KHẢO CỔ HỌC
ĐỊNH
NGHĨA VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
Khảo
cổ học là khoa học về thời kỳ cổ xưa theo nghĩa các nhà
khảo cổ học điều tra, tái hiện và diễn giải nguồn gốc, sự phát triển, hành
vi và xã hội của con người trong quá khứ dựa trên các dấu tích vật chất và đặc
điểm thể lý của con người để lại trong lòng đất, trên mặt đất, và dưới nước.
Khảo cổ học có ba mục tiêu chính, đó là xác lập niên đại của
hiện vật và di tích khảo cổ, phục dựng lối sống của con người trong quá khứ từ
di tích cụ thể đến môi trường sống, và diễn giải xã hội con người trong quá khứ
theo các chiều cạnh thời gian, không gian và văn hóa (Hán Văn Khẩn (cb)
2008:54).
Khảo cổ học đã manh nha từ lâu
trong lịch sử thông qua những ham muốn sở hữu những vật kỳ thú và tò mò về quá
khứ đến những sưu tập cổ vật. Tuy vậy, những cuộc khai quật khảo cổ học đầu
tiên chỉ bắt đầu vào thế kỷ XVIII và đến giữa thế kỷ XIX thì khảo cổ học hiện
đại ra đời. Các nhà khảo cổ học lúc đó đã xác định những nguyên lý cơ bản của
khai quật khảo cổ học dựa trên các nguyên lý sau:
-
Nguyên lý chồng xếp của sự hình thành tầng đất địa chất: Sự hình
thành các lớp trầm tích văn hóa trong quá khứ cũng theo nguyên lý này và như vậy
cần tiến hành khai quật theo trật tự hình thành từ trên xuống dưới các tầng đất
chứa dấu vết hoạt động của con người để thiết lập quá trình thành tạo tầng văn
hóa từ dưới lên trên tức từ sớm đến muộn.
-
Nguyên lý về tính cổ xưa của loài người (phản ứng lại quan điểm
của Kinh Thánh về nguồn gốc con người).
-
Nguyên lý dựa quan điểm tiến hóa sinh học: đề cao khả năng thích
nghi của con người và tiến hóa văn hóa theo nghĩa phân chia văn hóa thành ba
thời đại phát triển từ thấp lên cao: thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và thời
đại đồ sắt
-
Nguyên lý kết hợp tài liệu dân tộc học về lối sống của các cư dân
cổ với các phát hiện của các khoa học tự nhiên và sử dụng các kỹ thuật tiên
tiến đặc biệt là các phương pháp lý hóa phân tích niên đại tuyệt đối.
Từ những năm 1960, nhà khảo cổ học người Mỹ là Lewis Binford
(1931-2011) bắt đầu phát triển hướng nghiên cứu mới cho nhân học khảo cổ, được
gọi là khảo cổ học mới, và khác biệt so với cách nghiên cứu khảo cổ học truyền
thống (khảo cổ học giai đoạn trước đó) ở một số điểm. Thứ nhất, trong khi khảo
cổ học truyền thống
thiên về giải thích lịch sử thì khảo cổ học mới không chỉ giải thích lịch sử mà
còn nghiên cứu quá trình văn hóa và sự thay đổi về kinh tế, xã hội, và tái hiện
tổ chức xã hội và hệ tư tưởng. Thứ hai, khi khảo cổ học truyền thống nặng về mô
tả và tái hiện ảnh hưởng văn hóa này đối với văn hóa khác, sự kế thừa văn hóa từ
sớm đến muộn theo những phương pháp quy nạp và diễn giải lịch sử thì khảo cổ học
mới phân tích và lý giải văn hóa như một hệ thống nhỏ trong một hệ thống lớn,
và chú ý đến các yếu tố xã hội, tư tưởng, thương mại, nhân khẩu … chứ không chỉ
là chỉ phân loại hình học các hiện vật như khảo cổ học truyền thống thường làm.
Tuy nhiên, hai trường phái truyền thống và mới trong khảo cổ học ở Mỹ không
thay thế nhau mà bổ sung cho nhau. Bởi lẽ, cả hai trường phái này đều cố gắng sử
dụng tri thức khoa học hiện đại và phương pháp luận tiên tiến để xử lý và phân
tích dữ liệu nhằm tái hiện quá khứ nhân loại ở mọi chiều kích. Theo cách đó, khảo
cổ mang tính liên ngành cao, và là ngành khoa học XHNV ứng dụng nhiều nhất các thành
tựu khoa học tự nhiên và kỹ thuật để tạo ra các công trình khảo cổ học có giá
trị (Lâm Thị Mỹ Dung 2012: 231-251).
Tuy nhiên, khảo cổ học ở Liên bang Xô-viết và các quốc gia xã hội chủ
nghĩa có một số điểm khác biệt với khảo cổ học ở Mỹ và các quốc gia phương Tây
tư bản. Bởi lẽ, trong nền khảo cổ học Xô-viết, quan điểm lý luận của chủ nghĩa
Mác-Lênin với hạt nhân tư tưởng của tiến hóa luận duy vật lịch sử đã chi phối
toàn bộ các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy khảo cổ học. Trong lịch sử khảo cổ
học Xô-viết, một số nhà khảo cổ học tiêu biểu như V.A.Gorodtsov, Leo Klejn,
Nicolai Marr, Sergey A.Semonov… đã có ảnh hưởng lớn đến nền khảo cổ học thế giới.[1] Tất nhiên trong những thập kỷ đầu của thế kỷ
21 này ranh giới giữa KCH phương Tây/Mỹ với KCH XHCN càng ngày bị xóa nhòa và sự
ảnh hưởng qua lại ngày càng lớn. Tính chất liên ngành của KCH hiện đại và ứng dụng
công nghệ tiên tiến, kỹ thuật không xâm lấn, thuật toán... đã làm cho các trường
phái KCH theo hệ thống chính trị hay khu vực địa lý xích lại gần nhau và gặp
nhau ở nhiều phương diện.
Khảo cổ học thường được phân chia theo các chủ
đề nghiên cứu hay theo các tiếp cận lý thuyết. Phân chia theo chủ đề nghiên cứu
tạo nên các chuyên ngành như Khảo cổ học môi trường, Khảo cổ học dân tộc học,
Khảo cổ học dưới nước, Khảo cổ học nông nghiệp, Khảo cổ học đô thị, Khảo cổ học
pháp y, Khảo cổ học di sản, Khảo cổ học cộng đồng ... (Colin Renfrew và Paul Bahn 2016:12) (hình 1). Phân chia theo cách tiếp
cận lý thuyết làm hình thành những tên gọi quen thuộc như Khảo cổ học thực dân,
Khảo cổ học hậu thực dân, Khảo cổ học Tây Âu, Khảo cổ học Bắc Mỹ, Khảo cổ học Mác-xít,...
(Lâm Thị Mỹ Dung 2019: 134-148).
Hình 1. Hình ảnh từ trưng
bày Khảo cổ học Cộng đồng di tích Vườn Chuối
Sự phân chia hay kết hợp các
phân ngành khảo cổ học liên tục có những thay đổi hợp thời với những tiến bộ và
đánh giá lại trong nghiên cứu khảo cổ học, ví dụ những năm gần đây khi ứng dụng
các công nghệ thông tin trong khảo cổ học, đặc biệt là trong bảo vệ, bảo tồn,
phục dựng cũng như sử dụng di sản khảo cổ học với các kỹ thuật thực tế ảo 3D, thực tế ảo tăng cường, chụp chuyển động, viễn
thám, quét laser, hệ thống thông tin địa lý dựa trên hệ thống định vị toàn cầu
(GPS)…đã thúc đẩy sự hình thành của Khảo cổ học điện toán (Computational
archaeology) (hình 2) .
Hình
2. Áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trong bảo tồn và phục dựng di sản
KCH (https://www.arkeotekno.com/pg_305_application-of-augmented-reality-technologies-in-archaeology)
Một số hiểu lầm thường gặp về khoa học khảo cổ. Khảo cổ học không phải là
Cổ sinh vật học nghiên cứu những sinh vật đã tuyệt diệt hay những sinh vật từng
sống trong thời cổ đại và tiến hóa đến ngày nay như khủng long, voi ma mút… Khảo
cổ học không phải là đi đào trộm mộ cổ, các di tích cổ … để tìm kiếm cổ vật với
mục đích buôn bán, trao đổi. Khảo cổ học cũng không phải đi kiếm tìm kho báu,
càng không hướng tới những thứ siêu linh, giải mã lời nguyền và ma thuật… như
nhiều phim ảnh và truyện trinh thám thường mô tả, v.v.
QUY TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC
Quy trình nghiên cứu khảo cổ học thường gồm
hai công đoạn chính diễn ra ở ngoài trời và trong phòng. Thứ nhất, những hoạt
động ngoài trời gồm điều tra và khai quật. Khai quật khảo cổ học có vai trò
trung tâm trong việc thu thập dữ liệu về đời sống của con người ở một thời kỳ
cụ thể trong quá khứ và những biến đổi qua thời gian trong sự tương tác trong
xã hội con người với nhau và giữa con người với tự nhiên. Để thấy được mối quan
hệ theo chiều thời gian (lịch đại), hoạt động khai quật khảo cổ học được tiến hành
theo các lớp đào từ trên xuống dưới dựa vào nguyên tắc địa tầng, càng ở dưới sâu
thì di tích và di vật càng có tuổi sớm hơn. Ví dụ, tại những hố khai quật địa
điểm Hoàng Thành Thăng Long, áp dụng đào theo diễn biến các tầng đất chứa dấu
tích của người xưa, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã nhận diện được những giai
đoạn hình thành và phát triển từ thời kỳ Đại La đến thời Nguyễn và từ đó liên
kết với những sử liệu thành văn để hình dung diện mạo kinh thành Thăng Long qua
các triều đại trong lịch sử Việt Nam. Một ví dụ khác là phức hợp di tích Vườn
Chuối ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, các nhà khảo cổ học đã khai quật và bóc lớp văn
hóa theo màu sắc và cấu trúc, từ đó phác họa được quá trình cư dân cổ thời Tiền
Đông Sơn và Đông Sơn đã kế thừa và mở rộng không gian sống theo xu thế lấn dần
xuống những vùng đất thấp như thế nào.
Để tìm hiểu những diễn biến đời sống quá khứ
theo chiều không gian (đồng đại), các hoạt động khai quật được thực hiện với
mục đích nhận diện bối cảnh của di tích và di vật tìm được. Khai quật bóc từng lớp
đất giống như lật đọc từng trang sách. Nhưng khác với đọc sách, người ta có thể
đọc lại trang vừa đọc, còn khai quật khảo cổ học thì không. Khai quật đến đâu,
dấu tích hoạt động của người xưa bị phá đến đấy (Jim Grant, Sam Gorin and Neil Fleming 2008:25).
Do vậy, khai quật khảo cổ học phải được tiến hành một cách khoa học, cẩn trọng
theo các nguyên tắc chuyên môn chặt chẽ (Hán Văn Khẩn (cb) 2008: 44-51) dưới sự
hướng dẫn của các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp và được Bộ Văn hóa Thể thao và
Du lịch cấp phép và sự đồng ý của địa phương. Những kết quả khai quật sau quá
trình xử lý phải được bàn giao cho các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và bảo
tàng tỉnh, nơi có di tích phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày và phát huy
giá trị văn hóa, lịch sử... Xu hướng hiện nay là khai quật khảo cổ học bền vững
để giữ lại cho thế hệ mai sau và gia tăng ứng dụng kỹ thuật không xâm hại đối
với những phức hợp di tích có diện tích rộng thuộc nhiều thời kỳ.
Thứ
hai là các nghiên cứu trong phòng. Công đoạn này còn được gọi là quy trình hay
giai đoạn hậu khai quật. Đây là công đoạn chỉnh lý, phân loại, đánh giá và phân
tích dữ liệu khảo cổ học bằng các phương pháp chuyên ngành của khảo cổ học kết
hợp với các phương pháp liên ngành và kỹ thuật khác. Như vậy, quá trình tìm tòi
hiện vật tại hiện trường và khát vọng khám phá đầy trí tuệ khoa học trong phòng
thí nghiệm để phân tích và diễn giải hiện vật gắn kết với nhau, quan trọng như
nhau. Một nhà khảo cổ học danh tiếng của Việt Nam là giáo sư Trần Quốc Vượng
(1934-2005) đã gói quy trình này vào năm chữ Đ trong tiếng Việt (Đọc – Đi – Đào
- Đau đáu - Đầu) để giải quyết những vấn đề bắt đầu bằng năm chữ W và một chữ H
trong tiếng Anh (What, When, Who, Where, Why và How?).
Về mặt phương pháp luận, với đối tượng nghiên cứu là quá khứ của
nhân loại, các nhà khảo cổ học thu thập và diễn giải tài liệu khảo cổ học. Kết
hợp hai công đoạn ở ngoài hiện trường và trong phòng, thông qua sử dụng nhiều
kỹ thuật, máy móc và phần mềm máy tính phù hợp, các nhà khảo cổ học không chỉ thu thập được các dữ liệu vật
chất, vật thật như công cụ, dụng cụ, di tích nhà ở, mộ táng, tượng đài, công
trình tôn giáo…, mà còn là sử liệu từ nhiều nguồn tài liệu khác và dữ liệu môi
trường để tái hiện lại các xã hội hay các hiện tượng trong quá khứ. Trong thực tế, các kỹ thuật thu thập, phân tích và diễn
giải dữ liệu của mỗi loại hình khảo cổ học khá đa dạng, từ những kỹ thuật đơn
giản như dùng bay và chổi quét từng hạt bụi ở hố khai quật cho đến các phương
tiện hiện đại như bay máy bay trên trời dùng kỹ thuật LIDAR siêu âm mặt đất
đánh dấu tàn tích đô thị, đền đài ẩn sâu dưới lòng đất, sử dụng thiết bị bay
không người lái (drone) xác định phạm vi di tích, nhận diện các dấu tích còn lại
cũng như mức độ biến đổi bề mặt (hình 3). Các nhà khảo cổ học cũng tỉ mẩn phân
loại những mảnh gốm thu được trong khai quật, phân tích chút cặn còn lại trong
nồi gốm để biết người xưa ăn gì và chế biến thức ăn thế nào, sử dụng kỹ thuật X
quang soi chụp di vật, di thể người, động vật... đến sử dụng trí tuệ nhân tạo
trong phân tích dữ liệu…
Từ cuối thế kỷ XX, với sự ra
đời của công nghệ máy tính, công nghệ viễn thám, lưu trữ dữ liệu số, thực tế ảo,
mô phỏng máy tính, máy ảnh kỹ thuật số và sử dụng nhiều hơn các ngành khoa học
cơ bản bao gồm từ phân tích DNA... đến phân tích đồng vị hóa học của các chất
liệu hữu cơ và vô cơ, và những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực biến
đổi khí hậu, thảm họa môi trường, dịch bệnh... đã giúp các nhà khảo cổ học nhận
diện chính xác hơn nguyên nhân của sự hình thành và biến mất của các nền văn
hóa khảo cổ, của những đợt di dân và lan truyền văn hóa, ngôn ngữ... (Bellwood
Peter 2005). Việc sử dụng các đồng vị phóng xạ khác nhau cho phép các nhà khảo
cổ học xác định niên đại của các mẫu vật có nguồn gốc sinh học và địa chất với
độ chính xác cao. Tuy nhiên, phương pháp xác định niên đại đồng vị phóng xạ có
thể không thích hợp cho những trường hợp từ sau những năm 1940, khi bom hạt
nhân, lò phản ứng hạt nhân và các vụ thử hạt nhân ngoài trời gây ra nhiều thay
đổi trong khí quyển, mẫu vật từ bất cứ vật gì chết sau thời điểm đó sẽ khó được
xác định niên đại chính xác (Marshall Brain 2020). Có thể nói, các nhà
khảo cổ học đã khai thác tối đa những tiến bộ của các khoa học tự nhiên, sinh học,
môi trường học… để triển khai nghiên cứu khảo cổ học.
Hình 3. Sử dụng drone khảo sát mức độ biến đổi của di
tích Thành Dền, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Lâm Thị Mỹ Dung và cộng sự.
KHẢO CỔ HỌC VIỆT NAM: NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG VÀ
ĐÀO TẠO
Ở Việt Nam, khoa học khảo cổ được hình thành từ thời Pháp thuộc với
ảnh hưởng mạnh của trường phái khảo cổ học lịch sử - văn hóa vốn bị chi phối mạnh
bởi truyền bá luận và tiến hóa luận đơn tuyến. Trong giai đoạn này, một số cơ
quan thực hiện nghiên cứu khảo cổ học gồm Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Bảo tàng
Luis Finot ở Hà Nội (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay) đã phát hiện một số nền
văn hóa khảo cổ ở Việt Nam.
Từ sau năm 1954, khảo cổ học Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới gắn nhiều với
khoa học lịch sử và sử dụng phương pháp luận chủ nghĩa duy vật lịch sử và duy vật
biện chứng Mác-Lênin. Những thập niên 1950-1960 là dấu ra đời của các cơ quan
nghiên cứu và đào tạo khảo cổ học ở Việt Nam. Về đào tạo, vào năm 1960, tổ bộ
môn Khảo cổ học ra đời và đến năm 1967 thì trở thành Bộ môn Khảo cổ học thuộc
Khoa lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện nay, chương trình đào tạo khảo
cổ học được tổ chức và triển khai ở Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và một số trường đại
học khác. Ở phương diện cơ quan nghiên cứu, Đội Khảo cổ học của Việt Nam ra đời
và triển khai các nghiên cứu khai quật khảo cổ học từ những năm 1950, và đến năm
1968 Viện Khảo cổ học được thành lập.
Kết quả
nghiên cứu của các nhà khảo cổ học ở các đơn vị nghiên cứu, đào tạo và bảo tàng
ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã phát hiện và lý giải nhiều nền văn hóa khảo
cổ đáng chú ý của đất nước. Một số ví dụ có thể kể ra là văn hóa Tiền Đông Sơn
(Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun), văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sơn Vi, văn hóa
Hòa Bình, v.v. Trong nghiên cứu, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã vận dụng và cập
nhật được một số lý thuyết của khảo cổ học mới, và những phương pháp, kỹ thuật
tiên tiến, gắn với tăng cường hợp tác quốc tế để từng bước đạt được những kết
quả nghiên cứu ngày càng có chất lượng hơn trước (hình 4).
Khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều thành
tích đáng kể trong nghiên cứu phục dựng quá khứ của các cộng đồng cư dân đã từng
sinh sống trên lãnh thổ đất Việt Nam từ sơ kỳ thời đại đá cũ cho đến thế kỷ XIX
phục vụ thiết thực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Kế thừa những kết
quả của thời kỳ trước, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã liên tục khảo sát, phát
hiện và nghiên cứu các thời kỳ, các văn hóa khảo cổ. Nhiều nền văn hóa khảo cổ
Việt Nam đã trở thành những văn hóa tiêu biểu, đại diện cho các thời kỳ khảo cổ
học Đông Nam Á, châu Á như văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Quỳnh
Văn, văn hóa Đa Bút (thời đại Đá mới cách đây từ trên 20.000 năm đến 5.000 năm),
văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh (thời đại Sắt sớm cách đây 2.500 năm), văn
hóa Óc Eo, văn hóa Champa…(thiên niên kỷ I đầu Công nguyên).
Hình 4. Hợp tác Việt-Úc khai quật Đền Đồi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) năm 2018.
Ảnh: Lâm Thị Mỹ Dung.
Những
nghiên cứu khảo cổ học góp phần quan trọng trong tìm hiểu nguồn gốc, niên đại của
quá trình lịch sử văn hóa dân tộc, như những dấu tích văn hóa Đông Sơn cho
chúng ta những nhận thức khoa học khách quan về nền tảng bản địa của các nhà nước
sớm Văn Lang, Âu Lạc bên cạnh những tiếp xúc và giao lưu bằng nhiều hình thức
khác nhau với khu vực và thế giới. Quá trình kế thừa và biến đổi văn hóa từ thời
Lý – Trần – Lê – Nguyễn được bộc lộ càng ngày càng rõ nét qua khai quật Hoàng
Thành Thăng Long... Những nghiên cứu khảo cổ học cung cấp những chứng cứ rõ
ràng về sự đóng góp của các cộng đồng cư dân khác nhau trong quá trình hình
thành văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng và định vị văn hóa Việt Nam
trong bối cảnh khu vực và quốc tế. Những di tích và di vật của các nền văn hóa
Champa và Óc Eo cho thấy sự hiện diện và phát triển của những vương quốc thời Cổ
Trung đại trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay và góp phần tạo dựng các giá trị văn
hóa giàu có về vật chất, phong phú về tinh thần mà các thế hệ con cháu người Việt
Nam đang cùng nhau kế thừa, bảo vệ và phát huy. Những khám phá và phát hiện khảo
cổ học giúp khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trong bối cảnh phức tạp của
khu vực và thế giới những năm gần đây.
Kết quả
nghiên cứu khảo cổ học đóng góp đáng kể trong việc làm hồ sơ đệ trình UNESCO
ghi vào danh sách di sản thế giới (như Cố đô Huế, Khu di tích Mỹ Sơn, Đô thị cổ
Hội An, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Khu di tích Tràng An…) và danh
sách di sản các cấp ở Việt Nam cũng như công nhận bảo vật quốc gia. Hầu hết các
bảo tàng Lịch sử cấp Trung ương và cấp tỉnh đều được xây dựng dựa trên những
sưu tập hiện vật khảo cổ học và những thông tin liên quan thu được từ những cuộc
khai quật. Thông qua các hoạt động này, những giá trị nhiều mặt bao gồm cả giá
trị kinh tế của các di tích và di vật đã được phát huy trong đời sống xã hội một
cách hữu hiệu và người dân càng ngày càng biết về nghề khảo cổ và công việc khảo
cổ cũng như vai trò của khảo cổ học trong phát triển bền vững của xã hội hiện tại
và tương lai. Tri thức khảo cổ học được ứng dụng
rộng rãi trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa, bảo tồn, bảo tàng, quản lý di sản,
công nghiệp sáng tạo, du lịch, truyền thông, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật,
mỹ thuật, v.v.
Khảo cổ học Việt Nam hiện nay đang nỗ lực
không ngừng để khai thác những trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật khai quật và xử
lý hậu khai quật tiệm cận với trình độ quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực khảo cổ
học có chất lượng, đóng góp nhiều và hiệu quả hơn nữa cho tiến trình phát triển
bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa, và biến đổi khí hậu.
Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG Hà Nội luôn được đánh giá là địa chỉ đào
tạo và nghiên cứu khảo cổ học uy tín, chất lượng cao. Hầu hết các thế hệ những
người làm khảo cổ ở Việt Nam đều xuất phát từ nôi đào tạo này. Hiện nay, việc
đào tạo hơn lúc nào hết gắn với nghiên cứu, thực hành thực tế và áp dụng các
công nghệ mới, các kỹ thuật tiên tiến và kiến thức liên ngành với phương châm HỌC
– HỎI – HÀNH – HIỂU và nguyên tắc “CẦM TAY CHỈ VIỆC” (hình 5,6). Chính vì vậy, các
cử nhân ngành Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học với tri thức liên ngành, nắm vững
nhiều kỹ năng nghề như chụp ảnh, vẽ, sử dụng các thiết bị kỹ thuật dò tìm, bay
lượn, thành thạo nhiều phần mềm máy tính và đam mê lịch sử văn hóa dân tộc,
nhân loại... có khả năng làm việc không chỉ trong khảo cổ học mà còn ở nhiều
lĩnh vực rộng hơn, có tính đa ngành và liên ngành như lịch sử, văn hóa, nghệ
thuật /mỹ thuật, du lịch, luật, bảo tồn,
bảo tàng, báo chí truyền thông, quản lý văn hóa, quảng cáo...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Colin Renfrew
và Paul Bahn (2016), Archaeology:
Theories, Methods and Practice, in lần thứ 7, Nxb Thames & Hudson,
London.
David Clarke (1973), Archaeology: The Loss
of Innocence, Antiquity, 1973 (47)
Hà
Văn Tấn (1996), Khảo cổ học lý thuyết – Giáo trình đào tạo sau đại học chuyên
ngành khảo cổ học. Viện Khảo cổ học Hà Nội
Hán Văn Khẩn
(cb) (2008), Cơ sở Khảo cổ học, Nxb
ĐHQG Hà Nội
Lâm
Thị Mỹ Dung (2012), Liên ngành trong nghiên cứu khảo cổ học: Từ lý thuyết đến
ứng dụng”, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội
nhập và toàn cầu hoá”, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 231-251.
Lâm Thị Mỹ Dung (2019), Trường
phái Xô-viết trong Khảo cổ học Việt Nam, in trong Nguyễn Văn Sửu (cb), Ảnh hưởng của Trường phái Xô-viết trong Nhân
học Việt Nam, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.134-148
Marshall
Brain, How Carbon-14 Dating Works, https://science.howstuffworks.com/environmental/earth/geology/carbon-14.htm#pt0, truy cập ngày
1.8.2020
Donn Bayard (1992), Model, scenarios,
variables and supposition; approaches to the rise of social complexity in
Mainland Southeast Asia, 700 BC-AD 500, in trong Ian Glover, Pornchai Suchita,
John Villiers (cb), Early Metallurgy,
Trade and Urban Centres in Thailand and Southeast Asia 13 Archaeological Essays,
Whitle Lotus, Bangkok
Bellwood Peter (2005), FIRST FARMERS
– the Origins of Agricultural Societies. Blackwell Publishing Ltd.
Jim Grant, Sam Gorin và Neil Fleming (2008) The Archaeology Coursebook An introduction
to themes, sites, methods and skills, in lần thứ ba, Routledge.
VỀ TÁC GIẢ
Lâm Thị Mỹ Dung. Tiến sĩ Khảo cổ học (Đại học Tổng hợp Kliment
Okhridski, Sofia, Bulgaria, 1987), Giáo sư, giảng viên cao cấp, Trưởng Bộ môn
Khảo cổ học, Giám đốc Bảo tàng Nhân học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các hướng nghiên cứu chính: Thời đại Kim khí
Việt Nam, Khảo cổ học Đông Nam Á thời Tiền và Sơ sử, Khảo cổ học Champa, Lý
thuyết và Phương pháp Khảo cổ học, Khảo cổ học Cộng đồng, Di sản học, Lý thuyết
và Phương pháp Văn hóa học.
[1]Lâm Thị Mỹ Dung 2019, Trường phái
Xô-viết trong Khảo cổ học Việt Nam, in trong Nguyễn Văn Sửu (cb), Ảnh hưởng của Trường phái Xô-viết trong Nhân
học Việt Nam, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.134-148