Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Phụ nữ và/với nghề khảo cổ




Có những định kiến hết sức lâu đời và phổ biến về quan hệ giữa giới tính và nghề nghiệp. Định kiến đầu tiên là phân công lao động theo giới tính từ khi con người xuất hiện, nam săn bắt, nữ thu lượm, nam di chuyển ngoài xã hội, nữ ở trong nhà, nam chủ động, nữ thụ động. Tuy nhiên những khám phá mới nhất lại cho thấy, phân công lao động theo giới (cuộc phân công lao động đầu tiên trong xã hội loài người) chỉ bắt đầy xảy ra cách đây hơn 10.000 năm khi loài người sống định cư và bắt đầu nền kinh tế sản xuất. Mặc dù vậy những phân biệt ngành nghề theo giới tính vẫn tồn tại một cách dai dẳng và có một số nghề được xem như đặc quyền của nam giới, trong đó có nghề khảo cổ! Định kiến này không chỉ phổ biến ở Phương Đông mà thực ra bắt đầu từ Phương Tây, nơi những người nữ làm khảo cổ đầu tiên phải bắt đầu cuộc chiến chống lại sự phân biệt trong xã hội và với cả những đồng nghiệp nam của mình. Để hành nghề như những người chuyên nghiệp, họ phải xoay xở nhiều cách, lúc với tư cách là cộng sự của chồng, lúc chọn những vấn đề, khu vực nghiên cứu ngoài lề mà nam giới ít quan tâm, lúc lập những hiệp hội riêng để hoạt động. Ngay trong thế kỷ 21, mặc dù có những thay đổi tiến bộ đáng kể trong định kiến giới trong nghề khảo cổ và tỉ lệ nữ trong nghề tăng nhanh, có những quốc gia tỉ lệ nữ trong khảo cổ đạt trên 50% nhưng những cống hiến của họ cũng hay bị bỏ qua hoặc coi nhẹ trong các công bố và đánh giá thành tựu của ngành/nghề. Vị trí của họ cũng thấp hơn rất nhiều so với nam trong các viện nghiên cứu và các đại học, mặc dù cũng có vài ngoại lệ.

Một học trò sau là đồng nghiệp trong một lần cô trò đi điền dã đã rất thật lòng tâm sự rằng trong hình dung của em khảo cổ là một nghề không có phụ nữ. Em đã rất bất ngờ khi buổi học mở đầu cho bốn năm đại học, môn Cơ sở khảo cổ học, bước vào lớp là một cô giáo còn khá trẻ, váy áo thướt tha, vòng tay, khuyên tai, vòng cổ leng keng, giày cao gót. Lúc đó em thật sự thất vọng và nghĩ thầm trong đầu “người thế này, sao mà làm, sao mà dạy được khảo cổ!”. Nhưng càng học, rồi được cô dẫn đi thực tập, đi điền dã, em càng say mê và quyết tâm theo nghề và hiểu ra khảo cổ không phải là nghề độc quyền của riêng ai, riêng giới nào.

Quan điểm khảo cổ không phù hợp với phụ nữ khá phổ biến trong giới làm nghề và ngoài nghề, nhẹ thì tỏ thái độ xuề xòa kiểu có “bóng hồng” cho công trường thêm sinh động, nặng thì không hoặc hạn chế nhận nữ vào làm khảo cổ.   

Lựa chọn theo nghề một cách vô thức nhưng rất chăm chỉ và nghiêm túc học và hành nghề, bản thân tôi, tôi thấy mình được rất nhiều từ khảo cổ. Đôi khi tôi nghĩ “hình như mình sinh ra để làm khảo cổ” và “nghề chọn người, không phải người chọn nghề”. Tôi thích khám phá, đối mặt và giải quyết vấn đề. Mỗi di tích là một kiểu thách thức mới đòi hỏi những thực hành và suy tư/diễn giải khác nhau. Những thách thức hàng ngày đã kích hoạt thái độ tích cực “phải làm thôi và phải làm được” và buộc tôi phải cập nhật cả những kiến thức khối tự nhiên, kỹ thuật vốn từng là nỗi ám ảnh suốt thời phổ thông và từ đó tôi biết thêm khả năng cất giấu của mình. Sự gia tăng vai trò của khảo cổ học đối với quản lý, bảo tồn và sử dụng di sản khảo cổ cho phép tôi chia sẻ niềm đam mê khảo cổ học của mình với nhiều cộng đồng khác nhau. Tôi thích cảm giác trở thành một phần của một cộng đồng rộng hơn - dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, cùng bàn luận không giới hạn về khảo cổ học bất kể sự khác biệt nghề nghiệp, tính cách và vị thế xã hội. Cảm giác ‘cứu’ thứ gì đó trước khi nó bị phá hủy thực sự giống như một chất kích thích duy trì động lực làm việc tới hạn khả năng của mình. Được đi đến những vùng đất mới, gặp những người mới, ăn những món ăn đa dạng, độc lạ, ở những kiểu homestay từ đơn giản đến cầu kỳ là những thứ làm cho mỗi cuộc điền dã, mỗi cuộc khai quật bớt đi rất nhiều nhọc nhằn và thêm vào rất nhiều thú vị, một kiểu “du lịch trải nghiệm” không theo lộ trình đầy bất ngờ và thách thức. Mỗi lần vượt qua được nỗi sợ mơ hồ, nỗi thất vọng nào đó tôi trở nên bản lĩnh hơn và bao dung hơn với cuộc sống quanh mình và tôi thực sự thích triết lý “lấy nay suy xưa và lấy xưa suy nay” ngay cả trong đời sống hàng ngày chứ không chỉ trong làm nghề và dạy nghề. Những thực tiễn điền dã khảo cổ ở các vùng miền khác nhau đã giúp cho tôi có những bài giảng, giờ giảng đủ sức thu hút sự chú ý và đánh thức niềm say mê của sinh viên với lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Làm và dạy khảo cổ nhiều chục năm nay, tôi nhận ra rằng, không nên thi vị hóa cũng không nên cực khổ hóa cái nghề này, mặc dù khảo cổ học trên thực tế là sự kết hợp giữa trí óc bay bổng, mỹ cảm, trí tưởng tượng và các hoạt động lao động chân tay trực tiếp. Những thách thức và khó khăn mà phụ nữ làm khảo cổ phải đối mặt có lẽ cũng tương tự như các ngành nơi mà mà số lượng đàn ông áp đảo. Bên cạnh những thách thức chung như quan niệm khác nhau về bình đẳng giới, chính sách chưa phù hợp với biến đổi của thời cuộc và quan điểm một chiều về nghề khảo cổ là những khó khăn, trở ngại cá nhân trong cân bằng giữa trách nhiệm đối với gia đình và công việc, những lo lắng về giới hạn của giới tính, nỗi sợ tâm linh mơ hồ về duyên nghiệp nghiên cứu quá khứ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất, trở ngại to nhất chính là sự thiếu hụt nội lực bản thân, không thể vượt qua sức ì của chính mình.

Như mọi nghề, khó khăn, thách thức càng nhiều kết quả càng đáng giá. Mặc những định kiến, thách thức và trở ngại, càng ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn theo nghề và những đóng góp của họ trong mọi khía cạnh từ lý thuyết đến thực tiễn đang gia tăng đáng kể. Thậm chí có những cái nhìn lạc quan rằng thế kỷ 21, khảo cổ học trở thành nghề của phụ nữ! Và tôi với trách nhiệm của mình trong đào tạo nhân lực luôn khích lệ và cổ vũ sinh viên nữ theo nghề dù biết rằng các em sẽ phải đối mặt với những định kiến, những trở ngại, những khó khăn và những nỗi sợ vô hình như mình đã từng và vẫn đang cố gắng vượt qua để làm nghề một cách chuyên nghiệp và tận tâm.  

Lâm Thị Mỹ Dung, chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 

 

 

 

6 nhận xét: