Mình đang viết về đóng góp của bà Madeleine Colani, nhà địa chất, nhà cổ sinh học, nhà khảo cổ học người Pháp đối với sự hình thành và phát triển của khoa học khảo cổ Việt Nam. Công lao của bà khó mà kể hết, nhưng công lớn nhất chắc chắn là công phát hiện và định danh văn hoá Hoà Bình, nền văn hoá thời đại đồ đá (mà cho đến giờ chưa ngã ngũ là Cũ hay Mới hay vừa Cũ vừa Mới). Dù chỉ là bài viết nhân kỷ niệm sự kiện thì với mình không thể viết cho có, viết chỉ để viết, cho thêm số đầu bài trong danh mục.
Ở đây, chỉ muốn kể đôi chút về cái cách mà mình được dạy, được học, được thực hành về văn hoá Hoà Bình.
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang"
Hồi mới về Bộ môn, mình hay theo Thầy Vượng đi dự toạ đàm, nói chuyện, bảo vệ luận án... Thầy bảo chịu khó đi gặp gỡ mọi người chứ cô "Tây" quá, "Đuya" quá... Và lần đó mình đi dự lễ bảo vệ luận án ở UBKHXH Việt Nam. Luận án về văn hoá Hoà Bình của TQT. Phần đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi khá rôm rả vì ở ngành khảo cổ, mỗi buổi bảo vệ là mỗi thảo luận, đàm đạo khoa học nghiêm túc nhưng không kém phần hài hước. Khi thấy NCS hơi lúng túng trong việc lý giải về không gian sống của người văn hoá Hoà Bình và giải thích sự có mặt của công cụ đá bên ngoài hang động, Thầy đã hóm hỉnh lẩy một câu "sớm ra bờ suối tối vào hang" để minh hoạ cho luận điểm của mình về ổ sinh thái Hoà Bình, cư dân sống chủ yếu trong các hang động núi đá vôi và cấu trúc địa hình cảnh quan địa lý của người Hoà Bình theo trật tự suối-, bãi bồi, hang, thềm cổ, đồi trung sinh hay miền trước núi và núi đá vôi Karst (với các hang động)! Một câu thôi đủ để hình dung ra không gian sống, lối sống của những cộng đồng dân cư cổ cách đây từ 20.000 năm.
"Cô nhìn kìa, chúng leo như khỉ kia kìa"
Đận khác, mình theo Thầy đi khảo sát một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, Thầy trò vào Cẩm Thuỷ tá túc ở nhà khách Uỷ ban huyện, ngày đi khảo sát, tối về Thầy nói chuyện với cán bộ ban ngành, mình ngồi nghe, ghi ghi chép chép. Cẩm Thuỷ vốn có nhiều hang động văn hoá Hoà Bình và trống Mường, thế nên Thầy trò được các cán bộ văn hoá, bảo tàng địa phương dẫn đi rất nhiệt tình, mình cũng cố gắng hết sức để khỏi mang tiếng phụ nữ làm khảo cổ. Độ cao của các hang động không lớn lắm, đường lên dễ dàng nên mình hầu như không gặp trở ngại. Nhưng hôm đó tới một hang, nhìn từ dưới lên chóng hết cả mặt, miệng hang lơ lửng cách mặt đất dễ hơn 100m, cây cối um tùm. Lo lắng quá mình quay sang Thầy trách người xưa sao chọn nơi ở gì đâu mà hiểm trở, làm sao lên, nước làm sao lấy... Đang thao thao bất tuyệt, Thầy chỉ tay:"Cô nhìn kìa, chúng leo như khỉ kia kìa"! Ngẩng lên, lũ trẻ con trong bản theo đoàn khảo sát nãy giờ đã leo gần đến miệng và hú hét gọi người lớn. Mình được một bài học về sự khác biệt trong cảm nhận không gian nay khác xưa và sự thích nghi với môi trường sống ngay từ thủa trong bụng mẹ.
"Các con ơi, khóc lên đi"
Đầu những năm 90, Thầy trò đi khảo sát Quảng Trị, suốt tháng 7,8 dưới cái nắng miền Trung, nước có thể thiếu nhưng bia thì không, Thầy trò mình hết Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ..., hết công trình khai thác nước bằng đá xếp đến mộ chum vò Champa và có lẽ thu hoạch lớn nhất trong đợt khảo sát là phát hiện hang động cư trú văn hoá Hoà Bình ở vùng núi đá vôi Quảng Trị. Trước đó điểm cực nam của nền văn hoá này là hang Quy Đạt, Quảng Bình (do M.Colani thông báo). Cứ ngày khảo sát, tối về mấy đứa ngồi quanh ghi chép lại những phát hiện mới, Thầy vừa đọc, vừa hỏi ý trò. Mỗi khi tìm được di tích, di vật mới Thầy lại bảo trò "các con ơi, khóc lên đi các con ơi"... Có thể nói không ngoa rằng, những phát hiện đáng kể về tiền sơ sử Quảng Trị cho tới nay chủ yếu là của Thầy trò mình vào quãng những năm 90 đấy.
Và cái sự "ăn gốm, ngủ gốm" Sa Huỳnh, Champa của mình cũng bắt đầu từ quãng ấy.
Thực lòng, nếu không có Thầy, nếu không có những chuyến đi, liệu mình có yêu mãi nghề khảo cổ được không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét