Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Miền Trung Việt Nam thời kỳ hình thành nhà nước sớm qua nghiên cứu phân bố và tính chất của các địa điểm khảo cổ học

Tóm tắt
Giai đoạn từ TK 5 TCN đến TK 5 CN là giai đoạn bản lề trong diễn biến lịch sử và văn hoá ở miền Trung Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Những tiếp xúc văn hoá nhiều chiều đã diễn ra trên địa bàn này tương ứng với sự hình thành và phát triển của một loạt những chính thể sớm dạng “lãnh địa”[1] và đặc biệt là sự biến chuyển từ các dạng xã hội này hay những dạng xã hội với mức độ phức hợp thấp tương đương sang những hình thức chính thể dạng nhà nước với mức độ phức hợp cao hơn.  Những chuyển biến diễn ra trong nhiều lĩnh vực của thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở từ chính trị, kinh tế, cấu trúc xã hội, tổ chức không gian sống/chết đến đời sống văn hoá vật chất, tinh thần...
Quá trình chuyển biến trong cấu trúc chính trị của xã hội thời kỳ từ sơ sử sang thời kỳ đầu của lịch sử này (tức sự hình thành các dạng nhà nước sớm kiểu Lâm Ấp kế thừa từ những chính thể dạng lãnh địa thời Sa Huỳnh) ở miền Trung Việt Nam  không mang tính ngẫu nhiên, đột ngột, đây là một quá trình chuyển dịch nhanh mạnh dần theo thời gian được khởi nguồn từ cơ tầng bản địa dưới tác động của những nhu cầu phát triển bên trong và những động lực từ bên ngoài bất kể chính trị, kinh tế, văn hoá hay môi trường....
Từ khoá: Văn hoá Sa Huỳnh, Chămpa sớm, Chămpa, Lâm Ấp, Lãnh địa, Mandala, Phức hợp xã hội, Miền Trung Việt Nam

Abstract
Central Vietnam during the Period of Emergence of Early States Studies on the Distribution and Nature of Archaeological Sites
 The time from 500 BC to AD 500 is defined by scholars as the critical period in the cultural and historical process of Vietnam in particular and in Southeast Asia in general. Recent archaeological finds and discoveries lead us to recognize the dynamic cultural contacts of the area with the external world and strong acculturation between the exogenous and indigenous factors which led the emergence and development of the early polity so-called chiefdom and the transformation from chiefdom which evidenced the low social complexity to the state polity with the higher social complexity.
This transformation process of political structures in the societies from the proto-historic to early historic periods (i.e the formation of the early states of Linyi inherited the Sa Huỳnh chiefdom) in Central Vietnam is not of radical, sudden nature. This is the results of the gradual transformation process, which based on the local ground and influenced by the internal needs and external impacts including political, economic, cultural or environmental...
Key worlds: Sa Huỳnh culture, Early Champa, Champa, Linyi, Chiefdom, Mandala, Social complexity, Central Vietnam.


1.      Văn hoá Sa Huỳnh – sự hiện diện của những quần thể cư trú-mộ táng chứng tích của lãnh địa ở lưu vực sông

Từ khi phát hiện đến nay, khoảng 90 địa điểm văn hoá Sa Huỳnh đã được phát hiện, trong đó 37 địa điểm đã được khai quật và thám sát (bản đồ 1).

   Bản đồ 1

Những di tích văn hoá Sa Huỳnh được phát hiện ở hầu hết mọi địa bàn từ vùng rừng núi đến các đảo ven bờ. Có ba dạng địa hình chính là vùng núi và đồi gò trước núi ven sông (thượng nguồn sông), vùng đồng bằng trên các cồn/gò cát ven sông, cửa sông biển, ven biển và vùng hải đảo.
  Vùng núi và đồi gò trước núi ven sông: Khoảng gần 20 di tích Sa Huỳnh phân bố trên địa bàn vùng núi phía tây Quảng Nam (thượng nguồn sông Thu Bồn) tạo thành các nhóm tập trung. Ở Quảng Ngãi di tích tập trung ở thung lũng sông Tang và những di tích Sa Huỳnh ở đây được xác định có nguồn gốc từ những di tích Tiền Sa Huỳnh trong cùng không gian, ở Phú Yên mới phát hiện một di tích Suối Mây thuộc huyện sông Hinh. Độ mật tập của các di tích văn hoá Sa Huỳnh, trong đó có nhiều di tích là khu mộ táng/cư trú rộng lớn, giàu có ở vùng rừng núi nơi thượng lưu của các sông lớn, đặc biệt là sông Thu Bồn cho thấy phương thức mưu sinh của cộng đồng dân cư chủ yếu dựa vào khai thác sản phẩm lâm thổ sản và trao đổi buôn bán với bên ngoài bằng đường sông, đường bộ và đường biển.
Cồn cát ven sông, biển, cửa sông-biển: Các di tích phân bố trên các cồn cát ven sông ven biển được phát hiện ngay từ giai đoạn đầu và hiện có số lượng lớn nhất và hệ sinh thái Cồn – Bàu (chữ dùng của GS.Trần Quốc Vượng) là hệ sinh thái nhân văn tiêu biểu của văn hoá Sa Huỳnh, cư dân sinh sống ở hệ sinh thái này có thể cùng kết hợp nhiều phương thức kiếm sống như khai thác rừng, làm nông nghiệp, khai thác sông biển và buôn bán gần, buôn bán đường trường.
Vùng hải đảo: Cho đến nay, những di tích phân bố trên đảo được biết đến chưa nhiều, gồm có hai di tích Suối Chình và Xóm Ốc được phát hiện trên đảo Lý Sơn.
Có thể xác định một số không gian sống - cụm di tích từ Bắc vào Nam và từ Tây sang Đông như sau:
Hà Tĩnh: Bãi Cọi, Bãi Lồi, Bãi Phôi Phối, Bãi Lòi….[2]
Quảng Bình: Cương Hà, Cổ Giang...
Thừa Thiên-Huế: Cồn Ràng và Cồn Dài (xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, Cửa Thiềng (thị trấn Phú Ốc, huyện Hương Trà) và dấu tích chum ở Phú Thượng (huyện Phú Vang).
Thành phố Đà Nẵng: Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà
Quảng Nam: Phú Hoà, Tam Mỹ (huyện Núi Thành), Quế Lộc, Bình Yên, (huyện Quế Sơn), Tiên Hà (huyện Tiên Phước), Đại Lãnh, Đồi Vàng, Gò Mùn, (huyện Đại Lộc), Paxua, Tabhing (huyện Giằng),  cụm di tích văn hoá Sa Huỳnh Gò Mả Vôi/Gò Miếu Ông, Thôn Tư (di chỉ cư trú), Gò Dừa (huyện Duy Xuyên), Bàu Trám và Trảng Đổng Du  (huyện Núi Thành), Lai Nghi (huyện Điện Bàn), cụm di tích văn hoá Sa Huỳnh trên cồn cát Cẩm Hà (thị xã Hội An)...
Nếu đi dọc sông Thu Bồn chúng ta có thể nhận biết một kiểu phân bố di tích như sau:
Hạ lưu sông Thu Bồn: Hội An- Điện Bàn, gồm các di tích Lai Nghi, An Bang, Hậu Xá I, Hậu Xá II, Xuân Lâm, Tứ Câu, Thanh Quýt, Điện Ngọc, Điện Tiến,… Cụm di tích này có quy mô lớn, nằm ngay sát vùng cửa sông Hội An đổ ra biển..
Trung lưu sông Thu Bồn và Duy Xuyên, gồm các di tích Thôn Tư, Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông, Gò Bà Hòm, Gò Ông Nhạn, Gò Bờ Rang, Gò Tây An… Trung tâm Gò Dừa, Phú Đa, Dinh Ông, Vườn nhà ông Mười Linh.
Thượng lưu sông Thu Bồn với trung tâm Gò Đình (Đại Lãnh), Gò Ngoài, Gò Đình II, nhóm này phân bố ở vùng đồi gò trước núi ven sông ở huyện Đại Lộc.
Trong mỗi cụm/nhóm cư trú mộ táng này luôn có sự hiện diện của những địa điểm trung tâm và vệ tinh tạo thành một mạng nhỏ trong một mạng lưới xã hội rộng hơn kết nối với khu vực bằng đường sông, biển, sự phân hoá và chênh lệch trong quy mô mộ, đồ chôn theo mộ cho thấy sự hiện diện của tầng lớp “quý tộc” trong mỗi cộng đồng dân cư (Lâm Mỹ Dung 2009: 4).
Quảng Ngãi: Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Đồi Đông Tranh, huyện Sơn Tịnh, cụm di tích mộ táng cư trú thung lũng sông Tang, huyện Tây Trà, Sa Huỳnh, Phú Khương, Thạnh Đức, Long Thạnh, huyện Đức Phổ, Bình Châu I và Bình Châu II (lớp trên), Gò Quê, huyện Bình Sơn, Cù Lao Ré (huyện đảo Lý Sơn) ... Quảng Ngãi cũng là địa bàn trung tâm của văn hoá Sa Huỳnh, nhưng tại đây mức độ nghiên cứu chưa xứng với tiềm năng di tích.
Bình Định: Thuận Đạo, Chánh Trạch, Động Cườm...
Phú Yên: Rừng Long Thuỷ (hay Gò Bộng Dầu) (RLT – GBD), Suối Mây, Khe Ông Dậu, Bầu Sấu...
Khánh Hoà:  Diên Sơn, Phước Hải, Vĩnh Yên, Hoà Diêm...
Ninh, Bình Thuận: Mỹ Tường (lớp trên), Bàu Hoè, Phú Trường....
Đông Nam Bộ: Suối Chồn, Phú Hoà, Hàng Gòn, Dầu Giây... (Đồng Nai) và những di tích mộ chum tại khu vực Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)...[3]
Trong không gian phân bố trên, đáng chú ý là sự hình thành những cụm dân cư tập trung ở khu vực thượng nguồn và cửa sông ven biển cho thấy sự hiện diện của những cộng đồng cư dân lớn Cồn Dàng, Gò Mả Vôi, Hậu Xá, Đại Lãnh, Lai Nghi[4], Gò Quê, Động Cườm, Hoà Diêm, Phú Trường, Suối Chồn, Giồng Cá Vồ...) với chế độ thủ lĩnh kế thừa theo huyết thống, bên cạnh đó còn có những cộng đồng với số lượng cư dân ít hơn cũng với chế độ thủ lĩnh cha truyền con nối. Tư liệu dân tộc học lịch sử người Tà Ôi (Việt Nam) (Trần Quốc Vượng và Hayden 1996: 11-14), một số tộc người ở Việt Nam, Thái Lan, Phillipin (Junker Lee Laura 1993:1-36)... cho thấy điều này. Những mộ địa Sa Huỳnh dù phân bố trên bất kỳ địa hình nào cũng đều chiếm cứ không gian cao ráo, gần đường giao thông/thương và sát nơi cư trú (khu cư trú thường ở địa hình thấp hơn, cận kề bàu nước ngọt hay sông), những khu mộ địa có diện tích rộng tới chục nghìn mét vuông và thường là phức hợp di tích của nhiều mộ địa tồn tại liên tục trong vòng thời gian từ một đến vài trăm năm. Những khu mộ điển hình như Cồn Ràng, Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Hoà Diêm, Giồng Cá Vồ... cung cấp những chứng cứ về một dạng xã hội phức hợp phân tầng với sự phân hóa xã hội, địa vị và của cải ở mức độ cao và không kém so với những xã hội đương thời ở khu vực, “Sức sản xuất Sa Huỳnh không kém gì Đông Sơn của thời đại các vua Hùng Việt cổ. Quan hệ xã hội đã phân hoá khá rõ rệt. Thanh gươm sắt đã xuất hiện khá phổ biến trong các khu mộ chum Sa Huỳnh muộn. Mà thanh gươm là biểu trưng của quyền lực: “Thanh gươm và cái lưỡi hợp với nhau tạo nên ông vua” (V.V. Durant). Tầng lớp quý tộc Sa Huỳnh- qua chứng cứ khảo cổ học đã ưa chuộng sự xa hoa, sự lộng lẫy, sự phô trương mà lại vẫn tinh tế, trang nhã và không phải là không có ý thiết thực. Quý tộc Đông Sơn chuộng đồ đồng. Quý tộc Sa Huỳnh chuộng đồ ngọc[5]. Đó đã là một lối sống văn minh, kiêu sa. Từ Đông Sơn đã ra đời nhà nước đầu tiên của các vua Hùng (Pò Khun). Từ Sa Huỳnh không thể không ra đời Nhà nước đầu tiên của các Kurung” (Trần Quốc Vượng (chủ biên) 1985: 109-110).
2.     Champa thời kỳ sớm – Lâm Ấp và tương đương Lâm Ấp và những trung tâm hành chính-chính trị - quân sự ở miền Trung Việt Nam đầu Công nguyên (bản đồ 2)
Bản đồ 2

Thành Lồi qua những kết quả nghiên cứu mới và sự hiện diện của một trung tâm Hành chính-Chính trị-Quân sự ở lưu vực sông Hương.

Thành Lồi hiện nay thuộc địa phận 3 phường: Thủy Xuân, Thủy Biều và phường Phường Đúc (thành phố Huế); cách trung tâm thành phố Huế 7 km về phía Tây. Toàn bộ luỹ của Thành Lồi bao quanh đồi Long Thọ (Long Thọ Cương), bên tả ngạn sông Hương, đối diện bên hữu ngạn là chùa Thiên Mụ được xây dựng trên đồi Hà Khê. Long Thọ Cương – Hà Khê được xem là tỏa khẩu thứ nhất của dòng Hương giang. Dấu vết hiện còn cho chúng ta thấy Thành Lồi có cấu trúc dạng gần vuông, các lũy thành nằm đúng theo hướng Tây - Bắc - Đông – Nam (Sơ đồ 1), dấu tích của Thành Lồi vẫn còn tương đối nguyên vẹn so với nhiều toà thành Chămpa cổ khác. Thành Lồi được xây dựng trên cơ sở tận dụng một cách tối đa địa thế tự nhiên của vùng đồi Long Thọ và Sông Hương, những mảnh gốm và mảnh ngói phát hiện được ở luỹ Tây và luỹ Nam đợt khảo sát 2013 cho thấy chúng mang nhiều nét đặc trưng của đồ gốm thô, mịn và ngói Chămpa thuộc tầng văn hoá trên của Trà Kiệu tức từ sau thế kỷ IV-V (Lâm Thị Mỹ Dung và cộng sự 2013).

Sơ đồ 1

Tại khu vực Huế đã phát hiện tấm bia ký trong đó nhắc tới Kandarpapura, kinh đô của ông vua tên là Kandarpadharma, ông lên ngôi trị vì vào thế kỷ 6 ở trong vùng và là vị vua đầu tiên của vương quốc Chămpa mà chúng ta biết, Prakashadrma với tên gọi lúc lên ngôi là Vikrantavarman năm 658 ở Mỹ Sơn (Anne-Valérie Schweyer 2011: 204). Tuy nhiên khó mà gắn nội dung tấm bia này với Thành Lồi hay bất cứ di tích nào ở Huế trong tình hình nghiên cứu hiện nay.
Cho tới nay ở lưu vực Sông Hương chưa phát hiện được bất cứ địa điểm nào có niên đại Chămpa sớm tương đương với giai đoạn trước Lâm Ấp và Lâm Ấp, TK 1,2 CN như đã phát hiện ở  Hội An, Trà Kiệu, Gò Cấm lưu vực sông Thu Bồn. Tuy nhiên trong một số sưu tập tư nhân, đặc biệt là sưu tập của ông Hồ Tấn Phan, Tp. Huế có khá nhiều di vật gốm được xác định vớt từ sông Hương có niên đại tương đương với đồ gốm trong lớp sớm nhất ở Trà Kiệu với những loại hình tiêu biểu như bình hình trứng, ngói sớm mặt bụng in dấu vải, bếp lò đất nung (cà ràng) (Lâm Thị Mỹ Dung và nnk 2011: 157), tổ hợp hiện vật sớm này cho thấy có nhiều khả năng lưu vực sông Hương có những di tích kiểu Trà Kiệu – Gò Cấm và cũng là một trong những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa phân bố ở lưu vực sông như các trường hợp Thu Bồn, Trà Khúc, Đà Rằng. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những hiện vật sưu tầm và vì vậy vấn đề liên quan đến những khu vực cư trú và không gian xã hội của những cộng đồng cư dân giai đoạn Lâm Ấp cũng như cương vực của Lâm Ấp ở Bắc Đèo Hải Vân ở lưu vực sông Hương vẫn còn để ngỏ đợi những kết quả nghiên cứu mới trong tương lai.

Lưu vực sông Thu Bồn và dấu vết khảo cổ học liên quan đến sự hình thành và phát triển của trung tâm hành chính – chính trị - quân sự sớm những thế kỷ đầu Công nguyên

Khu vực cửa sông ven biển Hội An: Trên các dải cồn cát ven dòng chảy cổ (dấu tích đổi dòng của sông Thu Bồn) một loạt các di tích Chămpa sớm đã được phát lộ và nghiên cứu. Niên đại khởi đầu của các di tích này là từ cuối thế kỷ 1 đến đầu thế kỷ 2 CN, đa số các di tích có tầng văn hoá phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ, bao trùm suốt giai đoạn hình thành (nửa đầu TNK I CN) và cực thịnh của vương quốc Chămpa (thế kỷ 7-10). Như vậy về tính chất đây là những di tích giai đoạn Chămpa sớm - Lâm Ấp và Chămpa.
Hầu hết các di tích phân bố ven các dòng chảy cổ (hiện là các bàu nước ngọt), trên cùng một địa bàn với những di tích mộ chum. Về đại thể, những di tích mộ chum nằm phía trong của cồn cát, các di tích Chămpa Lâm Ấp và Chămpa phân bố ở phía ngoài, đều ven các dòng sông cổ. Các địa điểm này có tính chất khác nhau từ làng-bến chợ ven sông, làng cư trú, nơi thờ tự...
Ngoài những dấu tích cư trú, bến cảng, ở khu vực Hội An còn có nhiều dấu tích kiến trúc, điêu khắc có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 12 và một loạt những giếng Chămpa được xác định có liên quan đếnnhững hoạt động của Lâm Ấp Phố, một trung tâm thương mại quan trọng của vương quốc Chămpa giai đoạn Lâm Ấp và giai đoạn Chămpa.  
Phức hợp di tích Gò Cấm- Trà Kiệu: Cư trú sớm, thành luỹ và đền tháp cung điện từ TK 1 đến TK 8- 9
Tại khu vực hiện nay là Trà Kiệu và vùng phụ cận, một loạt những địa điểm có niên đại cận kề với thời điểm kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh, từ nửa sau TK 1 CN với nhiều chức năng, tính chất khác nhau đã được phát hiện và nghiên cứu.
Gò Cấm: Tích tụ văn hoá vật chất ở Gò Cấm không dày, dưới lớp đất mặt hiện nay, dày từ 5-20cm là tầng văn hoá dày không đều từ 50-70cm. Ở một số điểm của Gò Cấm, đặc biệt là ở khu vực tìm thấy sàn nhà bằng gỗ cháy, tầng văn hoá Gò Cấm nằm chồng lên tầng văn hoá của di chỉ cư trú Thôn Tư có niên đại sơ kỳ sắt (văn hoá Sa Huỳnh). Ở một số điểm khác không thấy tầng văn hoá Sa Huỳnh này. Như vậy ở Gò Cấm có lớp văn hoá Sa Huỳnh (lớp dưới) và bên trên nó là lớp văn hoá Gò Cấm (lớp trên, lớp Chămpa sớm). Bộ di vật cho thấy niên đại khởi đầu của lớp văn hoá trên là từ nửa sau TK 1 CN và kết thúc vào cuối TK 1 CN. Trong bộ di vật tìm thấy ở đây có gốm Chămpa sớm, hiện vật có nguồn gốc Đông Hán (và cả hiện vật mang phong cánh Đông Hán) như bình, vò gốm cứng văn in, mũi tên đồng, khuyên tai thủy tinh hình trụ lõm ở giữa, phong nê... và một số hiện vật gốm thương mại Nam Ấn (Nguyễn Kim Dung 2007).
Vị thế của Gò Cấm cùng tính chất của hiện vật cho thấy Gò Cấm có những chức năng chuyên biệt nào đó về kinh tế và chính trị án ngữ trên con đường từ hạ lưu lên thượng nguồn sông Thu Bồn.
Trà Kiệu: Tại Trà Kiệu các nhà khảo cổ đã phát hiện những dấu tích cư trú Chămpa sớm ở khu vực Gò Dũ Dẻ, Hoàn Châu, Bửu Châu.... Dấu vết cư trú sớm có diện tích khá lớn, trải rộng ở phần phía bắc của nội thành Trà Kiệu và tập trung nhất ở chân núi Bửu Châu, dấu tích cư trú và kiến trúc muộn hơn phủ lên cư trú sớm và mở rộng ở nhiều điểm, hoạt động cư trú muộn hơn cùng với các công trình kiến trúc nhiều thời kỳ đã làm xáo trộn và phá huỷ tầng cư trú sớm.
Dấu vết cư trú ở Trà Kiệu có thể được phân thành hai thời kỳ dựa vào di tích và di vật, thời kỳ sớm từ giữa thế kỷ 1 Công nguyên đến thế kỷ 3 Công nguyên, tương ứng với thời kỳ kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh và thành lập Lâm Ấp, thời kỳ muộn từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 7, 8 Công nguyên và kéo dài sau đó, tương ứng với thời kỳ Lâm Ấp – Chămpa. Địa tầng khảo cổ, di tích và di vật trong địa tầng cho thấy giữa hai thời kỳ này không có sự gián đoạn và đứt gãy văn hoá, chỉ là sự diễn biến nội tại phản ánh một quá trình sinh sống liên tục với những biến đổi trong cả lĩnh vực văn hoá vật chất và tinh thần.
Trong thời kỳ sớm đã xuất lộ một số công trình kiến trúc gỗ (kiểu nhà có sàn bằng gỗ như Gò Cấm), mái lợp ngói mặt bụng in dấu vải, hoặc bằng chất liệu thực vật nào đó, đây chủ yếu là những kiến trúc công cộng, hành chính và dân dụng, chưa thấy biểu hiện rõ nét của kiến trúc tôn giáo và tâm linh.
Tất cả các công trình kiến trúc xây gạch, lợp ngói in khuôn hay dải cuộn, mặt bụng không có dấu vải, mặt lưng có vết chải sâu và đầu ngói ống trang trí mặt người, linh thú, hoạ tiết hoa lá... đều thuộc thời kỳ muộn hơn, những công trình này có thể có chức năng liên quan đến thủ phủ của Lâm Ấp và sau đó là kinh thành Simhapura của Chămpa Amaravati trong lịch sử.
Luỹ thành Trà Kiệu: Những kết quả cắt tường thành Nam và Đông của thành Trà Kiệu cho biết về kỹ thuật đắp thành, kết cấu lõi thành được nện bằng đất sét thuần, với nhiều lớp. Hai bên được xây ốp bằng hai tường gạch, mặt cắt ngang của đoạn tường thành cho thấy có nhiều giai đoạn xây dựng hoặc trùng tu. Một số dấu tích của nền sỏi bên trên bờ gạch xây tường Đông phát hiện trong đợt khai quật năm 2013 được cho có thể liên quan đến “điếm canh”, “trạm gác”... hay mái che dọc bờ thành? (Nguyễn Kim Dung và cộng sự 2014: 667-668), 01 mẫu lấy ở khai quật tường thành Đông phân tích tại Nhật Bản cho kết quả 1.730 ± 20BP (Mariko YAMAGATA và cộng sự, 2013: 666). Dựa vào kỹ thuật xây thành và hiện vật khảo cổ, có thể cho rằng thành Trà Kiệu có niên đại khởi xây từ khoảng đầu thế kỷ thứ 4 CN, niên đại sớm nhất của tường thành Nam và Đông này tương đương với niên đại đầu của tầng văn hoá trên Trà Kiệu, thành đã được sửa chữa và đắp lại vài lần ở những giai đoạn muộn hơn.
Niên đại của phức hợp Thành luỹ - Cư trú – Đền tháp Trà Kiệu có thể được phác như sau:
Cư trú ở Trà Kiệu: Sớm nhất là từ TK 1 CN và kéo dài qua giai đoạn Lâm Ấp - Chămpa, Chămpa, Đại Việt.
  Các toà thành: Khởi xây từ cuối TK 3 đầu thế kỷ 4
  Dấu tích kiến trúc gỗ, lợp ngói in dấu vải từ TK 2
  Dấu tích kiến trúc gạch, ngói, đầu ngói ống: Từ sau thế kỷ 3
  Dấu tích đền tháp gạch và điêu khắc đá:  Từ thế kỷ 7 về sau
  Như vậy có thể nhận thấy, những nhóm di tích Chămpa giai đoạn Lâm Ấp và Chămpa khu vực Hội An có mối liên quan mật thiết với nhóm di tích cùng thời ở vùng Duy Xuyên, đặc biệt là Trà Kiệu và tạo thành một khu vực văn hoá – kinh tế - chính trị có quy mô lớn và quan trọng ở hạ lưu sông Thu Bồn trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Sự có mặt của những di tích này củng cố thêm vị trí quan trọng của lưu vực sông Thu Bồn những thế kỷ trước và  cận kề Công nguyên và giúp khẳng định chắc chắn hơn Trà Kiệu là trung tâm hành chính-chính trị của Chămpa thời kỳ Lâm Ấp và muộn hơn.
Cổ Luỹ - Phú Thọ và những dấu vết văn hoá thế kỷ 1-5 Công nguyên ở lưu vực sông Trà Khúc (Quảng Ngãi)
Khu vực núi Phú Thọ- Cổ Lũy đã được H. Parmentier khảo tả sơ bộ vào đầu thế kỷ 20, phía trước núi Bàn Cờ đã tìm thấy một lanh tô và một bò Nandin, trên lanh tô này có hình tượng Visnu giống như trên lanh tô tìm thấy ở tháp E1, Mỹ Sơn và ông cũng đã khảo sát phế tích thành Cổ Lũy mà theo ông là tiền đồn của thành Châu Sa (Parmentier 1909: 234-235). 
Những kết quả nghiên cứu những năm 1998 và 2004 (Lâm Thị Mỹ Dung cộng sự 2009: 45-62) cho thấy đây cũng là phức hợp di tích cư trú thành đền tháp lớn. Cư trú được phân thành hai thời kỳ, thời kỳ sớm - tầng văn hoá dưới II, dày khoảng 0.70cm, gồm các lớp đào từ 9-14 và không có vết tích kiến trúc gạch, ngói, có một số vết tích liên quan đến sinh hoạt của người xưa như bếp và hố cột, niên đại từ cuối thế kỷ 1 đến thế kỷ 3 CN. Thời kỳ muộn- tầng văn hoá trên I, dày khoảng 0.80m chứa vết tích của hai thời kỳ kiến trúc sớm và muộn, niên đại từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 7.
 Từ kết quả khai quật có thể dựng lại quá trình hình thành văn hoá vật chất của cư dân cổ. Trên nền sinh thổ loại đất lẫn đá Granit phong hóa (mặt bằng cách bề mặt giông đất hiện tại gần 2 m- có lẽ là thềm bậc cao của sông Trà Khúc- di tích nằm ở khu vực ngã ba sông Trà Khúc và Phú Thọ, ngay cửa sông Trà đổ ra biển- Cửa Đại), lớp cư dân giai đoạn sớm đã tụ cư sinh sống ở đây từ khoảng cuối thế kỷ 1 đầu thế kỷ 2 đến thế kỷ 3 Công nguyên. Trong đồ gốm mà họ sử dụng hàng ngaỳ có lưu giữ một số truyền thống của dòng gốm văn hóa Sa Huỳnh trước đó, một số đồ trang sức- tức các hạt chuỗi bằng vàng, thủy tinh, và bằng chất liệu chưa xác định tiếp tục được sản xuất và sử dụng. Loại hạt chuỗi Indo-Pacific này đã tìm thấy trong các địa điểm của văn hoá Sa Huỳnh và tiếp tục tồn tại những địa điểm muộn hơn, như Nam Thổ Sơn, Tp. Đà Nẵng (TK 10-11), Bãi Làng, Cù Lao Chàm ( TK 9-10)...
Cư dân sinh sống liên tục ở đây, vào khoảng thế kỷ 4, khi ảnh hưởng từ bên ngoài gia tăng, đặc biệt là ảnh hưởng của các tôn giáo từ Ấn Độ, họ đã xây dựng những công trình kiến trúc tâm linh đầu tiên, những công trình thời kỳ sớm có qui mô lớn, qui chỉnh, có những gia hạ của móng? dày gần một mét được xử lý kỹ càng đào vào sinh thổ/đất cái (điển hình là F 9). Khi xây dựng những công trình kiến trúc sớm này, người ta đã phá huỷ lớp cư trú sớm hơn gây ra một số xáo trộn cục bộ được nhận biết qua địa tầng và di vật. Lớp kiến trúc sớm có niên đại khoảng cuối thế kỷ 3, việc xác định niên đại dựa trên so sánh di vật tìm thấy ở đây với những di vật trong các địa điểm Trà Kiệu (Quảng Nam), Thành Hồ (Phú Yên). Lớp kiến trúc này sau đó đã bị phá huỷ và được thay thế bằng những kiến trúc của thời kỳ muộn hơn mà vết tích chỉ cách bề mặt hiện nay từ 15-20cm. Lớp này cũng đã bị phá hủy nghiêm trọng và hầu như tại khu vực của di tích không thấy những hiện vật có niên đại muộn hơn thế kỷ thứ 7, niên đại của lớp kiến trúc muộn khoảng thế kỷ thứ 4, những đầu ngói ống trang trí mặt người gắn với kiến trúc giai đoạn muộn cho thấy những tương đồng với những hiện vật tương tự ở Trà Kiệu, Thành Hồ và ở Nam Kinh có niên đại Lục Triều sớm giúp định niên đại những vết tích kiến trúc thời kỳ muộn này.
Tại đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré), Quảng Ngãi đã phát hiện những dấu tích vật chất của thời kỳ Chămpa sớm tương đương với lớp dưới cùng và lớp dưới Trà Kiệu (Phạm Thị Ninh và cộng sự: 14-39), sự có mặt của loại bình hình trứng ở đây cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa đất liền và hải đảo trong giai đoạn sớm của văn hoá Chămpa.
Cơ tầng Chămpa sớm và Chămpa đảo Lý Sơn cùng với những phát hiện trong đất liền minh chứng vai trò quan trọng của sông Trà Khúc, duyên hải và đảo ven bờ Quảng Ngãi trong quá trình hình thành những trung tâm chính trị - kinh tế đầu Công nguyên. Những phát hiện ở đảo Lý Sơn còn cho thấy sự phát triển văn hoá liền mạch từ Sơ sử sang Lịch sử sớm. 
Cổ Lũy cùng với Trà Kiệu (Quảng Nam), Thành Hồ (Phú Yên)... tạo thành một hệ thống di tích thành lũy đa chức năng thuộc giai đoạn Chămpa sớm (hay giai đoạn hình thành nước Lâm Ấp) và giai đoạn muộn hơn(giai đoạn Chămpa). Trong đó, thuộc giai đoạn sớm (tầng văn hoá dưới) là khu vực cư trú, ở Trà Kiệu có thể có kiến trúc gỗ lợp ngói văn thừng in dấu vải, ở Cổ Luỹ-Phú Thọ và Thành Hồ chưa phát hiện thấy dấu tích liên quan đến kiến trúc gỗ, lợp ngói sớm ngói in dấu vải như Gò Cấm hay Trà Kiệu, kiến trúc xây gạch và lợp ngói (loại ngói muộn, không có dấu vải ở mặt bụng) và luỹ thành bắt đầu từ tầng văn hoá muộn (từ sau thế kỷ 3).
 Những phát hiện khảo cổ học ở những địa điểm này một mặt cho thấy có sự tương đồng về văn hóa vật chất và đời sống tâm linh của cư dân ở các vùng khác nhau ngay từ giai đoạn sớm, mặt khác lại thể hiện kết quả của các mối quan hệ với thế giới bên ngoài cả từ phía Bắc và cả từ phía Nam.  
Kết quả khai quật Cổ Luỹ, Trà Kiệu và kết quả khảo sát một số thành cổ của Champa như tháp Bình Lâm (Bình Định), thành Hồ cho thấy những công trình kiến trúc tâm linh, công cộng và thành của các nhóm cư dân vương quốc Chămpa thường được xây dựng trên cơ tầng cư trú sớm hơn. Hiện tượng này cũng không phải hiếm gặp ở Đông Nam Á , ví dụ như cuộc khai quật ở Angkor Borei cho thấy kiến trúc xây bằng gạch được xây dựng trên nền cư trú sớm hơn (Miriam Stark 1998: 189-195).
Toàn bộ khu vực Cổ Luỹ - Phú Thọ là phức hợp di tích lớn về cả quy mô lẫn chức năng và nằm ở địa thế cao (trên các giồng đất) ở vị trí ngã ba sông sát cửa biển và là tổ hợp di tích đa chức năng kinh tế-chính trị- quân sự-tôn giáo, tại đây có cả thành, đền tháp và những điểm cư trú lớn. Những đặc điểm di tích và di vật trong các cuộc khai quật và những phát hiện điêu khắc kiến trúc cho thấy quy mô của Cổ  Luỹ - Phú Thọ  không kém so với Trà Kiệu. Cổ Luỹ - Phú Thọ có nhiều khả năng là trung tâm hành chính-chính trị của một chính thể nhà nước sớm dạng mandala tương dồng và tương đương Lâm Ấp. Giữa hai vùng/trung tâm này có mối liên tương chặt chẽ và có cùng quá trình chuyển biến kinh tế chính trị trong những thế kỷ đầu Công nguyên.
 Tuy nhiên ở thời điểm nghiên cứu hiện nay chúng ta chưa thể xác định được Cổ Luỹ - Phú Thọ cùng với những di tích Chămpa sớm ở lưu vực sông Trà Khúc tạo thành một trung tâm chính trị - kinh tế thuộc về nước /tiểu quốc nào ghi trong thư tịch cổ (hay một nhà nước sớm dạng mandala nào đó giống Lâm Ấp).
Lưu vực sông Ba- Đà Rằng
Phức hợp di tích cư trú thành luỹ Chămpa, nay thuộc địa phận thôn Định Thọ, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên, cách thị xã Tuy Hoà 12km, nằm bên bờ Bắc (tả ngạn) của sông Ba (Đà Rằng) và cách cửa sông Đà Rằng 15km về hướng Đông.
Thành Hồ đã được miêu tả khá kỹ trong cuốn “Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung Kỳ” của H. Parmentier, theo khảo tả này, từ những năm đầu thế kỷ XX, khu thành có hình vuông, mỗi cạnh độ 700m, bờ thành Nam đã bị mất từng phần do sông xói lở, ba bờ thành còn lại được nhận biết qua những dải đất đắp cùng với các gò, các cửa… Khoảng tam giác nằm giữa ngọn núi, toà thành và con sông được bảo vệ bởi một bức tường thành xiên dọc chiều sườn đồi, mặt Bắc có sáu tháp canh, mặt Đông có bảy kể cả cái ở góc. Giữa mặt Đông có một pháo đài phòng ngự, rộng 17,5m, dài từ 10m-13m, dọc theo luỹ pháo đài được xây bằng gạch lớn, tường dày 1,7m, mặt Nam tuy đã bị sụt lở, song phía Tây còn lại ụ đất, trong đó ụ đất ở góc có thể cũng là tháp canh.
Những kết quả nghiên cứu từ năm 2000 đến nay cho thấy toà thành được xây dựng trên một khu cư trú Chămpa sớm, dấu tích của khu cư trú này được tìm thấy ở nhiểu điểm bên trong và bên ngoài luỹ thành như  phía dưới Cột Cờ, trong khu vực nhà ông Nguyễn Sáu (ôngSáu Ất), thôn Định Thọ, phía bờ thành Tây, Thổ Đạo hay Hưng Đạo, bờ thành Đông, đoàn đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm, song chưa phát hiện thấy tầng văn hoá. Nhóm gốm có nhiều loại hình như bình, vòi Kendi, cà ràng… một số bình vò có thân trang trí văn in ô vuông, sóng nước, hồi văn, xương cá… những hiện vật gốm này khá giống các loại hình gốm Chămpa ở tầng văn hoá trên của di chỉ Trà Kiệu, Cẩm Phô và một số di tích Chămpa khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Bên trong thành có nhiều công trình kiến trúc dân dụng và tâm linh chủ yếu được xây bằng gạch, lợp ngói... dựa vào loại hình, chất liệu, trang trí của vật liệu xây dựng, chi tiết trang trí kiến trúc và những đồ đất nung, kim loại... kèm theo, những người nghiên cứu xác định toà thành được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 4, thứ 5 CN và được sử dụng trong một thời gian dài sau đó dựa vào niên đại của kiến trúc và điêu khắc tìm thấy ở đây[6].
Kết quả của những nghiên cứu và khai quật cho thấy, thành Hồ được xây dựng sớm trong lịch sử Chămpa, có quy mô xây dựng lớn, thành là một công trình kiến trúc hoàn thiện, một trung tâm lớn của cư dân Champa trong thời kỳ đầu lịch sử và có thể là trung tâm chính trị, kinh tế của một vùng-tiểu quốc, trung tâm này được xây dựng và phát triển rực rỡ không thua kém bất cứ một trung tâm nào của cư dân vương quốc Chămpa, tương đương với kinh đô Trà Kiệu (Quảng Nam) (Lê Đình Phụng và cộng sự 2004: 35). 
Dấu tích Chămpa sớm ở thượng nguồn sông Ba: Tại địa điểm Bang Khleng ở vùng Ayunpa, tỉnh Gialai, những người khai quật đã phát hiện đầu ngói trang trí mặt hề thế kỷ 3,4 ở một đền tháp nhỏ xây bằng gạch[7] những đầu ngói này giống những đầu ngói tìm thấy ở lớp văn hoá trên của Trà Kiệu, Cổ Luỹ - Phú Thọ, Thành Hồ...
Kết quả khảo sát thực địa và nghiên cứu so sánh loại hình di vật của thành Hồ với Trà Kiệu, Gò Cấm, Cổ Luỹ-Phú Thọ... cho thấy niên đại thế kỷ 5-7 Công nguyên mà các nhà nghiên cứu đưa ra là niên đại của bản thân toà thành và những công trình kiến trúc của thành, thành Hồ được xây dựng trên khu vực cư trú sớm hơn, có thể khu cư trú này tương đương với lớp dưới của Trà Kiệu và Cổ Luỹ-Phú Thọ, có niên đại từ khoảng thế kỷ 2 CN. Sự có mặt của đầu ngói ống hình mặt hề có niên đại Lục Triều sớm (thế kỷ 3) tại Thành Hồ giống như những đầu ngói ống tương tự ở Trà Kiệu và Cổ Luỹ-Phú Thọ giúp chúng tôi đưa ra nhận định chung về niên đại xuất hiện của những di tích kiến trúc sử dụng đầu ngói ống loại này trong văn hoá Chămpa là từ thế kỷ thứ 3 CN.
Sự đồng nhất trong tiêu chuẩn loại hình và kỹ thuật chế tác của những vật liệu xây dựng, kiến trúc như đầu ngói ống, gạch, ngói giai đoạn muộn (loại làm bằng dải cuộn, khuôn in, mặt bụng không có dấu vải, lưng có dấu văn chải, văn thừng, in ô vuông), gốm hình con tiện, chốt/đinh gốm của thời kỳ này (từ sau thế kỷ 3) cho thấy có sự thống nhất tương đối giữa các trung tâm kinh tế - chính trị của của các chính thể nhà nước sớm và nhà nước phát triển hình thành và phát triển từ sau thế kỷ 2.
3.     Một số thay đổi trong không gian xã hội từ Sa Huỳnh tới Chămpa sớm qua nghiên cứu phân bố và tính chất của các địa điểm khảo cổ học
Những lãnh địa Sa Huỳnh
Trên dải đất miền Trung ngay từ thời tiền, sơ sử đã tồn tại cơ tầng văn hoá vật chất tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh. Cơ tầng văn hoá này như đã trình bày ở trên dù có nhiều nét chung nhưng cũng thể hiện tính địa phương vùng miền rõ nét. Những đặc thù sinh thái và địa hình miền Trung có vai trò quyết định đối với sự phân đoạn và phân vùng văn hoá này. Những lãnh địa thời Sa Huỳnh về cơ bản ứng với những loại hình văn hoá địa phương Bắc Sa Huỳnh, Nam Sa Huỳnh và có thể có cả vùng hay loại hình Trung Sa Huỳnh (Bình Định và một phần Phú Yên hiện nay). Ngoài ra có thể còn có một số lãnh địa nhỏ hơn ở những vùng núi trong không gian văn hoá Sa Huỳnh, nghĩa là có những lãnh địa lớn nhỏ khác nhau phân bố theo chiều bắc nam và tây đông.
So sánh các nền văn hoá thời Sơ sử trên lãnh thổ Việt Nam (Đông Sơn, Sa Huỳnh và Đồng Nai), văn hoá Sa Huỳnh mang tính đa dạng lớn hơn so với văn hoá Đông Sơn và sự phát triển của văn hoá Sa Huỳnh vẫn còn ở dạng đặc thù. Kết hợp tư liệu khảo cổ về sự chưa thống nhất cao của văn hoá Sa Huỳnh với xem xét thông tin từ những thư tịch cổ Trung Hoa về sự tồn tại của các nước như Hồ Tôn, Chi Kỳ Quốc, Bà Lị, Thù Nại, Xích Thổ trong khu vực phân bố của văn hoá Sa Huỳnh và Đồng Nai, Diệp Đình Hoa đi tới kết luận rằng đây là những tiểu “vương quốc” độc lập, hay là những khu vực độc lập của những nhóm tộc người của một xã hội phát triển nhưng chưa cần đến nhà nước, những nhóm xã hội chưa cần đến nhà nước này vẫn còn ở vị trí độc lập, truyền thống xã hội của mình vẫn được bảo lưu một cách đậm nét dưới sự đa dạng (cát cứ cố hữu) (Diệp Đình Hoa 2004: 830).
Những chứng cứ khảo cổ thời sơ sử cho thấy về sự xuất hiện sớm và lớn mạnh của những lãnh địa ở một số vùng miền Trung Việt Nam, những khám phá khảo cổ học bắt đầu đánh dấu sự tiến hoá của những lãnh địa qua biểu đồ lớn mạnh của phân tầng chính trị trong những mẫu hình cư trú vùng đã được nghiên cứu và những khai quật ở những trung tâm lãnh địa lớn dọc theo những hệ thống sông quan trọng. Nghiên cứu khảo cổ học ở miền Trung đã bắt đầu chú trọng đến quá trình phân hoá xã hội mở rộng phản ánh trong việc phân bố của những hàng hoá biểu thị địa vị, thân thế trong những khu mộ táng và nơi cư trú, sự lớn mạnh của những hệ thống chuyên nghiệp phát triển của việc chuyên hoá sản xuất gốm và kim loại, những thay đổi trong mức độ to lớn, tiếp cận địa lý, và tính phức hợp của mạng lưới buôn bán sông, biển và sự mở rộng hội lễ và những dạng khác của cạnh tranh hàng hoá biểu thị địa vị, thân thế. Những nghiên cứu khảo cổ học loại này bắt đầu đề cập tới hàng loạt những yếu tố dân số, sinh thái, xã hội, kinh tế, tư tưởng bản địa đóng góp vào sự hình thành và quá trình tiến hoá của những xã hội phức hợp tiền nhà nước ở miền Trung Việt Nam cũng như ở Việt Nam.
Dù vậy, quá trình tiến hoá chính trị- xã hội ở miền Trung Việt Nam không phải là hiện tượng đơn lẻ, những lãnh địa Sa Huỳnh liên kết với nhau và với bên ngoài qua trao đổi văn hoá, chính trị và kinh tế bằng đường biển và đường sông, sự đa dạng về sinh thái ở đây có thể đã ảnh hưởng đến sự phát triển sớm của hệ thống kinh tế chuyên hoá và trao đổi tài nguyên giữa vùng thấp và vùng cao, giữa những cư dân ven bờ với cư dân sâu trong nội địa và giữa cư dân trong đất liền với cư dân ở các đảo riêng biệt về sinh thái. Theo tài liệu lịch sử và sinh thái học, chiến lược cộng sinh giữa sinh thái và kinh tế kiểu này thúc đẩy mối kết nối phức hợp văn hoá từ những xã hội hái lượm nhiệt đới quy mô nhỏ đến những cư dân của các cộng đồng tập trung với mật độ đậm đặc hơn, của những người làm nông nghiệp nương rẫy ở vùng cao với những người làm nông nghiệp thâm canh ở vùng thấp và tích hợp cư dân buôn bán vùng ven biển vào những chính thể ở mức lãnh địa với tính phức hợp đa dạng ở phần lớn các lưu vực sông lớn.
Từ lãnh địa Sa Huỳnh tới những mandala/tiểu quốc Chămpa sớm và Chămpa
Đối lập với cách nhìn truyền thống lấy mô hình nhà nước tập quyền Trung Hoa làm chuẩn đánh giá bản chất các nhà nước ở Đông Nam Á, hiện nay số đông nhà nghiên cứu đều phê phán sử liệu Trung Hoa viết về bản chất các nhà nước sớm như Lâm Ấp, Phù Nam... ở Đông Nam Á. Theo họ, khi viết về những nhà nước sớm này, các sử gia Trung Hoa đã dùng quan điểm và tiêu chuẩn mô hình nhà nước theo kiểu Trung Hoa để mô tả và do vậy đã làm người đời sau hiểu sai thực chất của vấn đề. Những tài liệu nghiên cứu cả khảo cổ học, cả dân tộc học so sánh đều chứng minh những nhà nước sớm ở Đông Nam Á có một thể chế chính trị khá lỏng lẻo, không tập trung quyền lực và đa dạng về tộc người-ngôn ngữ-văn hoá, yếu tố chính không phải là lãnh thổ mà chính là quản lý và duy trì nhân công[8].
Quá trình hình thành và lớn mạnh của những chính thể nhà nước ở Đông Nam Á cũng thể hiện tính không đồng nhất và mức độ đa dạng cao cũng như đặc thù mang tính địa phương. Những điều này có nguồn gốc từ vị thế địa lý, tính chất tiếp xúc và giao lưu văn hoá, tác động của bên ngoài và sự biến động của thành phần dân cư. Từ góc độ này, khi nghiên cứu Lâm Ấp (và cả một số nhà nước sớm hình thành đồng thời với Lâm Ấp ở một số lưu vực sông lớn của miền Trung Việt Nam) trong khoảng thời gian 2 đến 3 thế kỷ đầu Công nguyên- nằm trong luồng tiếp xúc cưỡng bức mạnh mẽ với văn hoá Hán- chúng ta cần chú ý ít nhất hai điểm sau:
i.                           Lâm Ấp được thành lập từ sự kiện Khu Liên khởi nghĩa chống lại chính quyền nhà Hán ở Nhật Nam. Điều này cho thấy rất rõ ràng rằng trước thời điểm hình thành Lâm Ấp, vùng đất thuộc quận Nhật Nam đã có những hình thức tổ chức chính quyền. Hình thức này mặc dù dựa trên cơ sở quyền lực thủ lĩnh địa phương nhưng ở một mức độ nhất định đã có những cơ sở tổ chức chính quyền theo kiểu Trung Hoa, có thể chỉ là vùng đất trực thuộc lỏng lẻo nhưng vẫn mang tính trực thuộc. Xã hội thời kỳ này (sau Sa Huỳnh - Tiền Lâm Ấp) dù sao cũng là xã hội phân tầng cao hơn, phức hợp hơn so với Sa Huỳnh gồm nhiều mức đưa ra quyết định nếu xét từ tiêu chí cấp đưa ra quyết định của một xã hội chuyển hoá sang dạng nhà nước.
ii.                         Chính quyền của Khu Liên (hay sự khởi thành của một dạng chính thể nhà nước của những cư dân bản địa chống lại sự cai trị của chính quyền Hán) được lập nên từ kết quả lật đổ chính quyền cũ song chính quyền này không thể bắt đầu từ một khởi đầu hoàn toàn mới và hoàn toàn khác (so với cái đã có từ trước) mà chắc chắn đã kế thừa nhiều cách thức tổ chức hành chính và cai trị của chính quyền Nhật Nam. Những tư liệu khảo cổ về thành luỹ, nhà cửa, đồ gốm... giai đoạn thế kỷ 1-4,5 CN tìm thấy ở miền Trung được trình bày ở phần trên và những ghi chép trong thư tịch cổ cho thấy sự hiện tồn và vai trò đáng kể của những yếu tố văn hoá Trung Hoa trong các xã hội lúc bấy giờ[9].  
iii.                      Dù được gọi dưới bất cứ tên nào thì về cơ bản những nhà nước sớm từ cận kề Công nguyên như Lâm Ấp và những nhà nước khác đều toạ lạc trên đúng những lãnh địa Sa Huỳnh ở các lưu vực sông, kế thừa cả về ứng xử sinh thái và cả về ứng xử văn hoá của những lãnh địa đó. Mandala Chămpa giai đoạn Lâm Ấp và Chămpa là sự nâng cấp, mở rộng và phát huy lãnh địa Sa Huỳnh.    
Như vậy, từ Sa Huỳnh tới Lâm Ấp (và những chính thể tương đương Lâm Ấp) đến Chămpa một mặt phản ánh tính chất của sự chuyển biến văn hoá nội tại, một sự chuyển đổi từ truyền thống bản địa ở mức lãnh địa sang việc chọn lựa mô hình chính trị mới, mặt khác phản ánh sự gia nhập của những yếu tố văn hoá mới từ bên ngoài. Những yếu tố này bao gồm chủ yếu
i.                           Sự chuyển dịch của các nhóm cư dân cả người Nam Đảo, cả người Đông Sơn Nam tiến- ở đây có sự tham góp của văn hoá Việt gồm Việt Đông Sơn và Việt sau Đông Sơn, nhưng điều này không hàm ý Lâm Ấp tách ra từ Âu Lạc như ý kiến của một số học giả (Diệp Đình Hoa 2003: 14,115, 641, 661; Nguyễn Duy Hinh 2007: 419). Lâm Ấp và Âu Lạc là hai thực thể độc lập có nền tảng văn hoá vật chất phát triển ngang nhau nhưng khác nhau, cả hai đều có quan hệ tiếp xúc với nhau và dù luồng Âu Lạc vào Lâm Ấp là luồng chính nhưng không phải vì thế mà chúng có cùng nguồn gốc;
ii.                        Sự hiện diện có thực của chính quyền Hán ở vùng đất Nhật Nam (cho đến Phú Yên[10]) trong vài ba thế kỷ đầu Công nguyên và sự mở rộng của mạng lưới trao đổi buôn bán quốc tế trên biển Đông.
iii.                      Sự tiếp nhận những quan điểm về tổ chức nhà nước Hindu giáo từ sau thế kỷ 4. Hindu giáo được đưa vào Chămpa cuối TK 4 và vua Bhadravarman/ Fan Hu-ta/ Phạm Hồ Đạt đã dựng đn thờ Hindu ở Mỹ Sơn.
Từ Lâm Ấp và những chính thể tương đương Lâm Ấp đến Chămpa là một quá trình diễn biến văn hoá liên tục và dần dần. Không phải là sự thay thế theo kiểu cơ học mà là sự chuyển biến từ lượng thành chất bắt nguồn từ luồng văn hoá bản địa dưới tác động của nhiều yếu tố ngoại sinh và đặc biệt là vai trò quan trọng của sự tiếp xúc, trao đổi và ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ và Đông Nam Á[11].
Nhận xét
Miền Trung Việt Nam do vị thế mở của mình và cũng do những nguyên nhân lịch sử là nơi cập bến của nhiều lớp cư dân khác nhau, đặc điểm này đã tạo ra các lớp văn hoá chồng xếp theo kiểu cơ học (nếu chỉ xét trên bề mặt), song thẩm thấu lẫn nhau (nếu xét ở tầng sâu). Cây phổ hệ văn hoá Miền Trung (ý của GS. Trần Quốc Vượng), có trục văn hoá chính song cũng có nhiều nhánh, cành, nguồn văn hoá phụ, bên cạnh những mối quan hệ nội sinh, lịch đại cần lưu ý vai trò của tiếp xúc văn hoá, chuyển dịch dân cư với bên ngoài qua đường biển và đất liền. Nghiên cứu so sánh mối quan hệ Sa Huỳnh Chămpa thời Sơ sử và mối quan hệ văn hoá Chămpa- Đại Việt thời Lịch sử chắc chắn sẽ thấy không ít tương đồng, yếu tố cũ biến mất hay thẩm thấu vào yếu tố mới, cần một thời gian bao lâu và những điều kiện gì để cũ với mới hợp thành những yếu tố khác và bên cạnh quá trình ngoại sinh hoá những yếu tố nội sinh chắc chắn là quá trình địa phương hoá những yếu tố ngoại sinh và vấn đề chìa khoá ở đây là tỉ lệ phần trăm giữa hai quá trình đó trong việc hình thành và phát triển của văn hoá kế tiếp
Kiểu thức phân bố và tính chất của các địa điểm khảo cổ học cho thấy quá trình hình thành và mở rộng không gian sinh tồn đa dạng phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái cũng như cách thức hội nhập phù hợp với bối cảnh chính trị-kinh tế khu vực của các cộng đồng cư dân văn hoá Sa Huỳnh đã được kế thừa và phát huy ở những giai đoạn sau. Cùng với sự chuyển dịch của dân cư từ bên ngoài vào, áp lực chính trị từ Trung Hoa, tiếp xúc với Nam Á và sự phát triển nội tại đã dẫn đến quá trình kết tinh và thể chế hoá kinh tế-chính trị từ sau Công nguyên dẫn đến sự hình thành của những nhà nước sớm, từ góc độ môi trường địa lý - sinh thái, những nhà nước sớm Chămpa đã cho thấy sự tái chọn lựa không gian chính trị xã hội của những lãnh địa thời Sa Huỳnh.
Quá trình chuyển biến từ các văn hóa sơ sử sang những nhà nước sớm, quá trình hội nhập và kết tinh những tiểu quốc vào trong một dạng chính thể liên kết chặt chẽ hơn và thống nhất hơn như vương quốc Chămpa (Nagara Champa) ở Trung và Nam Trung Bộ, vương quốc Phù Nam ở Hạ lưu sông Mê công có không ít quan điểm và diễn giải khác nhau. Tuy nhiên, giữa các quan điểm này nổi bật lên sự đồng thuận trong đánh giá vai trò đáng kể của điều kiện môi trường sinh thái, kinh tế (như yếu tố biển, vị thế trung điểm của miền Trung, miền Nam Việt Nam trên tuyến đường giao thương biến quốc tế và những luồng di chuyển của dân cư, đặc biệt là của cư dân ngữ hệ Nam Đảo) và điều kiện chính trị (mối quan hệ với Trung Quốc, với miền Bắc Việt Nam, với Đông Nam Á hải đảo và với Nam Á)... tác động tới quá trình hình thành nhà nước và lựa chọn mô hình chính trị của các cộng đồng dân cư.   
Kết hợp nghiên cứu so sánh tư liệu dân tộc học, thư tịch và khảo cổ không chỉ riêng của miền Trung Việt Nam mà của cả Đông Nam Á chúng tôi cho rằng quá trình hình thành nhà nước sớm ở miền Trung Việt Nam có một số đặc điểm. Đó là:
i.                           Chịu tác động của sự phát triển chung của khu vực, sự dịch chuyển của các dòng dân cư, văn hoá và đặc biệt là sự truyền bá của những học thuyết chính trị, những tôn giáo mới từ đầu Công nguyên;
ii.                        Sự hiện diện (trực tiếp và gián tiếp) của chính quyền nhà Hán ở vùng đất quận Nhật Nam từ cuối thế kỷ I TCN và đặc biệt là thời kỳ 1,2 CN.
 Những nhà nước sớm nhất ở miền Trung Việt Nam dù trên cơ sở kế thừa cơ cấu lãnh địa Sa Huỳnh bản địa nhưng đã được hình thành do kết quả tương tác với những lực lượng chính trị từ bên ngoài, trước hết là từ Đông Hán và sau đó với Ấn Độ, Đông Nam Á...
  Nhà nước Lâm Ấp (và có lẽ cả những chính thể khác tương đương, tương đồng Lâm Ấp) hiện diện trên dải đất miền Trung được hình thành từ một chuỗi các tiếp biến chính trị (đối đầu, phản kháng, học hỏi, thâu nhận) bản địa - ngoại sinh. Ghi chép trong thư tịch cổ, tài liệu khảo cổ từ những địa điểm lịch sử sớm ở các vùng lưu vực sông Hương, Thu Bồn, Trà Khúc, Ba, Đà Rằng đều xác nhận sự hiện diện của những trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế được cấu trúc ban đầu phỏng theo mô hình Trung Hoa, mỗi trung tâm này ứng với một tiểu quốc dạng mandala, từ sau khi hình thành những tiểu quốc mandala này dần hướng về quỹ đạo văn hoá Ấn Độ và Đông Nam Á.    



Bài viết sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài “Một số vấn đề xã hội Champa qua nghiên cứu khảo cổ học”, mã số  IV1.2-2012.18, Quỹ NAFOSTED


Tài liệu trích dẫn
Trần Quốc Vượng (chủ biên). 1985. Những di tích Tiền, Sơ sử ở Quảng Nam –Đà Nẵng. Đà Nẵng.



----------------------------------------------------------------------------------------------------



Nguồn minh hoạ trong bài
Bản đồ 1: Bộ môn Khảo cổ học
Bản đồ 2: Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học)
Sơ đồ 1: Nguyễn Hữu Mạnh (Bộ môn Khảo cổ học) và Nguyễn Văn Quảng (Đại học Khoa học Huế)



[1] Chuyển ngữ khái niệm chiefdom hiện đang được sử dụng ở Đông Nam Á để chỉ những chính thể dạng nhà nước sơ khai giai đoạn cận kề Công nguyên.
[2] Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo tôi cụm di tích này đánh dấu biên giới phía bắc không gian phân bố văn hoá Sa Huỳnh, dù chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn kề cận thì xét từ đặc điểm sinh thái văn hoá, lối cư trú, lối chôn cất đến bộ di vật nhiều chất liệu khác nhau về cơ bản mang đầy đủ yếu tố văn hoá Sa Huỳnh. 
[3] Ở cực nam là những nhóm di tích mộ chum, vò vùng đất đỏ Xuân Lộc, Đồng Nai và vùng ven biển Bà Rịa, Vũng Tàu (Giồng Lớn), vùng Cần Giờ, TP.HCM (Giồng Cá Vồ).  Về ranh giới phía nam của văn hoá Sa Huỳnh, đặc biệt là về vị trí, tính chất của những cụm mộ chum ở Đông Nam Bộ và khu vực Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, theo Đặng Văn Thắng, Nguyễn Thị Hậu khu cư trú và mộ chum ở Cần Giờ nên được phân lập thành một loại hình văn hoá riêng, văn hoá Giồng Phệt (Nguyễn Thị Hậu 2007), một số người khác lại cho rằng mộ chum ở miền Nam Việt Nam (lưu vực sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ) là một dạng địa phương của văn hoá Sa Huỳnh hay là kết quả sự lan toả và hội nhập giữa truyền thống văn hoá Đồng Nai và văn hoá Sa Huỳnh.
[4] Dựa vào số liệu thống kê đồ chôn theo mộ, đặc biệt là đồ làm bằng chất liệu kim loại, thuỷ tinh, đá quý, tỉ lệ đồ nhập ngoại, đồ sản xuất tại chỗ, khu mộ Lai Nghi cho thấy có ít nhất ba/bốn mức/cấp độ phân hoá tài sản và địa vị và sự hiện diện của ngôi mộ đặc biệt, mộ số 37 với bộ đồ nghi lễ bằng đồng Sơ kỳ Đông Hán và trang sức mã não có nguồn gốc Ấn Độ - một kiểu mộ thủ lĩnh địa phương? (Lâm Thị Mỹ Dung (chủ trì) 2008: 114-115)
[5] Nói một cách cụ thể, người Sa Huỳnh chuộng đồ carnelian, agate, thuỷ tinh (Lâm Mỹ Dung)
[6] Tại xóm Gạch hay xóm Thành Lòi/Lồi, phía bờ thành Nam, trong khi đào đất cư dân tìm thấy một số điêu khắc đá. Một tượng Phật đã được thu giữ về Bảo tàng (nay đã bị mất). Trong đợt khảo sát năm 2000 đã tìm thấy và thu giữ một đầu tượng bị vỡ dọc thành hai mảnh, mũi và miệng đã bị vỡ. Kích thước hiện trạng cao 37,5cm, rộng 24,5cm, dày 24cm, bằng đá phtanite hơi vàng nhạt Qua xác định đây là đầu tượng của một vị Nam thần, đeo miện, trang trí ba đoá hoa hình tròn ba lớp , trán tượng phẳng, hơi rộng, lông mày cong dài, hơi dày …. Do bị sứt vỡ quá nặng, nên khó có thể nhận định đây là đầu của tượng tròn hay một bức phù điêu, tuy nhiên, bằng vào kích thước khá lớn của đầu tượng đã cho phép suy đoán rằng, có nhiều khả năng, đây là đầu của một bức phù điêu bán thân. Phù điêu này có nhiều nét tương đồng với phù điêu Nam thần An Mỹ, có cùng niên đại, tức là trong khoảng đâù thế kỷ thứ  8 (Trần Kỳ Phương và nnk 2003: 846-848).
[7] Dẫn theo Trần Kỳ Phương 2013: hình 4.41; 4.42, tr. 41
[8] Những ý kiến và quan điểm về thay đổi quan điểm trong nhìn nhận cấu trúc nhà nước sớm và nhà nước ở Đông Nam Á có thể tìm thấy trong một số nghiên cứu, bằng tiếng Việt là những bài viết của Trần Quốc Vượng trong một số bài viết và tập sách (ví dụ xem Trần Quốc Vượng 1998: 308-340), bằng tiếng Anh, Southworth W trong luận án tiến sĩ của mình đã tổng kết những quan điểm của học giả phương Tây từ trước tới năm 2001 (Southworth W., 2001: 21-25); Nguyễn Văn Kim đã đưa ra mô hình Thể chế tập quyền liên kết. Mô hình này như một sự bổ sung nội hàm của khái niệm mandala để chứng minh rằng, không phải lúc nào và chỗ nào ở Đông Nam Á mandala chỉ là sự phân tán quyền lực hay là sự thay thế, chuyển giao quyền lực giữa các vương quốc hoặc giữa các nước lớn với các thuộc quốc một cách giản đơn, khiên cưỡng (Nguyễn Văn Kim 2008: 25-39)...
[9] Sự kiện ghi lại trong sách Thuỷ Kinh Chú Phạm Văn vốn là nô lệ (gia nô của di soái Phạm Trĩ huyện Tây Quyển quận Nhật Nam, không rõ có phải là người gốc Trung Quốc hay không) nhưng đã tới Lâm Ấp dạy vua Phạm Dật xây dựng thành trì, chế tạo vũ khí (theo truyền thống, kỹ thuật Trung Hoa), khi vua chết đã tự  lập làm vua.
[10] Ít nhất là trong tình hình nghiên cứu với những di tích và di vật khảo cổ thu được hiện nay.
[11] Tuy chưa có đầy đủ chứng cứ và lý giải xác đáng,  nhưng chúng tôi có cảm quan khoa học rằng sự nổi lên trên chính trường Đông Nam Á của vương quốc Champa không chỉ là kết quả của sự kết tinh nội tại, ảnh hưởng của Ấn Độ mà còn có nguyên nhân nữa là sự suy giảm dần của vương quốc Phù Nam về cả chính trị và kinh tế.

Bài in trong Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội, sô 1 (10/2015): 1-15)

PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung
Bảo tàng Nhân học và Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Email: bebimkch@gmail.com