Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

How Carbon-14 Dating Works/Cách thức tính niên đại C14


How Carbon-14 Dating Works/Cách thức tính niên đại C14
(dịch)
Bạn có thể đã nhìn thấy hoặc đọc những câu chuyện tin tức về các cổ vật hấp dẫn. Trong một cuộc khai quật khảo cổ, một mảnh công cụ bằng gỗ được khai quật và nhà khảo cổ cho rằng công cụ đó đã 5.000 năm tuổi. Một xác ướp trẻ em được tìm thấy ở Andes và nhà khảo cổ học nói rằng đứa trẻ đã sống cách đây hơn 2.000 năm. Làm thế nào để các nhà khoa học biết niên đại của một hiện vật hoặc di thể người? Họ sử dụng phương pháp nào và làm thế nào để các phương pháp này hoạt động? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ kiểm tra các phương pháp mà các nhà khoa học sử dụng phóng xạ để xác định tuổi (chết và chôn vùi) của các vật thể, đáng chú ý nhất là niên đại carbon-14.
Phương pháp xác định niên đại C14 là xác định tuổi (thời điểm ngừng sinh trưởng) của một số di vật, di thể khảo cổ học có nguồn gốc sinh học lên tới khoảng 50.000 năm tuổi. PP được sử dụng trong việc tính niên đại với những loại hiện vật như xương, vải, gỗ và sợi thực vật ... được tạo ra trong quá khứ bởi các hoạt động của con người.

C14 đã được tạo ra bằng cách nào (hình)

Hình minh họa cách thức các cơ thể sống hấp thụ C14 từ khí quyển và quá trình phân rã khi chết.
Các tia vũ trụ đi vào bầu khí quyển trái đất với số lượng lớn mỗi ngày. Chẳng hạn, mỗi người bị khoảng nửa triệu tia vũ trụ tấn công mỗi giờ. Không có gì lạ khi một tia vũ trụ va chạm với một nguyên tử trong khí quyển, tạo ra một tia vũ trụ thứ cấp dưới dạng neutron năng lượng và cho các neutron năng lượng này va chạm với các nguyên tử nitơ. Khi neutron va chạm, một nguyên tử nitơ-14 (bảy proton, bảy neutron) biến thành nguyên tử carbon-14 (sáu proton, tám neutron) và nguyên tử hydro (một proton, không neutron). Carbon-14 là chất phóng xạ, có chu kỳ bán rã khoảng 5.700 năm.
Carbon-14 trong các cơ thể sống
Các nguyên tử carbon-14 mà các tia vũ trụ tạo ra kết hợp với oxy tạo thành carbon dioxide mà thực vật hấp thụ tự nhiên và kết hợp với sợi thực vật bằng quá trình quang hợp. Động vật và con người ăn thực vật và cũng hấp thụ carbon-14. Tỷ lệ carbon chuẩn  (carbon-12) so với carbon-14 trong không khí và trong mọi sinh vật tại bất kỳ thời điểm nào là gần như không đổi. Có thể một trong một nghìn tỷ nguyên tử carbon là carbon-14. Các nguyên tử carbon-14 luôn bị phân rã, nhưng chúng được thay thế bằng các nguyên tử carbon-14 mới với tốc độ không đổi. Tại thời điểm này, cơ thể bạn có một tỷ lệ nhất định các nguyên tử carbon-14, và tất cả các loài thực vật và động vật sống đều có cùng tỷ lệ đó.
Tính niên đại di vật/di thể
Ngay khi một sinh vật sống chết đi, nó sẽ ngừng hấp thụ carbon mới. Tỷ lệ carbon-12 so với carbon-14 tại thời điểm chết cũng giống như mọi sinh vật sống khác, nhưng carbon-14 phân rã và không được thay thế. Carbon-14 phân rã với chu kỳ bán rã 5.700 năm, trong khi lượng carbon-12 không đổi trong mẫu. Bằng cách xem xét tỷ lệ carbon-12 so với carbon-14 trong mẫu và so sánh nó với tỷ lệ trong cơ thể sống, có thể xác định thời điểm chết của một sinh vật khá chính xác.

Công thức tính tuổi của mẫu bằng cách xác định niên đại bằng carbon-14 là:

t = [ln (Nf / Không) / (-0.693)] x t1 / 2t = [ln (Nf / Không) / (-0.693)] x t1 / 2Trong đó ln là logarit tự nhiên, Nf / No là phần trăm của carbon-14 trong mẫu so với lượng trong mô sống và t1 / 2 là chu kỳ bán rã của carbon-14 (5.700 năm).
Vì vậy, nếu chúng ta có một di vật/di thể có 10% carbon-14 so với mẫu sống, thì di vật/di thể đó sẽ là:
t = [ln (0.10) / (-0.693)] x 5.700 năm
t = [(-2.303) / (-0.693)] x 5.700 năm
t = [3.323] x 5.700 năm
t = 18.940 tuổi
Vì chu kỳ bán rã của carbon-14 là 5.700 năm, nên PP tính hàm lượng C14 chỉ đáng tin cậy để xác định với các vật thể có tuổi khoảng 60.000 năm.
Tuy nhiên, nguyên tắc xác định niên đại carbon-14 cũng áp dụng cho các đồng vị khác. Kali-40 là một nguyên tố phóng xạ khác được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể sống và có chu kỳ bán rã 1,3 tỷ năm. Các đồng vị phóng xạ hữu ích khác để xác định niên đại phóng xạ bao gồm Uranium -235 (chu kỳ bán rã = 704 triệu năm), Uranium -238 (chu kỳ bán rã = 4,5 tỷ năm), Thorium-232 (chu kỳ bán rã = 14 tỷ năm) và Rubidium-87 (chu kỳ bán rã = 49 tỷ năm).


Việc sử dụng các đồng vị phóng xạ khác nhau cho phép xác định niên đại của các mẫu sinh học và địa chất với độ chính xác cao. Tuy nhiên, pp xác định bằng đồng vị phóng xạ có thể không hoạt động tốt trong tương lai. Bất cứ sinh vật chết sau những năm 1940, khi bom hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và các vụ thử hạt nhân ngoài trời bắt đầu thay đổi mọi thứ, sẽ khó được cập nhật chính xác.


Lâm Thị Mỹ Dung dịch

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Tác động của khảo cổ học Xô - viết tới Khảo cổ học Việt Nam


Khảo cổ học Xô-viết[1]trải qua một quá trình hình thành, hưng thịnh và tàn lụi, là tấm gương phản chiếu mọi những diễn biến nội tại của đất nước Xô-viết, chứa đựng mọi thành tựu cũng như hạn chế của hệ thống chính trị lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm kim chỉ nam. Bài này điểm qua một số đặc điểm của khảo cổ học Xô-viết, Khảo cổ học Việt Nam và phác họa những ảnh hưởng của Khảo cổ học Xô –viết đối với khảo cổ học Việt Nam.
Một số đặc điểm của khảo cổ học Xô -viết
Xu thế phản biện hiện thời
Trong cuốn Khảo cổ học trong Kỷ nguyên Cộng sản[2] , Khảo cổ học Cộng sản Liên Xô và Đông Âu được chia thành 04 thời kỳ: i. Thời kỳ Xtalin năm 1945 - 1953; ii. Thời kỳ tan băng (Thaw) 1954-1955 đến 1968; iii. Thời kỳ Chủ nghĩa Xã hội với gương mặt người từ 1970 đến 1980 và iv. Thời kỳ Cải tổ từ năm 1985 đến 1990, khi những chính quyền cộng sản biến mất (ở Đông Âu) và Liên Xô tan rã vào năm 1991 (Ludomir R. Lozny (chủ biên) 2017).
Cuốn sách bao gồm những bài viết của học giả Phương Tây và học giả từ các nước xã hội chủ nghĩa đã đưa ra những nhận định bao quát về những thành tựu và hạn chế của nền khoa học khảo cổ lấy chủ nghĩa Mác Lê nin làm nền tảng lý thuyết và tư tưởng chính, những đánh giá từ bên ngoài kết hợp với cái nhìn từ bên trong giúp người đọc từ cả hai bên hiểu rõ hơn về lịch sử chính trị của khảo cổ học các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Việc áp dụng tư tưởng Mác-xít trong nghiên cứu khảo cổ học được đánh giá từ hai góc độ: Thứ nhất, lý thuyết và phương pháp luận cảm hứng từ chủ nghĩa Mác-xít đóng góp cho việc tạo ra cách tiếp cận chính để diễn giải xã hội quá khứ và thứ hai, những chính sách và áp lực của chính quyền trong việc kiểm soát công tác khảo cổ học và giải thích quá khứ. Bên cạnh đó những vấn đề liên quan khác cũng được đưa ra phân tích và mổ xẻ như những chủ đề nào về xã hội trong quá khứ thường được tập trung nghiên cứu và tại sao? Phương pháp luận nào để thu thập và phân tích dữ liệu? Những lý thuyết nào định hướng và được áp dụng để diễn giải dữ liệu thu thập? Khảo cổ học được điều hành về hành chính thế nào? Ai tài trợ những nghiên cứu khảo cổ học? Việc cung cấp kinh phí của chính quyền trung ương tác động thế nào đến các cơ quan làm khảo cổ học? (Ludomir R. Lozny (chủ biên) 2017: v).
Mặc dù cố gắng để đưa ra một bức tranh toàn cảnh và hệ thống nhưng cuốn sách vẫn tạo cho người đọc cảm giác các tác giả chưa thực sự khách quan trong đánh giá quá khứ khảo cổ học ở các nước XHCH và những đóng góp của khảo cổ học XHCN đối với khảo cổ học thế giới kể cả về kỹ thuật khai quật cũng như trong lý thuyết và phương pháp xử lý hậu khai quật và diễn giải tài liệu khai quật chưa được đánh giá một cách đầy đủ.
Khi đánh giá về khảo cổ học thời Cộng sản ở Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa tôi cho rằng cần lưu ý những điểm chung và riêng như sau.
Chung: Khảo cổ học Xô-viết và khảo cổ học ở các nước khối xã hội chủ nghĩa có nền tảng lý thuyết và tư tưởng chung, nhất là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác Ăngghen. Chịu sự quản lý và kiểm soát của những chế độ chính trị tương đồng, do vậy đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ của chính trị và được quản lý từ trên xuống dẫn đến độc quyền, độc đoán trong chọn lựa vấn đề nghiên cứu và diễn giải thông tin khảo cổ.
Riêng: Hình thành và phát triển dựa trên nền tảng lịch sử, văn hoá và truyền thống dân tộc khác nhau, chịu tác động khác nhau của bối cảnh thế giới đương đại và quan trọng nhất, đó là tư tưởng Mác Ănghen đã được tiếp nhận rồi địa phương hoá thành các chủ nghĩa như chủ nghĩa Xtalin, chủ nghĩa Lê Nin, chủ nghĩa Mao, tư tưởng Hồ Chí Minh...  cùng với chủ nghĩa dân tộc ở các nước phương Đông, tinh thần Âu tâm ở các nước Phương Tây, tinh thần Đại Hán ở Trung Quốc, sự chia rẽ và bất đồng về chính kiến về tư tưởng không chỉ một lần trong khối các nước XHCN cùng với vai trò của cá nhân, những thủ lĩnh tinh thần trong dẫn dắt chiến lược nghiên cứu và đào tạo lực lượng kế cận mỗi nước đều có cá tinh và cách ứng xử riêng của mình...
Tất cả những điều này đã tạo ra cho khảo cổ học ở Liên Xô và ở các nước xã hội chủ nghĩa một cái vỏ đồng nhất bao quanh khối ruột hỗn hợp.
Khảo cổ học Xô - viết: Đặc điểm, thành tựu và vấn đề
Khảo cổ học Xô-viết là một nền khoa học được xây dựng dựa trên nền tảng của khảo cổ học Châu Âu, với đầy đủ những trường phái, lý thuyết đặc trưng của khoa học khảo cổ thế kỷ 19.
Chịu tác động mạnh mẽ của những biến động chính trị, những thay đổi có tính chất bước ngoặt trong chế độ chính trị xã hội và vai trò của những cá nhân những người lãnh đạo nhà nước và đảng Cộng sản từ sau Cách mạng tháng 10. Đóng vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khảo cổ học của các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trong và ngoài châu Âu. Nhiều nỗ lực đã được đưa ra bởi chính quyền Xô-viết để sử dụng khảo cổ học của họ trong tuyên truyền chính trị. Kể từ những năm 1920, Khảo cổ học Liên Xô gắn liền với chủ nghĩa Mác, phiên bản Mác-Lênin và từng có giai đoạn học phiệt Xtalin.″  Khảo cổ học ở Liên Xô đã được coi là một phần của khoa học lịch sử, và áp lực về tư tưởng từ Đảng Cộng sản luôn nặng nề. Những thay đổi trong đường lối của Đảng ngay lập tức ảnh hưởng đến các chủ đề khoa học quan trọng và cách tiếp cận chính” (L S Klejn 2012). Có nhiều đóng góp quan trọng về cả lý thuyết và thực tiễn cho khảo cổ học thế giới, những tên tuổi nổi tiếng như Leo S.Klejn, người được giới khảo cổ học thế giới, Phương Tây đánh giá cao về cả khía cạnh đóng góp cụ thể vừa cả về lý thuyết (Sarunas Milisauskas 2015). Có nhiều tên tuổi nổi danh trong nền khảo cổ thế giới, điển hình như Klejn Leo như đề cập ở trên đã công bố trên 20 sách và rất nhiều bài nghiên cứu trên văn liệu khảo cổ quốc tế, cuốn sách của ông ″Phân loại Khảo cổ học” đã được Oxford: British Archaeological Reports 1982 dịch sang tiếng Anh (Stephen Leach 2015).  Bên cạnh ông là nhiều tên tuổi khác Nikolay Y Marr (Một Trí tuệ Vô biên và Cách mạng), Vladislav I Ravdonikas Demony (Con quỷ Đỏ của Khảo cổ học), Artemy V Artikovksy (Một sử gia vũ trang với cái bay), và Boris A Rybakov (Đại thủ lĩnh của Khảo cổ học Xô Viết) (L S Klejn 2012) được nhắc tới.
Về kỹ thuật và kỹ năng và phát hiện di tích, di vật, văn hoá khảo cổ, khảo cổ học Xô Viết có đóng góp quan trọng như Sergey A Semenov về phân tích chất cặn (use-wear analysis), Vladislav I Ravdonikas về Thời đại Đá giữa và Nghiên cứu Thạch học ở miền Bắc nước Nga (the Mesolithic and petroglyphs in northern Russia); Mikhail P Gryaznov về Thời đại đồ Đồng và Sắt sớm ở Siberia (Siberian Bronze and Early Iron ages); Sergey I Rudenko về những gò mộ bị đóng băng ở Mông Cổ và núi Altaion ở Siberia (frozen burial mounds (kurgans) in Mongolia and the Altai Mountains of Siberia); Sergey P Tolstov về nghiên cứu nhà nước sớm ở Trung Á (on early Central Asian states); Boris B Piotrovsky trong nghiên cứu khảo cổ học của Transcaucasia (the archaeology of Transcaucasia); hay Aleksei P Okladnikov về Khảo cổ học Tiền sử Siberia và Nghệ thuật trên đá (Siberian prehistoric archaeology and rock art); và Artemy V Artsikhovksy với nghiên cứu về văn bản thê vỏ cây bạch dương thời Trung cổ (Medieval perishable birch-bark texts from Novgorod) (L S Klejn 2012).

Bìa sách Khảo cổ học Xô -viết, Xu hướng, Trường phái và Lịch sử

Một đánh giá khác cho thấy vai trò không thể coi nhẹ của khảo cổ học Xô Viết ″Mặc dù KCH Xô Viêt thường bị bỏ qua ở Phương Tây, nhưng ảnh hưởng của nền khảo cổ học này thường hội nhập vào khảo cổ học Ρhương Tây, đặc biệt là qua các công trình của Gordon Child, trong một số nghiên cứu của những nhà khảo cổ học lỗi lạc trên Thế giới bên ngoài Liên Xô. Sau này, xu hướng phát triển trong khảo cổ học, nhất là khảo cổ học Mới đã phát hiện lại một cách độc lập một số ý tưởng chìa khoá tương đồng và cả lặp lại những sai lầm đã từng xảy ra” (Bulkin V.A, Leo S.Klejn, G.S.Lebedev 1982).
Một cách khái quát, về lý thuyết và phương pháp luận trong những nghiên cứu, các nhà khảo cổ học Xô Viết tuân thủ những nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật lịch sử, vật chất quyết định ý thức, duy vật biện chứng, tiến hoá đơn tuyến. Đối với diễn giải khảo cổ học họ chú trọng vào hình loại học, kỹ thuật học, xác định các nền văn hoá khảo cổ, coi đấu tranh giai cấp là động lực của phát triển, đề cao vai trò của tộc người Xlavơ, tính bản địa, tính kế thừa và phát triển, phục vụ mục đích chính trị trong tìm hiểu nguồn gốc nhà nước và nguồn gốc dân tộc. Tập trung nghiên cứu đời sống hàng ngày của cư dân hạ tầng cơ sở... Khảo cổ học gắn chặt với lịch sử, minh hoạ cho lịch sử, lịch sử cung cấp lý thuyết cơ sở, nền tảng để diễn giải dữ liệu khảo cổ. Coi Khảo cổ học là Lịch sử với cái bay (Ludomir R. Lozny (chủ biên) 2017: 24).
Quá trình giải học phiệt và tiến gần với khảo cổ học thế giới
Từ cuối những năm 80 đến nay là quá trình giải hoá sự tập trung tập quyền trong nghiên cứu khảo cổ, những nghiên cứu chú trọng vào địa phương, vùng và tăng nhanh những mối quan hệ quốc tế. Về phương pháp luận, lý thuyết và phương pháp đang có một sự khủng hoảng và sự chuyển đổi từ phương pháp luận Mác Xít sang những cách tiếp cận mới bằng sự xuất hiện của thế hệ người làm khảo cổ tốt nghiệp ở Tây Âu, Mỹ... cũng như qua những cuộc nghiên cứu hợp tác quốc tế.  Bên cạnh những thuận lợi và đổi mới về tư tưởng, lý thuyết và quan điểm... Đổi mới/ Cải tổ Perestroika cũng gây ra rất nhiều thách thức và trở ngại, đó là suy giảm những nguồn tài chính đầu tư từ chính quyền trung ương, thiếu hụt nguồn nhân lực ở địa phương, tính cát cứ trong nghiên cứu và sự loay hoay trong chọn lựa cách tiếp cận nghiên cứu, lạm dụng một số phương pháp khoa học kỹ thuật và phần mềm máy tính... bỏ hay đoạn tuyệt với lý thuyết cũ nhưng chưa đủ điều kiện và năng lực để chọn lọc, tiếp cận và áp dụng những lý thuyết, quan điểm và phương pháp luận của Khảo cổ học Mới. Nghiên cứu thiên về khảo cổ học Dự án, khảo cổ học chữa cháy... do các điều kiện về công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hiện nay là vấn đề quản lý và phát huy giá trị di sản.
Có một nghịch lý giữa hai giai đoạn, trước và sau kết thúc của chế độ cộng sản ở Liên Xô và một số nước XHCH Đông Âu, trước là những cuộc khai quật lớn, hệ thống, tài liệu nhiều, báo cáo kỹ nhưng diễn giải thiên kiến, và sau thì khai quật ít, chủ yếu khai quật dự án chữa cháy, tài liệu mỏng, lẻ tẻ... diễn giải đa chiều hơn.
Một vấn đề nữa cần phải đề cập đó là vai trò cá nhân và nỗ lực của các nhà khảo cổ trong quá trình vừa thực hiện những quy định mà chính quyền đưa ra vừa tìm cách để nghiên cứu một cách khoa học, khách quan, cập nhật những phương pháp và kỹ thuật tiên tiến hiện đại của khảo cổ học thế giới và chắt lọc những tinh hoa của khảo cổ học Mác Xít. Nhận định trích dẫn dưới đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình trạng của khảo cổ học Xô Viết nói riêng và khảo cổ học các nước khối Xã hội chủ nghĩa nói chung: ″Một người đọc sắc sảo sẽ nhận ra, bất kể thế nào, như những gì các tác giả báo cáo, hệ thống chính trị độc quyền trên xuống dưới không đủ cứng rắn trong việc kiểm soát những khoa học xã hội và nhân văn như những gì quan sát bất chợt: Những nhà khảo cổ địa phương sáng tạo ra một loạt những cách tiếp cận riêng của mình để khám phá và diễn giải quá khứ cũng như những chiến thuật thông minh để làm giảm đi những áp lực tư tưởng″ (Ludomir R. Lozny (chủ biên) 2017: vi).
Khảo cổ học Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Những mốc lịch sử
Đào tạo. Trong các năm 1956-1957, khảo cổ học chưa hình thành về mặt tổ chức, chỉ mới có 2 cán bộ (GS. Hà Văn Tấn và cố GS. Trần Quốc Vượng) sinh hoạt chung trong tổ Lịch sử Việt Nam cổ đại[3], năm 1960 chuyên gia khảo cổ học Xô Viết GS.TS. P.I.Borixkovxki đến giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và nghiệp vụ. Nhóm Khảo cổ học do GS. Trần Quốc Vượng phụ trách. Nhóm Khảo cổ học là một trong hai nhóm của Tổ Dân tộc- Khảo cổ. Mặc dù nằm trong Tổ Dân tộc- Khảo cổ do cố PGS. Vương Hoàn Tuyên làm Chủ nhiệm, nhưng Nhóm Khảo cổ học hoạt động độc lập như một bộ môn của Khoa Lịch sử. Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn lên lớp dạy về KCHVN với lý thuyết chắt lọc từ các nền khảo cổ Liên Xô, Pháp, Trung Quốc. ″Ngày đó, Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, cụ Trần Văn Giàu tuy không đề ra nhưng đã nhiệt tình ủng hộ chủ trương của cụ Đào Duy Anh đã nêu, bởi Việt Nam là một nước nhỏ về không gian nhưng lại có bề dày về thời gian, mật độ KCH đã và sẽ dày đặc, triển vọng KCHVN rất lớn” (Trần Quốc Vượng 2004). Năm 1967 được coi là cái mốc mở đầu cho giai đoạn hai, với sự ra đời của Bộ môn Khảo cổ học thay cho Nhóm Khảo cổ học ở giai đoạn trước.
Các cơ quan nghiên cứu. Năm 1958 hoạt động khảo cổ học đầu tiên khai quật chữa cháy mộ gạch Tam Thai và mộ hợp chất Nông Cống, Thanh Hoá. Năm 1960, thành lập Đội Khảo cổ học Việt Nam trực thuộc Vụ Văn hoá Quần chúng, Bộ Văn hoá. Năm 1963 ra đời Đội Khai quật Khảo cổ trực thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng, trụ sở 61 Ρhan Chu Trinh, Hà Nội. Năm 1966, Đội Khai quật Khảo cổ được giao cho Viện Khoa học Xa hội Việt Nam quản lý. Ngày 14 tháng 5 năm 1968 thủ tướng Ρhạm Văn Đồng đã ký quyết định số 59-CΡ thành lập Viện Khảo cổ học trực thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, GS.TS.Ρhạm Huy Thông làm Viện trưởng. Năm 1976, Tổ miền Nam của Viện Khảo cổ học chuyển vào thành bộ phận khảo cổ học phía Nam trực thuộc Viện KHXH tại Tp. Hồ Chí Minh (Tống Trung Tín 2013).
Những thành tựu và sai lầm
Như vậy, Việt Nam là một đất nước phát triển muộn về khảo cổ học, mặc dù khoa học khảo cổ ở nước ta được hình thành từ thời Pháp thuộc với ảnh hưởng mạnh của trường phái Khảo cổ học Lịch sử-Văn hóa mà đặc biệt là truyền bá luận và tiến hoá luận. Khảo cổ học thời kỳ này dù có những hạn chế về cách thức khai quật và thu thập thông tin cũng như diễn giải song đã để lại những thành tựu to lớn trong xây dựng hệ thống nghiên cứu, trưng bày, định danh nhiều nền văn hoá khảo cổ không chỉ có tiếng vang trong khu vực mà cả thế giới và nhiều ấn phẩm khảo cổ học có giá trị về cả thực tế lẫn lý thuyết. Về nhân sự, rất tiếc, đã không có bất cứ nhà khảo cổ nào người Việt Nam được đào tạo và tham gia nghiên cứu[4] . 
Năm 1958 có lẽ là năm đánh dấu mốc khởi đầu của nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam khi Bảo tàng Louis Finot Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đổi thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Do nhu cầu khai quật chữa cháy những di tích lịch sử trước tình hình mở rộng sản xuất năm 1959, Đội khai quật khảo cổ đã được thành lập tại Bảo tàng Lịch sử. Người đứng đầu Chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới công tác nghiên cứu và bảo tồn di tích và di vật khảo cổ, ngay từ thời điểm đó Hồ Chủ Tịch đã nói về tầm quan trọng của nghiên cứu khảo cổ trong xây dựng và bảo vệ đất nước và trách nhiệm của những người làm khoa học, của các tầng lớp nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ di sản (Nguyễn Tôn Kiểm 2013: 326- 327).
Những người phụ trách và cả những thành viên của đội khảo cổ không có ai tốt nghiệp khảo cổ học và tài liệu chuyển môn duy nhất là tập tài liệu in ronéo”Giáo trình giảng dạy về khảo cổ học”, được cho là của Liên Xô dịch sang tiếng Việt, cách thức khai quật học từ các chuyên gia Trung Quốc[5]  và Liên Xô, đặc biệt là vai trò rất quan trọng và quyết định của GS. Borixcopxki, người cũng đã bỏ công sức để soạn cuốn Cơ sở Khảo cổ học cho đồng nghiệp và học trò Việt Nam.
Mặc dù thiếu thốn mọi bề như vậy, nhưng thời kỳ này cũng là thời kỳ của những công trường khai quật lớn và phát hiện nhiều văn hoá khảo cổ mới, khẳng định tính bản địa của văn hoá Đông Sơn.
Từ 1960 đến 1965, Đội khai quật khảo cổ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chữa cháy ở các di tích và có những đóng góp đáng kể cho ngành khảo cổ, nhưng nhiều cuộc khai quật được tổ chức quy mô vượt quá trình độ chuyên môn, tràn lan, tuỳ tiện, thiếu khoa học (Nguyễn Tôn Kiểm 2013: 328). Khá nhiều di tích quan trọng những do không có chiến lược khai quật bền vững nên hiện nay không có cách nào kiểm tra lại thông tin, dẫu chỉ là mở một hố thám sát nhỏ. Điển hình là di tích Ρhùng Nguyên "Ở di chỉ Ρhùng Nguyên năm trước ông đội phó 1 cho đào vài ngàn mét vuông ở phía sau làng. Năm sau ông đội phó 2 lãnh đạo đào tiếp phần còn lại bên kia mương ở phía tây làng. Hai ông, hai mùa điền dã đã làm gọn, sạch di chỉ Ρhùng Nguyên″ (Nguyễn Tôn Kiểm 2013: 327).   
Từ những lược trình ở trên chúng ta có thể thấy, dù bắt đầu từ con số 0 và gặp không ít khó khăn, nhưng ngay từ những ngày đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Khảo cổ học Xô- viết bằng những cách trực tiếp và gián tiếp đã có tác động không nhỏ đến khảo cổ học Việt Nam. Tác động trước hết là tổ chức theo hệ thống nghiêm ngặt từ trung ương đến địa phương với đầu tư tập trung cho viện nghiên cứu trung ương và phân viện ở vùng miền. Tác động quan trọng thứ hai là thông qua đào tạo nhân lực, có thể nói đội ngũ những người làm khảo cổ học Việt Nam xuất phát từ hai nguồn: i. Nguồn đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây (Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức, Trung Quốc, Bulgaria) và các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản và châu Âu khác hiện nay (rất ít), nguồn nhân lực đào tạo từ nước ngoài càng ngày càng hiếm hoi và không tạo ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp khảo cổ học Việt Nam. Tuy nhiên ở thời kỳ khởi đầu, đội ngũ nhân lực những cử nhân, tiến sĩ tốt nghiệp từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa thực sự có vai trò quan trọng trong việc định hướng nghiên cứu, cách thức nghiên cứu. ii. Nguồn đào tạo trong nước, ngoài lớp của giáo sư Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng đến nay đã có thêm nhiềulớp các nhà khoa học làm công tác khảo cổ học đã và đang tham gia công tác nghiên cứu tại các viện khảo cổ, lịch sử, bảo tàng... Những lớp nhân lực này chịu tác động của khảo cổ học Xô Viết một cách gián tiếp, đặc biệt là vai trò của những người thầy đầu tiên của bộ môn khảo cổ Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Diệp Đình Hoa... mỗi người một thế mạnh[6] và bên cạnh những tri thức khoa học khảo cổ tiếp nhận từ giáo sư Boriscopki và từ sách khảo cổ Xô-viết họ có nền tảng học thuật của Phương Tây (Pháp), nền tảng Nho học và nắm vững những thành tựu nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, lịch sử Việt Nam, thông thạo nhiều ngoại ngữ và đầu óc khai phóng đã đặt nền móng cho đào tạo nhân lực khảo cổ không quá lệ thuộc vào khảo cổ học Mác Xít, khảo cổ học Xô Viết.
Bên cạnh đó do nhiều nguyên nhân mà ảnh hưởng của khảo cổ học Xô Viết không toàn diện, không hệ thống, số lượng người làm khảo cổ học Việt Nam có thể đọc tốt tiếng Nga không nhiều, bên cạnh đó ngay trong đội ngũ giữa những người tốt nghiệp từ Liên Xô với những người tốt nghiệp từ Trung Quốc không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau về lý thuyết và phương pháp, nhiều tranh luận đã xảy ra nhưng không chỉ về học thuật[7].
Và cũng do những nguyên nhân khác quan và chủ quan khác, ảnh hưởng của khảo cổ học Xô -viết đến khảo cổ học Việt Nam chủ yếu ở thời kỳ thứ II và III, từ những năm 90 trở lại đây mối quan hệ học thuật giữa Việt Nam với khối xã hội chủ nghĩa cũ không chặt chẽ như trước. Hơn nữa đúng như nhận xét của Hà Văn Tấn “Khảo cổ học Việt Nam ít chú trọng đến lý thuyết, vẫn coi Chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam trong nghiên cứu khoa học xã hội. Chúng ta cố gắng vận dụng khuynh hướng Mác-xít vào Khảo cổ học, song chưa nhuần nhuyễn, nhiều khi mang tính chất hình thức. Trong các tác phẩm về Khảo cổ học Việt Nam, chủ yếu vẫn là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước. Tôi cho rằng chúng ta cần phải xây dựng lại một “Lý thuyết Khảo cổ học Mác-xít thực sự”, đồng thời có kết hợp các tinh hoa của các trường phái hay khuynh hướng Khảo cổ học hiện đại trên Thế giới” (Hà Văn Tấn, 1996). Vì thế, các nỗ lực suy ngẫm kiến tạo một “Nền Khảo cổ học Mác-xit” ở Việt Nam vì thế đã trở thành “một trong các vấn đề đáng quan tâm nhất của nền Khảo cổ học chúng ta hiện nay” (Phạm Đức Mạnh 2001).
Một vài nhận xét
Ảnh hưởng của Khảo cổ học Xô-viết về phương pháp và phương pháp luận đến khảo cổ học Việt Nam là khá gián tiếp và rời rạc. Mác, Ăng Ghen, Lê Nin được trích dẫn dày đặc trong những tác phẩm giai đoạn...và giảm dần rồi thưa hẳn vào những giai đoạn sau. Số lượng người được đào tạo ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu không nhiều và gồm nhiều giai đoạn. Tuy vậy, họ - những người học gián tiếp hay trực tiếp từ Liên Xô, Trung Quốc về là những người đặt nền móng cho khảo cổ học Việt Nam, từ chỗ không có gì đến sự hình thành một ngành khoa học mới, công lao to lớn đó không ai và vì lý do gì có thể phủ nhận. Những sai sót, sai lầm là không thể tránh khỏi, một phần do trình độ non yếu, phần nữa còn do bối cảnh lịch sử. 
Những học trò của GS.Boriscovxki – đặc biệt là các học trò trực tiếp như Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng và một số người khác có nền tảng lịch sử Việt Nam cổ trung đại vững chắc, nền Nho học và Pháp học, tiếp cận sớm với nền khảo cổ học thế giới chứ không chỉ khảo cổ học Xô-viết, khảo cổ học của các nước xã hội chủ nghĩa những bận tiền bối đã vừa tiếp nhận khảo cổ học Xô-viết vừa nhận thức thêm, nhận thức lại, có cái nhìn hiện đại, đa chiều và khoa học là những người đóng góp cho đào tạo nhân lực của ngành.
Cơ cấu và hệ thống nghiên cứu từ trên xuống dưới, đầu tư nghiên cứu tập trung ở Trung ương, địa phương thường chỉ có vai trò phối hợp, cách thức tổ chức này dẫu đã có một số thay đổi để phù hơp với những thay đổi chuyển từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng trên thực tế việc đầu tư nghiên cứu hiện nay chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, công tác xã hội hoá nghiên cứu khảo cổ và bảo tồn di sản gần như chưa có. Có những giai đoạn nghiên cứu phụ thuộc quá nhiều vào chính trị, dẫn đến những nhìn nhận chủ quan, mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa[8]. Điển hình là giai đoạn những năm 60 và 70 của thế kỷ 20 và cho đến nay những nghiên cứu mang nặng tính chính trị không phải đã hết, chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng với đánh đồng biên giới chính trị hiện đại với phạm vi không gian nghiên cứu các vấn đề khảo cổ vẫn tác động tiêu cực đến nghiên cứu khảo cổ học hiện nay.
Khảo cổ học Việt Nam hiện nay
Rõ ràng là khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về cả kiện toàn cơ cấu tổ chức, đào tạo nhân lực và tiến hành những chủ đề nghiên cứu (Tông Trung Tín 2013). Tuy nhiên từ góc độ lý thuyết, phương pháp và thực hành có thể nói một cách khách quan, khảo cổ học Việt Nam còn xa mới đạt được trình độ ngang tầm thế giới tiên tiến, bất chấp rất nhiều nỗ lực cá nhân và nỗ lực tập thể.
Bước chân vào khoa học, bất cứ là ngành khoa học nào mỗi người nghiên cứu cần phải trang bị cho mình những hành trang tối thiểu về kỹ năng, về lý thuyết và phương pháp, đối với khảo cổ học, cả lý thuyết và cả thực tế đều có tầm quan trọng như nhau, không thể làm khảo cổ học nếu chỉ có lý thuyết suông cũng như không thể làm khảo cổ học nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế! Đa phần sách về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khảo cổ học bằng tiếng Ρháp và tiếng Anh, với trình độ ngoại ngữ hạn chế, trang bị kiến thức triết học hạn hẹp, do vậy lý thuyết và phương pháp luận trở thành một thách thức lớn đối với những người nghiên cứu khảo cổ Việt Nam, hiện nay hơn lúc nào hết khảo cổ học một khoa học liên ngành, hiện đại, nhiều tiềm năng và rất dễ hội nhập, giao lưu với thế giới. Khảo cổ học hiện nay sử dụng rất nhiều tiến bộ mới nhất của khoa học công nghệ: phần mềm xử lí, máy đo đạc, công nghệ gen, ADN, kĩ thuật 3D… Người làm khảo cổ cần rất nhiều kĩ năng, từ vẽ, sử dụng bản đồ đến chụp ảnh, quay video, xử lí máy tính… Khai quật chỉ là một công đoạn, quan trọng hơn là cách xử lí, đánh giá thông tin thu nhận để cho ra những kết luận giá trị, bởi vậy người làm khảo cổ cần kiến thức nền rất rộng, cả kiến thức về khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên và càng tốt nếu người ấy có cả thiên hướng am hiểu về nghệ thuật, công nghệ, kĩ thuật.
Mọi nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn hiện nay đều theo xu hướng đa/liên ngành, tuy nhiên nếu so sánh với một số ngành khoa học lịch sử và nhân học khác khảo cổ học – từ đối tượng đến mục tiêu nghiên cứu của mình thì nhu cầu và sự cần thiết của việc phải sử dụng các tri thức và phương pháp liên ngành xã hội nhân văn, kỹ thuật, tự nhiên, công nghệ cấp thiết và ở mức độ cao hơn rất nhiều. “khảo cổ học là ngành khoa học cần và không ngừng có sự cập nhật với các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại để mở rộng và nâng cao nội dung và chất lượng nghiên cứu; với cả xu hướng mới về tin học hóa, hiện đại hóa các hoạt động điền dã – giám định nghiên cứu khảo cổ học trong chừng mức có thể ứng hợp được”[9]. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được chiến lược và định hướng đúng đắn, khả thi cho việc phát triển ngành khảo cổ Việt Nam: Hiện đại về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu; Khách quan, chính xác về kết quả nghiên cứu; Thiết thực, Cập thời đáp ứng nhu cầu phát triển của dân tộc, đất nước và Hòa dòng với Khảo cổ học Thế giới[10].


Tài liệu dẫn
Bulkin V.A, Leo S.Klejn, G.S.Lebedev 1982, Attainments and Problems of Soviet Archaeology, World Arrchaeology, Vol.13, No.3, Regional Traditions of Archaeological research II (Feb., 1982), 272-295.
Đỗ Lai Thuý. GS. Hà Văn Tấn, vị giáo sư khảo cổ học và hành trình theo dấu văn hoá http://www.vusta.vn/vi/news/Guong-hoat-dong-KHCN/GS-Ha-Van-Tan-vi-giao-su-khao-co-hoc-va-hanh-trinh-theo-dau-van-hoa-9616.html, truy cập ngày 28.8.2017.
Hà Văn Tấn 1996, Bài giảng chuyên đề sau đại học ″Các Trường phái Khảo cổ học Hiện đại″, Tư liệu lưu ở Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội.
L S Klejn 2012, ″Soviet Archaeology: Trends, Schools, and History″ (translated by R Ireland and K Windle), Oxford: Oxford University Press (Oxford Studies in the History of Archaeology Series).
Lâm Thị Mỹ Dung 2011,″ Liên ngành trong nghiên cứu khảo cổ học -Từ lý thuyết đến ứng dụng″, in trong Kỷ yếu HTKH ″SỬ HỌC VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP VÀ TOÀN CẦU HÓA: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN”, Nxb.ĐHQG Hà Nội 2011, từ trang 190 đến trang 207.
Ludomir R. Lozny (chủ biên) 2017, Archaeology of the Communist Era, Sringer.
Nguyễn Tôn Kiểm 2013, ″Tản mạn đôi điều nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Khảo cổ học″, in trong ″45 năm Viện Khảo cổ học (1968-2013)″, Nxb KHXH, Hà Nội.
Phạm Đức Mạnh 2001, ″Sự tiến triển của nền Khảo cổ học Dân tộc và một số vấn đề liên quan đến công tác đào tạo chuyên gia hiện đại″, in trong “Khoa học Xã hội và Nhân văn bước vào thế kỷ XXI”, NXB Tp. HCM, 2001, tr.141-158
Phạm Đức Mạnh 2008, ″Sử liệu khảo cổ học dưới góc độ lưu trữ, khám phá và khai thác chuyên sâu″ in trong “Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy lịch sử”, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2008, tr.202.
Sarunas Milisauskas 2015, ″A Russian Perspective on Theoretical Archaeology: The Life and Work of Leo S. Klejn. Stephen Leach″, Walnut Creek, CA: Left Coast Press.
Tống Trung Tín 2013, Viện Khảo cổ học Việt Nam 45 năm thành lập và phát triển, in trong 45 năm Viện Khảo cổ học (1968-2013), Nxb KHXH, Hà Nội.
Trần Quốc Vượng 2004, Khảo cổ học Việt Nam, nơi hội tụ của khoa học, lịch sử và văn hóa, http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/11723402-.html, truy cập ngày 31.8.2017.
Ρhạm Văn Đồng 1969, ″Bài nói tại Hội nghị Nghiên cứu Thời kỳ Lịch sử Hùng Vương″, Tạp chí  Khảo cổ học số 1.



Chú thích
[1] Khái niệm khảo cổ học Xô - viết dùng để khoanh khoa học khảo cổ vào một không gian xác định và thời gian cụ thể.
[2] Rất tiếc trong cuốn sách này không có bất cứ dòng nào về khảo cổ học Việt Nam, trong khi tất cả các nước xã hội đã và đang theo con đường của chủ nghĩa xã hội, từ Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu, Bắc Triều Tiên, Cu Ba đến các nước Meso America đều được điểm tên.
[3]Khi chúng tôi tốt nghiệp cử nhân khoa Sử (1956) thầy tôi là GS. Đào Duy Anh nói: "Bây giờ, không có môn Khảo cổ học, cần bắt đầu từ đầu". Tôi được phân công đọc sách chữ Hán về khảo cổ Trung Quốc, sách chữ Nga về khảo cổ Liên Xô... để ba năm sau (1959) chính thức mở đầu môn KCHVN tại khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Trần Quốc Vượng 2004).
[4] Gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, nhân lực người Việt của Khảo cổ học Việt Nam là con số 0. Ngoài một số thư ký khảo cổ học (KCH) đã làm việc cho Pháp như cụ Trần Huy Bá, Lê Xuân Động, bà Hoàng Thị Thân, thì không có một nhà nghiên cứu KCH nào. Tuy nhiên, người Pháp đã làm nhiều việc cho nền Khảo cổ học Việt Nam (KCHVN). Phần lớn những người Pháp được phân công sang Việt Nam để nghiên cứu địa chất, tiến hành khai thác thuộc địa đều là những nhà địa chất học, do ngẫu nhiên tìm ra những di chỉ KCH và từ đó họ bước vào nghiên cứu (Trần Quốc Vượng 2004).
[5] Theo Hoàng Xuân Chinh, trước khi thành lập Đội Khảo cổ học bộ phận bảo tồn bảo tàng đã tiến hành một số cuộc huấn luyện và khai quật khảo cổ học. Lớp huấn luyện do chuyên gia Trung Quốc dạy và sau đó là thực tập khai quật ở một số di tích thời Đông Sơn và thời Bắc thuộc (Hoàng Xuân Chinh 2013: 317).
[6] Trần Quốc Vượng luôn nhìn khảo cổ học bằng con mắt văn hóa, sát hơn địa - văn hóa. Còn Hà Văn Tấn thì nhìn nó bằng con mắt của chính nó, nên đi rất sâu vào nó, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật chế tác. "Dựa vào lý thuyết đó, Hà Văn Tấn tâm sự, tôi đã coi nghiên cứu khoa học như một hoạt động, có đối tượng hoạt động là đối tượng của khoa học và chủ thể hoạt động là nhà khoa học. Cho đến nay, tôi vẫn tâm đắc với cách trình bày của mình. Cách trình bày đó không những đã dựng được mô hình cấu trúc - hệ thống của phương pháp luận, mà còn định nghĩa dễ dàng các khái niệm như phương pháp, phương pháp luận". (Đỗ Lai Thuý).
[7] Thủ tướng Ρhạm Văn Đồng trong bài nói chuyện của mình đã nhắc nhở nghiên cứu khảo cổ cần thận trọng, lượng sức, khai quật đi liền với bảo vệ di tích, di vật, nghiên cứu liên ngành và học hỏi không ngừng, sự cần thiết của việc học ngoại ngữ.... cũng đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng "đáng lẽ phải đưa ra toà" và đã dành một phần không nhỏ để nhắc "khoa học là tập thể, là công trình của nhiều người, đòi hỏi sự đoàn kết ... nói không đâu xa, trong giới các đồng chí làm khảo cổ, số người không đông lắm mà có một thời gian đã từng diễn ra những chuyện xấu, không đoàn kết với nhau, không hợp tác với nhau. Trái lại, có một vài người còn công kích với nhau, thậm chí đối đãi với nhau như thù địch"(Ρhạm Văn Đồng 1969:5-14).
[8]Cũng cần nói thêm sau CTTG thứ II, tinh thần dân tộc cực đoan và đề cao quá mức vai trò của tinh bản địa trong văn hoá Đông Nam Á là tinh thần chung của các quốc gia dân tộc, không phải độc quyền của Khảo cổ học Xô-viết hay Khảo cổ học Mác-xít, đó cũng là tinh thần chung của Khảo cổ học phương Tây, từ chủ nghĩa truyền bá cực đoan chuyển sang chú ý đến những thành tựu của các dân tộc vùng ngoài châu Âu, những nghiên cứu khảo cổ học ở Thái Lan vào những năm 60 cho thấy rõ tinh thần này.
[9] Phạm Đức Mạnh 2008, tr.202.
[10] Lâm Thị Mỹ Dung 2011

Bài in trong sách “Ảnh hưởng của trường phái Xô-viết trong nhân học ở Việt Nam”. Nguyễn Văn Sửu (chủ biên), Nxb ĐHQG Hà Nội 2019, tr.131-148.

GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung

Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử
Giám đốc Bảo tàng Nhân học
Trường ĐHKHXH và NV, ĐHQG Hà Nội.
336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.