 của tập Địa lý, Ptolemy nói về những người đã thực hiện các chuyến hải hành đến Ấn Độ và đã từng sống lâu ở đó: Từ những người này chúng ta có những thông tin chính xác hơn về Ấn Độ cũng như về những đất nước xa hơn ở Vùng đất vàng, cho đến tận Kattigara. “Tất cả mọi người đều nhất trí rằng để đến được các vùng ấy, thì phải đi về phương Đông, còn để quay lại thì phải đi về phía Tây, và như thế thì không thể ấn định trước một khoảng thời gian chắc chắn trong bối cảnh đó”. “Họ cũng đồng ý rằng đất nước của người Seres có thủ phủ nằm về phía bắc vùng đất của người Sinae, còn đi tiếp về phía đông thì là Vùng đất Chưa biết, với rất nhiều đầm lầy mọc đầy loại lau sậy lớn, dày đặc đến mức người thổ dân khi đi qua đó cũng phải có cách riêng, vì ở đó không có đường đi.” (Institute on the Far East Works 1915).

Theo nhà Đông phương học kỳ cựu H. G. Rawlinson thì: Các công trình của Ptolemy về địa lý của giai đoạn này chủ yếu dựa vào các thông tin do Marinus xứ Tyre thu thập, đã thể hiện một sự hiểu biết sâu sắc hơn về vùng ven biển châu Á so với các bậc tiền bối của họ. Trong khi đó tác giả của sách Periplus biết không nhiều, hoặc thậm chí không biết gì về vùng biển bên kia sông Hằng. Ptolemy đã phải đương đầu với một vấn đề lớn có lẽ vì ông đã phải phụ thuộc vào nguồn thông tin của “các nhà hàng hải mù chữ với các thông tin mù mờ và lẫn lộn”. Ông đã nhầm Java với Sumatra; ông không nói gì về eo Malacca và ông nghĩ rằng bờ biển Trung Quốc đáng lẽ là ở hướng bắc thì lại quanh về phía nam để tiếp giáp với vùng ven biển Châu Phi. Thông tin mà ông thu lượm từ “các thủy thủ ít học, không đánh vần được đúng tên gọi các cảng biển mà họ cập bến”. Trong đầu họ chỉ có con đường từ cảng này đến cảng khác và thường là lẫn lộn; còn về khoảng cách thì như bản thân ông thú nhận là ông phải dựa vào phép tính trung bình của con tàu đi trong một ngày để tính toán, cùng với phép tính trung bình là các suy luận để giải quyết những bất thường của các vùng biển ông không có thông tin chắc chắn hoặc những nhân tố nhiễu loạn khác. Kết quả ấy đưa đến những sai lạc ghê gớm dù chỉ là về vùng ven biển Ấn Độ. Ptolemy dường như hoàn toàn không biết gì về sự thật là tiểu lục địa này xuôi theo hướng nam. Từ mũi Kory đến vùng cửa sông Hằng có hàng loạt đô thị, trong đó có một đô thị không được nêu tên, nằm giữa Maesolia và Palura. Maesolia hay Masalia trong sách Periplus có lẽ là quận Masulipatam và Palura nơi bắt đầu của Vịnh Hằng Hà nằm thiên về phía bắc một chút. Chính từ vị trí này mà các con tàu bắt đầu cuộc hải hành về phương Đông. Qua khỏi vịnh Bengal, họ đến Sada thuộc vùng Đất Bạc, và từ Sada đến Temala hoặc Tamala gần mũi Negrais, nằm ở đầu vịnh Thái Lan (Vịnh Lớn). Sau đó đi tiếp đến đến một cảng gọi là Zaba. Yule cho đó là Champa và tìm kiếm nó ở bờ phía tây Campuchia và có lẽ gần sông Kampot hoặc sông Kang Kao. Hải trình đó mất 20 ngày; và từ Zabai đến Kattigara có cùng một khoảng cách tương tự như vậy. Tuy nhiên về chặng đường này Ptolemy thừa nhận là ông cũng rất nghi ngờ vì những thông tin mà Marinus có được từ một người nào đó có tên là Alexanderos. (Rawlinson H. G. 1916: 131, 132).

Tiếp tục con đường ven biển từ Palura, Ptolemy mô tả cửa sông Hằng. Ông là một tác giả phương Tây đầu tiên đề cập đến vùng đồng bằng sông Hằng. Ngay cả tác giả sách Periplus cũng không nói gì về điều này, còn Strabo và toàn bộ các tác giả trước đó đều im lặng, nếu không kể đến “các tài liệu tham khảo đáng ngờ” của Vergil về “7 ngọn nguồn êm đềm” của dòng sông đó. Ptolemy gán cho sông Hằng có năm cửa. Từ sông Hằng ông mô tả Ấn Độ xuyên Hằng Hà, trước hết là vùng đất Airrhadii; tiếp đó là Ấn Độ từ sông Hằng đến Tokosanna hoặc sông Arakan; sau đó ông dẫn ta đến Đất Bạc, Arakan và Pegu; rồi đến Besynga hoặc Bassein; và cuối cùng đến vùng Đất Vàng, Bán đảo Malay. Cái tên đó được dịch từ tiếng Phạn Suvarnabhumi để chỉ vùng tam giác châu Irrawady, mà các biên niên sử Mianma gọi tên tương tự vùng ranh giới của họ là Sonaparanta. Tiếp đến là Mũi Lớn Campuchia, và Vịnh Lớn Thái Lan. Ở phía Tây của vịnh này có cảng Zabai đã được các đoàn hải hành nói đến khi bơi tới Kattigara. Cư dân ở đó được mô tả là “lễ phép, đầu tóc bờm xờm, mũi tẹt và hay ngồi xổm” – một đoạn mô tả khái quát khá rành mạch. (Rawlinson H. G. 1916: 133-4).

Nhưng dù có to tiếng phê phán các sai lầm của Ptolemy thời cổ đại thì rồi cuối cùng Rawlinson thời hiện đại cũng vướng không ít mơ hồ khi kết luận rằng: “Kattigara có lẽ là Kian-chi (có thể Rawlinson viết sai từ Kau Chi) ở Bắc Kỳ, Việt Nam hiện nay, vì các biên niên sử Trung Quôc nói về sứ bộ La Mã đến Trung Quốc đã ghé vào đó mua bán rất nhiều. Còn thủ đô của Trung Quốc có lẽ là Nam Kinh; dân Sinae ở Đông Nam Trung Quốc mà Ptolemy nói đến chính là những thương nhân buôn bán với Đông Ấn Độ. Người Seres hoặc Người Dâu tằm cư trú ở phía tây hoặc phía bắc của Sinae, và tiếp xúc với phương Tây qua con đường Pamirs”,  (Rawlinson H. G. 1916: 136).


III. Kattigara – Danh phận Đoạn trường
Đối với Ptolemy câu hỏi Kattigara là gì không mấy quan trọng, điều quan trọng nhất đối với ông là cần phải xác định nó ở đâu, có nghĩa là ở kinh độ và vĩ độ nào trong cái mô hình bản đồ thế giới tuyệt vời của ông. Câu hỏi đó đã được ông trả lời bằng các tính toán và suy lý để rồi chấm được nó ở một vùng đất mà đại đa số các nhà nghiên cứu đều nhất trí là ở Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, vấn đề về địa danh Kattigara mà Marinus và Ptolemy đưa ra từ thời cổ đại vẫn tồn tại nguyên vẹn và liên tục cho đến thời trung đại. Nhà thám hiểm vĩ đại, người đã tìm ra châu Mỹ là Amerigo Vespucci đã thực hiện chuyến đi năm 1499 đã viết: Ông hy vọng đến được vương quốc “Melaccha ở Ấn Độ”, thực tế thì đó là Malacca hoặc Melaka thuộc bán đảo Malay, bằng chuyến hải hành từ Tây Ban Nha, bơi về phía tây, qua Đại Tây Dương, vòng qua “Mũi Kattigara” đến Vịnh Lớn Sinus Magnus (Vespucci A. 1500 – 1944 - 1999).

Thomas Suarez cho rằng vị trí chiến lược của Kattigara đã được các nhà thám hiểm tiên phong Châu Âu xác định ở Đông Nam Á, chẳng hạn như Amerigo  Vespucci, Christopher Columbus Ferdinand Magellan. (Suarez, Thomas 1999: 92). Nhưng Vespucci đã thất bại trong việc tìm kiếm Mũi Kattigara trong chuyến thám hiểm năm 1499, khi ông bơi dọc theo bờ biển Venezuela Nam Mỹ, nhưng lại chưa bơi đến được tận cùng để giải quyết câu hỏi: có phải Sinus Magnus của Ptolemy vượt sang đến dải đất bên này không. Tương tự như vậy, Christopher Columbus cũng thất bại trong việc trả lời câu hỏi này khi ông bơi dọc theo chính bờ biển đó. Trong chuyến thám hiểm lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng của mình vào năm 1502 - 1503, Columbus đã xây dựng kế hoạch đi dọc bờ biển Champa về phía nam vòng qua “Mũi Kattigara” và bơi qua eo biển ngăn cách nó với Tân Thế giới để tới Sinus Magnus phía Malacca. Đây chính là tuyến đường mà ông cho rằng Marco Polo đã trở về từ Trung Quốc qua Ấn Độ vào năm 1292. (Nunn, George E. 1992; Wallis, Helen 1992). Columbus cho rằng ông sẽ gặp đoàn thám hiểm của Vasco da Gama từ Bồ Đào Nha đi Malacca theo con đường Châu Phi, vòng qua Mũi Hảo vọng và đem theo ủy nhiệm thư của Quốc vương Ferdinand và Hoàng hậu Isabella của Tây Ban Nha giới thiệu với da Gama. (Millares A. Carlo (ed.) 1951; Serrano C. Seco (ed.) 1954-1955). Khi đến Cariay, ngày nay là Puerto Limon thuộc bờ biển Costa Rica, Columbus nghĩ rằng ông đã đến được các mỏ vàng Champa mà Marco Polo đã nói tới. Chính vì vậy từ Jamaica ông đã viết thư về cho Quốc vương và Hoàng hậu như sau: “Thần đã tới Cariay…Ở đây thần đã biết được về các mỏ vàng của người Champa mà thần tìm kiếm”. (Varela, Consuelo (ed) 1992). Một đoạn chú dẫn những tấm bản đồ do Bartolome Colon, tức là Bartholome Columbus, anh trai  Christopher Colon và Alessandro Zorzi xây dựng năm 1504 cho thấy Christopher Columbus đã ước tính khoảng cách giữa Bồ Đào Nha và cái gọi là “Mũi Kattigara” trội lên quá nhiều, tới 2250 đông, thay vì tính toán của Ptolemy là 1800, nên đã làm cho ông tin rằng khoảng cách về phía tây chỉ là 1350. Chính vì vậy các vùng đất Châu Mỹ mà ông phát hiện lại được ông gọi là Đông Ấn. Nội dung của chú giải này là như sau: “Theo Marinus xứ Tyre Columbus, từ Mũi St. Vincent đến Kattigara 2250, tức là 15 giờ; theo Ptolemy đến tận Kattigara là 1800, tức là 12 giờ”.

Như George E. Nunn đã lưu ý, theo tính toán thì tấm bản đồ của Colon/Zorzi đã sử dụng kinh độ của Ptolemy từ Mũi St. Vincent về phía đông đến Kattigara, nhưng việc tính toán kinh độ của Marinus và Columbus lại được sử dụng cho khoảng không gian từ Mũi St. Vincent đến Kattigara theo hướng tây. Tấm bản đồ thế giới của Waldseemueller năm 1507 đã sử dụng cả hai tính toán kinh độ trên để thể hiện bờ biển phía đông Châu Á lên hai lần: một lần theo kinh độ của Ptolemy để thể hiện địa cầu như Martin Behaim đã làm vào năm 1492; và lại theo kinh độ của Columbus để thể hiện các phát hiện của ông và các nhà hàng hải Tây Ban Nha băng qua Đại Tây Dương. Các vùng bờ biển phía tây do người Tây Ban Nha phát hiện được Waldseemueller mô tả là “Incognita” - Vùng đất Chưa biết với một vùng biển phỏng đoán ở bên kia, làm cho vùng đất này rõ ràng là một lục địa tách riêng. Vị thế của Nam Mỹ với tư cách là một hòn đảo tách biệt hoặc là một phần của Châu Á, nhất là bán đảo Thượng Ấn (Đông Dương), nơi có địa điểm Kattigara vẫn chưa được xác định chắc chắn là ở đâu. Chính vì vậy mà Nunn đã viết: “Đó là một cách rất hợp lý để trình bày một vấn đề không giải quyết được” (Nunn, George E. 1927: 476-480), hoặc vấn đề Kattigara đã được giải quyết bằng cách đặt nó ở Nam Mỹ. (Nunn, George E. 1932: 12,13 – 49-51). Tương tự như vậy, trên bản đồ địa cầu Jagiellonian Globe, những khác biệt về thước đo khoảng cách kinh tuyến chạy về hướng đông và hướng tây đã tạo ra một Châu Mỹ lưỡng vị gồm cả hai nửa bán cầu đông và tây. Nếu Costa Rica/Panama là một phần của Ấn Độ, như Christopher Columbus khẳng định thì vùng đất choãi về hướng nam đến eo biển kia chính là Mũi Kattigara đã được tìm thấy, và đô thị Kattigara phải nằm trên bờ phía tây của nó, như đã được thể hiện trên bản đồ của Colon/Zorzi vào năm 1504. Và niềm tin của Columbus đã được thể hiện rõ trên tấm bản đồ thế giới của Giovanni Contarini xuất bản tại Venise năm 1506, trên đó có một hình xuáy trôn ốc gắn liền với Champa, được ghi là: “Cristophorus Columbus …bơi về phía tây, đã đến vùng đất có tên gọi Champa…có một kho vàng lớn”. Trên tấm bản đồ này ghi rõ bờ biển phía đông của Vịnh Lớn Sinus Magnus ở vị trí 8.1/20 Nam, và vùng đất Sancta Crucis thuộc Brazil ngày nay, do Pedro Alvares Cabral phát hiện vào tháng Tư năm 1500, được thể hiện thành một lục địa phương nam riêng biệt. (National Library of Australia 2010).

Hơn 23 năm sau, trên bản đồ thế giới năm 1523 nhà địa cầu học Schoener đã thể hiện Kattigara hoặc bán đảo Thượng Ấn - Đông Dương, bao gồm cả Mexico và Nam Mỹ, còn cái tên Biển Đông của Ptolemy thì trở thành Thái Bình Dương. (Wieder F.C. (ed.) 1925). Schoener cũng đưa phát hiện vùng đất Tierra del Fuego của Ferdinand Magellan năm 1520 vào tấm bản đồ với tên gọi là vùng đất Hạ Australis-Brasilia. (Schilder G. 1976: 10). Cũng trong năm 1523 Maximillianus Transynvanus công bố các phát hiện của Magellan ở De Moluccisinsulis với lời chua rằng: Mặc dù các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã đi tới tận vị trí 120 Nam, nhưng họ vẫn không tìm ra được Kattigara. Cuộc đi vòng quanh thế giới đầu tiên do Antonio Pigafetta, De Moluccis Insulis, Maximilianus Transylvanus thực hiện, với lời giới thiệu của Carlos Quirino, (Manila, Filipiniana Book Guild, 1969). Antonio Pigafetta ghi là khi đi qua Thái Bình Dương, Magellan chắc chắn đã biết tọa độ Kattigara do Ptolemy xác định, nhưng “đã tìm kiếm Mũi Kattigara” ở vùng xung quanh vị trí 120 Bắc của đường xích đạo. (Peillard L. 1984 : 128). Chuyến thám hiểm thất bại của Magellan trong cuộc tìm kiếm bán đảo Kattigara, tức là Thượng Ấn tại khu vực lân cận Moluccas, đã khiến cho Schoener đi đến kết luận rằng Châu Mỹ chính là bán đảo đó, còn bản thân Magellan thì bị thổ dân Philippines giết chết. Trong Opusculum Gegraphicum, Schoener viết phụ thêm vào tấm bàn đồ đó như sau: Sau Ptolemy, nhiều vùng đất vượt qua vị trí 1800 về phía đông đã được Marco Polo và những người khác phát hiện, giờ đây Collombus và Amerigo Vespucci đã cập đến các bờ biển đó sau khi bơi từ Tây Ban Nha đến Đại Tây Dương, và đã đến thăm các khu vực đó khi nghĩ rằng phần thế giới đó là một hòn đảo gọi là America, phần thứ tư của địa cầu. Nhưng từ các chuyến thám hiểm gần đây nhất của Magellan trong năm 1519…họ đã nhận thấy rằng vùng đất đó trong thực tế là đại lục Thượng Ấn, một phần của Châu Á. (Schoener, J. 1961).

Trong bản đồ của ông năm 1533, Châu Mỹ vẫn được khẳng định là một vùng mở rộng của Đông Dương với ghi chú: Châu Mỹ, một phần của Thượng Ấn và của lục địa Châu Á. Kattigara vẫn là nơi mà Ptolemy đã xác định, tại tọa độ 8 1/20, tính từ đường xích đạo, ở bờ đông của Oceanus Orientalis, Biển Đông, mà giờ đây được xác định là bờ tây Châu Mỹ, thuộc Nam Mỹ. Cũng giống như năm 1515, trên tấm bản đồ này Brazil lại được tái khẳng định là lục địa Nam Cực, một phần của Terra Australis, mới được phát hiện nhưng chưa được biết một cách đầy đủ. Môn địa cầu học của nhà toán học và bản đồ học người Pháp, Oronce Fine được khởi nguồn từ Schoener. (Harrisse, Henry 1961). Trên tấm bản đồ thế giới của Fine năm 1531, công bố năm 1532 trong Novus Orbis Regionum ac Insularum, Brasielie Rego được thể hiện nằm ở phía đông Châu Phi và ở phía nam Java. Kattigara vẫn giữ nguyên vị trí như trên bản đồ của Fine tại bờ tây của Nam Mỹ như trên bản đồ của Schoener các năm 1523 và 1533, giống với các tấm bản đồ thế giới các năm 1540. Hệt như Schoener và Fine cho rằng Canada, Mexico và Peru tạo thành một lục địa nối liền với Châu Á, vì vậy mà Jean Alfonse, cũng là một nhà bản đồ học lại cho rằng vùng đất Kattigara cũng chính là Cathay và gồm toàn bộ các vùng Cực viễn Hằng Hà trải về phía đông, có cả Canada và thuộc châu Á. Tây Ban Nha mới (Mexico) và Peru cũng gắn liền với nó, vì vậy đối với Alfonse, Kattigara ôm chọn các vùng đất này. (Alphonse, Jean 1904 : 398, 401-2). Phù hợp với địa cầu học của Schoener, Fine, và Alphonse, nhóm Harleian đã đặt Kattigara ở bờ tây của Nam Mỹ và tách Mexico thành hai phần, một phần ở Bắc Mỹ và một phần ở Đông Á, là hàng xóm của Cathay và Mangi. (Coote C.H. 1898).  

Các bản đồ thế giới được sản xuất từ những năm 1530 đến những năm 1560 tại Dieppe khi nước Pháp do các nhà thương mại và hàng hải Norman dẫn đầu mong muốn sớm có quan hệ thương mại với các vùng thế giới mới. Vì vậy các nhà bản đồ học phải nhanh chóng nhập cuộc. Họ dựa vào công trình của người đồng hương Oronce Fine, vốn chịu ảnh hưởng lớn của Schoener và Martin Waldseemueller. Đến lượt mình, hai người này cố gắng cập nhật hóa nguồn thông tin địa lý mới do các nhà thám hiểm Christopher Columbus, Amerigo Vespucci, Pedro Alvares Cabral, Ferdinand Magellan và những người đương thời của họ vào khung địa cầu học kế thừa từ Claudius Ptolemy Marco Polo, như đã được thể hiện thành khái niệm trong công trình của Martin Behaim năm 1492. Schoener Fine bán sát vào tuyên bố của Columbus là ông đã đến Champa năm 1502 bằng cách bơi từ Tây Ban Nha về phía tây. Nam Mỹ được Waldseemueller xác định là Châu Mỹ năm 1507, và cũng được Schoener và Fine cho là Brazil, hoặc là một phần của Nam Cực, Terra Australis, cũng còn có nghĩa là một miền đất kéo dài thành Thượng Ấn – Bán đảo Kattigara – Đông Dương theo Behaim. Các bản đồ thế giới của Dieppe thể hiện giai đoạn tột cùng của địa cầu luận này với những lẫn lộn nghiêm trọng giữa Nam Cực với Brazil, Nam Mỹ lẫn với bán đảo Kattigara - Đông Dương. Điều đó khiến cho việc tìm kiếm Kattigara trong các thế kỷ XVI, XVII càng trở nên mờ mịt, và lắng dần xuống vào thế kỷ XVIII.

Giai đoạn 10 năm cuối thế kỷ XIX và 40 năm đầu thế kỷ XX, cùng với các hoạt động quân sự và khai thác thuộc địa tại Đông Á, người Anh, người Pháp, người Đức, người Hà Lan cùng một số cá nhân và tổ chức học thuật phương Tây khác cũng đã xúc tiến nhiều nghiên cứu lịch sử - văn hóa vùng đất này. Trong bối cảnh đó, vấn đề Kattigara và việc tìm kiếm địa danh Kattigara lại bắt đầu trở nên sôi động, nhưng quan điểm học thuật chi phối việc tìm kiếm của các nhà nghiên cứu phương Tây chủ yếu vẫn gắn liền với hai nền văn hóa lớn kẹp lấy Đông Dương, đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Trước hết, khi đề cập đến vấn đề Kattigara họ liền gắn nó với cái gọi là con đường tơ lụa và những người sản xuất ra tơ lụa. Xuất phát điểm ấy đương nhiên đã xác định đường hướng tìm kiếm Kattigara gắn liền với đất nước Trung Quốc và/hoặc các vấn đề liên quan đến lịch sử - văn hóa Trung Quốc, trong trường hợp địa điểm đó có thể nằm ở Bắc Bộ Việt Nam. Nếu như địa điểm đó ở Nam Việt Nam thì đương nhiên người ta phải tìm các xuất phát điểm gắn liền với lịch sử văn hóa của cái gọi là các quốc gia Ấn Độ hóa, mà cụ thể là Phù Nam và Champa. Hai loại định kiến thực dân về phương diện lịch sử văn hóa một cách tự nhiên và vô thức ấy đã giành hết cơ hội cho một khả năng thứ ba, đó là tìm kiếm một Kattigara thuần túy bản địa, hay nói cách khác là thuần túy Việt, dù rằng khả năng này là hoàn toàn có thể.

Về phương án Kattigara nằm ở khu vực Bắc Bộ Việt Nam hoặc Nam Trung Quốc thì có thể coi tổng kết của McCrindle là một đại diện. Theo ông “trên tấm bản đồ thế giới năm 1489 của Henricus Martellus dựa trên công trình Địa lý của Ptolemy thì điểm tận cùng của Châu Á ở Đông Nam Á chính là Mũi Kattigara. Ptolemy hiểu Kattigara là cảng cực đông của các chuyến hải hành từ thế giới Hy La đến các vùng đất Viễn Đông, đó được coi là Mũi Kattigara, được gọi theo tên gọi của đô thị Kattigara mà Ptolemy cho là nằm bên Vịnh Lớn Sinus Magnus, “thực ra là Vịnh Thái Lan tại tọa độ 8.1/2 độ bắc của đường Xích đạo, choãi dài về phía Trung Quốc ở bên kia Vịnh” (McCrindle J.W. 1885 - 1974). Đối với người phương Tây thời gian đó, nói tới Đông Dương thì điều đó dường như đồng nghĩa với hai khả năng: Trung Hoa hoặc Ấn Độ. Với trường hợp đầu thì nhiều nhà Đông phương học người Châu Âu cho rằng Kattigara nằm ở Bắc Bộ, có thể là vùng cửa sông Cái (sông Hồng), hoặc xung quanh Hà Nội, thậm chí chính là Hà Nội. (Institute on the Far East Works 1915; Rawlinson, H. G. 1916). Một quan điểm khác, công nhận Kattigara nằm trên đất Việt Nam, nhưng không phải là ở vùng Đồng bằng Sông Hồng, mà là ở Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể là ở Sài Gòn (Herrmann, Albert 1938: 123-8) hoặc Óc Eo. (Malleret L. 1951, 1962; Chakravarti Adhir K. 1972).

Điển hình cho trường hợp đầu là các nhà nghiên cứu tập trung xung quanh một tổ chức được gọi là Hakluyt Society, được thành lập năm 1846 tại London, Vương quốc Anh. Mục đích của Hội là tìm cách thúc đẩy tri thức và giáo dục thông qua việc công bố các hồ sơ, ghi chép, tác phẩm về các chuyến thám hiểm, các cuộc lữ hành xuyên lục địa và các tài liệu địa lý khác. Hội lấy tên họ của Rechard Hakluyt (1552-1616), một nhà sưu tập và chủ bút của các xuất bản phẩm về các chuyến hải hành, các cuộc thám hiểm, các chuyến phiêu lưu và các tư liệu khác liên quan đến lợi ích của người Anh tại hải ngoại dưới hình thức các xuất bản phẩm học thuật. Bên cạnh đó Hội còn tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội thảo, hội nghị khoa học nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà nghiên cứu và công chúng. Vì mục đích phi lợi nhuận đó Hội đã công bố được nhiều bản dịch từ tiếng Hy Lạp, Latin, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Hà Lan, v.v…ra tiếng Anh. Bên cạnh đó, Hội Hakluyt cũng có những cộng tác viên đắc lực, đó là tổ chức Những người bạn Mỹ của Hội Hakluyt được thành lập năm 1996 tại Thư viện John Carter Brown Library tại Đại học Brown Hoa Kỳ. Đây cũng là một tổ chức phi lợi nhuận có mục đích tương tự như Hội Hakluyt London, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lịch sử Châu Mỹ. (Foster, William 1946; Bridges R. C. & P. E. H. Hair (eds) 1996).

Đại diện cho quan điểm Kattigara nằm ở Bắc Bộ là của Nam tước Fernand von Richthofen, cha đẻ của cụm từ “con đường tơ lụa”. Quan điểm này hầu như đã được tất cả các thành viên Hội Hakluyt nhất trí, và được cho là rất thuyết phục, vì mấy lý lẽ lỏng lẻo và không khỏi lầm lẫn sau: i) trong nhiều thế kỷ kể từ trước Công nguyên đến năm 263 Giao Chỉ thực sự là quận huyện của Trung Quốc; ii) Giao Chỉ là cảng duy nhất trong giai đoạn đó được đề cập đến trong biên niên sử Trung Quốc là có quan hệ ngoại thương, và đó cũng chính là Đông Kinh, Kẻ Chợ, hoặc Hà Nội sau này. Trong khi không có bất cứ báo cáo nào đề cập đến việc người nước ngoài đến Trung Quốc thì riêng Giao Chỉ lại có chuyến thăm của sứ bộ nổi tiếng của vua Đại Tần (La Mã) An Đôn, tức là Marcius Aurelius Antonius (161-180) đến Giao Chỉ vào năm 166; iii) tên gọi vùng đất Jinan (Nhật Nam) có thể chính là từ Sinae đã theo chân các đoàn lữ hành để đến được với các thư viện phương Tây. Richthofen cũng nhấn mạnh: Tác giả Biên niên sử Trung Quốc về chuyến viếng thăm của sứ bộ Đại Tần còn viết thêm: “Người của nước đó thường xuyên đến Phù Nam, Nhật Nam, và Giao Chỉ buôn bán”. Chúng ta đều biết Phù Nam là Champa hoặc Zabai. Riêng ở Nhật Nam, với bến cảng chính Giao Chỉ, chúng ta có thể đảm bảo rằng đó chính là “Kattigara, cảng thị Sinarum” (Yule H. 1882: 658-9).

Còn đại diện cho quan điểm Kattigara thuộc vùng Nam Bộ, sớm nhất phải kể đến ý kiến cho rằng Kattigara là cảng thị Banteaymeas, (nay là Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) không xa Óc Eo. (Caverhill, John 1767). Đến đầu thế kỷ XX, nhiều cuộc nghiên cứu Kattigara lại được tiếp tục khởi động, trong đó có quan điểm cho Kattigara là Sài Gòn xưa (Herrmann 1938); còn lại hầu hết thiên về di chỉ khảo cổ học Óc Eo (Malleret 1951, 1962; Chakravarti 1972). Đối với trường hợp Óc Eo, bên cạnh tài liệu khảo cổ học, các nhà nghiên cứu còn sử dụng tài liệu cổ ngôn ngữ để diễn giải lập luận của mình. Điển hình cho cách tiếp cận này là nghiên cứu của giáo sư người Ấn Độ Chakravarti. Ông cho rằng địa danh Kattigara có thể là các từ Sanskrit Kirti-nagara कीर्ति-नगर “Thành phố Lừng danh”, hoặc Kotti-nagara कोटि-नगर “Thành phố Cường thịnh” (Chakravarti Adhir K. 1998). Tuy nhiên chúng tôi cho rằng việc suy diễn bằng cách biến đổi hẳn các từ mà không chứng minh được quy luật hoặc tính phổ biến của sự biến đổi như vậy có vẻ là một trò chơi ngôn ngữ có họ hàng rất gần gũi với một con dao hai lưỡi*. Cuối cùng cũng cần phải nhắc đến nghiên cứu mới toanh của Ferra, bằng cách bác bỏ hoàn toàn Ptolemy và sử dụng phương pháp xác định tọa độ của Marinus để chứng minh Kattigara là cảng cửa sông Châu Giang, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Chỉ có điều duy nhất làm người đọc băn khoăn là tác giả này hoàn toàn tin tưởng vào phép tính toán xác định tọa độ Hy La cổ đại của Marinus với thông tin về khoảng cách và hàng loạt địa danh liên quan không được xác minh chắc chắn, nhưng lại lờ tịt một cứ liệu không dễ bác bỏ là cái tên Kattigara mà không hề nói lý do, (Ferra M.J. 2010), chẳng khác nào một hai tiền bối của ông trong Hội Hakluyt đã làm khi cho rằng Kattigara là Hợp Phố, cũng thuộc Quảng Đông, Trung Quốc. (Yule, H. 1882).

Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu được tại sao Ferra lại không đã động gì đến việc khai thác ngôn ngữ học lịch sử đối với địa danh Kattigara trong loạt bài viết của mình, bởi vì việc sử dụng cách tiếp cận ngôn ngữ đối với trường hợp Kattigara không phải dễ. Hơn nữa, nếu sử dụng phương pháp địa danh học thì khó mà tìm được Kattigara ở Quảng Châu, vì những từ này chẳng chút liên quan nào đến tiếng Hán cả. Trong thực tế, cho đến bây giờ không ai dám chắc Kattigara là loại ngôn ngữ nào, vì vậy cách xử lý tình huống có vẻ là một biện pháp dễ chấp nhận nhất đối với từng trường hợp cụ thể, trong đó việc lý giải bằng tiếng Sanskrit của giáo sư Chakravarti là một điển hình, cho dù nó có rất ít sức thuyết phục, bởi vì ông không đưa ra được bất cứ một sợi dây liên kết dù mong manh nào của mấy từ đó với bất kỳ mảnh ngôn ngữ nào còn sót lại ở Óc Eo liên quan đến các từ trên. Ấy là chưa kể việc người dân bản địa chắc gì đã sử dụng mấy từ ngoại lai ấy để gọi mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.

Có lẽ so với Chakravarti, Ferra và rất nhiều người khác nữa, cách tiếp cận của Bình Nguyên Lộc tỉnh táo và đúng đắn hơn nhiều, khi ông đi tìm Kattigara tại vùng Vịnh Hạ Long của Việt Nam bằng cách dựa vào sự phân tích chính cái địa danh ấy bằng tiếng Việt. Vốn là người khẳng định nguồn gốc Mã Lai của người Việt, theo công thức Việt = Mã Lai, ông cho rằng: “Bắc Việt chỉ mới mất những danh từ thuần Việt là Bông, Trái, Muỗng, Ghe vào đầu đời Thanh vì lưu vong nhà Minh tràn ngập vùng đó. Thế nên không ai biết Hòn Gay là cái gì. Có lẽ đó là cái đảo mà ngày xưa là Bến Ghe thương hồ, và nó ăn khớp phần nào với Kattigara của Ptolémée, chớ Kattigara không thể là Oc Eo như ông Melleret đã viết. Kathi có thể nào là Kẻ Thị chăng? Vâng, Kẻ ThịKẻ Chợ cũng thế thôi. Và Kathi GaraKẻ Thị Gay, tức thành phố ghe thuyền, tức thương cảng. Cũng nên biết rằng Ptolémée đến nơi đó** vào cuối thế kỷ thứ II SCN, thế nghĩa là ta bị Mã Viện chinh phục gần hai trăm năm rồi, và sự vay mượn danh từ Thị đã xảy ra rồi. Hoặc Katti hay Kathi Cái Xị của Quảng Đông không chừng, vì dân cổ Tây Âu đã tràn sang đó để buôn bán vì bị trị trước và vì thạo thương mãi hơn ta. Dầu sao, không vì thế mà Kattigara lại nằm trong tỉnh Quảng Đông như có nhiều ông Tây đã nói, vì Gara không ăn vào với địa danh nào cả trừ với GayHòn Gay mà thôi. Kattigara cũng không thể là Óc Eo như ông Melleret đã viết vì ông R.A. Stein đối chiếu sự miêu tả cảnh vật của Ptolémée thì thấy nó không ăn khớp với vùng Óc Eo tí nào cả”. (Bình Nguyên Lộc 1971 - 2007).

Tuy nhiên cũng tương tự với rất nhiều trường hợp khác, chúng ta có thể dễ dàng chỉ ra những mặt mạnh gắn liền với những bấp bênh trong lập luận của Bình Nguyên Lộc khi ông đọc Kattigara là Kẻ Thị Gay. Trước hết trong cụm từ này đọc KaKẻ thì có thể chấp nhận về phương diện nghĩa, mặt dù trong thực tế thì KaKẻ là hai từ Việt cổ về hình thức không khác nhau là mấy cho nên mới qua mặt cả những trí thức Việt uyên thâm như cụ Đào Duy Anh (1997: 31-34), nhưng lại có nội hàm rất khác nhau. Việc đọc TiThị và lý giải vì “ta bị Mã Viện chinh phục gần hai trăm năm rồi” nên “sự vay mượn danh từ Thị đã xảy ra rồi” nghe thì rất thông minh và có lý, nhưng cái lý thông minh đó có gì hơi bất ổn, vì trong thực tế dường như chưa thấy có trường hợp nào người Việt quên mình là người Việt để đến nỗi phải cấy ghép một từ của kẻ ngoại vào giữa hai từ đặc sản Việt để gọi tên một địa danh đặc Việt như Hòn Gay (Gai) cả. Không những thế, nếu ai đã từng đến Hòn Gay, đã sống với kẻ Chã Hòn Gay, đã yêu kẻ Chã Hòn Gay thì mới thấy người Việt tự trọng đến mức nào. Kẻ Chã thà mù chữ chứ không bao giờ quên mình là Việt để đến nỗi chưa đầy 200 năm đã biến mình thành kẻ ngoại. Và không phải chỉ chưa đầy 200 năm, mà trong thực tế đã hơn 2000 năm qua kẻ Chã Hòn Gay nhất định không chịu bán mình mà vẫn nguyên vẹn là kẻ Chã Hòn Gay của nước Việt từ mấy nghìn năm trước. “Kẻ Thị Gay”, đúng là gay ngay cả với một kẻ tinh đời, một bộ óc trác việt và yêu nước Việt đến độ như Bình Nguyên Lộc khi không đọc ra một từ Việt nào khác nên đã phải ngậm đắng để cho từ Thị chen vào giữa hai từ đặc Việt: Kẻ - Gay, cho dù một lần nữa ông buộc phải đem cái tài trí siêu quần của mình ra để biện bác: “Hoặc Katti hay Kathi Cái Xị của Quảng Đông không chừng, vì dân cổ Tây Âu đã tràn sang đó để buôn bán vì bị trị trước và vì thạo thương mãi hơn ta”. Thật đau cho Bình Nguyên Lộc, và cũng thật mừng vì gần nửa thế kỷ trước nước Việt lại có một Bình Nguyên Lộc uyên áo và thâm trầm đến mức nhận ra Việt = Mã Lai, cho dù đúng ra thì phải đảo lại là Mã Lai = Việt, vì đơn giản đối với tôi chí ít thì Việt cũng chắc chắn là tổ của một vài bộ phận Mã Lai-Đa đảo quan trọng, mà vùng đất tổ của họ chính vùng văn hóa biển Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long nơi có “Kẻ Thị Gay” của Bình Nguyên Lộc.  

IV. Kattigara - Những bối cảnh hy hữu

Lịch sử thật công bằng vì đã đem đến cho Lạc Việt nhỏ bé một cơ hội hiếm hoi để xây đắp nên một nền văn minh Đông Sơn rực rỡ đến nhường ấy, và đã tỏa dạng ảnh hưởng của mình đến nhường ấy. Cái cơ hội ngàn năm có một theo nghĩa đen của cụm từ ấy đã đến vào khoảng thế kỷ V – III TCN khi lục địa Ấn Độ với nền văn minh kỳ vĩ của nó ở phía Tây bị nền văn minh Hy Lạp do Μέγας Αλέξανδρος - Alexandros Macedonia thử thách bằng chiến tranh; khi nền văn minh Hoa Hạ lừng lẫy của nhà Chu ở phía Bắc chìm đắm trong cuộc chiến tương tàn giành giật mảnh đất Trung Nguyên màu mỡ được tạo bởi hai đại giang Hoàng Hà và Dương Tử. Trong thời khắc hy hữu ấy, Lạc Việt đã trở thành trung tâm văn minh của Đông Nam Á lục địa, bên cạnh hai nền văn minh láng giềng Ấn – Hằng và Hoàng Hà – Dương Tử. Và may mắn là trước cơn sóng trào nguy cơ Hán hóa mạnh như vũ bão xuống phương nam thì Lạc Việt có được ba vùng đệm văn hóa làm phên dậu: Điền Việt ở phía Tây Bắc, Dạ Lang thiên chính Bắc, và Nam Việt ở Đông Bắc. Nhờ đó Lạc Việt vừa tỏa dạng được ánh sáng văn hóa của mình, lại vừa có thời gian chuẩn bị để đối phó với nạn đồng hóa của ngoại xâm phương Bắc. Đây không chỉ là giai đoạn lịch sử quyết định để tự biết sức mạnh của mình, mà còn là giai đoạn mà thế giới cũng bắt đầu biết đến mặt trời Đông Sơn của nền văn minh Lạc Việt, mà Kattigara là trung tâm của nguồn sáng đó.

Thời kỳ văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ chính là một trong những kích thích tố cho sự lớn mạnh của Điền quốc (khoảng 278 – 115 TCN) mà chủ nhân có thể là những người thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến. Sự kiện đó càng làm tăng cường các tương tác văn hóa giữa Lạc Việt và Điền Việt: Lạc Việt là cánh cửa mở ra biển Đông cho Điền quốc, đến lượt mình Điền quốc lại trở thành cách cửa mở về các xã hội Tạng Miến phía Tây Bắc của Lạc Việt. Giao lưu mạnh mẽ nhất là giữa Đông Sơn và Điền được thúc đẩy nhờ sông Hồng, sông Đà, sông Chảy và theo các chi lưu của các con sông này, mà chủ đạo là sông Hồng. Dấu tích của sự giao lưu nổi nét vẫn là trống Đông Sơn được chôn theo như một dạng quan tài hay đồ đựng tại đây. Bên cạnh đó còn có những chiếc vỏ sò - một loại tiền tệ được gọi là “bối tiền” sản phẩm của biển Đông nước ta cũng được chôn trong mộ của khu Thạch Trại Sơn. Một số trống Đông Sơn còn tìm được trong mộ táng ở những khu vực khác của tỉnh Quảng Tây như trống Điền Đông, trống La Bạc Loan, trống Phổ Đà… đều có thể được đem đến từ miền bắc Việt Nam theo những con đường trên bộ hoặc đường sông suối. (Trịnh Sinh 1997: 55-65).

Chứng cớ xa nhất về phía bắc là chiếc trống đồng “đặc sản” của Đông Sơn đã có mặt ở Triết Giang, Trung Quốc. Ngôi mộ có trống minh khí là ngôi mộ số 10, được xác định vào thời Tây Hán, tức trùng vào thời Đông Sơn muộn. (Trịnh Sinh 1997). Nhiều khả năng Điền quốc trở thành nơi cung cấp nguyên liệu đồng và trao đổi nhiều công nghệ đồng với Lạc Việt, đặc biệt là những công nghệ được người vùng Lưỡng Hà và Ấn Độ sáng tạo từ rất sớm. Bên cạnh đó Lạc Việt còn nhận được các sản phẩm và công nghệ chăn nuôi, chẳng hạn bò, dê, ngựa. Trong khi đó Lạc Việt cung cấp cho Điền các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, các loại nông sản, và đặc biệt là các sản phẩm biển như đồi mồi, ngọc trai, cá, muối, tơ tằm, và nhất là nguồn ốc tiền cowries của vùng biển Hạ Long v.v...Riêng nguồn hàng hóa đặc biệt này cũng có thể làm cho Lạc Việt có một vị thế không gì sánh nổi đối với Điền quốc, vì đơn giản loại ốc đó là vật trao đổi ngang giá, là tiền đối với một quốc gia nằm ở ngã ba đường giữa một bên là Ấn Độ ở phương Tây, một bên Trung Quốc ở phương Đông và cao nguyên Thanh Tạng ở phương Bắc. Tại Thạch Trại Sơn, nơi chôn cất các nhân vật hoàng tộc Điền, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một chiếc bình đồng thiếc trang trí 2 con hổ và 7 con bò, chứa vỏ sò, ốc được sử dụng làm tiền tệ, do người Điền chế tạo trong thời kỳ Tây Hán (202 TCN – 9). Những bằng chứng đó cho thấy cửa ra biển qua Lạc Việt đối với Điền quốc là có tính chất sống còn.

Ở phía bắc của Lạc Việt, từ thời Chiến quốc, thế kỷ VII TCN đã xuất hiện một nhà nước tự trị có tên gọi là Dạ Lang được cho là tổ tiên của người Di/Lô Lô. Trung tâm của nước này là xã Khả Lạc, huyện Hách Chương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày nay. Sử ký của Tư Mã Thiên  mục Tây Nam Di chí gọi nước này là 牂牁 Tường Kha và đã mô tả cuộc tấn công của 庄跤 Trang Kiệu, một tướng nước Sở vào Dạ Lang vào cuối thế kỷ IV hoặc đầu thế kỷ III TCN. Cuối thế kỷ I TCN, Dạ Lang gây chiến tranh với các quốc gia láng giềng để mở rộng lãnh thổ và quyền lực. Theo Sử ký thì Dạ Lang đã từng phát triển rất hùng mạnh, có tới 100 nghìn quân tinh nhuệ, tàu bè của người Dạ Lang đi lại trên mặt sông, quang cảnh hết sức tấp nập. Năm 136 TCN Hán Vũ đế cử Đường Mông làm Lang trung tướng dẫn 1000 binh sĩ và mấy vạn dân đem theo lương thực và công cụ sản xuất xuất phát từ Ba quận vượt qua Phù Quan (Hợp Giang, Tứ Xuyên) đến Dạ Lang. Đường Mông tuyên truyền với Chúa Dạ Lang Đa Đồng về sức mạnh của Hán triều, ban tặng của cải để Đa Đồng cho Đường Mông đặt cơ quan quản lý ở đó và cử con trai Chúa Dạ Lang làm Lệnh ở đó. Năm 130 TCN Hán Vũ đế đặt Dạ Lang thành quận huyện và mở đường từ Ba Thục thông đến sông Tường Kha. Sau khi tiêu diệt Nam Việt, nhà Hán tấn công Thả Lan, tây nam huyện Hoàng Bình, Quý Châu ngày nay, giết chết mấy vạn người, đặt thành quận Tường Kha. Chúa Dạ Lang thấy Nam Việt của nhà Triệu bị tiêu diệt liền quy thuận nhà Hán và được Vũ đế phong làm Dạ Lang vương vào năm 111 TCN. (Wade, Geoff 2009).

Về phía đông bắc Lạc Việt, văn hóa Đông Sơn cũng đã phát huy ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là khu vực Lưỡng Quảng, vốn là vùng đất của tổ tiên người Tày – Thái cổ. Đây chính là vùng đệm quan trọng, giống như một dạng phên dậu phía đông bắc cho quốc gia Lạc Việt trong công cuộc ngăn cản sự đồng hóa của phương Bắc, bắt đầu từ thời Tần (221 – 206 TCN) và sau đó là nhà Tây Hán (202 TCN – 9 SCN). Nếu như Điền quốc do một người nước Sở đến tiếm quyền cát cứ khi các thế lực phương Bắc của người Hoa tranh chấp Trung Nguyên thì hệt như vậy, Quốc gia Nam Việt của Triệu Đà cũng ra đời trong bối cảnh nhà Tần và sau đó là nhà Tây Hán không đủ sức với tay trực tiếp thống trị vùng đất Bách Việt phía nam sông Dương Tử. Dù Triệu Đà có mưu lược đến mấy thì cũng phải tự mình hòa đồng với người Việt để cát cứ và buộc phải chống lại những người chủ cũ Tần Hán của mình ở Trung Nguyên. Để tranh thủ sự ủng hộ của người Việt, và có thể yên ổn cai trị Nam Việt quốc chủ yếu thuộc hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay, Triệu Đà đã thi hành những chính sách hòa hoãn và mềm dẻo với người Việt, đặc biệt là với người Lạc Việt. Trên thực tế, Đà không đủ sức đánh bại được người Lạc Việt ở vùng Bắc Bộ Việt Nam ngày nay, nên mới buộc phải cho con trai là Trọng Thủy gửi rể ở cung đình của An Dương Vương tại Cổ Loa, và đến lúc lừa chiếm được Âu Lạc thì cũng chỉ để lại hai quan sứ cai quản Giao Chỉ và Cửu Chân mà thôi. (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh 1991).  

Đây cũng chính là thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã có những ảnh hưởng sâu đậm đến các dân tộc trong vùng Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Malaysia, và Indonesia, mà đại diện là chiếc trống đồng Đông Sơn nổi tiếng. Một số trống đồng Đông Sơn tìm thấy ở sâu trong địa phận Lào như trống Đon Đét, trống Phôn Xa Vẳn, trống Huổi Hủa Xang I và II, trống Viêng Xay ở vùng mường Viêng Xay của tỉnh Sầm Nưa (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987). Tại Thái Lan đã phát hiện được 22 chiếc trống đồng Đông Sơn (Trịnh Sinh 1988: 93-102). Đó là những trống đồng tìm được trong hang Ongbah giống với trống đồng Quảng Xương, Hữu Chung (P. Sorensen 1979), trống đồng tìm thấy ở hang Thung Yang (R.B. Smith 1979). Trong địa phận Việt Nam về phía nam, dấu tích văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại Sa Huỳnh, di tích Gò Quê, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; một loạt trống đồng tìm thấy ở ven biển như ở Nha Trang, Vũng Tầu. Trống đồng còn thấy ở Cao Nguyên Đắc Lắc, ở vùng núi Bình Định, Bình Dương. Vượt ra ngoài Việt Nam về phía nam các nhà khảo cổ cũng tìm thấy trống Đông Sơn ở Ko Samui, tỉnh Surathani, miền nam Thái Lan, chỉ cách bờ biển có 300 m. Vùng bờ biển của Malaysia cũng phát hiện được trống Đông Sơn, điển hình là hai chiếc trống Kuala Torengganu I và II ở bờ phía đông của bán đảo nước này. Vùng Kampon Sungai Lang cũng tìm được 2 trống Đông Sơn cùng được chôn ngửa trong một vò gốm và trống được trang trí hoa văn hiện thực khá đẹp như chim bay, hình người hoá trang lông chim, tượng cóc. Đặc biệt ở vùng quần đảo Indonesia phát hiện khá nhiều trống đồng Đông Sơn trên các đảo, điển hình như trống Xiandua, đảo Java. Đảo này còn có nhóm trống Somarang, trống Dieng. Trên đảo Sumbava có nhóm trống Sanghi gồm 6 chiếc là trống Đông Sơn trang trí đẹp. Trên các đảo Roti, Salayar và nhiều đảo nhỏ khác cũng tìm thấy khá nhiều trống Đông Sơn. Quần đảo Kai, gần Irian Jaya, có lẽ là vùng tìm thấy trống đồng Đông Sơn xa nhất về phía đông mang dấu tích giao lưu văn hoá. Trống đồng Đông Sơn có mặt ở quần đảo này muộn hơn, có thể được nhập từ Bắc Việt Nam vào khoảng 200 năm trước Công Nguyên, (Trịnh Sinh 1997).

Hầu hết các nhà nghiên cứu Đông Nam Á đều cho rằng quá trình Ấn Độ hóa về phương diện văn hóa vùng này được định niên đại từ thế kỷ II SCN, nhưng thật ra thì tri thức của người Ấn Độ về vùng này lại cổ xưa hơn rất nhiều. Và đúng là tri thức Hy Lạp thời Ptolemy về khoảng cách giữa các vùng tại Đông Nam Á chỉ là sản phẩm phụ của thương mại. Sarkar cho rằng sự truyền bá của Đạo Phật một cách  rộng rãi trong thời Asoka (270-230 TCN) đã làm biến đổi hẳn tri thức về Đông Nam Á từ một vài vùng đất mới chỉ được biết một cách mơ hồ đối với vùng phía nam Mianmar vốn được gọi là Suvarnabhûmi-Vùng đất vàng, cho đến Suvarnadvîpa – Vùng Đảo vàng với tư cách là một cánh cửa mở vào Trung Quốc. (Sarkar H.B. 1981). Trong khi đó quá trình giao lưu văn hóa giữa Đông Nam Á và Ấn Độ thể hiện thông qua con người, các loại gia vị và các loại cây trồng đã được khảo cổ học phát hiện từ giai đoạn 1000 đến 400 năm TCN. (Laffan, Michael 2005). Ở Bắc Việt Nam, dấu ấn của Asoka đã được sách Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ ghi lại như sau: Con sông Trường Giang (sông Hồng) chảy về phía đông, cách sông có thành Nê Lê nghe nói do A Dục Vương xây; thành này ở phía đông nam huyện An Định, tháp và giảng đường xưa vẫn đó. (Lịch Đạo Nguyên (chú) 2005: 433). Còn phương tiện để liên lạc với thế giới bên ngoài thì đã có thuyền đồng, như sách Lâm Ấp ký làm chứng: từ Giao Chỉ đi về phía nam, có sông ngách Đô Quan Tái Phố chảy ra…phía bắc kèm theo sông Trường Giang (sông Hồng) trong sông có chiếc chiếc thuyền đồng do Việt Vương đúc, lúc nước triều xuống người ta có thấy chiếc thuyền ấy (Lịch Đạo Nguyên (chú) 2005: 433). Vì vậy việc thế giới Ấn Độ và Lạc Việt đã có quan hệ tối thiểu là từ thời अशोक Asoka trị vì (299 – 232 TCN) là điều hoàn toàn có thể, và chỉ cần thông qua người Ấn và người Ả Rập thì người Hy Lạp – La Mã cũng có thể thu thập được tư liệu về phương đông, về Lạc Việt cho thư viện Alexandria, và có thể dễ dàng biết đến một đô thị Kattigara huyền thoại của người Lạc Việt.

Marcianus Heracleota, một nhà địa lý Tiểu Hy Lạp, sống sau Ptolemy khoảng hai trăm năm (thế kỷ IV SCN), được coi là người có thẩm quyền tri thức để diễn giải Ptolemy cũng mô tả con đường từ bán đảo Vàng đến Kattigara như sau: bơi về phía nam, rẽ trái hướng đến đất Sinae về phía đông, đến một vịnh lớn có nhiều thú hoang, bơi theo vịnh lớn gọi là vịnh Sinea, nơi con sông Cotiaris chảy vào vịnh, ngược theo sông đó thì đến Kattigara. (Caverhill, John 1767). Dù người ta vẫn nhầm lẫn vịnh này là Vịnh Thái Lan, nhưng tên con sông thì lại gọi là sông Giao Chỉ (Cotiaris). Có một điều rất lạ là đến thời Marcianus đã có các thương đoàn và sứ bộ đi về giữa Alexandria và Trung Quốc, đã ghé qua Giao Chỉ, con đường tơ lụa trên biển đã hình thành, nhưng diễn giải của ông và rất nhiều người khác vẫn không cho biết chắc chắn Kattigara ở chỗ nào, và càng về sau thì người Châu Âu lại càng bối rối trong việc xác định địa danh này như chúng ta đã thấy.

Trong số khá nhiều nhà địa lý học tìm kiếm vị trí của Kattigara mà chúng ta có thể tiếp cận được cho đến hiện nay thì có lẽ mô tả của nhà địa lý kiêm bản đồ học lớn người Pháp Bourguignon d'Anville (1697-1782), là một diễn giải kỹ lưỡng hơn cả. Chọn cái tên Sinae trong Địa lý của Ptolemy làm xuất phát điểm ông cho rằng cái tên đó là để thể hiện Cochin-China, đối với những người Châu Âu thì cái tên ấy chính là Giao Chỉ, có nghĩa là Bắc Kỳ của Việt Nam. Theo ông những người Ả Rập đã gọi Giao Chỉ là Sines, nhờ đó mà Ptolemy biết được đó là dân Sines. Kinh đô của dân Sines được Marinus và Ptolemy gọi là Thyna và đó là từ Latin của Sinae. Kinh đô ấy nằm cách cửa biển của con sông Cotiaris - Giao Chỉ một khoảng xa và về phía trái của con sông này có một con sông khác có tên gọi là Senus, và con sông này chính là sông lớn Camboia, cách cửa biển 80 leages (344km, 1 league = 4.3km). Ở đó có hai nhánh sông khác, còn sông chính nằm về phía bên phải là sông Cotiaris, dẫn đến một đô thị mà nhà địa lý học Ả Rập kia nói là rất nổi tiếng về buôn bán, đó là Loukin, và đó chắc là Thinae của Ptolemy. Nhưng còn cái kinh thành của người Sines mà các nhà địa lý Ả Rập gọi là Sin, và các cuốn sử ký của Trung Quốc gọi là Tehen-tehen thì lại là nơi hẻo lánh hơn Loukin, có tên gọi là Sinhoa đã từng là một đô thị phồn thịnh nhất của Giao Chỉ khi cảng thị này chưa bị sa bồi vùi lấp. (d'Anville 1810: 128-133). Trong trường hợp trên có lẽ d'Anville đã có một số nhầm lẫn về địa danh với Cửu Chân, tên gọi xứ Thanh dưới thời Hán, nhiều khả năng ông đã sử dụng tư liệu hoặc hỏi chuyện các nhà buôn và/hoặc các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam rất nhiều vào thế kỷ XVII, XVIII, mà không đặt chân đến Bắc Bộ Việt Nam nên một hai tên sông có thể nhầm với Campuchia. Trong công trình của ông, một số địa danh nghe khá lạ, tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được, chẳng hạn Loukin thì người Châu Âu viết nhầm địa danh Long Biên, còn Tehen-tehen có tên gọi Sinhoa thì có vẻ là Thạch Thành, thành đá của nhà Hồ ở Thanh Hóa, chỉ có điều đó không phải là một cảng thị. Tuy nhiên khi nói về Kattigara và xác định nó thuộc Bắc Bộ Việt Nam thì d'Anville lại tỏ ra bám khá sát vào hướng dẫn của Ptolemy, đặc biệt là các ghi chú của ông nói rằng đô thị đó “ở mãi trong hẽm núi, cuối vùng đồng bằng” trên đường bơi tới đó “hai bên có những dãy núi lớn sừng sững” (chương 13-14 tập Địa lý của Ptolemy).

Vậy thì có thể lý giải như thế nào về các lầm lẫn suốt gần 2000 năm qua trong việc xác định chính xác địa danh và vị trí địa lý Kattigara? Một kịch bản có thể  hình dung là Alexandros đã thực sự bơi đến Kattigara vào thời điểm cuối cùng trước khi đô thị này đã bị quên lãng, còn những người khác, trong đó có sứ bộ của Antonius thì đến vùng đô thị mới của Giao Chỉ, chứ không phải là Kattigara. Chính vì vậy mà về sau người ta không còn biết tìm Kattigara ở đâu nữa. Nếu căn cứ vào mô tả trong ghi chú của Ptolemy và trong sự hình dung của d'Anville thì Kattigara chính là vùng Kinh đô Phong Châu huyền thoại của người Việt cổ mà vào giai đoạn trước sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nơi đó vẫn còn là Kinh đô Lạc Việt, dù đã có một thời Cổ Loa thay thế vị trí của nó theo một nghĩa nào đó, trong một thời điểm rất ngắn ngủi, nhưng đối với người Lạc Việt thời đó thì sự xuất hiện của Cổ Loa trong vòng vài chục năm vẫn chưa đủ để xóa đi ký ức của họ về kinh đô Phong Châu huyền thoại, vốn đã trở thành vị trí trung tâm văn minh Việt cổ hàng ngàn năm trời rồi. Ấy là chưa kể xuất thân còn chưa mấy rõ ràng của Thục Phán, chủ nhân thành Cổ Loa và mối quan hệ phức tạp giữa Thục Phán và Nam Việt Vương gốc Hán Triệu Đà trong một bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc của hàng trăm ngàn con dân Lạc Việt trước nguy cơ bị Hán hóa. Vì vậy trước sau công nguyên, Kinh đô Phong Châu vẫn là trái tim của mọi con dân nước Việt, và nói tới vùng đất Lạc Việt là phải nói tới Kinh đô Phong Châu. Hơn nữa, về phương diện địa lý, trong thời gian ấy, khi vịnh Bắc Bộ còn ăn sâu vào gần đất Hà Nội thì vùng ngã ba Bạch Hạc vẫn mang bóng dáng là một loại cảng biển, với cảnh hàng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước đánh nhau với Sơn Tinh dưới chân núi Tản Viên. Lúc đó Hà Nội vẫn còn các làng Láng lênh láng nước, và vùng Mê Linh, quê hương Hai Bà Trưng vẫn còn là những vùng nước Mlênh – Mlang (Mênh Mang) về phía bắc tràn lan lên đến vùng Yên Lãng gần Vĩnh Yên bây giờ, còn về phía nam thì thông ra biển ngay sát quê chồng bà Trưng Trắc ở cửa sông Châu Giang, giáp với thành phố Hưng Yên ngày nay. Chỉ sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cùng với những chính sách đồng hóa thâm độc của tên lão tặc Mã Viện bằng cách tiêu diệt tận gốc các tinh hoa Việt, cướp hết trống đồng - biểu tượng tinh thần Lạc Việt - nung chảy để đúc ngựa và đúc cột đồng, truy sát đến tận diệt các cừ soái Lạc Việt, hòng bắt người Lạc Việt phải quên đi quá khứ huy hoàng của mình thì cái tên Kinh đô Phong Châu mới dần dần bị khuất lấp sau tấm màn đen của chính sách khủng bố đại Hán tộc mà Mã Viện và những kẻ hậu bối của ông ta thực thi.  

Trong bối cảnh đó, có lẽ giống như một định mệnh, cái kinh đô có thật kia, cái tên Kattigara đã từng một thời thân quen như máu thịt kia đã vang lên lần cuối cho đến tận trời Tây của Ptolemy và các tiền bối của ông, để rồi khuất lấp vào dĩ vãng và sống dưới dạng các mảnh vụn huyền thoại Việt dưới màn đêm đen nghìn năm Bắc thuộc, đến nổi mới có một hai trăm năm sau người ta chỉ còn biết đến lỵ sở Liên Lâu, Luy Lâu thời kỳ đầu Bắc thuộc, và tiếp đó là vùng đô thị Long Biên ngày một trở nên phồn thịnh cùng với quá trình biển thoái, và đồng bằng châu thổ sông Hồng ngày một vươn xa về phía biển. Đương nhiên đối với các nhà địa lý Hy-La và Ả Rập, cái tên Kattigara không có ý nghĩa gì khác hơn là một địa danh được lấy làm cực đông của địa cầu để chứng minh cho học thuyết địa tâm Hy Lạp. Chính vì vậy ngay cả sau này, khi đã biết quá rõ Trung Quốc nhưng người phương Tây vẫn không thể nào tìm kiếm được Kattigara, không thể nào biết được Kattigara ở đâu.       

V. Kattigara - Kinh đô Huyền thoại Việt

Phải công bằng mà nói Bình Nguyên Lộc đã và sẽ còn đồng hành lâu dài với sự nghiệp nghiên cứu nền văn minh Việt cổ khi ông gắn Việt tộc với Mã Lai, dù theo cung cách quay đầu xuống đất. Chính vì vậy, theo tôi, với trường hợp Kattigara ông đã đọc gần đúng nghĩa của cụm từ này theo cách đọc của người Việt cổ, nói cách khác là theo cách đọc của [một bộ phận] tổ tiên người Malayo. Từ một vài từ gốc được người Hy-La cổ đại viết thành một từ đa âm tiết, ông đã tách được thành ba từ riêng biệt theo đúng phong cách và cấu trúc ngôn ngữ Việt, trong đó Ka được đọc thành Kẻ, Ti được đọc thành Thị, còn Gara được đọc thành Ghe (thuyền). Theo tôi, ông đã gần đúng với trường hợp chữ Ka, còn TiGara thì ông chưa đúng, cho dù ông rành rẽ tiếng Mã Lai, như ông đã nói và đã thể hiện trong hai tác phẩm quan trọng Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam Lột trần Việt ngữ. Lầm lẫn của ông, có lẽ xuất phát từ việc ông bị định kiến trước với từ Thị của người Hoa tại Sài Gòn xưa, và đặc biệt có lẽ còn hơn cả định kiến trước, ông đã bị ám ảnh với từ Gay (ghe thuyền) trong tiếng Mã Lai, nên đã lập tức tách thành một từ gọi là Gara để đọc thành Gay. Ấy là chưa kể về phương diện lịch sử, Hòn Gay chỉ thực sự có mầm mống một đô thị kể từ năm 1878, khi nhà buôn người Thanh là Ngô Nguyên Thành xin chính quyền Tự Đức cho khai mỏ than tại vùng này; và đặc biệt là kể từ khi Pháp đánh chiếm Quảng Ninh năm 1883 cho đến Thế chiến I, với chính sách đẩy mạnh khai thác thuộc địa phục vụ cho chính quốc. (Trần Văn Giàu 1961). Còn gần 2000 năm trước thì vùng Hòn Gay có lẽ vẫn chỉ có những vạn chài thưa thớt với những con thuyền và kiếp sống lang thang rày đây mai đó mà thôi.

Giống Bình Nguyên Lộc, tôi cũng hiểu Kattigara là một cụm từ tiếng Việt cổ, chứ không phải là tiếng Phạn hay một thứ tiếng nào khác, để ghi lại một địa danh Việt cổ nổi tiếng; từng từ trong cụm từ đó có nghĩa rất rõ ràng; cả cụm từ được viết rất đúng với cấu trúc tiếng Việt, và không hề nhầm lẫn. Tuy nhiên vì là tiếng Việt cổ, cách xa chúng ta hàng 2000 năm ròng, nên muốn hiểu hết nghĩa của các từ cổ đó thì cần phải so sánh nó với các ngôn ngữ liên quan, trong đó có tiếng Mã Lai. Giống với Bình Nguyên Lộc tôi cũng tách cụm từ đó thành ba từ riêng biệt, nhưng khác với Bình Nguyên Lộc, tôi không tách cụm từ đó thành Ka - Ti - Gara, mà thành Kat - Tiga -  Ra. Và cũng khác với Bình Nguyên Lộc, trong ba từ của ông có một từ ngoại lai là Ti (Thị), còn trong ba từ của tôi không có bất cứ từ ngoại lai nào, mà là ba từ tiếng Việt cổ, hoàn toàn cổ, đến mức là ngày nay hầu như người ta không hiểu được rõ ràng, vì vậy cần phải diễn giải các từ này một cách chi tiết hơn.

Trước tiên với trường hợp chữ Ra, theo các nhà ngôn ngữ học trong địa danh thuần Việt, dạng ngữ âm Ra có các biến thể la, , rào dùng để chỉ các con sông, chẳng hạn sông Hồng cũng mang tên là Lô, một nhánh sông từ Tuyên Quang nhập vào sông Hồng ở Việt Trì cũng mang tên Lô; về ngữ âm la, có sông La ở Hà Tĩnh, suối La ở Quảng Trị; về biến thể Rào, có Rào Quán ở Quảng Trị, Rào Nậy - sông Gianh ở Quảng Bình, Cửa Rào - Nậm Nơn hợp thành sông Cả ở Nghệ An v.v... (Trần Trí Dõi 2008). Bên cạnh các tương đồng và biến đổi trên, chúng ta còn thấy ở Việt Nam và Đông Nam Á, sự biến đổi rất phổ biến giữa bán nguyên âm ya, các nguyên âm kép ia, ea, ai, ay (sông nước) trở thành các dạng có phụ âm đầu như ba, da, đa, tạ, đạ, đà, đái, đak, đáy, pa, trà vẫn để chỉ sông nước, ở miền Bắc có Tạ Khoa, Tạ Pú, sông Đà, sông Đáy; đặc biệt là ở các vùng miền Trung – Tây Nguyên có vô số sông suối mang tên Ia, Ea, Trà, Đạ, Đak như Ia Ly, Ea Hleo, Trà Giang, Trà Bồng, Trà Cú, Đạ Đờng, Đạ Tẻ, Đạ Hoai, Đak Bla, Đak Lak, Đak Krông, v.v.... Cho nên hiện tượng biến âm giữa ia, ea, tạ, đà, lô, la thành ra để chỉ sông nước trong cụm từ cổ Kattigara là điều rất bình thường. Và như vậy hoàn toàn có thể đọc Rasông, nước.

Riêng với trường hợp từ Kat nếu bỏ phụ âm cuối [t] còn lại Ka thì đúng là một đặc sản Việt cổ xuất phát từ cuộc sống gắn liền với sông biển. Trong môi trường cư trú của người Việt cổ - một bộ phận của tổ tiên người Malayo-Polynesian - chúng ta thấy có ba từ tạo thành một hệ thống sinh thái nước hoàn chỉnh, đó là Cái để chỉ vũng vịnh ven biển, nơi con người có thể tụ tập thành cộng đồng và sinh sống lâu dài. Vùng biển Quảng Ninh, vịnh Hạ Long và Hải Phòng điển hình cho môi trường này. Ở khu vực này vẫn còn thấy rất nhiều địa danh có từ Cái như Cái Bầu, Cái Lân, Cái Làng, Cái Bèo, v.v... Những vùng này ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán cho nên ít thấy có trường hợp sử dụng từ Hán Việt để mô tả từ này ở khu vực Quảng Ninh, Hạ Long. Nhưng lùi về bờ biển phía đồng bằng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, chúng ta thấy có hàng loạt từ Hải, chắc chắn đã được dùng thay cho từ Cái, đó là Hải trong Hải Phòng, Hải Hậu. Ở Hải Phòng còn thấy một số địa danh cải biến Cái thành Cát hoặc lai giữa Việt và Hán Việt, trong đó có thể từ Cát là tiếng Việt thay cho từ Cái như Cát Bà, hoặc Cát Cụt, Cát Dài nhưng đối với trường hợp Cát Hải thì lại có thể được diễn giải bằng hai từ Hán 吉海, trong khi vẫn tồn tại địa danh Cái, chẳng hạn Cái Tráp huyện Cát Hải. Có lẽ các biến đổi địa danh trên diễn ra muộn, không xa ngày nay là bao nhiêu.

Riêng từ Cửa cũng khá phức tạp, vì từ này được dùng để mô tả các cửa sông chảy ra biển, hoặc cửa sông chảy vào một con sông chính nào đó. Hầu hết các vùng này đều dần dần trở thành thủ đô hoặc các đô thị, các trung tâm quan trọng của vùng, nên khi bị người Hán đô hộ, từ Cửa đã được khoác bằng một hai chiếc áo Hán để ghi bằng các âm tương ứng trong tiếng Hán như Cổ (Cổ Loa, Cổ Đô (cạnh ngã ba Hạc Trì), Cổ Lương (Hà Nội), hoặc Khả (Khả Lũ - Cổ Loa; Khả Lạc - Kinh đô của người Dạ Lang cũ nay thuộc Quý Châu, Trung Quốc) chẳng hạn. Như vậy trong hầu hết các trường hợp thì Cổ - Khả là để chỉ một loại trung tâm như Kinh đô, hoặc chính là Kinh đô. Riêng với Kẻ, giống như trường hợp Cái, vì xa các trung tâm đô thị Hán hóa và ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán nên nó vẫn tồn tại nguyên vẹn với tư cách là một từ tiếng Việt, cho dù có một hai âm đọc tương ứng khác là Kẽ, Khe, và cũng có thể được viết bằng từ Hán Khê. Đây là những địa điểm tụ cư tại cửa các con sông nhỏ, hoặc cửa các con ngòi, lạch nhỏ chảy vào một vùng nước, hoặc một con sông chính. Vì vậy về cấu trúc phân cấp xã hội phải có một loạt Kẻ phụ thuộc vào một Cửa – Cổ - Khả nào đó.

Trong lịch sử thủy cư Việt thì ba từ trên tương ứng với ba quy mô lớn nhỏ khác nhau. Về mặt nguyên ủy, nếu chỉ sống dựa vào tự nhiên thì Cái có quy mô diện tích lớn nhất, và cũng có thể nuôi chứa được một dân số đông nhất vì nguồn lợi thiên nhiên dồi dào của nó. Tuy nhiên khi nông nghiệp, thủ công nghiệp và đô thị phát triển thì Cửa - Khả - Cổ lại là môi trường thuận lợi nhất để nuôi chứa được một dân số lớn đến mức khó tưởng tượng đối với con mắt của người quen nhìn cuộc sống phụ thuộc vào các nguồn thuần túy tự nhiên. Cuối cùng Kẻ vẫn là quy mô làng thôn theo đúng nghĩa của từ khe, ngòi chỉ đủ nguồn lợi để nuôi chứa được một cộng đồng dân số nhỏ bé. Riêng Kẻ Chợ là một khái niệm phiếm chỉ, có lẽ nó ra đời cùng với lớp thị dân vừa thoát khỏi thân phận nông nô, hoặc nông dân tự do nghèo khổ, là những người sống bên lề của xã hội quan lại, quý tộc phong kiến. Vì vậy Kẻ Chợ không nằm trong hệ thống Cái, Cổ, Kẻ truyền thống Việt, mà lại là một từ có vẻ tiên báo về một giai cấp tiểu tư sản thị dân đang xuất hiện và dần dẫn trở thành chủ đạo, giống như các thành thị Châu Âu thời Cận đại vậy. Tuy nhiên vấn đề ở đây lại không phải là chữ Ka, mà là Kat. Liệu có phải Marinus, Ptolemy và những người trước họ đã viết thừa một phụ âm [t]; nếu họ viết thừa một phụ âm [t] thì khi tách ra sẽ đúng là có ba từ Ka – Tiga - Ra mà thôi. Nhưng theo tôi chắc không có chuyện viết thừa phụ âm [t] ở đây. Tôi đã kiểm tra lại nguyên bản viết tay tiếng Hy Lạp của Ptolemy do thư viện Paris công bố [Ptol. Geograph. l.i.c. 17. Paris, 1546, Lib. i, c. 14.] thì thấy tất cả đều được viết là Καττιγαρα*** với hai phụ âm [t]. Như vậy khi tách cụm từ đó thành ba thì sẽ là Kat – Tiga – Ra, và vấn đề sẽ trở nên khó khăn, rắc rối hơn, vì sẽ không còn là Ka để có thể đọc là Khả, Kẻ, Cổ nữa. Như vậy thì không thể đơn giản bỏ một phụ âm [t] đi để đọc cho thuận được. Chỉ còn cách duy nhất là phải thử đọc chữ Kat đó, và tất nhiên cũng phải đọc nó là một từ tiếng Việt.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ ở quê, bà nội và bà ngoại tôi rất già, không bao giờ gọi Việt Trì, mà chỉ gọi là Vật Trì, dù bà ngoại là người Bạch Hạc. Tại sao các bà lại nhầm lẫn hoặc nói nhịu kiểu đó? Trong thực tế khả năng biến âm giữa [iê] (chẳng hạn từ thiệt) và [â] (chẳng hạn từ thật) của ViệtVật là thông thường. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì không? Tôi nhớ cạnh Việt Trì, bên huyện Ba Vì, sát kề sông Đà có xã Vật Lại. Và tôi cũng đã từng đọc mấy câu thơ nổi tiếng của sĩ phu Ngô Quang Bích (1832 – 1890) làm quan lâu năm ở xứ Hưng Hóa và gắn bó máu thịt với non nước nơi này; chính vì vậy ông đã có được những vần thơ để đời như hai câu 眾水皆東走, 沱江獨北流 Chúng thuỷ giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu; vừa mượn hướng chảy của sông Đà để nói về chí khí của mình, vừa nói về kinh đô Phong Châu, nơi hồn thiêng núi sông ngàn năm hội tụ. Vậy thì chắc hẳn chữ Việt trong Việt Trì, được viết Kat là biến/hoán đổi âm của Vật Quật Quặt Kat được dùng để mô tả dòng Hắc Long – sông Đà chảy vật lại, quật lại, quặt lại, quay lại, từ phía tây nam ngược lên phía bắc; dòng Thanh Long – sông Lô từ phía đông lượn sát Việt Trì quành về phía tây bọc lấy Bạch Hạc; còn dòng Xích Long – sông Hồng đón nước Đà giang rồi lượn vòng hẳn về phía đông hợp lưu với Lô giang, trở thành ba con rồng thiêng quần chầu ôm lấy vùng Đất tổ, tạo thành một Đại huyệt đạo Kattigara.  

Tuy nhiên, thử thách lớn nhất trong ba từ trên chính là Tiga, thật không dễ tìm được một từ nào trong vốn tiếng Việt hiện đại tương ứng để suy luận nghĩa của nó. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải tìm đến các ngôn ngữ gần gũi hoặc có quan hệ với tiếng Việt, mà trước hết là các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Malayo-Polynesian. Và ở đây chúng tôi đã tìm thấy một gợi ý rất có ý nghĩa, khi phát hiện ra Tiga chính là số 3 (Ba) trong hệ số đếm của các ngôn ngữ Malayo-Polynesian như dưới đây (Anderbeck K. R. 2008):

Malay:                     Tiga  
Indonesian:              Tiga
Javanese:
                Tiga, Telu
Balinese:
                 Tiga, Telu
Sundanese:
             Tilu               
Toraja:
                    Tallu
Tagalog:
                 Tatlo
Acehnese:
                L

Nhìn bảng trên có thể thấy các ngôn ngữ Balinese, Indonesian, Javanese, và Malay vẫn còn giữa được nguyên vẹn số đếm Ba từ thời cổ đại, trong khi đó các ngôn ngữ còn lại đã có những biến đổi hoặc đôi chút khác biệt, tuy nhiên vẫn có những mối liên hệ ngữ âm rất rõ ràng và có tính quy luật. Bình Nguyên Lộc đã chứng minh rằng người Việt cổ cũng sử dụng hệ số đếm này trong cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Còn bản thân chúng tôi vẫn chủ trương khu vực văn hóa Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long của người Việt cổ là một trong những cội nguồn của người Malayo-Polynesian, nên đương nhiên ngữ hệ Malayo-Polynesian cũng là một cơ tầng ngôn ngữ Việt. Chính vì vậy ở đây chúng tôi không chứng minh lại nữa, mà chỉ xem xét riêng về khả năng biến đổi những từ đa âm tiết trong tiếng Việt cổ thành từ đơn âm tiết sau khi tiếp xúc lâu dài với ngôn ngữ - văn hóa Hán. Một trong vô vàn trường hợp đó chính là từ Tiga đã biến đổi thành một từ đơn tiết trong tiếng Việt hiện đại là Ba. Như trên chúng ta đã thấy, bên cạnh Tiga của các ngôn ngữ Indonesian, Javanese, Malay đã xuất hiện phụ âm [l] trong chính các từ số đếm Ba của các ngôn ngữ Javanese, Balinese, Sundanese, Toraja, Tagalog, và Acehnese. Trong tiếng Việt, có thể thấy rất rõ sự biến âm giữa [t] ~ [bl]; đặc biệt là vẫn còn rất nhiều hiện tượng biến đổi trực tiếp [g] [b] như: gạy bẩy, góibuộc, gậpbẻ, gò bó, gạtbạt, guábụa, gả bán. Vì vậy trong trường hợp này, quá trình đơn tiết hóa có thể diễn ra như sau: tiga → tiba → tba  → ba.  

Vậy là chúng ta đã đọc được cụm từ Kattigara, và đến đây thì ai cũng biết là cụm từ ấy có thể diễn giải theo nghĩa đen là Vùng đất Ba sông Cuộn lại, nói theo cách hiện đại là Thành phố Ngã ba sông, Thành phố Việt Trì. Còn trong lịch sử và tiềm thức thì người Việt vẫn coi đó là Kinh đô Phong Châu của nước Văn Lang, Kinh đô huyền thoại của các vua Hùng, của người Lạc Việt. Như thế có nghĩa là cái đặc trưng lớn nhất của vùng đất linh thiêng này là nơi hợp lưu của ba con sông, và ngay cả đặc trưng 北流 bắc lưu của Hắc Long – Đà Giang cũng đã được người xưa ghi nhận trong chính cái tên mà họ đã gọi nó. Tuy nhiên có một số vấn đề cơ bản về ngữ âm học lịch sử, danh pháp học lịch sử liên quan đến những từ cổ để gọi Kinh đô Phong Châu vẫn còn lại ở vùng này, đó là chữ Trì trong cặp từ Việt Trì. Chữ Việt thì mọi người đều có thể dễ dàng đồng ý là về sau người ta có thể dùng từ chữ Hán là Việt trong cái tên quen thuộc Việt Nam. Nhưng còn chữ Trì được ghép thành 越池 Việt Trì để giải thích là Ao Việt thì không có nhiều sức thuyết phục so với cả trường ý nghĩa rất sâu sắc gắn liền với Kinh đô Phong Châu huyền thoại của dân tộc. Chúng tôi chỉ tạm thấy yên tâm với chữ Trì khi mạo muội cho rằng đó có thể chính một mảnh ngữ âm còn rớt lại từ quá trình biến đổi nghĩa tiga thành ba, nhưng về phương diện ngữ âm thì lại vẫn lưu giữ một mối liên hệ ngầm theo con đường giữa tiga với ti, tli, để rồi cái mảnh ngọc nhỏ xíu quý báu đó đã ẩn mình sau tấm áo Hán trì (ao); và một lần nữa lại long đong cùng các cố đạo Pháp, khi họ dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt thì ti hoặc tli hoặc âm trì trong tiếng Hán của địa danh này đã chính thức trở thành chữ Trì trong hai chữ Việt Trì, vẫn được giải thích là Ao Việt.

Nhưng vẫn không hết băn khoăn, vì bên cạnh chữ Việt Trì, vẫn còn một chữ quen thuộc khác là Hạc Trì. Vậy thì Hạc là gì? Về phương diện thuần túy danh pháp thì có thể diễn giải Hạc Trì là Ao Hạc, nơi có nhiều hạc, sếu đến kiếm ăn. Trong thực tế có thể có chuyện đó, và đúng là có chuyện đó. Vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khi người viết bài này còn nhỏ, nhà bên dòng sông Lô, cách Việt Trì không bao xa, vào mùa thu chúng tôi vẫn thấy những đàn sếu, bồ nông chân dài, mỏ dài, sải cánh lớn bay về kiếm ăn bên dòng sông vẫn còn rất êm đềm, vắng vẻ. Vì vậy nếu hình dung khoảng hơn 2000 năm trước, cùng với quá trình biển thoái, cả một vùng đất ngập nước bao la, màu mỡ của Ngã ba sông hiện ra, thì đúng là nơi “đất lành chim đậu”. Bên cạnh đó, có thể còn những khả năng khác để diễn giải chữ Hạc. Trước hết, trên các trống đồng Lạc Việt có hình khắc chim hạc, sếu. Vì vậy có thể hạc, sếu được sử dụng làm biểu tượng của cư dân Phong Châu nói riêng, làm biểu tượng của người ở nơi cao ráo, ít bị ngập úng, thuộc vùng đồi núi, vùng của mẹ Tiên, người ở trên núi Tiên, mà chữ trên trong tiếng Việt cổ có thể có nguồn gốc từ tlên, tliên, chiền, tiên vẫn còn có thể quan sát được. Ngoài ra cũng còn một cách khác để diễn giải chữ Hạc từ khả năng tương đồng âm giữa chữ Kat và chữ Hạc. Trong tiếng Trung Quốc phổ thông hiện đại, chữ Hạc được phát âm là hứa, khứa, còn những nhóm người khác nhau ở Đài Loan và Quảng Đông thì phát âm là hộc, hạc, hác, khác, khách không xa âm Kat trong tiếng Việt cổ. 

Tuy nhiên tích truyện xưa lại lý giải cái tên Bạch Hạc với cây Chiên đàn “cao hàng nghìn nhẫn, tỏa ra một vừng rộng, che rợp như rừng, có đến hàng nghìn dặm, thường có đôi hạc đậu ở trên nên gọi là Bạch Hạc” (Vũ Quỳnh 1993: 95) thì rõ ràng có màu sắc Phật giáo. Trước hết là hình tượng cây Chiên đàn, 栴檀 Chiên đàn thụ - là loại cây quý, màu vàng tro, tỏa hương thơm ngào ngạt, người xưa dùng để tạc tượng Phật. Theo Kinh Tăng nhất A hàm, quyển 28, trong thời gian đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ mẫu thân, vua Ưu Điển (Udayana) không được đảnh lễ Ngài, nên sinh bệnh. Các quan lấy cây Chiên đàn tạc pho tượng Phật cao 5 thước, vua liền khỏi bệnh, và đó chính là pho tượng đầu tiên của Đức Phật tại Ấn Độ. Vì vậy hình tượng cây Chiên đàn tại Bạch Hạc chính là cây Chiên đàn trong tích truyện vua Ưu Điển. Cùng với hình tượng cây Chiên đàn thì hình tượng chim Bạch Hạc cũng chính là biểu tượng của Đức Phật. Kinh Đại Niết Bàn chép rằng khi đức Phật nhập niết bàn tại Sa La viên, cả rừng Sa La rủ bóng che chở Ngài, toàn bộ lá trong rừng đều biến thành màu trắng như ngàn cánh hạc trên kim thân đức Phật. Màu trắng là gốc của các màu thể hiện đức Phật nhập Niết Bàn là quay về với bản nguyên vô thủy, vô chung. Chính vì vậy các khu vườn của tăng đoàn sau này thường được gọi là Hạc lâm. Một phiên bản khác nói rằng khi đức Phật nhập Niết Bàn thì hai cây Sa La bên kim thân Ngài biến thành đôi hạc trắng, nên hai cây Sa La đó còn được gọi là Sa La Song thụ, hoặc có tên gọi khác là cây Hạc trắng. Ngoài ra sách Đại Nhật kinh sớ, quyển 3 còn nói ở Ấn Độ có loại chim Sarasa, giống như chim uyên ương, nhưng lớn hơn đôi chút, tiếng hót rất thanh nhã, loài chim này không có ở Trung Quốc, sách Tuệ Lâm Âm nghĩa dịch là Cộng hành điểu, còn gọi là Bạch Hạc – tượng trưng cho Phật tính.

Vậy là dù có những phiên bản khác nhau, nhưng tất cả các hình tượng trên đều là biểu tượng của đạo Phật, của sự quay về với cái bản nguyên của con người. Tuy nhiên trong trường hợp Bạch Hạc, chắc chắn tác giả của tích truyện còn muốn sử dụng hình tượng của Phật giáo để gửi gắm tâm sự và niềm tin của người dân đất Việt vào nơi gốc tổ, coi đó không chỉ là bản nguyên của mỗi cá nhân, gia đình, mà còn là bản nguyên, là nguồn sức mạnh vô song của cộng đồng, và của cả dân tộc. Đặc biệt là khi đất nước gặp nguy nan như khi kẻ thù phương Bắc xâm lược, hoặc gặp thời tao loạn, người con dân Lạc Việt luôn luôn quay trở về tìm lại nguồn sức mạnh vô tận từ gốc tổ, từ bản nguyên, để hồi sinh, lớn mạnh, và chiến thắng.   

Vài lời cuối bài viết

Hai nghìn năm là một quãng đường dài, nhiều hiện thực lịch sử đã trở thành ký ức, nhiều ký ức đã trở thành huyền thoại, và đến lượt mình nhiều huyền thoại đối với nhiều người chỉ còn thuần túy là huyền thoại. Có thể Hạc Thành - Phong Châu không ở trong trường hợp đó, nhưng với nhiều người, thật không dễ để nhìn thấy nó như một hiện thực sống động. Trong bối cảnh đó Kattigara - Kinh đô Ba con sông - Hạc Thành, giống như một cuốn phim, không phải ngẫu nhiên đã được Marinus, Ptolemy và những bộ óc vĩ đại khác của thế giới Hy - La ghi lại như để giành tặng riêng cho người Việt. Không phải ngẫu nhiên, vì chính bản thân Lạc Việt - Phong Châu - Kinh đô Ba con sông - Hạc Thành đã một thời tỏa rạng bên bờ biển Đông. Cái thời đó tưởng đã lùi xa, tưởng đã bị vùi lấp trong thẳm sâu quá khứ, nhưng giống hệt một chân lý, và đó chính là chân lý - những gì là giá trị thực thì sẽ vĩnh viễn tồn tại cùng con người. Kattigara là một chân lý như vậy. Tôi hình dung một ngày không xa Việt Trì - Phong Châu - Hạc Thành sẽ có một công viên, một con đường, một nhà hát, một bảo tàng, một đại học mang lại cái tên đầy âm hưởng xưa: Kattigara của những thế hệ tổ tiên vĩ đại. Ở đó bên cạnh bố rồng, mẹ tiên, các vua Hùng và các tiên hiền Lạc Việt, còn có những bức tượng của Alexandros, Titanus, Marinus, Ptolemy, Columbus, Magellan và nhiều vĩ nhân khác nữa - những con người đã chót bén duyên Lạc Việt. Và tương lai sẽ có những tuyến hải hành quay trở lại con đường cổ, từ Kattigara - Phong Châu - Hạc Thành tỏa đến Alexandria, Châu Phi, Châu Mỹ để tưởng nhớ những bước chân các vĩ nhân xưa trên con đường đi tìm một Kattigara huyền thoại nay đã trở về cùng hiện thực.
_____________________________________


Chú thích của tác giả :

* Với vốn Phạn ngữ nghèo nàn của mình, nhân tiện trò chơi ngôn ngữ của Giáo sư Chakravarti, tôi cũng xin mạo muội vui đùa tạo ra những từ tiếng Phạn dù có thể hơi ngớ ngẩn, nhưng còn gần gũi với Kattigara hơn là hai từ của ông. Chẳng hạn कटी-गिरा (Kattigira) = Bị bổ vỡ-Bị sụp đổ (hú vía! gira chứ không phải là gara - nagara); कोटि-गिरा (Kottigira) = Cường thịnh Sụp đổ (rủi là gira chứ không phải là gara - nagara); कटी-गेरा (Kattigera) = Bị bổ vỡ - Khu vực (may là gera chứ không phải là gara - nagara); còn từ कोटि-गेरा Kottigera = Khu vực Cường thịnh, thì nghĩa rất hay, nhưng chỉ có điều trớ trêu là cái từ này dường như vừa may (vì Kot = cường thịnh), lại vừa rủi (vì chỉ có Kot chứ không có Kat như trong nguyên văn Kattigara !).  

** Về điều này thì Bình Nguyên Lộc đã nhầm lẫn, vì Ptolemy chưa bao giờ đến Kattigara. Còn nếu ông, với tư cách là một nhà địa lý vĩ đại, chuyên đo đạc, tính toán, và xây dựng tọa độ địa lý cho cả địa cầu mà đã đến Kattigara rồi thì hậu thế sẽ không bao giờ phải bận tâm đến việc phải đi tìm Kattigara như bây giờ nữa. 

*** Nguyên văn các đoạn bằng tiếng Hy Lạp của Ptolemy đều có hai phụ âm [t] ở chữ Kattigara được tô đậm như dưới đây:

Φησι δε Αλεξανδρον αναγράφεται την γλω εντεύθεν εναντιαν ειναι τη μεσημβρίαν, και τους πλέοντας παρ αιτην εν ημεραις εικοσι κατα λαμβανσιν πολυ Ζαβας. Απο δε των Ζαβων προς νοτου διαπλευσαντας, και μαλλον εις τα ευωνυμα ημερας τινας, εκδεχεδαι τα Καττιγαρα.  [Ptol. Geograph. l.i.c. 17. Paris, 1546, Lib. i, c. 14.].

Dịch nghĩa:

Tuy nhiên Alexander thông báo rằng vùng đất từ đó choãi về phía bắc của tuyến hải hành; và những người bơi dọc theo bờ biển đó đến thành Zaba mất hai mươi ngày; từ Zaba bơi về phía nam, và cần nhất là sau đó rẽ về bên trái, mất vài ngày thì đến Kattigara.


Tài liệu dẫn


Alphonse, Jean 1904. La Cosmographie, 1544 ff.150r and 151rv, in Georges Musset (ed.), Recueil de Voyages et de Documents pour servir a l'Histoire de la Geographie, XX, Paris, 1904, pp.398 and 401-2.

Anderbeck, Karl Ronald 2008. Malay Dialects of the Batanghari River Basin (Jambi, Sumatra). SIL International Library of Congress Catalog.


Bình Nguyên Lộc 1971-2007. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Chương V: Dấu vết Mã Lai trong xã hội Việt Nam ngày nay. Bách Bộc xuất bản, Sài Gòn 1971. Bản điện tử do talawas thực hiện ngày 13/10/2007.
Bridges R. C. & P. E. H. Hair (eds) 1996. Compassing the Vaste Globe of the Earth, Studies in the History of the Hakluyt Society, London.
Broorstin, Daniel J. 1983. A History of Man's Search to Know His World and Himself. Random House, Inc., United States of America.
Cary, Max 1956. Maes, Qui et Titianus. In The Classical Quarterly, New Series, 6.3/4 (July–October 1956), pp. 130–134.
Caverhill, John 1767. Some Attempts to ascertain the utmost Extent of the Knowledge of the Ancients in the East Indies. In Proceedings of the Royal Society of London; Philosophical Transactions, vol.57, 1767, pp.155-174. Publisher: Royal Society of London.
Chakravarti Adhir K. 1972. Early Sino-Indian Maritime Trade and Fu-Nan, D.C. Sircar (ed.), Early Indian Trade and Industry, Calcutta, University of Calcutta Centre of Advanced Study in Ancient Indian History and Culture, Lectures and Seminars, no.VIII-A, part I, 1972, pp.101-117.
Coote C.H. 1898. Autotype Facsimiles of Three Mappemondes, Aberdeen, 1898.

D'Anville 1810. Sinae - Compendium of Ancient Geography. In The Royal Academy of Inscription and bells lettres at Paris. Translated from the French. Vol. II, London.

Dreyer J.L.E. 1953. A History of Astronomy from Thales to Kepler. 2nd edition. New York: Dover Publications.

Đào Duy Anh 1997. Đất nước Việt Nam qua các đời – Nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam. In lần thứ hai, Nxb. Thuận Hóa – Huế. Tp. Huế, Thừa Thiên Huế.

El-Abbadi, Mostafa 1992. Life and fate of the ancient Library of Alexandria (2nd edition). Paris: UNESCO.

Erksine A. 1995. Culture and Power in Ptolemaic Egypt: The Museum and Library of Alexandria. Greece & Rome, 2nd ser., 42(1), 38-48.

Evans, James 1998. The History and Practice of Ancient Astronomy. New York: Oxford University Press.

Ferra M.J. 2010. The maps of Claudius Ptolemy explained with a resolution of the place names including Cattigara. India Intra et Extra Ganggem – Sinea and Taprobane. http://www.cartographyunchained.com/cartographicalabstracts.html
Foster, William 1946. The Hakluyt Society, a Retrospect 1846–1946. In Edward Lynam (ed.), Richard Hakluyt & his Successors, A Volume issued to commemorate the Centenary of the Hakluyt Society, London, 1946
Griffin, Miriam T. 1976. Seneca: A Philosopher in Politics, Oxford 1976. 34.

Harrisse, Henry 1961. The Discovery of North America, London, 1892 (reprinted Amsterdam, N. Israel, 1961), p.583.

Heath, Thomas 1913. Aristarchus of Samos. Oxford: Clarendon Press, 1913.

Herrmann, Albert 1938. Der Magnus Sinus und Cattigara nach Ptolemaus. Compte-rendu du Congrès international de géographie (Amsterdam), pp. 123-8.
Hirth F. 1885. China and the Roma Orient, Text p. 42, and commentary, pp. 173-178. Shanghai & Hong Kong, 1885.
Institute on the Far East Works 1915. Note II. Extracts from the Geography of Ptolemy. Vol. I. Second Series No. XXXVII. Issued for 1915 by Society Cathay and the Way thither 1915. Liberary of Wellesley College Presented by Institute on the Far East Works, (Ptolemy K. 1915).

Laffan, Michael 2005. Finding Java: Muslim nomenclature of insular Southeast Asia from Śrîvijaya to Snouck Hurgronje. Asia Research Institute, Working Paper Series No. 52. Princeton University.

Lịch Đạo Nguyên (chú), Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh (sớ), Đoàn Hy Trọng (điểm hiệu), Trần Kiều Dịch (phúc hiệu) 2005. Thủy Kinh chú sớ. Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, (Bản tiếng Việt của Nguyễn Bá Mão).

Malleret L. 1951. Les fouilles d’Oc-Eo (1944). Rapport préliminaire, BEFEO 1951, tr. 75-88.
Malleret L. 1962. L’Archéologie du delta du Mékong, Tome Troisiéme, La culture du Fu-nan, Paris, 1962, chap.XXV, “Oc-Èo et Kattigara”, pp.421-54.
McCrindle J.W. 1885 - 1974. Ancient India as described by Ptolemy, London, Trubner, 1885, New Delhi, Today & Tomorrow's Printers & Publishers, 1974, p.204.

Millares A. Carlo (ed.) 1951. Columbus' letter of credence. In Historia de las Indiaspor Fray BartOlome de las Casas, Mexico, Fondo de Cultura Economica, 1951, Lib.2, cap.iv, pp.219-20.

National Library of Australia 2010. Digital Collections – Maps – A Map of the World 1506.. http//:nla.gov.au/nla.map-f887

Nunn, George E. 1927. The Lost Globe Gores of Johann SchOner, 1523-1524. The Geographical Review, vol.17, no.3, July 1927, pp.476-480.

Nunn, George E. 1932. The Columbus and Magellan Concepts of South American Geography. Glenside, the author, 1932, pp.12-13 & 49-51.

Nunn, George E. 1992. The Three Maplets attributed to Bartholomew Columbus. Imago Mundi, vol.9, 1952, 12-22, p.15

Peillard, Leonce 1984. Antonio Pigafetta, Relation du Premier Voyage autour du Monde par Magellan, Paris, Tallandier.

Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987. Trống Đông Sơn. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh 1991. Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp.
Priaulx, Osmond de Beauvoir 1873. Indian Embassies to Rome (J.R.A.S. xix.294) (bound with Apollonius of Tyana), London.
Ptolemy K. 1885. Ancient India as described by Ptolemy. Translated by J.W. McCrindle, Publisher: Trübner.
Rawlinson, H. G. 1916. Intercourse between India and the Western World from the Earliest Times to the Fall of Rome. Cambridge : University Press, 1916. — vi, [2], p. 196.
Reinaud M. 1863. Relations Politiques et Commerciales de l’Empire Romain avec l’Asie Oriental. L’hyrcanie, L’Inde, La Bactriane et La Chine p. 184, Paris.
Richthofen, von Ferdinand 1877-1912. China, Ergebnisse eigner Reisen und darauf gegründeter Studien (China: The results of my travels and the studies based thereon, 1877-1912, 5 vols. and atlas).

Riley T. M. 1995. Ptolemy’Use of his Predecessors’ Data. Transactions of the American Philosophical Association 125 (1995) 221 – 225, California State University, Sacramento.

 

Sarkar H.B. 1981. A geographical introduction to South-East Asia: The Indian perspective. Bijdragen tot de Taal-, Land- en Volkenkunde (hereafter BKI) 137-2/3 (1981): 293-323.

Schilder G. 1976. Australia Unveiled, Amsterdam, Theatrum Orbis Terrarum, p.10.

Schoener, J. 1961. Opusculum Geographicum, Norimberga, [1533], cap.xx; quoted in James R. McClymont The Theory of an Antipodal Southern Continent during the Sixteenth Century, Report of the Fourth Meeting of the Australasian Association for the Advancement of Science, Hobart, January 1892, Hobart, the Association, 1893, p.455; (reprinted Amsterdam, N. Israel, 1961), pp.525-6.

Serrano C. Seco (ed.) 1954-1955. Obras de Martin Fernandez de Navarrete. Madrid, 1954-55, vol.1, pp.223-5.

Smith R.B. 1979. Check list of “Heger type I” Bronze drums from South East Asia. ESA. New York-Kualalumpur.

Sorensen P. 1979. The Ongbah Cave and Its fifth drum. EAS. New York-Kualalumpur.

Suarez, Thomas 1999. Early Mapping of Southeast Asia, Hong Kong, Periplus, 1999, p.92.

Stein R. A. 1907. Ancient Khotan - Detailed Report of Archaeological Explorations in Chinese Turkestan Carried out and Described under the Orders of H.M. Indian Government. Indian Educational Service. Vol.II, Oxford at the Clarendon Press. London, Edinburgh, New York and Toronto.

Stein R. A., A. Herrmann 1940. Das Land der Seide und Tibet im Lichte der Antike, BFEO 1940, No.2, tr. 456-460.
Strabo 1917 - 1932. The Geography of Strabo. Loeb Classical Library, 8 volumes, Greek texts with facing English translation by H. L. Jones: Harvard University Press, 1917 thru 1932.

Tarn, W.W. 1928. Ptolemy II. The Journal of Egyptian Archaeology, 14(3/4), 246-260.


Trần Trí Dõi 2008. Tên gọi của sông Hồng: Dấu tích biểu hiện nét đa dạng văn hóa trong lịch sử người Việt. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba. Hà Nội 4-7 tháng 12 năm 2008.

Trần Văn Giàu 1961. Giai cấp công nhân Việt Nam - Sự hình thành và phát triển của nó từ giai cấp “tự mình„ đến giai cấp “cho mình„. Nxb. Sự thật, Hà Nội. 

Trinh Sinh 1988. A comment on the bronze drums dícovered in Thailand. Comparative Thai-Vietnamese Archaeoloy: Culture in Metal Age. Bangkok: 93-102.

Trịnh Sinh 1997. Nhân chiếc trống đồng Đông Sơn mới tìm được ở Triết Giang, Trung Quốc. Tạp chí Khảo cổ học, số 3 năm 1997.

Varela, Consuelo (ed) 1992. Lettera Rarissima, Jamaica, 7 July 1503, in Cristobal Colon: Textosy Documentos Completos, Madrid, Alianza Editorial, 1992, p.48.

Vespucci A. 1500 – 1944 - 1999. Amerigo Vespucci to Lorenzo de'Medici, Seville, 18 July 1500; quoted in Frederick J. Pohl, Amerigo Vespucci: Pilot Major, New York, Columbia U.P., 1944, p.77; Early Modern Literary Studies, vol.5, no.2, September 1999.

Vũ Quỳnh 1993. Tân đính Lĩnh Nam Chích quái. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Wade, Geoff 2009. The Polity of Yelang (夜郎) and the Origins of the Name ‘China’. Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, Sino-Platonic Papers, 188 (May 2009).

1 nhận xét:

  1. Mất nguyên của tui buổi tối để đọc bài này. Cảm ơn Mỹ Dung.

    Trả lờiXóa