Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Cần hết sức thận trọng khi sử dụng truyền thuyết dân gian như một nguồn sử liệu

GS.TSKH Vũ Minh Giang *
Lịch sử là tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Đó là thực thể khách quan cực kỳ phức tạp và là đối tượng nghiên cứu của khoa học lịch sử. Để tái tạo lại quá khứ, qua đó tìm hiểu các quy luật của lịch sử,  nhà sử học phải có trong tay các nguồn sử liệu và phương pháp phê phán, phân tích và đánh giá giá trị của chúng. Quá khứ để lại dấu vết dưới rất nhiều hình thức khác nhau nên việc mở rộng các nguồn sử liệu là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh ấy, truyền thuyết dân gian dưới mọi dạng thức cũng có thể coi là một nguồn sử liệu. Tuy nhiên, bất cứ ai khi tiến hành nghiên cứu lịch sử phải nắm vững và tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Kết quả nghiên cứu, cho dù nghiêm túc đến đâu, cũng chỉ là nhận thức lịch sử chứ không phải là lịch sử. Điều đó có nghĩa là người nghiên cứu không bao giờ được phép đồng nhất ý kiến của mình với chân lý khách quan để vội vã đưa ra những nhận định chủ quan.
- Tất cả mọi nguồn sử liệu, cho dù đáng tin cậy đến mấy, cũng cần được phê phán, phân tích và xử lý theo những phương pháp khoa học nghiêm ngặt và luôn phải được phối kiểm bằng nhiều nguồn khác nhau.
- Trong số các nguồn sử liệu, truyền thuyết dân gian, thần tích, thần phả… là loại phức tạp và ít đáng tin cậy vì tính chất tuỳ biến, khó kiểm chứng nên thường chỉ được dùng như những gợi ý cho những giả thuyết hay giúp nhà nghiên cứu có hình dung nào đó về các sự kiện hay thời đại liên quan. Nó hầu như không giá trị cho việc khẳng định tính xác thực của những sự kiện cụ thể.
Những điều trên đây tuy rất sơ đẳng, nhưng đối với công việc nghiên cứu lịch sử nghiêm túc phải được coi là những nguyên tắc cơ bản.
Yêu lịch sử là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, nên hiện tượng ngày càng có nhiều người tìm hiểu lịch sử, biên soạn lịch sử địa phương hoặc viết về một thời kỳ, một  nhân vật mình yêu thích là tín hiệu đáng mừng và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó lại đang có một trào lưu rất đáng lo ngại. Đó là sự xuất hiện ngày càng phổ biến những người nghiên cứu nghiệp dư viết rồi phát tán những tài liệu nói về sự kiện này, nhân vật lịch sử kia một cách hết sức tuỳ tiện, không tuân thủ bất cứ một nguyên tắc nào. Nhiều bài viết chỉ dựa vào truyền thuyết hay những tài liệu thành văn nhưng được biên soạn từ truyền thuyết (thần phả, thần tích…) mà cũng không cần biết truyền thuyết ấy xuất hiện khi nào, giá trị sử liệu đến đâu. Nguy hiểm hơn còn có những tài liệu loại đó được sử dụng làm căn cứ để đi tới những quyết định (tôn vinh, đề cao một nhân vật nào đó, đầu tư một khoản kinh phí nào đó vào việc xây dựng di tích, hoặc trái lại,  để đả kích ai đó…).
Từ lâu tôi đã có ý định nói  về vấn đề này nhưng chưa có dịp, nay nhân được đọc bài Diễn văn khai mạc tại “Lễ dâng hương tưởng niệm Bà Cao tổ Vũ Thị Thục Đại tướng Đông Nhung Bát nạn thời đại Hai Bà Trưng[1] của ông Vũ Ngọc Phương, Chủ tịch Trung ương Hội KHPTNNL – NTVN thì thấy không thể trì hoãn thêm được nữa nên xin phát biểu một số điều để biểu thị quan điểm của mình.


Điều đầu tiên cần phải nói là trong bài diễn văn của mình, ông Vũ Ngọc Phương đã trình bày tiểu sử chi tiết của một nhân vật được cho là cách đây gần hai nghìn năm với sự xác quyết mặc nhiên những chi tiết từ quê quán, tên họ, năm sinh, năm mất cùng gia thế và sự nghiệp. Tất cả những chi tiết đó tác giả chỉ bắt đầu từ một mệnh đề giản đơn: Lịch sử và Thần phả còn ghi lại mà không viện dẫn ra bất cứ một bộ sử nào, bản thần phả nào. Với hiểu biết của mình, tôi chưa từng thấy những chi tiết trong bài viết nói trên được viết trong bất kỳ bộ sử nào, mà chỉ được nói tới trong thần tích do người đời sau, rất xa với sự kiện biên soạn. Tuy không nói rõ, nhưng có thể dễ dàng nhận ra tài liệu chính mà tác giả dựa vào là một bản sao thần tích được biên soạn trên cơ sở những truyền thuyết dân gian mà thôi [2]. Theo tài liệu đó, nhân vật Đông Nhung Bát nạn, một đại tướng thời hai Bà Trưng có tên là Vũ Thị Thục. Cũng sẽ chẳng có gì để  nói nhiều nếu tác giả chỉ dừng ở đó, bởi hiện tượng đồng nhất ý của mình với nội dung một thần tích nào đó hiện nay đã trở nên quá phổ biến. Nhưng điều đáng nói là tác giả đã tôn bà lên làm Cao Tổ họ Vũ/Võ Việt Nam mà hậu duệ là tất cả những danh nhân kiệt kiệt xuất họ Vũ/Võ, trong đó cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khoan hãy nói đến những chi tiết khác của bản thần tích, hãy bắt đầu từ việc phân tích tính xác thực tên gọi của bà.
Không có gì phải nghi ngờ, hệ thống tên, họ mà người Việt đang sử dụng rộng rãi hiện nay, là sự mô phỏng hệ thống tên họ của người Hán. Về cơ bản hệ thống đó có ba yếu tố: Họ (chỉ gốc tích gia tộc theo phụ hệ), tên đệm (chỉ chi phái, giới tính hoặc sau này biến hoá với nhiều chức năng khác) và tên gọi (danh xưng phân biệt các cá thể với nhau). Cả ba yếu tố này đều sử dụng âm Hán – Việt và có thể dùng chữ Hán để ghi. Đây là hiện tượng rất bình thường của quá trình tiếp biến văn hoá, nhưng một hệ thống hoàn chỉnh như vậy khó có thể hình thành trong cộng đồng người Việt trong một thời gian ngắn và chưa thể xuất hiện vào thời hai Bà Trưng vì những lý do sau đây:
1. Nước Âu Lạc bị mất chủ quyền từ năm 179 TCN, nhưng trong suốt một thời gian dài, người Việt vẫn sống theo phong tục riêng của mình. Thậm chí cho đến tận sau khi khời nghĩa Hai Bà bị đàn áp vào năm 43 SCN, vẫn còn tồn tại chế độ Lạc tướng (người Việt đứng đầu các huyện). Làng xã vẫn bầu trời riêng của người Việt. Phải đến đầu thế kỷ thứ 3, khi Sĩ Nhiếp sang làm Thứ sử Giao châu, những ảnh hưởng văn hoá Hán tới người Việt, trong đó có hệ thống văn tự, phong tục tập quán và quan hệ xã hội, mới bắt đầu trở nên sâu rộng. Rất có thể hệ thống tên học kiểu Hán lúc này mới trở nên phổ biến. Điều này đã được nhiều học giả nói tới.
2. Trong các cổ thư Trung Quốc biên soạn sau thời kỳ này đến một và thế kỷ như Hậu Hán thư (TK 5), Thuỷ kinh chú (TK 6) cũng chưa thấy xuất hiện một người Việt nào có tên họ đầy đủ như vậy. Ngay cả những nhân vật nổi tiếng như hai vợ chồng Bà Trưng các sách này cũng chỉ chép tên, chứ không có họ.  Việc một số sách sử chép tên chồng Bà Trưng là Thi Sách, dẫn tới cách  hiểu ông họ Thi, tên Sách chỉ là một sự lầm lẫn [3].  
3. Hệ thống tên họ hoàn chỉnh nêu trên không chỉ là sự ảnh hưởng về văn hoá mà còn là sự phản ánh sự hiện hữu của chế độ phụ hệ gia trưởng, theo đó tất cả các người con đều phải theo họ cha. Điều này khó có thể đã xuất hiện ở thời hai Bà Trưng, khi mà nhiều tài liệu cho thấy chế độ mẫu hệ còn đang có ảnh hưởng rất mạnh.
Trở lại nhân vật Đại tướng Đông Nhung Bát nạn (hay Bát Nàn, Bát Não) mà ông Phương hoàn toàn tin tưởng thần tích để cho rằng tên thật là Vũ Thị Thục, tôi xin có ý kiến như sau: Tên của bà xướng lên theo âm Hán Việt và có thể diễn tả bằng ba chữ Hán  (武氏淑). Điều này khiến ta nghĩ ngay tới việc người sau đưa vào. Hơn thế, tên, họ này không thấy có ở bất kỳ một bộ sử nào ngoài thần tích. Kinh nghiệm sử dụng thần tích của các nhà nghiên cứu lịch sử, trong đó có cá nhân tôi, luôn luôn chỉ coi là những gợi ý và phải xử lý hết sức cẩn trọng. Giống như nhiều thần tích về các tướng lĩnh khác thời Hai Bà Trưng, những thông tin giúp ích cho việc nghiên cứu chủ yếu chỉ dừng ở những gợi ý về phạm vi ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa, về vai trò to lớn của phụ nữ và tinh thần quật cường, dũng cảm của quân và dân ta trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Xa hơn nữa, phối kiểm với các tư liệu khác có thể xác định một cách tương đối về quê quán của những nhân vật huyền thoại. Những chi tiết không thể kiểm chứng thì thường không đáng tin cậy. Riêng về tên họ, thì như trên đã nói, không chỉ thiếu căn cứ mà còn không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử.
Chính vì những lẽ trên, nhân vật được chép trong thần tích miếu xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và ở làng Tiên La, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, được cho là [4] Hàn Lâm đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn phải coi là một sản phẩm của truyền thuyết dân gian, có thể phản ánh một phần nào đó sự thật lịch sử chứ không phải là nhân vật lịch sử. Với ý nghĩa đó, chúng ta có thể trân trọng thờ cúng, thậm chí tạc tượng với hình hài tưởng tượng để tưởng niệm như một biểu tượng, nhưng không thể khẳng định một cách quả quyết về tên họ cùng những chi tiết không thể kiểm chứng khác như một nhân vật lịc sử đích thực.
Hướng về cội nguồn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được duy trì và phát huy. Trong ý nghĩa đó tổ chức dòng họ để phát huy những nết đẹp của trăm họ, góp phần củng cố sức mạnh cộng đồng dân tộc là việc nên làm. Tuy nhiên, nếu không có cách nhìn đúng đắn thì rất dễ nảy sinh những hệ quả trái chiều do thói cục bộ, ganh ghé, tranh giành ảnh hưởng- những hạn chế vốn có của quan hệ dòng họ. Khi tổ chức dòng họ đã mở rộng trên quy mô toàn quốc thì sự tự nguyện của mỗi người, sự đồng thuận của cộng đồng phải được coi là nguyên tắc tối thượng.
Vả lại, việc chỉ căn cứ vào những tài liệu rất không đáng tin cậy, không có bất kỳ một sự phân tích nào và không có một sự thảo luận, trao đổi cần thiết, để khẳng định một nhân vật nào đó làm Cao Tổ của cả một dòng họ lớn như họ Vũ/Võ, một dòng họ được tổ chức khá quy củ, chặt chẽ và đang phát huy những mặt tích cực với xã hội là điều cần hết sức thận trọng.
----------------------------------------------------------------------------------------
* GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Nhân học, Uỷ viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Uỷ viên Hội đồng Lý luận TW, uỷ viên Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia.
[1]  http://vanhac.org/03/thanh-mau-cao-to-vu-thi-thuc-nuong.html
[2] Tuy không dẫn cụ thể nhưng có thể tác giả đã dựa vào  thần tích làng Tiên La, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, sao lại thần tích thờ miếu ở xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, nay thuộc Vĩnh Phú (thần tích do danh thần thời hậu lê là Hàn Lâm đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn).
[3] Sự lầm lẫn này bắt đầu từ Thái tử Lý Hiền nhà Đường. Nhưng  sau này đã được học giả Huệ Đống nhà Thanh đính chính lại. Đặt trong toàn văn câu “Chu Diên lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê"  phải dịch là con Lạc tướng Chu Diên tên là Thi hỏi con gái Lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc làm vợ. Chữ sách () ở đây nghĩa là hỏi (vợ), cầu (hôn) chứ không phải tên.
[4] Chúng tôi sử dụng cụm từ “được cho là” vì phần lớn các thần tích còn lại về sau này đều có niên đại văn bản rất muộn, nhưng đều nhất loạt ghi là do Hàn Lâm đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn. Xét về mặt văn bản học, rất khó tin rằng Nguyễn Bính đã biên soạn một số lượng thần tích lớn như vậy trong cùng một khoảng thời gian. 
GS.TSKH Vũ Minh Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét